TU PHẬT
NGHI-THỨC YẾU-LƯỢC
Biên soạn: Hòa-Thượng Thiền-Sư Thích Từ-Quang

QUYỂN NHỨT

TAM-BẢO KINH

CHƯƠNG 16
CÁCH-THỨC CỦA BAN HỘ-NIỆM KHI TỤNG KINH

Khi Ban Hộ-Niệm cầu nguyện cho đạo-hữu, nên nhớ mấy điều cần-yếu như sau:

1. Khi vái nguyện, nên để cho vị Trưởng Ban Hộ-Niệm có giới-đức, thay mặt chư huynh-đệ.

2. Khi cầu nguyện, tất cả Phật-tử trong Ban Hộ-Niệm phải giữ tâm thanh tịnh và chí-thành.

3. Bổn-phận người đánh chuông phải nhớ kỹ chỗ nào nên đánh, chớ không phải bạ đâu đánh đó. Đầu tiên, bài “Nguyện chuông” chỉ để cho người giữ chuông đọc mà thôi.

4. Khi xướng le Phật, nên để cho người giữ chuông xướng lên. Chư Phật-tử hộ-niệm chỉ niệm thầm, và chờ có tiếng chuông, đồng lạy một lượt.

5. Khi khởi đầu một bài kinh, hoặc một bài kệ, hoặc một đức-hiệu Phật, Bồ-tát, người giữ chuông phải đọc trước hai chữ đầu cho lớn tiếng để chư Phật-tử hộ-niệm hiểu biết tụng tiếp.

6. Trong lễ cúng, nên sắp phái nam đứng một bên (đứng tiếp theo người đánh chuông), phái nữ đứng một bên (đứng tiếp theo người đanh mõ), cho có trật-tự.

7. Trong lúc tụng kinh, chư Phật-tử hộ-niệm phải đợi có tiếng chuông mới cúi đầu xá một lượt, chớ không phải ai muốn xá lúc nào tùy ý.

8. Bổn-phận người đánh mõ, phải tập nhiều lần cho thuộc nghi-thức. Không nên đánh mau quá, vì đánh mau quá, câu kinh tụng không được rõ tiếng. Trong lúc tụng kinh, chư Phật-tử hộ-niệm giữ theo tiếng mõ hướng dẫn mà đọc như nhau cho hòa giọng, đừng đọc trước cũng đừng đọc sau.

9. Khi tụng kinh, nên đứng nghiêm-chỉnh, ai đứng chỗ nào thì giữ ngay chỗ đó cho có trật-tự, dầu có kinh-hành, đi xong phải đứng lại ngay chỗ cũ. Hai chân đứng thẳng, hai gót khít lại, hai đầu bàn chân dang ra, hai bàn tay giữ hiệp-chưởng, cặp mắt giữ cho chánh, không nên xây ngó tứ phía.

Có chỗ chư Phật-tử đem trẻ em theo hộ-niệm. Nhưng thường thấy trẻ em vì không tập-luyện trước, nên đứng vào trai-đàn không được trang-nghiêm,

– hoặc khi đứng chỗ này, hoặc khi đứng chỗ khác,

– hoặc đoạn kinh nào thuộc thì đọc mau, không chịu theo tiếng mõ,

– gặp đoạn kinh nào không thuộc thì đọc chậm, đọc trật hay là không đọc,

– có khi vì không hiểu nghĩa, đem đoạn kinh sau đọc ra trước, đem đoạn kinh trước đọc ra sau,

– có khi không hiệp-chưởng đàng hoàng,

– có khi đứng không ngay thẳng, mất vẻ trang-nghiêm.

Vậy khi hộ-niệm trong một trai-đàn, nếu trẻ em nào không có tập-luyện công-phu trước, thì không nên sắp vào Ban Hộ-Niệm.

Chỗ nào có đông trẻ em, cũng nên lập một Ban Nhi-Đồng Hộ-Niệm trong xóm; tập cho trẻ em theo đường đạo-đức trong thiếu-thời, đó là quý báu vô-tận.