NHIẾP ĐẠI THỪA LUẬN THÍCH
Thế Thân Bồ-tát tạo
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 4
3 – 1. Tướng sở tri
Luận nói: Đã nói về sở tri y, còn sở tri tướng làm sao thấy?
Đại lược có 3 thứ: một là tướng y tha khởi, hai là tướng biến kế sở chấp, ba là tướng viên thành thật.
Giải thích: Dựa vào sở tri tướng mà nói như vậy. Lược là nói sơ lược đại khái.
Luận nói: Thế nào là tướng y tha khởi?
Nghĩa là thức A-lại-da làm chủng tử, hư vọng phân biệt gồm thâu các thức.
Thế là thế nào?
Nghĩa là các thức sai biệt như thân thức, thân giả thức, bỉ sở thụ thức, bỉ năng thụ thức, thế thức, số thức, xứ thức, ngôn thuyết thức, tự tha sai biệt thức, thiện thú ác thú tử sinh thức. Trong đây nếu thân thức, thân giả thức, thụ giả thức, bỉ sở thụ thức, bỉ năng thụ thức, thế thức, số thức, xứ thức, ngôn thuyết thức thì do chủng tử danh ngôn huân tập. Nếu là tự tha sai biệt thức, tức do chủng tử ngã kiến huân tập. Nếu là thức thiện thú ác thú sinh tử, tức do chủng tử hữu chi huân tập. Do các thức này bao gồm tạp nhiễm tất cả các cõi chúng sinh nên hiển hiện sự phân biệt của tướng y tha khởi. Như vậy các thức đều thuộc hư vọng phân biệt, nên tính của duy thức là vô sở hữu, không nơi căn cứ cho nghĩa chân thật. Đó là tướng y tha khởi.
Giải thích: Hư vọng phân biệt gồm thâu các thức, nghĩa là các thức này lấy hư vọng phân biệt làm tự tính. Nghĩa là thân thức, thân giả thức, thụ giả thức. Thân là nhãn v.v… 5 giới. Thân giả là nhiễm ô ý. Năng thụ giả là ý giới. Bỉ sở thụ thức giả là sắc v.v… 6 ngoại giới. Bỉ năng thụ thức là 6 thức giới. Thế thức là tính sinh tử nối tiếp nhau không dứt. Số thức là tính so đo tính toán. Xứ thức là khí thế gian. Ngôn thuyết thức là thấy nghe hay biết 4 thứ ngôn thuyết. Như vậy các thức đều lấy trong sở tri y mà nói. Danh ngôn huân tập sai biệt là nhân. Tự tha sai biệt thức là y chỉ sai biệt. Đây là dùng cái đã nói trước. Ngã kiến huân tập sai biệt là nhân. Thiện thú ác thú tử sinh thức, nghĩa là các nẻo thú sinh tử có nhiều khác nhau. Đây do trước đã nói chủng tử hữu chi huân tập sai biệt. Do các thức này, tức do các thức nói trước. Nói bao gồm tạp nhiễm tất cả các cõi chúng sinh, nghĩa là đọa vào 5 néo đường tạp nhiễm trong 3 cõi. Vì đó là tự tính của chúng nên gọi là bao gồm.
Tướng y tha khởi, nghĩa là dựa vào cái khác mà khởi làm thể mọi hư vọng phân biệt đều được hiển hiện. Như vậy các thức đều bao gồm hư vọng phân biệt. Duy thức làm tính, nghĩa là tự tính các thức này đều hư vọng phân biệt nên nói là bao gồm. Đó là hiển hiện nghĩa vô sở hữu, phi chân thật. Sở y , nghĩa là nhân của hiển hiện vô sở hữu, phi chân thật. Vì phi chân thật nên nói là vô sở hữu. Như chỗ chấp ngã vì vô sở hữu nên nói là thủ nghĩa phi chân thật, nghĩa là cái ngã kia thật sự không có, chỉ hiển hiện tương tự như ngã. Nói sở y, là hiển hiện sở y. Đó là nghĩa của nhân. Đây là tướng của y tha khởi.
Luận nói: Thế nào là tướng biến kế sở chấp?
Nghĩa là trong duy thức không có nghĩa chân thật, chỉ hiển hiện nghĩa tương tự mà thôi.
Giải thích: Trong không có nghĩa, nghĩa là không thủ được cái vô ngã như thật. Chỉ có trong thức, nghĩa là không có nghĩa thật, chỉ có nghĩa tương tự ở trong thức, như chỉ có cái ngã tương tự hiển hiện trong thức. Hiển hiện nghĩa tương tự là thủ lấy cái tướng mạo hiển hiện tương tự. Như thật, là vô ngã. Cái hiển hiện là cái ngã tương tự.
Luận nói: Thế nào là tướng viên thành thật?
Nghĩa là ở nơi tướng y tha khởi kia, do là tướng của nghĩa tương tự nên vĩnh viễn không có thật tính.
Giải thích: Nơi vô sở hữu chẳng phải nghĩa chân thật hiển hiện trong nhân, do hiện tướng nghĩa tương tự, thật không có, vĩnh viễn không có tính hữu, như tướng tương tự ngã, tuy vĩnh viễn là không mà có vô ngã.
Luận nói: Phải biết trong các thức này, thân thức, thân giả thức và thụ giả thức là 6 nội giới như nhãn v.v…Sở thụ thức kia, tức 6 ngoại giới như sắc v.v… Năng thụ thức kia tức là 6 thức giới như nhãn v.v…Ngoài ra các thức khác tức các sai biệt của các thức trên đây.
Lại nữa các thức đều chỉ có thức mà không có thật, vậy lấy ví dụ gì để thấy rõ?
Để thấy rõ, các thí dụ thường dùng như chiêm bao v.v…Nghĩa là như trong chiêm bao, không có gì là thật mà chỉ có thức. Tuy có các ảnh tượng giống thật hiện ra như sắc, thanh, hương, vị, xúc, nhà cửa, đất đai, rừng núi. Những thứ này đều không có thật. Do thí dụ này phải biết rõ lúc nào, nơi nào cũng chỉ có thức. Chữ v.v…nghĩa là ngoài thí dụ chiêm bao còn những thí dụ khác nữa như ảo thuật, cuồng say, con nai khát nước, hoa mắt.
