SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
13. Đức Phật, Bồ-tát làm người bảo đảm
Lạy Phật, sám hối quả thực có trợ giúp tiêu trừ nghiệp chướng. Nhưng tác dụng của nó là nhờ Đức Phật, Bồ-tát thấy bạn thật có quyết tâm và thành tâm bỏ ác làm thiện, nên các Ngài đứng ra đảm bảo cho bạn.
Sám hối có hai công năng:
1. Xét lại lỗi lầm của mình, bỏ ác làm thiện, không làm việc ác nữa.
2. Bậc trượng phu dám làm, dám chịu, bình tĩnh thản nhiên, dũng cảm nhận tất cả trách nhiệm.
Lòng người rất sơ suất, đãng trí quên nhiều, đối với việc mình đã làm; đặc biệt là việc sai lầm, xấu xa, không thận trọng, nên quên rất nhanh. Thế nên, chúng ta là đệ tử Phật giáo phải nhắc nhở mọi người thường sám hối. Thế nào là sám hối? Sám hối những điều đã quên, vẫn chưa quên mất, xem xét lại lỗi lầm vẫn chưa xem xét. Cho dù lỗi lầm chồng chất trải qua thời gian dài nhiều đời, chúng ta cũng phải sám hối tất cả, hoan hỉ chấp nhận trách nhiệm.
Có rất nhiều người nói khoác mà không biết xấu hổ: “Tôi làm việc rất trong sạch, ngước lên không xấu hổ với trời, cúi xuống không hổ thẹn với đất, chẳng có việc gì mà phải sám hối.” Tất nhiên ở thế gian có rất nhiều người quân tử làm việc chính đáng, phong thái chính trực; nhưng không thể quên đi đời quá khứ mà không nói đến, chỉ biết khởi tâm động niệm ngay hiện tại.
Có lúc, chúng ta cũng thường bất giác phạm rất nhiều sai lầm phải không? Bởi vì, thói quen của chúng ta ẩn náu các căn bệnh như: tham, sân, si, mạn, nghi v.v… Khi chúng ta không để ý thì sẽ biểu hiện qua lời nói, hành động ngay hiện tại; không những làm tổn thương người thân bên cạnh mà còn làm tổn thương chính mình.
Có rất nhiều cha mẹ, tự cho là mình làm mọi việc đều là thương con; kết quả, do thường thương con, nên đưa đến hại con mà không biết. Trong lịch sử cũng có rất nhiều thí dụ người cố chấp chọn ‘thiện,’ cố chấp cho mình làm việc thiện, thuận theo ta thì tốt, chống lại ta thì chết, thực hành tàn bạo mà cho là làm thiện. Vì thế, ý nghĩa sám hối là đồng thời chúng ta vừa sám hối, vừa không ngừng nhắc nhở mình bỏ đi thành kiến, đứng trên góc độ bất đồng thì hãy kiểm điểm lời nói, việc làm của mình; phần đông mọi người nghĩ là do người khác.
Chúng ta thừa nhận chính mình từ đời quá khứ cho đến ngày nay, trong lúc bất giác phạm rất nhiều sai lầm thì hãy dũng cảm chấp nhận những hoàn cảnh hiện tại. Người bình thường khi gặp hoàn cảnh khốn cùng, thì thường oán trời trách người, trách ông trời không có mắt, không phân biệt thiện ác, không nhận rõ tốt xấu. Kết quả, họ mắc sai lầm mất hết niềm tin là oán ghét đời. Người chịu sám hối thì có thể chấp nhận tai nạn bình tĩnh thản nhiên; vả lại, dựa vào tai nạn mà họ rèn luyện tâm thái càng cung kính, càng khiêm tốn. Cho dù, họ nếm trải vùi dập rất nhiều, nhưng vẫn giữ được tín tâm và từ bi trong tính người.
Trong kinh nói: “Khi nghiệp báo đến, chẳng phải ở hư không, chẳng phải ở trong biển, chẳng phải trong hang núi, không có chỗ nào mà thoát khỏi quả báo, chỉ có lực sám hối mới tiêu trừ được.” Kinh nói rõ như thế, năng lực sám hối làm cho tội nặng thành tội nhẹ, chỉ cần mỗi ngày chúng ta lạy Phật, sám hối thì có thể tiêu trừ nghiệp chướng, chuyển hóa được nhân xấu đã tạo, không bị quả báo nặng, lẽ nào không tiện lợi? Lạy Phật, sám hối quả thực có trợ giúp tiêu trừ nghiệp chướng. Nhưng tác dụng của nó là nhờ Phật, Bồ-tát thấy bạn thật có quyết tâm và thành tâm bỏ ác làm thiện, nên các Ngài đứng ra đảm bảo cho bạn, giúp bạn tạm thời không bị quả báo nặng; hoặc là giống như bạn chia thời gian trả tiền, bạn trả góp dần dần. Việc này giống như một người mắc nợ chồng chất, chạy trốn nợ vào ở nhà giàu có; nhà giàu này đứng ra bảo lãnh với chủ nợ, xin cho người thiếu nợ đó một thời gian, cam kết chắc chắn họ sẽ trả nợ từ từ, xin chủ nợ đừng quá nóng nảy ép buộc. Đạo lí là giống nhau, Phật, Bồ-tát chỉ làm người bảo lãnh cho chúng ta, nhưng không trả nợ giúp chúng ta. Chúng ta mắc nợ thì phải tự mình trả góp từ từ.