10 Trí Lực Của Phật và Môn Niệm Phật Được An Trụ Trong Thế Giới Của Phật
(Thư Học Phật Số 68)
Btg Bảo Đăng

10 trí tực của Phật & môn niệm Phật được an trụ trong thế giới của Phật

Pháp môn “TỊNH ÐỘ” là một pháp tu cực kỳ mầu nhiệmViên đốn 1 nhứt trong một đời giáo pháp của Ðức Bổn sư THÍCH CA NHƯ LAI, với pháp môn TỊNH ÐỘ nầy, dưới thì hàng phàm phu thấp kém, tội nhiều, chướng nặng (như chúng ta đây) cũng được “dự phần” vào, còn trên thì các bậc “Ðẳng giác BỒ TÁT” (như đức ÐẠI THẾ CHÍ Bồ Tát..vv….) cũng không thể nào vượt ra ngoài phạm vi của “PHÁP” ấy cả.

Như trong lá thư số 67 trước đây, BẢO ÐĂNG đã có y theo Kinh giáo, y theo lời PHẬT, ý TỔ mà nói rằng:

“Pháp môn TỊNH ÐỘ” quả thật là một “con đường thẳng tắt” đi đến “quả vị toàn giác” (được thành PHẬT) trên cho các hàng “Thượng THÁNH” (tăng) dưới cũng như các hàng phàm phu bạt địa chúng sanh chúng ta.

Bởi thế cho nên từ xưa đến nay, chư PHẬT, BỒ TÁT, TỔ SƯ đều dùng pháp môn TỊNH ÐỘ nầy làm một “chiếc thuyền từ” để độ khắp tất cả chúng sanh. Ðối với một Ðại “PHÁP” như thế mà nếu như có ai không chịu TIN theo, hoặc “TIN” mà không “CHƠN THIẾT”, thì phải biết đó chính là các kẻ “chướng sâu, nghiệp nặng”, không ưng (đáng) được giải thoát, trong tương lai ắt sẽ phải chịu “khổ luân hồi” không biết lúc nào mới ra khỏi được.

Người học PHẬT chúng ta cần phải biết cho rõ ràng rằng:

“Một khi đã bị ở trong vòng sanh tử, thì dù cho có được mang thân Trời hoặc Người, thì thời gian sống (tức là THỌ SỐ) cũng ngắn ngủi như người lữ khách nghỉ tạm ở “khách sạn” mà thôi, trái lại phần “ÐOẠ” vào nơi ác đạo, thời gian (thọ khổ ở các nơi đó) rất mực lâu dài cũng tựa như người ở an nơi quê nhà”.

Mỗi khi nghĩ đến “điều” nầy, BẢO ÐĂNG tự nhiên thấy tâm mình cả sợ, vì thế mà trong suốt quảng đời tu hành và Hoằng dương đạo pháp tại nơi Bổn tự PHÁP HOA ở Tucson, Arizona nầy, BẢO ÐĂNG chẳng nài mỏi nhọc, nên đã nhiều lần trên những lá thư “GỞI NGƯỜI HỌC PHẬT” của Bổn tự PHÁP HOA đây, BẢO ÐĂNG đã từng khẩn thiết bày tỏ cùng với các “bạn đồng tu” cố gắng chân thật và nên phát tâm tu theo pháp môn TỊNH ÐỘ mầu nhiệm nầy rồi.

Nay lại xin viện dẫn ra một vài bằng chứng rõ ràng khác nữa để cho chư “liên hữu” phát thêm lòng “TÍN, NGUYỆN” sâu thiết và truyền bá tông môn “TỊNH ÐỘ” ra đến cho khắp mọi người, mọi nơi, mọi chốn.

Như người học PHẬT chúng ta hằng học biết rằng:

Những “Kinh” chuyên nói và dạy về pháp môn TỊNH ÐỘ, gồm có ba quyển gọi là “TỊNH ÐỘ TAM KINH” (chớ không phải là “Tịnh Ðộ Ngũ Kinh” như một vài nơi giảng nói Tịnh Ðộ, thỉnh thoảng xưng gọi vậy đâu), đó là các quyển “PHẬT THUYẾT A DI ÐÀ KINH” (Tức là quyển kinh Tiểu Bổn A DI ÐÀ), quyển QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ Kinh (tức là quyển THẬP LỤC QUÁN Kinh) và quyển kinh VÔ LƯỢNG THỌ (tức là quyển ÐẠI BỔN A DI ÐÀ KINH). Ngoài ba quyển “TỊNH ÐỘ TAM KINH” nầy ra, ở nơi các Kinh Ðại Thừa khác phần lớn đều phát minh ra pháp môn TỊNH ÐỘ nầy hết cả.

Chẳng hạn như ở bộ kinh “HOA NGHIÊM” tức là quyển “ÐẠI KINH” mà đức Bổn sư THÍCH CA MÂU NI Thế Tôn ta lúc mới thành đạo, đã vì các bậc pháp thân Ðại sĩ Bồ Tát trong 41 giai vị là:

THẬP TRỤ, THẬP HẠNH, THẬP HỒI HƯỚNG, THẬP ÐỊA và ÐẲNG GIÁC BỒ TÁT nói pháp môn tuyệt cao về “giới ngoại” trong cảnh giới “BẤT TƯ NGHÌ THẬM THÂM giải thoát” của hàng pháp thân ÐẠI SĨ Bồ tát, mà hàng Phàm phu cũng như các hàng Thánh nhơn NHỊ THỪA (Thanh văn, Duyên giác) đều không thể nào hiểu thấu đến được.

