PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN I
ĐỨC PHẬT

CHƯƠNG 1
CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
(TT)

L.50 Xin nước nóng

Lúc bấy giờ, Thế Tôn bị bệnh phong và Tôn giả Upavāna là thị giả. Thế Tôn gọi Tôn giả Upavāna như vầy, ‘Đến đây, Upavāna, hãy kiếm cho Ta nước nóng.’ ‘Kính vâng, bạch Đại

Đức.’ Tôn giả Upavāna vâng đáp.

Rồi Tôn giả Upavāna khoác y, cầm y bát, đi đến trú xứ của bà-la-môn Devahita, đứng im lặng một bên.

Bà-la-môn Devahita thấy Tôn giả Upavāna đứng im lặng một bên, bèn nói lên bài kệ với Tôn giả:

‘Tôn giả đứng im lặng, đầu trọc, choàng đại y, ông muốn gì, cầu gì, ông đến để xin gì? ’

‘A-la-hán trong đời, đức Thiện thệ bệnh phong, nếu ông có nước nóng, cúng dường đức Mâu-ni.

Cúng dường vị đáng cúng, kính lễ vị đáng kính, tôn kính vị tôn quý. Vì Ngài, tôi xin nước.’

Bà-la-môn Devahita liền bảo một người gánh một gánh nước nóng và dâng một túi đường mật cho Tôn giả Upavāna. Tôn giả Upavāna trở về chỗ Thế Tôn, dùng nước nóng tắm cho Thế Tôn, dùng đường mật pha với nước nóng dâng lên Thế Tôn dùng. Thế Tôn khỏi bệnh phong.

Devahita Sutta: Saṃyutta-nikāya I.174–175 <375–377>, dịch Anh G.A.S.

L.51 Nhịn đau do thương tích và ngủ

Một thời, Thế Tôn trú tại Rājagaha, trong vườn Nai Maddakucchi. Lúc bấy giờ, chân Thế Tôn bị thương bởi một mảnh đá. Thế Tôn cảm thọ toàn thân đau nhức kịch liệt, không dễ chịu. Nhưng Thế Tôn nhẫn chịu, chánh niệm, chánh tri, tâm không phiền muộn.

Rồi Thế Tôn gấp y tăng-già-lê làm tư, nằm xuống phía hông bên hữu như dáng nằm con sư tử, chân chồng lên  nhau, chánh niệm chánh tri.

Lúc bấy giờ Thiên Ma Ba-tuần đi đến chỗ Thế Tôn, và nói bài kệ này:

‘Ông nằm đó ngây dại, hay say sưa làm thơ? Hay quá nhiều mục đích, mà chưa được thành tựu? Nằm một mình cô độc, ở chốn cô tịch này, vì sao mặt ngái ngủ, phải chăng ông đang ngủ?’

‘Ta không nằm ngây dại, hay say sưa làm thơ; mục đích Ta đã đạt, đã dứt hết ưu sầu. Nằm một mình cô độc, ở chốn cô tịch này, tâm từ, thương chúng sanh.

Dù kẻ ngực bị tên, hổn hển, nhưng vẫn ngủ; sao Ta lại không ngủ, khi tên đã nhổ ra?

Ta thức không âu lo, Ta ngủ chẳng sợ hãi. Ngày đêm không quấy ta, Ta không thấy suy giảm, ở đâu trong đời này. Do vậy Ta yên giấc, thương tưởng khắp mọi loài. Thế rồi Ma Vương… liền biến mất khỏi chỗ ấy.

Sakalika Sutta: Saṃyutta-nikāya I.110–111 <245–246>, dịch Anh G.A.S.

L.52 Đọc bảy giác chi lành bệnh

Trong đoạn này, đức Phật khỏi bệnh bằng cách cho tụng bảy giác chi (bojjhaṅga); trong hai bài kinh trước đó, chính Phật cũng đã đọc bảy giác chi này cho Đại Ca-diếp và Đại Mục- kiền-liên, nhờ vậy các Ngài khỏi bệnh.

Một thời Thế Tôn trú tạiVương xá (Rājagaha), chỗ nuôi sóc trong rừng Trúc (Veḷuvana). Lúc bấy giờ, Thế Tôn bệnh nặng, đau nhức. Tôn giả Mahā-cunda đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Mahā-cunda, ‘Hãy thuyết giác chi, này Cunda.’

‘Có bảy giác chi này, Đại Đức, được Thế Tôn thiện xảo truyền đạt; khi được tu tập, tu tập nhiều, sẽ dẫn đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này gồm những gì? Niệm giác chitrạch pháp giác chitinh tấn giác chihỷ giác chikhinh an giác chiđịnh giác chixả giác chi

‘Thật vậy, này Cunda, đó là giác chi! Thật vậy, này Cunda, đó là giác chi!’

Tôn giả Mahā-cunda đã thuyết. Bậc đạo sư chấp nhận. Và

Thế Tôn thoát khỏi bệnh ấy. Theo cách như vậy, Thế Tôn đoạn tận được bệnh của mình.

Gilāna Sutta no.3: Saṃyutta-nikāya V.81, dịch Anh P.H.

L.53 Chăm sóc tỳ-kheo bệnh

Đoạn này cho thấy tâm từ thực tế của đức Phật, chăm sóc một tỳ-kheo bị bệnh và bảo các tỳ-kheo nên chăm sóc bạn đồng tu bị bệnh như chăm sóc người trong gia đình.

Vào lúc bấy giờ, có một tỳ-kheo bị bệnh kiết lỵ. Vị ấy nằm chìm ngập trong phân và nước tiểu của mình. Khi ấy, đức Thế Tôn cùng với thị giả là tôn giả A-nan theo sau, đi xem xét từ phòng này sang phòng khác, lần lượt đến chỗ tỳ-kheo bệnh. Nhìn thấy tỳ-kheo nằm ngập trong đống phân và nước tiểu của mình. Thấy vậy, Thế Tôn bèn đi đến gần và nói, ‘Tỳ- kheo, ông bị bệnh gì?’ ‘Bạch Đại Đức, con bị kiết lỵ.’ ‘Tỳ- kheo, ông có ai chăm sóc không?’ ‘Bạch Đại Đức, con không có ai.’ ‘Tỳ-kheo, vì sao các tỳ-kheo không chăm sóc ông?’ ‘Bạch Đại Đức, con không có làm gì cho các tỳ-kheo, do đó các tỳ-kheo không ai chăm sóc con.”

Khi ấy Thế Tôn bảo tôn giả Ānanda, ‘Ānanda, hãy đi kiếm nước mang lại đây. Chúng ta sẽ tắm cho tỳ-kheo này.’ –

‘Kính vâng, bạch Đại Đức’, tôn giả Ānanda đáp, rồi mang nước lại. Đức Thế Tôn dội nước cho vị tỳ-kheo, còn tôn giả Ānanda gột rửa cho ông. Rồi đức Thế Tôn đỡ phần đầu, tôn giả Ānanda đỡ phần chân, nâng và đặt ông lên giường.

Sau đó, đức Thế Tôn, do nhân duyên này, tập họp chúng tỳ- kheo lại, và hỏi, ‘Này các tỳ-kheo, có phải có tỳ-kheo bệnh ở tinh xá đằng kia?’ ‘Thưa có, bạch Thế Tôn.’ ‘Này các tỳ- kheo, ông ấy bệnh gì?’ ‘Bạch Đại Đức, vị ấy bị kiết lỵ.’ ‘Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo ấy có ai chăm sóc không?’ ‘Bạch Đại Đức, không có ai.’ ‘Này các tỳ-kheo, vì sao các tỳ-kheo không chăm sóc?’ ‘Bạch Đại Đức, vì tỳ-kheo ấy không làm gì cho các tỳ-kheo, do đó các tỳ-kheo không ai chăm sóc ông.’ ‘Này các tỳ-kheo, các ngươi không có mẹ, các ngươi không có cha, là những người có thể chăm sóc các ngươi. Nếu các ngươi không chăm sóc lẫn nhau thì giờ đây ai sẽ chăm sóc các ngươi? Này các tỳ-kheo, ai muốn chăm sóc Ta, hãy chăm sóc người bệnh.’

Mahāvagga VIII.26: Vinaya I.301–302, dịch Anh G.A.S.

L.54 Giúp đỡ sản phụ đẻ khó

Đoạn này thuật chuyện bà Suppavāsā, một phụ nữ có thai đã lâu và đang bị đau đớn trong nhiều ngày. Bà có đức tin rất lớn nơi đức Phật, và khi bà cầu Ngài giúp đỡ, ở cách xa đó, Phật đã dùng thần lực hộ trì khiến bà lâm bồn dễ dàng. Dầu cảm giác đau đớn, nhức nhối, kịch liệt, và thống khổ, bà vẫn duy trì ba niệm: ‘Thế Tôn là vị Chánh Ðẳng Giác, Pháp được Thế Tôn thuyết để dứt trừ đau khổ như thế này; Tăng  đệ tử của Thế Tôn chân chánh hành trì, để dứt trừ đau khổ như thế này; Niết-bàn là an lạc, nơi đây đau khổ như thế này không tồn tại.’