Khi ngủ đã thức dậy thì lúc ấy, nơi ấy đều là cảnh chiêm bao v.v… chỉ có thức. Như từ chiêm bao thức dậy mới biết trong chiêm bao đều chỉ có thức.
Thế sao lúc đang thức không có sự hiểu biết như vậy?
Khi có chân trí giác ngộ thì hiểu biết như vậy. Như ở trong chiêm bao thì không có sự hiểu biết này. Từ chiêm bao thức dậy rồi mới có sự hiểu biết này. Cũng giống như vậy, khi chưa được chân trí giác ngộ thì không có sự hiểu biết này. Được chân trí giác ngộ mới thấy biết được như vậy.
Người chưa được chân trí giác ngộ, đối với đạo lý duy thức làm sao đối chiếu biết được?
Do giáo và lý có thể đối chiếu biết được. Giáo là như Kinh Thập Địa, Phật nói 3 cõi chỉ có tâm mà thôi. Phật cũng nói như vậy trong Kinh Giải Thâm Mật. Trong kinh ấy, Bồ-tát Từ Thị hỏi Thế Tôn:
Các ảnh tượng của hành tướng trong Tam-ma-địa là khác hay không khác với tâm?
Phật bảo Từ Thị: Phải nói là không khác. Bởi vì sao? Bởi các ảnh tượng kia chỉ là thức, nên ta nói do thức duyên, chỉ do thức hiện khởi.
-Thế Tôn ! Nếu ảnh tượng của các hành tướng trong Tamma-địa không khác với tâm này thì sao tâm này trở lại chấp lấy cái tâm này?
-Từ Thị ! Không có một tí pháp nào có thể chấp lấy một tí pháp nào. Nhưng tâm ấy khi sinh khởi tức có hiện ra ảnh tượng như vậy. Như bản chất làm duyên trở lại thấy bản chất. Như nói nay ta thấy ảnh tượng, và bảo rằng lìa bản chất mà có ảnh tượng để thấy, thì ảnh tượng hiện ra kia với tâm này cũng vậy. Như vậy khi tâm sinh khởi thì thấy có ảnh tượng tương tự hiện ra.
Do giáo nghĩa này mà lý cũng được hiển lộ. Bởi vì sao? Vì trong định, tùy tâm quán thấy các hiện tượng như toàn một màu xanh bầm mà không một màu nào khác. Màu xanh bầm là chỉ thấy tự tâm.
Do đạo lý này Bồ-tát đối với tất cả cảnh hiện trong thức đều có thể đối chiếu mà biết là đều chỉ có thức, không có cảnh giới thật.
Lại nữa cái màu xanh bầm không phải do thức duy trì và hồi ức, cái thấy là duyên cảnh hiện tiền trước mắt. Và cái nghe và suy nghĩ thành ra 2 cái gìn giữ và nhớ lại cũng lấy quá khứ làm cảnh sở duyên, cho nên ảnh tượng hiện ra cũng là duy thức. Do từ tỷ lượng này, Bồ-tát tuy chưa được chân trí giác ngộ cũng có thể đối chiếu mà biết được lý duy thức.
Giải thích: Đây chỉ có thức do kinh giáo hiển thị. Như Kinh Thập Địa nói ba cõi duy chỉ có tâm. Trong Kinh Giải Thâm Mật có nói: “Ta nói thức sở duyên chỉ thức sở hiện”, có nghĩa là cái mà thức duyên chỉ là cái do thức hiện, không có cảnh nào khác. Lại nói thức là hiển thị điều ta nói định thức sở hành tức chỉ là thức sở hiện, không có một thể riêng biệt. Nhưng ngay khi tâm này sinh, nghĩa là khi do phẩm loại này sinh thấy tương tự có khác. Ảnh hiện, nghĩa là định sở hành, tương tự lìa thức riêng có cái sở thủ hiển hiện rõ ràng. Lại nữa trong cái xanh bầm v.v… không phải cái thức hồi ức nhớ lại mà thấy. Vì cảnh sở duyên trụ hiện tiền, nghĩa là cái xanh bầm v.v… là ảnh tượng hiện hành của Tam-ma-địa, không phải thức nhớ lại. Do đó không phải là cái xưa kia được thụ nhận nhớ lại. Cái hiện trụ trước mặt thấy rõ ràng. Cái mà thức nhớ lại thì thấy mờ ám. Cái hiện trụ trước mặt thấy rõ ràng. Nếu lại bảo rằng như văn tư tuệ, do tập nhiều lần nên cảnh tuy đã tàn tạ qua rồi nhưng khi vừa tác ý thì sinh như xưa. Đây cũng cũng vậy, tức là cảnh của văn tư hai tuệ đã tàn tạ qua rồi, hiện không có thật thể. Trong cái vô thể đó, khi sinh lại chỉ là ảnh của thức hiện ra tương tự như nó sinh. Cho nên văn tư tuệ không duyên cảnh nó từng duyên đã tàn tạ. Cho nên càng rõ đây là chỉ có thức. Nghĩa sở thủ là vô lý.
Luận nói: Như vậy là đã nói các thức ví dụ như chiêm bao v.v…. Tức trong các ví dụ, nhãn thức v.v…các thức đều có thể thành duy thức. Nhưng nhãn thức v.v… các thức đã là có sắc cảnh, mà cũng là chỉ có thức, thì làm sao thấy được?
Đây cũng giống như trước, nghĩa là phải suy từ giáo và lý.
Giải thích: Nhãn thức v.v… các thức đều chẳng có sắc, có thể thành duy thức. Nhãn v.v…các thức đã là có sắc làm sao là duy thức? Đây cũng giống như trước, nghĩa là phải suy từ giáo và lý, tức nhãn v.v… các thức đây như trước đã dẫn, giáo và lý hiển thị cũng thành duy thức.
