LUẬN CỨU CÁNH NHẤT THỪA BẢO TÍNH
Hậu Ngụy Trung Ấn Độ Tam tạng Lặc-na-ma-đề dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 2

Phẩm 2: PHẬT BẢO

Phật thể không tiền tế,

Và không trung gian tế,

Cũng không có hậu tế.

Tịch tĩnh tự giác tri.

Mình đã giác tri rồi,

Muốn người khác giác tri.

Cho nên vì người nói,

Đạo thường hằng vô úy.

Phật thường năng chấp trì

Đao trí tuệ từ bi

Và chày kim cương mạnh

Cắt đứt các mầm khổ

Xô nát núi kiến chấp

Che lấp ý điên đảo

Và cả rừng phiền não

Nên nay con kính lễ.

Kệ nầy hiển thị nghĩa gì? Kệ nói:

Vô vi lễ tự nhiên,

Không y tha mà biết.

Từ bi cùng với lực,

Tự tha lợi đầy đủ.

Kệ này lược nói Phật bảo gồm 8 thứ công đức. Những gì là 8? Một là lễ vô vi. Hai là tự nhiên. Ba là không dựa vào người khác mà biết. Bốn là trí. Năm là bi. Sáu là lực. Bảy là tự lợi ích. Tám là tha lợi ích. Kệ nói:

Chẳng đầu chẳng giữa sau,

Tự tính: vô vi thể.

Pháp thể là vắng lặng,

Nên tự nhiên phải biết.

Chỉ nội thân tự chứng,

Nên không dựa khác biết.

Như vậy 3 giác tri,

Từ tâm là thuyết đạo.

Trí bi cùng với lực,

Nhổ khổ phiền não chích.

Ba câu đầu tự lợi,

Ba câu sau lợi tha.

Kệ này nói nghĩa gì? Xa lìa hữu vi là vô vi. Lại nữa phải biết hữu vi là pháp sinh trụ diệt. Không có hữu vi kia nên thể của Phật chẳng phải sơ trung hậu, nên được gọi là pháp thân vô vi. Phải biết kệ nói Phật thể không tiền tế, và không trung gian tế, cũng không có hậu tế. Lại xa lìa tất cả hý luận hư vọng phân biệt. Thể vắng lặng nên gọi là tự nhiên. Phải biết kệ nói vắng lặng nên không y tha biết, nghĩa là không y nhân duyên khác mà chứng tri. Không y nhân duyên khác mà chứng tri, nghĩa là không y nhân duyên khác sinh. Không y nhân duyên khác sinh, nghĩa là vì tự giác không y tha giác. Như vậy y nơi tướng pháp thân vô vi của Như Lai, nên tất cả Phật sự từ vô thủy đến nay, tự nhiên mà làm thường không ngừng nghỉ. Như vậy cảnh giới chư Phật hy hữu, không thể nghĩ bàn, không phải nghe từ người khác. Không nghe từ người khác là không nghe từ thầy, mà từ nơi cái thể vô ngôn của trí tự tại mà tự giác tri. Tự giác tri rồi, nhiên hậu vì chúng sinh mù lòa khác, khiến được giác tri cho chúng chứng được pháp thân vô vi, nên nói đạo vô thượng. Vì vậy gọi là trí bi vô thượng. Phải biết kệ nói mình đã giác tri rồi, muốn người khác giác tri, cho nên vì người nói, đạo thường hằng vô úy. Đạo thường hằng vô úy, là nói đạo vô úy là thường, là hằng, vì là pháp xuất thế gian không thoái chuyển. Như vậy lần lượt lại nhổ gốc rễ khổ não khác. Trí tuệ, từ bi và thần lực của Như Lai như vậy 3 câu thị hiện thí dụ đao, chày kim cương. Lại lấy cái gì làm gốc rễ của khổ? Lược nói đó là danh sắc, sinh trong 3 cõi. Lại nữa gốc rễ của phiền não là gì? Là thân kiến v.v…, hư vọng, tà kiến, nghi, giới thủ v.v… Lại nữa danh sắc là chúng bao gồm các mầm mống sinh khổ. Phải biết trí tuệ và tâm từ bi của Như Lai có thể cắt đứt phá hủy mầm mống ấy. Vì ý nghĩa đó ví dụ như đao. Kệ nói Phật năng chấp trì đao trí tuệ từ bi kia, nên cắt đứt các mầm mống khổ. Lại nữa tà kiến và nghi thâu giữ phiền não, xa lìa kiến đạo. Do trí thế gian không thể biết được, phiền não là rừng rậm không thể phá hoại, như rừng cây tường vách trong thế gian. Pháp tương tự kia dùng sức Như Lai có thể phá hoại. Vì vậy pháp ấy ví như chày kim cương. Cho nên kệ nói chày kim cương mạnh xô nát núi kiến chấp bao che ý phiền não và tất cả rừng rậm. Sáu câu này là trí tuệ trang nghiêm sáng suốt của Như Lai, vào trong tất cả cảnh giới Phật. Trong kinh lần lượt nói rõ cần phải biết. Phải biết như thế nào? Trong kinh nói: “ Văn-thù-sư-lợi ! Như Lai ứng chính biến tri không sinh không diệt.” Đó là nói tướng vô vi của Như Lai. Lại nữa, nói trong cảnh địa lưu ly thanh tịnh vô cấu, thân vua Đế Thích hiện trong gương v.v… Như vậy cho đến 9 thứ thí dụ đều nói rõ Như Lai không sinh không diệt. “ Lại nói: “ Văn-thù-sư-lợi ! Như Lai ứng chính biến tri, pháp thân thanh tịnh cũng như vậy chẳng động, chẳng sinh, tâm chẳng hý luận, chẳng phân biệt không phân biệt, chẳng tư không tư, chẳng nghĩ bàn, không niệm, tịch diệt tịch tĩnh, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng thể thấy, chẳng thể nghe, chẳng thể ngửi, chẳng thể nếm, chẳng thể chạm xúc, không các tướng, không thể hiểu, không thể biết.” Các câu như vậy đều nói tướng sai biệt của tịch tĩnh. Đây nói ý nghĩa gì? Nói Phật trong các việc làm, xa lìa tất cả hý luận phân biệt, tịch tĩnh tự nhiên. Tiếp nói còn các Tu-đa-la khác, trong đó nói như thật giác tri tất cả pháp môn, là nói Như Lai không y tha nên chứng đại Bồ-đề. Lại nữa nói Bồ-đề của Như Lai có 16 thứ. Cho nên kinh nói: “ Văn-thù-sư-lợi ! Như Lai như thật giác tri tất cả các pháp như vậy, quán sát tất cả pháp tính chúng sinh không thanh tịnh, có cấu uế, có khuyết điểm, phấn tấn trong chúng sinh đại bi hiện tiền. Đây là nói trí bi vô thượng của Như Lai. Văn-thù-sư-lợi phải biết ! Như Lai như thật giác tri tất cả các pháp như vậy.” Nghĩa là như trước đã nói vô thể là thể. Như thật giác tri, nghĩa là biết như thật vô phân biệt. Quán sát pháp tính của tất cả chúng sinh, nghĩa là cho đến tà tụ chúng sinh đều như pháp tính, pháp thể, pháp giới Như Lai tạng v.v… trong thân ta. Các chúng sinh cũng như vậy không sai khác vì con mắt trí của Như Lai biết rõ. Không thanh tịnh, là vì các phàm phu bị phiền não chướng. Có cấu uế, là vì các Thanh Văn, Bích-chi-phật v.v.. có trí chướng. Có khuyết điểm, là vì các Bồ-tát Ma-ha-tát còn y vào 2 chướng tập khí. Phấn tấn, là có thể biết như thật các phương tiện hóa độ chúng sinh, vào các môn phương tiện có thể hóa độ chúng sinh. Đại bi, là thành đại Bồ-đề, được tâm đại từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sinh vì muốn khiến tất cả chúng sinh kia được chứng trí như Phật. Giác tri như vậy là chứng đại Bồ-đề.

