NHÁT KIẾM SAU CÙNG
 (Ngụ Ngôn Phật Giáo Tập 2)
 Hạnh Đoan 

NỖI LÒNG LÁ SEN

Có một lá sen nhỏ vừa mở mắt chào đời, nó dòm quanh ngắm cảnh vật và phát hiện trên mình nó có một vật tròn long lanh. Một cơn gió thoảng qua, thân nó khẽ lay động, vật lạ ấy cũng chao đảo lắc lư theo, có hơi méo mó hình dạng đôi chút rồi cũng trở về với vóc dáng cũ. Thấy vậy, lá sen tò mò cất tiếng hỏi:

– Clhào bạn! Bạn là ai? Sao lại nằm trên mình tôi?

– Tôi là hạt sương! Tôi sinh ra từ hơi nước kết tụ, tôi đến đây hồi hôm, chỉ ngụ tạm trên mình bạn chút lát rồi sẽ đi ngay thôi!

– Ô! Sao lại đi ngay? Cứ ở đây chơi cho thỏa đi! Tôi không hẹp hòi với bạn đâu! – Lá sen biểu lộ lòng hiếu khách, tốt bụng.

– Tôi nào có muốn đi liền? Nhưng hễ vầng dương vừa ló dạng là tôi tan biến ngay. Tôi sẽ hóa thành hơi… bay lên trời!

Ngay lúc hạt sương đang giải thích cho lá sen nhỏ hiểu thì mặt trời cũng vừa lên, phóng những tia nắng rạng rỡ, chiếu thẳng vào lá sen… chẳng mấy chốc, hạt sương biến mất.

Lá sen cảm thấy cô đơn, nó ngó chung quanh hi vọng tìm thấy hạt sương, nhưng hoài công. Nó buồn rầu thở dài.

Sáng hôm sau, lá sen thức giấc, nó thật bất ngờ khi thấy hạt sương đang nằm ngủ trên mình nó. Nó mừng rỡ kêu to:

– Ô! Chào hạt sương, bạn lại đến rồi! Thế mà tôi ngỡ là bạn đã đi mất chứ! Tôi nhớ bạn lắm!…

Hạt sương tỏ ra ngạc nhiên, nói:

– Bạn lầm rồi! Tôi chưa quen bạn bao giờ, lần đầu tiên tôi đáp xuống đây đấy! Tôi mới chào đời từ đêm qua…

Lá sen không kịp hỏi gì nhiều thì mặt trời lại lên, nắng chiếu xuống và hạt sương tan biến mất.

Lá sen thắc mắc quá đỗi, bởi vì hạt sương lúc nãy và hạt sương hôm qua giống hệt nhau, xem ra tên và hình dáng chúng chẳng khác biệt, vì hễ mặt trời lên thì cũng biến mất, nhưng tại sao hạt sương này không chịu nhận là “cố nhân” từng quen biết nó?…

Rồi từng ngày, từng ngày trôi qua, lá sen lớn lên và trưởng thành. Dung nhan nó không còn nõn nà óng mượt mà trở nên cằn cỗi, xạm đi. Giờ lá sen đã già lắm rồi. Nhưng nó vẫn không quên tình cảm thuở ban sơ và còn nhớ như in cảnh diện kiến hạt sương lần đầu. Trong lòng nó vẫn còn buồn và thắc mắc. Nó thường tự nhủ: “Ta luôn là lá sen thủy chung như nhất, vì sao hạt sương vĩnh viễn không là hạt sương ban sơ?”…

Một ngày kia, lá sen héo khô úa tàn, trước khi lìa đời lòng nó vẫn còn ôm mối nghi chưa giải, mang theo xuống tận tuyền đài – không! – Mang theo xuống tận… bùn!

(Theo “Nhân Sinh Phương Hướng” của Lâm Thanh Huyền)

BÌNH:

Hai từ luân hồi, nghe trịnh trọng và có vẻ xa vời? Nhưng chẳng cần bàn đến chuyện luân hồi kiếp trước, kiếp sau, mà chỉ nói đến từng ngày trong cuộc sống của chúng ta như thức dậy: ăn sáng, làm việc, ngủ nghỉ… sẽ thấy rằng tất cả thường diễn tiến theo chu trình nhất định. Việc tuy có khác nhưng vòng quay cuộc sống, căn bản luôn giống nhau. Ngày ngày trôi qua, chúng ta cứ diễn lại những động tác cũ, lịch trình cũ. Có đổi thay thì cũng chỉ chút ít. Đấy cũng có thể gọi là luân hồi – sự quay vòng của cuộc sống – Song, kiểu luân hồi này không huyền bí và diễn ra thường xuyên trong đời ta.

Hầu hết chúng ta đều sống với tâm trạng không để ý, hoặc lầm cho hạt sương hôm nay là hạt sương hôm qua. Thực ra nó hoàn toàn mới, giống như mỗi ngày mỗi khắc tiếp nối trong cuộc sống chúng ta đều mới. Mỗi ngày đến với ta giống như từng hạt sương ngẫu nhiên xuất hiện. Hạt sương dù nhỏ bé vẫn góp phần tô điểm cuộc đời và có thể phản chiếu lung linh. Chỉ cần ta nhận ra sự mới mẻ, tiếp nhận cái mới, thấy biết mới, sáng tạo mới… thì mỗi ngày sống của ta tuy ngắn ngủi, song ta vẫn có thể thi vị hóa, biến chuỗi sống được liên kết bằng từng ngày phù du này thành tươi tắn, sinh động, tốt lành.

Hãy đón nhận mỗi ngày đến chúng ta bằng tâm tư mới mẻ, thanh lương, hiền thiện, tốt đẹp. Mỗi ngày trôi qua giống như hạt sương mong manh, đọng lại rồi tan biến… Nhưng, nếu ta sống xứng đáng, nếu ta biết quý tiếc thời gian, biết dùng nó vào việc lợi mình lợi người… biết sống không phí phạm, biết tỉnh thức trước sai lầm… thì ta sẽ thấy dòng luân hồi, chuỗi ngày sống này không đến nỗi vô vị và giúp ích rất nhiều cho sự thăng tiến tâm linh.