Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng
Chư Vị Tri Thức
CHÁNH VĂN:
(14) Hòa thượng bảo chư vị tri thức: Nếu muốn liễu đạt được pháp giới sâu xa, phải trực nhập nhất hạnh tam-muội. Nếu người nhập tam-muội này, trước phải trì tụng kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật, tu học Bát-nhã ba-la-mật. Cho nên kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật nói: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm Bồ-đề đối với kinh này những đến bốn câu kệ… thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói, phước người này hơn người kia. Thế nào là vì người diễn nói? Không chấp ở nơi tướng, không chấp nơi tướng, đó là như như. Thế nào gọi là như như? Vô niệm. Thế nào là vô niệm? Nghĩa là không nghĩ có không, không nghĩ thiện ác, không nghĩ có bờ mé không bờ mé, không nghĩ có hạn lượng không hạn lượng, không nghĩ Bồ-đề, không dùng Bồ-đề làm niệm, không nghĩ Niết-bàn, không dùng Niết-bàn làm niệm. Đó là vô niệm.
GIẢNG:
Ngài Thần Hội nói với các vị thiện tri thức:
Nếu muốn liễu đạt được pháp giới sâu xa, phải trực nhập nhất hạnh tam-muội.
Nhất hạnh tức là một hạnh, tam-muội là chánh định. Chúng ta tu muốn đạt được pháp giới thênh thang rộng lớn, trước nhất phải trực nhập nhất hạnh tam-muội. Muốn được nhất hạnh tam-muội phải trì tụng kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật. Tại sao vậy? Vì kinh Kim Cang Bát-nhã ba-la-mật dạy cho chúng ta biết rõ từ ngã cho tới tất cả pháp, hay nói đủ là ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tất cả pháp hữu vi vô vi, đều là giả danh không thật. Hiểu được tất cả pháp không thật, chúng ta mới được nhất hạnh tam-muội.
Vì vậy ở đây dẫn một đoạn kinh Kim Cang nói:
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm Bồ-đề đối với kinh này những đến bốn câu kệ… thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói, phước người này hơn người kia.
Tức có người thiện nam, người thiện nữ phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với kinh Kim Cang Bát-nhã, chỉ cần vì người diễn nói một câu kệ thôi, phước người này sẽ hơn phước của người bố thí vô lượng vô biên tài sản thế gian.
Nói như vậy nghe hơi khó hiểu. Tại sao khó hiểu? Làm tất cả việc phước đức không bằng thọ trì kinh Kim Cang. Nếu cho rằng thọ trì kinh Kim Cang để cầu phước đức nhiều là chưa hiểu kinh Kim Cang. Ở đây nói muốn phát tâm Vô thượng Bồ-đề tức là phát tâm cầu thành Phật, thì tất cả những việc như bố thí… không bằng ứng dụng kinh Kim Cang mà tu hành. Tại sao? Vì tất cả các việc đó có tướng là còn sanh diệt, còn sanh diệt là còn vô thường. Chỉ thấy rõ tất cả các tướng là hư dối, không thật, đó là chúng ta thấy được thật nghĩa của kinh Kim Cang. Thấy được thật nghĩa đó là do trí tuệ giác ngộ mà thấy, vì vậy nên gần Bồ-đề, còn các việc kia được phước hữu lậu của thế gian nên không bì nổi.
Thế nào là vì người diễn nói? Ngài dạy Không chấp ở nơi tướng, không chấp nơi tướng, đó là như như. Vì người diễn nói là không còn chấp một tướng nào thật, không chấp một tướng nào thật đó là gần với như như. Ví dụ ta đi ra ngoài đường thấy năm mười người đứng chung quanh, nhìn thấy tất cả mà không khởi nghĩ người này trắng kẻ nọ đen, người này đẹp kẻ kia xấu, như vậy là không chấp tướng. Thấy tất cả mà không bị hình tướng bên ngoài làm cho mình dấy niệm phân biệt so sánh, đối đãi, đó gọi là không chấp tướng.
Vậy dạy người thọ trì kinh Kim Cang là dạy không chấp tướng, chớ không phải dạy đọc từ chữ, từ câu. Chúng ta nghe nói thọ trì liền đem kinh ra tụng ngày này qua ngày kia, cho đó là trì kinh. Không phải vậy, thọ trì kinh Kim Cang là không chấp tướng. Do không chấp tướng nên tâm lặng lẽ, như như. Còn khởi niệm so sánh đối đãi là chấp tướng, chấp tướng thì tâm dấy động.
