Phụng Hoàng Cảnh Sách Tập
Hòa Thượng Thích Thanh Từ

 

TẬP V

Thỉnh Nguyện Tăng

Ngày 27-8 Bính Tý (9-10-1996)

Hôm nay tôi không nói chuyện xa xôi mà muốn rà soát lại trong chúng coi có thực hành bản Thanh qui không. Bây giờ hỏi toàn chúng, trừ Tri khố với Thủ bổn ra, có ai giữ tiền không? Nếu có đưa tay coi! Như vậy là không ai giữ tiền, thế mà tôi được nghe có người gửi cho mấy vị đi chợ mua món này món kia. Tôi không hiểu cái đó ở đâu ra. Đó là điều không hay.

Tôi giải thích cho quí vị hiểu vì sao trong Thanh qui có điều lệ này. Lâu nay tôi thường trách ở chùa thường xảy ra những việc bất công, ai có thân nhân, thí chủ tặng biếu tiền bạc hoặc đồ vật gì cũng được giữ xài riêng. Có người thân nhân hoặc thí chủ khá giả nên gửi cho nhiều thành ra dư. Có người thân nhân nghèo lại không có thí chủ nên sống một cách đạm bạc thiếu thốn. Đôi khi những người thiếu thốn nhìn thấy huynh đệ có tiền bạc dư dả liền để ý, khi nào huynh đệ sơ hở, để quên thì khởi lòng tham muốn lấy. Do đó xảy ra chuyện trộm cắp ở chùa. Đây là điều đáng ra không nên có, mà vẫn có, xuất phát từ sự bất công đó. Cùng sống trong chúng là những người đồng đạo, đồng tu mà kẻ dư, người thiếu thì dễ nảy sanh sự bất bình, rồi đi đến chuyện tham lam không tốt.

Qua kinh nghiệm đó, tôi cố gắng thực hiện cho được phép lục hoà. Trong Thanh qui có nói tất cả tài sản trong Thiền viện là của chung, không ai được quyền giữ phần nhiều hơn hoặc giữ riêng cho mình, đó là nói tổng quát. Trong giới thứ mười của Sa-di cũng có ghi là không được giữ tiền bạc. Vì vậy tôi muốn toàn chúng ở đây ai cũng là người giữ giới thanh tịnh, tối thiểu là mười giới. Đồng thời ai cũng là người sống hoà đồng với toàn chúng, không có sự hơn kém. Có vậy nếp sống đạo mới được tốt đẹp.

Khi chúng ta chủ trương lục hoà mà có người giữ chút ít của riêng là phạm giới. Lại còn gửi mua cái này cái kia ăn riêng là tội mích chúng, không hoà. Như vậy không tốt. Nếu một người làm được, những người khác cũng bắt chước theo. Vô tình mấy chú phá hủy những gì tôi chủ trương, phá hủy những gì tốt đẹp của Thiền viện. Trong khi tôi tán thán chúng ở đây sống lục hoà, giữ giới luật thanh tịnh, lại có một hai người không nhớ, không giữ, vậy là làm hư cả chúng. Điều đó mới thấy dường như nhỏ, nhưng thật ra rất hệ trọng, làm mất nề nếp nghiêm chỉnh của mình, rồi cũng giống như các nơi không hơn không kém.

Vậy nên có ai lỡ giữ tiền hãy đem nộp cho Thủ bổn, vì Thủ bổn là người giữ của chung. Giữ cho Tam Bảo thì không phạm giới, còn giữ riêng cá nhân xài là phạm giới. Mong rằng tất cả chúng hiểu được chủ trương, đường lối của Thiền viện mà xử sự cho đúng, đừng sai chạy. Nhiều khi quí vị gửi những người đi chợ, nếu họ không nhận sợ quí vị buồn, còn nhận thì họ áy náy. Cho nên ngang đây tôi tuyên bố hẳn: Nếu ai gửi tiền mua đồ riêng thì người gửi bị tội mười, còn người nhận bị tội năm, đó là tội đồng lõa.

Vậy để cho tốt đẹp, mỗi người nên cố gắng một chút, sao cho toàn chúng được thanh tịnh. Đừng vì một hai lý do nhỏ làm hư tập thể của mình. Không phải giữ giới không có tài sản riêng là được giải thoát, nhưng nhờ giữ giới đó khiến tâm mình an tịnh. Thí dụ: Có tiền liền muốn mua cái này sắm cái nọ, phải nghĩ ngợi, tính toán; còn nếu trong tay không có đồng xu thì có nghĩ gì đâu, cho gì ăn nấy, cần gì cứ đến Phó quản chúng hoặc Tri sự xin.

Tôi đã nói trước với toàn chúng rằng khi tôi còn sống đây, phần lo cho chúng, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn không để cho quí vị thiếu. Và quí vị cũng đừng vì quyền lợi cá nhân mà giữ riêng không tốt. Dù ai tặng cho một hai trăm ngàn cũng đem giao Thủ bổn, để nói lên tâm hồn cao thượng của mình, không tham ái tiền bạc. Nếu không thì từ tham ái tiền bạc sẽ sanh ra nhiều cái tham khác.

Đừng nghĩ cái gì của thân nhân cho mình cứ giữ riêng, không đúng. Nếu thân nhân hay thí chủ phát tâm cúng vài chục ngàn, mình nên cho họ biết luật của Thiền viện là không được giữ riêng, nếu phát tâm nên cúng chung toàn chúng, đừng cúng riêng. Người ta nghe sẽ hiểu, từ đó họ có tâm rộng rãi hơn, không thiên về một người.

Một điều khổ tâm trong nhà đạo là thí chủ hay Phật tử khi thấy ông thầy nào sáng sủa dễ thương là cứ nhét cho, gửi cho, cúng riêng. Thấy ông thầy nào hơi đen đúa, nói năng khô khan thì không thương, cũng không cho gì hết. Từ tâm phân biệt riêng tư như vậy, lần lần khiến cho trong đạo nảy sanh những cái dở.

Bởi vậy, chúng ta phải làm sao tập cho người Phật tử có cái nhìn bình đẳng. Trong chùa cùng tu cùng học với nhau thì công đức ngang nhau. Muốn giúp nên giúp chung, không muốn giúp thì thôi, đừng có tâm phân biệt vì cá nhân. Tâm niệm bình đẳng đó khiến cho Phật tử nhìn người trong đạo với cái nhìn đẹp. Nếu mạnh ai nấy nhận rồi xài riêng sẽ tạo sự sai biệt trong chúng, từ đó dễ sanh ra những chuyện bất hoà.

Tôi mong rằng trong toàn chúng, ai đó có giữ tiền riêng đem ra giao cho Thủ bổn, cúng hết vô của chung, khi nào bệnh, hoặc có duyên sự đi đâu thì Thủ bổn xuất tiền. Ăn mặc đã có đủ, còn cái gì phải lo, phải bận tâm? Ở đây ai bệnh, thuốc men dầu mắc hay rẻ, Thủ bổn cũng phải xuất. Phải chi Thủ bổn giới hạn, chỉ xuất tiền từ bốn năm trăm ngàn trở xuống, không được vượt quá, rồi quí vị lo sợ bệnh nhiều, không đủ điều kiện chữa chạy nên phải giữ riêng. Ở đây không như vậy, Thiền viện bao thầu tất cả. Những khó khăn của quí vị Thiền viện đều chịu trách nhiệm bảo bọc hoàn toàn, thì có lý do gì mà giữ riêng?

Giữ riêng là điều không tốt, làm hư mình, hư người khác nữa. Tôi mong toàn chúng phải có cái nhìn sáng suốt và bình đẳng, đừng nhìn thiên vị không hay. Đó là lời tôi nhắc nhở hôm nay, mong toàn chúng nhớ để cố gắng thực hiện.

Ngày 13-11 Bính Tý (22-12-1996)

Qua một tháng rưỡi tôi vắng mặt, quí vị có ít nhiều sai sót, điều đó cũng đáng buồn. Lý đáng không nên có những cái dở đó, mà thỉnh thoảng cũng có, đây là điều không hay.

Bây giờ tôi nhắc nhở thêm trong chúng để nhớ tiến tu. Tôi muốn nói đến đức hỉ xả của người tu. Tất cả chúng ta tu theo Phật, bốn chữ từ, bi, hỉ, xả là bốn hạnh mà người tu không bao giờ được thiếu. Tôi chắc rằng hạnh từ bi quí vị ai cũng có, nếu không có thì không thể nào đi tu được. Còn đức hỉ xả tôi thấy quí vị còn lơ là, chưa thực hiện được.

Tại sao phải nói hỉ xả? – Vì tất cả chúng ta ai cũng có những thói quen, tập khí cũ. Bởi vậy khi sống chung trong một tập thể đông người không làm sao tránh khỏi va chạm, từ ý kiến đến hành động đều không giống nhau nên dễ sanh bực bội, chống đối. Nếu có bực bội, chống đối là gốc của phiền não, của tham sân si chớ không phải gốc đạo đức. Bởi vậy Phật dạy chúng ta tu là phải tập đức hỉ xả. Dù gặp điều gì quá lắm đi nữa mình cũng vui vẻ bỏ qua. Có người xúc phạm đến danh dự, quyền lợi, xúc phạm đến bản ngã cá nhân, mình cũng phải khéo bỏ qua, bỏ một cách vui vẻ chớ không phải gượng ép.

Chúng ta nên nhớ mình đã là người tu, khi bị xúc phạm là cơ hội thử thách để coi mình còn phiền não nhiều ít. Cho nên gặp những trường hợp đó, mình cứ nghĩ đây là dịp tốt để vươn lên, do đó vui vẻ dẹp bỏ tự ái, bản ngã để tiến tu, đó là khéo tu. Vậy là mình đã vượt lên một lần phiền não. Còn nếu không khéo có cái gì xảy ra liền bực bội, nhiều khi không nói ra lời nhưng cứ ấp ủ trong lòng, như vậy cũng chưa có hỉ xả. Tôi khuyên tất cả quí vị, khi gặp những điều trở ngại, ý kiến bất đồng, nên giải quyết qua rồi bỏ, sau đó vui vẻ chớ không nên ôm ấp bực bội. Nếu không nó sẽ làm chướng cho sự tu, không có lợi gì hết mà còn có hại.

Đối với người tu, đức hỉ xả thật là thiết yếu, giúp mình vượt qua tất cả những chướng ngại trên đường tu. Bất cứ tập thể nào cũng có sự va chạm, chống trái nhau, hoặc lớn hoặc nhỏ, vì trên đời không ai giống ai cả, nhưng mình nên xem đó là cơ hội tốt để thấy được mình rõ hơn. Nếu sống ở nơi mọi người đều tâng bốc, quí kính mình thì không bao giờ tập đức hỉ xả, tu hạnh nhẫn nhục được. Vì vậy trong chúng, nếu thấy có những điều huynh đệ làm trái ý nên xem đó là việc rất thường, là cơ hội tốt để nhìn lại coi mình có còn sân si, bực bội hay không. Nếu còn, đó là đạo đức mình chưa sâu, chưa cao. Đừng thấy còn hờn giận là hay, nghĩ như vậy là không biết tu, không biết tiến trên đường đạo.

Cho nên tất cả người tu chúng ta đều phải khéo xoay lại mình khi có việc đụng chạm với nhau. Có những chuyện có thể thành tóe lửa, nhưng nếu chúng ta biết vui vẻ, xả bỏ, không có một ý niệm hờn trách, thì đó là một bước tiến đáng kể của mình. Đừng nên cố chấp, cố chấp là trái đạo lý.

Ngày nay chúng ta sống trong chúng, ai cũng giữ luật giữ giới như nhau mà còn có những va chạm, huống nữa mai kia ra làm Phật sự, đâu phải việc gì cũng toại nguyện như ý hết. Chúng ta sẽ gặp những khó khăn, nếu không khéo hỉ xả, không bỏ qua được tất sẽ bực bội rồi sanh phiền muộn, làm sao vuông tròn Phật sự được?

