NƠI MẸ TÔI ĐẾN
(Báo Ứng Tập 7)
Biên dịch: Hạnh Đoan
ĐẠI SƯTHĂM BỊNH
Câu chuyện có thực này xảy ra vào đầu năm 1990.
Trương cục trưởng ngay từ đầu năm nay bỗng vướng bịnh lạ, tự dưng ông phát lạnh run, lạnh khủng khiếp tới buốt đầu choáng váng, vào mùa hạ tháng sáu mà phải mặc áo bông. Từ lúc bị quái bệnh này, mặt ông tái nhợt, toàn thân ẩm ướt, một chút sức lực cũng chẳng còn, cho nên đành nằm dưỡng bệnh tại nhà.
Hai năm nay ông đi khắp các bênh viện danh tiếng chẩn khám, nhưng không nơi nào tìm ra bệnh. Tiêu tốn mấy chục triệu rồi, nhưng chẳng thể tìm ra nguyên nhân bệnh, vô phương chữa trị.
Mấy hôm gần đây, có người bà con giới thiệu là có một vị đại sư thần thông quảng đại giỏi trị bệnh, dù các y viện bó tay, ngài đều có thể chữa khỏi.
Trương cục trưởng chẳng tin, mới đầu ông từ chối, không chịu đi khám bệnh, sau vì thân nhân khuyên mãi, nên đành nghe theo, ông cũng muốn thử xem, biết đâu gặp thầy hay, thì có thể chữa lành.
Khi Đại sư tới, Trương cục trưởng đang nằm trên giường, ngày hè tháng năm mà ông lạnh tới răng va vào nhau lập cập.,
Đại sư trông còn trẻ, khoảng hơn 50 tuổi, dáng chất phác phúc hậu, thuần khiết.
Đại sư chỉ liếc sơ ông Trương một cái, thì ông đã run lẩy bẩy, tỏ vẻ kinh sợ cực kỳ.
Đại sư như hiểu rõ, dịu dàng nói:
Vong linh đang chịu oan khuất kia đừng sợ, ta đến là để giúp ngươi giải oan, tuyệt không hề có ý làm hại, nên xin hãy yên tâm, đừng lo lắng.
Đại sư trầm ngâm một hồi rồi nói:
-Ai là thân nhân của Trương cục trưởng thì ở lại nghe tôi nói chuyện, còn những người khác xin vui lòng tránh đi hết cho!…
Mọi người đi ra hết, trong phòng giờ chỉ còn lại Trương cục trưởng và cô em gái khoảng hơn 30 tuồi.
Đại sư lên tiếng:
– Thực ra bệnh này cũng dễ trị, nhưng phải xem thái độ ông Trương như thế nào…
Trương muội là em gái ông, nghe nói bệnh có thể chữa lành, thì rất mừng, vội hỏi cách chữa trị như thế nào?
Đại sư giải thích:
– Bệnh này là do một cô nương tìm đến báo oán, cô ta vốn là em vợ ông Trương, chuyện giữa hai người, ông là người rõ nhất…
Đại sư vừa nói xong thì sắc mặt xanh lét của ông Trương bỗng đỏ bừng rồi chuyển sang tái nhợt, dáng vẻ trông rất khó coi.
Trương muội muội như sực nhớ, bèn hỏi:
– Ý Đại sư nói là giữa anh con và cô em vợ Lâm Lâm ư? Cô ấy đã bị chết đuối khi còn rất trẻ…
Chuyện này thì cô nên hỏi anh trai mình thì sẽ rõ. Nếu cô ta tự té xuống nước chết đuối thì đâu có gì phải ôm hờn, báo oán?
Đại sư bảo Trương muội:
– Cái chết của cô Lâm có liên quan đến anh trai cô, ông đã làm hại tới hai mạng người!
Đại sư càng nói càng huyền hoặc, khiến Trương muội ngơ ngác không hiểu thế nào.