Thế nào gọi là như như? Vô niệm là như như. Chúng ta khi không còn chấp tướng, là tâm không còn dấy niệm, tâm không dấy niệm gọi là như như. Như vậy thấy như như đâu có khó. Khi không khởi nghĩ việc này việc kia, điều này điều nọ, lúc đó tâm mình không dấy động, mà không dấy động gọi là như như. Tâm ta như, tâm Phật cũng như, tất cả pháp đều như. Nếu tâm mình loạn động thì tất cả đều là động. Cho nên như như tức là vô niệm.
Thế nào là vô niệm? Nghĩa là không nghĩ có không, không nghĩ thiện ác, không nghĩ có bờ mé không bờ mé, không nghĩ có hạn lượng không hạn lượng, không nghĩ Bồ-đề, không dùng Bồ-đề làm niệm, không nghĩ Niết-bàn, không dùng Niết-bàn làm niệm. Đó là vô niệm.
Chỗ này giải thích nghĩa vô niệm rất rõ. Lâu nay chúng ta cứ nghĩ rằng niệm chúng sanh là có niệm, còn niệm Phật là vô niệm. Niệm chúng sanh tức là nghĩ người này người kia, tốt xấu v.v… cho đó là có niệm. Còn khi ta nghĩ nhớ Phật, nhớ Bồ-đề, nhớ Niết-bàn, như vậy là vô niệm chưa? Chưa phải vô niệm. Nghĩ tới danh hiệu Phật cũng chưa phải là vô niệm.
Vô niệm có ba: Thứ nhất là không nghĩ thiện ác. Thứ hai là không nghĩ hữu hạn vô hạn, hữu lượng vô lượng. Thứ ba là không nghĩ Bồ-đề Niết-bàn. Nếu nghĩ nhớ Bồ-đề Niết-bàn hoài cũng là hữu niệm, chớ chưa phải vô niệm. Như vậy để thấy rằng chúng ta tu nhiều khi tránh được niệm phàm tục, niệm chúng sanh nhưng lại mắc kẹt ở niệm Thánh, niệm Niết-bàn. Còn nghĩ bỏ cái xấu để được cái tốt, bỏ mê lầm để được Niết-bàn, bỏ cái này để được cái kia là còn nằm trong hữu niệm cả. Vô niệm là tâm trống lặng, không có một dấy nghĩ nào phát động, dù nghĩ tới Phật hay chánh pháp của Phật.
Lục Tổ chủ trương tu thứ nhất là “Vô niệm vi tông”, lấy vô niệm làm trọng yếu. Kế đó là “Vô tướng vi thể”, lấy không tướng làm thể. Cuối cùng là “Vô trụ vi bản”, lấy không dính kẹt làm gốc. Cả ba đều là nền tảng căn bản của sự tu. Nhưng ở đây ngài Thần Hội chỉ nói về vô niệm và vô trụ. Tại sao? Bởi theo kinh Kim Cang do Vô niệm mới “hàng phục được tâm”, do Vô trụ mới “an trụ được tâm”. Như vậy nói hai cái là đủ rồi, mà khi Vô niệm tự nhiên cũng được Vô tướng, vì đâu còn hình dáng gì mà có tướng. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy chỗ tu của mình đúng với kinh Kim Cang Phật dạy.
CHÁNH VĂN:
Vô niệm đó tức là Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ba-la-mật tức là nhất hạnh tam-muội.
GIẢNG:
Vô niệm tức là Bát-nhã ba-la-mật. Tại sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật là thấy tất cả các pháp không có tướng, không thật. Do thấy như thế nên tâm không dính, không chạy theo tất cả các pháp, đó là vô niệm. Tâm không dính không chạy theo các pháp cũng là chánh định nhất hạnh, chỉ còn một hạnh duy nhất là tâm an trụ vô niệm.
CHÁNH VĂN:
Chư tri thức, nếu ở nơi học địa tâm còn có niệm, tức có giác chiếu. Nếu tâm khởi liền diệt, giác chiếu tự mất tức là vô niệm.
GIẢNG:
Chư tri thức, nếu ở nơi học địa tâm còn có niệm, tức có giác chiếu.
“Chư tri thức” là chỉ tất cả những người học đạo, “học địa” là quả hữu học hay địa vị hữu học. Chúng ta còn ở học địa tức là còn trong giai đoạn tu học. Tâm vừa dấy niệm liền giác chiếu để dẹp phá, như biết niệm hư dối không chạy theo, đó là giác chiếu. Nếu tâm khởi liền diệt, tâm vừa dấy niệm mình soi thấy tức chiếu giác, nó liền diệt. Giác chiếu tự mất tức là vô niệm, niệm đã diệt rồi thì giác chiếu cũng lặng nên gọi là vô niệm.