Cho nên có lần tôi nói với đại chúng: Tôi không thích chúng nhập thất miên viễn, bởi vì ở trong thất lâu, tự thấy mình thanh tịnh rồi hài lòng với sự thanh tịnh đó. Đến khi ra thất, gặp những điều trái ý dễ sanh bực bội, thành ra vẫn còn bị kẹt, không có lợi gì. Lâu lâu mỗi người được nhập thất một thời gian rồi ra sống với chúng, với huynh đệ để thử coi sự tu, đạo lực của mình có vượt qua các trở ngại hay không. Nếu vượt qua được mới tin rằng đạo đức của mình khá, có tiến.

Vừa rồi đi nước ngoài, tôi cho Phật tử tham vấn, có người hỏi rằng:

– Thưa Thầy, có nhiều vị nói rằng mình tu chứng cái này, đắc cái kia. Vậy lấy gì làm thước đo để tin được người đó thực tu thực chứng?

Tôi trả lời:

– Phật dạy có cây thước tám gió: lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Chừng nào tám gió thổi không động thì người đó là thứ thật, còn nếu mới một gió mà nổi sân si lên, đó là giả hiệu.

Quí vị lấy cây thước đó đo coi mình giả hiệu hay thứ thật, nếu còn bị các thứ gió làm quay cuồng, tức chưa phải thứ thật.

Đôi khi giới tu sĩ chúng ta có người hay khoe đắc cái này, chứng cái nọ mà khi gặp việc bệnh nào tật nấy y nguyên. Do đó Phật bảo phải lấy tám gió làm cây thước đo. Nếu chúng ta thật là người đạt đạo thì tám gió đến không lay chuyển nổi, còn chúng ta tu chưa tới đâu, chỉ một gió đã bay rồi. Đó là lẽ thật. Cho nên trong chúng quí vị đừng ngỡ rằng giờ phút này tâm mình thanh tịnh là sẽ thanh tịnh hoài. Không phải vậy đâu! Khi nào đối diện với bát phong mà không lay động mới là thanh tịnh thật!

Sống yên trong chúng thì thuận nhiều, nghịch ít. Còn khi ra đương đầu với bên ngoài, không phải mình nói đâu mọi người nghe đó, có khi họ tán thành, có lúc họ chống đối. Làm sao khi họ thuận nghe mình hoan hỉ, lúc chống lại mình cũng hoan hỉ, không bực bội gì thì làm Phật sự mới vuông tròn được.

Thật ra đời tôi những khi đi làm Phật sự đâu được suôn sẻ như Tăng Ni, Phật tử tưởng, không phải tới đâu người ta cũng tán thán, công kênh mình, có những trường hợp họ cũng chống đối. Mình không thắng được các gió thì Phật sự không bao giờ vuông tròn.

Chúng ta là người chịu trách nhiệm, vừa phải cố gắng tu cho đạt đạo, vừa đem chánh pháp truyền bá cho mọi người. Vì trọng trách đó nên phải tập rèn cho đủ những đức tánh tốt, nhất là đức hỉ xả, để vui trong những chướng ngại, buông hết không bận lòng. Được vậy, việc tu và Phật sự của mình mới có kết quả. Nếu còn ôm ấp phiền não thì tu không được, làm Phật sự cũng không thể thành tựu. Bởi vậy tôi muốn ai cũng có trách nhiệm khi được giao việc này việc kia, đồng thời để ý tự xét coi tâm mình đã an ổn chưa hay còn có gì gút mắc, để cố gắng cởi mở, đừng cho kẹt nữa.

Quí vị đừng nghĩ rằng ở trong chúng cực quá, kiếm cái thất riêng ở tu, nghĩ vậy là hết sức sai lầm. Có một cái thất riêng thì dễ rồi, nhưng còn bao nhiêu thứ chuyện phức tạp khác. Như mình nhập thất mà người hộ thất đến trễ cũng thấy hơi buồn, ở trong thất nghe bên ngoài có gì lao xao, lộn xộn cũng lắng nghe, gặp hộ thất liền hỏi. Điều đó chứng tỏ mình chưa an ổn, còn mắc kẹt bên ngoài.

Bởi vậy phải làm sao trong lúc tu giữa huynh đệ với nhau, chúng ta vẫn mừng là mình rất có diễm phúc được sống trong một tập thể tốt lành như thế này. Đồng thời mình cũng hân hoan rằng trên đường tu có thầy có bạn, khi sai sót có người nhắc nhở. Nếu ở trong thất một mình, có sai sót ai biết, ai nhắc nhở? Rốt cuộc mười năm, hai mươi năm trong thất ra rồi những thói thế tục cũng chưa dẹp bỏ được. Nhiều người hiểu lầm, cứ tưởng vô thất là tu hay, không ngờ đôi khi có lợi, đôi khi không. Nhất là nếu ở trong thất lâu, tu có cái gì lạ lạ, mình không biết dè dặt thận trọng, đem khoe nói tùm lum khiến cho tổn đức, rồi sanh ra những thương tổn khác không lường được.

Cho nên ở đây tôi hết sức dè dặt. Trong chúng mỗi khi có gì tiến bộ, tôi mừng, vui rằng trên con đường làm Phật sự hướng dẫn Tăng Ni tu hành được một chút tiến bộ. Nhưng tôi vui trong dè dặt, không bao giờ dám khoe với ai, chỉ thỉnh thoảng nói chút ít để người ta vững lòng tin đối với sự tu hành của Tăng Ni ở đây. Tuy nhiên, tôi không bao giờ đề cao một cá nhân nào, chỉ thầm lặng để cho tất cả yên tu. Nhờ đó mà đức hạnh Tăng Ni càng ngày càng sáng hơn, đầy đủ hơn.

Trong một tập thể, nếu tất cả huynh đệ đều có chí hướng quyết tu là điều đáng mừng. Chúng ta sống bên thầy bên bạn, khi làm gì sai trái liền có người nhắc nhở, chỉ bảo, do đó đời tu của mình càng ngày càng vững vàng, cứng cỏi hơn. Đây là điều hết sức thiết yếu. Đừng lầm lẫn cho rằng mình ở thất riêng tu hay được một trăm phần, còn ở chúng thì thua sút. Đừng nghĩ như vậy, không đúng lẽ thật. Tôi đã thấy nhiều người nhập thất năm năm, mười năm rồi ù lì, trì trệ không được gì, nhiều khi còn có những cái chướng làm trở ngại lớn lao cho đường tu nữa.

Bởi vậy trong chúng mỗi người phải ý thức rằng, chúng ta sống trong tập thể nên hỉ xả, mở lòng rộng rãi, bao dung với nhau. Huynh đệ người ý kiến này người ý kiến nọ, điều hay thì dùng, việc dở bỏ qua, không hờn giận trách móc gì nhau. Ai cũng có quyền góp ý kiến, nhưng cái gì hay mình làm, dở thì thôi. Đừng thấy có ý kiến trái mình rồi sanh bực bội là không tốt. Đó là tâm chưa được bao dung rộng rãi.

Thật ra khi tôi làm Phật sự có cả năm trăm, bảy trăm Tăng Ni ở dưới, nếu tôi có tâm bực bội như vậy thì sẽ phiền não suốt ngày, không bao giờ yên được. Người ta ai cũng có bệnh riêng, nếu họ khéo biết hoặc mình nhắc cho sửa sẽ trở nên tốt. Không nên vì một, hai tật xấu của họ mà bực bội.

Nhưng ở đây, chú nào xin đi tôi không có một lời khuyên ngăn giữ lại. Như vậy có thiếu lòng từ bi hay không? Thật ra, tôi nghĩ tôi đã làm hết sức mình, đã tròn trách nhiệm của tôi, cố gắng bảo bọc mà họ không cảm thấy ưng ý, bằng lòng ở đây thì thôi. Nếu cố giữ chỉ làm họ thêm phiền não, không có lợi, lại khiến họ đâm ra cao mạn, tưởng rằng mình quan trọng. Bởi vậy, nếu ai muốn đi, tôi sẵn sàng cho chớ không khuyên ở lại. Không bao giờ tôi bắt buộc một người nào ở lại để làm việc gì riêng cho cá nhân tôi.

Toàn chúng phải hiểu được ý nghĩa đi tu là hi sinh cả một cuộc đời để làm điều cao thượng, quí báu chớ không phải làm chuyện tầm thường. Muốn đời mình trở thành cao thượng, quí báu thì phải ráng tập có tâm bao dung, rộng rãi, hỉ xả, bỏ qua hết những lỗi lầm của huynh đệ để lòng mình rỗng rang trong sáng. Nếu còn cố chấp, tâm mình sẽ trở thành hẹp hòi, thiếu độ lượng. Ở trong chúng chỉ bốn mươi, năm mươi người mà mình không kham chịu nổi, khi ra đương đầu với cả muôn, ức người làm sao an nhẫn được? Cho nên phải ráng! Khéo biết xả bỏ những phiền não đang chất chứa trong lòng, sống vui hoà hợp với nhau để cùng tu hành, cùng lo Phật sự, đó là người quyết chí tu. Ngược lại, nếu ôm ấp những điều riêng tư, hờn giận nhau rồi làm trở ngại đường tu, mai mốt lui sụt thì phí cả một đời mà kết quả không đến đâu.

Vậy hôm nay nhân ngày thỉnh nguyện, tôi nhắc toàn chúng từ lớn đến nhỏ tập sống với tâm rộng rãi, bao dung. Không nên vì một vài hành động nhỏ nhặt của huynh đệ mà đâm ra chán nản, bực bội, thối thất. Phải luôn tha thứ, hỉ xả cho nhau để cuộc sống được hoà vui, tu hành càng tiến, như vậy mới xứng đáng mang trọng trách tự giác, giác tha. Nếu không được như vậy sẽ uổng phí cả một đời tu cao quí của mình. Đó là lời nhắc nhở của tôi.

Ngày 13-12 Bính Tý (21-1-1997)

Phần thỉnh nguyện đã xong, tôi có ít lời nhắc nhở chư Tăng tinh tấn tu hành.

Vừa rồi có Phật tử hỏi tôi:

– Thưa Thầy, người tu theo Thiền tông có nhân duyên gì để khởi tâm từ bi?

Tôi trả lời rằng:

– Người tu theo Thiền tông khi có tỉnh, có giác rồi tự nhiên khởi tâm từ bi. Bởi vì trong nhà Phật luôn luôn dạy người xuất gia chúng ta phải là người chèo thuyền Bát-nhã để cứu vớt chúng sanh đương chìm đắm trong biển mê, đưa họ lên bờ giác ngộ. Đó là trọng trách của người tu. Khi chúng ta tu có được những lợi ích, những phút tỉnh giác, mới thấy sự quí báu, cao siêu của đạo. Khi ấy không cần khởi niệm từ bi mà tự nhiên chúng ta vẫn thương những người đang sống trong mê lầm.

Tôi ví dụ như chúng ta ngồi chơi, người bạn bên cạnh đang ngủ mê thấy mộng dữ la khóc, lúc đó chúng ta làm sao cứu họ? Chỉ cần lay gọi cho họ tỉnh, khi thức rồi thì mộng dữ tan mất. Cũng vậy, chúng sanh đang mê lầm đắm chìm trong biển khổ, trăm ngàn muôn ức điều khổ dồn dập, người nào cũng than thở đau khổ, trong khi chúng ta tỉnh giác rồi làm sao nỡ để họ mặc tình chịu khổ đau! Cho nên lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng lao mình vào cảnh khổ để đánh thức, lôi họ dậy đừng mê lầm nữa.

