TU PHẬT
NGHI-THỨC YẾU-LƯỢC
Biên soạn: Hòa-Thượng Thiền-Sư Thích Từ-Quang

QUYỂN NHỨT

TAM-BẢO KINH

CHƯƠNG 09
TÍN HẠNH NGUYỆN

1. LUẬN VỀ ĐỨC TÍN

Tín nghĩa là tin, đại-lược như:

– tin các chơn-thiệt-ngữ của Phật dạy,
– tin Tam-Bảo chuyển mê khai ngộ,
– tin luật nhân-quả chí-công,
– tin chánh-đạo cảm-ứng mầu-nhiệm,
– tin công-đức tu-hành sáng suốt của mình,
– tin nguyện-lực hoằng-thâm của chư Phật và Bồ-Tát,
– tin nhứt-tâm tịnh-niệm Đức A-Di-Đà thì chắc được tự-tại an-lạc.

Bộ Vân-Thê Tịnh-Độ có nói: “Đức Tín là yếu-môn đệ-nhứt để nhập đạo”.

Kinh Duy-Ma có câu: “Muốn đến cảnh Tây-phương cốt do đức Tín thẳm sâu”.

Kinh Hoa-Nghiêm có dạy: “Đức Tín là nguồn của chơn-lý, mẹ của công-đức, nuôi lớn các căn lành, ra khỏi đường tà-mị, vào được cảnh chánh-định, giải-thoát biển sanh-tử, thành-tựu đạo Bồ-đề”.

2. LUẬN VỀ ĐỨC HẠNH

Thiết-tưởng: làm người dầu giàu sang tột bậc, dầu học giỏi cực-điểm mà không có Hạnh cũng thất nhân-tâm. Vả chăng người vô Hạnh thường chìu theo dục-vọng, không tự-chủ được mình, nặng lòng tự-ái, trầm-trọng bệnh chấp ngã, hành-động lợi-kỷ tổn-nhân, gây ra vô-số nghiệp-chướng phiền-não.

Vậy Phật-tử có bổn-phận xây dựng đức Hạnh, đại-lược:

Thường-nhựt, Phật-tử phải chuyên-cần công-phu tu-tập do các bậc Thanh-Tịnh Tăng truyền dạy như: giữ giới, trì-trai, sám-hối, lễ bái, cung-dưỡng, tụng kinh, trì chú, tham-thiền, quán-tưởng niệm Phật v.v…

Suốt đời, Phật-tử phải biết điều-chế ba nghiệp: thân, khẩu, ý.

– Thân không làm dữ mà chuyên làm lành, – khẩu không nói dữ mà chuyên nói lành,

– ý không tưởng dữ mà chuyên tưởng lành.

– Làm, nói và tưởng đều theo gương “trọn lành” của chư Phật mà thật-hành.

Trong sự sanh-hoạt, phải kiện-toàn hai đức-tánh: thiểu-dục và tri-túc, vì người thiểu-dục và tri-túc dầu nghèo cũng an tâm, quí hơn kẻ đa-dục và bất tri-túc dầu giàu cũng khổ tâm.

Phật-tử phải ngăn ngừa các tật xấu làm tổn bình-sanh chi đức, như: cống cao, ngã-mạn, tự-phụ, kiêu-căng, khinh người ngạo vật, mục hạ vô nhân.

Phật-tử phải siêng làm các việc phước-đức khế-hiệp với luật nhân-quả như:

– hiếu-dưỡng Phụ-Mẫu,
– phụng-sự Sư-Trưởng,
– cung-dưỡng Tam-Bảo,
– thuyết-pháp tạo tự,
– ấn-tống kinh tượng,
– bố-thí phóng-sanh,
– tu-kiều bồi-lộ, – cứu kẻ lâm nguy.

Tóm tắt lai, Phật-tử phải luôn luôn nương theo tôn-chỉ Từ-Bi mà xử-thế, lúc nào cũng khiêm-tốn ôn-hòa, giữ lấy đức “Nhân” làm căn-bổn vì Nhân là giềng mối phát-huy các đức-tánh: hiếu, để, trung, thứ, tín, mục, liêm, tiết, thành, kính, khiêm, cung, v.v… .

Giữ tròn đức “Nhân” tức là đề-cao nhân-vị, tương-xứng nhân-phẩm, sáng suốt cả hai phương-diện cá-thể và xã-hội, sẵn sàng độ-lượng quảng-đại vị-tha tùy khả năng và cơ-duyên giúp đời tiến-hóa lành mạnh.

3. LUẬN VỀ ĐỨC NGUYỆN

Nguyện có nghĩa là tự mình phát tâm làm việc phước-đức hoặc cầu cho được thành-tựu phước-đức, đại-lược:

– nguyện sám-hối tam nghiệp-tội,

– nguyện dứt điều dữ, năng làm việc lành, trau dồi tâm sạch,

– nguyện cần học Chánh-pháp, cần tu Chánh-đạo, không hề thối-chuyển,

– nguyện qui-y Phật Pháp Tăng, giữ một lòng thủy-chung như nhứt, y-giáo phụng-hành,

– nguyện thành-tâm niệm Phật A-Di-Đà, nương nhờ Phật-lực bảo-hộ cho tu hành,

– nguyện khi lâm-chung, dự tri thời chí, thân vô bệnh khổ, tâm không tham luyến, ý bất điên-đảo, như nhập thiền-định,

– nguyện sanh Cực-Lạc,

– nguyện thành Chánh-giác, cứu-độ chúng-sanh cũng như chư Phật, đó là chánh-nguyện.

Chư Bồ-Tát có bốn đại-nguyện:

  1. Chúng-sanh vô-biên thệ-nguyện độ.
  2. Phiền-não vô-tận thệ-nguyện đoạn.
  3. Pháp-môn vô-lượng thệ-nguyện học.
  4. Phật-đạo vô-thượng thệ-nguyện thành.

Các bậc đại đệ-tử của Phật đã phát Bồ-Tát tâm, thọ Bồ-Tát giới, hành Bồ-Tát hạnh, đều thể theo gương hoằng-thệ đó mà làm việc tự-lợi kiêm lợi-tha, tự-giác kiêm giác-tha.

Phàm khi làm được công-đức chi, Phật-tử nên đem công-đức ấy mà phát nguyện hồi-hướng vãng-sanh Cực-Lạc, chẳng những hồi-hướng cho mình mà lại có thể hồi-hướng cho người.

Khế-Kinh dạy:

“Có Hạnh không Nguyện, Hạnh ấy cô-đơn; có Nguyện không Hạnh, Nguyện ấy khó thành; có Hạnh có Nguyện nhưng không Tín, chung cuộc cũng vô-ích”.

Bởi nên Phật-tử phải giữ Tín cho sâu, Hạnh cho tròn, Nguyện cho thiết, thì nhiên-hậu công-đức tu-hành chắc chắn viên-mãn.

Hiểu lời Phật dạy chưa phải là đủ,
cần gắng sức thật-hành chơn-chánh,
mới thành-tựu hiệu-quả thiện-mỹ.
Tri-Tân Luận