Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VI. ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN ĐỆ NHỊ
(TT)

Bắc Phương Thiên Vương: Còn gọi là Đa Văn Thiên Vương, biểu trưng phải nghe nhiều, không hề bảo phải nói nhiều, không hề có “Đa mồm Thiên Vương”.

Tóm lại, muốn thành tựu trí tuệ, phải đạt đến những mục đích đã đề cập trên: Thấy nhiều, nghe nhiều. Nhà Nho Trung Quốc thường nói: “Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường”. “Đi vạn dặm đường” là để tham quan, khảo sát, thành tựu học vấn chân thật của chính mình.

Tiên sinh Phương Đông Mỹ, năm xưa khi tôi học triết học với ngài, ngài thường nói: “Người học triết học nhất định phải ngồi phi cơ, một lần bay lên được rất cao, sau đó xem lại thế giới rất nhỏ”, giúp cho bạn lĩnh hội sâu sắc, thể hội cái đạo lý này, nhất định phải đọc sách, đọc nhiều kinh sách, sách sử. Lịch sử là rút lấy kinh nghiệm, thành công hay thất bại: Một quốc gia hưng vượng đều có đạo lý của sự hưng thịnh; quốc gia diệt vong nhất định có nhân tố của diệt vong. Phải nắm được cái nguyên tắc này. Thịnh suy của một gia đình cũng có đạo lý nhất định. Thành tựu, thất bại của một cá nhân vẫn có nguyên tắc, nguyên lý của nó. Phải có tầm nhìn, hấp thụ được lịch sử thì cái thấy của bạn mới được sâu, nhìn được xa. Đọc kinh sách thì thành tựu được trí tuệ, bạn sẽ có năng lực ứng phó, giải quyết được mọi vấn đề. Đây là học vấn chân thật.

Bắc Phương Thiên Vương” trên tay cầm cây dù là biểu trưng phòng ngự ô nhiễm, đặc biệt phòng ngự tâm địa ô nhiễm. Tâm chúng ta vốn dĩ là thanh tịnh, khi khởi tham, sân, si, mạn, mê hoặc… chính là lúc tâm ta bị ô nhiễm, tinh thần bị ô nhiễm, kiến giải bị ô nhiễm, vậy là hư rồi!

Tóm lại, mọi hình tượng thờ cúng trong nhà Phật đều có tính giáo dục, hàm nghĩa rất sâu. Mọi người đến đây không phải để cúng bái thần mà là để chiêm ngưỡng. Vừa thấy các ngài, họ liền được khai mở trí tuệ, biết được phải nên làm gì. Cho nên, kinh này vừa mở đầu, nhất định nêu danh hiệu các ngài; chính là ý này. Người thông minh, vừa xem thấy danh hiệu các ngài là đã hiểu được hàm nghĩa trong kinh muốn nói gì.

– Hộ Pháp Thiên Vương: “Hộ” là hộ vệ chính mình, không phải hộ người khác. Tôi thường nói: Những du khách mỗi ngày đến Trung Quốc Đại Lục rất đông đảo, nếu được hướng dẫn viên tốt, hoặc Pháp sư ở đạo tràng đó có thể thông suốt tường tận, giảng giải cho họ thì đây là cơ hội giáo dục rất hiếm có. Bình thường chúng ta giảng dạy Phật pháp, họ đều không chịu nghe, bây giờ họ đến cửa, cố gắng mà giáo hóa họ một loạt để trước khi quay về, họ xuất tiền cúng dường chúng ta không uổng phí! Chúng ta cũng xứng đáng nhận của thù lao. Họ cúng dường tài vật cho ta, ta cúng dường pháp cho họ.

Cho nên, những am đường tự viện cổ xưa, có thể nhân cơ hội này mà giáo hóa chúng sinh trên toàn thế giới. Tôi nghĩ: Tương lai ở Phật Học Viện, đây là giáo trình phải nên xem trọng, Phật pháp có thể nhân cơ duyên này mà mở mang rộng lớn, để những người ngoại quốc đến Trung Quốc tham quan biết được Trung Quốc đích thật là có văn hóa, có học vấn, có trí tuệ, không thể không bội phục giáo dục này. Việc này người ngoại quốc có nằm mộng cũng không nghĩ ra!

Nên nhớ: Học Hiền Hộ, chúng ta không những khéo bảo hộ, gìn giữ chính mình mà còn phải xứng đáng là đệ tử Phật, là bậc thầy mô phạm, gương mẫu cho tất cả mọi người. Nói cách khác, khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm, chúng ta phải đắn đo, suy nghĩ; mỗi niệm phải nghĩ đến đại chúng xã hội, không thể nào làm sai. Hiện nay, vấn đề xã hội tương đối nghiêm trọng! Mọi việc hầu như đi ngược lại với giáo huấn của cổ thánh, tiên hiền. Người lớn thường hay ta thán: Con cái chẳng nghe lời! Học trò không vâng lời thầy! Công nhân nơi xí nghiệp chẳng tuân hành chủ! v.v… Làm chủ phải thương lượng với công nhân, phải nói điều hòa với họ, bằng không họ sẽ bãi công, không làm! Nguyên nhân do đâu? Khổng lão Phu Tử dạy học có nói một câu rất quan trọng: “Tác quân, tác thân, tác sư”.