Như vậy mê là nhân của đau khổ. Cho nên người tu thiền hay tu theo đạo Phật chỉ cốt được giác, giác mới hết khổ. Không phải tu để được một chút bình yên hay vui vẻ trong cuộc sống rồi cho đó là đủ, mà tu cho tới giác ngộ. Nếu chưa giác ngộ cao siêu thì ít ra cũng giác ngộ từng phần. Nhờ đó mình nhìn lại mới thấy chúng sanh là đáng thương.

Thí dụ chúng ta ngồi thiền, một niệm dấy lên liền biết nó hư dối nên gọi là vọng tưởng, không theo, đó là tỉnh, là giác. Bởi vì từ ngàn xưa đến nay chúng ta cứ tưởng niệm khởi là mình nghĩ, mình tính nên chạy theo, chấp nó là mình, tạo nghiệp rồi thọ khổ, đó là mê. Ngày nay biết tu, thấy rõ các niệm chỉ là bóng dáng duyên theo trần cảnh mà dấy khởi, không phải tự có. Thấy rõ như vậy, biết nó là ảo ảnh hư dối, mình không theo, tức không bị lầm mê. Thấy biết được vọng tưởng là tỉnh, là giác. Tuy chưa tỉnh giác trọn vẹn nhưng vẫn luôn luôn đi theo đường tỉnh giác không lạc đường mê.

Như vậy chúng ta tu thiền cốt làm sao tới phút giây nào đó những mê lầm vọng tưởng không còn quấy nhiễu nữa, trí tuệ trong sáng hiện tiền, đó là giác. Tuy giác chưa tròn nhưng vẫn được một đôi phần. Từ đó chúng ta mới thương những người đang sống mê trong cuộc đời tạm bợ này, họ đã gây không biết bao thứ nghiệp là nhân của khổ đau. Do đó chúng ta mới đem hết các phương tiện để cứu vớt họ.

Cho nên chư Tổ thường nói, người tu là kẻ đưa đò. Chèo thuyền Bát-nhã cứu vớt người trong biển mê đưa lên bờ giác, đó là hình ảnh cụ thể nói lên sứ mạng của chúng ta. Như vậy trọng tâm của người tu không gì ngoài giác ngộ. Tất cả đau khổ của chúng sanh đều bắt nguồn từ cái mê. Trong kinh có một đoạn Phật dạy: Người bị thiêu đốt trong địa ngục chưa phải khổ, bị làm ngạ quỉ đói khát chưa là khổ, bị làm trâu bò kéo cày kéo bừa nặng nề, người ta đánh đập cũng chưa phải là khổ, chỉ có kẻ si mê không biết lối đi, đó mới là khổ.

Như vậy, cái khổ Phật nói không phải ở địa ngục, làm ngạ quỉ hay súc sanh. Chính si mê mới là nguồn gốc của đau khổ. Nếu còn si mê thì lục đạo luân hồi hay ba đường ác chực sẵn, chúng ta ra vào liên miên không dừng, không dứt. Đó là nỗi khổ triền miên muôn kiếp. Vì khổ đọa địa ngục, làm ngạ quỉ còn có ngày hết, còn si mê thì trầm luân mãi mãi. Bởi vậy trong mười hai nhân duyên, đức Phật chỉ rõ cái nhân đầu đi trong sanh tử là vô minh, si mê, mờ tối, không biết lẽ thật. Từ vô minh mới có hành v.v…, cứ vậy mà vòng quanh luân chuyển không cùng không tận.

Bây giờ muốn thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử đó chúng ta phải dừng lại. Muốn dừng phải dùng giác, giác mới phá được vô minh. Nếu không giác thì vô minh không bao giờ phá được. Như vậy trọng tâm của đạo Phật lấy giác ngộ làm cứu kính chớ không phải cái gì khác. Giác ngộ rồi mới thương tất cả chúng sanh, đó là từ bi, như tôi dẫn ở trước.

Ngày xưa đức Phật đi tìm đạo, Ngài chỉ chuyên tâm gắng sức tu cho được giác ngộ. Giác ngộ rồi Ngài mới đem chánh pháp dìu dắt người gần kẻ xa, ngót bốn mươi chín năm tiếp tục rộng truyền con đường giác ngộ đó, không có việc gì khác. Như vậy lòng từ bi của Phật phát triển mạnh mẽ sau khi Phật đã giác ngộ rồi, từ đó Ngài mới sẵn sàng hi sinh đời mình để truyền bá chánh pháp, truyền bá con đường giác ngộ cho chúng sanh.

Cho nên ngày nay chúng ta tu ở đây, phải dốc lòng cố gắng đi đến chỗ tỉnh giác, không phải tu để có phước nhiều, đời sau trở lại hưởng. Nếu chúng ta tỉnh giác ít thì lòng từ bi ít, tỉnh giác nhiều lòng từ bi nhiều. Không phải mình tu tập pháp riêng để có lòng từ bi. Ở đây tôi giản trạch rõ, trọng tâm tu thiền, nhất là Thiền tông, chỗ cứu kính là giác, từ giác mới có tâm từ bi. Còn tu theo thiền của Nhị thừa hay Nguyên thủy thì dùng quán trợ duyên để thành tựu từ bi, tức là Từ bi quán. Từ bi quán là mình ngồi tu, tâm yên tịnh rồi chan rải lòng từ đến người thân như cha mẹ, anh em, rồi lần lần đến người sơ, tức là những người hàng xóm chung quanh, những người không quen biết, sau cùng rải lòng từ đến người thù của mình.

Vậy người tu thiền Nguyên thủy lấy Từ bi quán làm trợ nhân phát triển tâm từ bi, còn mình tu theo Thiền tông không dùng lối quán đó, chỉ khi nào thật ngộ, khởi niệm thương kẻ mê, rồi lo cứu giúp họ. Trong lúc tu, chúng ta không tạo duyên gì để khởi niệm từ bi hết, nhưng khi chúng ta tỉnh giác rồi thì lòng từ bi đó được thể hiện đầy đủ, thực tế.

Dùng Từ bi quán khởi niệm thương người, đem phước đức của mình chia sớt cho họ, là do tâm tưởng bủa khắp. Còn bên này khi giác rồi, thấy người mê mình thương, giúp họ một cách thực tế, tạo duyên, tạo điều kiện để đánh thức họ thật sự. Đó là hành động từ bi, không có khởi niệm, thương một cách tự nhiên chớ không phải thương do quán tưởng.

Từ đó chúng ta nghiệm xa hơn chút nữa, như hiện giờ chư Tăng, chư Ni thường nói bận rộn nhiều Phật sự. Nhưng mình đặt câu hỏi lại, Phật sự là cái gì? Các việc cúng đám, làm tuần… có phải là Phật sự không? Nếu chúng ta cho như vậy là Phật sự thì đó là điều làm giảm giá trị của đạo Phật. Vậy thời Phật không cúng đám, làm tuần… là Phật không làm Phật sự sao?

Vậy mới thấy từ ngữ “làm Phật sự” thường dùng không có bản chất thật. Vì nói tới Phật là nói tới giác, làm việc giác ngộ mới gọi là Phật sự.

Cho nên Phật dạy Tăng Ni đi giáo hoá nơi này, nơi kia để đánh thức mọi người. Người nghe biết tỉnh giác thì đó là Phật sự. Chúng ta phải hiểu cho tường tận để đừng lầm lẫn ý nghĩa Phật sự rồi hài lòng đi làm mãi những việc không đáng mà chẳng chịu lo tu, rốt cuộc đời mình không giác, làm sao giúp người giác được.

Không làm cho người giác được thì dù chúng ta làm trăm ngàn việc, có gọi là Phật sự không? Đó là điều tôi muốn nhắc cho tất cả quí vị hiểu tường tận, đường lối tu từ đức Phật cho mãi đến chúng ta đặt cái gì là chủ, cái gì là gốc. Nhờ đó chúng ta biết được rành rẽ gốc ngọn của sự tu để chỉ dạy lại người sau đúng với lẽ thật. Không nên tưởng tượng đặt cái này, cái kia rồi mê say trong những cái gọi là Phật sự, mà xét kỹ bản chất lại không phải. Bởi vì thiếu điều kiện làm cho người tỉnh giác thì không phải là Phật sự.

Cho nên chúng ta phải hiểu, muốn làm Phật sự trước hết phải tu đến chỗ tỉnh giác. Sau khi tỉnh giác rồi dùng các phương tiện để giáo hoá chúng sanh. Mình tạo duyên đánh thức cho người tỉnh giác, duyên đó gọi là Phật sự.

Thí dụ: Trong mười mục chăn trâu, đến mục thứ mười vị Thiền sư buông thõng tay vào chợ, đi đến quán rượu, phòng trà, tới những chỗ cờ bạc để làm gì? Không vì mê nhiễm các thứ đó mà tới, chỉ là để tạo cơ hội đánh thức những người đang say mê, đang tạo nghiệp trong đó, giúp họ tỉnh giác, bỏ những điều dở xấu, như vậy là làm Phật sự. Người đời có thể không hiểu, cười nói: Ông thầy đó trở chứng, ổng đi tới sòng bạc, quán rượu v.v… Đó là cái nhìn của thế gian. Nhưng với tâm giác ngộ, các ngài thấy đến bất cứ đâu mà đánh thức người ta được, giúp người ta tỉnh đều là Phật sự hết. Hiểu vậy mình mới không lấy làm lạ.

Như vậy, trên đường tu cái gốc là phải tỉnh, phải giác. Từ chỗ tỉnh giác rồi chúng ta mới tùy duyên làm những việc lợi ích cho chúng sanh, đưa họ tới tỉnh giác, đó mới là Phật sự chân thật. Nếu chúng ta chưa tỉnh giác mà nói làm Phật sự, e không phải là Phật sự. Tôi nói cho tất cả hiểu tinh thần này để sau quí vị có ra làm đừng lầm lẫn.

Cho nên tu theo Phật phải hiểu cái gốc từ đức Phật đã làm cái gì, rồi đến chư Tổ, các vị A-la-hán làm gì, để mình lấy đó làm khuôn mẫu hướng theo cho đúng ý nghĩa của đạo. Tôi mong tất cả chư Tăng hiểu được con đường mình đi thế nào, làm lợi ích cho chúng sanh ra sao, phải nắm cho vững, đừng lầm lẫn để uổng một đời tu, phí bao nhiêu công phu vô ích. Đó là lời nhắc nhở của tôi hôm nay.

 Ngày 13-1 Đinh Sửu (19-2-1997)

Hôm nay là buổi thỉnh nguyện đầu năm, trong đây toàn chúng đều không có lỗi và huynh đệ cũng không thấy lỗi để chỉ, đó là một tiến bộ đáng mừng. Nhưng tôi được biết có một khuyết điểm chung mà không ai thấy, đó là tọa thiền nhiều người ngủ gục. Tháng này nhiều người ngủ gục tôi nghĩ cũng có lý do, vì thời gian cuối năm công tác hơi nhiều nên mỗi người đều tích cực làm cho xong trước Tết, do lao động nhiều cho nên giờ tu không được nghiêm chỉnh, sáng suốt lắm. Nhưng ở đây tôi xin nhắc lại tất cả quí vị, thật ra tôi đã thấy từ lâu lao động có trở ngại cho sự tu hành, nhưng tất cả chúng ở đây là những người lớn, có nghị lực, có ý chí thì những trở ngại đó tôi tin là có thể vượt qua được. Trừ khi mình thiếu nghị lực, thiếu ý chí mới bị nó chi phối.

Nếu chúng ta tu cầm chừng, ngày qua ngày để suốt đời thành người tu thôi, điều đó mới nhìn thấy cũng tốt, giữ yên phận là người tu, không phạm những giới lớn, cũng không làm điều tà quấy, chỉ có những cái nhẹ nhẹ mình không làm chủ thôi. Đối với thế gian đó cũng là một người tu tốt, nhưng đối với trong đạo, nhất là người tu thiền thì không cho phép chúng ta như vậy.

