SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: PHẠM THIÊN THỈNH PHÁP

Tôi nghe như thế này:

Một thời Đức Phật ở nước Xá-vệ, tại đạo tràng Thiện thắng. Khi mới thành Phật, Ngài tự nghĩ: “Tất cả chúng sinh do lưới mê mờ, lòng dạ đảo điên, theo lối tà đạo, rất khó giáo hóa, Ta có ở đời cũng vô ích, chi bằng nên sớm vào cõi Niết-bàn Vô dư.”

Khi đó vua cõi Phạm thiên biết Đức Phật suy nghĩ như vậy, liền từ trên trời bay xuống, tới trước làm lễ, rồi quỳ gối chắp tay cung kính thưa với Ngài:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài chuyển vận bánh xe Chánh pháp, chớ vào Niết-bàn.

Đức Phật dạy:

– Này Phạm thiên, vì tất cả chúng sinh bị trần cấu che mờ say mê, tham đắm dục lạc nơi thế tục, không có trí tuệ, vì thế Ta có ở đời cũng chỉ luống công! Nên Ta muốn vào Niết-bàn tịch diệt.

Phạm thiên lại thưa:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, ngày nay biển pháp đã đầy, cờ pháp đã dựng, mong Ngài khai đạo, thời gian đã thích hợp. Hơn nữa những chúng sinh có thể độ được, con xem số đó cũng khá đông nhiều. Vậy  vì sao Ngài vào Niết-bàn để cho số chúng sinh non nớt vĩnh viễn mất đi bóng mát che phủ và bảo hộ.

– Bạch Thế Tôn, con nhớ cách đây vô số kiếp, cũng vì chúng sinh nên Ngài từng góp nhặt phương thuốc chánh pháp, cho đến một bài kệ, đến nỗi quên mạng sống, bỏ cả vợ con yêu dấu, để tìm cầu đạo. Vậy vì sao mà Ngài không nhớ nghĩ đến chúng sinh mà bỏ vào Niết-bàn. Con lại nhớ kiếp quá khứ cách đây đã khá lâu xa có một vị vua tên là Tu-lâu-bà ở châu Diêm-phù-đề, cai trị tám mươi bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám mươi ức làng xóm, có hai vạn phu nhân và một vạn quan đại thần. Đối với thời ấy, phúc đức và thế lực của vua Tu-lâu-bà không ai bì kịp, nhân dân thuở đó nhờ đức vua, được an lạc thái bình, mưa hòa gió thuận, vui sướng vô cùng. Một hôm vua tự nghĩ rằng: “Đối với vật chất ta giúp dân đầy đủ, nhưng về tinh thần đạo giáo giải thoát cho con người thì chưa có. Đây là cái lỗi của ta, thật khổ làm sao! Nay ta phải tìm cầu chánh pháp kiên cố chân thật để cho tất cả đạt được giải thoát.” Bấy giờ vua cho ban lệnh khắp trong cõi Diêm-phù: “Nếu ai biết đạo giải thoát của Đức Phật, nói cho ta hay, muốn gì ta sẽ cung cấp cho đầy đủ, không làm trái ý.” Tuyên lệnh đã lâu, nhưng không thấy ai đến nói, nhà vua luôn luôn mong mỏi và tâm ý lúc nào cũng không được vui. Sau đó vua Tỳ-sa-môn thấy vậy bèn đến thử vua, liền biến hình làm một con quỷ Dạ-xoa, mặt xanh lè, mắt đỏ như huyết, răng mọc chìa ra ngoài, tóc dựng ngược, mồm phun lửa đến trước cửa cung, nói:

– Ai muốn nghe pháp tôi sẽ giảng cho. Nhà vua nghe nói, lòng vui mừng khôn tả, tự mình ra đón tiếp mời vào đích thân làm lễ, sai sửa soạn tòa ngồi cao trọng, mời Pháp sư thăng tòa, cho gọi mọi người đến, cung kính nhiễu quanh, mong được nghe pháp.

Pháp sư nói:

– Học pháp rất khó, ông muốn được nghe không phải dễ.

Nhà vua thưa:

– Kính thưa Pháp sư, việc nghe pháp phải đúng lễ thế nào, xin  cho chúng tôi được rõ không dám trái ý.

Pháp sư nói:

– Nếu nhà vua đem vợ yêu con quý cho ta ăn, thì ta sẽ nói cho nghe.

Lúc ấy vua liền đem vợ con yêu quý cống nạp cho quỷ Dạ-xoa. Pháp sư nhận rồi, ngồi trên tòa cao, giữa đám hội đông người nghiễm nhiên ngồi ăn, nháy mắt đã ăn hết. Khi đó quần thần, dân chúng thấy nhà vua hành động như vậy tất cả đều khóc lóc, áo não, vật vã, khuyên nhà vua nên ra lệnh hủy bỏ việc làm này. Nhưng nhà vua do một lòng cầu pháp nên tâm không lay chuyển.