Khi tôi còn nhỏ, ở Phúc Kiến, vào thời đó mỗi gia đình đều có cúng bài vị tổ tiên. Trên bài vị tổ tiên đều có viết: “Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư”. Ấn tượng của tôi rất sâu sắc. Cho nên, nhà Nho dạy chúng ta: Tác quân, tác thân, tác sư. Giáo dục này không phải đặt định lấy đối tượng mà là phổ biến tất cả. Nếu thông đạt, thực hành được điều giáo học của nhà Nho thì con cái bạn sẽ biết vâng lời, học trò sẽ vâng lời thầy, công nhân của bạn nhất định biết phục tùng chủ. Nếu trong ba chữ, bạn chỉ làm được một chữ thì vấn đề sẽ xảy ra, đó là chuyện tất yếu.

– Con cái vì sao chẳng nghe lời?

– Bạn chỉ làm được một chữ “thân”, bạn là cha mẹ ruột của chúng. Trách nhiệm của chữ “sư” bạn chưa hoàn tất. “Sư” là dạy bảo chúng, bạn chưa làm được! Trách nhiệm của chữ “Quân”, bạn chưa làm xong! “Quân” là lãnh đạo chúng. Bạn là cha mẹ ruột, bạn phải dạy bảo con cái bạn, lấy bạn làm gương. Trẻ nhỏ đều học từ cha mẹ, học tấm gương của cha mẹ. Nếu cha mẹ tâm chánh, việc làm chánh, chúng từ nhỏ đã nhìn thấy tấm gương tốt này, lớn lên làm sao chúng có thể làm càng, làm quấy chớ?! Không thể nào! Cho nên, chúng ta là bậc cha mẹ, khi đối mặt với con cái, là người thân của chúng, cũng phải làm thầy giáo của chúng, cũng phải làm lãnh đạo của chúng. Ba chữ này nếu bạn làm được trọn vẹn, gia đình bạn sẽ được mỹ mãn, vấn đề sẽ được giải quyết.

Cũng cùng một đạo lý này, ở trường học, bạn chỉ làm được một chữ “sư”, bạn không làm được chữ “thân”, không thương yêu, quan tâm đến học trò, không toàn tâm, toàn lực giúp đỡ chúng. Bất luận là ở phương diện nào, bạn không phải là người lãnh đạo tốt của học trò, không làm được chữ “Quân” thì trách sao học trò không vâng lời!

Nơi xí nghiệp, công ty cũng thế. Bạn là ông chủ, là người lãnh đạo công nhân, là bậc thầy, mỗi sự việc bạn đều chỉ đạo, dạy bảo họ. Bạn có thể xem công nhân như anh, chị, em, con cái… của bạn. Bạn thương yêu, chăm sóc, yểm trợ họ, giúp họ giải quyết khó khăn. Công nhân của bạn nhất định tận trung với bạn. Cho nên, ba chữ “quân, thân, sư” không thể tách rời. Chính mình chân thật làm đến được thì bạn chính là tấm gương tốt cho xã hội, là bậc thầy mô phạm, là chân thật hộ trì chính mình. Đây là chân thật thâm nghĩa bao hàm ở trong Hiền Hộ, chúng ta nhất định phải thông suốt vấn đề này.

Kế đến mười lăm vị Bồ Tát phía sau là cư sĩ tại gia: Vị thứ nhất là Thiện Tư Duy Bồ Tát: Chữ “Thiện Tư Duy” biểu thị chánh trí minh liễu, (hiểu trọn vẹn rõ ràng) tin sâu Phật tuệ, lại còn biểu thị ngài Pháp Tạng lúc còn tu nhân, tư duy năm kiếp kết thành thắng nhân đại nguyện.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Thiện Tư Duy” chú trọng nhất ở chữ “Thiện”. Ý nghĩa chữ “Thiện” quá sâu, quá rộng, rất khó hiểu, chúng ta không cách gì làm đến được, nên cần đem tiêu chuẩn này hạ thấp xuống để có thể thực tiễn được ngay trong đời sống của chính mình. Đây là chúng ta chú trọng ở “giải, hành, chứng”, ngay trong công việc đối nhân xử thế, tiếp vật. “Thiện Tư Duy” chính là biết ân, báo ân. Việc này, chúng ta có thể làm được: Thường nghĩ ân Tam Bảo, ân chúng sinh, ân cha mẹ, ân Tổ quốc.

Trong “kệ hồi hướng” chúng ta tụng mỗi ngày: “Thượng báo tứ trọng ân” (trên đền bốn ân nặng). Một người có thể thường nghĩ đến báo ân, đức hạnh của người này càng tích càng sâu, chúng ta thường gọi là tích công bồi đức. “Tri ân, báo ân” điều này thật không đơn giản. Trong Kinh Đại Bát Nhã, vừa mở ra, đức Phật đã chỉ bày, Bồ Tát Nhị Địa tu học có tám khóa mục, “tri ân, báo ân” là một trong tám khóa mục đó. Việc này nói rõ “tri ân” là đáng quí. Trí tuệ Bồ Tát Nhị Địa tương đối cao, họ mới chân thật tri ân. Phàm phu không biết tri ân! Không biết ân dưỡng dục của cha mẹ, không biết ân giáo hóa của thầy, không biết ân hộ trì của quốc gia. Việc này phải nên hiểu.