Bởi vì người tu thiền phải lập chí quyết liệt, chết sống trong sự tu hành, không bao giờ thả trôi hay lừng chừng. Tôi thấy như trong kinh A-hàm có một đoạn đức Phật nói về Tứ niệm xứ, Ngài dạy rằng: Nếu Tỳ-kheo trong bảy ngày trụ tâm trong Tứ niệm xứ không dời đổi, vị đó sẽ chứng từ quả A-na-hàm đến A-la-hán. Rồi Phật nói chẳng những bảy ngày mà có thể sáu ngày, năm ngày, bốn ngày, ba ngày…, những người đó có thể chứng từ Sơ quả đến Tam quả.

Như vậy nghĩa là khi chúng ta hạ thủ công phu mà quyết tâm không xê dịch, không dời đổi, một còn một mất thì thành quả chắc chắn sẽ được. Còn mình tu tính năm tháng dài lâu mà không quyết chí, không đem hết sức lực ứng dụng tu thì thời gian dài mấy cũng không có kết quả. Bởi vậy Thiền sư Cao Phong Diệu ngày xưa cũng thường nói rằng: “Nếu các người sử dụng một lối tu từ một ngày đến bảy ngày không hề xê dịch, dời đổi mà không ngộ đạo thì chặt đầu ta đi.” Đó là những lời nói quyết liệt chỉ cho chúng ta thấy trên đường tu nếu khẳng định, quyết tâm một còn một mất để tiến tu thì có thể rút ngắn thời gian rất nhiều. Còn nếu tu trì trệ, yếu đuối, dù thời gian dài cũng không có kết quả gì.

Bởi vậy, tôi nghĩ tất cả quí vị ở trong chúng, ai đến đây cũng đều quyết tâm, nguyện tu hành đạt được kết quả chớ không phải tu cho có chừng, tu để có hình thức người tu. Muốn đạt được kết quả, bước đầu phải dứt hết các duyên, đừng bận bịu, lo nghĩ những gì bên ngoài không phải là trách nhiệm trong đạo của mình.

Bước thứ hai là phải lập chí quyết định trên đường tu, phải tiến tới chỗ lâu nay mình khao khát, mong đợi, chớ không phải chỉ tu cho có phước thôi, đó là lập chí quyết định.

Kế đó mình phải có nghị lực dũng mãnh, lúc nào cũng sẵn sàng vươn lên, dù chết cũng không sợ. Nhờ có nghị lực dũng mãnh đó, trên đường tu chúng ta mới đạt được kết quả như ý muốn. Suốt đời luôn luôn phải giữ nghị lực đó, đừng cho gián đoạn mới mong thành tựu tốt đẹp được. Như hồi xưa có ngài Huệ Lăng Trường Khánh ngồi thiền tới rách bảy cái bồ đoàn mà chưa ngộ đạo, nhưng Ngài cương quyết tu chừng nào được mới thôi, cho nên sau này được ngộ.

Như vậy để thấy rằng trên đường tu đòi hỏi chúng ta phải có tâm dứt khoát như trong bản Thanh qui tôi đã nêu. Dứt khoát khi tu chỉ làm tròn trách nhiệm trong đạo. Ngoài ra những chuyện khác mình không bận tâm, không để lòng, như vậy nhẹ đi một gánh nặng. Quí vị phải đủ ý chí, có một lập trường thật vững không bao giờ lay chuyển, quyết tiến tu cho đạt kết quả. Phải có nghị lực vừa mạnh mẽ, vừa lâu dài, thì trên đường tu sẽ có kết quả tốt đẹp chắc chắn.

Tôi có kinh nghiệm qua một số người quyết tâm tu, tuy thời gian nhập thất không lâu mà gặt hái kết quả tốt. Còn nếu yếu đuối chần chờ, dù kéo dài một đời lê thê cũng không có kết quả gì. Bởi vậy, khi quí vị lên bồ đoàn tọa thiền phải có ý chí dũng mãnh, quyết liệt vươn lên. Giờ ngồi thiền là giờ quyết liệt chớ không được thả trôi. Khi ngồi phải lập chí cho vững, phải có nghị lực cho mạnh, mọi thứ gì vừa tới liền đuổi. Phải tỉnh sáng chớ không để êm êm rồi ngủ, đó là thả trôi, không đi tới đâu hết. Nhất định mình phải thắng nó chớ đừng để nó thắng mình.

Đó là một trách nhiệm mình phải làm cho được. Chẳng lẽ đã là người tu mà suốt một đời không có gì tiến bộ, không có bước nào khác lạ thì đường tu vô nghĩa. Cho nên quí vị phải nhiệt tình, cương quyết, đừng chần chờ, đừng yếu đuối. Sở dĩ ngủ gục nhiều là tại thả trôi, ngồi một hồi thấy êm êm rồi thả trôi thì tha hồ gục. Phải luôn luôn giữ chỗ tỉnh sáng của mình, vừa thấy hơi yếu là mở mắt trừng trợn lên để tỉnh sáng, thắng con ma ngủ, đừng để nó làm chủ.

Đây là sự yếu đuối của Tăng chúng. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ở đây đều nhiệt tình, quyết tu, cần phải có nhận định chín chắn. Giờ tu là giờ vàng ngọc của mình chớ không phải thứ bỏ, không phải lên ngồi tu là ngồi ngủ, nếu ngồi ngủ thì ở dưới ngủ cho xong. Cho nên mình phải biết giờ đó là giờ quí báu, phải ráng, phải cương quyết làm sao giữ luôn luôn tỉnh sáng, không để ma ngủ dụ dỗ, lôi kéo. Như vậy sự tu hành mới có kết quả thiết thực, xứng đáng một đời tu.

Thật ra tôi thấy người tu mới vào chùa buổi đầu ai cũng nhiệt tình lắm, cương quyết lắm, nhưng lâu rồi lại thả trôi. Nhiều khi bổn phận chánh của mình không chịu làm, còn việc phụ ở đâu đâu cũng đem vô làm, rốt cuộc uổng một đời tu mà không có kết quả nào hết.

Bởi vậy hôm nay nhân ngày thỉnh nguyện đầu năm, nhân trong chúng có những cái yếu đuối như bị ma ngủ dẫn dụ, tôi có ít lời nhắc, tất cả quí vị phải nhớ và cương quyết thắng ma hôn trầm. Mình tu mà không đạt kết quả thì hi sinh một đời vô nghĩa, rất đáng buồn. Vì vậy phải dụng công có kết quả mới xứng đáng là một người quyết tâm đi tu. Cho nên đức Phật thường thí dụ người tu như một chiến sĩ ra trận.

Qua những kinh nghiệm từ các Thiền viện của mình, Tăng cũng như Ni, người nào quyết tâm khi bước vào đạo hay vào thất đều coi như là chuyển cả cuộc đời, nhất định mình phải tiến lên, những người đó tôi thấy có kết quả thật sự không ngờ. Còn những vị ban đầu đến với đạo nhiệt tình, lâu lâu phai lần, phai lần thành yếu đuối, thì không có kết quả gì hết. Bởi vậy tôi nhắc cho quí vị nhớ nuôi dưỡng tâm nguyện chân chánh của mình từ buổi đầu, phải làm sao hâm nóng, làm sao thực hiện cho được, đừng thả trôi uổng một đời. Đó là sự nhắc nhở thiết yếu trong buổi thỉnh nguyện hôm nay.

Ngày 13-3 Đinh Sửu (19-4-1997)

Hôm nay trong buổi thỉnh nguyện, hầu hết đều được thanh tịnh, không có lỗi lầm, đó là điều rất tốt. Tôi nhắc nhở thêm cho toàn chúng ý thức về sự tu hành của mình.

Tất cả chúng ta được phước duyên lành gặp Phật pháp để tiến tu. Tất cả quí vị phải nhớ lại vị Giáo chủ của chúng ta là một Hoàng tử đã xem thường sự giàu sang, danh lợi mà tột đỉnh là ngai vàng của một vị vua tương lai. Ngài từ bỏ tất cả để đi xuất gia, tìm đạo tu hành cho được giác ngộ giải thoát. Vậy đạo giác ngộ giải thoát của Phật dạy là đạo cao siêu vượt trên mọi thứ tầm thường của thế gian. Người thế gian giành nhau từng chút danh lợi, quyền thế. Đôi khi trong sự giành giật đó họ có thể giết hại nhau, hoặc làm những điều nguy hiểm cho dân chúng. Trái lại, đức Phật của chúng ta coi thường danh lợi, quyết tâm tìm đạo cho được. Cho nên đạo của Ngài tìm ra siêu xuất phi thường, cả thế gian không gì sánh bì được. Đó là nói về đức Phật.

Bây giờ tôi nói đến vị Tổ hiện giờ chúng ta đang hướng về, quí kính học hỏi theo, đó là Tổ Trúc Lâm. Tuy rằng lớn tuổi mới xuất gia, nhưng Ngài đã thông hiểu Phật pháp từ lúc còn rất trẻ. Vì hoàn cảnh phải làm một vị vua cai trị muôn dân, nhưng khi việc nước đã ổn định Ngài nhường ngôi lại cho con để đi tu. Ngài đã thấy vinh hoa, phú quí trên thế gian không có gì xứng đáng, không thể so sánh được với đạo đức và tinh thần giác ngộ của đạo Phật, nên Ngài bỏ hết để đi tu.

Như vậy chúng ta thấy ở Ấn Độ một Hoàng tử đi tu, ở Việt Nam mình một ông vua đi tu, đó là những tấm gương cao cả. Ngày xưa người ta gọi Vua là “chí tôn của muôn dân” mà các ngài vẫn bỏ địa vị chí tôn ấy để đi tu. Cho nên người ta thường tán thán các ngài bằng câu: “Xem ngai vàng như dép rách.”

Đó là tinh thần từ Phật đến Tổ mà chúng ta đang hướng đến, học hỏi và tu theo. Như vậy, trên đường tu của chúng ta không có gì quí, không có gì cao thượng bằng quyết tâm tu cho được giác ngộ giải thoát để độ mình và độ chúng sanh. Đó là điều trên tất cả. Nếu chúng ta không nhớ, không thấy được những điều đó thì đời tu của mình dễ bị vướng đầu này, kẹt đầu kia, không được trọn vẹn.

Trong bản Thanh qui tôi có đề ra, chư Tăng ở đây chỉ vì một việc duy nhất là tu sáng đạo. Có như vậy mới đền được ơn Phật Tổ, đền ơn Thầy và tất cả chúng sanh, đàn-na thí chủ. Còn nếu tu mà không sáng đạo thì mình chưa đủ tư cách để đền đáp tứ trọng ân. Như vậy, từ nay tất cả quí vị dù mới hay cũ đều chỉ một lòng nghĩ đến sự tu chớ đừng để cái gì ngăn trở nữa.

Trong bản Thanh qui tôi có dặn, dù có các chướng từ ngoại cảnh, hoặc từ nội tâm đưa đến, đều phải can đảm vượt qua hết để được yên ổn tu hành. Đó mới thật là chiến thắng. Nếu quí vị tu mà mỗi khi có chút bệnh liền thối chí, hoặc có gì khó khăn thấy nản lòng, như vậy là không thắng được mình. Tu là phải vượt qua tất cả trở ngại mới đạt đến chỗ cứu kính, giác ngộ, giải thoát.