Rồi Suppavāsā, con gái vua Koliya, gọi chồng của mình: ‘Anh hãy đi đến chỗ Thế Tôn; sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Ngài thay tôi và hỏi thăm Thế Tôn ít bệnh, ít não, khinh an, khỏe mạnh, an lạc trú[và kể cho Ngài về tình trạng đau đớn và ba niệm của tôi].’

… [Rồi ông làm theo, và Thế Tôn đáp:] ‘Mong rằng Suppavāsā, con gái vua Koliya, được an lạc; mong nàng khỏe mạnh, và sanh đứa con khỏe mạnh. Với lời nói này của Thế Tôn, Suppavāsā, con gái vua Koliya, được an lạc, khỏe  mạnh, sanh đứa con trai khỏe mạnh.

… [Khi người chồng trở về với vợ mình thì thấy điều này đã xảy ra, ông nói:] ‘Thật vi diệu thay, nàng hỡi, thật hy hữu thay, nàng hỡi, thần lực này, đại uy lực này của Thế Tôn, khiến cho Suppavāsācó thể với lời nói từ Thế Tôn, được an lạc, khỏe mạnh, sanh con trai khỏe mạnh’, điều này làm ông hoan hỷ, phấn khởi, tâm sanh hỷ lạc. Suppavāsa Sutta: Udāna 15-16, dịch Anh P.H.

 

Ngủ và ăn

L.55 Đức Phật ngủ thế nào

Các đoạn này tường thuật đức Phật chánh niệm đi vào giấc ngủ và ngủ yên giấc.

Một thời Thế Tôn ngụ tại thành Vương xá (Rājagaha), chỗ nuôi sóc, trong rừng Trúc (Veḷuvana). Bấy giờ khi đêm gần tàn, Thế Tôn đi kinh hành ngoài trời quá nửa đêm, rồi rửa chân, bước vào tinh xá, và nằm xuống phía hông bên phải theo thế nằm của con sư tử, chân chồng lên nhau, chánh niệm, chánh trí, tác ý với ý tưởng thức dậy.

Supati Sutta: Saṃyutta-nikāya I.107 < 239–240>, dịch Anh G.A.S

‘Nhưng Tôn giả Gotama có nhớ là có ngủ ngày không?’ ‘Này Aggivessana, Ta nhớ rằng vào cuối tháng hạ, sau khi khất thực về, thọ thực xong, trải y tăng-già-lê gấp làm bốn, và  nằm xuống phía hông phải, chánh niệm, Ta ngủ yên.’

Mahā-saccaka Sutta: Majjhima-nikāya I.249, dịch Anh G.A.S.

Ngài luôn nghỉ an lạc, bà-la-môn tịch diệt, không tham dính các dục, thanh lương, không hữu y (nirūpadhi).

Chặt đứt mọi ái chấp, dứt ưu khổ trong tim, tịch tĩnh ngủ an lạc, tâm tư được yên tĩnh.

Sudatta Sutta: Saṃyutta-nikāya I.212 <458>, dịch Anh G.A.S.

L.56 Người xuất gia được nhận thịt vào bát?

Đoạn này nói rõ rằng các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni khất thực không nên nhận thịt nếu thấy, nghe hay nghi ngờ thịt ấy từ chúng sinh vật bị giết vì mình. Bất cứ ai giết hại đều gây nghiệp dẫn đến quả dị thục xấu cho mình. Tuy nhiên, người tu có thể nhận thịt do thí chủ mua từ chợ. Đối với một  Phật tử tại gia sát sanh thú vật hay cá để bán là sinh sống tà mạng, mặc dù nhiều Phật tử cũng có ăn thịt cá hằng ngày. Bấy giờ Jīvaka Komārabhacca (y sĩ Kì-bà) đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn: ‘Bạch Đại Đức, con nghe nói như sau: Họ giết hại chúng sanh vì Sa-môn Gotama; Sa-môn Gotama biết mà vẫn dùng các loại thịt từ chúng sinh bị giết vì mình. Bạch Đại Đức, ai nói như vậy phải chăng là nói điều được nói bởi Thế Tôn, không xuyên tạc Thế Tôn bởi những điều không đúng sự thật? Có phải họ trả lời đúng pháp, thuận pháp, và những ai như pháp, thuyết đúng pháp, thuận pháp, không đáng bị khiển trách?’

‘Này Jīvaka, những ai nói như vậy không phải nói điều được Ta nói, mà xuyên tạc Ta với những điều không đúng sự thật.

Này Jīvaka, Ta nói thịt không được thọ dụng trong ba trường hợp: khi thấy, nghe và nghi rằng chúng sanh bị giết vì mình. Ta nói thịt không được thọ dụng trong ba trường hợp này. Ta nói trong ba trường hợp, thịt có thể được thọ dụng: khi không thấy, không nghe và không nghi chúng sanh bị giết vì mình. Ta nói thịt được thọ dụng trong ba trường hợp này..’ ‘Bạch Đại Đức, con nghe như sau: “Phạm thiên an trú tâm từ.” Bạch Đại Đức, Thế Tôn mà con trực tiếp diện kiến chứng minh điều đó; bởi Thế Tôn an trú tâm từ.’

‘Bạch Đại Đức, con nghe như sau: “Phạm thiên an trú tâm xả.” Bạch Đại Đức, Thế Tôn mà con trực tiếp diện kiến chứng minh điều đó; bởi Thế Tôn an trú tâm xả.’

‘Này Jīvaka, bất cứ tham, sân, si nào, do bởi đó mà khởi lên sân hận, hay bất mãn, hay ác ý, Như Lai đều đã đoạn trừ hết thảy, chặt đứt rễ, như thân cây tāla bị chặt khiến không thể sanh khởi trong tương lai. Nếu như vậy là ý nghĩa ông muốn nói, thời Ta đồng ý với ông.’

‘Bạch Đại Đức, như vậy thật là ý nghĩa con muốn nói.’

‘Này Jīvaka, những ai vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai, mà giết hại sinh vật, người ấy tích lũy nhiều nghiệp phi phước theo năm trường hợp: Khi người ấy nói: “Hãy đi và dắt con thú này đến”, đó là trường hợp thứ nhất người ấy tích lũy nhiều nghiệp phi phước. Khi con thú ấy cảm thọ khổ ưu, do bị dắt đi vì bị kéo lôi nơi cổ, đây là trường hợp thứ hai, người ấy tích lũy nhiều nghiệp phi phước. Khi người ấy nói: “Hãy đi và giết con thú này”, đây là trường hợp thứ ba người ấy tích lũy nhiều nghiệp phi phước. Khi con thú ấy cảm thọ khổ ưu lúc bị giết, đây là trường hợp thứ tư người ấy tích lũy nhiều nghiệp phi phước. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử Như Lai phi pháp, đó là nguyên nhân thứ năm người ấy tích lũy nhiều nghiệp phi phước. Những ai vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy tích lũy nhiều nghiệp phi phước theo năm trường hợp này.

Jīvaka Sutta: Majjhima-nikāya I.368–371, dịch Anh G.A.S.

L.57 Hộ trì Phật pháp bằng tài vật không phải là thiết yếu duy nhất

Trong đoạn này, một thí chủ giàu có đệ tử Kỳ-na giáo, sau một cuộc tranh luận đạo lý với Phật, tuyên bố từ nay cải đạo, theo Phật. Đức Phật hồi đáp với sự cởi mở và bao dung. ‘Này Sīha, hãy suy xét chín chắn, đây là điều thích đáng đối với những người nổi tiếng như ông.’

‘Bạch Thế Tôn, con thật sự hoan hỷ và phấn khởi với lời nói này của Thế Tôn.

Bởi vì, nếu các ngoại đạo khác sau khi thâu nhận con làm đệ tử, họ có thể vác cờ đi khắp cả Vesālī, rao rằng “Tướng quân Sīha đã trở thành đệ tử của chúng tôi.”… Vì vậy… cúi xin Thế Tôn nhận con là ưu-bà-tắc, quy y từ nay cho đến trọn đời.’

‘Trong một thời gian dài, này Sīha, gia đình ông là nguồn suối cho những người Nigaṇṭha (Jain); vậy ông nên nghĩ đến chu cấp vật thực cho họ khi họ đến nhà ông.’