Luận nói: Nếu các thức này, bản thể cũng là thức thì tại sao hiển hiện tương tự tính chất của sắc và một loại trụ vững liên tục chuyển?
Vì cùng với các pháp tạp nhiễm điên đảo làm chỗ dựa. Nếu không như vậy thì trong phi nghĩa đã không khởi nghĩa điên đảo. Nếu không có đây thì không có 2 chướng tạp nhiễm là phiền não và sở tri. Nếu không có đây thì cũng không có các pháp thanh tịnh. Vì vậy các thức phải chuyển biến như vậy. Ở đây có bài tụng như sau:
Loạn tướng và loạn thể,
Đều cho là sắc thức,
Cùng với phi sắc thức,
Nếu không, mọi sự không.
Giải thích: Một loại trụ vững liên tục chuyển, tức là do tương tự nên gọi là một loại. Trụ thời gian lâu nên gọi là trụ vững. Các thức có sắc tương tự nhiều thời gian liên tục chuyển. Nói điên đảo v.v… , tức chúng thủ các pháp tạp nhiễm cùng phiền não chướng và sở tri chướng làm tính của nhân. Làm chỗ dựa, tức là tính của nhân kia. Nếu các thức kia lìa các chuyển biến như vậy thì trong phi nghĩa sẽ không có khởi nghĩa điên đảo. Nếu không có đây, nghĩa là nếu các pháp tạp nhiễm phiền não chướng, nếu các pháp tạp nhiễm sở tri chướng không có. Trong bài tụng này hiển thị nghĩa ấy. Loạn tướng loạn thể là tuần tự cho là sắc thức và phi sắc thức. Loạn tướng tức là loạn nhân. Sắc thức là thể. Loạn thể tức là các thức không có sắc. Nếu không có sắc thức loạn nhân thì không có quả phi sắc thức.
Luận nói: Vì sao thân thức, thân giả thức, thụ giả thức, sở thụ thức, năng thụ thức đều cùng tồn tại cùng hòa hợp chuyển biến trong tất cả thân?
Vì vậy mới có thể thể hiện đầy đủ sự thụ dụng trong đời sống.
Vì sao thế thức v.v…các thức có chuyển biến sai biệt?
Vì từ vô thủy đến nay sinh tử lưu chuyển không đoạn dứt. Vì thế giới chúng sinh không số lượng. Vì thế giới như cái đồ đựng không số lượng. Vì ngôn ngữ nói về các việc làm không số lượng. Vì các sự giữ lấy, thụ dụng khác nhau không số lượng. Vì sự thụ dụng quả dị thục của nghiệp ái phi ái khác nhau không số lượng. Vì chịu các thứ sinh tử khác nhau không số lượng.
Giải thích: Vì khiến tự thân đầy đủ các thụ dụng. Thân thức, thân giả thức và thụ giả thức, 3 thức này đồng thời câu hữu, hòa hợp trong tất cả các thân. Đồng thời chuyển nên gọi là câu hữu. Vì là sở hiển nên là tính của nhân kia.
Luận nói: Lại nữa, làm thế nào thành lập các thức như vậy làm tính của duy thức?
Nói sơ lược có 3 tướng: một là do chỉ có thức mà không có thật, hai là do 2 tính mà có 2 thức tướng phần và kiến phần khác nhau, ba là do rất nhiều thứ hành tướng sinh khởi. Bởi vì sao? Vì tất cả thức không có thật nên thành duy thức. Bởi có tướng phần và kiến phần nên thành 2 thứ thức. Nếu các thức như nhãn thức v.v… lấy các thức như sắc thức v.v… làm tướng phần, thì lấy cái thức của nhãn thức làm kiến phần, cho đến cái thức của thân thức làm kiến phần. Nếu ý thức lấy tất cả các thức từ đầu tiên là nhãn thức đến cuối cùng là pháp thức làm tướng phần, thì lấy thức của ý thức làm kiến phần. Do đó ý thức có phân biệt, tương tự như tất cả thức mà sinh khởi. Ở đây có bài tụng như sau:
Duy thức: hai, nhiều thứ,
Quán giả ý năng nhập.
Do ngộ nhập duy thức,
Chiết phục rồi thoát ly.
Giải thích: Trong đây văn trường hàng và tụng hiển thị do 3 thứ tướng thành lập duy thức. Trong trường hàng, do duy thức là chỉ có thức cho nên tất cả các thức đều chỉ có thức. Do nghĩa của sở thức là vô sở hữu. Do 2 tính , tức là do trong một thức an lập tướng và kiến. Tức là một thức này, một phần thành tướng, thứ hai thành kiến. Nhãn v.v…. các thức ngay nơi 2 tính an lập các thứ. Nghĩa là trên một thức, tùy thích ứng, một phần biến tựa các tướng sinh, phần thứ hai biến tựa các thứ năng thủ. Nếu về ý thức tức lấy tất cả nhãn làm đầu tiên, pháp làm sau cùng. Các thức là tướng, ý thức thức là kiến. Do ý thức này phân biệt khắp cả nên tựa như tất cả thức mà sinh khởi. Lại nữa ở trong 3, chỉ ý thức lấy tất cả cảnh giới làm sở thủ nên không quyết định. Ngoài ra các thức thì cảnh giới quyết định, lại nữa không phân biệt. Ý thức thì phân biệt cho nên chỉ ở đây an lập thứ ba các thứ tướng kiến. Vì vậy cho nên nơi ý thức này an lập đầy đủ duy thức. Trong Già-tha, nói năng nhập duy thức là ngộ nhập nghĩa sở thủ. Vì vĩnh viễn không có cho nên năng nhập hai, tức là ngộ nhập thức này. Vì có tướng kiến cho nên năng nhập các thứ, tức là ngộ nhập thức này, vì tựa như các thứ tướng mà sinh khởi. “Quán giả ý”, nghĩa là ý thú của các sư Du-già. Hỏi: Ngộ nhập vào cái gì?Đáp: Do ngộ nhập duy tâm kia cũng có thể đè bẹp lìa bỏ. Nếu có thể ngộ nhập chỉ có cái tâm kia đều không có nghĩa, tức là đối với kia cũng có thể đè bẹp lìa bỏ. Đã không có nghĩa sở thủ, làm gì có tâm năng thủ? Nói nhập vào 2 tính và nhập váo các thứ đều là thành lập nhập vào nhân của duy thức. Các nghĩa khác tương tự.