Cho đến sau cùng, trong phẩm “NHẬP PHÁP GIỚI”, ngài THIỆN TÀI ÐỒNG TỬ 2 vâng theo lời dạy của đức Bồ Tát VĂN THÙ SƯ LỢI PHÁP VƯƠNG TỬ đi “tham phỏng đạo pháp” với các bậc Ðại sĩ Bồ Tát thiện tri thức….khác.

Ban sơ THIỆN TÀI đồng tử đến ra mắt ngài “Ðức VÂN” Ðại Bồ Tát, được Bồ Tát dạy về pháp môn “NIỆM PHẬT”, liền chứng đắc được bậc “SƠ TRỤ”.

(Cho nên trong “Kinh HOA NGHIÊM”, nơi phẩm “NHẬP PHÁP GIỚI”, Ngài ÐỨC VÂN đại Bồ Tát đã có dạy cho Ngài THIỆN TÀI đồng (chơn) tử Bồ Tát về Pháp môn Niệm Phật rằng :

… “Nầy Thiện nam tử, TA được môn : ỨC NIỆM NHỨT THIẾT CHƯ PHẬT CẢNH GIỚI TRÍ HUỆ QUANH MINH PHỔ KIẾN”.

(Phụ chú:

Trong đây quý chư hiền học Phật phải để ý đến hai chữ HOA” ÐẬM NÉT là “NIỆM PHẬT” để phát đại Tâm tu theo pháp môn TỊNH ÐỘ mầu nhiệm nầy).

Ðó là những pháp:

1. Trí Quang Phổ Chiếu “NIỆM PHẬT” môn.

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) làm cho hành giả tu tập được :

Thường thấy tất cả chư “Phật quốc độ” (tức là thường thấy được tất cả thế giới của chư Phật) và những cung điện trang nghiêm, thanh tịnh ở nơi các Phật độ đó.

2. Môn làm cho tất cả chúng sanh “NIỆM PHẬT”

Bởi vì (pháp môn “Niệm Phật” nầy) làm cho hành giả tu tập (tức là những người Niệm Phật):

– Thường được thấy PHẬT.

– Thường được Tâm thanh tịnh.

3. Môn làm cho an trụ được nơi lực “NIỆM PHẬT”

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) làm cho hành giả tu tập được : Thâm nhập vào trong 10 trí lực 3 của Như-Lai.

4. Môn làm cho an trụ được nơi pháp “NIỆM PHẬT”.

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) làm cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh thấy được vô lượng, vô biên chư Phật và được nghe vô lượng, vô số “Quyền Thừa phương tiện pháp”.

5. Môn “NIỆM PHẬT” chói sáng các phương:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh trong vô lượng thế giới ở khắp 10 phương, ba cõi, thấy được tất cả chư Phật thảy đều bình đẳng không sai biệt.

(Vì Pháp Thân tất cả chư Phật thảy đều đồng đẳng như nhau).

6. Môn “NIỆM PHẬT” vào chỗ “bất khả kiến”:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh khắp 10 phương, ba cõi đều thấy được (ở) trong tất cả cảnh vi tế (nhỏ như hột bụi vi trần) thảy đều có đầy đủ hết tất cả những sự thần thông tự tại của chư Phật.

7. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ trong các kiếp:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh ở trong tất cả các kiếp thường thấy được những việc làm chưa từng tạm bỏ của chư Phật – (tức là chư Như Lai hằng vì chúng sanh mà luôn luôn dùng vô lượng, vô biên, vô số môn “thiện xảo phương tiện” để dắt dìu, cứu độ, thuyết pháp… chớ không hề có một sát na nào ngừng nghỉ hay mỏi mệt hết cả).

8. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ trong tất cả thời gian:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh ở trong tất cả thời gian thường được thấy các đức Như Lai luôn luôn ở gần gũi (một bên) để hóa độ, dắt dìu… chẳng một phút nào xa lìa hay xao lãng (việc hóa độ… chúng sanh hết cả).

9. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ tất cả cõi:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh trong vô số quốc độ ở khắp 10 phương đều thấy rõ thân Phật vượt quá hơn tất cả (thân của chư Thanh vănDuyên giácBồ Tát…) không một ai (trong 9 giới) có thể sánh bằng được.

10. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ tất cả đời:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh trong khắp 10 phương, ba cõi đều tùy theo sở thích của mình mà thấy được tam thế chư PHẬT.

11. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ tất cả cảnh:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh trong tất cả cảnh giới đều thấy được chư Như Lai theo thứ đệ (lần lượt) mà nối nhau xuất hiện.

12. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ tịch diệt:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh chỉ ở trong vòng “một niệm” đều thấy được chư Như Lai thị hiện Ðại Niết Bàn.

13. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ viễn ly:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh chỉ ở trong vòng “một niệm” thấy rõ được chư PHẬT từ nơi chỗ trụ của quý NGÀI (Chơn ThườngChơn LạcChơn NgãChơn Tịnh của Ðại Niết Bàn) – thị hiện khắp trong 25 cỏi (vì cứu độ chúng sanh mà làm “người bạn không cần mời thỉnh”).

14. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ quảng đại:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh tâm thường quán sát thấy mỗi mỗi thân của PHẬT đều đầy khắp hết tất cả pháp giới.

15. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ vi tế:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh đều được thấy trong một (lỗ) chân lông của PHẬT, có đến cả “bất khả thuyết, bất khả thuyết” chư Như Lai xuất hiện, và (chúng sanh trong 9 giới) thảy đều đến nơi PHẬT mà kính thờ.

16. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ trang nghiêm:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh chỉ ở trong vòng “một niệm” được thấy tất cả cõi (quốc độ) đều có chư PHẬT ngồi dưới cội cây Bồ Ðề, thành đấng Chánh Ðẳng Chánh Giác và thị hiện thần biến trang nghiêm (cho Phật quốc độ của quý Ngài).

17. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ năng sự:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh thấy được tất cả chư PHẬT xuất hiện ra nơi thế gian, phóng trí huệ quang minh và chuyển “diệu pháp luân” thanh tịnh.

18. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ tâm tự tại:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh, tùy theo sở thích của bổn tâm đều thấy được tất cả chư PHẬT hình tượng” (tức là tùy thuận theo từng căn tánh và sở thích của mọi loài mà thị hiện ra sắc thân thích hợp với sự mong muốn của chúng sanh hầu dễ dàng hóa độ).

19. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ nơi tự nghiệp:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh tùy nơi phần nghiệp tích tập của mình mà cảm được chư Phật hiện ra hình tượng tương xứng để dẫn dắt tu tập, khiến cho họ đều được giác ngộ, giải thoát.

20. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ thần biến:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh đều thấy được “bảo tòa liên hoa” vi diệu, quảng đại, trang nghiêm của PHẬT ngự, nở xòe ra khắp cả 10 phương pháp giới.

21. Môn “NIỆM PHẬT” an trụ hư không:

Bởi vì (pháp môn Niệm Phật nầy) khiến cho:

Tất cả các bậc (thanh tịnh) chúng sanh đều quán sát và thấy được những thân thắng diệu của Như Lai (Pháp thânThọ dụng thânỨng hóa thân) trang nghiêm khắp cả 10 phương pháp giới, hư không giới.

……………………..

Rồi kế đó lần lượt đi tham học mọi nơi “đều được chứng đắc”, cho đến khi gặp vị đại THIỆN TRI THỨC thứ năm mươi ba là đức PHỔ HIỀN Ðại Bồ Tát, bấy giờ Ðức PHỔ HIỀN dùng “oai thần gia bị”, khiến cho chỗ chứng của THIỆN TÀI ÐỒNG TỬ bằng với mình và chư PHẬT (đây gọi là Ðẳng Giác Bồ Tát). Rồi:

Khuyên ngài “THIỆN TÀI” cùng với chư hải chúng Ðại Bồ Tát (Ðại Bồ Tát số đông nhiều như nước trong bể lớn vậy) trong cõi “HOA TẠNG thế giới” phát 10 Ðại nguyện vương (PHỔ HIỀN THẬP ÐẠI NGUYỆN), rồi đem công đức ấy mà hồi hướng được sanh về cõi TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC để cho mau tròn được quả vị “Vô thượng Bồ Ðề” (PHẬT quả).

Lại nữa, nơi chương “HẠ PHẨM HẠ SANH” trong kinh “QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ” PHẬT có dạy rằng :

“Những chúng sanh nào đã lỡ tạo 10 điều ác, 5 tội (ngũ) nghịch, làm đủ những việc chẳng lành, sẽ phải bị đọa vào trong địa ngục, trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng. Nhưng nếu kẻ ấy (khi sắp chết) gặp được Bậc “Thiện Tri Thức” khuyên bảo “NIỆM PHẬT” liền vâng lời niệm đủ 10 câu, lập tức tội chướng liền được tiêu trừ, và được vãng sanh ngay về cõi “CỰC LẠC”.

Như TRƯƠNG THIỆN HOÀ, TRƯƠNG CHUNG QUỲ (mà BẢO ÐĂNG đã có nhắc đến tên trong các lá thư Học PHẬT trước đây).

Thế thì, Ta thấy biết rằng:

– Trên như Ðức VĂN THÙ đại Bồ Tát, PHỔ HIỀN đại Bồ Tát.

– Dưới như các kẻ phạm 5 tội NGHỊCH, 10 tội ác, sắp sửa đoạ Tam đồ.

Thảy đều:

THUỘC VỀ CƠ “NHIẾP HOÁ” CỦA PHÁP MÔN TỊNH ÐỘ.

Bao nhiêu đó, cũng đủ thấy pháp môn TỊNH ÐỘ nầy rất là quảng đại, không bỏ sót một ai. Ðức A DI ÐÀ NHƯ LAI hạnh nguyện rộng sâu, xem tất cả chúng sanh đều bình đẳng.