Ăn xong, Dạ-xoa nói một bài kệ:

Tất cả hành vô thường

Có sinh tất phải khổ!

Năm ấm không, vô tướng

Ngã, ngã sở đều không.

Nhà vua nghe xong vui vẻ khôn xiết, sai người chép lấy, để ban pháp cho mọi người trong nước, bắt ai cũng phải tụng đọc.

Bấy giờ vua Tỳ-sa-môn liền hiện lại nguyên hình, ca ngợi:

– Thật cao thượng! Thật đặc thù!

Nói xong, bỗng nhiên lại thấy phu nhân và thái tử hãy còn toàn vẹn.

– Bạch Thế Tôn, vua Tu-lâu-bà thuở đó chính là Ngài. Xưa kia Ngài đã hy sinh vì pháp như vậy, sao nay Ngài nỡ bỏ chúng sinh để vào Niết-bàn mà không giáo hóa, cứu độ? Lại nữa, bạch Thế Tôn, vào thời quá khứ xa xưa a-tăng-kỳ kiếp về trước ở châu Diêm-phù-đề này, có một vị vua tên là Kiền-xà-nibà-lê, thống trị nhiều nước, tám vạn bốn ngàn dân làng, hai muôn phu nhân và thể nữ, một vạn quan đại thần. Nhà vua nhân từ, yêu thương tất cả, nhân dân sung sướng, lúa gạo dư thừa. Cảm phục ân đức coi vua như cha lành.

Nhà vua tự nghĩ như vầy: “Ta được đại vị cao sang, tôn trọng quý giá! Nhân dân trong nước được an vui sung sướng! Tuy thế nhưng chưa đủ, ta muốn tìm cầu chánh pháp cao siêu, nhiệm mầu để đem lại lợi lạc cho thần dân.”

Nghĩ thế rồi, vua sai các quan viết bảng cáo thị và truyền lệnh cho khắp trong nước biết: “Nếu ai có Diệu pháp nói cho ta nghe, ý muốn gì ta sẽ cung cấp cho đầy đủ.”

Lúc đó, có vị Bà-la-môn tên là Lao-độ-sai, đi tới cung môn nói:

– Tôi có Diệu pháp, các ông vào báo cho vua biết. Nhà vua nghe nói, ý rất vui mừng, tự ra nghênh tiếp lễ bái và cho sửa soạn một tòa cao đẹp, mời Pháp sư lên tòa ngồi yên tĩnh. Vua và hai bên tả hữu chắp tay thưa:

– Mong ngài rủ lòng thương xót đến chúng tôi mà mở bày chánh pháp nhiệm mầu để cho chúng tôi được thấu hiểu.

Lao-độ-sai đáp:

– Ta có được trí tuệ cũng phải mất bao công khó nhọc, tìm mãi ở phương xa, dày công học tập, không phải là một việc dễ dàng quá như vậy.

Nhà vua thưa:

– Kính thưa Đại sư, ý Đại sư như thế nào, xin dạy bảo cho chúng tôi được rõ?

Lao-đô-sai nói:

– Nhà vua muốn được nghe pháp, thì phải khoét trên mình ra một ngàn lỗ, đổ dầu cho bấc vào, đốt lửa cúng dường ta, ta sẽ thuyết cho nghe.

Nghe vậy, nhà vua vui vẻ nhận lời và khất lại bảy ngày, để thông báo cho dân chúng biết. Lời thông báo như sau: “Tất cả quốc dân nên biết, vua Kiền-xà-ni-bà-lê sau bảy ngày nữa vì sự cầu đạo, sẽ khoét trên mình một ngàn lỗ, đốt đèn cúng dường Pháp sư, ai muốn nghe và xem sự hy sinh cúng dường của nhà vua thì đến.”

Bấy giờ các vị vua nước nhỏ và nhân dân các nước, hay tin ai cũng buồn rầu, cùng nhau đến yết kiến và tâu:

– Kính thưa đại vương, tất cả muôn dân đều nương nhờ vào phúc đức của đại vương nên được an lạc thái bình, như kẻ mù được nhờ cây gậy, con dại trông ngóng mẹ hiền. Nếu đại vương khoét mình đốt lên, tất nhiên tuyệt mạng, thì muôn dân trông cậy vào ai? Xin Ngài không nên vì một người mà nỡ bỏ chúng sinh trong thiên hạ. Sau đó hai vạn bà phu nhân và năm trăm thái tử, một vạn quan đại thần, tất cả đều can vua việc đó. Nhà vua liền lớn tiếng nói:

– Các ông không nên cản trở tôi cầu đạo Vô thượng, tôi hy sinh thân này là để cầu làm Phật, sau này tôi thành Phật, tôi sẽ độ cho các ông trước. Họ thấy nhà vua khẳng khái như vậy, ai nấy đều tha thiết kêu van, nhưng vua cũng quyết định không thay đổi ý kiến. Hết hạn bảy ngày, nhà vua tới trước Pháp sư làm lễ và thưa:

– Kính thưa Đại sư, tôi xin dốc lòng thành kính, theo lời chỉ giáo của Đại sư bắt đầu khoét mình đốt đèn cúng dường, xin Đại sư hoan hỷ!