Tiếp đến đối với tất cả chúng sinh bình đẳng chuyển đại pháp luân thường không ngơi nghỉ. Ba câu này có thể làm việc lợi tha, nên gọi là lực. Phải biết đây lại có 6 câu theo thứ tự 3 câu đầu là các công đức vô vi. Pháp thân Như Lai tương ưng thị hiện lợi ích. Ba câu còn lại là trí thị hiện tha lợi ích. Lại còn có nghĩa là do có trí tuệ nên chứng được đệ nhất tịch tĩnh pháp thân, cho nên gọi là tự lợi ích. Lại dựa vào sức từ bi v.v… 2 câu chuyển đại pháp luân thị hiện tha lợi ích.

Đã nói xong Phật bảo, tiếp nói pháp bảo.

Phẩm 3: PHÁP BẢO

Luận nói: Y vào Phật bảo có chân pháp bảo. Vì nghĩa đó nên tiếp sau Phật bảo là thị hiện pháp bảo. Căn cứ pháp bảo nói 4 kệ:

Phi hữu cũng phi vô,

Và cũng phi hữu vô.

Nơi kia cũng phi tức,

Và kia cũng bất ly.

Tư lường không thể được,

Phi văn tuệ cảnh giới.

Xuất ly đường ngôn ngữ,

Nội tâm biết thanh lương.

Mặt trời chân diệu pháp,

Thanh tịnh không bụi nhơ.

Ánh sáng đại trí tuệ

Chiếu khắp các thế gian.

Năng phá các u ám,

Giác quán tham sân si.

Hết thảy các phiền não,

Nên con nay kính lễ.

Kệ này thị hiện nghĩa gì? Kệ nói:

Không nghĩ bàn, không hai,

Không phân, tịnh, hiện, đối.

Dựa gì được pháp gì?

Lìa pháp, tướng 2 đế.

Kệ này lược nói pháp bảo gồm 8 thứ công đức. Những gì là 8? 1. Không thể nghĩ bàn. 2. Không hai. 3. Không phân biệt. 4. Tịnh. 5. Hiển hiện. 6. Đối trị. 8. Lìa nhân. Lìa, nghĩa là kệ nói:

Diệt đế, đạo đế v.v…

Hai đế lìa nhiếp thủ.

Chúng có 3 công đức,

Lần lượt nói, phải biết.

Kệ này nói nghĩa gì? Trong 6 thứ công đức ở trước, 3 thứ công đức đầu tiên không nghĩ bàn, không hai và không phân biệt là thị hiện nhiếp thủ ly phiền não. Còn lại 3 câu tịnh, hiển hiện, đối trị là thị hiện đạo đế nhiếp thủ đoạn nhân phiền não. Lại nữa phải biết chứng pháp có ly gọi là diệt đế. Dùng các pháp gì tu hành đoạn phiền não gọi là đạo đế? Dùng 2 đế này hợp làm tịnh pháp. Dùng tướng 2 đế gọi là ly pháp. Kệ nói:

Không tư lường, vô ngôn,

Người trí nội trí biết.

Vì nghĩa lý như vậy,

Nên không thể nghĩ bàn.

Thanh lương pháp không hai,

Và pháp không phân biệt.

Tịnh, hiển hiện, đối trị,

Ba câu như mặt trời.