Luận nói: Lại ở đây có một số sư nói chỉ có một ý thức. Ý thức ấy tùy chuyển mà có các tên khác nhau. Như nghiệp của ý, gọi là thân nghiệp, ngữ nghiệp.
Giải thích: Một loại Bồ-tát muốn khiến chỉ có một thể của ý thức, họ lần lượt an lập hiển thị. Như ý tư nghiệp gọi là thân ngữ nghiệp, nghĩa là như một ý nghĩ chuyển ở nơi thân thì gọi là thân nghiệp, được chuyển ở nơi ngôn ngữ thì gọi là ngữ nghiệp, nhưng nó là ý nghiệp. Ý thức cũng vậy, tuy là một nhưng khi y nơi nhãn chuyển thì gọi là nhãn thức, như vậy cho đến khi y nơi thân chuyển thì gọi thân thức, chứ không phải lìa ý thức có riêng các thức khác. Chỉ đặc biệt trừ có thức A-lại-da.
Luận nói: Lại nữa ở tất cả nơi sở y, khi chuyển biến thì sinh nhiều thứ ảnh tượng gồm có 2 loại: ảnh tượng thật và ảnh tượng phân biệt. Lại nữa ở tất cả mọi nơi sự chuyển biến tựa ý thức chạm xúc ảnh tượng. Trong thế giới có hình sắc thì ý thức này dựa vào thân, như các sắc căn nương tựa vào thân vậy.
Giải thích: Có thể có người thắc mắc rằng nhãn v.v… các căn là không có phân biệt, cho nên ý thức dựa vào căn khi chuyển cũng phải không phân biệt. Như nhiễm ô ý là chỗ dựa của tạp nhiễn khiến tạp nhiễm chuyển, đây cũng vậy. Cho nên tiếp đế giải thích rằng lại nữa khi tất cả chỗ dựa chuyển, tựa như các tướng có 2 ảnh tượng chuyển. Đó là duy nghĩa ảnh tượng và phân biệt ảnh tượng. Trong này nói tất cả chỗ dựa, nghĩa là chỗ dựa của nhãn v.v… Tương tự các thứ tướng 2 ảnh tượng chuyển, nghĩa là chỉ có ảnh tượng tương tự nghĩa và ảnh tượng phân biệt 2 câu giải thích. Do 2 câu này nói duy chỉ một thức một phần chie có nghĩa ảnh tượng hiển hiện, phần thứ hai phân biệt rướng nghĩa này sinh. Cho nên trước nói không có lỗi. Lại tất cả mọi nơi cũng tựa ảnh tượng sở xúc mà sinh. Nghĩa là ở nơi có sắc khi ở trong định không có 5 thức, trong sắc thân khởi nội lãnh thụ như các sắc căn y chỉ nơi thân, như nhãn v.v… các căn có sắc y chỉ nơi thân, do các căn này y chỉ nơi thân nên nơi tự sở y có thể khởi tổn ích. Ý thức cũng vậy. Y chỉ thân cho nên biết rằng ở nơi thân có thể làm biến đổi. Lại có nghĩa khác, nghĩa là như thân căn y chỉ nơi thân, nếu có ngoại duyên hiện tiền xúc, thân căn liền tương tự tướng xúc khởi. Tức ngay khi khởi, nơi tự y thân có thể sinh tổn ích. Ý thức cũng vậy. Vì y chỉ thân nên khi tương tự ảnh tựng bị xúc kia sinh, đối với thân y chỉ có thể sinh tổn ích.
Luận nói: Ở đây có bài tụng như sau:
Đi xa, đi một mình,
Không thân ngủ ở hang.
Điều phục tâm khó trị,
Là chân thật phạm chí.
Giải thích: Các Bồ-tát kia để thành nghĩa này đã dẫn Già-tha trong A-cấp-ma làm chứng. “Nếu đi xa”, là vì năng duyên tất cả cảnh sở duyên. Nói “đi một mình” là vì không có thứ hai. Nói “không thân” là vì xa lìa thân. “Ngủ ở hang” là vì trú ngụ trong thân như cái hang. Nói “điều phục đây” là vì làm tự tại. “Tâm khó điều phục” là vì tính bạo ác.
Luận nói: Lại như kinh nói các cảnh giới mà 5 căn đi qua, ý thức đều có thể tiếp thụ. Ý thức là chỗ dựa của 5 căn.
Giải thích: Lại dẫn kinh giáo để chứng thành nghĩa này. Như vậy những cảnh giới mà 5 căn đi qua, ý thức đều có thể tiếp nhận, nghĩa là nơi các căn đi qua gọi là cảnh giới. Các cảnh giới như vậy ý thức đều có thể tiếp nhận, đều có thể phân biệt được các pháp. Mỗi mỗi đều có thể lãnh thụ, nên gọi là mỗi mỗi có thể tiếp nhận. Ý thức là chỗ dựa kia, nghĩa là nhân năng sinh của các căn, vì ý tán loạn nên chúng không sinh.
Luận nói: Lại có chỗ nói trong 12 xứ, 6 thức thân đều gọi là ý xứ.
Giải thích: Lại có Thánh giáo có thể chứng minh nghĩa này. Nghĩa là 6 thức thân đều gọi là ý, không có tên thức nào khác. Vì Phật nói 6 thức thân đều là ý xứ, cho nên được biết chỉ có ý thức.