‘Bạch Thế Tôn, con thật sự rất hoan hỷ và phấn khởi với lời nói này của Thế Tôn.Con đã được nghe, bạch Thế Tôn, “Sa-môn Gotama đã nói như vầy, ‘Chỉ nên bố thí cho Ta; không nên bố thí cho những người khác… Chỉ nên bố thí cho các đệ tử của Ta, không nên bố thí cho các đệ tử của những người khác…’.” Thế nhưng, ở đây Thế Tôn khuyến khích con bố thí cho những người Nigaṇṭha. Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng con sẽ biết thời điểm thích hợp cho việc làm ấy.’ Mahāvagga: Vinaya I.236–237, dịch Anh P.H.

Làm thơ và thưởng thơ

L.58 Đáp thi kệ bằng thi kệ

Ở đây, đức Phật vui vẻ trao đổi các thị kệ với một người chăn bò về hạnh phúc của đời sống tại gia và đời sống xuất gia.

Dhanya, người chăn bò, nói bài kệ này:

‘Cơm chín, sữa đã vắt, tôi sống chung (với vợ) bên bờ Mahī. Chòi tranh, lửa đã đốt. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’ Phật Thế Tôn nói bài kệ này:

‘Không sân, không ngoan cố (tâm xơ cứng); một đêm Ta trú bờ Mahī. Lửa tắt, chòi rộng mở. Nếu muốn, hãy mưa đi,

Thần Mưa.’ Dhanya:

‘Muỗi mòng thảy đều không. Đàn bò nhởn nhơ bên bờ ao; chúng an nhiên, dù mưa. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’

Thế Tôn:

‘Bè đã kết, khéo; vượt dòng nước lũ, qua bờ kia. Bây giờ không cần bè. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa’. Dhanya:

‘Vợ trung thực, không tham; lâu ngày chung sống, vừa đẹp ý. Nàng không hề ác hành. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’ Thế Tôn:

‘Tâm giải thoát, không tham; lâu ngày khéo tu, khéo nhiếp phục. Trong Ta không còn ác pháp, không còn được tìm thấy.

Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’ Dhanya:

‘Thâu hoạch, tự nuôi sống. ‘Tôi và con sống chung không bệnh. Con tôi không ác hành. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’

Thế Tôn:

‘Không làm thuê cho ai. Tự chứng, Ta đi khắp thế gian. Ta không cần trả công. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’ Dhanya:

‘Ðây bò cái, bò con; bò mang thai, bò tơ; bò đực, bò đầu đàn. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’ Thế Tôn:

‘Không bò cái, bò con; không bò chửa, bò tơ, không bò đực, đầu đàn. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’ Dhanya:

‘Cột đóng sâu, bất động, dây thừng được bện chắc, bò con không thể bứt. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’ Thế Tôn:

‘Bò chúa bứt dây buộc; như voi bứt cỏ mục; Ta không còn tái sanh thai mẹ. Nếu muốn, hãy mưa đi, Thần Mưa.’

Rồi mưa lớn trút xuống, làm đầy tràn đất trũng, làm ngập lụt đất cao. Nghe trời gầm, mưa thét, Dhanya đọc kệ:

‘Lợi thay cho chúng ta, đây không phải lợi nhỏ; chúng ta được chiêm ngưỡng, vị Chánh Giác, Thế Tôn. Ôi! Kính lễ Pháp Nhãn, con xin quy y Phật. Kính lễ Đại Mâu-ni, Ngài là Thầy chúng con.’

‘Vợ con cùng với con, là những người nhu thuận. Xin sống đời Phạm hạnh, dưới chân đức Thiện Thệ. Ðược đến bờ bên kia, vượt khỏi sanh già chết. Chúng con sẽ trở thành, người diệt tận đau khổ.’ Ác Ma nói:

‘Có con, vui với con. Chủ bò, vui với con bò. Con người vui hữu y (upādhi: chấp thủ y); không hữu y sao vui?’ Thế Tôn nói:

‘Có con, khổ với con. Chủ bò, khổ với bò. Người khổ vì hữu y; không hữu y, sao khổ?’

Dhaniya Sutta: Sutta-nipāta 18–34, dịch Anh G.A.S.

L.59 Thưởng thức thơ

Trong đoạn này, đức Phật tán thán thơ của tỳ-kheo Vaṅgīsa, đệ tử hạng nhất trong những vị có biện tài nhạy bén (Aṅguttara-nikāya I.24). Ông thiện xảo trong cảm hứng thơ ứng.

Một thời Thế Tôn ở Sāvatthī, trong vườn ông Anāthapiṇḍika, rừng Jeta, cùng đại chúng tỳ-kheo 1,250 vị. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho các tỳ-kheo bằng bài pháp liên hệ đến Niết-bàn, khai thị, khuyến phát, khích lệ, làm cho hoan hỷ. Các tỳ-kheo chú tâm, chú ý, tập trung tất cả tâm tư, lắng tai nghe pháp.

Bấy giờ Tôn giả Vaṅgīsa nghĩ thầm: ‘Nay Thế Tôn thuyết giảng cho các tỳ-kheo… Ta hãy đối trước Thế Tôn xướng lên những bài kệ tán thán thích hợp.’ Thế rồi Tôn giả Vaṅgīsa rời chỗ ngồi đứng dậy, trật thượng y sang một bên vai, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch rằng, ‘Bạch Thiện Thệ, một cảm hứng đến với con! Bạch Thế Tôn, một cảm hứng đến với con!’ ‘Này Vaṅgīsa, hãy nói lên cảm hứng ấy.’ Rồi Tôn giả Vaṅgīsa, đối trước Thế Tôn, xướng lên những bài kệ tán thán thích hợp:

‘Hơn ngàn vị tỳ-kheo, hầu kính đức Thiện Thệ, Phật thuyết pháp ly cấu, Niết-bàn không bố úy.

Lắng nghe pháp ly cấu, thuyết bởi Phật Chánh Giác, Chánh Giác thật chói sáng Thượng Thủ chúng tỳ-kheo.

Thế Tôn, hiệu Long Tượng,[1] vị Đại Tiên tối thượng. Ngài như đám mây lớn, mưa nhuần chúng đệ tử.

Ra đi từ giấc trưa, muốn thấy đức Tôn Sư; đệ tử Vaṅgīsa, đảnh lễ đấng Đại Hùng.’

‘Này Vaṅgīsa, phải chăng những bài kệ này được nghĩ ra từ trước hay cảm hứng tại chỗ?’

‘Bạch Đại Đức, những bài kệ này của con không phải được nghĩ ra từ trước, mà được cảm hứng tại chỗ.’

‘Vậy này Vaṅgīsa, hãy cảm hứng thêm nhiều kệ nữa, không suy nghĩ từ trước.’

‘Kinh vâng, bạch Thế Tôn.’ Tôn giả Vaṅgīsa vâng đáp. Rồi Tôn giả Vaṅgīsa xướng lên những bài kệ tán thán Thế Tôn, những bài kệ không được nghĩ ra từ trước:

‘Chinh phục tà đạo của Ác Ma. Dọn sạch hoang vu rồi bước đi. Hãy nhìn Đấng giải thoát triền phược. Chia phần pháp bình đẳng.

Dẫn người vượt thác lũ, thuyết thị đạo sai biệt; ai thấy pháp, trụ vững trong pháp bất tử này.

Đấng thắp sáng, quán thấy, siêu việt mọi trú xứ (của thức tái sanh); giác tri và tác chứng, thuyết tối thượng cho năm vị. Pháp như vậy khéo thuyết, đã biết, sao phóng dật? Tinh cần pháp Thế Tôn, hãy thường cung kính học.’

Parosahassa Sutta: Saṃyutta-nikāya I.192–193 <414–417>, dịch Anh G.A.S.

Những tháng cuối đời của đức Phật

Kinh Đại Bát-niết-bàn (Mahā-parinibbāna Sutta) trong Trường Bộ (Dīgha-nikāya) (II.72–168) là bài kinh dài nhất trong Thánh điển Pāli. Kinh tường thuật ba tháng cuối đời đức Phật, khi Ngài tám mươi tuổi, kết thúc khi Ngài nhập đại Bát-niết-bàn (mahā-parinibbāna): Niết-bàn tối hậu khi vị giác ngộ mạng chung.