Bạn thấy những người không quốc tịch thật đáng thương! Quốc gia bảo hộ bạn; nếu là một quốc gia lớn mạnh, bạn cầm lấy hộ chiếu đến quốc gia nào, họ đều tôn kính bạn. Nếu bạn không có quốc tịch, họ cũng xem thường bạn. Phải thể hội được điều này, quốc gia có ân đức bảo hộ chúng ta. Không những thế, tất cả chúng sinh đều có ân đức hổ trợ ta: Quần áo ta mặc không phải do ta nuôi tằm dệt vải; cơm gạo ta ăn cũng không phải do ta gieo trồng v.v… Trong xã hội có biết bao nhiêu người khổ cực cần lao, cung cấp đời sống hằng ngày cho ta.

Cho nên, phải chân thật hiểu được bốn ân nặng, đặc biệt là nhớ nghĩ ân Tam Bảo. Trong ân Tam Bảo trọn vẹn đầy đủ bốn ân. Kế đến phải nhớ nghĩ đến chúng sinh đang đau khổ khắp nơi trên thế giới mà khởi đại bi tâm. Chính tâm đại bi này là động lực thúc   đẩy chúng ta chăm chỉ, nỗ lực tu học hầu thành tựu đức hạnh, học vấn, năng lực v.v… tiến đến quả vị giác ngộ trong một đời này

Phật pháp không phải tôn giáo, Phật pháp là giáo dục, là học thuật. Bất cứ tôn giáo nào cũng phải học Phật pháp. Vì sao? Vì bạn phải học trí tuệ. Có trí tuệ, có giác ngộ mới giải quyết được mọi vấn đề. Cho nên, Phật giáo không chủ trương bài xích, bảo bạn bỏ đạo mới đến học Phật, việc làm này trái với đạo đức xã hội. Đức Phật không nhận học trò này!

Bạn là tín đồ tôn giáo, bạn có quyền yêu thích tôn giáo của bạn, tôn kính Thượng đế của bạn. Phật tán thán bạn, bạn là con cái tốt của Thượng Đế, là học trò tốt của Phật. Bạn tín ngưỡng tôn giáo, có thể qui y Tam Bảo, làm học trò của Phật. Bạn với Thượng Đế là quan hệ cha con, bạn cùng với Thích Ca Mâu Ni Phật là quan hệ thầy trò, không hề có xung đột, rất là hòa hợp.

Nên biết, chỉ có trí tuệ mới khiến người ta tâm phục, khẩu phục. Trí tuệ ở đây không cần phải có văn bằng, văn bằng chỉ là giả không thật, không có tác dụng gì. Điều quan trọng là đối với chính mình, bạn phải có tín tâm, chăm chỉ nỗ lực, nhất định phải đoạn dứt phiền não, tiêu nghiệp chướng; ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng của thế gian xả được sạch trơn. Cho nên, Thiện Tư Duy Bồ Tát là:

–  Thường tư duy bốn ân nặng.

–  Tư duy nỗi khổ của chúng sinh trong lục đạo luân hồi đang mê hoặc điên đảo, ngu muội vô tri, tạo nghiệp thọ báo không ngày ra khỏi mà tìm cách cứu giúp họ. Tư duy nỗi khổ của chúng sinh cũng chính là quay đầu lại chính mình. Không nghĩ đến nỗi khổ của chúng sinh thì không biết chính mình khổ.

– Tư duy đến nghiệp chướng sâu nặng của chính mình từ vô thỉ đến nay tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Đời này nếu chỉ hưởng phước, không chịu tu phước, còn tạo thêm tội nghiệp thì phước sẽ chóng hết, tội báo sẽ hiện tiền.

Trên đây là ba sự việc có quan hệ mật thiết với chúng ta. Thế nhưng, danh hiệu của Bồ Tát có thêm chữ “Thiện”. Cái gì gọi là “Thiện”? – Phàm những việc tương ứng với chân như, pháp tánh đó chính là “Thiện”; đi ngược lại chân như, pháp tánh là bất thiện. Cách nói này rất khó hiểu, rất khó thể hội. Nói một cách đơn giản dễ hiểu chính là: Khởi tâm động niệm, lời nói, ý nghĩ, việc làm đều tương ứng với giáo huấn của bộ kinh này, đây là thiện.

Đại Sư Ấn Quang nói rất hay: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành”. Tám chữ này là thiện có thể giải cứu cả kiếp nạn này.

– Sao gọi là “Đốn luân”?

-“Luân” là luân thường, đại đạo, là qui luật của tự nhiên, của đại tự nhiên; con người có; súc sinh, ngạ quỷ thảy đều có. “Luân” cũng có nghĩa là loại, là đồng loại, đồng luân. Chúng ta thuộc loại nào? Giáo dục thời xưa của Trung Quốc, khái niệm căn bản chính là “luân thường”. “Luân thường” bắt đầu từ vợ chồng đến cha con, anh em, vua tôi, bè bạn. Đây là giáo dục “ngũ luân”. Trong đời này muốn đạt được hạnh phúc mỹ mãn, việc quan trọng là quan hệ giữa người và người phải xử sự cho tốt. Thử hỏi, một gia đình: Cha không ra cha, con không ra con, anh chị em, người thân quyến thuộc cùng sống với nhau đều xem nhau như kẻ thù thì gia đình này có hạnh phúc không?