Vì thế cho nên ở nơi Bổn tự PHÁP HOA tại Tucson, Arizona đây BẢO ÐĂNG và TT. Bổn sư THÍCH HẢI QUANG có đề 4 câu kệ ở 2 bên phải, trái của cổng Tam quan như sau:

1. TỨ THẬP BÁT NGUYỆN, QUẢNG ÐỘ QUẦN SANH, TIẾP CHÚNG HỮU TÌNH LÊN BẤT THỐI.

2. NHỊ THẬP NGŨ HỮU, ÐỒNG SANH CHÁNH TÍN, NHỨT TÂM, NHỨT NIỆM, NHỨT NHƯ LAI.

(Nghĩa là:

Bốn mươi tám “NGUYỆN”, rộng độ Quần sanh, tiếp chúng sanh (hữu tình) lên ngôi Bất thối (chuyển).

Do vì không được dự vào ngôi “BẤT THỐI” chuyển như vậy, mà chúng ta cứ bị luân hồi trong 25 cõi HỮU mãi mãi. Từ vô thỉ kiếp lâu xa về trước cho đến hiện kiếp nầy đây, cũng vẫn chưa giải thoát được.

Gì là 25 cõi “HỮU” ? (Nhị thập ngũ HỮU) ‌

Ðây tức là 25 cõi (hoặc Trời, hoặc Người) nơi mà các chúng sanh trong đó vẫn còn có HỮU SANH, HỮU TỬ, HỮU LUÂN HỒI.

Chữ “HỮU” ở đây có nghĩa là như vậy.

25 cõi HỮU (hữu sanh, hữu tử, hữu luân hồi) đó là:

A/- DỤC GIỚI HỮU: Gồm có 14 cõi sau đây:

  1. Ðịa ngục HỮU.
  2. Ngạ qủy HỮU.
  3. Súc sanh HỮU.
  4. A Tu la Hữu,
  5. Ðông Thắng thần châu HỮU (Phất đề bà châu).
  6. Nam Thiện Bộ châu HỮU (Diêm Phù đề châu – là trái đất của mình hiện đang cư trụ).
  7. Tây Ngưu Hóa châu HỮU (Cồ Ða Ni châu).
  8. Bắc Câu lư Châu HỮU (Uất Ðan việt châu).
  9. Tứ Thiên Vương xứ HỮU. (Trời Tứ Vương).
  10. Ðạo lợi Thiên HỮU. (Trời Ðạo lợi)
  11. Dạ Ma Thiên HỮU. (Trời Dạ ma).
  12. Ðâu suất Thiên HỮU. (Trời Ðâu suất).
  13. Hóa lạc Thiên HỮU. (Trời Hóa lạc)
  14. Tha Hóa Tự Tại Thiên HỮU. (Trời Tha Hóa Tự Tại).

Trong 14 cõi HỮU nầy thì:

– 4 cõi đầu tiên thuộc về cảnh giới của “ác đạo”.

– Từ cõi thứ 5 cho đến cõi thứ thuộc về cảnh giới của loài Người (Nhơn đạo).

– Từ cõi thứ cho đến cõi thứ 14 thì thuộc về cảnh giới của chư Thiên (Thiên- đạo) trên các cõi Trời Ngoài sự hiểu biết và suy lường của các hàng thế gian chúng sanh Nhơn đạo.

(PHỤ CHÚ:

– Trong ba cảnh giới nầy thì hai cảnh giới đầu là Ðịa ngục, Ngạ quỷ không có ÁI DỤC (vì bị hình phạt quá đau khổ nơi địa ngục và quỷ đói nên không có thì giờ nghĩ tới DỤC, hoặc nếu có thì chỉ thoáng qua rồi thôi).

– Các cảnh giới còn lại từ Súc sanh cho đến Hóa lạc Thiên thì có đầy đủ hết các sự ÁI DỤC (HỮU dục lạc).

B/- “SẮC GIỚI” HỮU: Gồm có 7 cõi HỮU sau đây:

  1. Sơ Thiền Thiên HỮU (gồm có 3 từng Trời tùy thuộc).
  2. Nhị Thiền Thiên HỮU (gồm có 3 từng Trời tùy thuộc).
  3. Tam Thiền Thiên HỮU (gồm có 3 từng Trời tùy thuộc).
  4. Tứ Thiền Thiên HỮU (gồm có 9 từng Trời tùy thuộc).
  5. Ðại Phạm Vương Thiên HỮU .
  6. Vô Tưởng Thiên HỮU.
  7. Tịnh Cư A Na Hàm HỮU(gồm có 5 từng trời tùy thuộc).

(PHỤ CHÚ: Bảy cõi HỮU nầy Thiên chúng tuy là có sắc thân nhưng không có tướng Nam Nữ sống và an vui trong Thiền định. Vì vậy cho nên không có ái dục).