Nói xong nhà vua sai khoét lỗ đổ dầu trên thân mình, nhưng không ai dám làm. Sau đó có người Chiên-đà-la đến khoét hộ cho vua. Anh này khoét xong, vất dao xuống đất chạy mất. Khi đổ dầu bỏ bấc xong, mọi người coi thấy ai cũng rùng mình run sợ.

Nhà vua thưa:

– Kính xin Đại sư thuyết pháp trước, sau sẽ đốt lửa, sợ mạng tôi tuyệt thì không được nghe pháp.

Lao-độ-sai đọc bài kệ:

Thường đến đoạn tận

Cao thì phải rơi

Hợp rồi có tan

Sinh thì có tử.

Đọc xong, vua sai đốt lửa, trong khi lửa cháy vua vẫn hoan hỷ không hề hối tiếc. Ngài tự phát thệ rằng:

– Tôi nay cầu nghe đạo giải thoát, nguyện đem công đức này hướng về Phật quả, sau khi được thành, tôi sẽ lấy trí tuệ quang minh, phá ngu si hắc ám cho tất cả chúng sinh.

Nói dứt lời thì trời đất tự nhiên chuyển động tới cõi trời Tịnh cư. Khi đó các vị cõi trời ngó xuống xem, thấy một vị Bồ-tát đốt mình làm đèn cúng dường Pháp sư để nghe pháp không tiếc thân mạng. Họ bay xuống đứng kín cả hư không. Vì quá cảm động nên nhiều vị tuôn nước mắt như cơn mưa lớn, đồng thời họ lại tung hoa xuống để cúng dường.

Vua Đế Thích đến tận nơi, tới trước khen và hỏi:

– Nhà vua đau khổ như vậy, có hối hận gì không?

Nhà vua đáp:

– Thưa không!

Đế Thích nói:

– Tôi thấy nhà vua run rẩy không yên như vậy mà tự nói không hối, lấy gì chứng cớ biết rõ được?

Đế Thích nói dứt lời, thì ngài tự thệ:

– Nếu tâm tôi thủy chung như một, không hối hận gì, thì xin những vết trên mình tôi, lại được bình phục như cũ. Vì lòng chân thực cầu đạo pháp tha thiết, cảm động mười phương, nên những lỗ trên mình tự nhiên lại được bình phục như cũ, thân thể lại tốt đẹp hơn xưa.

Bạch Thế Tôn, vị vua khoét mình để đốt đèn cầu đạo thuở đó, chính là Ngài đấy. Ngài đã cực khổ cầu pháp như vậy vì chúng sinh, duyên tới nay đã đầy đủ, tại sao không thuyết pháp, lại sớm vào Niếtbàn, để chúng sinh mất đi ánh sáng chánh pháp vĩ đại?

Bạch Thế Tôn, lại nữa, vào kiếp quá khứ, ở châu Diêm-phù-đề này có một vị vua, tên là Tỳ-lăng-kiệt-lê, thống trị được nhiều nước, tám vạn bốn ngàn dân làng, hai vạn phu nhân và thể nữ, năm trăm thái tử, một vạn quan đại thần. Nhà vua có nhân đức, coi dân như con đẻ, lại muốn nghe chánh pháp, nên sai quan đại thần tuyên lệnh cho toàn quốc biết như sau: “Thông báo cho toàn quốc biết: Hoàng thượng muốn được nghe Phật pháp, ai biết đến nói cho ngài nghe, ngài sẽ trọng thưởng tùy ý muốn.”

Sau đó có một người dòng Bà-la-môn, tên là Lao-độ-sai tới cung môn nói:

– Tôi là người đã từng nghiên cứu và tu tập giáo lý của Phật, xin ông hãy vào tâu Hoàng thượng cho.

Theo lời yêu cầu của Lao-độ-sai, quan giữ cửa vào tâu vua. Nhà vua được tin rất vui vẻ, tự thân ra nghênh tiếp đảnh lễ trịnh trọng chào hỏi, rồi mời vào trong chánh điện, thiết đãi trọng hậu, rồi sai bày một tòa cao đẹp, thỉnh Pháp sư thăng tòa.

Nhà vua và bá quán, nghiêm chỉnh thân tâm, tới trước Pháp sư cúi đầu lễ lạy, rồi quỳ xuống thưa:

– Kính thưa Đại sư phát tâm Từ bi, thuyết pháp cho chúng tôi được thừa ân công đức?

Lao-độ-sai đáp:

– Sự hiểu biết của ta đây, là do ta chịu khổ đã lâu năm, đi tìm học ở bốn phương xa mới được. Nhà vua coi sự học một cách dễ dàng quá!

