TU PHẬT
NGHI-THỨC YẾU-LƯỢC
Biên soạn: Hòa-Thượng Thiền-Sư Thích Từ-Quang

QUYỂN NHỨT

TAM-BẢO KINH

CHƯƠNG 10
PHÁP-MÔN THIỀN-ĐỊNH

Thiền-định là một pháp-môn cao-siêu trong đạo Phật. Thiền-định có năng-lực đoạn hoặc chứng chơn, viên-mãn trí-tuệ, trực-chỉ nhân-tâm, kiến tánh thành Phật.

Tu Thiền-định cốt-yếu là dứt sạch các vọng-tưởng hôn-mê, phiền-não tán-loạn, tập-trung ý-chí vào một đối-tượng duy-nhứt, giữ tâm vắng lặng thông suốt.

Bất-luận là xuất-gia hay tại-gia đều tu phép Thiền-định được. Tuy-nhiên, đã là một pháp-môn cao-siêu, đòi hỏi giới-đức thanh-tịnh, công-phu vĩ-đại vừa điều-thân vừa điều-tâm, thì người xuất-gia có phần dễ tu hơn.

Phàm tu Thiền-định phải nhờ có bậc Thiền-Sư chơn-chánh, lão-thông Thiền-giáo, giàu kinh-nghiệm, quán căn truyền dạy, mới khỏi lầm đường lạc hướng theo ngoại-đạo thiền.

Xưa Tiên-Đức co dạy: “Thiền-định vi-tế, nhược bất dự tiên liễu-tri, tối dị tấu-nhập tà-đồ”.

Nếu không dự tính hiểu thấu trước các vi-tế trong pháp Thiền-định thì rất dễ sa vào đường tà-mị.

Vả chăng muốn cho công-phu thành-tựu viên-mãn thì người tu Thiền tối-thiểu phải có:

– căn-bổn đạo-đức thuần-khiết,
– tánh-tình quảng-đại,
– từ-bi hỷ-xả,
– chơn-chánh liêm-tiết,
– đại tinh-tấn, đại nhẫn-nhục,
– trường-trai tuyệt-dục,
– giới-hạnh trong sạch,
– và oai-nghi trang-nghiêm.

Vì vậy pháp-môn Thiền-định rất khó tu.

Tu Thiền-định có nhiều bậc, tùy theo căn-trí và thể-lực của mỗi người mà tuần-tự nhi-tiến, công-phu từ bậc thấp lần đến bậc cao.

Trong lúc sơ-cơ, Phật-tử có thể thật-hành phép Tham-Thiền như dưới đây:

Mỗi ngày tùy theo tư-nghiệp, nên chọn một thời để làm công-phu thường tất. Nếu công-phu được vào giờ Tý, trong tâm yên lặng, ngoài cảnh êm đềm thì dễ tịnh tọa.

Khi Tham-Thiền, nên ngồi kiết-già hay bán-già, hai tay kiết ấn tam-muội.

_ Cách-thức ngồi kiết-già (Kim-cang tọa): ngồi xếp bằng lại, lấy bàn chân mặt gác lên vế trái, rồi lấy bàn chân trái để lên vế mặt.

_ Cách-thức ngồi bán-già có hai thứ:

1. Hàng-ma tọa : lấy bàn chân mặt gác lên vế trái.

2. Kiết-tường tọa : lấy bàn chân trái gác lên vế mặt.

_ Cách-thức kiết ấn tam-muội:

1. Hai bàn tay duỗi ra, tám ngón tay xỏ với nhau, ngón tay trỏ và ngón áp út của bàn tay trái để ngửa trên bàn tay mặt, ngón giữa và ngón út của bàn tay mặt để ngửa trên bàn tay trái, còn hai ngón tay cái thì giáp móng lại nằm sát trước ngón trỏ của bàn tay trái.