Kệ này nói nghĩa gì? Lược nói diệt đế có 3 pháp. Vì ý nghĩa đó nên không thể nghĩ bàn. Phải biết vì nghĩa gì mà không thể nghĩ bàn? Vì có 4 nghĩa? Những gì là 4? 1. Vô. 2. Hữu. 3. Hữu vô. 4. Hai. Kệ nói phi hữu cũng phi vô, lại cũng phi hữu vô, nơi kia cũng phi tức, lại cũng không ly kia. Diệt đế có 3 pháp. Phải biết, là nói ý nghĩa gì? Diệt đế chẳng phải pháp khả tri. Có 3 pháp. Những gì là 3? 1. Chẳng phải cảnh giới của tư lường. Kệ nói không thể nghĩ bàn được, vì chẳng phải cảnh giới của văn tuệ. 2. Xa lìa tướng mạo của tất cả âm thanh, tiếng vang, danh tự, chương cú, ngôn ngữ. Kệ nói xa lìa đường ngôn ngữ. 3. Pháp nội chứng của thánh nhân. Kệ nói nội tâm biết. Lại nữa, diệt đế sao gọi là pháp không hai? Và sao là không phân biệt? Như trong Kinh Bất Tăng Bất Giảm, Như Lai nói: “ Xálợi-phất ! Pháp thân Như Lai thanh lương vì là pháp không hai, vì là pháp không phân biệt.” Cho nên kệ nói là thanh lương. Cái gì là hai, mà nói không hai? Nói hai, là nghiệp và phiền não. Nói phân biệt, là nhân tập khởi nghiệp phiền não và tà niệm v.v… Bởi biết tự tính của nó bản lai tịch diệt, bất nhị vô nhị hạnh, biết khổ bản lai không sinh, đó là khổ diệt đế, chẳng phải diệt pháp nên gọi là khổ diệt đế. Cho nên kinh nói: “ Văn-thù-sư-lợi ! Trong những pháp nào vô tâm ý y thức hành? Trong pháp không phân biệt, vì không phân biệt nên không khởi tà niệm, bởi có chính niệm nên không khởi vô minh, bởi không khởi vô minh tức không khởi 12 hữu chi, bởi không khởi 12 hữu chi tức gọi là không sinh.” Vì vậy thánh giả Kinh Thắng Man nói: “ Thế Tôn ! Chẳng phải diệt pháp nên gọi khổ diệt đế. Thế Tôn ! Nói khổ diệt là vô thủy, vô tác, vô khởi, vô tận ly tận, thường hằng thanh lương không biến đổi, tự tính thanh tịnh lìa tất cả sự trói buộc của phiền não tạng. Thế Tôn ! Quá hơn cát sông Hằng không lìa, không thoát, không khác, Phật pháp không nghĩ bàn, rốt ráo thành tựu là pháp thân Như Lai. Thế Tôn ! Pháp thân Như Lai như vậy không lìa sự trói buộc của phiền não tạng là Như Lại tạng.” Phải biết trong Kinh Thắng Man nói rộng diệt đế như vậy. Lại nữa, do nhân gì được pháp thân Như Lai diệt đế này? Nghĩa là phải biết nơi kiến đạo và trong tu đạo 3 thứ mặt trời vô phân biệt trí, tương tự tương đối pháp. Nên kệ nói mặt trời chân diệu pháp. Những gì là 3? 1. Mặt trời thanh tịnh tương tự tương đối pháp, vì xa lìa tất cả cấu bẩn phiền não, nên kệ nói thanh tịnh không bụi nhơ. 2. Hiển hiện tất cả sắc tượng tương tự tương đối pháp, vì nhất thiết chủng, nhất thiết trí, có thể chiếu soi biết, nên kệ nói ánh sáng đại trí tuệ. 3. Đối trị tối tăm tương tự đối trị pháp, vì khởi nhất thiết chủng trí đối trị pháp, nên kệ nói khắp chiếu các thế gian. Lại nữa lấy gì làm pháp sở trị? Đó là y thủ sự tướng không thật, niệm hư vọng phân biệt, sinh tham sân si kết sử phiền não. Đây nói ý nghĩa gì? Phàm phu ngu si y phiền não kết sử, thủ sự tướng không thật, niệm khởi tâm tham, y sân nhuế nên khởi tâm sân, y vô minh hư vọng, niệm khởi tâm si, y tà niệm tâm khởi kết sử, y kết sử khởi tham sân si. Vì nghĩa đó, thân miệng ý tạo tác nghiệp tham nghiệp sân nghiệp si. Y nghiệp này nên lại có sinh sinh, không tuyệt không dứt. Tất cả phàm phu ngu si như vậy y phiền não kết sử tập khởi tà niệm, y tà niệm khởi các phiền não, y phiền não khởi tất cả nghiệp, y nghiệp khởi sinh. Tất cả các thứ phiền não nhiễm, nghiệp nhiễm, sinh nhiễm như vậy, phàm phu ngu si không biết như thật, không thấy như thật cảnh giới nhất thật tính. Nếu như tính như thật kia, quán sát tính như thật mà không thủ tướng, do không thủ tướng nên có thể thấy thật tính. Thật tính đó chư Phật Như Lai bình đẳng chứng biết. Lại nữa, không thấy pháp tướng hư vọng như vậy, thấy biết như thật, như thật có pháp chân như pháp giới. Do thấy đệ nhất nghĩa đế nên 2 pháp như vậy không tăng không giảm. Cho nên gọi là bình đẳng chứng trí, nên gọi là nhất thiết chủng trí. Sở trị chướng pháp phải biết như vậy. Để khởi trí chân như đối trị pháp nên pháp sở trị kia rốt ráo không sinh khởi hiện tiền trở lại. Kệ nói có thể phá tối tăm che chướng giác quán tham sân si tất cả phiển não. Lại nữa đây được pháp thân Như Lai diệt đế nhân nơi trí vô phân biệt trong kiến đạo và trong tu đạo, được nói rộng như Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật v.v… Trong Tu-đa-la nói:” Tu-bồ-đề ! Chân như Như Lai chân như bình đẳng không sai biệt.”

Đã nói pháp bảo, tiếp nói tăng bảo.

Phẩm 4: TĂNG BẢO

Luận nói: Y pháp bảo Đại thừa có tăng bảo Bồ-tát không thoái chuyển. Vì nghĩa đó nên tiếp sau pháp bảo là thị hiện tăng bảo. Y tăng bảo đó nói 4 kệ:

Người chính giác chính tri,

Thấy tất cả chúng sinh,

Thanh tịnh không có ngã,

Tịch tĩnh chân thật tế.

Vì biết được kia là

Tự tính tâm thanh tịnh.

Thấy phiền não không thật,

Nên lìa các phiền não.

Người không chướng tịnh trí,

Như thật thấy chúng sinh

Tính tự tính thanh tịnh,

Cảnh giới pháp thân Phật.

Mắt tịnh trí không ngại ,

Thấy tính các chúng sinh,

Khắp cảnh giới vô lượng.