Nhà vua một lòng kính cẩn thưa rằng:

– Tất cả những gì cần thiết mong Đại sư cứ nói, tôi không lẫn tiếc một điều gì.

Đại sư trả lời:

– Nhà vua có thể đóng lên mình một ngàn cái đinh sắt, được như vậy ta sẽ thuyết pháp cho nghe.

Nhà vua thưa:

– Vâng! Xin tuân lời dạy bảo của Đại sư. Xin ngài cho lui lại bảy ngày rồi sẽ thực hiện việc đó.

Bấy giờ nhà vua sai người lên tám muôn cỗ xe voi, đi khắp mọi nơi trong cõi Diêm-phù-đề loan báo cho mọi người biết: “Vua Tỳ-lăngkiệt-lê vì muốn được đạo giải thoát cho chính mình và toàn thể, nên đóng một ngàn cây đinh trên thân thể mình, cúng dường Pháp sư. Quốc dân ai muốn biết sự thực hành của vua, sau bảy ngày nữa xin mời đến.” Dân chúng được tin nhà vua đóng đinh trên mình để cầu nghe giảng đạo, họ nô nức kéo nhau đến kinh thành rất đông. Sau đó một đại biểu của dân chúng lên tâu vua:

– Kính tâu Hoàng thượng, lũ chúng tôi thay mặt cho toàn thể quốc dân, đến đây kính mừng Thánh thượng, thọ lạc thiên thu, hưởng phúc lâu dài. Chúng tôi tự biết nhờ ân đức của Hoàng thượng nên được thái bình an lạc, cúi xin thương đến toàn thể quốc dân, miễn bỏ sự đóng đinh trên mình.

Sau đó, tiếp đến phu nhân, thể nữ, thái tử, quan đại thần cũng đồng thanh tâu vua xin miễn bỏ việc đó.

Nhà vua đáp:

– Tôi nhận thấy đã bao kiếp tới nay, bị sống thác trong vòng sinh tử luân hồi, thân mạng đã mất đi biết bao lần; những thân mạng ấy cũng chỉ đeo những tấm lòng tham dục, giận tức, ngu si, nhìn lại số xương thịt trong những kiếp sinh tử ấy, có thể chất cao hơn núi Tu-di, đầu rơi máu chảy ra nhiều hơn năm nước sông lớn; nước mắt khóc người thân nhiều hơn nước bốn biển; những thân mạng sống chết đó,  chẳng qua cũng chỉ uổng mà thôi, chưa từng bao giờ vì đạo pháp mà hiến thân. Tôi đóng đinh cúng Pháp sư để cầu thành Phật, sau khi thành Phật, tôi sẽ lấy trí sáng suốt để trừ diệt bệnh kết sử của các người và đưa dắt các người lên đường giác ngộ giải thoát thành Phật, làm sao mà ngăn chận đạo tâm của tôi được. Theo lời nhà vua tuyên bố, mọi người ai nấy đều im lặng, không dám nói năng gì nữa.

Tới giờ phút này nhà vua đến trước Pháp sư thưa:

– Kính xin Đại sư ra ân, thuyết pháp trước khi đóng đinh, nếu đóng trước, thì sợ rằng tôi sẽ chết không được nghe.

Đại sư đọc bài kệ:

Tất cả đều vô thường

Có sinh đều có khổ.

Các pháp không, vô chủ

Chẳng có ngã sở hữu.

Sau khi Đại sư thuyết kệ xong, vua liền cho người đóng một ngàn cây đinh vào thân thể mình. Tất cả các vị vua nước nhỏ và quần thần, dân chúng trong đại hội đều gieo mình xuống đất như núi băng lớn, vật vã khóc lóc, không còn hay biết gì. Bấy giờ trời đất sáu lần chấn động, chư Thiên các cõi Dục và Sắc thấy điều kỳ lạ bay xuống, thấy một vị Bồ-tát đang khốn khổ vì mong cầu chánh pháp mà làm thương hại đến bản thân, ai nấy đều cảm động, đôi lệ chứa chan, một lòng tôn kính, tung hoa xuống cúng dường. Vua trời Đế Thích xuống tận nơi hỏi:

– Nhà vua tinh tấn dũng mãnh, cầu đạo không tiếc mạng sống như vậy, ý mong muốn điều gì? Làm Đế Thích ư, làm Chuyển luân vương ư, làm Ma vương, Phạm vương ư?

Vua đáp:

– Thưa ngài, tôi quên mình để cầu đạo giải thoát của Phật, để cầu làm Phật và tế độ cho chúng sinh cũng được giải thoát, chứ tôi không cầu phúc báo ở ba cõi sinh tử như Đế Thích, Chuyển luân vương, Ma vương hay Phạm vương.

Đế Thích hỏi:

– Tôi coi nhà vua đau đớn như thế, thì tâm có hối hận gì không?

Vua đáp:

– Không!

Đế Thích hỏi:

– Ngài nói không hối hận thì lấy gì chứng tỏ?