L.60 Vượt qua bạo bệnh – dạy chánh niệm, nương tựa chính mình và Pháp

Bấy giờ Thế Tôn nói với các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, giờ hãy đi và tìm chỗ trú xung quanh Vesālī, nơi các ngươi được chào đón, giữa quyến thuộc và thân tín, và an cư trong mùa mưa. Còn Ta, Ta sẽ an cư mùa mưa ở ngay đây, tại làng Beluvā.’ ‘Kính vâng, bạch Thế Tôn’, các tỳ-kheo vâng đáp. Trong khi Thế Tôn an cư mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, đau nhức kịch liệt gần như tuyệt mạng. Nhưng Thế Tôn nhẫn thọ cơn đau bằng chánh niệm, chánh tri, không hề phiền nhiệt. Rồi Thế Tôn nghĩ: ‘Thật không thích hợp nếu Ta nhập diệt mà không nói gì với các thị giả, không nói lời từ biệt chúng tỳ-kheo. Vậy Ta hãy trấn áp cơn đau này bằng nghị lực tinh tấn, duy trì mạng hành và an trú.’ Rồi Thế Tôn trấn áp cơn đau này bằng nghị lực tinh tấn, duy trì mạng hành và an trú. Và Thế Tôn bình phục; ngay khi vừa bình phục, Thế Tôn ra khỏi tinh xá, đến ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn, trong bóng mát của tinh xá. Lúc bấy giờ Tôn giả Ānanda đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi xuống một bên, bạch rằng: ‘Bạch Thế Tôn, phước lạc thay cho con được thấy Thế Tôn an lạc! Bạch Thế Tôn, phước lạc thay cho con được thấy Thế Tôn bình phục! Bạch Thế Tôn, khi thấy Thế Tôn bệnh, con cảm thấy thân con yếu ớt như dây leo, mọi thứ trở thành mờ mịt, không còn nghe thấy gì. Dẫu rằng, bạch Thế Tôn, con có chút an ủi, nghĩ rằng Thế Tôn sẽ chưa nhập diệt, chừng nào chưa có giáo huấn tối hậu cho chúng tỳ-kheo.’ Tôn giả

Ānanda nói như vậy.

Thế Tôn hỏi tôn giả: ‘Này Ānanda, chúng tỳ-kheo còn mong đợi gì nữa ở Ta? Ta đã giảng Pháp mà không phân biệt hiển hay mật. Ānanda, đối với các giáo pháp, Như Lai không bao giờ giữ lại như là vị Tôn sư còn nắm chặt tay giữ lại. Những ai nghĩ rằng chính mình là người lãnh đạo chúng tỳ-kheo, hay chúng tỳ-kheo lệ thuộc người ấy, thì chính người ấy mới là người cần lưu lại giáo huấn tối hậu cho chúng tỳ-kheo. Nhưng, này Ānanda, Như Lai không có ý nghĩ như vậy, cho nên không phải là vị cần có giáo huấn tối hậu cho chúng tỳ- kheo? Vậy thì, Như Lai phải có giáo huấn gì cho chúng tỳ- kheo?

Này Ānanda, Ta nay đã già, tuổi đã suy. Nay Ta đã đến tám mươi, thọ mạng đến lúc tận cùng. Này Ānanda, như cỗ xe đã cũ kỹ, còn giữ được nhờ ràng buộc một cách khó khăn, cũng vậy thân Như Lai còn duy trì được chỉ do các duyên kết hợp. Này Ānanda, chỉ khi nào Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, diệt trừ một số cảm thọ, chứng nhập và an trú vô tướng tâm định,[2] chỉ khi ấy thân Ngài được an lạc.

Vậy nên, này Ānanda, hãy tự mình là hòn đảo (an toàn) cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một cái gì (hay một ai) khác. Và, này Ānanda, thế nào là tỳ-kheo an trú tự mình là hòn đảo cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác?

Tỳ-kheo an trú tùy quán thân nơi thân, tinh tấn nhiệt hành, chánh tri chánh niệm, điều phục tham ưu trong đời; tùy quán thọ nơi thọ, tùy quán tâm nơi tâm, và pháp[3] trong pháp, tinh tấn nhiệt hành, chánh tri chánh niệm, điều phục tham ưu trong đời; tỳ kheo như vậy an trú tự mình là hòn đảo cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một cái gì khác, y Chánh Pháp làm hòn đảo, y Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác. Này Ānanda, các tỳ-kheo của Ta ấy, sau khi Ta diệt độ, an  trú tự mình là hòn đảo cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác, y Chánh Pháp làm hòn đảo, y Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác; đó sẽ là những tỳ-kheo đệ nhất trong các tỳ- kheo nhiệt tình tu học.’

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.98–101, dịch Anh G.A.S.

L.61 Xả thọ hành

Trong đoạn này, đức Phật già yếu, tự thấy đại sự của mình đã viên mãn, bèn xả thọ hành (āyusaṅkhāra: động cơ duy trì tuổi thọ), và lưu mạng hành (jīvitasaṅkhāra) để kéo dài sự sống thêm ba tháng nữa.

Bây giờ, vào buổi sáng sớm, Thế Tôn khoác y, cầm bát, vào Vesālī khất thực. Sau khi khất thực và ăn xong, trên đường trở về, Thế Tôn nói với tôn giả Ānanda, ‘Này Ānanda, hãy lấy tọa cụ, Ta muốn đi đến tháp miếu Cāpāla để nghỉ trưa.’ ‘Kính vâng, Đại Đức.’ Và tôn giả Ānanda mang tọa cụ đi theo sau Thế Tôn, từng bước.

Rồi Thế Tôn đi đến tháp miếu Cāpāla và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Tôn giả Ānanda ngồi xuống một bên sau khi đảnh lễ Thế Tôn. Thế Tôn nói với tôn giả: ‘Này Ānanda, khả ái thay Vesālī; khả ái thay tháp miếu Udena, Gotamaka, Sattambaka, Bahuputta, Sārandada, và Cāpāla.’

… Rồi khi tôn giả Ānanda đi khỏi, Ác Ma đến chỗ Thế Tôn. Đứng một bên, nó nói với Thế Tôn: ‘Đại Đức, Thế Tôn nay hãy diệt độ. Thiện Thệ nay hãy diệt độ! Nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Đại Đức, Thế Tôn đã từng nói những lời này với tôi: “Này Ác Ma, Ta sẽ chưa diệt độ chừng nào mà các đệ tử của Ta, những tỳ-kheo… tỳ-kheo-ni… ưu-bà-tắc… ưu-bà-di, chưa là những đệ tử thông tuệ, tự chế ngự, tự tín, đa văn, thọ trì Pháp, thực hành pháp-tùy pháp, thực hành như pháp, thực hành tùy pháp; những đệ tử ấy sau khi thọ trì giáo pháp từ Tôn sư, mà có thể truyền bá, diễn giải, thuyết minh, xác lập, khai thị, phân tích, và giải thích pháp ấy một cách rõ ràng; có tà pháp khởi lên có thể phủ nhận và hàng phục một cách khéo léo, có thể quảng bá Chánh pháp thần diệu.” Đại Đức, nay những đệ tử của Thế Tôn, những tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bàtắc, ưu-bà-di đã[đã thành như vậy]. Như vậy, Đại Đức, Thế Tôn hãy diệt độ. Nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.

Đại Đức, bởi Thế Tôn đã nói những lời này với tôi: “Này Ác Ma, Ta sẽ chưa diệt độ chừng nào mà phạm hạnh này của Ta chưa được thành tựu, hưng thịnh, quảng bá, chưa được lưu truyền phổ biến cho đại chúng phàm phu, cho đến chư thiên và loài người.” Đại Đức, điều này nay cũng xảy ra. Như vậy, Đại Đức, Thế Tôn hãy diệt độ. Thiện Thệ hãy diệt độ. Nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ.’

Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Ác Ma: ‘Này Ác ma, hãy yên tâm. Không bao lâu nữa Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng, kể từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.’

Rồi Thế Tôn tại tháp miếu Cāpāla, chánh niệm, chánh tri, xả thọ hành, và khi điều này xảy ra, thời đại địa chấn động, khiến kinh sợ, tóc lông dựng ngược, sấm vang dậy.

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.102–107, dịch Anh G.A.S.

L.62 Giáo huấn tối hậu

Trong đây, Phật di giáo, tổng yếu thánh đạo gồm bảy phần, được gọi là ba mươi bảy yếu tố dẫn đến giác ngộ (37 bồ-đề phần).

‘Này Ānanda, chúng ta hãy đi đến giảng đường trùng các (Kūṭāgāra), trong rừng Ðại lâm.’ ‘Kính vâng, Đại Đức’, tôn giả Ānanda vâng đáp. Rồi Thế Tôn, cùng tôn giả Ānanda, đi đến giảng đường trùng các, trong rừng Ðại lâm. Và ở đó, Thế Tôn nói với tôn giả Ānanda, ‘Này Ānanda, hãy đi gọi tất cả tỳ-kheo trú gần Vesālī tụ họp tại giảng đường này.’ ‘Kính vâng, Đại Đức’, tôn giả Ānanda vâng đáp. Và tôn giả Ānanda đi gọi tất cả các tỳ-kheo trú gần Vesālī tụ họp tại giảng đường. Sau đó, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ và đứng một bên, tôn giả bạch, ‘Bạch Đại Đức, chúng tỳ-kheo đã tụ họp.

Kính mong Thế Tôn biết cho.’