Nên con nay kính lễ.

Kệ này thị hiện nghĩa gì? Kệ nói:

Như thật biết nội thân,

Do trí kiến thanh tịnh.

Nên gọi vô thượng tăng,

Chư Phật Như Lai nói.

Kệ này nói nghĩa gì? Kệ nói:

Như thật thấy chúng sinh,

Chân pháp thân tịch tĩnh.

Do thấy tính vốn tịnh,

Phiền não bản lai không.

Kệ này nói nghĩa thế nào? Phải biết lấy như thật thấy bản tế đến nay không ngã không pháp, nên kệ nói người chính giác chính tri thấy tất cả chúng sinh thanh tịnh không có ngã, tịch tĩnh chân thật tế. Lại như thật biết từ đời vô thủy đến nay bản tế tịch tĩnh không ngã không pháp, chứ không phải khi diệt phiền não chứng mới có.

Đây nói nghĩa gì? Đây thấy pháp thân tự tính thanh tịnh, lược có 2 pháp. Những gì là 2? 1. Thấy tính bản lai tự tính thanh tịnh. 2. Thấy các phiền não bản lai tịch diệt. Kệ nói bởi có thể biết tự tính thanh tịnh tâm, thấy phiền não không thật nên lìa các phiền não. Lại nữa tự tính thanh tịnh tâm bản lai thanh tịnh, lại nữa bản lai thường bị phiền não nhiễm. Hai pháp này ở trong pháp giới chân như vô lậu có đủ tâm thiện và tâm bất thiện, lại không có tâm thứ ba. Nghĩa đó khó có thể giác tri. Cho nên thánh giả trong Kinh Thắng Man nói: “ Thế Tôn ! Sát-ni-ca thiện tâm chẳng phải phiền não nhiễm, Sát-ni-ca bất thiện tâm cũng chẳng phải phiền não nhiễm. Phiền não không xúc tâm. Tâm không xúc phiền não. Làm sao pháp không xúc mà có thể nhiễm được tâm? Thế Tôn ! Nhưng có phiền não, có phiền não nhiễm tâm. Tâm tự tính thanh tịnh mà có nhiễm là khó có thể biết được. “ Thánh giả trong Kinh Thắng Man có nói rộng như vậy. Phải biết tâm tự tính thanh tịnh và việc nhiễm phiền não. Lại có 2 thứ tu hành là như thật tu hành và biến khắp tu hành, nghĩa khó chứng biết. Như thật tu hành, nghĩa là thấy chúng sinh cảnh giới Phật tính thanh tịnh, nên kệ nói người không chướng tịnh trí, như thật thấy chúng sinh, tính tự tính thanh tịnh cảnh giới pháp thân Phật. Biến khắp tu hành, nghĩa là tất cá cảnh giới khắp 10 địa, nên thấy tất cả chúng sinh có nhất thiết trí. Lại, biến khắp tất cả cảnh giới, là vì biến khắp tất cả cảnh giới, y xuất thế gian tuệ thấy tất cả chúng sinh cho đến súc sinh có Như Lai tạng, thấy tất cả chúng sinh có chân như Phật tính. Sơ địa Bồ-tát Ma-ha-tát do khắp chứng tất cả pháp giới chân như, nên kệ nói mắt tịnh trí không ngại, thấy tính các chúng sinh, khắp cảnh giới vô lượng. Như vậy nội thân tự giác tri. Pháp giới vô lậu không chướng, không ngại kia y nơi 2 pháp: một là như thật tu hành, hai là biến khắp tu hành. Đây nói nghĩa gì? Nghĩa là xuất thế gian như thật nội chứng pháp trí chân như không cùng với người phàm phu Nhị thừa. Đây nói nghĩa gì? Xuất thế gian thanh tịnh chứng trí của Bồ-tát Ma-ha-tát lược có 2 thứ hơn chứng trí của Thanh Văn Bích-chi-phật. Những gì là 2? 1. Không chướng. 2. Không ngại. Không chướng là như thật tu hành, thấy các cảnh giới chúng sinh tự tính thanh tịnh nên gọi là không chướng. Không ngại là biến khắp tu hành, lấy như thật biết vô biên cảnh giới nên gọi không ngại. Đây nói nghĩa gì? Kệ nói:

Như thật tri kiến đạo,

Thấy Phật trí thanh tịnh,

Nên không thoái thánh nhân,

Làm chỗ dựa chúng sinh.

Kệ này nói nghĩa gì? Lại nữa y chứng trí của sơ địa Bồ-tát Maha-tát, thanh tịnh kiến đạo bất thoái địa thừa, có thể làm cho thấy thắng nhân thanh tịnh của vô thượng Bồ-đề kia. Kệ nói tri kiến đạo như thật thấy Phật trí thanh tịnh. Cho nên chứng trí của sơ địa hơn các công đức bố thí trì giới v.v… Ba-la-mật của các Bồ-tát Ma-hatát khác. Vì nghĩa đó nên Bồ-tát Ma-ha-tát y như thật thấy chân như chứng trí, cho nên có thể làm nơi quy y cho tất cả chúng sinh, thiên long bát bộ, Thanh Văn, Bích-chi-phật v.v… Cho nên kệ nói thánh nhân bất thoái có thể làm chỗ dựa cho chúng sinh.

Hỏi: Vì nghĩa gì không nói quy y Thanh Văn tăng bảo?

Đáp: Bồ-tát tăng bảo công đức vô lượng nên phải cúng dường. Vì phải cúng dường nên phải lễ bái tán thán cúng dường. Người Thanh Văn không có nghĩa như vậy. Vì ý nghĩa đó nên không nói quy y Thanh Văn tăng bảo. Đây nói nghĩa gì? Kệ nói:

Cảnh giới các công đức,

Chứng trí và Niết-bàn,

Các địa tịnh vô cấu,

Đầy đủ đại từ bi.

Sinh vào nhà Như Lai,

Đủ thần thông tự tại.

Thắng quả tối vô thượng,

Là nghĩa thắng quy y.

