Phụng Hoàng Cảnh Sách Tập
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

TẬP I

Thỉnh Nguyện Ni

Ngày 29-2 Giáp Tuất (9-4-1994)

Thỉnh nguyện hôm nay ai có lỗi lớn nhỏ cũng đều thành tâm sám hối. Đó là tinh thần tự giác cao, có lỗi liền sửa không đợi nhắc nhở. Nếu người tu ai cũng có tinh thần tự giác như vậy, thì trên bước đường tu hành sẽ không mắc phải lỗi lầm, tránh khỏi những điều đáng tiếc xảy ra.

Mong rằng tất cả chúng ở đây, mỗi lần thỉnh nguyện thấy những lỗi lầm không tốt ráng sửa, chừa bỏ đừng để tái phạm lần thứ hai, thứ ba. Bởi vì nay nó là lỗi nhỏ, nếu mình không khéo để tái phạm mãi lâu ngày thành lớn. Nên khi thấy lỗi rồi, từ đây về sau phải gắng sửa đổi, không để sơ sót nữa. Giả sử có tái phạm thì chỉ lần thứ hai là cùng, chớ đừng để đến lần thứ ba, thứ tư. Đó là Thầy nhắc nhở chung cho toàn chúng.

Bây giờ tới phần nhắc việc tu hành. Trong chúng có những người ngồi thiền, thấy vài điều xảy đến bất thường, nhưng vì sợ không dám trình cho Thầy biết, cứ ôm ấp nghi ngờ, tu hành không tiến. Hôm nay Thầy cho phép ai có điều gì đột biến trong tâm mình, xin phép Ni sư Quản chúng lại trình cho Thầy biết. Vì mọi người tu ở đây, tuy không tuyên bố nhập thất nhưng sự thật là nhập thất lỏng, nhập thất tập thể, dẹp tất cả duyên bên ngoài, chỉ ở trong nội viện, dứt những ràng buộc, lôi kéo khiến tâm mình xao xuyến.

Ở các nơi thời giờ tu không được nghiêm nhặt. Ở đây, thời khóa khít khao, đồng thời buông cả duyên bên ngoài, chắc chắn tu hành có tiến. Tiến là sự đột biến trong nội tâm. Nếu có điều gì xảy đến đều phải trình cho quí thầy biết, để thấy cái đó là đúng hay sai. Nếu đúng, khuyến khích để tiến thêm, nếu sai phải sửa liền kẻo thành bệnh. Bởi vậy, người lãnh trách nhiệm hướng dẫn tu mang nhiều trọng trách, thấy như không có giảng dạy nhiều mà sự thật là phải theo dõi từng bước đi, từ hành động tới nội tâm chuyển biến thế nào, để biết rõ mà hướng dẫn.

Mỗi người chúng phải đem hết tâm lực vào sự tu, đừng để điều gì ràng buộc vô lý. Nếu mình không buông hết duyên bên ngoài sẽ tự cột lấy duyên bên trong. Ví dụ như duyên huynh đệ làm chướng ngại sự tu hành, trái với sở nguyện của mình. Ở đây, Thầy muốn những năm cuối đời Thầy sẽ có một số Tăng Ni tu có kết quả tốt. Thầy đang trông đợi. Tụi con đến đây tu, phải nỗ lực, làm cho được điều Thầy đang trông chờ. Nếu tụi con vào đây mà tâm hồn vẩn vơ, bị lôi kéo bởi những việc vô lý, sẽ trở ngại sự tu, trái với sở nguyện của Thầy. Thầy mong tất cả ý thức được con đường tu hành của mình.

Khi tụi con phát nguyện vào đây, những người thân thuộc cho đến người bên ngoài đều nghĩ rằng tụi con ở đây một ngày xứng đáng một ngày. Do đó, không đứa nào được chần chờ, chậm trễ, để một ngày qua vô ích. Tụi con phải cố gắng, nỗ lực tiến đến mục đích tối hậu.

Nói cố gắng không có nghĩa là quá kềm, mà phải tỉnh luôn luôn, không để một chút mê mờ lôi kéo. Có tỉnh như vậy, tụi con mới chóng dẹp được phiền não, bớt đi vọng tưởng. Chỉ có mê mới sanh ra điên đảo, tăng trưởng phiền não, tỉnh thì mấy cái đó không có. Vì vậy tụi con từ lớn tới nhỏ phải luôn luôn tỉnh sáng đừng để cho cái mê làm mờ mịt, bị tập khí lôi dẫn sanh ra phiền não, tu hành lui sụt, đánh mất sở nguyện ban đầu.

Tất cả tụi con nên thấy những gì mình còn sơ sót, không phải chỉ những lỗi bên ngoài thôi, cả những lỗi từ nội tâm dấy động, phải ngay đó làm chủ, buông sạch không còn mảy may. Một ngày ở đây là một ngày thanh tịnh, không phải một ngày vô ích. Như vậy tu mới tiến được, mới kịp với tuổi già của Thầy. Nếu tụi con chần chờ, Thầy đã già, tới chừng Thầy theo Phật, tụi con tu có gì xảy ra ai biết để chỉ dạy? Cho nên ráng nỗ lực đừng chần chờ, đừng để tâm mình xao xuyến loạn động vô ích. Tất cả phải tận lực, đi đâu làm cái gì cũng tu, trong khi tụi con cuốc đất cũng tu, nấu cơm ở nhà bếp cũng tỉnh sáng. Luôn luôn tỉnh sáng, đừng để tâm chạy theo ngoại cảnh, làm việc gì biết việc đó. Trong khi làm việc phải nhiệt tình nhưng không để tâm xao lãng, thì sẽ thành công trong việc tu hành.

Nếu chỉ tu trong giờ ngồi thiền, ngoài ra chạy ngược chạy xuôi là không đúng với tinh thần Thầy dạy. Ở đây, Thầy đặt thời khóa chỉ là phương tiện, còn giờ nào phút nào cũng là giờ phút để tu, không phải tới giờ tọa thiền, tụng kinh mới tu. Hiểu vậy, mỗi người tự kiểm, dè dặt từng tâm niệm, lời nói, hành động, chắc chắn lỗi lầm ít xảy ra. Tụi con sẽ thấy mỗi ngày được thanh tịnh, an lạc hơn. Như vậy mới rõ giá trị của sự tu. Còn nếu cứ thả trôi, mai kia nhìn lại mình vẫn như trước, không tiến chút nào, tụi con sẽ chán nản thối tâm.

Nên ý thức rằng đây là bước đường mới, tụi con phải nỗ lực, đừng chần chờ, đừng lôi thôi, phải tỉnh sáng luôn luôn. Đó là lời Thầy nhắc nhở, mong tụi con cố gắng!