Thế Tôn đi đến giảng đường và ngồi trên chỗ đã soạn sẵn,  nói với các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, những pháp mà Ta chứng ngộ và tuyên thuyết cho các ông, nay các ông phải khéo thọ trì hoàn hảo, khéo thân cận, tu tập, phát triển, quảng bá, để cho phạm hạnh được xác lập, tồn tại lâu dài, vì lợi ích cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng thế gian, vì lợi ích, an lạc cho loài trời và loài người. Này các tỳ- kheo, các pháp ấy là những gì? Đó là bốn niệm trụ, bốn chánh cần, bốn như ý túc (thần túc), năm căn, năm lực, bảy bồ-đề phần, tám chi thánh đạo.[4] Này các tỳ-kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và tuyên thuyết, các ông cần phải khéo thọ trì hoàn hảo, khéo thân cận, tu tập, phát triển, quảng bá, để cho phạm hạnh được xác lập, tồn tại lâu dài, vì lợi ích cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng thế gian, vì lợi ích, an lạc cho loài trời và loài người.’

Rồi Thế Tôn nói với các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, Ta khuyến cáo các ông: các hành là vô thường, hãy tinh tấn để  tự giải thoát. Không lâu nữa, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Sau ba tháng, kể từ hôm nay, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn.’

Nói những lời như vậy rồi, Thế Tôn, đấng Đạo sư, lại nói: Tuổi già Ta đã chín, mạng sống còn rất ngắn, Nay từ biệt các ngươi, Ta tự đi một mình.

Tỳ-kheo, tự tinh cần, chánh niệm, trì tịnh giới, Tư duy khéo định tĩnh, khéo thủ hộ tự tâm! Ai sống không buông lung, trong thánh pháp luật này, Sẽ diệt tận sanh tử, chấm dứt mọi khổ đau.

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.119–121, dịch Anh G.A.S.

L.63 Tối hậu cúng dường

Ở đây chúng ta thấy đức Phật thọ nhận bữa ăn cuối cùng khiến phát sinh bệnh rồi sau đó nhập diệt, Phật trấn an mọi người, khuyến cáo rằng không ai được đổ lỗi cho người đã cúng dường bữa ăn này.

Một thời, Thế Tôn cùng đại chúng tỳ-kheo du hành giữa dân chúng Mallā, Thế Tôn đi đến Pāvā. Tại đây, Thế Tôn trú trong vườn xoài của thợ sắt Cunda (Thuần-đà). Bấy giờ thợ sắt Cunda được nghe, ‘Thế Tôn cùng đại chúng tỳ-kheo du hành giữa dân chúng Mallā, Thế Tôn đi đến Pāvā. Tại đây, Thế Tôn trú trong vườn xoài.’ Thợ sắt Cunda liền đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp cho ông, khai thị, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Rồi thợ sắt Cunda bạch Thế Tôn, ‘Bạch Đại Đức, cúi mong Thế Tôn nhận lời thỉnh của con, ngày mai cùng với chúng tỳ-kheo đến thọ thực tại nhà con.’ Thế Tôn im lặng nhận lời.

Biết Thế Tôn đã nhận lời, thợ sắt Cunda rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, đi vòng theo phía hữu Phật, rồi ra về. Khi đêm đã tàn, thợ sắt Cunda liền cho sửa soạn tại nhà của mình các thức ăn loại cứng, loại mềm, cùng với nhiều thứ thịt heo mềm[5] thượng vị, và báo tin cho Thế Tôn về thời gian thọ thực, ‘Bạch Đại Đức, giờ ăn đã đến, thức đã dọn.’

Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, khoác y, cầm y bát, cùng với chúng tỳ-kheo đến nhà thợ sắt Cunda. Sau khi đến, Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn và nói với thợ sắt Cunda, ‘Này Cunda, hãy dọn cho Ta loại thịt heo mềm đã liệu lý, và hãy dọn cho chúng tỳ-kheo các món ăn khác. ’ – ‘Kính vâng, bạch Thế Tôn’, thợ sắt Cunda vâng đáp.

Ông dâng Thế Tôn món thịt heo mềm, và dâng chúng tỳ- kheo các thức ăn khác. Rồi Thế Tôn nói với thợ sắt Cunda, ‘Này Cunda, hãy đem chôn món thịt heo mềm còn lại, bởi Ta không thấy một ai trong thế gian này bao gồm chư thiên, Ma, Phạm, và dân chúng, cùng với chúng sa-môn, bà-la-môn, và mọi người, có thể ăn mà tiêu hóa được món thịt heo mềm này, trừ Như Lai.’ ‘Kính vâng, Đại Đức’, thợ sắt Cunda vâng đáp. Ông đem chôn món thịt heo mềm còn lại xuống hố, rồi đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ và ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp cho ông, khai thị, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Sau đó Cunda rời chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Sau khi thọ nhận cúng dường của thợ sắt Cunda, Thế Tôn bị nhiễm bệnh nặng, bệnh lỵ huyết, đau nhức gần như tuyệt mạng. Bằng chánh niệm chánh tri, Thế Tôn nhẫn thọ cơn bệnh. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda, ‘Đến đây, này Ānanda, chúng ta hãy đi đến Kusinārā (Câu-thi-na).’ Tôn giả

Ānanda vâng đáp Thế Tôn, ‘Kính vâng, Đại Đức.’ Dùng cơm Cunda xong, như vậy tôi được nghe,

Bậc trí cảm bệnh nặng, nghiêm trọng, gần tuyệt mạng, Khi ăn thịt heo mềm, Ðạo Sư bị bệnh nặng,

Khi cơn bệnh lắng dịu, Thế Tôn nói như sau:

‘Ta nay sẽ đi đến, thành Kusinārā.’

Rồi Thế Tôn rời đường lộ, đi đến một gốc cây và nói với tôn giả Ānanda, ‘Này Ānanda, hãy gấp tư y tăng-già-lê của Ta mà dọn một chỗ ngồi. Ta cảm thấy mệt và muốn ngồi nghỉ.’ – ‘Kính vâng, Đại Đức’, tôn giả Ānanda vâng đáp Thế Tôn, gấp y tăng-già-lê lại làm tư, dọn một chỗ ngồi và Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống, Thế Tôn nói với tôn giả Ānanda, ‘Đến đây, này Ānanda, kiếm cho Ta một ít nước. Ānanda, Ta đang khát, muốn uống nước.’

Khi được nói vậy, tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn: ‘Bạch Đại Đức, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe đi ngang qua, nên dòng nước nông cạn đã bị khuấy đục. Nhưng sông Kakutthā cách đây không xa, nước trong, sạch, mát mẻ, dễ đến đó và bờ sông thật khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm dịu mát thân mình.’

Lần thứ hai rồi lần thứ ba Thế Tôn nói, ‘Đến đây, này Ānanda, kiếm cho Ta một ít nước …’‘Kính vâng, Đại Đức’, tôn giả Ānanda vâng đáp Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Đến nơi đó, tôn giả Ānanda thấy dòng nước trước đó bị bánh xe khuấy đục, bây giờ lại trong, sạch, không bị vẩn đục, liền nghĩ thầm, ‘Thật kỳ diệu thay, thật hi hữu thay, thần lực và uy lực của Như Lai! Dòng nước cạn này… , bây giờ lại trong, sạch, không bị vẩn đục.’ Sau khi dùng bát lấy nước, Tôn giả đi đến chỗ Thế Tôn và bạch: ‘Thật kỳ diệu thay, thật hi hữu thay, thần lực và uy lực của Như Lai! … Thỉnh Thế Tôn dùng nước; thỉnh Thiện Thệ dùng nước.’

Và Thế Tôn uống nước. Rồi Thế Tôn, cùng với đại chúng tỳ- kheo đi đến sông Kakutthā, xuống sông tắm và uống nước. Lội qua bờ bên kia, Ngài đi đến rừng xoài, và nói với tôn giả Cundaka, ‘Cundaka, hãy gấp tư y tăng già-lê của Ta mà dọn một chỗ nằm. Ta nay mệt, muốn nằm nghỉ’. ‘Kính vâng, Đại Đức’, tôn giả Cundaka vâng đáp, gấp y tăng-già-lê lại làm tư, dọn một chỗ nằm. Thế Tôn nằm xuống phía hông phải như dáng điệu sư tử, hai chân chồng lên nhau, chánh niệm, chánh tri, tác ý với ý tưởng thức dậy. Tôn giả Cundaka ngồi phía trước Thế Tôn.