C/-“VÔ SẮC GIỚI” HỮU. Gồm có 4 cõi HỮU sau đây:

  1. Không xứ Thiên HỮU.
  2. Thức xứ Thiên HỮU.
  3. Bất dụng xứ Thiên HỮU.
  4. Phi Tưởng, Phi phi Tưởng xứ Thiên HỮU.

(PHỤ CHÚ:

Chư Thiên ở nơi 4 cõi HỮU nầy không có “Thân sắc tướng”, chỉ có thần thức và sống bằng Thiền định lực mà thôi (Ðương nhiên là không có ÁI DỤC).

Vì vậy nên gọi là VÔ SẮC (tức là không có sắc thân).

Tất cả chúng sanh trong 3 cỏi HỮU nầy:

Do vì vẫn còn bị VỌNG TÂM (tức là Thức Tâm phân biệt) HÀNH XỬ SAI QUẤY cho nên cứ mãi bị luân hồi, không sao giải thoát được.

Bởi thế nên gọi: – Chúng sanh TÂM HÀNH XỨ HỮU là như vậy.

Còn các bậc Thánh nhơn từ A la Hán trở lên vì đã diệt được VỌNG TÂM (Tức là THỨC TÂM) cho nên không còn bị nó “HÀNH XỬ” sai quấy nữa, vì thế mà CHƠN TÂM được hiển lộ như trăng vẹt mây chiếu ra ánh sáng tươi đẹp Xa lìa khỏi các cõi HỮU, nhập vào trong vòng thánh số (1), đạt được cảnh giới giải thoát.

Trong kinh gọi là: – Thánh nhơn TÂM HÀNH XỨ DIỆT.

(Tức là quý NGÀI đã diệt được tất cả các sự thọ sanh do Tâm lực (vọng thức) và nghiệp lực dẫn đường trong 25 cõi rồi) nên vĩnh viễn không còn bị sanh tử, luân hồi nữa.

(Nghĩa câu “ÐỐI” kế tiếp):

Hai mươi lăm cõi “HỮU”, đồng sanh chánh tín,
Một TÂM, một NIỆM, một Ðức (A DI ÐÀ) NHƯ LAI.

và ở bên phía (cửa phải) có câu “đối” rằng:

– Bỏ đường tắt TÂY PHƯƠNG, chín giới  chúng sanh trên4 KHÓ THỂ TRÒN NÊN QUẢ GIÁC.

– Rời cửa mầu TỊNH ÐỘ, dưới mười phương chư PHẬT KHÔNG TOÀN ÐỘ KHẮP QUẦN MÊ.

Bởi thế cho nên, như trong phần đầu của bức Thư Học Phật số 68 nầy, BẢO ÐĂNG đã có nói rằng:

TỊNH ÐỘ lá pháp môn “VIÊN ÐỐN” nhứt trong một đời giáo pháp của đức Bổn sư. THÍCH TÔN.

Và cũng là:

Một pháp môn đưa đến quả vị toàn giác, trên cho các THƯỢNG THÁNH, dưới cho đến các kẻ Phàm phu bạt địa (chúng ta).

là không sai ngoa vậy.

Trong lá thư số 68 nầy, BẢO ÐĂNG một lần nữa (đầu tiên) y theo kinh giáo (quyển kinh “NIỆM PHẬT BẢO VƯƠNG TAM MUỘI”) xin gởi tặng đến các hàng “liên hữu” đồng tu, một câu NIỆM PHẬT (thuộc về loại “thượng đẳng công phu”, để bổ túc cho câu Niệm PHẬT chỉ có “một câu” và “sáu chữ” mà các bậc Ðại sư xưa đã y theo kinh giáo dạy lại cho chúng ta (từ xưa) đến nay là:

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT

bằng một câu “NIỆM PHẬT khác hơn (đương nhiên là của PHẬT THÍCH CA dạy) thật là cực kỳ thắng diệu”, không thể tính kể được con số là:

“NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI, TAM THẬP LỤC VẠN ỨC, NHỨT THẬP, NHỨT VẠN, CỮU THIÊN NGŨ BÁCH, ÐỒNG DANH, ÐỒNG HIỆU , ÐẠI TỪ, ÐẠI BI TIẾP DẪN ÐẠO SƯ, A DI ÐÀ PHẬT”.

Ðể cho quý liên hữu rõ thêm về “xuất xứ” của câu NIỆM PHẬT “THƯỢNG THỪA”, “THƯỢNG ÐẲNG” nầy, BẢO ÐĂNG xin “trích” ra một ít lời kinh trong quyển NIỆM PHẬT BẢO VƯƠNG dạy về cách NIỆM PHẬT đặc biệt nầy như sau:

“Nhắc lại :…………..

Trong thời kỳ đức Bổn sư THÍCH CA MÂU NI THẾ TÔN còn tại thế, một ngày kia đức Bổn sư thấy có 2 Ông bà già lụm cụm đang NIỆM PHẬT và lấy từ hạt lúa (thóc) để ghi số (tức là niệm Nam mô A DI ÐÀ PHẬT, cầu sanh về cõi TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC, hễ “NIỆM” một câu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT thì lấy ra một hạt lúa bỏ vào trong hủ (để nhớ số đếm).