Kệ này nói nghĩa gì? Lược nói 10 thứ thắng nghĩa của Bồ-tát vì quá hơn các Thanh Văn, Bích-chi-phật. Những gì là 10? 1. Quán thắng. 2. Công đức thắng. 3. Chứng trí thắng. 4. Niết-bàn thắng. 5. Địa thắng. 6. Thanh tịnh thắng. 7. Tâm bình đẳng thắng. 8. Sinh thắng. 9. Thần lực thắng. 10. Quả thắng.

Quán thắng, là quán cảnh giới chân như, gọi là quán thắng, kệ nói cảnh giới. Công đức thắng, là Bồ-tát tu hành không chán đủ, không giống như Nhị thừa thiểu dục, nên gọi công đức thắng, kệ nói công đức. Chứng trí thắng, là chứng 2 thứ vô ngã, nên gọi chứng trí thắng, kệ nói chứng trí. Niết-bàn thắng, là giáo hóa chúng sinh nên gọi Niết-bàn thắng, kệ nói Niết-bàn. Địa thắng, là 10 địa gọi là địa thắng, kệ nói các địa. Thanh tịnh thắng, là Bồ-tát xa lìa trí chướng nên gọi thanh tịnh thắng, kệ nói tịnh vô cấu. Tâm bình đẳng thắng, là đại bi của Bồ-tát che khắp nên gọi tâm bình đẳng thắng, kệ nói đầy đủ đại từ bi. Sinh thắng, là các Bồ-tát sinh vô sinh nên gọi sinh thắng, kệ nói sinh vào nhà Như Lai. Thần lực thắng, là các sức thần thông Tam-muội tự tại thắng, gọi là thần lực thắng, kệ nói đầy đủ thần thông Tam-muội tự tại. Quả thắng, là rốt ráo vô thượng Bồ-đề nên gọi quả thắng, kệ nói quả thắng tối vô thượng. Đây nói nghĩa gì? Người có trí tuệ thế tục biết các Bồ-tát công đức vô lượng tu tập Bồđề, công đức rộng lớn vô lượng vô biên, có đại trí tuệ từ bi viên mãn, để chiếu biết tính hành phiền não của vô lượng chúng sinh kia như trăng thượng tuần. Chỉ trừ chư Phật Như Lai trăng tròn, Bồ-tát Maha-tát biết các Thanh Văn cho đến chứng đắc A-la-hán đạo. Người có ít trí tuệ không có tâm đại bi, để chiếu tự thân giống như tinh tú. Đã biết như vậy, muốn lấy thân Như Lai trăng tròn lớn tu Bồ-đề đạo mà xả bỏ trăng thượng tuần Bồ-tát, khởi tâm lễ bái cúng dường các tinh tú Thanh Văn, Bích-chi-phật là không có chỗ đó. Đây lại nghĩa gì? Là nói vì lợi ích tất cả chúng sinh mới đầu phát khởi tâm Bồ-đề các Bồ-tát đã có thể hàng phục, không vì lợi ích tha chúng sinh thân mà vì tự lợi ích tu trì vô lậu thanh tịnh cấm giới cho đến chứng được người Thanh Văn A-la-hán. Huống chi ngoài ra được 10 tự tại v.v… vô lượng vô biên công đức Bồ-tát Ma-ha-tát mà đồng với người ít công đức Thanh Văn, Bích-chi-phật v.v… là không có chỗ đó. Vì ý nghĩa đó, trong kinh có kệ nói:

Nếu chỉ vì tự thân,

Tu hành nơi cấm giới,

Xa lìa tâm đại bi,

Xả phá giới chúng sinh.

Nếu chỉ vì tự thân,

Hộ trì các cấm giới,

Người trì giới như vậy,

Phật nói phi thanh tịnh.

Nếu là vì người khác,

Mà tu hành cấm giới,

Làm lợi ích chúng sinh,

Như đất nước lửa gió,

Vì các chúng sinh khác,

Khởi đệ nhất bi tâm,

Gọi là tịnh trì giới,

Nếu khác, phi thanh tịnh.

Hỏi: Vì những nghĩa gì, vì những người nào chư Phật Như Lai nói Tam bảo này?

Đáp: Kệ nói:

Y năng điều sở chứng

Đệ tử là 3 thừa,

Tin 3 mà cúng dường,

Cho nên nói Tam bảo.

Kệ này nói nghĩa gì? Lược nói y 3 nghĩa, vì 6 loại người nên nói Tam bảo. Những gì là 3? 1. Điều ngự sư. 2. Điều ngự pháp sư. 3. Điều ngự sư đệ tử. Kệ nói y nơi Điều ngự sư mà đệ tử chứng đắc. Sáu loại người là: 1. Đại thừa. 2. Trung thừa. 3. Tiểu thừa. 4. Tin Phật. . Tin pháp. 6. Tin tăng. Kệ nói vì 3 thừa nên tin Tam bảo cúng dường. Trước tiên giải thích nghĩa thứ nhất. Người thứ nhất thứ tư quy y Phật bậc tối thắng đệ nhất tôn quý trong lưỡng túc, thị hiện nghĩa Điều ngự sư đại trượng phu. Cho nên kệ nói y năng điều. các người Bồ-tát vì thủ Phật Bồ-đề nên kệ nói Đại thừa. Vì là người tin cúng chư Phật Như Lai phúc điền , nên kệ nói tin Phật cúng dường. Vì ý nghĩa đó nói lập Phật bảo. Kệ nói cho nên nói Phật bảo.

Đã giải thích nghĩa thứ nhất người thứ nhất thứ tư. Tiếp giải thích nghĩa thứ hai, người thứ hai thứ năm quy y pháp tối thắng đệ nhất trong các pháp lìa phiền não, thị hiện pháp công đức Điều ngự sư đã chứng nên kệ nói y sở chứng. Là người Bích-chi-phật tự nhiên biết không do y vào người khác mà biết pháp nhân duyên sâu xa, nên kệ nói là Trung thừa. Vì là người tin cúng dường đệ nhất diệu pháp phúc điền nên kệ nói tin pháp cúng dường. Vì ý nghĩa đó nói lập pháp bảo. Kệ nói cho nên nói pháp bảo.