Phật đi đến sông Kakutthā, dòng nước trong veo, mát lạnh, sạch. Như Lai tối thượng trên thế gian, thân mệt, Ðạo sư lội xuống nước. Tắm xong, uống nước, trở lên bờ, tối Thượng Sư giữa chúng tỳ-kheo,

Vận chuyển khai thị pháp vi diệu, Đức Đại Tiên đi đến vườn xoài,

Phật bảo tỳ-kheo Cundaka, gấp y tăng-già-lê làm bốn. Cundaka lập tức vâng lời dạy, nhanh chóng gấp tư tăng-già- lê.

Đạo sư thân mệt, nằm xuống nghỉ. Cundaka ngồi hầu trước mặt.

Bấy giờ Thế Tôn nói với tôn giả Ānanda: ‘Này Ānanda, có thể ai đó sẽ làm cho thợ sắt Cunda hối hận, nói rằng: “Hiền giả Cunda, thật là không hay cho ông, thật không lợi cho ông, vì Như Lai thọ dụng bữa ăn cúng dường tối hậu của ông mà nhập Niết-bàn.” Cần phải giải trừ hối hận ấy của thợ sắt Cunda như sau: “Này Hiền giả, thật lợi ích cho ông, lợi lớn cho ông, vì được Như Lai thọ dụng bữa ăn cuối cùng của ông cúng dường, rồi nhập diệt. Hiền giả Cunda, chính tôi thân nghe, tự thân lãnh thọ lời dạy này của Thế Tôn: ‘Có hai sự cúng dường thức ăn đồng một quả báo, đồng một dị thục, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường khác. Những gì  là hai? Một là, bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh Đẳng Giác; hai là, bữa ăn trước khi Như Lai nhập Vô dư y Niết-bàn giới. Hai bữa ăn cúng dường này đồng một quả báo, đồng một dị thục, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường khác.” Do sự cúng dường này, tôn giả Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ, sắc đẹp, sanh thiên, danh tiếng, … và địa vị.’ Cunda Sutta: Udāna 81–85,[6] dịch Anh G.A.S.

L.64 Tĩnh dưỡng cuối cùng

Đoạn này thuật chuyện chư thiên khiến cho cây trổ hoa và tuôn mưa hoa cúng dường Phật, nhưng Phật nói cúng dường chân thật là hành trì pháp mà Ngài đã dạy.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda, ‘Ānanda, chúng ta  hãy qua bờ bên kia sông Hiraññavati (Kim hà), và đến rừng sāla của dòng họ Mallā, trong vùng phụ cận Kusinārā.’ ‘Kính vâng, Đại Đức.’ Rồi Thế Tôn, cùng với đại chúng tỳ-kheo đi qua bên kia sông Hiraññavati, và đến rừng sāla của dòng họ Mallā, trong vùng phụ cận Kusinārā. Thế Tôn nói với Tôn  giả Ānanda, ‘Ānanda, hãy trải chỗ nằm, đầu hướng về phía bắc, giữa hai cây sāla. Ānanda, ta nay mệt, muốn nằm nghỉ.’ ‘Kính vâng, Đại Đức.’ Tôn giả Ānanda vâng làm theo lời  Thế Tôn. Và Thế Tôn nằm xuống trên hông phải, như dáng nằm sư tử, hai chân chồng lên nhau, chánh niệm chánh tri. Lúc bấy giờ, cặp cây sāla trổ đầy hoa trái mùa; hoa rơi như mưa lên thân phàm của Như Lai, tuôn rơi và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những đóa thiên hoa mandārava (mạn-đà-la) và bột hương chiên-đàn thiên giới từ trên hư không tuôn xuống như mưa lên thân phàm của Như Lai, tuôn rơi và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Thiên nhạc trỗi lên giữa hư không cúng dường Như Lai.

Bấy giờ Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda: ‘Ānanda, cặp cây sāla trổ đầy hoa trái mùa. Thiên nhạc trỗi lên giữa hư không cúng dường Như Lai.

Nhưng, này Ānanda, như vậy không phải chân thật cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Như Lai. Nhưng, này Ānanda, nếu có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào sống thực hành pháp-tùy pháp, chơn chánh hành trì pháp, hành trì tùy pháp, như vậy mới là chân thật cung kính, tôn trọng, lễ bái, cúng dường Như Lai, tối thượng cúng dường. Do vậy, này Ānanda, nên tự huấn mình rằng: “Ta hãy sống thực hành pháp-tùy pháp, chơn chánh hành trì pháp, hành trì tùy pháp.”’

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.137–138, dịch Anh G.A.S.

L.65 Ānanda bi cảm

Ở đây, đức Phật tìm cách làm dịu nỗi bi cảm của Ānanda, thị giả theo sát chân của Phật, trong nhiều năm.

Bấy giờ Tôn giả Ānanda đi vào trong tinh xá, đứng dựa cột cửa và khóc, (nghĩ rằng), ‘Ta nay vẫn còn là kẻ hữu học, còn phải tu tập nhiều (để đắc quả A-la-hán). Nhưng, than ôi, đức Ðạo sư của ta, thương tưởng ta như vậy, mà nay sắp diệt, nhập Niết-bàn!’

Thế Tôn hỏi các tỳ-kheo, ‘Này các tỳ-kheo, Ānanda đang ở đâu?’ ‘Bạch Đại Đức, tôn giả Ānanda đi vào trong tinh xá, đứng dựa cột cửa và khóc, (nghĩ rằng), ‘Ta nay vẫn còn là kẻ hữu học, còn phải tu tập nhiều. Nhưng, than ôi, đức Ðạo sư của ta, thương tưởng ta như vậy, mà nay sắp diệt, nhập Niết- bàn!’’

Thế Tôn bèn gọi một tỳ-kheo, bảo dẫn Ānanda đến Phật: ‘Tỳkheo, hãy đi nói với Ānanda, “Hiền giả Ānanda, đức  Ðạo Sư cho gọi Hiền giả.”’ Tỳ-kheo ấy đi đến chỗ tôn giả Ānanda, nói như Thế Tôn bảo. Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda: ‘Thôi đủ rồi, Ānanda! Chớ có ưu sầu, chớ có than khóc! Ānanda, há không phải Ta đã nói với ông ngay từ đầu rằng tất cả những gì thân thiết, yêu thương, đều phải biến đổi, phân ly và đoạn tuyệt? Này Ānanda, với những gì có sanh, có tồn tại, thuộc hữu vi, là pháp biến hoại, ai có thể nói rằng, “Mong nó không hoại diệt”? Điều đó không thể có được.

Ānanda, trong một thời gian dài, ông thừa sự Như Lai với thân, ngữ, ý nghiệp từ hòa, từ ái, nhất tâm. Này Ānanda, ông đã tạo nhiều phước nghiệp, nay hãy nỗ lực tinh tấn, rồi sẽ nhanh chóng chứng thành vô lậu.’

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.143–144, dịch Anh G.A.S.

L.66 Những người Mallā kinh động Phật sắp nhập diệt

‘Này Ānanda, hãy đi vào thành Kusinārā, và bố cáo cho những người Mallā hay: “Này các Vāseṭṭhā, đêm nay, vào canh cuối, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Này Vāseṭṭhā, các ông hãy đến. Này Vāseṭṭhā, các ông hãy đến! Chớ để về sau hối hận rằng, ‘Như Lai nhập diệt trong chỗ tụ lạc của chúng ta mà chúng ta không được diện kiến Như Lai lần cuối!’”. ‘Kính vâng, Đại Đức.’ Tôn giả Ānanda khoác y, cầm bát và cùng một vị khác đồng hành, đi vào Kusinārā.

Lúc bấy giờ, những người Mallā ở Kusinārā có việc công đang tụ họp tại hội trường. Tôn giả Ānanda đến chỗ họ và nói: “Này các Vāseṭṭhā, đêm nay, vào canh cuối, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn. Này Vāseṭṭhā, các ông hãy đến. Này Vāseṭṭhā, các ông hãy đến! Chớ để về sau hối hận rằng, ‘Như Lai nhập diệt trong chỗ tụ lạc của chúng ta mà chúng ta không được diện kiến Như Lai lần cuối!’’

Những người Mallā cùng với con trai, vợ của họ, và vợ của con trai họ, khi nghe Tôn giả Ānanda báo tin này, trong lòng đau đớn, sầu muộn, khổ não; có người khóc than với đầu tóc rối bù, đưa hai tay lên trời tuyệt vọng; vật mình xuống đất, lăn lộn, ‘Hỡi ôi, Thế Tôn nhập diệt sao quá sớm! Thiện Thệ nhập diệt sao quá sớm! Con mắt của thế gian sẽ tắt mất!’ Những người Mallā cùng với con trai, vợ của họ, và vợ của con trai họ, trong lòng đau đớn, sầu muộn, khổ não, đi đến khu rừng sāla của dòng họ Mallā, và đến chỗ tôn giả Ānanda. Tôn giả Ānanda nghĩ thầm, ‘Nếu ta để những người Mallā ở Kusinārā từng người một đảnh lễ Thế Tôn, thế thì những người Mallā đảnh lễ Thế Tôn vẫn chưa hết mà đêm đã tàn, trời sáng. Vậy ta hãy chia những người Mallā ở Kusinārā ra từng gia tộc, mỗi gia đình một nhóm, dẫn họ vào đảnh lễ Thế Tôn, bạch rằng: “Bạch Đại Đức, những người Mallā có tên như vầy, cùng với vợ con, quyến thuộc, bằng hữu, đến cúi đầu kính lễ dưới chân Thế Tôn.”’