Nhà vua liền lập thệ như sau:

– Với tâm chí thành cầu đạo Bồ-đề, nếu tâm không hối hận, thì thân thể tôi nay lại được bình phục như cũ.

Phát thệ dứt lời, thân thể vua quả nhiên lại được bình phục như cũ. Khi đó tất cả trời, người và quan quân, dân chúng, ai nấy đều vui mừng không tả xiết!

– Bạch Thế Tôn, nay biển pháp đã tràn đầy, công đức đã đầy đủ, sao Ngài lại muốn bỏ chúng sinh, mau vào Niết-bàn không thuyết pháp hóa độ chúng sinh được.

Bạch Thế Tôn, vào quá khứ xa xưa cách nay vô lượng a-tăng-kỳ kiếp cũng ở châu Diêm-phù-đề này, có một vị vua tên là Phạm thiên, sinh được một thái tử tên là Đàm-ma-kiềm, yêu thích chánh pháp, sai người đi khắp bốn phương tìm cầu, nhưng không được thỏa mãn. Do tìm cầu chánh pháp không được, thái tử sinh ra sầu ưu, áo não.

Bấy giờ vua Đế Thích biết thái tử lòng thành như vậy, liền hóa thân làm người dòng Bà-la-môn, đi đến trước cửa cung nói:

– Tôi là người hiểu biết Phật pháp, nếu ai muốn nghe, tôi sẽ giảng giải cho.

Thái tử nghe như vậy, liền ra cung đón rước, đảnh lễ, mời vào đại điện, cho sửa soạn chỗ ngồi, cung thỉnh an tọa, chắp tay thưa:

– Cúi mong Đại sư rủ lòng thương xót, thuyết pháp cho chúng tôi.

Vị Bà-la-môn nói:

– Học đạo rất khó, ta đã biết bao công trình tìm thầy tu học, mới được hiểu biết. Ngươi chưa chút khó nhọc, nay muốn được nghe ngay, thực là coi sự học đạo dễ dàng quá.

Thái tử thưa rằng:

– Kính thưa Đại sư, từ thân tôi cho đến vợ con tôi, vàng bạc châu báu, Đại sư dạy bảo thế nào, chúng tôi xin tuân mệnh không dám trái ý.

Đại sư đáp:

– Muốn nghe pháp, thái tử hãy đào một hố lớn, sâu chừng mười  trượng, ở dưới đốt than cho thật đỏ hồng, rồi thái tử nhảy vào hố lửa ấy cúng dường ta, thì ta sẽ thuyết pháp.

Thái tử nói:

– Vâng, xin tuân lời chỉ dạy của Đại sư.

Sau khi thái tử sai người đào hố thì nhà vua biết tin. Từ vua cho đến tất cả mọi người trong hoàng cung, ai ai cũng lo phiền và khuyên can, nhưng thái tử quên mình vì sự cầu đạo giải thoát, nên không nghe theo những lời khuyên can ấy.

Nhà vua và các quan đều thưa với Đại sư rằng:

– Kính mong Đại sư thương đến chúng tôi, để miễn bỏ việc thái tử nhảy xuống hố lửa, ngoài ra Đại sư muốn dùng gì chúng tôi xin dâng.

Đại sư đáp:

– Việc đó tùy ý thái tử, ta không bó buộc. Đúng thế thì ta thuyết pháp, bằng không thì thôi.

Nhà vua thấy tâm địa của Đại sư quá khẳng khái, nên ngài cũng vái chào rồi trở ra về, không nói năng gì nữa. Trở về nhà vua sai người đi bằng tám vạn xe voi báo cho quốc dân trong cõi Diêm-phù- đề biết rằng: “Sau bảy ngày nữa thái tử Đàm-ma-kiềm vì nghe đạo nên xả thân, nhảy xuống hố lửa, ai muốn thấy việc đó, thì lại sớm nơi đây.”

Các tiểu vương và nhân dân được tin thái tử nhảy xuống hố lửa, họ nô nức kéo nhau đi đến kinh thành đông như hội. Sau đó một số đại biểu của nhân dân tới thưa với thái tử:

– Kính thưa thái tử, chúng tôi là thần dân gặp được thái tử như gặp được cha mẹ, nay ngài nhảy xuống hố lửa, khiến thiên hạ bị mất cha, suốt đời không còn nơi nương tựa. Vậy kính mong ngài miễn bỏ việc đó, để cho quốc gia được an lạc.