Đã giải thích nghĩa thứ hai người thứ hai thứ năm. Tiếp giải thích nghĩa thứ ba người thứ ba thứ sáu quy y các Bồ-tát tăng bậc tối thắng đệ nhất trong các chúng, thị hiện đệ tử đấng Điều ngự sư, trong các pháp chư Phật Như Lai nói, như thật tu hành không trái nghĩa, nên kệ nói y đệ tử. Là người Thanh Văn nghe pháp từ người khác, nên kệ nói là Tiểu thừa. Là người tin cúng dường đệ nhất thánh chúng phúc điền nên kệ nói tin tăng cúng dường. Vì ý nghĩa đó nên nói lập tăng bảo. Kệ nói cho nên nói tăng bảo. đó là lược nói y 3 thứ nghĩa. Vì 6 loại người nên chư Phật Như Lai nói Tam bảo này. Kệ nói y năng điều sở chứng đệ tử là 3 thừa. Tin 3 mà cúng dường, cho nên nói Tam bảo. Lại nữa vì chúng sinh có thể giáo hóa khiến tuần tự vào. Vì ý nghĩa đó nên y thế đế thị hiện nói lập 3 quy y. Đây nói nghĩa gì? Kệ nói:

Có thể xả, hư vọng,

Không vật và sợ hãi,

Hai thứ pháp và tăng,

Quy y không rốt ráo.

Kệ này nói nghĩa gì? Pháp có 2 thứ. Những gì là 2? 1. Pháp sở thuyết. 2. Pháp sở chứng. Pháp sở thuyết, nghĩa là Như Lai nói Tuđa-la v.v… bao gồm danh tự chương cú thân, cho nên những pháp Như Lai sở thuyết khi chứng đạo thì diệt như bỏ thuyền bè. Kệ nói có thể xả. Pháp sở chứng, cũng có 2 thứ, nghĩa là dựa vào 2 thứ nhân quả sai biệt. Do y vào pháp gì và chứng được pháp gì? Đây nói nghĩa gì? Nghĩa là hữu đạo và hữu vi thâu nhiếp lẫn nhau. Nếu bị tướng hữu vi thâu nhiếp thì pháp ấy là hư vọng vì kệ nói: và hư vọng. Nếu hư vọng thì pháp ấy chẳng phải thật. Nếu pháp ấy chẳng phải thật thì đó chẳng phải chân đế. Chẳng phải chân đế tức là vô thường. Nếu vô thường thì chẳng phải có thể quy y. Lại nữa nếu y vào Thanh Văn đạo kia mà được diệt đế thì kia cũng không vật giống như ngọn đèn tắt, chỉ đoạn một phần ít các khổ phiền não. Nếu như vậy tức là không có vật. Nếu không vật thì làm sao cho người khác quy y, kệ nói không vật. Tăng, tất cả có người của 3 thừa. Người trong 3 thừa y Thanh Văn tăng thường có sợ hãi, thường cầu quy y chư Phật Như Lai cầu thoát ly thế gian. Đây là học nhân phải làm, là vì chưa cứu cánh, vì còn hướng đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nói sợ hãi là sợ hãi thế nào? Bởi A-la-hán tuy hết hữu lậu mà không đoạn tất cả tập khí phiền não. A-la-hán đối với tất cả hành tướng hữu vi luôn hiện tiền tâm hết sức sợ hãi. Cho nên thánh giả Kinh Thắng Man nói: “ A-la-hán có sợ hãi. Bởi vì sao? A-la-hán đối với tất cả vô hành, sợ hãi tưởng như có người cầm kiếm muốn đến hại mình. Cho nên A-lahán không có cái vui cứu cánh. Bởi vì sao? Thế Tôn ! Y không cầu y, như chúng sinh không y kia, kia sợ hãi, bởi sợ hãi nên phải cầu quy y. Như vậy A-la-hán có sợ hãi. Bởi sợ hãi nên quy y Như Lai.” Cho nên kia nếu có sự sợ hãi như vậy, tức người ấy rốt ráo vì muốn xa lìa chỗ sợ hãi ấy mà cầu nơi không sợ hãi. Vì ý nghĩa đó, y vào sự xa lìa chỗ sợ hãi kia gọi là người học phải có tác ý muốn được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề như nơi không còn sợ hãi. Cho nên 2 cái báu Thanh Văn pháp và Thanh Văn tăng là thiểu phần quy y, không phải cứu cánh quy y. Vì vậy kệ nói 2 thứ pháp và tăng chẳng phải cứu cánh quy y. Đây là nói nghĩa gì? Kệ nói:

Chúng sinh quy một chỗ,

Phật pháp thân bỉ ngạn.

Y Phật thân có pháp,

Y pháp cứu cánh tăng.

Kệ này nói nghĩa gì? Như trước đã nói chư Phật Như Lai không sinh không diệt tịch tĩnh không hai, pháp thân lìa cấu uế, bởi duy nhất pháp thân là nơi cứu cánh thanh tịnh. Lại nữa người của 3 thừa không có người cứu, không có người quy y, bởi duy chỉ có bỉ ngạn là bản tế vô thủy, rốt ráo vô tận là có thể quy y, là hằng có thể quy y. Cho nên nói duy chỉ chư Phật Như Lai thường hằng thanh tịnh không biến đổi, có thể quy y như vậy. Thánh giả trong Kinh Thắng Man có nói rộng, cần phải biết.

Hỏi: Vì ý nghĩa gì Phật pháp chúng tăng gọi là báu?

Đáp: Kệ nói:

Quý báu đời ít có,

Minh tịnh và thế lực,

Năng trang nghiêm thế gian,

Tối thượng không biến đổi.

