Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. NHÂN DUYÊN THÀNH LẬP TỊNH TÔNG HỌC HỘI

Đây là nhân duyên! Tôi rời tổ quốc mấy mươi năm, lần đầu tiên về nước, hình như là thập niên tám mươi, là năm 1987 hay 1988 gì đó, không nhớ rõ! Ở Mỹ, tôi liên hệ được với lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, biết được ông đang ở Đại Lục hoằng dương bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ, tôi vô cùng hoan hỷ, bởi vào thời đó, hoằng dương bản này (tức bản Phật thuyết Đại thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh do cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập) không có ai, ở hải ngoại chỉ có mình tôi, ở Đại lục chỉ có mỗi mình ông ấy. Ở Mỹ, tôi chỉ điện thoại liên hệ ông nhưng chưa gặp mặt vì thời gian ông ở Mỹ có một tháng rồi trở về nước.

Tôi đến Bắc Kinh, Đại Lục thăm ông. Sau khi gặp mặt, ông nói với tôi: hy vọng ở hải ngoại tôi thành lập Tịnh Tông Học Hội, đây là nguyện vọng của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, từ lâu ông đã đề xuất nhưng ở Đại Lục không thực hiện được, ông hy vọng tôi ở hải ngoại làm được.

Tịnh Tông Học Hội thứ nhất của tôi ở hải ngoại là tại Vancouver, Canada. Tịnh Tông Học Hội thứ hai ở Mỹ, California, do Vương Nhất Hoa chủ trì, phát triễn cũng khá. Riêng ở Mỹ và Canada có hơn ba mươi Tịnh Tông Học Hội. Tịnh Tông Học Hội chính là Liên xã ngày xưa, chỉ đổi danh xưng mà thôi. Danh xưng này là hiện đại hóa, mọi người nghe qua có vẽ rất mới mẻ, không giống như Liên xã trước đây, nói đến Liên xã, mọi người liền nghĩ đó là tôn giáo, là mê tín. Cho nên, Hạ Liên Cư, ông ấy nghĩ rằng phải đổi tên, tên không chánh tức ngôn không thuận, tất cả đạo tràng Phật Giáo nên đổi thành Học Hội như: Thiên Thai Tông là Thiên Thai Học Hội, Hoa Nghiêm Tông là Hoa Nghiêm Học Hội v.v…

Hiện tại trên toàn thế giới, tính đến nay (năm 2010) có khoảng trên hai trăm “Tịnh Tông Học Hội”. “Tịnh Tông Học Hội” là do ông ấy đề ra, chúng tôi ở nước ngoài thực hiện. Chúng tôi không có quản hạt, các “Tịnh Tông Học Hội” mỗi mỗi đều độc lập: hành chánh độc lập, nhân sự độc lập, tài vụ độc lập, chỉ có lúc tổ chức hoạt động, chúng tôi hỗ trợ chi viện cho nhau. Chúng tôi không có tổ chức, không có trên dưới, mọi người đều bình đẳng như nhau, đều là tự động tự phát.

Chúng tôi toàn tâm, toàn lực giúp họ, hiệp trợ cho họ trên Giáo, Lý, Hành, Quả. Bất luận giảng kinh ở đâu, chúng tôi dùng mạng internet, họ đồng bộ đều có thể thu nghe được; truyền hình vệ tinh lại càng thuận tiện, hai mươi bốn tiếng đồng hồ không hề gián đoạn, chúng tôi dùng phương pháp này để liên hệ. Thỉnh thoảng có việc cần tham quan, thăm viếng, tiếp xúc và chia sẻ Phật pháp với mọi người, ngoài ra tất cả thời gian đều dùng vào việc giảng kinh.

Tại Úc châu, chúng tôi kiến lập một Tịnh Tông Học Viện, đây là cơ quan bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp, khác với Tịnh Tông Học Hội là thuộc về cơ cấu tôn giáo. Đầu tiên, Tịnh Tông Học Viện Úc châu được chính phủ phê chuẩn là tôn giáo. Nhưng sau ba năm, nhân viên chính phủ đến khảo sát, họ phát hiện chúng tôi đang làm công tác giáo dục không phải là tôn giáo nên qui nạp Học Viện chúng ta vào giáo dục xã hội, qui về trường học. điều này thật hiếm có! Vô cùng hiếm có!

Trên thực tế, đức Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời là làm công tác giáo dục xã hội, suốt đời chỉ dạy học, những hành nghi tôn giáo trong suốt cuộc đời ngài không tìm ra được. Cho nên, chúng ta tôn xưng Thích Ca Mâu Ni Phật là đức Bổn sư, là bậc thầy căn bản của mình; tự xưng mình là đệ tử. Quan hệ giữa chúng ta và đức Thích Ca Mâu Ni Phật là quan hệ thầy trò. Bồ Tát, A-la-hán v.v… là những học trưởng, trong quá khứ đều là học trò của Phật. Chúng ta và Bồ Tát là đồng học trước và sau. Quan hệ phải xác định cho rõ ràng, họ không phải là thần, không phải là thiên, họ là con người học Phật, nhất định phải đem Phật Giáo trở về với giáo dục.

Phương hướng, mục tiêu này năm xưa lúc mới học Phật, Chương gia Đại sư đã chỉ dạy cho tôi, ngài khuyên tôi xuất gia, dạy tôi học Thích Ca Mâu Ni Phật. Quyển sách đầu tiên ngài bảo tôi đọc là “Thích Ca Phương Chí”, “Thích Ca Phổ” tức là truyện ký về đức Phật Thích Ca. Tôi hoàn toàn tiếp thu, nên vừa xuất gia liền bắt đầu giảng kinh dạy học mãi đến năm nay (năm 2010) là năm mươi hai năm. Tôi vô cùng cảm tạ thầy, nếu không có sự chỉ đạo của thầy, cho dù xuất gia cũng sẽ không có thành tựu.

Điểm tốt của tôi chính là vâng lời. Tôi đối với thầy thâm tín không nghi, điều thầy dạy tôi chăm chỉ nỗ lực học tập. Quí là ông trời che chở, thọ mạng tôi kéo dài. Điều này đối với tôi giúp ích rất nhiều, nếu không có được thời gian học tập dài như vậy thì không có cách chi khế nhập được cảnh giới. Huân tập năm mươi hai năm kinh giáo, rất nhiều thứ có thể nhìn thấy, thời gian ngắn quá thì không được.

Tôi học Phật tổng cộng là năm mươi chín năm (tính đến năm 2010), giảng kinh năm mươi hai năm. Năm mươi chín năm kiên nhẫn, miệt mài, mỗi ngày không xa rời kinh quyển. Bình quân mỗi ngày đọc kinh bốn tiếng đồng hồ. Tôi rất hy vọng hiện tại giảng kinh cũng có thể được bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Giảng bốn tiếng cũng không có vấn đề gì, nhân duyên thôi! Tất cả tùy duyên! Sống trên thế gian này không có gì khác ngoài việc giảng kinh. Sống một ngày, giảng một ngày. Ngoài giảng kinh ra tất cả đều buông xuống hết. Từ lâu đã buông hết rồi!

(Viết theo “Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa” do Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng ngày 14-10-2010 tại Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội Hồng Kông”, tập 166).

Nam Mô A Di Đà Phật
Diệu Âm – Phổ Hạnh Cẩn chí