Ðức Bổn sư THÍCH CA NHƯ LAI thấy thế, nên ngài mới đi đến, ngồi xuống kế bên mà dạy cho hai Ông bà già đang NIỆM PHẬT ấy rằng:

“TA có một “pháp” rất hay, dạy 2 ngươi “NIỆM PHẬT” một câu thì được số hạt thóc rất nhiều đếm không kể xiết”.

Hai Ông bà già nghe PHẬT nói vậy rất mừng rỡ, liền quỳ xuống chân thành đảnh lễ PHẬT và cầu xin PHẬT từ bi chỉ dạy, vì chúng con tuổi đã quá già rồi…..

Lúc ấy PHẬT THÍCH CA bảo NIỆM như thế nầy :

“ NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI, TAM THẬP LỤC VẠN ỨC, NHỨT THẬP, NHỨT VẠN, CỬU THIÊN, NGŨ BÁCH, ÐỒNG DANH ÐỒNG HIỆU, ÐẠI TỪ, ÐẠI BI (TIẾP DẪN ÐẠO SƯ) A DI ÐÀ PHẬT”.

(Tính ra, cứ mỗi lần “NIỆM” một câu như vậy thì được:

1. Vô số danh hiệu PHẬT A DI ÐÀ.

Cho nên:

2. Công đức (Niệm PHẬT) cũng tăng lên nhiều không sao kể xiết được.

theo như bài toán sau đây:

Tam thập lục 36

Vạn = 10.000

Ức 100.000

(Số ức xưa có 3 loại:

– Số “ỨC” ít nhất là 100.000 (một trăm ngàn)

– Số “ỨC” trung bình là 1.000.000 (một triệu)

– Số “ỨC” cao nhứt là 1.000.000.000 (một tỷ)

Tức là:

(Nay chỉ lấy số “ỨC” loại thấp nhất cho dễ tính ra con số dưới đây:

36 x 10.000 x 100.000 x 10 x 10.000 x 9500 34.200.000.000.000.000.000

Tính ra là:

34.200 (34 ngàn 200) Triệu Triệu Tỷ câu “NIỆM A DI ÐÀ PHẬT”

Con số câu “NIỆM PHẬT” trên đây thuộc về loại:

THƯỢNGTHƯỢNG THỪA, THƯỢNG THƯỢNG ÐẲNG không thể nào tính đếm được cái “công phu, và công đức NIỆM PHẬT” nầy vậy.

Trong quyển “TỊNH ÐỘ THÁNH HIỀN LỤC” (tức là một quyển sách quý báu, ghi chép lại các “GƯƠNG VÃNG SANH” xưa, có ghi lại một truyện vãng sanh rất là “đặc biệt” như sau) :

(Phụ chú:

Gọi là Ðặc biệt vì như trong “TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH” PHẬT có dạy rằng:

Nhơn sanh (người đời có 20 việc khó:

1/- …………………….
2/- Giàu sang học đạo là “KHÓ”.
3/- Xả thân quyết chết là “KHÓ”.
………………………..
7/- Thấy tốt không cầu là “KHÓ”
…………………………
19/- Thấy cảnh (đẹp) không động (TÂM) là “KHÓ”.
20/- Khéo biết dùng (Thiện) PHƯƠNG TIỆN là “KHÓ”.

Trong 20 điều trên đây thì ở điều thứ 2 là:

Giàu sang học đạo là “KHÓ”, bởi vì:

Sống trong cảnh giàu sang, quyền quý, lầu rồng, gác phượng (như bậc Vương giả (Vua, chúa)….Tuy có dư sức bố thí, song phần lớn :

Bị cảnh “Dục lạc” lôi cuốn, khó buông bỏ Thân Tâm để mà :

NIỆM PHẬT, TU HÀNH, CẦU CHƠN GIẢI THOÁT” lắm.

Chẳng hạn như “GƯƠNG VÃNH SANH” của một Vương giả (giàu sang, quý phái) mà BẢO ÐĂNG trích lục ra và ghi lại trong lá “THƯ HỌC PHẬT “ số 68 nầy sau đây :

GƯƠNG VÃNH SANH của “VIỆT QUỐC PHU NHƠN”

“VIỆT QUỐC PHU NHƠN” Vương thị. Nguyên là vợ của Vua Kinh Vương.

“KINH VƯƠNG” lại là Chú của TRIẾT TÔN Hoàng Ðế đời nhà TỐNG.

Phu nhơn chuyên niệm PHẬT ngày đêm không gián đoạn, lại hướng dẫn các hàng Tỳ thiếp đều tu TỊNH ÐỘ cầu sanh CỰC LẠC.

Trong hàng Tỳ thiếp ấy, có một Cô thường hay biếng trễ. Phu nhơn gọi lên bảo :

“ Không thể vì một mình ngươi, mà phá hoại quy củ của Ta !”

Rồi liền đuổi ra khỏi đoàn thể.

Người thiếp sợ hãi ăn năn. Phát tâm tinh tấn NIỆM PHẬT không nài mỏi nhọc. Một hôm, Cô bảo bạn đồng sự rằng : “ Em sắp đi xa !