Kệ này nói ý nghĩa gì? Nói quý báu là có 6 thứ tương tự. Vì dựa vào 6 thứ tướng tự ấy có đối pháp nên Phật pháp chúng tăng gọi là quý báu. Những gì là 6? 1. Thế gian khó có một pháp nào tương tự. Vì các chúng sinh không thiện căn thì trăm ngàn vạn kiếp không thể gặp được. Cho nên kệ nói quý báu đời ít có. 2. Pháp tương đối tương tự lìa cấu uế, bởi lìa tất cả pháp hữu lậu. Cho nên kệ nói minh tịnh. 3. Pháp tương đối tương tự oai đức, bởi đầy đủ oai đức tự tại không thể nghĩ bàn của 6 thần thông. Cho nên kệ nói thế lực. 4. Pháp tương đối tương tự trang nghiêm thế gian. Bởi có thể trang nghiêm xuất thế gian. Cho nên kệ nói có thể trang nghiêm thế gian. 5. Pháp tương đối tương tự thắng diệu. Bởi là pháp xuất thế gian, nên kệ nói tối thượng. 6. Pháp tương đối tương tự không thể đổi khác. Bởi được pháp vô lậu, 8 pháp thế gian không thể lay động, nên kệ nói không biến đổi.

Hỏi: Y vào những pháp gì có Tam bảo này, mà y vào pháp này có được thế gian và xuất thế gian thanh tịnh sinh khởi Tam bảo?

Đáp: Vì ý nghĩa đó nên nói 2 kệ này:

Chân như có tạp cấu,

Và xa lìa các cấu.

Phật vô lượng công đức,

Và chỗ Phật tác nghiệp.

Cảnh giới vi diệu ấy,

Cảnh giới chư Phật biết

Pháp thân vi diệu này,

Xuất sinh ra Tam bảo.

Kệ này thị hiện nghĩa gì? Kệ nói:

Tính Tam bảo như vậy,

Duy cảnh giới chư Phật,

Bởi 4 pháp tuần tự,

Là không thể nghĩ bàn.

Kệ này nói nghĩa gì? Chân như có tạp cấu, nghĩa là Phật tính chân như chưa ra khỏi các phiền não trói buộc Như Lai tạng. Và xa lìa các cấu, nghĩa là Như Lai tạng kia chuyển thân đến Phật địa, chứng được pháp thân, gọi là pháp thân Như Lai. Phật vô lượng công đức, nghĩa là chuyển thân kia, trong tướng pháp thân Như Lai có xuất thế gian 10 lực, vô úy v.v… các công đức vô lượng vô biên. Và Phật có tác nghiệp, nghĩa là 10 lực kia tất cá các pháp thường tự nhiên tác vô thượng Phật nghiệp, thường không thôi nghỉ, thường không lìa bỏ, thường thụ ký các Bồ-tát. Nơi đó tuần tự có 4 thứ pháp không thể nghĩ bàn, cho nên gọi là cảnh giới Như Lai. Bốn nơi là gì? Kệ nói:

Nơi nhiễm tịnh tương ưng,

Không nhiễm mà thanh tịnh,

Pháp không tách rời nhau,

Tự nhiên không phân biệt.