Ngày 14-3 Giáp Tuất (24-4-1994)

Toàn chúng có tinh thần biết nhận lỗi sám hối, dù lỗi nhỏ, đó là điều đáng mừng. Mong rằng toàn chúng đều cố gắng tinh tấn tu để tròn bản nguyện của mình.

Làm việc trong chúng, sống với huynh đệ được hai điều hòa thuận và tinh tấn không bê trễ là điều tốt. Ở đây, nhắc lại cho toàn chúng nhớ, Thầy nghe có vài vị tuy quyết chí tu, nhưng thỉnh thoảng cũng có những niệm buồn nhớ. Trong lời nói đầu của Thanh qui đã nói, tu theo đường lối của Tổ Trúc Lâm Đại Đầu-đà thì phải tập tánh dứt khoát, đời ra đời đạo ra đạo. Mấy chữ đó phải hiểu cho thật kỹ, bởi vì mình tu là phải tự phát tâm, tự lập chí nguyện tu ra khỏi sanh tử. Người đời, sống trong phạm vi thế gian, cho nên theo nghiệp dẫn, lớn lên có gia đình con cái, rồi lo tạo sự nghiệp, tới già chết không thoát ra khỏi vòng lôi kéo của nghiệp. Bị nghiệp làm chủ dẫn đi trầm luân không biết chừng nào ra khỏi.

Ở đây chúng tuy còn nhỏ, nhưng tất cả đều thức tỉnh, quyết tâm bước chân đi vào đường đạo, ra khỏi sanh tử. Nếu ở ngoài đời, những niệm danh lợi, đắm mê tài sắc làm chủ mình, ngày nay vào đạo rồi thì phải thế nào? Phải bỏ những niệm đó. Nếu nó vẫn còn tiềm tàng trong tâm thức thì phải tìm mọi cách loại bỏ, không nên nuôi dưỡng. Hồi xưa mê, đi theo đường đời, ngày nay tỉnh, biết theo đường đạo. Đời chạy theo dục lạc thế gian, đạo thì dứt khoát xa lìa dục lạc.

Như vậy, hai con đường khác hẳn nhau, một đi xuống và một đi lên. Đi xuống thì dễ, đi lên rất khó. Đã can đảm cương quyết vào đạo, mỗi người phải cố gắng tối đa đừng để cho thói quen cũ ẩn núp trong tâm, nhiều khi hình thức là người tu mà tâm tư vẫn còn thế tục, như vậy không tốt. Mình phải có thái độ dứt khoát đâu ra đó, đời ra đời, đạo ra đạo. Ngày xưa mê thì sống như bao nhiêu người, ngày nay tỉnh phải thật tỉnh, không để mê trở lại. Đó là hướng đi mà mọi người quyết chí tu đều phải cố gắng.

Ở đây muốn tập cho người tu khi vào đạo, khẳng định chỉ một con đường tiến lên, không lui sụt, không thối chuyển. Cho nên mấy vị mới tới đây thấy khó hay dễ? Bắt ngồi thiền hai tiếng đồng hồ, ở yên một chỗ, không được đi rong, hơi mất tự do phải không? Nói theo lời thế gian là Thầy càng già càng sanh tật khó, ai mà ở gần thì phải chấp nhận cái khó đó.

Tại sao Thầy phải khó? Bởi vì đường lối tu tại Thiền viện Trúc Lâm rất là xưa cũ. Hệ phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời vào thế kỷ thứ 13, nhưng sau này người ta quên lãng đi, trở thành mai một. Bây giờ tới thế kỷ 20, chúng ta muốn làm sống dậy tinh thần đó. Nó rất cũ nhưng bây giờ lại rất mới, vì bao thế kỷ rồi không ai nghĩ nhớ tới tên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nữa. Bây giờ chúng ta làm sống dậy, là khơi gợi cái thiên hạ đã quên lãng, việc làm này rất khó. Khó ở mấy vấn đề:

Thứ nhất là người ta đã quên lãng rồi, nay muốn cho nhớ lại mình phải nói rất nhiều. Như vậy về phần lý thuyết phải nói rõ, người ta mới biết ngày xưa phái Trúc Lâm Yên Tử có những cái hay như thế nào, cao quí ra sao.

Thứ hai, họ biết được cái hay và cao quí của chư Tổ ngày xưa chưa đủ, mà phải làm sống dậy hiện thực, nghĩa là ngày xưa có những cái hay gì, ngày nay Thiền sinh ở Thiền viện Trúc Lâm cũng phải tập theo cái hay đó. Nhìn vào mình mà người ta đánh giá được người xưa. Đây không phải là việc dễ làm, cho nên Thầy muốn tất cả Tăng Ni đều phải có ý chí quyết liệt.

Khi vào đạo, nhất là vào Thiền viện Trúc Lâm, tất cả phải khẳng định trên đường tu, luôn tiến không bao giờ dừng, đừng nói là thối. Bởi vì dừng tức là thối, thối tức là lùi không còn cách nào kéo lại được. Tại sao chúng ta quyết chí như vậy? Vì mình đã dứt khoát vào đạo, đi con đường giải thoát, mọi khó khăn do thói quen tật cũ lôi kéo trì trệ, phải gan dạ tiến lên thì mới dứt khoát được. Tăng Ni ở trong Thiền viện, những người cũ tập ngồi thiền đã quen, ngồi hai tiếng đồng hồ không khó, còn những người mới tới, tuy tu lâu nhưng ở các chùa không ngồi thiền, bây giờ bắt đầu ngồi, quí vị cảm thấy khổ vì đau chân, đau lưng đủ thứ. Vậy mà ở đây bắt phải gắng ngồi suốt không tha, có phải ép cho quí vị khổ không?

Đúng ra người tu phải gan dạ. Ở tháp chuông, Thầy cho họ vẽ mấy bức tượng của ngài Thần Quang, Lục Tổ. Người vào đạo quên thân mới đủ tư cách để làm được việc lớn. Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, không cần có nhiều đệ tử, chỉ cần gặp một người. Ngài Thần Quang lần đầu ra mắt Tổ, Tổ ngồi yên không ngó ngàng, không nói tới, Ngài vẫn đứng yên ngoài tuyết chấp tay hướng về Tổ. Đến sáng tuyết ngập lên khỏi đầu gối mà gương mặt vẫn thản nhiên như thường. Mình mà lạnh thì sao? Vừa nhăn vừa run đủ thứ, còn Ngài vẫn bình tĩnh. Tổ thấy thế thương tình, hỏi:

– Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết, ý cầu việc gì?

Ngài thưa:

– Con muốn vào đạo, xin Hòa thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con.

Tổ bảo:

– Chư Phật ngày xưa muốn được đạo vô thượng, phải trải qua nhiều kiếp tinh tấn, bao đời làm việc khó làm, hay nhẫn việc khó nhẫn, còn không thể đến thay! Huống là, nay ông dùng chút ít khổ hạnh mà cầu được pháp chân thừa ư?