Ðêm lại mùi hương lạ bay đầy phòng. Cô thiếp ấy không bịnh chi mà qua đời. Cách vài hôm sau, Cô bạn đồng sự thưa với Phu nhơn rằng:

“ Ðêm vừa rồi, Con mơ thấy người thiếp mãn phần nhờ chuyển lời kính xim cảm tạ ân đức vô lượng của Phu nhơn. Bởi nhờ Phu nhơn răn trách, mà Cô đã được sanh về Cực Lạc !”.

Phu nhơn bảo: -“ Nếu nó có thể ứng mộng cho Ta biết thì Ta mới tin”.

Ðêm ấy, Phu nhơn nằm mộng thấy người thiếp quá cố đến tạ ơn như lời đã nói, liền hỏi:

“ Cõi TÂY PHƯƠNG có thể đến được chăng ?‌”

Cô đáp rằng được.

Rồi dẫn Phu nhơn bay đi. Ðộ giây phút, đến một bảo trì to rộng mênh mong, ánh sáng giao hoà chói suốt. Trong ao báu, hoa sen lớn nhỏ xen lẫn gồm nhiều màu sắc và quang minh có đoá hoa hoặc tươi, hoặc héo. Phu nhơn hỏi duyên cớ.

Người thiếp thưa rằng:

– “Chúng sanh ở TA BÀ vừa phát tâm NIỆM PHẬT cầu về Cực Lạc, thì nơi đây liền hoá sanh một hoa sen. Nếu đương nhơn mỗi ngày tinh tấn tu niệm, thì hoa sen càng thêm lớn và tươi đẹp.

– Trái lại nửa chừng lần lần biếng trễ, tất hoa sẽ héo. Như không tiếp tục tu hành, hoa liền tàn rồi ẩn mất. Còn phát tâm tinh tấn NIỆM PHẬT trở lại, thì một hoa sen khác mọc lên.

– Nếu công tu lâu ngày vẫn không thối chuyển, tất tịnh quả sẽ thành thục. Khi đương nhơn bỏ báo thân ở cõi TA BÀ, thần thức sẽ nương gởi vào thai sen ấy, đợi đến khi hoa nở thấy PHẬT”.

Nhìn ra xa, trên một “đài hoa” có vị đầu đội mão ngọc, cổ đeo chuỗi anh lạc, phục sức và thân tướng trang nghiêm, Phu nhơn hỏi : – “Ai đấy thế ‌”

Người thiếp thưa : Ðó là Vô vi cư sĩ DƯƠNG KIỆT. Vị ấy vừa mới vãng sanh về đây.

Phu nhơn thấy một người khác mặc triều phục, ngồi trên đoá sen hơi kém hơn, lại hỏi thăm. Cô thiếp đáp : Ðó là cư sĩ MÃ VU, chờ khi công thành quả mãn, cũng lại sắp vãng sanh về đây.

Phu nhơn lại hỏi : “Còn Ta sẽ sanh về chỗ nào” ‌

Người thiếp liền dẫn Bà bay đi độ vài dặm. Nơi ấy có một “hoa toà” to lớn, cánh bích ngọc, đài hoàng kim, phóng ánh sáng rực rỡ. Người thiếp chỉ đoá hoa nói : Ðây là chỗ sanh của Phu nhơn, thuộc về kim đài thượng phẩm !.

Khi thức dậy, Phu nhơn ghi nhớ rõ điềm mộng, nỗi vui mừng bi cảm lẫn lộn, nên càng thêm tinh tấn tu hành.

Ðến hơn 80 tuổi, nhằm ngày sinh nhật, sáng sớm Bà thức dậy, hai tay bưng lò trầm hương nhỏ, khói thơm bay toả, khiêm kính đứng hướng về phía Quan Âm Các. Tất cả tỳ thiếp y phục chỉnh tề, sắp thành hàng bước đến định làm lễ chúc thọ.

Nhưng khi nhìn xem lại, thì Phu nhơn đã thoát hoá.

(Lời bình:

ẤN QUANG pháp sư nói:

– “ Tác dụng của Thần thức và nghiệp lành, dữ đều không thể nghĩ bàn !

Có kẻ tạo ác, tuy còn sống ở trên dương thế, mà một phần hình thần đã thọ khổ nơi địa ngục.

– Lại có hành giả tu TỊNH ÐỘ, tuy hiện đang ở cõi trược, mà một phần thần thức đã sanh về liên bang”.

Ðó là:

Thân hình chưa thoát khỏi “TA BÀ”,

Mà:

Thần thức đã về “LIÊN HOA ÐỘ”.

Trường hợp của MÃ VU trên đây cũng như thế.

Người nữ sinh về Cực Lạc, đều chuyển ra thành thân Nam, đủ 32 tướng tốt trang nghiêm. Nhưng “cô thiếp” lại hiện ra thân nữ cho đồng bạn và Kinh vương Phu nhơn trông thấy cũng chỉ là phương tiện hoá hiện, để người quen dễ dàng được nhận thức đó thôi.

Ðiều này đọc giả nên thông hiểu và đừng lấy làm nghi hoặc.