Vừa thấy niệm khởi chúng ta liền giác chiếu, tức biết nó hư vọng thì nó lặng. Lặng chừng một hai phút hay năm ba giây, niệm khác nhảy lên, mình giác chiếu nữa thì nó lặng, niệm khác lại nhảy lên. Cứ thế mà giác chiếu hoài. Trong một buổi ngồi thiền hai tiếng, ta khởi chừng bao nhiêu niệm? Mỗi lần niệm khởi là mỗi lần mình giác chiếu, giác chiếu thì nó lặng. Nếu một trăm lần khởi là một trăm lần giác chiếu, như vậy đâu có mất mát gì. Nhưng chúng ta có bệnh cứ thấy niệm còn khởi là không chịu, lắc đầu than tu sao còn vọng hoài! Đâu phải mới tu là hết vọng được, phải khó khăn, nhọc nhằn lắm nó mới lặng. Nhưng trong thời gian niệm khởi, ta có giác chiếu nên niệm lặng, tức cũng có vô niệm trong đó rồi, chớ đâu phải hữu niệm hoài. Trong công phu tu, càng thưa niệm thì giác chiếu càng ít, càng ít giác chiếu thì vô niệm càng nhiều.
CHÁNH VĂN:
Vô niệm là không tất cả cảnh giới. Nếu như có tất cả cảnh giới, tức cùng với vô niệm không tương ưng.
GIẢNG:
Vô niệm tức là không tất cả cảnh giới. Không tất cả cảnh giới không có nghĩa là núi non người vật đều mất, mà không có những hình ảnh đó dấy khởi trong nội tâm mình. Bởi không tất cả cảnh giới nên mới gọi vô niệm. Vì vậy kinh Kim Cang dạy phải nhìn triệt để “các pháp hữu vi đều như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả pháp như mộng huyễn bào ảnh thì có gì dính với mình nữa, nên tâm không có các cảnh giới, đó là vô niệm.
CHÁNH VĂN:
Chư tri thức, người thật thấy, liễu đạt pháp giới sâu xa, tức là nhất hạnh tam-muội.
GIẢNG:
Người tu thấy đúng như thật, thấu suốt được pháp giới sâu xa, không có chừng ngằn, giới hạn. Hiểu được, thấu suốt được như vậy gọi là nhất hạnh tam-muội, tức chánh định nhất hạnh.
CHÁNH VĂN:
Thế nên, kinh Tiểu Phẩm Bát-Nhã Ba-la-mật nói: “Thiện nam tử, cái gì là Bát-nhã ba-la-mật? Đó là ở nơi các pháp mà không có sở niệm, chúng ta trụ ở trong pháp vô niệm mà được thân sắc vàng như thế, ba mươi hai tướng tốt, đại quang minh, trí tuệ không thể nghĩ lường. Chánh định vô thượng của chư Phật, trí tuệ vô thượng, tất cả các công đức chư Phật nói ra đều không thể hết, huống là Thanh văn, Duyên giác, Bích-chi Phật. Người hay được vô niệm, sáu căn không nhiễm; người được vô niệm, hướng về Phật trí. Người được vô niệm gọi là Thật tướng. Người được vô niệm là trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Người được vô niệm, công đức như hằng sa nhất thời đều đầy đủ. Người được vô niệm hay sanh tất cả pháp. Người được vô niệm, liền nhiếp tất cả pháp.
GIẢNG:
Đó là dẫn đoạn kinh Tiểu Phẩm Bát-nhã. Hỏi cái gì là Bát-nhã ba-la-mật? Bát-nhã ba-la-mật là ở nơi các pháp mà không có sở niệm. Sở niệm là gì? Ví dụ như bình hoa là pháp, ta nhìn thấy bình hoa mà không có niệm nào khởi lên như đẹp xấu… đó là đối với các pháp không có sở niệm.
Chúng ta trụ ở trong pháp vô niệm mà được thân sắc vàng như thế, ba mươi hai tướng tốt, đại quang minh, trí tuệ không thể nghĩ lường.
Đi đứng nằm ngồi, đối duyên xúc cảnh mà chúng ta đều không có niệm chạy theo một pháp nào, một vật nào, đó là chúng ta ở trong vô niệm. Ở trong vô niệm thì được thân sắc vàng ba mươi tướng, đại quang minh, trí tuệ không thể nghĩ lường, tức là được thành Phật, chớ không gì khác.