Ở đây có ai gan như ngài Thần Quang đứng suốt đêm ngoài tuyết không? Vậy mà còn bị Tổ chê, nên Ngài lén lấy dao chặt một cánh tay dâng lên để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Tổ biết đây là pháp khí nên hứa khả và đặt tên Huệ Khả.

Như vậy người dám quên mình, liều chết cầu đạo mới có thể gánh vác được việc lớn. Chỉ có mình ngài Huệ Khả mà hệ phái Thiền tông truyền mãi không dứt. Nếu Ngài nhút nhát như chúng ta thì có làm được việc gì? Như vậy việc đứng suốt đêm trong tuyết và chặt tay nói lên cái gan dạ của người cầu đạo, không phải là muốn được yên thân nhẹ trí, mà phải quyết đạt đạo, thà chết chớ không có lừng chừng lôi thôi. Chính nhờ gan dạ, quên thân mà Ngài lãnh hội được đạo lý Tổ Đạt-ma trao truyền, để từ đó tới nay Thiền tông vẫn còn truyền thừa.

Kế đó là Lục Tổ, khi Ngài đến Hoàng Mai, Ngũ Tổ bảo xuống nhà trù làm công quả. Có ông cư sĩ sai Ngài giã gạo. Vì Ngài ốm không đủ sức nặng cho cái chày cất lên, nên phải đeo thêm một viên đá, trải qua tám tháng như vậy. Chúng ta hiện nay làm cái gì nặng thì kêu người này, người nọ ra phụ. Ngài không như vậy, làm việc gì dù khổ nhọc cũng nhất định làm cho được, chết sống gì cũng làm. Nhờ tinh thần gan dạ đó nên các ngài đạt được sở nguyện của mình.

Ngày nay những người mới phát tâm tu thiền phải cố gắng. Nếu cứ được an ủi vỗ về hoài thì tâm đạo sẽ không kiên cố. Ở đây Thầy bắt ngồi thiền, đau nhức mấy cũng ráng chịu, thử coi được mấy người gan. Người gan dạ thì mai kia mới làm được việc lớn. Vào đạo mà khó một chút, đau đớn một chút chịu không nổi, thì nên nhường chỗ cho kẻ khác, vì nhút nhát quá ở lâu cũng không làm được việc gì.

Tại sao Thầy khó lắm vậy? Thầy nói cho tất cả hiểu rõ. Vì thời gian của Thầy không còn dài, sợ tới ngày nào đó Thầy theo Phật mà Tăng Ni ở đây tu chưa ra gì, chưa có ai đủ khả năng gánh vác sự nghiệp của Thầy. Nên Thầy đòi hỏi mọi người phải gan và cố gắng cho kịp thời gian Thầy còn có mặt, thấy được có những người xứng đáng thay thế cho Thầy, chừng đó mới yên lòng. Thời gian ngắn, Thầy phải gấp, bắt buộc mọi người phải cố gắng tu. Nếu tụi con tu có kết quả, mai kia sẽ làm được việc cho đạo.

Trách nhiệm tụi con ở đây không phải như chỗ khác, tu được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Ở đây bắt buộc tụi con tu sao cho mọi người thấy người ở Thiền viện Trúc Lâm ra là những người quyết chí tu và phải có gì kỳ đặc vượt thường. Không thể vào như thế nào, đi ra cũng thế đó, không khác tí nào. Bởi vậy, ở đây trách nhiệm tụi con là phải vượt lên, không được dừng một chỗ. Do đó phải nỗ lực, kiên trì hoàn thành bản nguyện.

Lại nữa, tụi con tu có kết quả là làm đúng sở nguyện của Thầy, làm sống dậy Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sống dậy ở chỗ hành động, chỗ đạt đạo của tụi con, chớ không phải sống dậy bằng cách nói suông cho người ta nghe. Mình phải thực hành, thấy đạo, rồi đem ra hướng dẫn người khác, như vậy mới là sống dậy thực. Nếu chỉ nói suông thì không thể làm sống dậy được. Cho nên tụi con phải có thực tu, thực chứng, không phải tu suông. Trách nhiệm đó quá nặng nề, không phải đơn giản. Vì vậy tất cả tụi con phải quyết tâm tu đến nơi đến chốn, để gánh vác trọng trách đó, chớ có lôi thôi.

Thầy chủ trương làm sống dậy Thiền tông Việt Nam, nhất là Thiền tông đời Trần, cái nghĩa sống dậy đó phải được thực nghiệm. Do đó, trông mong ở tụi con, mỗi đứa đều gan dạ cố gắng, ngang đây phủi bỏ mọi cái phàm tục, đừng chứa chấp, để làm được việc gì xứng đáng cho Phật giáo Việt Nam. Mai này nhìn vào, người ta quí trọng và theo học, để mọi người biết tinh thần Phật giáo Việt Nam không phải dạy tu cho có chừng, rồi chết như bao nhiêu người, không có gì khác. Trọng trách này, tụi con phải kề vai gánh vác. Các chùa vì phải lo cơm ăn, áo mặc nên Tăng Ni có khi phải làm công tác này nọ hoặc đi cúng kính. Ở đây, tụi con không phải lo lắng gì, chỉ một việc tu sáng đạo thôi. Tụi con tu đàng hoàng, khi Thầy còn, bảo đảm tụi con không đói rách.

Người quyết chí tu phải gỡ lần những tâm niệm đã huân tập ở thế gian, nếu còn sót lại phải đuổi đi, đừng cho dính mắc. Mọi tâm tư dồn hết trong một việc tu, chớ để ngoại cảnh chi phối. Đồng thời, những tâm niệm lệ thuộc vào tình cảm cha mẹ, anh em, Thầy Tổ đều buông, chỉ nhớ một câu: Tu sáng đạo đủ đền ơn cha mẹ, Thầy Tổ. Ngồi đây nhớ thương, khóc nước mắt lên tới mắt cá cũng chưa đủ đền ơn. Chỉ có tu được mới đền đáp tứ trọng ân. Nếu tụi con không chịu tu, chỉ ngồi nhớ ơn người này, người nọ, đó là cái cớ để xao lãng. Đừng nuôi dưỡng những tâm niệm không đúng với hạnh nguyện giải thoát. Đó là lời nhắc nhở của Thầy, mong rằng tất cả tụi con phải mạnh dạn can đảm, đừng e dè nhút nhát rồi không tiến được bao nhiêu, không làm tròn sứ mạng Thầy đã giao phó.