Luận nói: Nếu nơi nào lập thức A-lại-da làm thức thật thì nên biết rằng tất cả các thức khác là thức tướng phần của nó. Nếu ý thức và các thức nó y chỉ là thức kiến phần của nó. Do thức tướng phần kia là tướng sinh duyên của thức kiến phần nên khi tựa như thật hiển hiện thì nó có thể làm chỗ y chỉ cho thức kiến phần sinh khởi. Như vậy là đã xác lập các thức thành tính của duy thức.
Giải thích: Trong thức A-lại-da cũng được thiết lập 2 thức là thức tướng phần và thức kiến phần. Nghĩa là thức A-lại-da lấy ý thức và chỗ y chỉ kia làm thức kiến phần của nó. Nhãn v.v… các thức làm thức tướng phần của nó. Vì tất cả pháp đều là thức cho nên do thức tướng phần kia, nghĩa là nhãn v.v… các thức là tướng sinh duyên của thức kiến phần này là kiến sinh nhân. Do tính sở duyên gọi là kiến sinh nhân. Khi tựa như thật hiển hiện thì nó có thể làm chỗ y chỉ cho thức kiến phần sinh khởi, có thể ở nơi kiến phần kia nên gọi là thức kiến phần. Tức là khi thức kiến phần này hiển hiện tựa nghĩa, các thức tướng phần kia cùng với thức kiến phần của ý có thể trụ nơi nhân liên tục không gián đoạn, Vì vậy gọi là sinh y chỉ.
Luận nói: Mọi sự thật hiện tiền rõ ràng mà làm sao biết rằng nó không phải thật có?
Như Thế Tôn nói: Nếu Bồ-tát thành tựu 4 pháp có thể ngộ nhập tất cả duy thức, tất cả đều không có thật. Một là thành tựu cái trí biết thức tướng trái nhau. Như ngạ quỷ, bàng sinh và chư thiên đối với cùng một sự việc mà có sự thấy biết khác nhau. Hai là thành tựu cái trí biết không có cảnh sở duyên mà thức vẫn có thể có hiện hành. Như duyên quá khứ, vị lai, ảnh tượng trong chiêm bao. Ba là thành tựu cái trí biết phải lìa sự dụng công mà không điên đảo. Như trong thật nghĩa có thể duyên nghĩa thức mà không điên đảo, vì trí chân thật không do dụng công. Bốn là thành tựu 3 thứ thắng trí biết tùy chuyển. Những gì là ba? Một là được tâm tự tại. Tất cả Bồ-tát được tĩnh lự tùy theo sức thắng giải mà các nghĩa hiển hiện. Hai là người được pháp tu quán Xa-ma-tha thì vừa tác ý các nghĩa liền hiển hiện. Ba là người đã được trí vô phân biệt thì trước khi trí vô phân biệt hiện tiền, các nghĩa đều không hiển hiện. Do 3 thứ thắng trí tùy chuyển diệu trí này, với 3 thứ nhân duyên nói trên mà thành tựu lý thật và không thật.
Giải thích: Cái trí biết thức tướng trái nhau, nghĩa là có thể hiểu biết trái nhau là thức duyên nghĩa tướng. Cái trí biết không có cảnh sở duyên mà thức vẫn có thể có hiện hành, nghĩa là hiện thấy có tuy không có sở duyên mà thức được sinh. Cái trí biết như quá khứ v.v… phải lìa sự dụng công mà không điên đảo, nghĩa là có thể hiểu rõ thật nghĩa như vậy, như chỗ hiển hiện tức là thật có, lìa khởi đối trị trí không điên đảo tự nhiên thành tựu. Ba thứ thắng trí tùy chuyển diệu trí, nghĩa là hiểu rõ 3 thứ thắng trí, cảnh tùy chuyển nghĩa. Được tâm tự tại, là được tâm điều thuận có chỗ kham năng. Được tĩnh lự, nghĩa là các Thanh Văn và Độc Giác v.v… đã được tĩnh lự. Tùy theo sức thắng giải mà các nghĩa hiển hiện, nghĩa là nếu nguyện lạc địa thành thì nước, hoặc lửa cũng như ý thành. Được pháp tu quán Xa-ma-tha, là được tu pháp quán Tam-ma-địa, đối với khế kinh siêng tu quán sát. Khi vừa tác ý các nghĩa liền hiển hiện, nghĩa là tùy nơi một nghĩa như như tác ý thì như vậy như vậy chẳng phải cảnh tướng của một phẩm loại hiển hiện. Khi trí vô phân biệt hiện tiền, tất cả các nghĩa đều không hiển hiện, nghĩa là nếu hiển hiện nghĩa, tức như vây thật có, phải không được có trí vô phân biệt. Trí vô phân biệt nếu là thật có thì chắc chắn phải chấp nhận các nghĩa đều không.
Luận nói: Nếu tự tính y tha khởi thật chỉ có thức, làm chỗ y chỉ cho những hiển hiện không thật thì sao gọi là y tha khởi? Vì nhân duyên gì gọi là y tha khởi?
Từ chủng tử huân tập sinh ra, do duyên cái khác mà sinh khởi nên gọi là y tha khởi. Sau khi sinh ra một sát-na không có công năng mà tự nhiên tồn tại nên gọi là y tha khởi.
Giải thích: Thật chỉ có thức, làm chỗ y chỉ cho những hiển hiện không thật, nghĩa là thật không có nghĩa, chỉ có thức của nó cùng với nó hiển hiện nghĩa tương tự làm nhân, tức đây chỉ có thức gọi là y tha khởi. Sao gọi là y tha khởi, là hỏi tự nhiếp thụ. Vì nhân duyên gì gọi là y tha khởi, là hỏi của người kia nói. Từ tự nhân sinh ra, sinh ra rồi không có công năng tạm thời an trụ, gọi là y tha khởi. Phải tự nhiếp thụ cũng là người kia nói.
Luận nói: Nếu tự tính biến kế sở chấp dựa vào y tha khởi, hiển hiện tựa như thật mà không thật có thì sao thành biến kế sở chấp? Vì nhân duyên gì gọi là biến kế sở chấp?