Mong thay,

Trước khi chấm dứt. BÐĂNG thừa theo “Pháp chỉ” của TT. Bổn sư THÍCH HẢI QUANG, chân thành gởi đến Quý vị đôi lời “KHUYẾN NHẮC” như sau:

Vội vội, vàng vàng, KHỔ NHỌC CẦU,
Mưa mưa, nắng nắng, TRẢI XUÂN, THU.
Hôm hôm, sớm sớm, LO SINH KẾ,
Lảng lảng, quên quên, THẤY BẠC ÐẦU.
Thị thị, phi phi KHÔNG CHẤM DỨT,
Phiền phiền, não não NHỮNG BI ƯU.
Rành rành, rõ rõ MỘT ÐƯỜNG ÐẠO,
Vạn vạn, ngàn ngàn CHẲNG CHỊU TU.

Trong : “TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH” đức Bổn Sư THÍCH CA MÂU NI THẾ TÔN, có dạy rằng:

“NHƠN SANH CÓ 20 VIỆC “KHÓ :

6/- Sanh ra đời gặp PHẬT là “KHÓ”.

7/- Thấy (Sắc) xinh tốt không cầu là “KHÓ”.

8/- Bị nhục nhả chẳng GIẬN là “KHÓ”.

9/- Có thế (lực) không ỷ (lại) là “KHÓ”.

10/- Gặp việc (mà được) VÔ TÂM là “KHÓ”.

11/- Học hiểu rộng, nghiên tầm nhiều là “KHÓ”.

12/- Trừ tánh kiêu căng, ngạo mạn là “KHÓ”.

13/- Không khinh các kẻ chưa học là “KHÓ”.

14/- Tâm bình đẳng là “KHÓ”.

15/- Chẳng ưa nói chuyện “Thị phi” là “KHÓ”.

16/- Ðược gặp bậc THIỆN TRI THỨC (khuyên nhắc ta tu) là “KHÓ”.

17/- Thấy “TÁNH” học “ÐẠO” là “KHÓ”.

18/- Thấy cảnh đẹp không động tâm là “KHÓ”.

19/- Biết tuỳ duyên độ người là “KHÓ”.

20/- Khéo biết dùng (Thiện xảo phương tiện) là “KHÓ”.

Tuy vậy, nhưng mà : “KHÓ” và “DỄ” cũng chỉ là PHÁP ÐỐI ÐẢI (với nhau) mà thôi.

Nên:

Trong “KHÓ” có “DỄ”.
Trong “DỄ” có “KHÓ”.

Cho nên,

Nếu quyết tâm, và hiểu biết thì: Các việc “KHÓ” chẳng phải là “không thể làm được”, vì thế mà:

Nếu chúng ta nhận thấy rõ ràng rằng:

“Sự giàu sang, phước lạc ở thế gian là vô thường như MỘNG HUYỄN, BÀO ẢNH.

Còn: Cảnh giải thoát vãng sanh về cõi “TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC” là chơn như, thường tịch, là mãi mãi được “AN VUI”.

Thì tuy nói: Giàu sang học đạo là “KHÓ”.

Song: Ðã quyết chí TU “TỊNH ÐỘ” để được vãng sanh.

Tất nhiên: Cũng vẫn có thể thực hành “ÐƯỢC”.

Người xưa nói: Ðường xa không “KHÓ” vì ngăn sông, cách núi.

Mà: Chỉ “KHÓ” vì lòng người ngại núi, e sông.

Cho nên: Việc Tu “TỊNH ÐỘ” không “KHÓ”.

Mà chỉ KHÓ vì: TA KHÔNG CỐ GẮNG, CƯƠNG QUYẾT mà thôi.

Trong KINH dạy:

Thân người “KHÓ” được,
PHẬT PHÁP “KHÓ” được nghe.

Nay chúng ta đã may mắn có được “THÂN NGƯỜI”.

Và có duyên xem, nghe được “PHẬT PHÁP”.

Và lại còn: Ðược biết đến PHÁP MÔN TỊNH ÐỘ mầu nhiệm nầy, mà TU học theo rồi.

Xin quý liên hữu cố gắng lập tâm TU (TỊNH ÐỘ) cho thật vững mạnh.

Dù cho có lỡ gặp hoàn cảnh khó khăn, bận rộn nhiều đi chăng nữa, BẢO ÐĂNG và Thầy Bổn sư THÍCH HẢI QUANG khuyên nhắc Quý liên hữu nên :

– Nhận rõ duyên đời là KHỔ, là MỘNG,

– TẤT CẢ ÐỀU là VÔ THƯỜNG, giả tạm.

Mà: QUYẾT CHÍ TU HÀNH

Ðể: Hoa sen báu bên ao “LIÊN TRÌ” nơi cõi TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC được “NỞ” thêm những hàng THƯỢNG THIỆN (NHƠN).

Có như vậy mới: KHÔNG PHỤ LÒNG THƯƠNG TƯỞNG CỦA PHẬT.

Và khỏi: UỔNG CÔNG ÐI LÊN “NON BÁU”

Mà: ÐI VỀ TAY KHÔNG vậy.

Chúc quý Liên hữu: Tinh tấn, cố gắng,

Và: Ðại Tinh tấn, đại cố gắng.

Trân trọng,

Bồ Tát giới BẢO ÐĂNG

(Cẩn bút)