Hôm nay, chúng ta học Phật rồi, trong “ngũ luân” có một loại đặc biệt, loại của chúng ta là “học Phật”. Trong “học Phật” lại có thể phân ra nhiều loại. Loại của chúng ta là “tu Tông Tịnh Độ”. Bạn thuộc loại nào, bạn phải làm hết bỗn phận của loại đó; đối với xã hội, đối với đồng luân nhất định phải có cống hiến, đây là “tận phận”. Dốc hết bỗn phận của mình: Tự mình làm, cũng khuyên người làm, chính mình dựa vào kinh điển, y giáo phụng hành, sau đó mới có thể khuyên bảo người khác.

Trong kinh, đức Thế Tôn biết bao lần khuyên dạy chúng ta nên thọ trì, đọc tụng vì người diễn nói. “Thọ” là hoàn toàn tiếp nhận những gì trong kinh đã dạy. Sau khi tiếp nhận thì mãi mãi gìn giữ, không đánh mất cũng không biến chất, quyết tuân thủ, đây là “trì”. Không những thế, còn phải diễn thuyết cho người.

– “Diễn” là gì?- Là làm gương cho người khác xem. Đời sống chính là biểu diễn, làm tấm gương cho người khác. Tấm gương này phải hoàn toàn tương ứng với lời dạy trong kinh. Ví như Phật dạy: khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người. Nếu hàng ngày ta cứ moi móc, nói xấu lỗi người là sai rồi! Không tương ưng lời Phật dạy là bạn không có thọ trì, không vì người khác diễn nói.

Phật pháp là giáo dục; giáo dục là cầu học. – Bạn có tâm cung kính, tâm chân thành cầu học nơi các bậc thầy chăng? Người xưa thường nói: Chỉ có trò đến cầu thầy, không có chuyện thầy tìm trò để dạy. Hoàn toàn không có đạo lý này. Đây là tôn sư trọng đạo.

– Ai là thiện tri thức? – Ai là thầy tốt của bạn?

– Người mà bạn kính ngưỡng nhất, khâm phục nhất, có thể học hỏi nơi họ để tiến đến thành công. Đó chính là thiện tri thức, bậc thầy tốt nhất của bạn.

– Hằng ngày bạn ở chung với Phật Thích Ca, Phật A Di Đà nhưng bạn chẳng học được thứ gì cả là do đâu?!

– Bạn không có tâm khâm phục các ngài! Những gì các ngài dạy, bạn không làm theo! Chân thật kính ngưỡng, bạn phải vâng lời. Bản thân thầy không thành tựu, không quan trọng! Thầy làm không được nhưng thầy dạy bạn, bạn đều làm được. Thầy mọi thứ đều không đúng pháp, nhưng phương pháp thầy dạy bạn là đúng như pháp, bạn thảy đều làm theo, bạn thành Phật, thành Tổ vượt qua thầy rồi. Nên nhớ! Ở đây không phải nói kính ngưỡng tiếng tăm, thanh danh lừng lẫy của họ. Trong trường hợp này, lời họ nói ra, bạn chỉ tuân bằng mặt chứ không bằng lòng. Vậy thì nhất định sẽ không có sự thành tựu.

Tôi học Phật bảy năm, sau đó xuất gia, liền bắt đầu giảng kinh, dạy ở Phật Học Viện. Sau khi xuất gia hai năm tôi mới thọ giới, trong khi đó tôi đã giảng kinh được hai năm rồi. Thọ giới xong, tôi đến Đài Trung thăm thầy Lý. Ngài vừa gặp tôi liền nói: “Ông phải tin Phật!” Tôi nghe xong bỗng ngây người! Mới gặp chưa nói lời nào. Thầy đã chỉ vào tôi mà nói như vậy. Tôi ngây người một lát, thầy giải thích cho tôi nghe: “Tin Phật không đơn giản!” Không thể nói hiện nay ông đã xuất gia, thọ giới rồi, hơn nữa lại đang làm công việc hoằng pháp, chưa chắc là thật sự tin Phật! Có người cả đời xuất gia tám, chín mươi năm vẫn không tin Phật!

– Tiêu chuẩn tin Phật của thầy là gì?

– Đó là lời Phật dạy trong kinh, bạn thảy đều làm được mới gọi là tin Phật. Nếu chưa làm được tức là bạn không tin. Đã tin thì đâu có lý không làm. Không chịu làm chính là không tin tưởng. Cho nên, hai chữ “tin Phật”, điều này rất khó! Thế Tôn dạy: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”. Tín tâm là cội gốc của tu hành, chứng quả. Không có tín tâm kiên cố làm sao có thể thành tựu đạo nghiệp! Có tín tâm kiên cố thì “đốn luân tận phận” nhất định làm được. “Nhàn tà tồn thành”: “” là tà tri, tà kiến; “nhàn” là ngăn chận. Phải biết ngăn chận, ngăn ngừa tà tri, tà kiến.