Rồi Tôn giả Ānanda chia những người Mallā ở Kusinārā ra theo từng gia tộc, mỗi gia đình một nhóm, dẫn họ vào đảnh lễ Thế Tôn. Theo cách này, Tôn giả Ānanda dẫn những người Mallā ở Kusinārātheo từng gia tộc, mỗi gia đình một nhóm, vào đảnh lễ Thế Tôn, chỉ trong tận canh một đầu hôm.

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.147–148, dịch Anh G.A.S.

L.67 Đệ tử cuối cùng và câu hỏi về các tôn sư khác

Lúc bấy giờ, du sĩ ngoại đạo Subhadda ở tại Kusinārā. Du sĩ ngoại đạo Subhadda được nghe, ‘Tối nay, canh cuối cùng, Sa-môn Gotama sẽ diệt độ.’

Và du sĩ ngoại đạo Subhadda suy nghĩ: ‘Ta nghe các du sĩ ngoại đạo niên cao tác lớn, thầy của các thầy, nói rằng Như Lai, vị A-la-hán, Chánh Biến Tri xuất hiện ra đời thật là hy hữu. Vào canh cuối đêm nay, Sa-môn Gotama sẽ nhập Niết- bàn. Nay trong ta còn có nghi vấn này; ta tin rằng Sa-môn Gotama có thể thuyết pháp và diệt trừ nghi vấn này cho ta.’ Rồi du sĩ ngoại đạo Subhadda đi đến khu rừng sāla của những người Mallā, đến tại chỗ Tôn giả Ānanda và thưa rằng, ‘Hiền giả Ānanda,cho phép tôi được diện kiến Sa- môn Gotama.’

Nhưng Tôn giả Ānanda nói với ông, ‘Thôi, đủ rồi, Hiền giả Subhadda! Chớ có phiền nhiễu Như Lai. Thế Tôn đang mệt.’ Lần thứ hai và thứ ba, du sĩ ngoại đạo Subhadda nói với tôn giả Ānanda, nhưng lần thứ hai và thứ ba, tôn giả Ānanda từ chối.

Thế Tôn nghe được câu chuyện giữa họ, liền bảo tôn giả Ānanda: ‘Thôi, Ānanda, chớ có ngăn cản Subhadda. Ānanda, hãy để cho Subhadda vào gặp Như Lai. Những gì Subhadda sẽ hỏi, đó là vì để hiểu biết, chớ không phải phiền nhiễu Ta. Và những gì Ta sẽ trả lời, Subhadda sẽ nhanh chóng hiểu rõ ý nghĩa.’

Tôn giả Ānanda liền nói với du sĩ ngoại đạo Subhadda, ‘Hiền giả Subhadda, hãy vào, Thế Tôn đã cho phép.’

Rồi du sĩ ngoại đạo Subhadda đến chỗ Thế Tôn, nói lên những lời chúc tụng, chào hỏi thân thiện, rồi ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn: ‘Tôn giả Gotama, có những sa-môn, bà-la-môn là những bậc sư trưởng, là những tông chủ của những cộng đồng đệ tử lớn, quần chúng đông đảo, có danh tiếng, như Pūraṇa Kassapa, Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccāyana, Sañjaya Belaṭṭhaputta, Nigaṇṭha Nāṭaputta,[7] phải chăng tất cả những vị này đều đã giác ngộ như họ tự xưng, hoặc tất cả không có ai giác ngộ, hoặc có vị đã giác ngộ, có vị chưa giác ngộ?’

‘Thôi Subhadda! Thôi, đủ rồi, hãy bỏ qua câu hỏi này, rằng phải chăng tất cả những vị này đều đã giác ngộ như họ tự xưng, hoặc tất cả không có ai giác ngộ, hoặc có vị đã giác ngộ, có vị chưa giác ngộ? Này Subhadda, Ta sẽ nói pháp cho ông. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.’ ‘Kính vâng, Đại Đức.’

Và Thế Tôn nói như vầy: ‘Này Subhadda, trong Pháp và Luật nào không có chánh đạo tám chi, trong Pháp và Luật đó không có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn, đệ tứ sa-môn.[8] Nhưng trong Pháp và Luật nào có chánh đạo tám chi, thời ở đó có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn, đệ tứ sa-môn. Này Subhadda, chính trong Pháp và Luật này có thánh đạo tám chi, chắc chắn ở đây có đệ nhất sa-môn, đệ nhị sa-môn, đệ tam sa-môn, đệ tứ sa-môn. Ngoại đạo không có những sa-môn chân thật ấy. Nhưng, này Subhadda, nếu các tỳ-kheo này sống chân chính, thế gian này không thiếu vắng những vị A-la-hán.

Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo Subhadda bạch Thế Tôn: ‘Thật hy hữu thay, Thế Tôn! Thật vi diệu thay, Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem ánh sáng vào trong chỗ tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc, cũng vậy, Chánh Pháp đã được Thế Tôn bằng nhiều phương tiện thuyết minh, giải thích. Bạch Thế Tôn,  con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y tỳ-kheo Tăng. Cúi xin cho con được xuất gia theo Thế Tôn, được thọ cụ túc giới.’

‘Này Subhadda, những ai trước kia theo đạo khác, nay muốn xuất gia[9] và thọ cụ túc trong Pháp và Luật này phải sống bốn tháng cộng trú. Sau bốn tháng cộng trú, nếu các tỳ-kheo đồng thuận, sẽ chấp thuận cho xuất gia thọ cụ túc thành tỳ- kheo. Nhưng Ta nhận thấy, đây chỉ là căn tánh sai biệt con người.’

‘Bạch Đại Đức, nếu những ai trước kia theo đạo khác, nay muốn xuất gia[10] và thọ cụ túc trong Pháp và Luật này phải sống bốn tháng cộng trú. Sau bốn tháng cộng trú, nếu các tỳ- kheo đồng thuận, sẽ chấp thuận cho xuất gia thọ cụ túc thành tỳ-kheo, thế thì con sẽ xin sống cộng trú bốn năm. Sau bốn năm cộng trú, nếu các tỳ-kheo đồng thuận, sẽ chấp thuận cho con xuất gia thọ cụ túc thành tỳ-kheo.’

Bấy giờ Thế Tôn gọi tôn giả Ānanda và bảo: ‘Ānanda, hãy xuất gia cho Subhadda.’ Và tôn giả Ānanda đáp: ‘Kính vâng, Đại Đức.’ Rồi du sĩ ngoại đạo Subhadda nói với tôn giả Ānanda, ‘Hiền giả Ānanda, thật là có phúc, thật là đại phúc cho các Ngài, những vị được đăng đàn thọ giới làm đệ tử hầu cận trước sự hiện diện của đức Ðạo Sư.’

Thế rồi du sĩ ngoại đạo Subhadda được xuất gia, thọ cụ túc trước mặt Thế Tôn. Xuất gia thọ cụ túc không bao lâu, tôn giả Subhadda ở một mình ở một nơi thanh vắng, không phóng dật, tinh tấn, nhiệt tâm, và cần mẫn, và không bao lâu, đạt được mục đích tối cao mà một thiện gia nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến, ngay trong hiện tại, bằng thắng trí tự mình chứng ngộ vô thượng phạm hạnh, thuần nhất viên mãn, thanh tịnh, tự giác chứng và an trú; biết rằng: ‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm xong, sau đời này không còn đời nào nữa.’ Và tôn giả Subhadda thành A-la-hán, và là vị đệ tử cuối cùng của Thế Tôn.

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.148–153, dịch Anh G.A.S.

L.68 Phật di giáo

Trong đoạn này, sau khi nhìn lại các đệ tử thấy rằng không còn ai có điều cần hỏi, thấy rõ không có ai còn hoài nghi gì, đức Phật nói những giáo huấn tối hậu.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda, ‘Này Ānanda, nếu trong các ông có người nghĩ rằng, “Không còn giáo huấn của Tôn Sư. Chúng ta không có Thầy.” Nhưng, này Ānanda, chớ có nghĩ như vậy. Này Ānanda, Pháp và Luật mà Ta đã công bố và thi thiết, chính đó là Thầy của các ngươi sau khi Ta diệt độ.