Trong sử nói đức Phật đã tu nhiều đời, là vị Bồ-tát nhất sanh bổ xứ. Vậy mà trong đời tu cuối này Ngài cũng gặp bao đắng cay, khổ sở, cuối cùng mới đạt được đạo. Đâu phải đi tu là được đạo một cách dễ dàng. Chính những khó khăn, trở ngại là cơ hội tốt, duyên tốt để chúng ta vững mạnh, tu hành đạt đạo. Đừng nghĩ vì mình thiếu phước nên khi tu gặp trở ngại này, trở ngại nọ. Nghĩ như vậy là nhìn chỉ một chiều.

Thật ra người tu ai cũng gặp trở ngại, nhưng chính điều đó rèn luyện, thôi thúc mình vươn lên. Nhờ có trở ngại mình thêm sức mạnh, thêm ý chí để vượt qua. Khi vượt qua được rồi, mình lại vững mạnh hơn để tiến lên. Như vậy, không có nghĩa là vì khó khăn, trở ngại mà chúng ta lui sụt. Nắm được tinh thần đó thì sự tu của quí vị mới đạt được kết quả tốt.

Như vậy trên đường tu không có gì quí bằng sự nuôi dưỡng ý chí quyết liệt. Phải liều chết để đạt đạo, đó là điều thiết yếu duy nhất, còn tất cả trở ngại mình chỉ coi là trò chơi không đáng kể. Phải vượt qua tất cả mới tới chỗ đạt đạo. Nếu bị ngăn trở vì những khó khăn hoặc chướng ngại thì trên đường tu làm sao đạt được mục đích? Bởi vậy trong chúng mỗi người nên luôn luôn nhớ và cố gắng lập chí nguyện quên mình liều chết để tu hành. Đừng vì trở ngại của bệnh hoặc ngoại cảnh mà thối tâm, dù có tu mười đời, hai mươi đời cũng không bao giờ đạt được đạo. Đó là điều hết sức thiết yếu, hết sức quan trọng, mong tất cả đại chúng nhớ và thực hành.

Ngày 13-4 Đinh Sửu (19-5-1997)

Phần thỉnh nguyện tới đây đã xong, toàn chúng trong đây chỉ có những lỗi nhỏ không đáng kể, còn đa số do được sống trong hoàn cảnh thuận tiện nên giới luật tinh nghiêm và mọi hạnh kiểm đều tốt, đó là điều đáng mừng.

Sau đây tôi có ít lời nhắc nhở toàn chúng.

Đối với Phật pháp lâu nay tôi chủ trương rằng: Muốn cho Phật pháp được vững bền, được mở rộng thì trọng tâm là chư Tăng tu hành phải có đạo lực mạnh, có sự giác ngộ cụ thể. Nếu chúng ta tha thiết muốn mở rộng Phật pháp, muốn truyền bá cho mọi người đều hiểu, đều biết tu, nhưng bản thân mình chưa tu chưa được gì thì cái tâm tốt và rộng rãi đó cũng không đem lại kết quả gì, bởi vì việc làm đó chưa đúng nguyên tắc căn bản tự giác rồi mới giác tha.

Bởi vậy tôi nghĩ nếu chư Tăng tu hành không có kết quả tốt, dầu cho mình có hô hào, truyền bá, đem hết nhiệt tình nhiệt huyết ra hoằng hoá cũng chưa biết hoằng hoá cái gì. Đó là điều lâu nay tôi thường nói. Hơn nữa, nếu bản thân chưa tỉnh giác mà đi truyền bá làm sao giúp người giác được! Nếu mình truyền bá mà mọi người không giác, là vì hướng đi không đúng với tinh thần của Phật giáo, lỗi do mình. Bởi vì nói tới đạo Phật là nói tới giác ngộ, chúng ta phải làm sao bản thân mình có giác ngộ thì truyền bá Phật pháp mới đúng với tinh thần của đạo Phật, còn thiếu điều đó khó đạt được kết quả.

Nếu trên đường đạo chúng ta không thật sự giác ngộ mà muốn tổ chức cho hay, kêu gọi người cho đông, nhiều khi không còn thuần túy ở trong Phật pháp, lại có thể bị lệch qua đường này hoặc hướng khác. Bởi vậy, trọng tâm việc truyền bá Phật pháp là chúng ta phải tu hành cho được tỉnh giác. Nếu không được hoàn toàn giác, cũng phải có phần giác, nghĩa là mình có giác ngộ một phần hay từng phần rồi mới truyền bá được.

Tôi thường thí dụ: Nếu mình không có được ánh sáng như mặt trời, mặt trăng thì cũng có ánh sáng của ngọn đèn, hoặc không được như ngọn đèn cũng phải có ánh sáng nhỏ như con đom đóm chớ không lý do gì lại không sáng. Nếu mù tối như mọi người mà mình giảng nói, đem truyền bá ánh sáng cho người ta, đó là nói rỗng, không có sự thật. Vì vậy mình phải sáng, nếu không được toàn vẹn thì một phần nhỏ, nhưng cũng phải có sáng, sự truyền bá mới đạt kết quả.

Bản thân tôi hồi xưa cũng học kinh, học đạo, đi giảng dạy mọi người, nhưng tôi không bao giờ hài lòng chính vì chỗ đó. Tôi thấy mình nói chẳng qua là mượn lời người trước, của những bậc Thầy để nhắc người ta chớ bản thân mình không có gì hết. Vì vậy tôi phải có thời gian tu để thấy được cái gì ở ngay nơi mình, thấy rõ ràng tường tận có Tánh giác chắc chắn. Tuy không thể bì được các vị Bồ-tát hay các vị Tổ sư, ít ra cũng có một phần nhỏ nào trong sự giác ngộ thì mới tin Phật pháp và thấy cái hay của Phật pháp để truyền bá.

Vì vậy kể từ khi lập Thiền viện tôi dồn hết tâm lực nghĩ làm sao giúp chư Tăng, chư Ni tu có kết quả thật sự, nghĩa là được giác ngộ phần nào, chớ không thể tu chỉ là tu thôi không có gì hết. Do đó tôi cố gắng tạo điều kiện cho Tăng Ni tu. Ngày nay tuy chưa làm hết bổn phận nhưng tôi thấy trong số Tăng Ni tu có những chuyển biến tốt, tuy chưa được giác ngộ cứu kính nhưng cũng có giác từng phần. Do đó, tôi thấy việc mình làm không hoài công, đúng như sở nguyện, đó là điều tôi rất mừng.

Biết rằng trong năm mươi, bảy mươi người mà có đôi ba người sáng thì chưa thấm vào đâu. Nhưng có còn hơn không. Chúng ta đọc sử Phật giáo dài cả trăm năm mà chưa thấy vị Tăng, vị Ni nào tu hành được giác ngộ thì thật đáng buồn. Vì thế, ngày nay thời gian tu của Tăng Ni tuy chưa nhiều nhưng cũng có những biến chuyển tốt như vậy, đó là một khích lệ lớn cho tất cả. Vậy nên mong rằng tất cả chư Tăng ở đây đã có đủ duyên, được sự bảo bọc hoàn toàn và sự nhắc nhở luôn luôn thì phải ráng tận lực tận tâm tu hành cho có kết quả, mai kia ra làm Phật sự mới được dễ dàng.

Như quí vị thấy Thông Giác đối với đạo rất nhiệt tình, bỏ hết gia đình, bỏ hết danh vọng để vào đạo tu nhưng vì chưa được duyên tốt như quí vị nên càng tu càng thêm bận rộn, đâm ra hoảng sợ. Quí vị được yên ở đây là phước duyên lớn, nên ráng đem hết tâm lực của mình, ngày nào còn ở đây là ngày đó tận tâm tận lực tu hành. Chừng nào đủ duyên, có yêu cầu hay cơ hội thôi thúc phải làm Phật sự thì khi bước ra khỏi Thiền viện, mình làm được những việc lợi ích cho đạo, cho chúng sanh. Nếu lúc còn ở đây tu lơ là, đến chừng ra làm Phật sự mờ mờ mịt mịt, rất uổng công tu của mình. Đó là điều tôi nhắc nhở toàn chúng.

Không phải dễ tìm một khung cảnh yên tĩnh, tốt lành và đủ điều kiện như ở đây cho quí vị tu. Nay đã được điều kiện đó rồi lại không cố gắng tu, đó là lỗi lầm lớn. Vì vậy mà phải cố gắng, đừng chần chờ. Mong tất cả tiến tu cho có kết quả!

Ngày 13-5 Đinh Sửu (17-6-1997)

Hôm nay thỉnh nguyện toàn chúng đều tốt đẹp, không có lỗi lầm lớn, chỉ có chút ít lỗi nhỏ. Ở đây có hai vị tôi khuyên phải ráng.

Một là T.Đ nên nói chậm lại. Lúc này thấy có tiến bộ, nhưng nên nói chậm thêm chút nữa. Hai là B.Đ cũng phải nói chậm lại, vì khi nói chậm, lời nói rõ ràng người nghe dễ hiểu. Mặc dầu ngày nay mấy chú còn nhỏ, mai kia cũng thành người lớn, ra làm Phật sự, giảng đạo cho Phật tử nghe. Nếu nói năng lẹ làng quá, người ta nghe không kịp thì lời nói của mình cũng vô giá trị. Vậy nên phải tập nói chậm rãi ngay từ bây giờ, lần lần lâu ngày thành quen, nói năng từ tốn đàng hoàng. Còn như chú Đ.T có bệnh nói đớt chữ “t”, phải ráng sửa giọng cho đúng. Vì ông Pháp sư, ông Thiền sư đi giảng đạo cho người ta nghe mà nói đớt họ cười.

Tôi kể mấy chú nghe, vừa rồi đi với T.G qua Mỹ, ở nhà Phật tử. Mấy Phật tử này cũng vui tánh, họ thấy T.G nói hơi ngọng cứ theo giễu hoài. T.G buồn quá, ba ngày bỏ cơm luôn, vì ra ăn là bị chọc… Bởi vậy mấy chú ráng tập nói năng cho rành rẽ. Đối với người thế gian sao cũng được, còn chúng ta phải tiếp xúc giảng dạy đạo lý cho Phật tử nên lời nói phải chính xác.

Tuy rằng đây chỉ là những trục trặc nhỏ, nhưng Phật tử để ý và cười hoài, rồi mình cũng hổ thẹn, có thể đi đến mất tự tin. Nên tôi nhắc mấy chú, ai có gì dở ráng sửa. Đó không phải lỗi mà là cái tật từ nhỏ, bây giờ ráng sửa cũng sẽ được. Người ta sửa nhiều cái rất khó còn được, huống gì một hai chữ phát âm sai, nhớ ráng sửa cho tốt.

Kế đây tôi nói về một điểm mới. Đạo Phật có được ưu thế là rất chân thật. Cái chân thật đó nếu không khai thác được rất uổng. Nhưng muốn khai thác chỗ này, chúng ta phải ứng dụng tu cho có kết quả, khi nói người ta mới tin. Nhiều khi mình lý luận thao thao mà bên trong rỗng tuếch. Làm không được thì nói nhiều cũng không đi đến đâu.

Kết thúc lại, chỉ có tu được là đủ điều kiện làm Phật sự. Điều gì mình chưa biết, nói ra cũng sợ vì không thấy rành. Nếu biết rõ như một với một là hai, thì ai nói gì mình cũng không sợ. Muốn được vậy mấy chú phải ráng tu. Thấy được lẽ thật thì mọi việc đều tốt. Cho nên tôi không chủ trương tập cho mấy chú giảng. Chừng nào mấy chú thấy được lẽ thật là tôi đẩy ra làm việc.

Lục Tổ dạy, nói ít mà thật người ta nể, chớ nói quá nhiều, rốt cuộc là lời rỗng lại không tốt. Có nhiều người nói rất hay nhưng bên trong không có gì hết. Điều quan trọng là mình phải thân chứng. Nên tôi đi đây đi kia giảng dạy không hề sợ, vì chỉ nói những gì tôi thấy thật, không nói chuyện ở ngoài. Người ta hỏi quanh co gì, mình cứ đem chỗ thật của mình ra trả lời họ cũng cảm thông.