2. Hoặc giả ngón tay trỏ và ngón áp út của bàn tay mặt nằm ngửa trên bàn tay trái, ngón giữa và ngón út của bàn tay trái nằm ngửa trên bàn tay mặt cũng được.

3. Hoặc giả đặt bàn tay trái nằm ngửa trên lòng bàn tay mặt, hay đặt bàn tay mặt nằm ngửa trên lòng bàn tay trái, các ngón tay không có xỏ với nhau cũng được.

Xin nhớ: Khi kiết ấn, nên để trên đầu mà làm.

Khi ngồi kiết-già hoặc bán-già, thân nghiêm-chỉnh, hai tay kiết ấn tam-muội để dưới rún, miệng ngậm khít, cặp mắt hơi nhắm, không cho thấy ánh sáng bên ngoài, chăm ngó ngay mũi, ngó thẳng xuống ấn tam-muội.

Trước khi nhập định, đọc bài kệ này:

“Chánh-thân đoan-tọa,
Đương nguyện chúng-sanh,
Tọa Bồ-đề tòa,
Tâm vô sở-trước”

Thân hình ngồi thẳng,
Cầu cho chúng-sanh,
Ngồi tòa Bồ-đề,
Tâm không dính mắc (chấp trước)

Án, phạ tác ra a ni, bát ra ni, áp đa da, tá-ha. (3 lần)

Đọc kệ rồi, hơi thở giữ điều-hòa, thân hình giữ đoan-chánh, tâm giữ thanh-tịnh, trí giữ rỗng không.

Công-phu Thiền-định chừng 15 phút, nửa giờ, 45 phút, 1 giờ hoặc nhiều hơn nữa, tùy theo sức khỏe của hành-giả.

Khi muốn xả Thiền, phải đưa ấn tam-muội lên trên đảnh mà xả.

Nếu khi Thiền mà có vọng-tưởng xen vào thì để tâm nơi rún, hoặc dùng lục tự: “Nam-mô A-Di-Đà Phật” làm câu thoại-đầu để đối-trị vọng-tưởng.

Lúc ngồi Thiền, như nghe trong mình có vẻ mệt nhọc hoặc tức ngực, hoặc tê chân thì nên xả liền, đừng rán sức, sợ về sau sanh bệnh.

Khi Tham-Thiền xong, không nên vội đứng dậy gấp, cứ ngồi yên lặng chừng vài phút, ngay hai chân ra, uốn mình vài lần, dùng hai bàn tay chà xát cho có hơi nóng rồi hấp vào cặp mắt và khắp cả thân-thể cho huyết-mạch vận-chuyển. Đoạn đứng dậy rồi đi kinh-hành niệm Phật hay là tập chút ít thể-dục.

Thể-dục có nhiều môn, xin ví dụ ba môn dễ tập dưới đây:

1. Hai tay giơ thẳng lên trên đầu rồi hạ xuống, trong lúc giơ tay lên, chậm rãi hít hơi thở vào phổi, trong lúc hạ tay xuống, chậm rãi thở hơi ra. Làm như vậy ít lắm cũng được 15 lần.

2. Hai tay chống nạnh, hai chân đứng thẳng, hai gót khít lại, nhón gót đứng lên chậm chậm, rồi ngồi xuống cũng chậm chậm. Làm như vậy ít nhứt cũng được 15 lần.

3. Tập thở: Trong lúc hít hơi vào phổi, nẩy ngực ra trước, hai vai lên cao và lần ra phía sau. Trong lúc thở ra, hạ hai vai xuống, ngực ép vô, hít vào hay thở ra nên giữ cho điều-hòa. Tập như vậy ít lắm cũng được 15 lần.

Thiền-định là phép tu trọng-yếu của bậc Bồ-Tát,
vì Bồ-Tát nương theo đại-nguyện, tu-tập vạn-hạnh cần có thắng-lực của Thiền-định để thành-tựu chơn công-đức.
Lục Ba-La-Mật Luận