Thái tử nói với mọi người:

– Chúng ta sống thác từ đời vô thủy cho tới nay thật vô số, chết cõi này sinh cõi kia, con người vì lòng tham dục, nên giết hại lẫn nhau. Trên cõi trời, khi hết tuổi thọ thì lo về mất hưởng thụ dục lạc; nơi địa ngục lửa đốt suốt ngày đêm, nào nước sôi, búa chém, dao đâm, núi dao, rừng kiếm, hình phạt vô cùng thảm khốc, trong một ngày chết đi sống lại biết bao lần, thân tâm thống khổ không thể giải bày cho xiết.  Cái khổ trăm thứ tên độc xiên dùi vào mình loài ngạ quỷ. Cái khổ kéo cày chở nặng của loài súc sinh, sau lại dâng thân cho con người ăn thịt, những nỗi khổ như thế, khó nói hết trong những kiếp đã chịu đọa đày. Xét lại những thân mạng ấy chỉ uổng mà thôi, có làm được một việc gì về vấn đề giải thoát cho chính mình và chúng sinh trong pháp giới, ai đã biết đem thân ấy chết về việc nghe đạo bao giờ. Ta đem dâng thân này, cúng dường để nghe đạo giải thoát, sau thành Phật, ta sẽ đem lại cho các ông năm phần pháp thân, cớ chi phải ngăn cản công việc ta đã quyết định làm.

Mọi người nghe thái tử nói xong, ai nấy đều im lặng không dám trả lời. Đứng bên miệng hố lửa, thái tử thưa vị Bà-la-môn:

– Kính thưa Đại sư, xin thuyết pháp cho tôi nghe trước khi nhảy xuống hố, kẻo không được nghe chánh pháp.

Vị Bà-la-môn bèn đọc bài kệ:

Thường làm theo tâm Từ

Trừ bỏ tưởng, giận hại

Đại bi thương chúng sinh

Quặn lòng rơi nước mắt!

Tu tập tâm đại Hỷ

Với mình cùng đắc pháp

Cứu giúp bằng đạo lý

Ấy là hạnh Bồ-tát.

Khi thái tử sắp gieo đầu xuống hố lửa, vua Đế Thích và Phạm vương chạy lại cầm tay hỏi:

– Chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề không ai là không nương nhờ hồng ân của thái tử, nay thái tử quyết định gieo mình xuống hầm lửa thì thiên hạ giống như con mất cha, vì sao một mình ngài ra đi mà bỏ cả thiên hạ.

Thái tử tạ Thiên vương và thần dân:

– Quý ngài không nên cản trở đạo tâm cao cả của tôi làm gì. Tất cả trời, người đều im lặng. Nói xong thái tử nhảy xuống hố lửa. Trời đất tự nhiên chuyển biến làm cảm động cả Thiên cung. Khi đó mọi người đều sa nước mắt, lệ tràn như mưa. Ngay khi ấy hố lửa tự  nhiên biến thành một ao sen, họ nhìn vào thấy thái tử ngồi trên đài sen. Lúc đó hoa trên trời bay xuống như mưa ngập ngang gối.

Nhà vua thuở đó nay là thân phụ Ngài, Tịnh Phạn vương; vị hoàng hậu thuở đó nay là thân mẫu Ngài, Ma-da; vị thái tử nhảy xuống hố lửa nay chính là Ngài. Vì cứu độ chúng sinh nên Ngài thuở xưa đã cầu pháp như thế, nay đã thành công, Từ bi thuyết pháp, thấm nhuần cho muôn loài đang khao khát. Sao Ngài nỡ bỏ tất cả mà vào Niết-bàn, không chịu thuyết pháp?

Kính bạch Thế Tôn, lại nữa, vào thời quá khứ xa xưa, cách nay vô lượng kiếp, có một nước tên là Ba-la-nại, nước ấy có năm trăm vị Tiên tu trong núi, ông Uất-đà-la làm thầy các vị Tiên này. Tuy tu theo Tiên đạo, nhưng ông hằng mong được gặp chánh pháp của Như Lai. Ông đã từng đi khắp bốn phương trời và thông báo cho thiên hạ biết rằng: “Ai biết chánh pháp nói cho tôi nghe, nếu muốn dùng gì tôi xin dâng biếu.”

Khi đó có một vị Bà-la-môn tới chỗ ông nói rằng:

– Tôi hiểu biết giáo pháp của Như Lai, ai muốn nghe, tôi sẽ giảng thuyết. Vị thầy Tiên nhân chắp tay nói:

– Cúi xin thương xót nói pháp cho tôi.

Vị Bà-la-môn nói:

– Học pháp rất khó, cần khổ lâu năm mới đạt được. Nay vì sa ông lại muốn nghe ngay, không thể được. Nếu ông chí thành muốn được nghe pháp thì phải theo sự dạy bảo của tôi.

Đại Tiên thưa:

– Lời giáo huấn của Đại sư, tôi không dám trái.

Vị ấy liền nói:

– Nếu ngài có thể lột da của ngài làm giấy; chẻ xương của ngài dùng làm bút; lấy máu của ngài để làm mực, viết lấy giáo pháp của Như Lai, thì tôi sẽ thuyết pháp cho ngài nghe. Uất-đa-la nghe lời ấy xong, vô cùng vui mừng, tôn kính lời Phật dạy nên lập tức sai người lấy dao lột da, chẻ xương, lấy máu. Làm xong ông ngửa mặt thưa rằng:

– Nay đã đúng thời nói pháp, cúi xin Đại sư mau nói.

