SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng
I. Khởi tâm động niệm đều là tu hành
1. Quán sát thiên chấp của chính mình
Nếu như chúng ta không phát giác thiên chấp của mình, thì sẽ bị những điều tốt xấu che lấp, cũng chính là cố chấp giá trị tiêu chuẩn của mình là đúng, nên không sợ gì, không cần suy xét hoàn cảnh bên ngoài.
Con người sống ở đời thường có rất nhiều phiền não. Tinh thần căn bản của Phật pháp là phải dạy mọi người đoạn trừ phiền não. Đoạn như thế nào? Có rất nhiều phương pháp. Khi chúng ta truy cứu nguồn gốc phiền não thì sẽ phát hiện có một loại phiền não, chính là theo lập trường chủ quan của mình, không thể đổ thừa hoàn cảnh bên ngoài, hoặc người chung quanh đồng ý. Mỗi người đều hi vọng được người khác tiếp nhận, thậm chí hay khống chế người khác; nhưng có rất ít người bằng lòng tiếp nhận ý kiến của người khác, lại không nói được lí do khống chế người khác. Như thế, sẽ xảy ra sự mâu thuẫn, xung đột giữa người với người, giữa người với hoàn cảnh.
Có một cặp vợ chồng, sau khi kết hôn nhiều năm, sống rất hạnh phúc với nhau, nhưng vẫn phải li hôn. Khi họ làm thủ tục li hôn, cả hai người đều rất buồn, ngay bản thân họ cũng nghĩ không ra, rõ ràng tình cảm của hai người còn rất sâu nặng, làm sao có thể đi đến tình cảnh này? Nguyên nhân sức khỏe người vợ rất yếu không chịu được gió; cho dù thời tiết rất nóng chị cũng không chịu được một chút gió, chị không chịu được máy lạnh, cũng không chịu được quạt máy, ngay cả cửa sổ chị cũng không dám mở. Nhưng ngược lại, người chồng thì rất sợ nóng, không có máy lạnh thì không ngủ được. Cho nên, mặc dù tình cảm vợ chồng vẫn còn sâu nặng, nhưng họ không thể sống chung với nhau; cuối cùng, đành phải chia tay mỗi người mỗi ngả. Đây là bi kịch của đời người, cũng là việc bình thường của con người.
Khi Đức Phật ở trong hội Lăng-nghiêm thuyết pháp cho đại chúng, Ngài đưa cánh tay lên hỏi Tôn giả A-nan:
– Này A-nan! Ông xem tay của Như Lai thẳng lên hay là chúc xuống?
Tôn giả A-nan ỷ mình đa văn, nhưng sau khi bị Đức Phật quở trách mấy lần, nên lần này cũng không dám trổ tài, chỉ trả lời mơ hồ:
– Bạch Đức Thế Tôn! Theo người bình thường ở thế gian đều cho rằng bàn tay đưa xuống là chúc xuống, con cũng không biết rốt cuộc thế nào là thẳng lên? Thế nào là chúc xuống?
– Này A-nan! Cánh tay là cánh tay, làm sao có chuyện thẳng lên hay chúc xuống nhất định? Chỉ vì người thế gian cố chấp đưa tay lên là thẳng, duỗi tay là chúc xuống. Đây là cách nhìn mê chấp, chưa giác ngộ.
Vì thế, theo cách nhìn tinh tường của Đức Phật, những điều thấy ở thế gian có rất nhiều tiêu chuẩn giá trị, đều là do chấp trước, vọng tưởng, thị phi, thiện ác của con người vốn không có tiêu chuẩn tuyệt đối. Cũng một người, nhưng người này nhìn theo góc độ nào đó thì cho họ là kẻ xấu; nhưng cách nhìn của người kia thì cho là người tốt. Những tiêu chuẩn này đều do con người xác định ra, chưa chắc gì phổ biến ra đều đúng.
Nếu như chúng ta không thể phát giác thiên chấp của mình thì sẽ bị những điều tốt xấu che lấp, cũng chính là cố chấp giá trị tiêu chuẩn của mình là đúng nên không sợ gì, không cần suy xét hoàn cảnh bên ngoài. Do đó, khi hợp tiêu chuẩn với mình thì khởi tâm ưa thích, còn không hợp tiêu chuẩn thì khởi tâm chán ghét. Tâm phân biệt này chính là nguồn gốc của phiền não. Kì thực, căn bản cảnh giới bên ngoài là giống nhau, cũng giống như cánh tay của Đức Phật, chẳng phải thẳng lên, chẳng phải chúc xuống; nhưng do cách nhìn của mọi người khác nhau, nên có đánh giá và phản ứng không giống nhau. Nếu như chúng ta thường xét lại thiên chấp của mình thì đối nhân xử thế sẽ rất viên dung.
Có một bà mẹ nói với tôi, ở trường con của bà đứng đầu việc đánh lộn với bạn học; kết quả bị thầy giáo xử phạt con bà rất nhiều lần. Thật sự học sinh này đánh lộn với bạn đồng học, là do nó vốn học giỏi, lại không chịu hình phạt của thầy. Thầy giáo không hỏi nguyên do mà quở trách con bà, cho các học sinh kia là tốt, còn con bà là học sinh dở.
Kì thực, học sinh cầm đầu đánh lộn vốn có thành tích không được tốt. Mọi người hãy xem, rõ ràng phạm lỗi giống nhau, nhưng học sinh có thành tích xấu thì vô sự, thành tích tốt thì bị phạt. Thầy giáo dựa vào thành tích tốt, xấu mà đánh giá tiêu chuẩn đức hạnh. Chúng ta thấy sự sai lầm rất rõ ràng, nhưng thầy giáo này hoàn toàn không biết. Trên sự thật, nhiều khi chúng ta cũng như thế, hoàn toàn không biết sự sai lầm của mình.
Do đó, Phật pháp chỉ dạy chúng ta thường quán sát ý nghĩ nhỏ nhặt của mình, đừng bị nó che lấp; bất luận cảnh giới bên ngoài thay đổi như thế nào, nhưng tinh thần vẫn không bị lay động. Như thế thì chúng ta đoạn trừ được phiền não.