Bởi vậy lúc ra Bắc nói chuyện ở viện Hán Nôm, tôi có ví dụ về hòn ngọc. Tôi nói tôi không phải là học giả mà là hành giả, chỉ trao đổi những điều tôi đã kinh nghiệm được. Ví dụ như tổ tiên mình có một hòn ngọc quí, truyền dần tới con cháu. Đây là việc truyền riêng không ai biết. Nếu mình chưa nhận được hòn ngọc, chỉ nghe nói ông cha có ngọc, khi người ta hỏi tới mình không biết nên sanh nghi sợ. Còn bây giờ khi đã nắm được hòn ngọc trong tay, ai hỏi chứng cớ, mình có hòn ngọc đang nắm trong tay, biết rõ ràng thì đâu có gì phải sợ. Đây là hành giả, còn lý thuyết là học giả. Các học giả chuyên nghiên cứu rồi đúc kết lại, chớ thật ra chính họ chưa nắm được, làm sao có đủ lòng tin như mình. Nếu nắm được tất đủ lòng tin, ai nói ngược nói xuôi gì cũng mặc.

Thí dụ ông Suzuki nói ba mươi ba vị Tổ Ấn Độ, Trung Hoa do ngài Thần Hội bịa ra, tôi phản đối hẳn. Thần Hội bịa là chuyện vô lý. Không có người trước làm sao có người sau? Ai truyền cho tới Lục Tổ mà nói ngài Thần Hội bịa! Thêm một chi tiết nữa là trong cuốn Luận Đại Thừa Chỉ Quán của Trí Giả đại sư có viết rõ ràng hai mươi tám vị Tổ Ấn Độ. Ngài Trí Giả đại sư trước ngài Thần Hội gần hai trăm năm.

Vậy mà bây giờ nói Thần Hội bịa ra chuyện ba mươi ba vị Tổ, tôi không biết nghĩ sao! Đó là học giả. Cho nên cái nhìn của mình phải tường tận thì mới vững chắc.

Cũng như một số học giả Trung Hoa nói rằng: Sau này khi thiền truyền tới Lục Tổ thì biến ra gần với tánh cách Lão Tử, Trang Tử, nghĩa là hấp thụ ảnh hưởng của Lão Tử, Trang Tử mà thành thiền của Trung Hoa. Nghe vậy mình có dám cãi không? Vì trong Pháp Bảo Đàn, phẩm đầu nói về Bát-nhã, họ thấy cũng giông giống Lão Trang.

Chúng ta nên đặt câu hỏi lại: Lục Tổ dốt, làm sao bằng Trang Tử, Lão Tử? Nếu Ngài không ngộ được kinh Kim Cang thì lấy gì để giảng nói dạy người? Các học giả do nghiên cứu mới có thể chịu ảnh hưởng thuyết này thuyết nọ. Còn Lục Tổ không nghiên cứu, chỉ nghe kinh Phật mà ngộ, rồi được Tổ truyền tâm ấn, như vậy là gốc thiền Ấn Độ, làm sao nói Trung Hoa được?

Chúng ta thấy rõ ràng như vậy, không nghi. Những học giả theo lý thuyết, lượm lặt chắp nối nên nói như vậy. Chẳng qua là cái thấy của các bậc Thánh nhân có chỗ trùng hợp, chớ không phải người này chịu ảnh hưởng người kia. Chúng ta hiểu rồi mới nắm vững, dù ai nói gì cũng không nghi.

Ngày 13-6 Đinh Sửu (17-7-1997)

Hôm nay trong buổi thỉnh nguyện thấy ai cũng được tốt, được trong sạch, tôi rất mừng. Tu hành càng lâu càng thấm, nên những lỗi lầm nhỏ nhặt cũng dần dần hết, đó là bước tiến căn bản về đạo đức. Những phần khác khi nội tâm tỉnh giác sẽ từ từ tiến thêm. Tuy lỗi lớn không có nhưng trong chúng năm mươi, bảy mươi người, những lỗi nhỏ riêng tư chắc không tránh khỏi.

Đối với nội qui, quí vị thấy mình không phạm, nhưng những tâm niệm, những hành động sai sót nhỏ nhặt cũng phải ráng cẩn thận, dè dặt. Nhiều khi trên phương diện thực hiện Thanh qui mình rất tốt, nhưng về phần tâm niệm hoặc những việc làm nho nhỏ có khi lại sai sót. Vậy nên ráng dè dặt, không phải không phạm Thanh qui là hoàn toàn tốt, mà mỗi người phải ráng cẩn thận dè dặt trong từng tâm niệm, từng hành động đừng cho sai phạm.

Sau đây tôi giải thích một vài vấn đề.

Tất cả quí vị ở đây, nay mai người lớn sẽ đi làm Phật sự trước, có trách nhiệm với Phật tử và những người đi sau. Nên thỉnh thoảng có những vấn đề tôi thấy quan trọng người ta có thể sẽ hỏi, tôi nhắc cho trong chúng biết, để khi tiếp xúc với mọi người, có ai hỏi, mình nắm vững trả lời. Nhiều khi quí vị hiểu nhưng nói không đủ chứng cớ, người ta cũng dễ mất lòng tin.

Vừa rồi có mấy người khách ở thành phố lên nói chuyện, họ hỏi tôi:

– Thưa Thầy, làm sao giản trạch được thế nào là Đại thừa, thế nào là Tiểu thừa?

Câu này có rất nhiều người hỏi, chớ không phải một hai người. Vấn đề này nếu không nắm vững, quí vị sẽ trả lời lúng túng.

Các kinh Lăng Nghiêm, Viên Giác, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết-bàn… đều gọi là kinh Đại thừa, còn các kinh A-hàm và Nikàya là kinh Tiểu thừa. Ngày trước, những người tu theo hệ A-hàm, Nikàya gọi là tu theo Tiểu thừa; những người tu theo Bát-nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết-bàn… là tu theo Đại thừa. Đó là căn cứ theo kinh để thấy ý nghĩa tu.

Bây giờ muốn giản trạch cho có chứng cớ cụ thể, chúng ta phải đứng trên hai phương diện: một là về hình thức, hai là về đạo lý nội tâm.

Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam bao gồm cả hai hệ phái: Nam tông và Bắc tông hay Đại thừa và Tiểu thừa. Nếu trong Giáo hội, mỗi khi nhóm họp gọi người này là Tiểu thừa, người kia là Đại thừa thì dường như có sự phân biệt, dễ gây mặc cảm không tốt. Cho nên Giáo hội đề nghị thay hai từ này bằng Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển. Như vậy quí vị nhớ dùng ngôn ngữ cho đúng.

Tại sao dùng chữ Phật giáo Nguyên thủy? Chữ Nguyên thủy nghĩa là giống hay y như buổi đầu của Phật giáo Ấn Độ. Tại sao gọi là Phật giáo Phát triển? Phật giáo Phát triển có ý nghĩa là tùy theo hoàn cảnh, tùy theo đất nước nơi Phật giáo được truyền tới mà linh động ứng dụng, chớ không rập khuôn theo hình thức ban đầu của Phật giáo Ấn Độ. Đó là nói tổng quát.

Bây giờ phân tích về hình thức và nội tâm.

Về hình thức, Phật giáo Nguyên thủy căn cứ theo hình thức của đức Phật buổi đầu. Ngày xưa, khi Phật mới thành đạo, Ngài chưa có đồ đệ. Sau khi thuyết pháp cho năm anh em ông Kiều-trần-như ngộ rồi, các vị đó xuất gia tu, từ đó Phật có đồ đệ. Như vậy là độ Tăng trước, còn cư sĩ chưa có.

Lúc đó Phật chủ trương đi khất thực. Nhưng không có đệ tử cư sĩ thì đi khất thực làm sao? Ngài vào xóm làng, người ta cho gì nhận nấy, cho mặn thì ăn mặn, cho chay ăn chay, chớ không cố định, cũng không đòi hỏi, chỉ im lặng nhận về ăn để sống. Như vậy, buổi đầu Phật đi khất thực tùy duyên, ai cho gì nhận nấy, chúng ta đừng nghĩ Phật ăn chay. Ngày nay, Phật giáo Nguyên thủy vẫn giữ chủ trương khất thực và chủ trương cho gì nhận nấy. Nhưng người ta thường cho món mặn nên các ngài ăn mặn. Lý do rõ ràng như vậy.

Còn tại sao Phật giáo Phát triển lại ăn chay? Theo quan niệm Ấn Độ, người tu ôm bát đi khất thực là giải thoát, không còn bận bịu điều gì. Những người giải thoát là cao thượng đáng quí. Ngược lại, khi Phật giáo sang Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên, các vị vua chúa sùng mộ đạo Phật, nên có nhiều vị Sư đạo cao đức trọng được tôn phong Quốc sư. Vua quan thời đó quan niệm ai ôm bát đi xin là ăn mày, họ không thể chấp nhận một vị Quốc sư lại đi ăn mày thấp hèn như vậy. Nên vua quan cất chùa cho các ngài ở tu rồi cấp đất cho. Nếu các ngài không canh tác được thì nhờ bổn đạo, Phật tử làm, có lúa gạo ăn quanh năm.

Như vậy tùy theo hoàn cảnh, theo xứ sở, Phật giáo Phát triển chấp nhận điều đó, tự cung cấp lấy phần ăn của mình. Nhưng nếu tự lo thì ăn chay tốt hay ăn mặn tốt? Ăn mặn thời xưa đâu như bây giờ có đồ hộp sẵn, mà phải mua cá thịt về tự làm, phạm tội sát sanh. Cho nên ăn chay để tránh phạm giới sát sanh.

Sau này có một số Phật tử ở Campuchia về thưa với tôi rằng: Con thấy người tu có khi hình thức quá, ở chùa thì nói không sát sanh, nhưng khi đi chợ, mua cá còn tươi còn sống, trả giá xong nói: “Bà đập đầu giùm, tôi xách về.” Như vậy hình thức quá, thiếu thật thà! Cho nên ăn chay là tránh hoàn toàn tội sát sanh.

Do những sai khác này mà Phật giáo Nguyên thủy đi khất thực, ăn mặn, còn Phật giáo Phát triển ăn chay. Đó là ngày xưa, còn bây giờ lộn xộn lắm. Có nhiều nơi, nhất là ở Nhật, kiếm chùa ăn chay không ra. Người ta cũng có lý riêng, nói rằng: “Bây giờ mình mua đồ hộp ăn, cái gì cũng đã làm sẵn, đâu có phạm tội sát sanh. Cứ mua về ăn không sao!”

Bây giờ các nước theo Phật giáo Nguyên thủy cũng ít khi đi khất thực, mà phân công từng vùng từng xóm. Hôm nay vùng này cúng dường, tới giờ Phật tử chở thức ăn tới cúng, ngày mai vùng kia… Cũng là khất thực, nhưng Phật tử đem tới chỗ, chư Tăng khỏi đi.

Ở Tây phương, nếu khất thực e không có cơm ăn. Buổi sáng ai cũng đi làm, nhà đóng cửa kín, làm sao xin được thức ăn! Nên khất thực bây giờ rất khó, chỉ một số ít người làm thôi, hầu hết không thể thực hiện được. Thường Phật tử tổ chức nấu nướng rồi đem tới cúng, nhưng từ trước đến giờ cúng mặn quen rồi, nên họ nấu thức ăn mặn cúng.