Vị Bà-la-môn đọc bài kệ:

Thường phải nhiếp thân hành

Và không sát, trộm, dâm

Không hai lưỡi, nói ác

Nói dối, nói đơm đặt,

Tâm không tham mọi dục

Không sân giận, độc tưởng

Xa lìa mọi tà kiến

Ấy là hạnh Bồ-tát.

Vị Bà-la-môn nói xong, vị Tiên tự tay viết lại và sai người sao chép bài kệ này truyền bá khắp nhân gian để dạy bảo cho mọi người biết lối tu hành.

Bạch Thế Tôn, thuở xưa Ngài đã vì chúng sinh cầu học đạo một cách khổ cực đến như vậy mà tâm không hề hối hận, nay tại sao lại bỏ tất cả để vào Niết-bàn mà không thuyết pháp?

Bạch Thế Tôn, lại nữa, vào thời quá khứ xa xưa, cách nay vô lượng kiếp, cũng châu Diêm-phù-đề này, có một vị vua tên là Thi-tỳ, ở thành Đề-bà-bạt-đề, dân nước lúc đó giàu thịnh vô cùng. Nhà vua thống trị tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám ngàn ức dân ấp. Nhà vua có hai muôn phu nhân và thể nữ, năm trăm thái tử, một vạn quan đại thần, vua có hạnh từ bi, thương dân như con ruột.

Lúc ấy vua Đế Thích gặp lúc năm đức lìa thân, sắp tới ngày tận số, khí sắc lúc nào cũng âu sầu, vị trời Tỳ-thủ-yết-ma thấy thế, bèn hỏi:

– Tâu Thiên vương, ngài lo lắng việc gì mà khí sắc âu sầu như vậy?

Đế Thích đáp:

– Khanh không biết hay sao? Hoa trên đầu ta đã héo, tử chướng đã xuất hiện, mạng sống chẳng còn được là bao, hiện nay ở thế gian không có giáo pháp của Như Lai cũng không còn các vị Bồ-tát, ta không biết quy hướng về đâu nên ta buồn!

Tỳ-thủ-yết-ma thưa:

– Tâu Thiên vương, hiện nay ở thế gian thuộc châu Diêm-phù có một vị vua tu theo hạnh Bồ-tát, tên là Thi-tỳ, tâm ý rất bền vững v tinh tấn, sau này quyết định thành Phật. Xin Thiên vương tới đó quy y thì sẽ được hoàn thành ý nguyện và giải thoát.

Vua Đế Thích nói:

– Nếu quả như lời của khanh nói, thì may cho ta lắm, nhưng phải thử xem hư thực thế nào. Vậy khanh hóa làm con chim bồ câu, ta hóa làm chim cắt, khanh bay trước ta bay đuổi theo sau. Khi tới nơi khanh bay vào lòng nhà vua và yêu cầu vua cứu, còn ta đến sau ta sẽ đòi trả để ăn thịt, xem nhà vua giải quyết thế nào.

Tỳ-thủ-yết-ma nói:

– Tâu Thiên vương, Bồ-tát là bậc xứng đáng để chúng ta cúng dường và ủng hộ, chứ không nên làm những sự đau khổ đến Bồ-tát.

Vua Đế Thích liền đọc bài kệ đáp:

Ta phải chẳng ác tâm

Nếu thật vàng nên thử

Để thử Bồ-tát xem

Có thật chí thành không?

Vua Đế Thích đọc xong, Tỳ-thủ-yết-ma tự hóa làm chim bồ câu bay trước, vua Đế Thích hóa làm chim cắt bay đuổi theo sau. Khi tới cung thành, chim bồ câu bay thẳng vào lòng nhà vua tỏ vẻ sợ hãi, rồi kêu vua cứu. Chim cắt bay tới sau, đứng ở trên điện nói:

– Tâu thiên vương, con chim bồ câu ấy là món ăn của tôi.

Chim cắt bay lại cạnh nhà vua, nói tiếp:

– Tâu thiên vương, ngài hãy mau trả lại cho tôi, tôi đang rất đói.

Vua Thi-tỳ đáp:

– Ta vốn có thệ nguyện cứu tế cho muôn loài, nó đã lại đây với ta thì ta không trả đâu.

Chim cắt lại nói:

– Tâu thiên vương, ngài tự nói cứu tế cho muôn loài, mà cướp món ăn của tôi thì tôi phải chết đói, vậy tôi không phải là một trong muôn loài hay sao?

Vua đáp:

– Nếu ta cho ngươi thứ thịt khác thì ngươi có ăn hay không?

Chim cắt nói:

– Tâu Thiên vương, vâng! Nhưng phải cho tôi thứ thịt hãy còn tươi, máu hãy còn nóng, thì tôi mới dùng. Nhà vua thầm nghĩ: “Nếu thế thì phải giết một con vật khác;  nhưng nếu giết một con, cứu một con cũng vô ích, chi bằng ta cắt thịt của ta thay thế cho nó là hơn.” Nghĩ xong, vua lấy dao cắt một miếng thịt đùi ra trao cho chim cắt để cứu sống chim bồ câu.