– Bằng cách nào ngăn chận tà tri, tà kiến? Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với mọi người:

–  Việc đầu tiên là không nghe điện thoại. Có điện thoại trong tay liền nói cả một, hai giờ, toàn những chuyện thị phi!

Cho nên, không việc gì thì không nên nghe điện thoại, không nên gọi điện, có thể tránh rất nhiều những tư tưởng, khái niệm không chính xác. Tôi thường nói: Không xem báo chí, không xem truyền hình, không nghe đài phát thanh thì tâm bạn thanh tịnh. Những gì cần biết thì hãy tiếp xúc; những gì không cần biết, tốt hơn không nên biết, gìn giữ tâm thanh tịnh của chính mình, đây là “Thiện tư duy”.

Tóm lại, phải học Bồ Tát Thiện Tư Duy. Thực tiễn được “Thiện Tư Duy” trong đời sống thì bạn chính là Bồ Tát Thiện Tư Duy. Nên biết: Niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát là niệm những tánh đức vốn có trong ta. Có nhớ niệm mới biết gìn giữ, biết tự trọng, biết bảo vệ thiện pháp, thiện tâm, thiện hạnh của chính mình, đó chính là Hiền Hộ Bồ Tát. Tư tưởng kiến giải thuần chánh, bạn chính là Bồ Tát Thiện Tư Duy. Cũng có thể nói: Tất cả danh hiệu Phật là tánh đức của ta; tất cả danh hiệu Bồ Tát là đức tu của ta. Từ đức tu hiển hiện ra tánh đức của chính mình. Cho nên, niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát cũng là niệm chính mình.

Số mười sáu đề cập ở đây không phải là con số mà là tiêu biểu cho sự viên mãn. Trong Mật Tông thường dùng số mười sáu hoặc hai mươi mốt, tiêu biểu cho viên mãn. Hiển tông chúng ta phần nhiều lấy số bảy hoặc số mười làm tiêu biểu cho sự viên mãn. Như trong Kinh Di Đà nói: Mười vạn ức cõi Phật, bổn kinh nói hai trăm mười ức cõi Phật (đó là hai mươi mốt mở rộng đến hai trăm mười) đều là ý nghĩa biểu pháp.

Tuệ Biện Tài Bồ Tát: Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất giữa người với người. Khổng Phu Tử dạy học: Đầu tiên là đức hạnh, thứ hai mới là ngôn ngữ. Phật pháp dạy học cũng không ngoại lệ. Hiền Hộ, Thiện Tư Duy là đức hạnh. Tuệ Biện Tài chính là ngôn ngữ. Đây là chỗ gặp nhau giữa Phật học và Khổng học. Trong biện tài phải có trí tuệ thì biện tài của bạn mới tích lũy công đức, mới không tạo nghiệp. Không có trí tuệ thì tốt nhất không nên có biện tài. Vì sao? Biện tài sẽ tạo ra nghiệp lớn, những điều họ nói ra đều không phải là chánh pháp, mê hoặc lòng người, tội này rất nặng! Đọc Luận Ngữ, chúng ta thấy Khổng Phu Tử có thời gian ngắn làm quan ở nước Lỗ. Khi ngài vừa nhậm chức, liền xử trãm Thiếu Chánh Mão đương thời. Thiếu Chánh Mão phạm tội gì?

– Không thấy tội! Bạn nhìn không ra lỗi ông ấy!

– Vì sao Khổng lão lại giết ông ấy?

– Chính ông ta là năng ngôn thiện đạo, nói lời thị phi, bày chuyện thị phi khắp nơi, làm mê hoặc lòng người. Ông ta có biện tài, có lẽ Khổng Phu Tử cũng không biện lại ông, hết cách rồi thì giết thôi! Điều này trong sử sách có ghi: Khổng lão giết Thiếu Chánh Mão, tội của Chánh Mão là tà tri, tà kiến sẽ ảnh hưởng rất xấu đối với xã hội.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi đến giảng kinh tại Hồng Kông (khoảng năm 1977 hay 1978), Pháp sư Thường Hoài ở Hồng Kông nói với tôi: – Hồng Kông có một bộ phận Cơ Đốc giáo gọi là Đạo Phong Sơn, chuyên tiếp đãi người xuất gia. Người xuất gia vào lúc đó, sau khi đến Hồng Kông không có chỗ ở, được họ tiếp đãi vô cùng chu đáo: Cung cấp thức ăn, chỗ ở, hàng ngày đưa họ đi chơi, còn có Phật đường cho họ, mỗi ngày bảo họ lạy Phật, đọc kinh. Tiếp họ thật tốt, chẳng thể chê được, khiến ai nấy đều có cảm tình. Thế rồi, sau hai ba tháng họ nói Cơ Đốc tốt! Phật giáo không được! Pháp sư Phật giáo chẳng đếm xỉa đến chúng tôi, chẳng bằng Cơ Đốc giáo! Sau đó bỏ đạo, đến giáo đường của họ thôi! Rất nhiều Pháp sư đã hoàn tục và vào đạo họ.