Này Ānanda, từ trước các vị tỳ-kheo xưng hô với nhau là “Hiền giả”, nay sau khi Ta diệt độ không nên xưng hô như vậy. Này Ānanda, tỳ-kheo niên lão hãy gọi vị tỳ-kheo niên thiếu, hoặc bằng tên, hoặc bằng họ, hoặc là “Hiền giả”. Tỳkheo niên thiếu, hãy gọi vị tỳ-kheo niên lão là Đại đức (Bhante) hoặc Trưởng lão (Āyasmā).

Này Ānanda, nếu có thỉnh nguyện, Tăng có thể bỏ qua những học xứ nhỏ nhặt, tiểu tiết.

Này Ānanda, sau khi Ta diệt độ, hãy trị phạt tỳ-kheo Channa (Xa-nặc) bằng phạm-đàn (brahmadaṇda: mặc tẫn).’[11]

‘Bạch Đại đức, thế nào là phạm-đàn (mặc tẫn)?’ – ‘Này Ānanda, tỳ-kheo Channa muốn nói gì tùy ý, chúng tỳ-kheo không nói chuyện với, không giáo giới, không khuyên bảo.’ Rồi Thế Tôn nói với các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, tỳ-kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về Phật, Pháp, Tăng, đạo hay đạo tích; thế thì, này các tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi; chớ để về sau hối tiếc, rằng: “Khi ở trước Tôn Sư mà chúng ta đã không trực tiếp thưa hỏi.”’

Nhưng khi được hỏi như vậy, các tỳ-kheo đều im lặng. Lần thứ hai và thứ ba, Thế Tôn nói với các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ- kheo, tỳ-kheo nào nghi ngờ hay phân vân gì về Phật, Pháp, Tăng, đạo hay đạo tích; thế thì, này các tỳ-kheo, các ngươi hãy hỏi; chớ để về sau hối tiếc, rằng: “Khi ở trước Tôn Sư  mà chúng ta đã không trực tiếp thưa hỏi.”’

Lần thứ hai và thứ ba, các tỳ-kheo vẫn im lặng. Rồi Thế Tôn nói với các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, nếu có ai do vì tôn kính Tôn Sư mà không hỏi, vậy giữa bạn đồng tu, hãy hỏi nhau.’ Khi được nói vậy, các tỳ-kheo im lặng. Bấy giờ Tôn giả Ānanda bạch: ‘Bạch Đại Đức, thật kỳ diệu thay! Bạch Đại Đức, thật hy hữu thay! Bạch Thế Tôn, con tin rằng trong chúng tỳ-kheo này không có một tỳ-kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, Tăng, đạo hay đạo tích.’ ‘Này Ānanda, do bởi tâm tịnh tín nên ông nói như vậy. Nhưng ở đây, này Ānanda, Như Lai biết rõ rằng trong chúng tỳ-kheo này không có một tỳ-kheo nào có nghi ngờ hay phân vân gì đối với Phật, Pháp, Tăng, đạo hay đạo tích. Này Ānanda, trong năm trăm tỳ-kheo này, tỳ-kheo thấp nhất cũng đã chứng quả Dự lưu, không còn thối thất, nhất định hướng đến Chánh Giác.’

Và Thế Tôn nói với các tỳ-kheo: ‘Này các tỳ-kheo, Ta nói các ông điều này, các hành là pháp biến hoại, hãy tinh tấn, chớ buông lung, để thành tựu cứu cánh!’ Ðó là giáo huấn tối hậu của Như Lai.

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.154–156, dịch Anh G.A.S.

L.69 Phật nhập Niết-bàn

Sau khi nói giáo huấn tối hậu, Phật lần lượt nhập các định: từ sơ thiền (jhāna), rồi đến thiền thứ hai, thứ ba và thứ tư (xem *Th.140); tiếp theo nhập bốn định vô sắc (xem *Th.142) – không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ – tột cùng là tưởng thọ diệt. Rồi lần lượt xuất và nhập trở lại các định và thiền cho đến sơ thiền, từ đó lần lượt xuất và nhập trở lại lên đến thiền thứ tư, đây là thiền mà y chỉ trên đó trước đây Ngài thành Chánh giác. Nay cũng y chỉ thiền thứ tư này Phật nhập Niết-bàn.

Xuất tứ thiền, trực tiếp không gián cách, Thế Tôn nhập vô dư y Bát-niết-bàn.

Khi Thế Tôn nhập Niết-bàn, cùng lúc ấy đại địa chấn động,Phạm thiên Sahampati[12] xướng lên bài kệ này:

Thân giả hợp trên đời, cuối cùng đều xả bỏ, Đức Đạo Sư cũng vậy, đấng tuyệt luân trên đời, Như Lai, đại oai lực, chánh giác cũng diệt độ.

Khi Thế Tôn nhập diệt, cùng lúc ấy, Thiên chủ Sakka [13] xướng lên bài kệ này: Các hành là vô thường, Có sanh phải có diệt.

Sau khi sanh, chúng diệt,

Tịch diệt là an lạc.

Khi Thế Tôn diệt độ, cùng lúc ấy, tôn giả Ānanda xướng lên bài kệ này:[14]

Bấy giờ thật kinh sợ, thật lông tóc dựng ngược,

Đấng Sắc tướng thù thắng, đấng Chánh giác nhập diệt.

Khi Thế Tôn nhập Niết-bàn, cùng lúc ấy tôn giả Anuruddha thốt lên bài kệ này:

Không thở ra thở vào, như vậy tâm trụ định, Bất động, hướng tịch tĩnh, Mâu-ni nhập Niết-bàn. Với tâm không co rút, nhẫn thọ mọi cảm thọ, Như dập tắt ánh đèn, Niết-bàn, tâm giải thoát.

Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.156–157, dịch Anh G.A.S.

***

[1] Nāga: một con voi đực, hình ảnh của sức mạnh được chế ngự.

[2] animitta: vượt quá tất cả yếu tính sinh diệt của mọi hiện tượng.

[3] Tùy niệm (suy tưởng) mọi hiện tượng tồn tại mà trong đó giáo lý Phật phân tích thực tại.

[4] Về 4 niệm trụ, 4 chánh cần và 8 chi thánh đạo, xem *Th.91; về 5 căn, 5 lực, xem *Th.89; về 7 giác chi, xem cuối *Th.139. Bốn như ý túc (thần túc) là cần định được tư trợ bởi dục, cần, tâm quán: dục tam-ma-địa (định) thắng hành (cần) thành tựu thần túc…

[5] sūkara-maddava, nghĩa đen là ‘heo mềm’ (pig-milk): chú giải của

Udāna (trang 3999) nói rằng ‘đại chú giải’ xem đây là thịt heo mềm có sẵn ở chợ, nhưng những chỗ khác coi đây là măng hoặc nấm mọc ở nơi bị heo dẫm đạp (maddita), hoặc một dạng thiên dược. Xem *L.56 về quan điểm của đức Phật đối với những trường hợp mà người xuất gia có thể nhận thịt.

[6]Mahā-parinibbāna Sutta: Dīgha-nikāya II.126–129 và 135–136.

[7] Đây là sáu vị tôn sư có danh tiếng ngoài Phật giáo, những vị theo thuyết định mệnh luận, duy vật luận, hoài nghi luận và Kỳ-na giáo.

[8] Xem ‘Thánh giả’ trong phần Bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng.

[9] ‘Xuất gia’ lìa bỏ thế gian, nghĩa là chấp nhận đời sống khước từ, khởi đầu thọ giới làm sa-di, tập sự tu hành trong cộng đồng tăng lữ. ‘Thọ cụ túc’, được chính thức chấp nhận thành tỳ-kheo, thành viên đầy đủ của cộng đồng tăng lữ.

[10] ‘Xuất gia’ lìa bỏ thế gian, nghĩa là chấp nhận đời sống khước từ, khởi đầu thọ giới làm sa-di, tập sự tu hành trong cộng đồng tăng lữ. ‘Thọ cụ túc’, được chính thức chấp nhận thành tỳ-kheo,thành viên đầy đủ của cộng đồng tăng lữ.

[11] Xa-nặc, người đánh xe cho đức Gotama trong khi Ngài sống trong vương cung, và theo Ngài khi Ngài xuất gia. Là một tỳ-kheo, ông kiêu ngạo, ngoan cố không nghe lời các tỳ-kheo can gián. Khi bị Tăng xử trị mặc tẫn, ông khuất phục và sám hối, sau đó đắc quả A-la-hán sau khi xấu hổ về hình phạt Phạm-đàn được dành cho mình (Vinaya II.292).

[12] Về vị này, xem *L.19 và 25.

[13] Về vị này, xem *L.2, 31, 33, 36 và *Th.34 và 38.

[14] Bài kệ này không có trong Mahā-parinibbāna Sutta, nhưng có một đoạn tương đương trong Saṃyutta-nikāya I.157–59 <340–342>.