Như vậy, điều thứ nhất là làm sao thực hiện cho được mục đích ban đầu mình đã nhắm, nghĩa là đừng nghĩ mình tu có chừng, tu lấy có hay tu an nhàn. Đi tu là quyết tâm cầu giải thoát sanh tử, nên xa lìa cha mẹ, anh em, quyến thuộc, bạn bè để vào đạo tiến tu với mục đích cao cả. Tụi con không thể nào quên hay lơ là được. Lúc nào cũng nhớ tỉnh giác, nếu lơ là thì sẽ giải đãi. Một phút một giây giải đãi là trái với sở nguyện ban đầu, phụ công sanh thành nuôi dưỡng của cha mẹ.

Vào đạo rồi, tụi con phải quyết chí tiến tu, không được thả trôi. Ở đây tạo điều kiện cho mấy đứa tu, đó là giúp tụi con giữ tròn bản nguyện, chớ không phải bắt tụi con làm gì cực khổ. Chỉ vì muốn tụi con đạt được sở nguyện nên hơi khó khăn một chút. Nếu mình đi tu mà kết thúc cuộc đời không ra gì, bỏ công ơn cha mẹ, bỏ người thân đến với đạo, mà rốt cuộc không tới đâu, như vậy là phí cuộc đời vô ích. Tụi con quyết chí tu thì phải nuôi dưỡng tâm ban đầu, thực hiện cho được chí nguyện xuất trần của mình.

Điều thứ hai, Thầy đã từng nói với tụi con, chỗ này lập ra là lý tưởng tối hậu của đời Thầy. Cả đời Thầy lo cho Tăng Ni tu, nhưng những hoàn cảnh trước Thầy sắp đặt chưa được vuông tròn, như ý. Chuyến này Thầy quyết làm cho được, nên tạo đủ điều kiện, đủ duyên tốt để tụi con tiến tu không dừng. Quyết tâm của Thầy là muốn tụi con tu được. Nếu tụi con đến đây mà tu không được, vô tình cô phụ chí nguyện ban đầu, phụ công giáo dưỡng cũng như lòng mong đợi của Thầy.

Hai bổn phận đó tụi con phải cố gắng, đừng có lơ là. Ngày xưa thời đức Phật là thời chánh pháp, nhiều người tu đắc đạo. Đức Phật nhập Niết-bàn năm trăm năm sau là thời tượng pháp, một trăm người tu chừng năm mươi người đắc đạo; thời mình là thời mạt pháp, ngàn người tu chưa có một người đắc đạo. Nhưng nếu thời chánh pháp mà người tu lơ là cũng trở thành mạt pháp, còn thời mạt pháp mà mình nỗ lực tiến tu cũng thành thời chánh pháp.

Thầy dẫn chứng, như thời đức Phật tại thế có một số thầy Tỳ-kheo hoàn tục, như vậy là chánh hay mạt? Đức Phật ra đời thật hi hữu, mà những người đó không quyết tâm đem hết ý chí tu hành, lại lơi lỏng, buông trôi đến phải hoàn tục, nên không được lợi bao nhiêu. Thời này là thời mạt pháp, nhưng nếu ai quyết tâm tu thì cũng có thể thấy đạo, đối với họ cũng như thời chánh pháp.

Như vậy chánh pháp hay mạt pháp không quan trọng, cốt là ở con người quyết tâm hay không quyết tâm. Nếu quyết tâm tức chuyển mạt pháp thành chánh pháp, không quyết tâm dù thời chánh pháp cũng trở thành mạt pháp. Mình sanh trong thời mạt pháp hoàn cảnh khó tu nên ít đạt đạo, nhưng trong cái khó đó biết cố gắng nỗ lực, người xưa chịu khó mười, bây giờ mình chịu khó một trăm, chắc cũng tiến được. Vì vậy Thầy mong tất cả tụi con từ lớn tới nhỏ, đã quyết tâm tu cầu giải thoát phải can đảm đi thẳng, đừng để cho cái gì trói buộc lôi kéo mình phải lùi bước, nghiêng ngả bên này bên nọ thì uổng một đời, có duyên tốt gặp Phật pháp xuất gia mà không đi đến đâu.

Kế đó là phần tu, nhiều người có tâm Bồ-tát thấy mình chỉ ngồi tu, không làm lợi cho ai, sợ ăn của người ta mang tội, nên tu chút chút đã muốn ra làm này nọ cho thiên hạ. Nếu mình tu chút chút ra giúp thiên hạ thì có lợi chút chút; mình tu thật hay, thật cao tới chừng ra giúp thì lợi ích cũng nhiều. Ví như mình học lớp năm, thấy người ta dốt ra dạy họ thì nhiều lắm tới lớp bốn. Còn bây giờ mình học tới đại học rồi đi dạy sẽ được đến lớp mười hai hoặc hơn nữa.

Như vậy mới thấy rằng, ngồi một chỗ tu không có nghĩa là tiêu cực, chính tâm bê tha của mình mới là tiêu cực. Cho nên phải quyết chí tu sáng đạo rồi đem cái sáng đó chỉ dạy cho người, người ta mới sáng được. Nếu mình tối tăm mà chỉ dạy thì chỉ đưa người ta tới chỗ mờ mịt thôi, không sáng đạo được. Bởi vậy, cái nhìn của Thầy khác hơn người. Thầy chỉ mong tụi con tu thật kỹ, thật đúng, có kết quả tốt rồi sẽ dạy người ta, chớ mình được chút ít chưa ra gì mà lo cho người khác thì mình và người đều không tới đâu, tuy có lòng tốt nhưng kết quả rất nhỏ nhoi.

Kế đó, tụi con nên biết, tu hành muốn đạt được đạo không phải việc giản đơn, không phải chuyện làm năm, bảy tháng mà làm cả đời. Các Thiền sư thường dạy người tu phải có tâm kiên cố và trường viễn, nghĩa là kiên cố mãi mãi, không phải một, hai, ba năm thôi. Bởi vậy đứa nào quyết chí tu bền vững suốt đời không thối chuyển, không một niệm chán nản, người đó bảo đảm đi tới nơi tới chốn. Còn nếu hăng hái buổi đầu rồi sau thả trôi thì không tiến được.

Ở ngoài đời, đi học muốn qua mỗi cấp phải trải mấy năm, muốn thành người có tài cũng phải mười mấy năm, huống chi mình tu chuyển từ người phàm thành bậc Thánh thì dễ sao được. Nên mình phải có tâm bền vững, lâu dài, không nản giữa đường mới có kết quả. Chẳng những đời này mà nhiều đời sau nữa vẫn tiếp tục tu, mới đến nơi đến chốn. Vì tâm lười biếng nên muốn tu cho mau được kết quả, muốn làm mau rồi nghỉ đó là lười biếng. Chúng ta cứ làm cho xong việc, bao lâu cũng được, không nói làm rồi đặng nghỉ. Có nhiều người đem những điều không phải Phật pháp ra dạy người, họ bảo năm, bảy tháng sẽ chứng ngộ, ai nghe cũng thích. Thích là tại sao? Tại muốn mau, tâm lười biếng thích cho mau rồi nghỉ, vì vậy mà dễ bị gạt.