Tôi nói: Việc đó hiếm có! Chúng ta đi xem thử. Tôi liền đến Đạo Phong Sơn để viếng thăm, thấy trong đó có một số Pháp sư đã mặc áo hoàn tục. Họ nói với tôi: Cơ Đốc giáo rất từ bi, bác ái. Chủ nhân của Đạo Phong Sơn ra tiếp kiến tôi, đại khái cũng muốn khuyên tôi. Sau khi thăm viếng xong, tôi nói: Việc làm của quí vị rất tốt! Họ nghe xong cảm thấy không hứng thú, cũng hơi ngớ ra! Sau đó tôi nói: “Tôi thật cám ơn quí vị, không hề giả dối, các vị đã khuyên những người xuất gia này hoàn tục, tin Cơ Đốc giáo”. Họ ngạc nhiên, có vẻ không tin, hỏi: Vì sao? Tôi nói: Phật pháp truyền đến nay đã ba ngàn năm rồi, trong cửa Phật cũng có người tốt kẻ xấu; Cơ Đốc của quí vị truyền đến nay sắp hai ngàn năm, những phần tử trong quí vị cũng không hẳn mọi người đều tốt. Họ cũng đồng ý! Tôi nói: Số rác rưởi này nhà Phật chúng tôi không có cách chi thanh lý, quí vị giúp chúng tôi thanh lý sạch sẽ, chúng tôi phải cảm ơn quí vị chứ.

Ý tôi nói: Đạo Phong Sơn của quí vị làm trạm chứa rác của nhà Phật chúng tôi. Chỉ có mấy lời của quí vị mà họ đã xiêu lòng, những người này rõ ràng không có tâm đạo. Không có tâm đạo thì không thể học đạo, quí vị dọn sạch họ đến đây thì tuyệt quá! Thật sự tinh hoa của nhà Phật đâu thể nào lay chuyển được! Nếu họ có thể tỉnh ra, sau này không làm trạm chứa rác nữa, không còn khuyến dụ người xuất gia hoàn tục nữa. Nếu nói thẳng: Họ là người tạo tội nghiệp, việc làm của họ hoàn toàn không có công đức. Những người nghe theo họ đều là thấy lợi quên nghĩa, tâm đạo không kiên cố. Cho nên, trí tuệ biện tài mới thật giúp ta thấu triệt; lời nói của ta mới thật dạy người.

Quán Vô Trụ Bồ Tát: Đây là công phu đích thật đắc lực. Người học Phật đã lâu, thử nhìn lại công phu của mình: Phiền não có giảm chưa? Trí tuệ có tăng trưởng không? Ác nghiệp trong tư tưởng, lời nói, việc làm của mình có giảm chưa? Thiện nghiệp có tăng trưởng không? v.v… Những sự việc này đều thuộc về công phu của bạn. Thành thật mà nói, người học Phật nếu công phu không đắc lực, cũng chưa chắc được vãng sinh. “Quán Vô Trụ”, danh hiệu này khiến chúng ta nghĩ ngay đến Kinh Kim Cang Bát Nhã: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. “Quán Vô Trụ” chính là “Ưng Vô Sở trụ”. Trước đây, Lục Tổ Huệ Năng, đời Đường, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh cũng chính ở câu này. Chữ “Quán” là quán sát thế gian, không dùng tâm ý thức, Thiền Tông gọi là “tham thiền”.

– Vì sao gọi là “tham”?

– “Tham” là tham cứu, không phải nghiên cứu. Nghiên cứu chưa thoát khỏi tâm ý thức, chưa thoát khỏi tư duy tưởng tượng. “Tham cứu” không dùng ý thức.

– Thế nào gọi là không dùng tâm ý thức?

– Điều này không phải dễ! Trước tiên phải hiểu tướng trạng của tâm ý thức như thế nào? Tác dụng của nó ra sao? Sau đó mới dần dần thể hội được. Cái tâm này là A-lại-da thức gieo chủng tử, ngày nay chúng ta gọi là để lại ấn tượng. Sáu căn tiếp xúc với sáu trần đều để lại ấn tượng rất sâu, đây là tác dụng của A-lại-da như: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng… liền phân biệt. Phân biệt là tác dụng của thức thứ sáu, tức là “ý thức”. Do phân biệt mà chấp trước, khởi tâm tham ái, sinh tình cảm gây nên phiền não, đây là “có trụ” thì hỏng rồi! Chấp trước là Mạt-na-thức, chính là thức thứ bảy, chỉ có “Vô trụ” mới tương ưng với Pháp tánh, với chân tướng của sự thật. “Vô trụ” chính là “Thiện Tư Duy”; “có trụ” là bất thiện.

Kinh Kim Cang, đức Phật nói rất hay: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”. Ba tâm bất khả đắc, nói rõ cái tâm “năng đắc” chẳng thể được, đó là giả! Trong kinh nói: Vạn pháp là duyên sinh, ngay cả Phật pháp cũng là duyên sinh. Đức Phật nói: “Pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp” (Pháp  còn phải buông, huống chi là không phải pháp). Chữ “Pháp” ở đây chính là Phật pháp.

– Phật pháp tại sao phải xả?