Đại sư bảo:
– Hiện giờ không có người ngoài nào khác, xin ông Trương hãy tự mình nói ra mọi chuyện, nếu không, làm sao tôi có thể chữa trị cho ông được?
Lúc này ông Trương cúi gằm đầu xuống không nói câu nào, nhưng hình ảnh quá khứ lại hiện về trong tâm trí ông.
Đó là một ngày mùa xuân, lúc đó ông đã kết hôn được hai năm. Trong thời gian này, nhạc phụ và nhạc mẫu ông bỗng nối tiếp nhau tạ thế, bỏ lại đứa con gái út mới mười sáu tuổi.
Vợ của ông do cảnh nhà chỉ có hai chị em, chẳng còn cách nào khác, đành phải rước em gái về ngụ chung nhà với chồng mình.
Hôm nọ, vợ ông có việc phải ra ngoài qua đêm. Ông Trương nhìn thấy cô em vợ tuy tuổi nhỏ nhưng thân thể đã nẩy nở, nên lòng dâm bộc phát, thế là tối đó ông dụ dỗ cưỡng đoạt cô em vợ.
Nào ngờ sau đó Lâm Lâm mang thai, do tuổi còn quá nhỏ nên cô rất sợ hãi, lại thêm khó bề mở miệng kể ra với chị mình, thấy bụng ngày càng phình to, lúc này nhằm vào niên đại 70, đang là thời kỳ đầu cải cách. Nếu như để người ngoài biết được thì chỉ càng xấu hổ thêm, Lâm Lâm rơi vào tình cảnh nếu như không chết thì cũng bị phỉ nhổ… cùng đường nghĩ quẫn, cô đành nhảy sông tự vận…
Đại sư thấy ông Trương cứ ngồi im không chịu khai gì, liền nói:
– Có vẻ như ông không muốn ta chữa bệnh cho? Thôi thì ta về đây.
Trương muội thấy Đại sư đòi về, bèn bảo Trương:
– Anh Hai, chúng ta đều là người nhà cả, có gì mà khó nói chứ? Muốn trị lành bệnh thì anh phái kể ra như thầy yêu cầu đi!
Thấy ông Trương vẫn nín thinh không mở miệng, Trương muội đành quay qua năn nỉ Đại sư, xin ngài chỉ bảo cho.
Đại sư đem những gì mình nhìn thấy, kể hết ra và thở dài bảo:
Xem như ông… hại tới hai mạng người lận đa! Chứng lạnh rét trên thân ông, là phản ảnh cảnh giới thọ khổ của vong linh cô nương bị oan khuất tủi nhục kia.
Ông Trương không ngờ là hôm nay mình lại gặp một thần nhân biết rõ quá khứ ẩn tình của mình như thế, liền tỏ rõ thành ý: Nếu như được lành bệnh, sư dạy chi ông cũng làm theo.
Đại sư nói:
– Tốt! Vậy thì nội trong bảy ngày thôi, ông sẽ thấy mình khỏe lại. Sang ngày thứ tám thì qua đây đón tôi tới làm lễ siêu độ cho vong linh. Đại sư còn nhấn mạnh:
– Nếu như ông không thực lòng sám hối, chẳng muốn siêu độ đàng hoàng cho vong linh, thì bệnh sẽ không lành đâu nhé! Hãy nhớ kỹ lời tôi nhắc nhở…
Quả nhiên đến ngày thứ ba, chứng rét run trên người ông Trương biến mất, ngày thứ bốn rồi thứ năm, ông đã có thể xuống giường bước đi giống như người bình thường. Đến ngày thứ bảy, thấy trên thân không còn cảm giác bệnh hoạn chi, giống như quái bệnh được bắt đem đi mất, chỉ thấy sức khỏe hơi còn yếu thôi. Tính ra đã hai năm rồi ông không có được cảm giác khỏe khoắn dễ chịu như thế này, ông Trương ngắm nhìn bầu trời bên ngoài, lòng cảm thấy cực kỳ hưng phấn.