Cho nên khi phát tâm tu, tụi con đừng nghĩ mấy năm xong. Mình quyết tâm tu, ngày nào cũng tu, không bao giờ thối Bồ-đề tâm nên gọi là trường viễn, đời này chưa mãn đời sau tiếp, cứ như vậy hoài cho tới khi thành Phật mới thôi. Thành Phật là mức cuối cùng, chưa thành Phật thì chưa thôi, đừng nói bao lâu. Chỉ sợ mình đi trong mê, chớ mỗi ngày mỗi cố gắng ra khỏi đêm tối vô minh tức là đang sáng từ từ. Sáng một chút là nhẹ đi một chút. Càng sáng thì càng nhẹ, càng nhẹ thì càng vui, tu như vậy là vui, đâu có khổ. Ngồi thiền hai tiếng đau chân quá, khổ một chút, đến khi tu tiến rồi không thấy khổ, chỉ một con đường an vui.

Nghe nói dài, tụi con thấy ngán. Sự thật khi mình thấy đạo rồi, cuộc sống của mình là một đời làm lợi ích cho nhiều người, đó là chỗ vui của mình. Sống trong niềm vui thì không có gì chán cũng không thấy dài. Sanh tử bao nhiêu lần cũng được, sanh ra đời gặp lại bạn bè, gặp những người có duyên với mình, dạy họ tu, vui vẻ dẫn họ tiến lên hoài cho đến chỗ tột cùng. Chỉ có tu không tới đâu, sanh tật này chứng nọ, trục trặc hoài, đó mới khổ. Nếu mỗi lần trở lên mỗi lần tiến, giúp ích được nhiều người thì sự có mặt của mình là vui. Còn nếu mình ra đời như món nợ của xã hội thì buồn lắm.

Tụi con phải tu làm sao để mỗi ngày phiền não mỗi nhẹ, trí tuệ mỗi sáng, chớ đừng càng ngày trí tuệ càng mờ tối, phiền não càng đậm thêm. Phải tiến cả hai mặt: bớt phiền não và tăng trưởng trí tuệ. Hai mặt này không tiến thì không lợi ích cho đời tu.

Bây giờ Thầy nhắc nhở riêng. Vừa rồi có hai người Úc xin Tri khách vào tập tu. Khi ngồi thiền chung, nếu tụi con không nghiêm chỉnh, người ta sẽ cười. Phải ráng ngồi nghiêm chỉnh đúng hai tiếng như trong Thanh qui đã qui định. Lúc xả thiền nhớ xoa chà đúng như Thầy dạy. Ai muốn làm thêm các động tác gì khác thì chờ khi về liêu. Phải tập đúng qui củ ngay từ bây giờ, sau thành nếp tốt cho người bắt chước.

Ngày 28-3 Giáp Tuất (8-5-1994)

Kỳ thỉnh nguyện này dường như ít lỗi hơn kỳ trước, nên sám hối cũng ít. Mỗi tháng đều có giảm những lỗi lầm, đó là điều đáng khích lệ.

Bây giờ Thầy nhắc thêm vài điểm. Tụi con tu không chỉ trong giờ ngồi thiền hay giờ tụng kinh, sám hối, mà trong tất cả giờ. Ở trường hợp nào, làm công tác gì, tụi con cũng ứng dụng tu thì sẽ tiến nhiều. Nếu trong công tác, tụi con thả trâu chạy tứ tung, tới giờ ngồi thiền kềm chế hơi cực. Ở đây, tụi con nên dùng hết thời giờ trong sự tu, nếu bỏ sót cũng chút ít thôi, tu như vậy mới thấy được bước tiến. Nhìn lại tụi con tu bao nhiêu năm rồi, bây giờ tới đây mà còn phí thời giờ rất uổng! Ráng tinh tấn, đừng để ngày giờ luống qua.

Thầy nhắc thêm, tụi con ở đây tu, thấy dường như Thầy hơi khắt khe, kềm chế tụi con. Đó là Thầy muốn tụi con trọn vẹn trong việc tu, không mất thời giờ vô ích vào bất cứ việc gì, cho nên dùng mọi cách để che chở tụi con đừng bị mất thời giờ.

Trước đây khoảng một tháng, có một tu sĩ bên Mỹ về thăm, đến đảnh lễ Thầy. Ông quấn y theo người Hoa, về thăm thân nhân ở Rạch Giá.

Thầy hỏi:

– Chú tu ở chùa nào?

Chú nói:

– Thưa, ở chùa Vạn Phật bên Mỹ.

Thầy hỏi:

– Trong chùa đó, lối tu thế nào?

Chú nói:

– Tăng Ni ai thích tu pháp gì thì tu. Cũng có người thích tu khổ hạnh không nằm, ngủ cũng ngồi luôn. Ngoài những giờ sanh hoạt, suốt ngày đêm chỉ ngồi. Ngày ăn một bữa đúng ngọ, sáng chiều không ăn. Tất cả thức ăn đều không nêm nếm, mỗi lần ăn một tiếng đồng hồ. Người Mỹ vào tu cũng như vậy. Ban đêm ngồi thiền trời lạnh như cắt cũng không được quàng gì thêm, chỉ mặc áo tràng và y mà thôi.

Tụi con thấy ở đây tu, tuy ngồi thiền ngày đêm sáu giờ cũng hơi cực, nhưng còn được nằm ngủ. Tụi con một ngày nằm mấy tiếng?

– Dạ, sáu tiếng.

Như thế là nằm khá nhiều rồi, vậy mà còn muốn ra gốc thông nằm nữa! Người hay nằm là hiện tượng của giải đãi, lười biếng. Cho nên bên đó người ta tạo điều kiện tinh tấn, chỉ ngồi ngủ chớ không nằm, giống như Hiếp tôn giả lưng không bén chiếu. Ở đây, Thầy giữ nếp trung hòa, không khổ hạnh, cũng không buông lung. Mình theo trung đạo, ráng làm cho đúng thì kết quả tốt.

Vừa rồi, chú Chánh Minh Tâm đệ tử Thầy cũng vô trong đó tập tu, thuật lại với Thầy là có người muốn vô nhập chúng tập tu, vị Sư trưởng hỏi:

– Tại sao ông muốn vô đây tập tu?

– Vì con tin tưởng tất cả sự chỉ dạy của Thầy.

Lúc ấy, vị Thầy liền nhổ nước miếng, rồi nói:

– Nếu tin tưởng nơi tôi thì liếm đi!