– Vì Phật pháp cũng là pháp duyên sinh!

“Năng đắc” và “sở đắc” (cảnh giới bên ngoài) đều là giả, không thật, làm sao có thể trụ được. Đức Phật dạy ta đối với vạn sự, vạn pháp phải tùy duyên. Tùy duyên là tự tại: Sao cũng được, có cũng tốt, không có cũng tốt, tuyệt đối không có một chút ý niệm nào được, mất, lấy, bỏ v.v… đây gọi là “Vô Trụ”. “Vô Trụ” chính là Niết Bàn. Công phu “Vô Trụ” đạt đến cực điểm chính là cảnh giới Đại Niết Bàn. Trong Tam Học “Giới-Định-Tuệ” mà nói, đây thuộc về định công thiền định rất sâu. Thiền định phải có Tuệ, nếu Định không có Tuệ thì Định này vô dụng, không khởi tác dụng.

– “Tuệ” là gì?

– Là “sinh tâm” nhưng vẫn “vô trụ”, vậy mới cao minh. Nếu nói “sinh tâm” làm trở ngại “vô trụ”; “vô trụ” làm trở ngại “sinh tâm”, đây là quan điểm của người thế gian. Có người nói công việc quá nhiều làm cản trở tâm thanh tịnh, tôi phải xa rời tất cả công việc mới được tâm thanh tịnh, như vậy là bạn khởi tâm lấy, bỏ rồi! Bạn chẳng tùy duyên tự tại, đó chẳng phải là “vô trụ”. Đã biết tướng là giả, thể là không: Tướng giả thì dù có bận rộn đi chăng nữa cũng là giả, làm sao có chướng ngại! “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, đây chính là cảnh giới Hoa Nghiêm. Công phu như vậy, thọ dụng như vậy mới thật là thọ dụng chân thật, mới thật sự là “Quán Vô Trụ”.

Phật nói trong kinh: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. Quán sát được như vậy, bạn chính là “Quán Vô Trụ Bồ Tát”. Cho nên, việc này rất quan trọng! Có được công phu này, bạn có thể đạt được cương lĩnh của đề kinh, tức là “Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác”.

Trong “Quán Vô Trụ” còn có một tầng ý nghĩa sâu hơn là “Vô Trụ nhất định phải sinh tâm”. Nếu “Vô Trụ” không “sinh tâm”, đây chính là chỗ Thế Tôn quở trách hàng Nhị Thừa trốn vào Niết Bàn, chỉ có tự lợi mà không có lợi tha. Tự lợi, không lợi tha cũng không tệ! Cũng rất khó được! Nhưng phải hiểu: Không lợi tha thì tánh đức của ta không viên mãn. Nói cách khác, nhất định phải “sinh tâm”, nhất định phải đem “sinh tâm” và “vô trụ” hợp thành một. Nếu phân thành hai thì bạn chỉ mới chứng đắc có một nửa, chưa viên mãn.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, các Bồ Tát từ địa vị thấp nhất là Viên giáo Sơ Trụ Bồ Tát đều đã thâm nhập “Vô Sở Trụ”, đạt đến nhất chân pháp giới. Nếu chứng đến quả vị viên mãn, hướng lên trên còn có đến bốn mươi mốt giai đoạn: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác đến Diệu Giác mới thành Phật.

– Nhiều vị thứ như vậy phải tu cách nào?

– “Sinh tâm” hóa độ tất cả chúng sinh. Loại hóa độ này giống như Kinh Kim Cang nói: “Độ vô lượng vô biên chúng sinh mà thật không thấy có chúng sinh nào được độ”. “Độ vô lượng vô biên chúng sinh” là “sinh tâm”, “Thật không có chúng sinh nào được độ” là “vô trụ”. “Sinh tâm” và “vô trụ” là một không phải hai. Một câu này mà nói, chính là năm mươi ba tham học của Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm. Năm mươi ba tham học của Thiện Tài gọi là “trải sự luyện tâm”, cảnh giới nào cũng phải trải qua, phải hòa quang đồng trần với tất cả chúng sinh, không có phân chia.

– “Luyện tâm” là luyện cái gì?

– Luyện “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”

“Trải sự luyện tâm”: Nếu không trải qua khảo nghiệm trên sự tướng, thì tất cả thành tựu của bạn nói ra đều không đáng tin! Hoa sen nở trong nước đâu có chi là hiếm lạ! Sen mà đức Phật nói với chúng ta là hoa sen nở trong lửa, đây mới thật là hiếm lạ, mới thật là trân quí! Lửa tiêu biểu cho ngũ dục lục trần. Ở trong năm dục sáu trần mà vẫn duy trì được tâm thanh tịnh vô nhiễm, vậy là thành công.

Cho nên, “Vô Trụ Sinh Tâm” là Phật pháp cao cấp ở trong Phật pháp. Người thường chúng ta có thể học “Vô Trụ”, không nên học “sinh tâm”. Chúng ta vẫn phải chia nó ra từng giai đoạn. Sau khi thật sự được “vô trụ” rồi thì mới trải sự luyện tâm. Chưa đến được cảnh giới “Vô Trụ” thì việc này làm không nổi, vừa làm là có vấn đề ngay!

