NHÁT KIẾM SAU CÙNG
(Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
Hạnh Đoan
NHÁT KIẾM SAU CÙNG
Tại một vương quốc nọ, có nàng công chúa xinh đẹp bị rồng độc bắt đi.
Đức vua buồn rầu tuyên bố:
– Ai cứu được công chúa, ta sẽ nhận làm phò mã và chia cho nửa giang sơn.
Có hai dũng sĩ tên Bảo và Cường, vốn là bạn thân, cùng đi cứu công chúa. Trải qua trăm đắng ngàn cay, nếm nhiều gian lao vất vả… họ mới diệt được độc long, đem công chúa về.
Quốc vua suy nghĩ đến nhức đầu, vì chẳng biết gả con cho ai. Bởi hai chàng trai đều tuấn tú, tài giỏi ngang nhau. Túng thế, vua bèn hỏi ý công chúa. Công chúa cũng thấy thật khó chọn. Hai chàng đều là ân nhân có công cứu tử, nếu phải chọn người này, bỏ người kia thì thật là bất công, không đành…
Hội ý mãi, cuối cùng nhà vua quyết định: Hai dũng sĩ bắt buộc phải đấu kiếm, kẻ thắng sẽ cưới được công chúa. Song, luật đấu kiếm hồi ấy rất khắc nghiệt: hễ so tài là phải một mất một còn, chỉ khi kẻ chiến bại bị giết chết thì trận đấu mới được phép dừng lại và chiến thắng mới được công nhận.
Kẻ chiến bại bị giết chết thì trận đấu mới được phép dừng
Bảo và Cường giao đấu cả ngày trời, cơ hồ bất phân thắng bại. Cuối cùng, Bảo đánh ngã được Cường, chĩa lưỡi kiếm bén nhọn vào ngực đối phương. Trong khoảnh khắc ấy Bảo có cảm giác thời gian như ngừng lại, sự yên lặng bao trùm đến nghẹt thở… suy nghĩ một hồi lâu, Bảo thở dài tự nhủ: “Ta không thể vì công chúa, vì vương ấp đất đai mà giết chết người bạn tối thân thiết của mình!”.
Thế là Bảo thu kiếm về, xoay mình bỏ đi.
Cường bỗng hét lên: – “Cuộc chiến chưa kết thúc, kẻ thắng vẫn chưa được nhìn nhận”. Nói dứt lời, Cường đã lượm kiếm, lao nhanh tới đâm thẳng vào lưng Bảo.
Bảo ngã xuống, máu tuôn xối xả. Công chúa kinh hoàng, nhảy vào can ngăn. Trận chiến đình chỉ. Nhờ vậy Bảo may mắn sống sót, chàng được cứu nguy kịp thời. Mũi kiếm của Cường suýt chút nữa đã kết liễu mạng Bảo.
Công chúa thưa với vua cha:
– Xin hãy gả con cho Bảo – Cường là kẻ dám đâm sau lưng, phản bội lại người bạn thân nhất của mình thì chắc chắn anh ta cũng chẳng xử tốt với con.
(Phỏng theo Truyện Ngụ Ngôn của Lâm Thanh Huyền)
BÌNH:
Ai từng sống qua kiếp người mà chưa nếm mùi bị “đâm sau lưng”… từ người bạn thân của mình thì quả là may mắn. Nhát kiếm sau lưng luôn làm ta chua chát… trách đời, giận người. Song chân lý và lẽ phải luôn đứng về người khoan hồng, độ lượng, cư xử nghĩa nhân.
Kẻ phản bội dù có được hưởng lợi ngay tức khắc thì họ cũng phải trả giá rất đắt: – Đó là nhân phẩm cao đẹp tự thân bị huỷ diệt vì cách hành xử bất hảo của mình!… Chưa kể là vận rủi luôn đeo đuổi họ và chẳng ai muốn thân cận kết giao với một người như vậy.
Bảo nương tay khi thành quả chiến thắng gần kề, ngay lúc đó trong tâm trí chàng không có phần thưởng nửa giang sơn, không có nàng công chúa xinh đẹp, mà chỉ có mạng sống đáng tôn trọng của người bạn thiết. Khi thu gươm lại là Bảo chấp nhận mất trắng hết, nhưng chàng đã được rất nhiều: sở hữu một trái tim nhân ái, một nghĩa cử mã thượng anh hùng… Và chính nghĩa cử này đã khiến trái tim công chúa rung động, ngưỡng mộ.
Ta cũng đừng vội trách Cường, bởi vì phần thưởng, sự cám dỗ quá lớn. Trong đời, đọc các tin nhan nhản trên báo, ta từng thấy vì bạc tiền, lợi lộc mà những người có họ hàng còn giết hại nhau để sang đoạt, thì nói gì đến Cường đang đứng trước lằn ranh sống chết, giữa thắng và bại, giữa có được giai nhân, vương tước, thôn ấp… hoặc sẽ mất trắng…
Những người lầm lỗi rất đáng thương, do không được hướng thiện nên họ lạc lối lầm đường. Nếu như con người được giáo dục đến nơi đến chốn họ sẽ ít tạo tội hơn.
Khi chúng ta sinh ra trong nhà thiện lương, nhất cừ nhất động đều được nhắc nhở phải cẩn thận khi gieo nhân; tai luôn nghe lời ca ngợi việc tích đức, tạo thiện; mắt luôn thấy gương tốt để noi theo. Nên khuynh hướng của ta tất nhiên sẽ nghiêng về nẻo lành. Còn người sinh trong chốn bất hạnh? – Cuộc sống họ thường xuyên đối mặt với giành giựt, chửi rủa, chiếm đoạt, tranh lấn… có muốn tốt cũng không tốt được. Bởi lòng tốt vừa manh nha, đã bị nhấn chìm bởi vô số ngoại duyên xấu. Cho nên, người lầm lỗi luôn đáng thương.
Sự cám dỗ, xui khiến của dục vọng luôn làm lạc hướng biến chất con người. Nhưng dù thế nào đi nữa, trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức vẫn còn lương trí và tính phục thiện. Vì vậy mà chư Phật, Bồ tát không nề gian khổ, tình nguyện vào cõi đời ngũ trược đầy dẫy xấu ác này để độ sinh; bởi vì các Ngài biết rõ bản chất chúng sinh là Phật – chỉ cần giáo hóa, khơi mở… thì sen sẽ vươn lên khỏi bùn, rạng rỡ tỏa hương.