Hành động rất lạ lùng, khó ai dám làm. Vậy mà vẫn có người tin và ở lại tu. Như vậy tụi con thấy, trên thế gian này còn rất nhiều người quyết tâm tu hành, dù khó khổ mấy cũng không nệ, miễn là được tu. Lại thêm một điều nữa, nếu ai ở trong chúng có vẻ hơi nổi là ông Thầy đem ra tố, bảo là kiêu mạn, là ngã, chê đủ thứ…

Tụi con ở đây tu thật nhẹ nhàng, mà lâu lâu có người cũng thấy mỏi mệt. Nhớ lúc trước được tự do, muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm, bây giờ hơi mất tự do, lâu lâu hối hận muốn xuống núi. Nhưng tụi con nghĩ kỹ, không phải bắt buộc tụi con ở một chỗ để làm cái gì cho Thầy. Chính vì lo chuyện tu hành của tụi con, sợ rề rà chậm tiến, nên muốn thúc cho đi nhanh. Nếu ở đây năm mười năm không ra trò gì thì rất uổng phí. Thầy muốn tất cả tụi con ý thức được mình đã quyết tâm tu tiến tới giải thoát, lúc nào cũng phải tỉnh giác, đem hết ý chí, khả năng của mình để khắc phục thói quen buông lung cũ. Một ngày ở trong Thiền viện là lợi ích một ngày. Một tháng, một năm ở trong Thiền viện phải thấy có sự tiến bộ khác hơn xưa, như vậy mới xứng đáng.

Khi thành lập Thiền viện, Thầy đã tuyên bố với mọi người, Thầy tạo điều kiện cho Tăng Ni tu hành đến nơi đến chốn. Chẳng lẽ Thầy tuyên bố như vậy mà năm, mười năm không ai tu hành ra gì, Thầy biết nói sao! Vì Thầy muốn tụi con tiến, muốn cho Thiền viện đầy đủ uy tín từ bây giờ đến mãi về sau, muốn những ai vào đây đều là những người xứng đáng, một ngày có lợi một ngày, một tháng có lợi một tháng, một năm có lợi một năm, không bỏ phí ngày nào hết. Như vậy, không hổ thẹn đã phát tâm vào đây tu rồi cũng y như xưa. Ngày xưa hay cười giỡn, bây giờ đi ra cũng cười giỡn, ngày xưa loạn tưởng đủ thứ bây giờ cũng loạn tưởng đủ thứ. Vậy có gì hay đâu? Nhất định tụi con phải có tiến Thầy mới chịu.

Vì vậy, tất cả tụi con đều phải cố kềm chế những thói quen cũ. Một là đừng cho nó lôi kéo. Hai là luôn luôn phải tự sách tấn, đừng để lười trễ sau thành thói quen xấu, rồi phải hổ thẹn với huynh đệ. Cùng tu với mình mà người ta tiến bộ đáng kể, còn mình không ra gì. Thứ ba, từ hành động đến lời nói, tụi con luôn luôn có sự e dè, cẩn thận, có nề nếp đừng bừa bãi.

Nơi đây thường có Phật tử từ các nơi về tập tu, chỉ cần một vài đứa buông lung, thiếu tư cách, tất cả đều mang tiếng chung, như vậy là không hay. Cho nên, tất cả tụi con phải dè dặt từng hành động, lời nói, đàng hoàng chín chắn, đâu ra đấy, xử sự với ai cũng phải mở rộng lòng tha thứ, cảm thông. Nói cách khác phải là người từ bi, buông xả, không cố chấp, được như vậy mới xứng đáng. Nếu tụi con còn cố chấp cái này, bỏn sẻn cái kia tức là dở, vì ở đây không có tư hữu, không có cái gì là của mình, khỏi lo bảo thủ. Cũng đừng có tâm hẹp hòi so đo hay phân bì với mọi người.

Tất cả tụi con cố gắng nhớ ba điều Thầy nhắc, ráng tu tiến không để mất thời giờ. Thầy mong tất cả tụi con cố gắng!

Ngày 13-4 Giáp Tuất (23-5-1994)

Thỉnh nguyện hôm nay trong chúng có tiến, không biết bước tiến đó thật sự hay chỉ ở bên ngoài. Thấy gần đây lỗi lầm cũng giảm, đó là điều tốt, không biết thật sự giảm hay còn ẩn núp bên trong. Mỗi ngày một giảm tội lỗi là điều đáng mừng. Mong rằng trong chúng từ lớn tới nhỏ đều cố gắng tinh tấn tu hành, đừng để cho những tâm niệm thế gian, phiền não chen lẫn. Toàn thể đều được thanh tịnh tu hành, đạt kết quả tốt, đó là mong ước của Thầy.

Hôm nay có nhiều điều nhắc nhở trong chúng:

Điểm thứ nhất, khuyên tất cả chúng, mỗi người phải tự thấy điều nào trọng yếu và điều nào không cần thiết, để xử sự với mọi người được tốt đẹp, đem lại lợi ích cho bản thân cũng như cho những huynh đệ chung quanh. Ở trong chúng, mọi thứ hơn thua phải quấy đều phải bỏ, dù cho mình lý luận hơn người, cái hơn đó không phải hay đối với người tu. Người tu phải làm sao buông xả hết những tâm niệm phiền não, được an vui thanh tịnh, đó mới là hay. Còn mình muốn hơn hay muốn thắng huynh đệ không phải là điều tốt.

Tụi con nên nhớ, ở đây điều Thầy trông chờ tụi con là một tiếng “À!” lớn, cười to. Còn lý sự hơn thua chỉ là cái khôn khéo thế gian, không phải đạo đức thâm hậu. Tất cả tụi con phải cố gắng tu, đừng ham lý luận, tranh cãi hơn thua, tự mình phiền não và làm người khác phiền não, không hay.

Trong kinh Di Giáo, Phật dạy: “Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện.” Câu đó rất là thâm trầm đối với người tu thiền. “Chế tâm nhất xứ” là giữ tâm ở một chỗ. Chế là kềm chế, nói nhẹ hơn là giữ tâm ở một chỗ thì không việc gì chẳng xong. Người nào ngày đêm giữ tâm không loạn động, người đó sớm chầy gì cũng xong việc lớn. Còn để tâm mình buông lung phóng túng, chạy theo việc này việc kia, dù cho tuổi đạo nhiều, kết quả tu cũng chẳng bao nhiêu. Vì vậy, tụi con lấy trọng tâm của sự tu là thắng các loạn tưởng, giữ tâm ở một chỗ, đừng để những niệm vui buồn làm tâm mình xao xuyến, dao động.