Trong “Quán Vô Trụ Bồ Tát” hàm chứa ý nghĩa rất sâu: “Vô Trụ sinh tâm”, “Sinh tâm vô trụ”; chúng ta đảo ngược lại chữ này để đọc thì ý nghĩa liền xuất hiện. Đây là chân thật có trí tuệ, đích thật có định lực vượt qua được khảo nghiệm. Khi chưa vượt qua được khảo nghiệm, chúng ta phải tránh, không nên để cảnh giới bên ngoài quấy nhiễu. Nếu thật sự có định lực, có công phu thì có thể không cần tránh né. Vì sao? Vì chúng ta có thể chuyển cảnh giới. “Cảnh tùy tâm chuyển”, chúng ta sẽ không bị nó chuyển, vậy thì được!

Người mới học Phật, đức Phật đưa ra rất nhiều qui củ nhất định phải tuân thủ. Vì sao vậy? “Vô tri”, như khi còn ở Tiểu học, thầy giáo đôn đốc rất nghiêm khắc. Lên đến Trung học mới nới một chút. Đến Đại Học thì mở rộng hơn: Tự mình quản lý, tự mình có trí tuệ, tự chăm sóc lấy mình. Cũng thế, người hiểu Phật pháp cạn thì càng bảo thủ. Tiểu Thừa như Tiểu học, qui củ quản lý rất nghiêm khắc, một tí sai lầm cũng không được phạm. Phật pháp Đại Thừa thì mở rộng, vì bạn đã có Định, có Tuệ không cần ai quản lý.

Trong Nhất Chân Pháp giới dứt khoát không ai can thiệp đến bạn, mọi việc đều vẫn như pháp. Khổng Tử nói: “Thất thập tùng tâm sở dục, nhi bất vô củ”. Đây là Khổng Phu Tử tự mình nói ra cảnh giới của ngài: Sau bảy mươi tuổi thì tùy theo tâm ý của mình, mọi hành vi đều hợp với phép tắc, với lễ độ, vậy là cao minh! Pháp Thân Đại Sĩ chính là “Tùng tâm sở dục”, nhưng mọi việc họ làm đều không trái với pháp tánh, hoàn toàn tương ưng với tánh đức.

Thần Thông Hoa Bồ Tát: Biểu thị sức thần thông, muôn hạnh kết thành đức hoa để tự trang nghiêm, đầy đủ phương tiện thành tựu chúng sinh, như kinh chép: “Du bộ thập phương, hành quyền phương tiện”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, thật sự khi chứng đắc “Quán Vô Trụ” rồi thì “Thần Thông Hoa” chính là “sinh tâm”, nhất định phải “sinh tâm”. Đã “Vô Trụ” thì phải phát tâm phổ độ chúng sinh.

– Phổ độ chúng sinh có trở ngại cảnh giới thanh tịnh, tịch diệt của ta chăng?

– Không trở ngại! Tuy mỗi ngày cùng với chúng sinh “hòa quang đồng trần”, sinh hoạt, biểu diễn đủ mọi thứ, nhưng tâm họ vẫn như như bất động.

Danh hiệu hai vị Bồ Tát này hợp lại, chính là biểu tượng mà nhà Phật chúng ta thường dùng, đó là “Bánh xe pháp”, “Pháp luân thường chuyển”: “Thần Thông Hoa” là “luân” (bánh xe), chuyển động không ngừng. “Vô Trụ” là trung tâm của “luân”, Tâm vòng tròn bất động, nhưng vòng tròn thì luôn động. Ý nghĩa này rất viên mãn. Chư Phật, Bồ Tát như vậy, chúng ta muốn học Phật cũng phải học như vậy.

– Làm thế nào làm lợi ích chúng sinh mà tâm vẫn như như bất động?

– Kinh Kim Cang Bát Nhã, đức Phật dạy: “Tam luân thể không”: Không ngã tướng, không nhơn tướng, không chúng sinh tướng. Đây chính là không dính tướng ta, không dính tướng người, không dính vào tất cả tướng của sự việc mà ta đã làm, đây gọi là không chúng sinh tướng, là làm đến được “Vô Trụ”. Sinh hoạt mỗi ngày vẫn làm không hề dừng nghỉ, đó chính là “sinh tâm”, là “Thần Thông Hoa” biểu hiện ở chỗ này.

“Thần Thông”, hai chữ này rất nhiều người hiểu lầm, cho rằng đây là những sự việc thật kỳ quái nên gọi là thần thông, hiểu như thế là sai rồi! “Thông” là thông đạt, là trí tuệ tường tận thông suốt tất cả sự việc thế, xuất thế gian nên gọi là “Thông”. “Thần” là biểu hiện năng lực thần kỳ khôn lường, khác hẳn mọi người thông thường. “Hoa” là tỉ dụ cho tu nhân. Thực vật trước nở hoa, sau mới kết quả. Hoa nở tốt thì tương lai kết quả sẽ tốt. Trong kinh, Phật hay dùng hoa, đại biểu cho “Lục Độ vạn hạnh” của Bồ Tát. Bồ Tát phải tu “Lục Độ vạn hạnh” mãi cho đến khi viên thành Phật quả.