Kệ này nói nghĩa gì? Chân như có tạp cấu, nghĩa là trong đồng thời có tịnh có nhiễm, nơi đây không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn, nghĩa là tin sâu pháp nhân duyên của Thanh Văn, Bích-chi-phật, đó không phải cảnh giới. Cho nên trong Kinh Thắng Man, Phật bảo Thắng Man rằng: “ Thiên nữ ! Tự tính thanh tịnh tâm mà có nhiễm ô là điều khó có thể biết được. Có 2 pháp khó có thể biết được. Đó là tự tính thanh tịnh tâm khó có thể biết được. Cái tâm ấy bị phiền não nhiễm ô cũng là điều khó có thể biết được. Thiên nữ ! Như 2 pháp này ngươi và những người thành tựu đại pháp Bồ-tát Ma-ha-tát mới có thể nghe và lãnh thụ. Còn các Thanh Văn, Bích-chi-phật chỉ y vào lời Phật nói mà tin 2 pháp này. Cho nên kệ nói là nơi nhiễm tịnh tương ưng. Và xa lìa các cấu, nghĩa là chân như không phải vốn có nhiễm, sau mới nói thanh tịnh. Đây là chỗ không thể nghĩ bàn. Cho nên kinh nói tâm tự tính thanh tịnh, tự tính thanh tịnh tâm bản lai thanh tịnh, như bản thể tâm kia Như Lai biết như vậy. Cho nên kinh nói: “ Như Lai một niệm tâm tương ưng tuệ, được A-nậu-đa-la Tammiệu Tam-bồ-đề.” Cho nên kệ nói không nhiễm mà thanh tịnh. Phật vô lượng công đức, nghĩa là tiền tế hậu tế hoàn toàn ở trong phàm phu địa nhiễm mà thường không rời bỏ pháp thân chân như, tất cả các Phật pháp không sai không khác. Đó là chỗ không thể nghĩ bàn. Cho nên kinh nói:” Lại nữa, Phật tử ! Trí tuệ Như Lai không nơi nào không đến. Bởi vì sao? Bởi vì trong tất cả chúng sinh giới, hoàn toàn không có một chúng sinh nào trong thân không đầy đủ công đức và trí tuệ của Như Lai. Chỉ vì chúng sinh điên đảo không biết trí Như Lai xa lìa điên đảo khởi nhất thiết trí, vô sư trí, vô ngại trí. Phật tử ! Ví như có một quyển kinh cực kỳ to lớn như 3 ngàn đại thiên thế giới ghi chép tất cả những gì có trong đại thiên thế giới. Nếu với 2 thiên thế giới thì ghi hết mọi việc trong 2 thiên thế giới. Nếu với tiểu thiên thế giới thì ghi hết tất cả mọi việc trong tiểu thiên thế giới. Bốn thiên hạ thì ghi hết tất cả mọi việc trong 4 thiên hạ. Núi chúa Tu-di thì ghi hết tất cả mọi việc của núi chúa Tu-di. Địa thiên cung thì ghi hết tất cả mọi việc trong cung điện địa thiên. Dục thiên cung thì ghi hết tất cả mọi việc trong cung điện Dục thiên. Sắc thiên cung thì ghi hết tất cả mọi việc trong cung điện Sắc thiên. Nếu với Vô sắc thiên cung thì ghi hết tất cả mọi việc trong cung điện Vô sắc giới thiên. Quyển kinh cực kỳ to lớn so sánh như 3 ngàn đại thiên thế giới kia. Trong một vi trần cực nhỏ, tất cả vi trần đều như vậy. Bấy giờ có một người xuất hiện ra đời, trí tuệ thông đạt đầy đủ thành tựu thiên nhãn thanh tịnh thấy quyển kinh này ở trong một vi trần liền suy nghĩ rằng sao quyển kinh to lớn như thế này mà ở trong một vi trần không làm lợi ích chúng sinh? Nay ta phải gắng tạo phương tiện phá hủy vi trần kia lấy quyển kinh ra làm lợi ích chúng sinh. Suy nghĩ như vậy rồi, người ấy làm phương tiện phá hủy vi trần lấy quyển kinh ấy ra làm lợi ích chúng sinh. Phật tử ! Trí tuệ Như Lai là trí tuệ vô tướng, trí tuệ vô ngại, đầy đủ ở trong thân chúng sinh. Chỉ vì chúng sinh ngu si, tưởng điên đảo che lấp, không biết, không thấy, không sinh tín tâm. Bấy giờ Như Lai dùng thiên nhãn thanh tịnh không chướng ngại quan sát tất cả thân chúng sinh. Quán sát xong nói rằng: Lạ thay ! Lạ thay ! Sao Như Lai đầy đủ trí tuệ ở ngay trong thân mà không thấy biết ! Ta phải phương tiện dạy chúng sinh kia giác ngộ thánh đạo, khiến vĩnh viễn lìa tất cả vọng tưởng điên đảo ràng buộc, khiến thấy đầy đủ trí tuệ Như Lai trong thân mình với Phật không khác. Tức thì Như Lai dạy chúng sinh kia tu 8 thánh đạo, lìa bỏ tất cả hư vọng điên đảo, lìa điên đảo rồi thấy trí Như Lai, cùng Như Lai làm việc lợi ích chúng sinh.” Cho nên kệ nói pháp không tách rời nhau. Và chỗ Phật tác nghiệp, nghĩa là cùng một lúc, tất cả mọi nơi, tất cả mọi lúc tự nhiên không phân biệt, tùy thuận tâm chúng sinh, tùy thuận căn tính chúng sinh có thể hóa độ, không lầm, không lẫn, tùy thuận làm Phật nghiệp. Đó là chỗ không thể nghĩ bàn. Cho nên kinh nói:” Thiện nam tử ! Như Lai vì khiến tất cả chúng sinh vào trong Phật pháp, cho nên vô lượng Như Lai nghiệp tác hữu lượng thuyết. Thiện nam tử ! Như Lai có thật sự tác nghiệp, là đối với tất cả chúng sinh trong thế gian không thể lường, không thể tính, không thể nghĩ bàn, không thể biết, không thể dùng danh tự mà nói. Bởi vì sao? Vì không thể được với chúng sinh ấy. Bởi trong tất cả quốc độ chư Phật không ngơi nghỉ. Bởi tất cả chư Phật đều bình đẳng. Bởi quá hơn tâm tác sự của tất cả các thế gian. Bởi không phân biệt, thảy đều bình đẳng như hư không. Bởi thể của pháp tính không sai không khác. Đã nói rộng như vậy. Lại nói thí dụ ngọc báu đại Tì-lưu-ly Ma-ni bất tịnh: “ Thiện nam tử ! Ngươi dựa theo thí dụ này phải biết nghiệp Như Lai không thể nghĩ bàn, bình đẳng đến khắp cả, không một chỗ nào đáng trách, 3 đời bình đẳng, không tuyệt dứt giống Tam bảo. Chư Phật Như Lai tuy trụ trong không thể nghĩ bàn như vậy, mà không lìa bỏ pháp thân hư không, mà đối với chúng sinh tùy chỗ phải nghe danh tự chương cú vì chúng nói pháp. Tuy vì chúng sinh thuyết pháp như vậy, mà thường xa lìa tâm niệm quán tất cả chúng sinh. Bởi vì sao? Bởi như thật biết tất cả các tâm hành của chúng sinh. Cho nên kệ nói tự nhiên không phân biệt. Y diệu pháp thân này xuất sinh ra Tam bảo, nghĩa là kệ nói:

Giác ngộ pháp Bồ-đề,

Y Bồ-đề phần biết.

Bồ-đề phần giáo hóa,

Chúng sinh giác Bồ-đề.

Câu đầu là chính nhân,

Ba câu là tịnh duyên.

Hai câu trước tự lợi,

Hai câu sau lợi tha.

Kệ này nói nghĩa gì? Bốn câu này gồm tổng quát cảnh giới sở tri. Đây nói ý nghĩa gì? Một câu đầu là pháp sở chứng. Vì chứng pháp đó gọi là Bồ-đề. Kệ nói giác ngộ pháp Bồ-đề. Câu thứ hai, Bồ-đề y Bồ-đề phần biết, nghĩa là vì công đức Bồ-đề của chư Phật có thể làm nhân Phật Bồ-đề, nên kệ nói y Bồ-đề phần biết. Câu thứ ba, Bồ-đề phần giáo hóa, nghĩa là do Bồ-đề phần khiến người giác ngộ. Câu thứ tư, chúng sinh giác Bồ-đề, nghĩa là chúng sinh được hóa độ giác ngộ Bồ-đề. Bốn câu này tuần tự không thủ tướng, y theo đây làm, nên thanh tịnh Bồ-đề xuất sinh ra Tam bảo. Kệ nói giác ngộ pháp Bồ-đề, y Bồ-đề phần biết. Bồ-đề phần giáo hóa, chúng sinh giác ngộ Bồ-đề. Lấy một câu làm nhân, 3 câu làm duyên. Như Lai được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Để được Bồ-đề thì 10 lực v.v… các pháp của chư Phật Như Lai, 32 thứ tác nghiệp của chư Phật Như Lai, y Như Lai nghiệp chúng sinh nghe tiếng, y theo pháp đó nên được nhân duyên thanh tịnh xuất sinh Tam bảo. Cho nên câu đầu của kệ là chính nhân, còn 3 câu là tịnh duyên.

HẾT QUYỂN 2

Trang: 1 2 3 4