Về y phục, chư Tăng Phật giáo Nguyên thủy ở Ấn Độ quấn y. Nhưng đâu phải chỉ người tu quấn y mà toàn dân Ấn Độ đều quấn y. Năm tôi qua Ấn Độ, thấy mấy cô mấy cậu đi cắt lúa ngoài ruộng quấn y sao phiền quá. Lúc đầu, y của người xuất gia tương tợ y của người dân, chỉ khác màu thôi. Sau này đức Phật dạy cắt y ra từng mảnh – như những miếng ruộng – rồi ráp lại cho khác hẳn y người thế tục, gọi là “phước điền y”. Ngày xưa ở Ấn Độ, chư Tăng bị ăn trộm y là vì y trong chùa lấy về quấn được.

Theo Nguyên thủy, ngày xưa Phật làm sao nay làm vậy. Còn bên Phát triển, khi Phật giáo sang Trung Hoa, chư Tăng không quấn y mà mặc gọn hơn, chỉ chế cái áo khác màu, còn hình thức cũng có điểm hơi giống với áo người dân. Như vậy ăn mặc không giống như Phật giáo ban đầu.

Đứng về mặt nội tâm hai bên khác nhau như thế nào? Nội tâm là nói về giáo lý. Nhiều khi chúng ta cắt nghĩa Tiểu thừa là cái xe nhỏ chở được ít người, Đại thừa là xe lớn, chở được nhiều người, giải thích như vậy không ổn. Có những vị sư Tiểu thừa độ đệ tử rất đông, có chùa Đại thừa chỉ hai ba người. Vậy xe nào lớn, xe nào nhỏ? Thành ra cắt nghĩa như thế không ổn.

Nguyên thủy hay Phát triển, Đại thừa hay Tiểu thừa là cốt ở giáo lý, ở nội tâm chớ không phải xe lớn, xe nhỏ. Đứng về giáo lý, Phật giáo Nguyên thủy lấy Nikàya hoặc A-hàm làm căn bản, đặt nặng vấn đề giải thoát sanh tử. Trong giáo lý A-hàm, Phật nói dù còn sanh tử một đời cũng là đau khổ, vì sanh là khổ. Muốn hết đau khổ phải giải thoát sanh tử.

Vậy muốn giải thoát sanh tử phải tu thế nào? Phật dạy muốn giải thoát sanh tử phải tiêu diệt hết nhân sanh tử: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… Để dẹp sạch các phiền não, kiết sử đó, một là phải nhờ giới luật làm căn bản, hai là quán niệm, quán tưởng, như tu Tứ niệm xứ, luôn luôn quán thân là vô thường, là khổ… để phá chấp ngã của thân. Ngay đời này dứt sạch phiền não, phá được chấp ngã, không còn nhân sanh tử gọi là Diệt đế, là Niết-bàn. Niết-bàn có nghĩa là không còn sanh trở lại nữa, là vô sanh.

Như vậy, giải thoát theo Nguyên thủy là nhập Niết-bàn. Niết-bàn bên đây chia làm hai là Hữu dư y và Vô dư y. Ngay nơi đời này sạch hết phiền não, tâm thanh tịnh, không còn bị khuấy động nữa, đó là Hữu dư y Niết-bàn. Lúc thân này hoại rồi, nhập Niết-bàn vĩnh viễn là Vô dư y Niết-bàn.

Khi dứt hết mầm sanh tử, được vô sanh rồi, tất cả những người có công lo lắng, giúp đỡ cho mình, mình chỉ độ trong đời này, đủ duyên thì độ không thì thôi, ngay đây giải quyết mọi thứ, sau khi bỏ thân vào Niết-bàn rồi không trở lại nữa. Như vậy, quan niệm của Nguyên thủy, còn gọi Tiểu thừa, là lấy quả A-la-hán, Vô sanh làm chung cuộc.

Trái lại, quan niệm của Đại thừa hay của Phật giáo Phát triển, về giáo lý thì lấy kinh Bát-nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết-bàn, Lăng Nghiêm, Lăng-già làm căn bản. Các kinh đó lấy hạnh Bồ-tát làm chỗ cứu kính, vì Bồ-tát viên mãn thì thành Phật. Hạnh Bồ-tát lấy giác ngộ làm gốc. Nên nói giác ngộ mà không nói giải thoát sanh tử. Do đó, người tu theo Phật giáo Đại thừa hay hệ thống Phát triển ít đặt vấn đề giải thoát sanh tử.

Quí vị nhớ cho thật kỹ: Một bên lấy động cơ là giới luật, giải thoát làm căn bản, một đời này giải quyết sạch mầm sanh tử rồi nhập Niết-bàn là xong việc. Còn một bên lấy giác ngộ làm căn bản. Bồ-tát là giác hữu tình, muốn thực hiện được tự giác, giác tha thì động cơ phải là giác ngộ và từ bi.

Còn theo Phật giáo Phát triển, thế nào là Niết-bàn? Bồ-tát hạnh gọi là Vô trụ xứ Niết-bàn, tức Niết-bàn không có chỗ nơi, ở đâu cũng Niết-bàn được. Tâm thanh tịnh thì ở thế gian cũng là Niết-bàn, không đợi nhập Niết-bàn vĩnh viễn. Kế đến là Tự tánh thanh tịnh Niết-bàn, tức Niết-bàn của Tự tánh. Nghĩa là khi ngộ được Tự tánh, đó là Niết-bàn. Như vậy, ở đây Niết-bàn là Vô trụ xứ, là Tự tánh.

Phật giáo Phát triển lấy giác ngộ làm trọng tâm. Muốn được giác ngộ thì phải cố gắng quán chiếu, thiền định. Giáo lý căn bản của Phật giáo Nguyên thủy là Tứ đế, còn giáo lý căn bản của Phật giáo Phát triển là Lục độ.

Quí vị thấy Lục độ: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đều là động cơ của giác ngộ và từ bi. Bố thí tài, bố thí pháp là từ bi. Muốn thực hiện từ bi, trước phải giữ giới luật. Muốn từ bi được chu đáo phải nhẫn nhục. Nếu không nhẫn nhục thì không thể hiện từ bi được. Nhẫn nhục rồi phải tinh tấn, nỗ lực, cuối cùng mới thiền định, trí tuệ, là thành tựu giác ngộ.

Trí tuệ là căn bản để đi đến cứu kính. Cho nên nói tới Bồ-tát là nói tới giác. Tự giác, giác tha là hữu tình giác, giác hữu tình. Giác thì thấy tường tận được chân lý, được lẽ thật. Lúc ấy có còn thấy con người trong cuộc sống này là thật không? sanh tử là thật không?

Các ngài thấy sanh tử là tướng duyên hợp hư dối, tạm có tạm không, như huyễn như hóa. Đã như huyễn hoá thì sanh tử như không hoa, cần gì nhập Niết-bàn. Như vậy đối với các ngài, sanh tử không đáng sợ. Tại sao? Vì thấy rõ nó là huyễn hóa. Nên Bồ-tát cứ trở đi trở lại hoài. Các ngài lưu lại một chút trần sa hoặc, vì nếu dứt hết mầm sanh tử thì đâu có trở lại nữa. Cho nên khi các ngài giác ngộ rồi khởi niệm từ bi cứu độ chúng sanh, độ chừng nào được viên mãn, tự giác, giác tha tròn đủ, chừng đó mới thành Phật chớ không phải một đời là xong.

Vì vậy, ngài Từ Minh nói: “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ.” Coi sanh tử như trò chơi, không sợ sanh tử nên không cần thiết phải nhập Niết-bàn. Bên Đại thừa luôn luôn đặt nặng việc độ chúng sanh. Mình giác, chúng sanh còn mê nên phải liên tục tới lui để độ, không có quyền nhập Niết-bàn hưởng an tịnh một mình.

Khi chúng ta giác rồi, dầu trong cảnh hỗn độn trần tục, mình vẫn an ổn thanh tịnh. Cho nên mới dùng từ hoà quang đồng trần, đem ánh sáng hoà chung với bụi trần. Tuy đang ở trong sanh tử nhưng tâm thanh tịnh gọi là Vô trụ xứ Niết-bàn. Xuống địa ngục cũng Niết-bàn, lên cung trời cũng Niết-bàn, ở thế gian cũng Niết-bàn. Như vậy vẫn đi lại trong sanh tử mà thường ở Niết-bàn.

Tâm hồn vì muôn người giúp họ giác ngộ thoát khỏi sanh tử, có phải đại không? Còn nhập Niết-bàn gấp gấp vì sợ sanh tử, đau khổ, có phải là tiểu không?Đại, tiểu không phải là hiện đời mình độ được nhiều ít, mà đại, tiểu ở nơi tâm hồn khi đạt được đạo rồi có tiếp tục độ chúng sanh hay không? Vậy mới có lời nguyện của ngài Địa Tạng, chúng sanh chưa độ tận chưa chứng Bồ-đề. Tinh thần Đại thừa là ở chỗ đó.

Cho nên người tu theo Đại thừa Phát triển phải luôn can đảm, gan dạ, không nhu nhược hoặc muốn thảnh thơi. Lúc nào cũng sẵn sàng lao mình vào cảnh khổ để độ chúng sanh, không phải lo tu cho riêng mình dứt sạch khổ đau, giải thoát sanh tử.

Vậy, muốn dứt sanh tử để thảnh thơi, tâm niệm đó đại hay tiểu? Ngược lại, nghĩ chúng sanh còn mê thì mình còn tới đó độ, là đại hay tiểu? Đại thừa, Tiểu thừa là căn cứ trên tâm niệm như vậy, giáo lý như vậy, chớ không căn cứ trên việc làm hiện tại. Nói cho quí vị hiểu để nắm vững từ hình thức đến tâm niệm, giáo lý mỗi bên, cái gì làm chuẩn, làm chỗ cứu kính phải thấy cho tường tận.

Cho nên A-la-hán không thể thành Phật. Vì tới A-la-hán đã nhập Niết-bàn luôn rồi, đâu tu tiến lên để thành Phật. Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, nghĩa là tròn đầy giác ngộ cho mình và giác ngộ cho người. Nếu đời này tu được yên ổn rồi nhập Niết-bàn, không trở lại nữa thì làm sao giác hạnh viên mãn? A-la-hán và Bích-chi Phật khác đức Phật ở chỗ đó, giác ngộ một lần là xong.

Đức Phật từ Bồ-tát hạnh viên mãn mới thành Phật. Cho nên trong kinh Bổn Sanh, đức Phật kể bao nhiêu đời Ngài sanh chỗ này, chỗ nọ độ chúng sanh, sau mới viên mãn thành Phật. Tâm hồn như vậy, giáo lý như vậy gọi là tâm hồn Đại thừa, giáo lý Đại thừa. Biết đâu ngày xưa chúng ta cũng là con kiến, con sâu gì đó, Phật ăn cơm còn dư, mình bò lên ăn được chút chút, cho nên Phật nhập Niết-bàn mấy ngàn năm rồi, mình mới trở lên làm Tăng tu chút chút.

Như vậy duyên hoá độ của Phật rất rộng rãi, chớ không phải chỉ một đời là hết. Chúng ta phải hiểu rành rẽ giáo lý đạo Phật, phần nào ra phần ấy, biết Đại thừa là gì, Tiểu thừa là gì. Mình giải thích cho mọi người hiểu từ hình thức, kế đến tâm niệm, rồi giáo lý, có căn cứ rành rẽ thì người ta không nghi. Nếu mình trả lời loanh quanh, lúng túng người ta sanh nghi, lại còn xuyên tạc nữa.

Đó là những điều căn bản tôi thấy cần nhắc để trong chúng nắm cho thật vững, mai kia có ai hỏi mình trả lời rõ ràng, cặn kẽ. Truyền bá Phật pháp như vậy mới không bị sai lệch.