Nhưng qua ngày thứ tám, ông không thèm làm theo lời dặn là phải đi thỉnh Đại sư tới… Bởi ông thầm nghĩ: Mình đã được khỏe thế này, xem như bệnh lành rồi, thì còn đến thỉnh Đại sư làm chi nữa?! Cho dù ổng có là thần tiên, mình cũng không muốn đối mặt với người biết rõ chuyện xấu mình từng làm…
Qua ngày thứ chín, bệnh của ông Trương bỗng tái phát mãnh liệt, mức độ còn nặng và nguy hiểm hơn cả trước đây. Toàn thân ông rét run, răng va lập cập, mặt tái nhợt… nhìn giống như người sắp chết tới nơi.
Trong tình thế cấp bách này, vợ ông vội kêu xe vượt mấy mươi dặm xa đến mời Đại sư, nhưng Đại sư đã đi vắng, nghe nói phải hai ngày sau Sư mới quay về.
Nhưng chưa tới hai ngày, thì Trương cục trưởng đã mạng vong.
Sau đó, tôi hỏi Đại sư, vì sao ngài cố tình tránh mặt đi vắng?
Đại sư đáp:
– Gặp hạng người bội tín, chẳng có lòng tin, hành xử vô lương tâm, thì tôi chẳng thể nào chữa trị, vì chỉ phí công vô ích…Hãy xem ông ta hại cô em vợ, tính thêm đứa con trong bụng nữa thì là hai mạng người, tội này lớn lắm!
Vì sao tôi biết rõ chuyện, nhưng vẫn muốn ông ta tự mình nói ra? Chính vì muốn tạo cho ông ta có cơ hội phát lộ sám hối, tự mình thú nhận kể tội trước thân nhân… Nhưng ông ta một bề không biết lỗi, không có chút tâm ăn năn. Hạng người như thế, tôi làm sao có thể giải oan giúp cho được? Oan có đầu, nợ có chủ, đành phải phó mặc cho oan quỷ đến bắt ông ta đi thôi!
Đại sư còn kể cho tôi nghe, những kẻ hại người, vướng phải quái bệnh… ngài đã từng gặp qua rất nhiều, nhưng đa số đều chữa khỏi, tùy vào tâm thiện và tấm lòng thành biết ăn năn sám hối của đối phương.
Chẳng hạn như có một cán bộ X nọ, bị đau lưng ngót mười mấy năm, ông đau đến cứ nằm trên giường lăn lộn rên siết… tuy đã đi khám, chẩn trị nhiều, uống thuốc chất đống, mà chẳng có chút thuyên giảm.
Sau đó ông ta tìm đến Đại sư, sư bảo:
Hồi mới giải phóng, ông có giết một tù binh rất tàn nhẫn. Giờ y tìm ông báo thù!
Nguyên tù binh đó là trưởng đoàn bên đối nghịch, tính rất ương bướng, ngoan cố. Lúc đó ông X đang làm Trung đội trưởng, bèn sai lính thừa đêm tối, đứng từ phía sau chém vào lưng tù binh, khiến ông ta chết đi.
Lão cán bộ nghe nói, rất khâm phục Đại sư, bèn làm y theo lời ngài dạy: ông về nhà siêng năng tụng kinh niệm Phật, hành thiện tạo phúc, chí thành cầu siêu cho nạn nhân. Hằng năm đều làm giỗ cúng. Kể từ đó lưng ông cán bộ hết đau, ông nhân đây tỉnh ngộ, sống rất cần trọng, không dám phạm qua một lỗi lầm nào nữa.
Đại sư kết luận:
Làm người trên thế gian, sống phải có lương tâm. Bản thân nếu lỡ làm ác, thì phải biết ăn năn sám hối, tu sửa chuộc lỗi. Chỉ những bệnh nhân nào sống có lương tâm, biết thủ tín và biết nhận lỗi sửa sai… thì tôi mới có thể chữa trị lành bệnh.
(Tên nhân vật chính trong chuyện đều đã được thay đổi).