Chim cắt nói với nhà vua:

– Tâu thiên vương, ngài đã mang danh là vị đại thí chủ, đã dùng con mắt bình đẳng đối với tất cả, tôi đây tuy là một con chim nhỏ, nhưng nếu theo sự công bình, thì ngài phải mang cân để chim một bên thịt một bên; thịt và chim bằng nhau thì tôi sẽ nhận. Theo lời chim nói có lý phải, nên nhà vua sai người mang cân để chim một bên để thịt nhà vua một bên, bắt đầu để một miếng hãy còn nhẹ, lại cắt thêm miếng nữa, vẫn thấy còn nhẹ, cho đến nhà vua cắt hết một vế đùi, nhưng vẫn nhẹ như thường, sau cắt hết hai vế đùi cho đến hai cánh tay, hai bạng mỡ xong vẫn còn nhẹ, sau róc hết các thớ thịt ra để lên cũng vẫn còn thấy nhẹ, chim vẫn nặng hơn, nhà vua liền đứng dậy để bước lên bàn cân, thì đau quá, khí lực đã hết nên ngài ngã lăn xuống đất, mê mệt không biết gì. Giờ lâu tỉnh lại, vua thầm nghĩ: “Ta từ bao kiếp đến nay, cũng chỉ vì có thân này, mà làm cho ta khốn khổ, chìm nổi trong ba cõi, nếm đủ tất cả mùi vị đắng cay, chưa từng làm việc phước đức. Nay, ta phải tinh tấn lập hạnh không giải đãi.” Suy nghĩ xong, vua dũng mãnh đứng lên vào bàn cân, trong tâm hoan hỷ đối với việc lành đã được thực hiện.

Bấy giờ trời đất tự nhiên chuyển động sáu cách, Thiên cung nghiêng ngả, có rất nhiều vị Thiên tử ở các cõi trời bay xuống xem. Họ thấy một vị vua quên mình để cứu một con vật, tất cả nhân gian thiên thượng, chưa từng ai làm nổi. Họ đều cảm động rơi lệ chứa chan và tung các thứ hoa xuống cúng dường.

Lúc ấy Đế Thích trở lại thân trời, đứng trước vua hỏi:

– Ngài làm những việc mà người đời không làm nổi như vậy để cầu làm gì? Nay ngài mong làm Đế Thích, Chuyển luân thánh vương hay Ma vương? Trong ba cõi ngài mong cầu làm gì?

Bồ-tát đáp:

– Thưa ngài, tôi nguyện đem lòng Từ bi cứu hộ chúng sinh để cầu thành Phật, chứ không có ý cầu làm Đế Thích hay Chuyển luân thánh vương mong hưởng những thú vui trong ba cõi.

Vua Đế Thích nói:

– Đại vương cắt thịt đau đớn như vậy, thì tâm có hối hận không?

Đáp:

– Thưa không!

Vua Đế Thích nói:

– Nhà vua nói không, việc đó thì ai biết? Tôi thấy thân thể nhà vua run rẩy như vậy, khí sắc đã gần hết mà tự nói không thì lấy gì làm bằng?

Nhà vua liền lập thệ:

– Tôi từ trước đến nay, không mảy may hối hận, tâm nguyện của tôi quyết sẽ đạt kết quả. Nếu lòng tôi chí thành không trái với lời nguyện của tôi thì cho thân thể của tôi liền được bình phục. Thệ nguyện dứt lời, thân thể nhà vua lại được lành mạnh như cũ, những vết thương tiêu tan da dẻ lại tươi sáng hơn xưa. Bấy giờ tất cả trời người, ai nấy đều vui mừng, khen la một việc chưa từng có.

Bạch Thế Tôn, ngày trước Ngài vì chúng sinh chẳng kể đến thân mạng như vậy. Nay bạch Thế Tôn, biển pháp đã đầy, cờ pháp đã dựng, trống pháp đã lập, đèn pháp đã chiếu, vì lợi lạc mà thuyết pháp độ sinh, nay đã đúng thời.

Bạch Thế Tôn, sao Ngài nỡ bỏ chúng sinh mà vào Niết-bàn.

Bấy giờ Phạm vương đứng trước Đức Phật chắp tay tán dương công đức và tha thiết cầu thỉnh Ngài thuyết pháp độ sinh một cách thành thực, nên Đức Phật hứa nhận lời ông thỉnh. Đầu tiên Ngài đến nước Ba-la-nại ở khu Lộc uyển chuyển vận bánh xe chánh pháp. Ngôi Tam bảo từ đấy mới xuất hiện ở thế gian. Bấy giờ các vị Trời, Người, Rồng, Quỷ thần, tám bộ chúng ai cũng đều hoan hỷ kính vâng phụng hành.