Như vậy chúng ta tìm Phật ở đâu? Ở chỗ vô niệm đó. Chỗ vô niệm có gì phải tìm? Chúng ta thường đi cầu Phật, mà Phật ở ngay cái vô niệm của mình. Khi không còn dính với sắc trần, không còn kẹt với tất cả âm thanh v.v… đó là ta đang vô niệm, đang là Phật hiện tiền, không có đâu xa hết. Có người nào không có quyền vô niệm không? Nếu có quyền vô niệm thì tại sao chúng ta không có quyền làm Phật? Những người nghĩ đời mạt pháp tu không thành Phật, rồi cứ lơ là qua ngày, tu gieo duyên đời sau tu nữa, chờ gặp Phật Di-lặc ra đời mới tu rút. Nghĩ như vậy là sai lầm lớn.
Chúng ta phải thấy một ngày sống vô niệm là một ngày làm Phật. Từ sáng tới chiều nếu được vô niệm thì có buồn có vui không? Vô niệm thì còn gì là buồn vui, còn gì là hơn thua phải quấy để tranh giành nữa. Vô niệm nhưng đi vẫn biết đi, nói vẫn biết nói, ăn vẫn biết ăn, đó là Phật sống rồi. Chúng ta muốn làm Phật sống hay làm Phật ngồi trên bàn. Làm Phật ngồi trên bàn buồn chết, không cục cựa nhúc nhích thì đâu gọi là hoạt Phật. Vì vậy nếu hiểu thấu chỗ này thì sự tu hành của chúng ta rất gần với Phật. Chỉ cần vô niệm thôi.
Chánh định vô thượng của chư Phật, trí tuệ vô thượng, tất cả công đức chư Phật nói ra đều không thể hết, huống là Thanh văn, Duyên giác, Bích-chi Phật.
Đây nói về chánh định, trí tuệ, công đức của chư Phật thì không thể lường, không thể kể hết, dù cho hàng Thanh văn Duyên giác nói cũng không hết.
Vậy chánh định của Phật, trí tuệ của Phật, công đức của Phật từ đâu có? Từ vô niệm mà có. Nếu sống được với vô niệm thì sẽ có chánh định vô thượng, trí tuệ vô thượng, công đức không thể nghĩ bàn. Lâu nay chúng ta thường ước mơ được chánh định vô thượng, được trí tuệ vô thượng, được công đức không thể nghĩ bàn. Ngài nói tất cả những ước mơ đó sẽ thành tựu từ vô niệm. Nghĩa là khỏi cần ước mơ gì hết, chỉ cần vô niệm là được. Cho nên đừng nghĩ vô niệm buồn quá, không còn gì nữa, mà tới đó sẽ có đầy đủ tất cả.
Người hay được vô niệm, sáu căn không nhiễm; người được vô niệm hướng về Phật trí.
Nếu chúng ta được vô niệm thì sáu căn không nhiễm. Đối với người, với cảnh bên ngoài dù đẹp, xấu vẫn thấy tất cả, nghe tất cả, biết tất cả mà không khởi nghĩ đẹp xấu, hay dở, lúc đó tâm vô niệm. Như vậy nhờ vô niệm sáu căn không dính, không mắc, không nhiễm, đó là hướng về Trí tuệ Phật. Nhiều khi tu được chút ít lặng lẽ đâm ra hoảng hốt, nhưng không ngờ chỗ lặng lẽ ấy là vô niệm, sẽ dẫn tới Trí tuệ Phật.
Người được vô niệm gọi là Thật tướng. Người được vô niệm gọi là Trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Người được vô niệm, công đức như hằng sa nhất thời đều đầy đủ. Người được vô niệm hay sanh tất cả pháp. Người được vô niệm, liền nhiếp tất cả pháp.
Ở đây Lục Tổ tán thán vô niệm, đặt nó là chủ chốt, là gốc của sự tu. Ngài Thần Hội cũng nói rõ cái gốc đó không phải chỉ người tu Thiền mới thấy, mà chính trong kinh Phật như kinh Tiểu Phẩm Bát-nhã đã giải rõ về điều này.
Đây là dẫn trong kinh để chứng minh vô niệm là căn bản, là nguồn cội của tất cả công đức và tất cả pháp. Thế nên biết chúng ta tu, thiết yếu là đến được chỗ vô niệm. Có vô niệm là đầy đủ tất cả, nhiếp phục được tất cả. Tóm lại đoạn này ngài Thần Hội lấy Vô niệm của Lục Tổ để giải thích cho chúng ta thấy đó là gốc của sự tu hành, là nhân để thành Phật. Đồng thời Ngài cũng dẫn kinh để chúng ta đủ lòng tin tu hành, không có nghi ngờ lui sụt.