Phải luôn luôn chí quyết làm một việc. Một việc này xong thì xứng đáng một đời tu, không hổ thẹn là người xuất gia mà tâm chẳng xuất trần. Phật đã dạy, chư Tổ cũng dạy, người tu đừng để tâm lăng xăng lộn xộn. Ngài Vô Nghiệp nói một câu tụi con phải nhớ suốt đời: “Chớ vọng tưởng!” Câu nói hết sức giản đơn, hầu như tất cả tụi con đều biết, nhưng vọng tưởng thì cứ vọng tưởng, phải không? Ngài chỉ nhắc một điều là “chớ vọng tưởng”, không hỏi đông tây gì hết. Đức Phật nói tâm ở một chỗ việc gì cũng xong, còn ngài không nói như vậy mà nói “chớ vọng tưởng”. Không vọng tưởng thì tâm ở một chỗ rồi.

Như vậy, Phật Tổ dạy không ngoài chủ đích phải giữ gìn đừng để tâm buông lung, loạn tưởng. Tâm không buông lung, không loạn động là định. Định thì trí tuệ sáng, sáng ít hoặc sáng nhiều, không thể nào không sáng. Đây là chỗ thiết yếu của sự tu. Nếu mình tu mà tâm loạn tưởng hoài, dù nói hay hoặc có hạnh tốt cũng khó thoát khỏi sanh tử. Chỉ khi nào sống được với tâm chân thật của mình, chừng đó mọi điều nói ra đều là lẽ thật do chính mình thấy biết, không phải từ bên ngoài. Tất cả tụi con quyết tâm tu phải luôn nhớ việc giải thoát sanh tử. Biết “chế tâm nhất xứ” thì giải thoát hiện tiền, không phải xa, không phải chuyện huyền thoại mơ màng. Đó là lẽ thật, Thầy nhắc cho tất cả nhớ để cố gắng tu.

Qua điểm thứ hai, Thầy chuẩn bị đi ngoại quốc. Giả sử Thầy đi hai, ba tháng thì ở nhà làm sao? Ở nhà yên ổn tu hay là ở nhà loạn lên? Trên đường tu, nếu luôn được nhắc nhở mình mới tu, còn không có ai nhắc nhở thì bê tha, như vậy rất là trẻ con. Mình là người thật tu, khôn lớn cả rồi, dù có được nhắc nhở thường xuyên hay không, bổn phận mình đều phải gắng tu. Vì vậy, trong thời gian Thầy đi khỏi khoảng hai ba tháng, ở nhà tụi con mỗi đứa đều cố gắng chăm chỉ tu hành, không bê tha, cũng không bao giờ khởi niệm lăng xăng làm rộn cho mình, rối cho người.

Nếu tụi con nghĩ Thầy đi vắng không ai nhắc nhở, xách gói đi đông đi tây, đó là một suy nghĩ sai lầm. Không có chỗ nào an ổn hơn nơi mình đang tu, được cùng huynh đệ vui hòa, cùng dìu dắt nhau tiến lên, đó là một môi trường rất tốt. Nếu không có người nhắc nhở làm loạn lên là không tốt.

Trong thời gian Thầy đi khỏi, Ni sư Quản chúng chịu trách nhiệm thỉnh nguyện trong chúng, mỗi tháng hai kỳ, còn những giờ rảnh mở băng nghe những lời nhắc nhở của Thầy, ôn tới ôn lui cho thâm nhập. Dù có mặt Thầy hay không có mặt, tụi con tu hành cũng bình thường, không có gì làm mình xao lãng.

Tất cả tụi con đã quyết chí tu, tự nhiên trên đường tu mỗi ngày sẽ mỗi tiến, dù không được nhiều nhưng cũng được một hai bước. Như vậy, trên con đường xa nếu có bước tiến, dù nhiều hay ít, một ngày nào đó sẽ gần không còn xa nữa. Nếu tụi con có duyên thù thắng thì đến đích sớm, duyên chậm thì đến sau mọi người, nhưng cũng sẽ đến. Vì vậy tụi con tu đừng nản lòng, cũng đừng chờ ngộ. Nghe Thầy nói phải “À”, phải cười, rồi cứ ngồi mong sao cho mình ngộ, mong đó cũng là bệnh. Đừng mong ngộ, chỉ nơi mình không có vọng tưởng thì ngày kia sẽ gần. Nếu mong ngộ, mà vọng tưởng cứ cuồn cuộn lên thì dù mong cũng không bao giờ có kết quả.

Cũng như nước đục muốn lóng trong, tụi con để chút phèn vào quậy, khi quậy cứ nhìn trông cho nó lặng, có lợi gì không? Hay là quậy rồi để yên một lúc tự nó lắng cặn xuống, nước trong veo? Thời gian đủ là nước trong. Nếu ngồi chờ đợi mà thời gian chưa đủ nước cũng không trong. Chỉ có khôn ngoan khi quậy rồi rút tay ra đừng quậy nữa, nước mới yên, yên rồi mới trong được. Nước chưa yên mà quậy hoài làm sao trong?

Bởi vậy, người tu nên hiểu, đối với con đường giác ngộ mình phải tiến tới nhưng đừng trông mong. Phật dạy vọng tưởng là thứ che đậy làm cho tâm thể thanh tịnh không hiện, mình phải buông xả nó. Nó yên lặng thì thể thanh tịnh tự sáng, khỏi trông chờ. Việc nên làm mình phải cố gắng làm, kết quả đủ duyên tự đến, đừng trông mong vô ích. Đó là điều Thầy nhắc nhở, tụi con cố gắng tinh tấn tu hành!

Ngày 28-4 Giáp Tuất (7-6-1994)

Hôm rồi có mấy Xơ bên Công giáo lên đây thăm, xin Thầy cho vô xem giờ ngồi thiền của chúng. Khi về, họ xin phép Thầy cho lên tập sự một hoặc hai tuần, Thầy có hứa sau Tết sẽ cho. Vậy có mấy điều tụi con phải nhớ:

Điều thứ nhất: Tụi con phải cẩn thận về hành động của mình, làm việc nhẹ nhàng êm ái, đừng thô tháo. Ngày trước có đạo hữu Ba nói về âm nhạc. Anh nói, một số nghệ sĩ vào chùa, nghe quí thầy quí cô đánh tiếng chuông, họ có thể đoán là người tu lâu hay mới tu. Người tu lâu tâm hồn an tịnh, đánh tiếng chuông ngân nghe thanh thoát, còn người mới tu thô tháo, đánh nghe chát chúa khó chịu. Bởi vậy, hành động thô tháo của mình làm người ta đánh giá mình không hay.

Giờ thiền, tụi con phải ngồi đủ hai tiếng. Trong Thanh qui Thầy để hai giờ, nếu tụi con ngồi chừng tiếng rưỡi xả tức là nói được mà không hành được, đó là thiếu sót lớn.

