MỞ LỚN CON ĐƯỜNG
Hòa thượng Thích Thái Hòa
Ma Tử
Trong một gia đình hai vợ chồng không những có tín ngưỡng Đạo Phật mà còn biết qui y và phát nguyện giữ năm giới của đức Phật dạy nữa. Và họ luôn luôn tự hào là những Phật tử thuần thành.
Tuy nhiên, hai vợ chồng mới làm xong ngôi nhà và muốn thiết lập một bàn thờ Phật để chiêm ngưỡng và lạy Phật mỗi ngày. Người chồng muốn thờ hình tượng đức Phật Thích Ca, người vợ muốn thờ hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm, và ai cũng muốn thực hiện bàn thờ Phật theo ý muốn của mình, nên không ai chịu nhường cho ai ý kiến của mình cả, và họ đã giận nhau, khiến cho gia đình không có hạnh phúc, bàn thờ tâm linh của gia đình bị bỏ trống.
Gia đình không có hạnh phúc không phải chỉ vì thiếu cơm, thiếu áo hay thiếu nhà ở, mà vì thiếu hiểu biết đúng đắn đối với tôn giáo mà mình đang tín ngưỡng.
Nếu người chồng hay người vợ biết rằng, trong đức Phật Thích Ca có mặt của Bồ tát Quán Thế Âm và trong Bồ tát Quán Thế Âm có mặt của đức Phật Thích
Ca; và đức Phật Thích Ca là mặt hướng thượng của Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Quán Thế Âm là mặt hướng hạ của đức Phật Thích Ca, hoặc hiểu rằng, đức Phật Thích Ca là mặt Trí tuệ của Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Quán Thế Âm là mặt từ bi của đức Phật Thích Ca, thì mọi mâu thuẫn tín ngưỡng trong gia đình không thể xảy ra và nếu có xẩy ra thì cũng đã được giải quyết tốt đẹp lâu rồi.
Và nếu Phật tử ai cũng hiểu như vậy, thì Phật giáo đã trở thành một nền Phật giáo thống nhất lâu rồi, và lẽ đương nhiên, trí và hạnh của người Phật tử dù đang ở chân trời góc bể nào, thì cũng chỉ khác nhau về phương sở, mà không khác nhau ở điểm đồng qui của trí và hạnh.
Nếu tự cho mình là Phật tử mà không có điểm đồng qui của trí và hạnh, thì càng làm cho ngôi nhà Phật giáo bị chia phân từng mảnh và lẽ đương nhiên đó không phải là Phật tử mà là ma tử.