Vì là hành tướng của ý thức, chấp trước khắp cả điên đảo sinh ra, nên gọi là biến kế sở chấp. Vì không có tự tướng, chỉ do chấp trước khắp cả mà được, nên gọi là biến kế sở chấp.
Giải thích: Dựa vào y tha khởi, nghĩa là dựa vào duy thức, thật không sở hữu, thật không tự thể. Hiển hiện tựa như thật, nghĩa là chỉ đước cái nghĩa tương tự hiển hiện. Vì sao, vì cớ gì v.v… là như trước nói. Vô lượng hành tướng là hành tướng tất cả cảnh giới. Ý thức biến kế tức là ý thức. Nói biến kế điên đảo sinh tướng, nghĩa là có thể sinh cảnh tướng sở duyên điên đảo hư vọng. Thật không có tự tướng, nghĩa là thật không có cái thể kia. Chỉ có biến kế sở chấp, nghĩa là chỉ do loạn thức chấp.
Luận nói: Nếu tự tính viên thành thật là vĩnh viễn không còn tướng biến kế sở chấp thì thế nào là thành viên thành thật? Do nhân duyên gì gọi là viên thành thật?
Do tính không biến đổi nên gọi là viên thành thật. Lại do tính nó là sở duyên của thanh tịnh, là tính vượt trội hơn tất cả thiện pháp.
Do nghĩa vượt trội này mà gọi là viên thành thật.
Giải thích: Là biến kế sở chấp vĩnh viễn không có tướng, nghĩa là tự tính của biến kế sở chấp lấy vô tính làm tính. Vì sao, vì cớ gì v.v… như đã nói trong y tha ở trước. Do tính không biến đổi, nghĩa là tính không hư dối. Như tính không hư dối, lại do tính thanh tịnh duyên nên là tinh tối thắng hơn tất cả thiện pháp. Do nghĩa tối thắng mà gọi là viên thành thật, nghĩa là vì do tính thanh tịnh sở duyên, vì tính tối thắng nên gọi là viên thành thật.
Luận nói: Lại nữa có năng biến kế, có sở biến kế mới thành tự tính của biến kế sở chấp. Vậy cái gì là năng biến kế, cái gì là sở biến kế, cái gì là tự tính của biến kế sở chấp?
Ý thức là năng biến kế, vì có phân biệt. Bởi vì sao? Vì ý thức này dùng danh ngôn tự huân tập làm chủng tử, và dùng danh ngôn huân tập của tất cả thức làm chủng tử, cho nên ý thức có vô số hành tướng phân biệt chuyển biến khắp tất cả sự phân biệt kế đạc nên gọi là biến kế. Còn tự tính y tha khởi gọi là sở biến kế. Lại nếu do cái tướng này khiến cho tự tính y tha khởi thành biến kế, thì gọi là tự tính biến kế sở chấp. Do tướng như vậy mà có nghĩa như vậy.
Lại nữa thế nào là biến kế có thể kế đạc khắp cả? Duyên cảnh giới nào? Thủ lấy tướng mạo gì? Do cái gì chấp trước? Lấy cái gì khởi lên ngôn ngữ? Lấy cái gì nói năng? Tăng ích cái gì?
Do duyên tên gọi làm cảnh. Trong tự tính y tha khởi, thủ lấy tướng mạo của y tha khởi. Do vọng kiến mà chấp trước. Lấy sự tìm cầu mà khởi lên ngôn ngữ. Do 4 thứ thấy, nghe, hay, biết mà khởi lên sự nói năng. Trong sự không thật, tăng thêm sự hiện hữu. Do đó biến kế có thể kế đạc khắp tất cả.
Giải thích: Lại nữa thế nào là biến kế có thể kế đạc khắp cả, nghĩa là ý thức gọi là năng biến kế, tính y tha khởi gọi là sở biến kế. Để hiển thị do phẩm loại này có thể kế đạc khắp cả nên lại nói duyên tên gọi là cảnh v.v…. Trong tự tính y tha khởi, thủ lấy tướng mạo, nghĩa là ngay trong y tha khởi này, do nhãn v.v… các tên thủ lấy tướng mạo kia, do thủ lấy tướng kia nên có thể kế đạc khắp cả. Do vọng kiến mà chấp trước, là như chỗ thủ lấy tướng mà chấp trước như vậy. Do sự tìm cầu mà khởi lên ngôn ngữ, là như chấp trước là do lởi nói, nhân tìm cầu mà phát ngôn ngữ. Do 4 thứ thấy, nghe, hay, biết mà khởi lên sự nói năng, là như ngôn ngữ nói ra 4 thứ thấy nghe hay biết và các ngôn thuyết khác. Trong sự không thật, tăng thêm sự hiện hữu, là như trong các ngôn thuyết vô nghĩa mà chấp là có nghĩa. Luận nói: Lại nữa 3 tự tính này khác nhau hay không khác nhau?
Phải nói là chẳng khác, chẳng phải không khác. Nghĩa là tự tính y tha khởi là do từ một cái khác mà thành ra có y tha khởi. Tức là tự tính này là do cái khác nên thành biến kế sở chấp. Tức là tự tính này là do cái khác nên thành viên thành thật.
Vậy do cái khác gì mà tính y tha khởi này thành y tha khởi?
Là do các chủng tử y tha huân tập sinh khởi.
Do cái khác gì mà tính y tha khởi này thành biến kế sở chấp?
Là do tướng sở duyên của biến kế, và cũng là sở biến kế của biến kế.
Do cái khác gì mà tính y tha khởi này thành viên thành thật?
Là như biến kế tất cả rồi mà không thật có như đã biến kế.