Ngày 13-7 Đinh Sửu (15-8-1997)

Hôm nay thỉnh nguyện ngày 13-7 âm lịch là buổi thỉnh nguyện thay cho Tự tứ. Mặc dù đến ngày rằm chúng ta cũng làm lễ Tự tứ, nhưng trong buổi đó chúng chỉ trình lên thưa thỉnh mà không được dạy bảo gì. Hôm nay có đủ thời giờ cho toàn chúng mỗi vị kiểm lại nội tâm mình, thấy được những lỗi lầm và thành tâm sám hối đúng với tinh thần Tự tứ của mùa an cư, tôi rất hoan hỉ.

Đây là lòng thành của chúng Tăng muốn làm sao tự bản thân mình sự tu hành ngày càng tiến, đức hạnh ngày càng lớn, nên mỗi người tự xét chỗ xấu của mình đều ra sám hối. Còn nếu chưa biết, chưa thấy, được huynh đệ chỉ cho để sửa, nhờ đó lỗi lầm giảm dần, trên đường tu nghiệp chướng tiêu mòn, sự tu hành tăng trưởng, không bị thối lùi. Đó là điều đáng mừng.

Giờ đây tôi có một điều không được vui, nhắc cho toàn chúng nhớ. Đối với tất cả chúng đang nương với tôi tu tại Thiền viện này, cũng như các Thiền viện khác, luôn luôn tôi nhắc quí vị rằng người tu phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều khó khăn từ ngoại cảnh đến nội tâm. Không ai tu mà mọi việc đều như ý. Không phải vào tu cái gì cũng tốt, cũng thuận, bao giờ cũng tiến. Sẽ có những trục trặc, trở ngại hoặc do ngoại cảnh tạo nên, hoặc từ bản thân, nội tâm mình, nghiệp chướng cũ sanh ra.

Vì vậy, trong khi tu phải chân thành, khi thấy có gì khác lạ phải trình cho tôi biết, để tôi phán đoán, quyết định, nhắc nhở nên làm thế nào cho trở thành hay, tốt, làm thế nào để tránh khỏi bệnh hoạn. Vì tôi là người chịu trách nhiệm trong chúng, nếu có sự khác lạ mà không nói tôi nghe, mai kia thành bệnh, người ta tưởng lầm rằng tôi dạy quí vị tu thành bệnh.

Rất tiếc thời gian qua, trong chúng có một hai người không chịu thật thà với tôi, có những điều lạ không chịu trình cho tôi biết, cho nên có thể trở thành bệnh. Đến lúc tôi hay được e việc đã rồi. Đó là điều tôi không được vui.

Bây giờ tôi nhắc lại cho toàn chúng biết rõ đường lối tu của mình để mọi người nhận thức đừng lầm lẫn. Nếu lầm lẫn rất dễ đi lạc đường tà.

Ngày xưa Tổ Đạo Tín sau khi được truyền y bát, Ngài đi truyền bá một thời gian. Hôm nọ Tổ nhìn lên núi Ngưu Đầu, thấy có khí tượng kỳ đặc, Ngài liền đi tới, để tìm những vị có thể gánh vác Phật sự lớn sau này. Tổ đến chùa U Thê, vào hỏi thăm trong chùa xem nơi đây có ai là đạo nhân tu hành không. Chúng Tăng nói rằng:

– Phàm là người xuất gia, ai chẳng phải đạo nhân?

Tổ hỏi:

– Cái gì là đạo nhân?

Tăng im lặng không đáp được. Có vị Tăng khác thưa:

– Cách đây chừng mười dặm bên kia núi, có một ông thầy tên Pháp Dung, lười biếng đến nỗi thấy người ta tới ổng chẳng đứng dậy chào, cũng không chấp tay. Ổng làm biếng quá, nên gọi là Lại Dung, nghĩa là ông thầy Dung làm biếng. Ngài qua đó coi có phải là đạo nhân không?

Tổ Đạo Tín liền trèo núi tìm đến.

Giờ nói về ngài Pháp Dung. Trước khi đi tu, Ngài học sách vở bên ngoài rất thông thạo. Khi đọc đến kinh Bát-nhã, Ngài thấy giáo lý của nhà Nho nông nổi, cạn cợt, so với Bát-nhã không thấm vào đâu, nên quyết tâm xuất gia. Ngài là người học rộng, lúc đi tu thì thiết tha quên thân tu hành, không còn nặng về hình thức sự tướng, hay danh tiếng nữa. Sau đó, Ngài lên núi Ngưu Đầu, tìm chỗ vắng cất một am tranh nhỏ ẩn tu. Ngài tu một thời gian sau, tới giờ ăn, chim tha trái cây tới cúng, khỉ đem mật đến dâng, quanh thất có mấy con cọp ở hầu. Như vậy, Ngài tu hành đến mức được chim chóc cúng dường, có cọp hầu hạ, quí vị nghĩ có ai dám bì?

Khi Tổ Đạo Tín đến, thấy Pháp Dung ngồi thiền trên tảng đá. Tổ hỏi:

– Ở đây làm gì?

Ngài đáp:

– Quán tâm.

– Quán là người nào? Tâm là vật gì?

Pháp Dung không đáp được, bèn đứng dậy làm lễ thưa:

– Đại đức ở đâu đến?

Tổ đáp:

– Bần tăng không có chỗ ở nhất định, hoặc Đông hoặc Tây.

– Ngài có biết Thiền sư Đạo Tín chăng?

– Vì sao hỏi ông ấy?

– Vì nghe danh đức đã lâu, khao khát muốn gặp.

– Đạo Tín là bần đạo đây.

– Vì sao Ngài đến đây?

– Vì tìm đến thăm hỏi. Ông có am thất gì để nghỉ ngơi không?

Pháp Dung dẫn về am của Ngài. Chung quanh am toàn loài cọp sói nằm đứng lăng xăng. Tổ giơ tay lên ra vẻ sợ, Pháp Dung nói:

– Ngài vẫn còn cái đó sao?

Tổ hỏi:

– Cái đó là cái gì?

Pháp Dung trả lời không được.

Lát sau Tổ Đạo Tín đến tấm đá Pháp Dung ngồi, vẽ một chữ Phật thật to. Pháp Dung nhìn thấy giật mình. Tổ bảo:

– Vẫn còn cái đó sao?

Pháp Dung không hiểu, bèn đảnh lễ cầu xin Tổ chỉ dạy. Tổ Đạo Tín mới giải thích cho Pháp Dung hiểu Thiền.

Sau khi nhận được đạo lý, ngài Pháp Dung vẫn tu như trước đều đặn. Nhưng từ đó mấy con chim không còn tha trái cây tới cúng nữa. Người đời thắc mắc không hiểu từ ngày gặp Tổ Đạo Tín, ngài Pháp Dung tu tiến hay lùi? Nếu tiến thì phải được chim chóc, cọp sói kính trọng nhiều hơn. Tại sao trước có chim cúng, cọp hầu, giờ tu nhiều sao chúng lại bỏ đi? Như vậy là thối hay tiến? Đó là nghi vấn của nhiều người, họ chưa thâm hiểu lý thiền nên nghi như vậy.

Đến chuyện thứ hai của ngài Đạo Ưng, đệ tử Tổ Động Sơn Lương Giới. Ngài Đạo Ưng tu ở cái thất riêng, nhưng tới giờ thọ trai lại ăn cơm với chúng. Sau luôn một tuần, Đạo Ưng không đến ăn cơm. Ngài Động Sơn cho người gọi đến hỏi:

– Mấy ngày nay sao không thấy ông đi ăn cơm?

Đạo Ưng đáp:

– Mỗi ngày có thiên thần cúng dường.

Quí vị thử nghĩ, tu mà chư Thiên đem cơm đến cúng dường còn gì hãnh diện bằng phải không? Thế nhưng ngài Động Sơn quở:

– Ta bảo ông là kẻ vẫn còn kiến giải. Vậy chiều nay lại đây.

Đến chiều ngài Đạo Ưng xuống, Tổ Động Sơn gọi:

– Ưng am chủ!

Đạo Ưng cất tiếng:

– Dạ!

– Không nghĩ thiện, không nghĩ ác là cái gì?

Đạo Ưng trở về am ngồi yên lặng lẽ. Thiên thần tìm mãi không thấy, trải qua ba ngày như thế mới thôi cúng dường.

Quí vị thấy ngài Pháp Dung được chim chóc cúng dường, ngài Đạo Ưng được chư Thiên cúng dường, vậy là tu hay. Sau chim chóc, chư Thiên không cúng dường nữa là tu dở phải không? Đó là điều chư Tăng ở đây phải nắm cho thật vững, nếu không dễ lầm lẫn. Vì sao Tổ Động Sơn nói “ông còn kiến giải”? Sở dĩ chư Thiên hay chim chóc cúng dường là do mình khởi quán tâm từ bủa khắp mọi người, khắp chúng sanh, nên chư Thiên và chim chóc cảm thông được. Nhưng còn khởi quán là còn kiến giải, chưa phải bặt dứt, chưa là chỗ cứu kính của người tu thiền.

Chúng ta bây giờ còn kiến giải mà chim chóc, chư Thiên không cúng là tại sao? Vì nơi mình là kiến giải sân hận, buồn phiền, không hay không tốt. Chẳng những chư Thiên, chim chóc không cúng mà có thể Ma vương cũng thấy. Vì vậy tất cả ráng tu, mọi kiến giải tội lỗi phải dứt sạch, rồi kiến giải chân chánh, tốt đẹp cũng phải lặng luôn. Cho nên ngay câu nói của Tổ Động Sơn: “không nghĩ thiện, không nghĩ ác là cái gì”, ngài Đạo Ưng lặng hết tâm thiện ác. Từ đó chư Thiên không còn cúng dường nữa.

Đó mới là chỗ chân thật của người tu thiền. Vì còn suy nghĩ, dù nghĩ thiện cũng là tướng sanh diệt. Đến chỗ vô sanh rồi không còn có niệm thiện, niệm ác, như vậy mới là cứu kính. Trong chúng có nhiều người không hiểu điều đó, thấy được một hai cái lạ, nghe được một hai điều mới, tưởng đâu mình là Thánh, đuổi theo rồi trở thành bệnh. Điều này hết sức nguy hiểm.

Tôi nhắc cho trong chúng biết rõ, từ đây về sau trong khi tu những gì thấy lạ, nghe lạ và chuyển biến lạ trong người phải trình cho tôi biết, để tôi chận ngay từ buổi đầu mới không nguy hiểm. Nếu để thành bệnh rồi, tôi có biết cũng bó tay, không làm sao sửa được.

Đó là điều tôi nói đáng buồn, đáng lo cho đường lối tu. Tôi không có lỗi hướng dẫn sai, chỉ vì những người tu ở đây không trình các chỗ tu sai lệch cho tôi biết, làm sao mà sửa, vì tôi chưa được Tha tâm thông. Nên tôi nhắc cho chúng là phải thật thà, tu thấy điều hay, điều dở đều trình cho tôi rõ. Tôi biết cái gì tốt, cái gì nguy hiểm, sẵn sàng tiếp quí vị để chỉ dạy cho đúng.

Tôi nói rõ cho toàn chúng hiểu được cái lợi và cái hại trên đường tu. Có những điều mình thấy như hay nhưng rốt cuộc lại dở, những cái mình tưởng dở trái lại là hay. Cũng như T.N thấy nội tâm mình có những chỗ dở, đem trình bày, đó thấy như dở mà lại là hay. Nó giúp mình tiêu diệt hết những chủng tử quá khứ để được thanh tịnh, chớ không phải là nhục, là xấu. Dở mà giấu giếm mới là xấu, vì sẽ không bao giờ hết dở được, tu không thể tiến.

Đó là lời nhắc nhở của tôi hôm nay. Mong rằng toàn chúng hiểu rõ để ứng dụng tu, có những trở ngại hay bước tiến nào phải trình cho tôi biết, đừng nên giấu giếm. Đây là điều hết sức quan trọng.