SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

11. Thế nào là hạnh Bồ-tát?

Hạnh Bồ-tát là ‘dừng ác, tu thiện, độ chúng sinh.’ Cụ thể thiết thực ngay trong cuộc sống hàng ngày, chính là phương pháp chung sống với người khác, với chính mình.

Chúng ta muốn hiểu rõ thế nào là ‘hạnh Bồ-tát?’ thì trước phải làm rõ thế nào là ‘Bồ-tát?’ Chúng ta thấy trong kinh điển ghi lại, Bồ-tát không có hình tướng nhất định. Trước khi, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo, những đời sống kiếp trước, Ngài đã từng làm tỷ-khưu, làm vua, làm vương tử, cư sĩ, cho đến làm các loài động vật như: nai, trâu, voi, ngỗng v.v…đều được gọi là nhân hạnh thành Phật, cũng chính là giai đoạn tu hành đạo Bồ-tát. Các vị đại Bồ-tát như Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Địa Tạng cũng là như thế. Các ngài thị hiện rất nhiều hình tướng ở thế gian này để cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh. Khi chúng sinh cần Bồ-tát làm gì thì các ngài hiện ra thân hình ấy ở bên cạnh chúng ta.

Vì thế, Bồ-tát không phải là vị thần ngồi ở trên cao, mà là thường hiện thân tướng phàm phu, ở thế gian tu hành tùy duyên giáo hóa chúng sinh; cho nên, Bồ-tát chủ yếu giúp cho chúng sinh phát tâm Bồ-đề, nhưng không chấp vào hình dáng đặc biệt nào. Người nào phát tâm Bồ-đề là: “Nguyện đoạn tất cả điều ác, nguyện tu tất cả điều thiện, nguyện đoạn tất cả chúng sinh.” Lại nữa, hạnh Bồ-tát là phát nguyện tu học từ bi và trí tuệ. Do đó chúng ta đủ biết, ai cũng có thể trở thành Bồ-tát ngay hiện tại và thành Phật ở tương lai.

Hạnh Bồ-tát là ‘dừng ác, tu thiện, độ chúng sinh.’ Cụ thể thiết thực ngay trong cuộc sống hàng ngày, là một phương pháp chung sống với người khác, với mình. Cũng chính là nói, khi mình sống chung với người khác thường khởi tâm từ bi, tôn trọng, biết ân, bố thí; khi họ sống chung với mình thì thường khởi tâm tinh tấn và tâm thanh tịnh, biết hổ thẹn, sám hối, chính là bạn mới phát tâm Bồ-tát, tu học hạnh Bồ-tát.

Điều đặc biệt tôi phải nhấn mạnh là hổ thẹn khác với tự ti, sám hối khác với hối hận. Khi chúng ta xem xét lại tâm niệm và hành vi của mình; nếu như việc đáng làm mà chúng ta không chịu làm, liền cảm thấy hổ thẹn và biết khích lệ, quyết tâm lần sau cố gắng làm. Còn đối việc không đáng phạm mà phạm, thậm chí họ vừa phạm sai lầm, lại phạm nữa; nếu họ biết sám hối, một mặt có thể kịp thời tỉnh ngộ sửa đổi lỗi lầm, một mặt cũng đủ cam đảm chịu hậu quả, không chối cãi chạy tội, đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, tâm hổ thẹn, tâm sám hối là hành vi tích cực, tự khuyến khích mình, tự xét mình và tự thẹn mình không bằng người, tự cho mình ở đâu cũng không bằng người. Nhưng có người không ngừng phạm sai lầm, lại liên tục hối hận là tuyệt đối không giống nhau.

Còn có một điểm cần nhấn mạnh là phàm phu chúng ta phát những nguyện Bồ-tát rồi, là hài nhi Bồ-tát mới phát tâm. Hài nhi thì phải đi chưa vững, té rồi lại đứng lên, đứng lên rồi lại té, phải học tập từ từ, trưởng thành dần dần. Cho nên, chúng ta không sợ phạm lỗi lầm, lại không nên sợ không đủ năng lực; chỉ cần xác lập phương hướng, tâm ý đã định, phát tâm ngày càng tiến bộ thì nhất định có ngày được thành tựu viên mãn. Chúng ta phải biết, mới phát tâm tuy khó, nhưng giữ vững lâu dài tâm không thay đổi lại càng khó hơn; phần đông mọi người phát tâm không kiên cố. Nếu chúng ta giữ được phát tâm lâu dài thì mới có tinh thần Bồ-tát thực tiễn.