Giải thích: Là do tướng sở duyên của biến kế, nghĩa là ý thức kia gọi là biến kế. Đây là tính của cảnh sở thủ sở duyên có thể sinh biến kế. Cho nên cũng gọi là biến kế sở chấp. Và cũng là sở biến kế của biến kế, tức là ý thức kia gọi là biến kế, duyên tướng mạo kia làm cảnh sở thủ, làm sở biến kế. Do nghĩa này mà y tha khởi tính cũng gọi là biến kế sở chấp tự tính. Như đã biến kế, tức là như biến kế sở chấp của ý thức kia. Tất cả rồi không thật có, tức là vì biến kế sở chấp trên cái sở biến kế là hoàn toàn không. Do nghĩa này nên ngay nơi tự tính này thành viên thành thật.
Luận nói: Ba tự tính này, mỗi tính có bao nhiêu thứ?
Y tha khởi đại khái có 2 thứ. Một là do chủng tử y tha huân tập sinh ra. Hai là không thành tính y tha là tạp nhiễm hay thanh tịnh. Do có 2 thứ y tha khác biệt nên gọi là y tha khởi.
Biến kế sở chấp cũng có 2 thứ. Một là tự tính biến kế chấp. Hai là sai biệt biến kế chấp. Do đó nên gọi là biến kế sở chấp.
Tính viên thành thật cũng có 2 thứ. Một là tự tính viên thành thật. Hai là thanh tịnh viên thành thật. Do đó nên gọi là tính viên thành thật.
Giải thích: Nói vì không thành tính tạp nhiễm hay thanh tịnh, do đó mới là tính y tha khởi. Nếu khi biến kế tức thành tạp nhiễm, khi không phân biệt tức thành thanh tịnh. Do có 2 phần nên không thành một tính. Cho nên gọi là tính y tha khởi. Tự tính biến kế chấp là như nhãn v.v… biến kế chấp là tự tính của nhãn v.v… Sai biệt biến kế chấp là như tự tính biến kế chấp kia của nhãn v.v… là thường, vô thường v.v… có vô lượng sai biệt. Tự tính viên thành thật, nghiã là hữu cấu chân như. Thanh tịnh viên thành thật là vô cấu chân như.
Luận nói: Lại nữa biến kế có 4 thứ: 1.tự tính biến kế, 2.sai biệt biến kế, 3.hữu giác biến kế, 4.vô giác biến kế. Hữu giác là giỏi về danh ngôn. Bất giác là không thông hiểu danh ngôn. Do đó biến kế lại có 5 thứ: Một là y danh biến kế nghĩa tự tính. Nghĩa là tên gọi như vậy thì có nghĩa như vậy. Hai là y nghĩa biến kế danh tự tính. Nghĩa là theo nghĩa như vậy thì có tên như vậy. Ba là y danh biến kế danh tự tính. Nghĩa là y theo tên mà biến kế tất cả các tên chưa rõ nghĩa. Bốn là y nghĩa biến kế nghĩa tự tính. Nghĩa là kế đạc tất cả các nghĩa mà chưa biết tên. Năm là y theo 2 biến kế và 2 tự tính. Nghĩa là kế đạc khắp cả tên như vậy, nghĩa như vậy và thể tính như vậy.
Giải thích: Giỏi về danh ngôn, nghĩa là thông hiểu các danh ngôn. Không thông hiểu danh ngôn như loài bò dê v.v… tuy có phân biệt nhưng không biết được văn tự.
Luận nói: Lại nữa gồm thâu tất cả phân biệt thì đại lược có 10 thứ. Một là phân biệt căn bản, tức là thức A-lại-da. Hai là phân biệt về duyên tướng, tức sắc thức v.v… Ba là phân biệt về hiển tướng, tức nhãn thức v.v…và thức sở y. Bốn là phân biệt về sự biến đổi của duyên tướng, tức như biến đổi thành già, biến đổi cảm thụ vui v.v…, biến đổi vì tham v.v…, biến đổi khó chịu vì thời tiết thay đổi, biến đổi các nẻo đường chúng sinh như Nại-lạc-ca v.v…và biến đổi các cõi như cõi Dục v.v… Năm là phân biệt về biến đổi của hiển tướng, tức biến đổi của các biến đổi nói trên. Sáu là phân biệt do từ người khác đưa đến, tức phân biệt khi nghe phi pháp và nghe chính pháp. Bảy là phân biệt không đúng lý, tức như phân biệt của ngoại đạo nghe các pháp không đúng chính pháp. Tám là phân biệt đúng lý, tức phân biệt các loại chính pháp khi nghe chính pháp. Chín là phân biệt chấp trước, tức phân biệt thuộc loại tác ý không đúng, như tương ưng 62 kiến chấp lấy Tát-ca-da kiến làm gốc. Mười là phân biệt tán động, tức 10 thứ phân biệt của Bồ-tát.