Điều thứ hai: Về ngôn ngữ tụi con phải dè dặt, ăn nói đàng hoàng, đừng phát ngôn bừa bãi. Người khác nhìn vào, nghe những lời mình nói, họ đánh giá sự tu hành và tổ chức của mình không tốt. Bên Công giáo, người ta nói năng cư xử rất lễ độ, không có tánh cách ngang ngạnh. Trong đạo của mình, sự giáo dục cũng còn thiếu sót, nhiều khi nói chuyện với nhau thiếu lễ độ. Tụi con nên tập có lễ phép. Khi người ta nhìn thấy cử chỉ, hành động, cách cư xử của mình, người ta biết đây là tổ chức có qui củ, nề nếp đàng hoàng, tu hành chân chánh. Còn nếu không khéo, người ta đến học với mình mà lại chê cười thì không tốt.

Hồi xưa Thầy đi họp ở Vũng Tàu, trong buổi họp có chư Tăng Ni và những vị Linh mục. Chư Tăng Ni rất đông, nhưng khi phát biểu ý kiến không có đường hướng, lý luận không chặt chẽ. Còn khi Linh mục hay Ma xơ đứng dậy phát biểu, ý kiến rất vững vàng, khôn khéo. Vậy mới thấy, Phật giáo mình thiếu sự giáo dục cẩn thận, chín chắn từ lúc mới vào đạo, nên có những điều hời hợt lôi thôi, dễ bị người ta coi thường.

Điều thứ ba: Về ý, tụi con phải luôn an hòa, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ huynh đệ. Đừng bao giờ có ý ganh tị, hiềm hận hay bực bội với ai. Chúng ta phải tập sao cho thân khẩu ý thể hiện được đạo đức chân thật. Nói đạo mà ba nghiệp dở thì không giáo hóa được ai.

Bây giờ các tôn giáo bạn muốn tới học tập với mình, tụi con nghĩ do ảnh hưởng điều gì? Không phải vì tụi con tu hay họ đến học tập, mà vì người ta thấy Thiền tông có cái hay. Các nước phương Tây cũng sang Trung Quốc và Nhật Bản học Thiền. Bây giờ ở Việt Nam, mình tu theo Thiền tông, họ nghĩ gần, dễ tới học hơn, nên xin vào tập tu. Đó là vì họ quí Thiền tông, một đường lối tu không kỳ thị tôn giáo, lại có hướng cao siêu thoát tục.

Mấy năm nay sách thiền Thầy ra nhiều, họ cũng có đọc và tin tưởng, nên xin tới học, hi vọng sẽ lượm lặt được vài điều hay. Người ta cũng nhìn mình với con mắt có cảm tình, mong mỏi mình có bước tiến tốt để họ nương theo. Như vậy, trách nhiệm tụi con không phải nhỏ, vì các Xơ học với Thầy ít mà học với tụi con nhiều, vô ra, ăn uống… đều chạm mặt với tụi con, nên phải dè dặt giữ gìn từng lời nói và hành động. Nói lời nào ra lời ấy, đừng ăn nói lôi thôi. Phải luôn vui tươi, nói cười nhẹ nhàng, cẩn thận.

Bên Tăng có một Linh mục ở Sài Gòn xin tập tu, Thầy hứa qua Tết cho lên. Như vậy, hai bên Tăng, Ni đều có người đến học tập. Họ học tu với mình nên phải rất cẩn thận. Trách nhiệm tụi con lớn lắm, không phải nhỏ, do đó tất cả phải dè dặt.

Kế đó nữa, Thầy nhắc thêm, tụi con đừng phản bội mình. Khi đi xuất gia, có ai nghĩ vào chùa lâu lâu rồi trở chứng này nọ không? hay là mình quyết tu sau này thành người lương đống của Phật pháp, tiến tới giải thoát để cứu độ mọi người? Xuất gia là quyết tâm tu thoát ly sanh tử, nhất là những người còn trẻ, dám bỏ hết niềm vui và sự nghiệp thế gian để vào đạo là cả một hi sinh lớn lao. Đã quyết bỏ cái tầm thường để cầu điều siêu xuất mà tu một thời gian lại trở chứng này nọ, như vậy có phản bội sở nguyện ban đầu hay không? Đó là điều thứ nhất, đừng phản bội chí nguyện ban đầu của mình.

Thứ hai, đừng phản bội người chịu trách nhiệm lo lắng hướng dẫn mình. Người chịu trách nhiệm hướng dẫn bao giờ cũng trông đợi tụi con tu trở thành người hay, người tốt, có kết quả đàng hoàng. Lên đây tu mới có hơn hai tháng, mà có người “la lên” được rồi. Tụi con phải cố gắng không được chần chờ, phải nỗ lực chuyên tu. Đã chuyên tu thì mọi việc xảy ra chung quanh, hay dở, tốt xấu coi như trò chơi, không quan trọng, nên dồn hết tâm lực vào sự tu. Tu được là tụi con đi đúng, thực hiện đúng theo người hướng dẫn. Nếu tụi con tu không được, để mất thời giờ vô ích, là tụi con đã phản bội lại công người lo lắng rồi.

Thứ ba, đừng phản bội cha mẹ. Khi tụi con đi tu, ai cũng hứa hẹn: “Con sẽ ráng tu sau độ ba má.” Người nào cha mẹ mất rồi cũng thầm hứa nỗ lực tu để cầu cho song thân được siêu thăng, hay là hứa với anh chị, tu để đem lợi ích cho nhiều người. Như vậy, ở gia đình, cha mẹ anh em đều trông chờ tụi con tu có kết quả tốt, chớ không ai trông chờ con cháu mình mai mốt xách gói về để tóc ra đời, có ai trông chờ điều đó không? Cha mẹ thân quyến luôn trông chờ con em mình tu được kết quả, để mình nhờ lây công đức đó.

Những người không biết đạo, thấy con em đi tu thì bực bội, cho rằng ích kỷ, tiêu cực… Vậy khi tụi con tu có kết quả chính là câu trả lời thực tiễn, cho họ thấy mình đã làm lợi ích cho bao nhiêu người. Nếu không cố gắng tu, tụi con đã phản bội sự trông chờ của cha mẹ anh em phải không? Hồi trước ở nhà, mình đã chê thế gian phàm tục không đáng, rồi vào đạo cũng lẩn quẩn chạy theo phàm tục thế gian. Như vậy mình chỉ là người nói suông, chớ không làm đúng theo sở nguyện, mong ước của mình, đáng tiếc cho một đời tu!

Tụi con nhớ gìn giữ, để không trở thành người phản bội mình, phản bội Thầy Tổ, phản bội cha mẹ, anh em. Tất cả tụi con phải khéo nhớ và gìn giữ đừng để sai chạy, sai chạy là thiếu sót lớn. Đó là lời Thầy nhắc nhở, tất cả cố gắng.