Giải thích: Gồm thâu tất cả phân biệt thì đại lược có 10 thứ, đó là tổng nêu, sau sẽ giải thích riêng. Phân biệt căn bản, tức là thức A-lại-da là căn bản các phân biệt. Tự thể cũng là phân biệt. Phân biệt về duyên tướng, tức sắc thức v.v… là tướng sở duyên, sở khởi phân biệt. Phân biệt về hiển tướng, tức nhãn thức v.v…và thức sở y hiển hiện tựa như tướng nó duyên cảnh khởi phân biệt. Có sở phân biệt hoặc năng phân biệt gọi là phân biệt về duyên tướng. Phân biệt về sự biến đổi của duyên tướng, nghĩa là ngay nơi duyên tướng có sự biến đổi, duyên nơi duyên tướng này có sự phân biệt biến đổi, nên gọi là phân biệt về sự biến đổi của duyên tướng. Nói tức như biến đổi thành già, là các đại chủng trong thân biến đổi thành suy hủ, gọi là phân biệt biến dổi thành già, cho nên nói là phân biệt về sự biến đổi của duyên tướng. Nói v.v… là cả đến các biến đổi như bệnh, chết. Các biển đổi như lạc thụ v.v… cũng vậy, nghĩa là do lạc thụ thân thể đổi khác. Chữ v.v… nghĩa là kể cả sân, si, khi bức hại hay thời tiết thay đổi khác cũng vậy. Nghĩa là thân biến đổi vì khởi phân biệt đối với cảnh sở duyên. Bức hại nghĩa là giết chóc hay bắt bớ v.v…Thời tiết thay đổi, nghĩa là khi lạnh v.v… biến đổi. Biến đổi các nẻo đường chúng sinh như Nại-lạc-ca v.v…, nghĩa là kể cả các nẻo ngạ quỷ, bàng sinh. Và biến đổi các cõi như cõi Dục v.v… cũng vậy. Chữ v.v… là kể cả cõi Sắc cõi Vô sắc. Phân biệt về biến đổi của hiển tướng, nghĩa là nhãn thức v.v… hiển hiện tựa như cảnh tướng sở duyên kia có sự đổi khác. Duyên hiển tướng này phân biệt biến đổi. Đây cũng giống như trước đã nói về các biến đổi như già v.v… Phân biệt do từ người khác đưa đến, nghĩa là do giáo thuyết của người khác mà khởi phân biệt. Đây lại có 2 thứ: một là nghe các thứ phi chính pháp, hai là nghe chính pháp. Đây cũng có 2 thứ phân biệt, nghĩa là nghe loại chính pháp hoặc thiện hoặc bất thiện. Nghe loại phi chính pháp cũng như vậy. Phân biệt không đúng lý, nghĩa là các ngoại đạo và đệ tử của họ nghe loại phi chính pháp là nhân phân biệt. Phân biệt đúng lý, nghĩa là trong chính pháp các đệ tử Phật nghe loại chính pháp là nhân phân biệt. Phân biệt chấp trước, nghĩa là không như lý tác ý là nhân y chỉ ngã kiến, khởi 62 thứ phân biệt tương ưng các ác kiến thú, như kinh có nói rộng. Phân biệt tán động, nghĩa là 10 thứ phân biệt của Bồ-tát, sau sẽ nói đến.
Luận nói: Đó là: 1.tán động không có tướng, 2.tán động có tướng, 3.tán động tăng ích, 4.tán động tổn giảm, 5.tán động một tính, 6.tán động khác tính, 7.tán động tự tính, 8.tán động sai biệt, 9.tán động lấy nghĩa theo tên, 10.tán động lấy tên theo nghĩa. Để đối trị 10 thứ tán động này, trong tất cả Bát-nhã Ba-la-mật-đa nói trí vô phân biệt. Như vậy phải biết sở trị năng trị đều gồm thâu đầy đủ nghĩa của Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Giải thích: Trong đây nói tán động không có tướng, nghĩa là tán động này lấy cái không, làm tướng sở duyên. Để đối trị tán động này nên Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa nói thật có Bồ-tát. Nói thật có, tức hiển thị Bồ-tát thật có cái thể không. Không tức là thể, nên gọi là cái thể không. Tán động có tướng, nghĩa là tán động này lấy cái có, làm tướng sở duyên. Để đối trị tán động này nên kinh kia nói không thấy có Bồ-tát. Ý kinh này nói không thấy Bồ-tát vì biến kế sở chấp và y tha khởi là thể. Tán động tăng ích, nghĩa là để đối trị tán động này, kinh kia nói tự tính của sắc là không, do biến kế sở chấp, sắc tự tính là không. Tán động tổn giảm, là để đối trị tán động này, như kinh kia nói chẳng do không, cho nên gọi pháp tính, sắc tính chẳng không. Tán động một tính, là để đối trị tán động này, kinh kia nói sắc không phi sắc. Bởi vì sao? Nếu y tha khởi và viên thành thật là một tính thì y tha khởi này phải là cảnh thanh tịnh như viên thành thật. Tán động khác tính là, để đối trị tán động này tức như kinh kia nói sắc chẳng lìa không. Bởi vì sao? Bởi nếu hai cái khác nhau thì pháp và pháp tính cũng phải khác nhau. Nếu có tính khác nhau thì không đúng đạo lý như pháp vô thường với tính vô thường. Nếu lấy tính biến kế sở chấp thì sắc tức là không, không tức là sắc. Bởi vì sao? Vì sắc của biến kế sở chấp là vô sở hữu, tức tính nó là không. Cái tính không này tức nó là vô sở hữu, không phải như y tha khởi và viên thành thật, không thể nói là một. Tán động tự tính là, để đối trị tán động này như kinh kia nói: Xá-lợi tử ! Cái này chỉ có tên, gọi đó là sắc. Bởi vì sao? Vì tự tính của sắc là vô sở hữu. Tán động sai biệt là, để đối trị tán động này như kinh kia nói: Tự tính không sinh không diệt không nhiễm không tịnh. Sinh tức có nhiễm, diệt tức có tịnh. Không sinh diệt nên không nhiễm ttịnh. Các câu ấy có nghĩa như vậy. Như tán động lấy nghĩa theo tên, nghĩa là lấy nghĩa tán động theo tên của nó. Để đối trị tán động này như kinh kia nói: Giả lập tên các khách trần riêng khác đối với các pháp mà khởi phan biệt. Nói riêng khác là có tên riêng khác. Tán động lấy tên theo nghĩa là, để đối trị tán động này như kinh kia nói: Giả lập tên các khách trần rồi tùy theo đó khởi ngôn thuyết, chứ không phải tự tính của nghía có tên như vậy. Để đối trị 10 thứ tán động này, nên nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Do nói Bát-nhã Ba-lamật-đa này là nhân sinh trí vô phân biệt.
Luận nói: Nếu do dị môn của tự tính y tha khởi mà có 3 tự tính thì tại sao 3 tự tính thì tái sao 3 tự tính không thành ra không khác nhau?
Vì nếu do dị môn mà thành y tha khởi thì không do đó mà thành biến kế sở chấp và viên thành thật. Nếu do dị môn mà y tha khởi thành biến kế sở chấp thì không do đó mà thành y tha khởi và viên thành thật. Nếu do dị môn mà y tha khởi thành viên thành thật thì không do đó mà thành y tha khởi và biến kế sở chấp.
Giải thích: Nghĩa này đã được giải thích như ở trước.