SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 1

Phẩm 2: MA-HA-TÁT-ĐỎA BỐ THÍ THÂN CHO CỌP

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Thế Tôn trú tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn đã đến giờ khất thực. Ngài mang y, cầm bát cùng với A-nan vào thành khất thực. Khi đó có một bà lão chỉ có  hai người con trai do tội trộm cắp ngang tàng, chủ nhân bắt được dẫn đến nhà vua, xét theo sự bình đẳng của luật pháp thì tội này phải xử tử, liền giao cho quân pháp đem đến pháp trường. Trên đường đi gặp Phật, cả ba mẹ con hướng đến Phật đảnh lễ cầu xin cứu giúp:

– Bạch Thế Tôn, xin Ngài rủ lòng thương xót nỗi khổ, cứu giúp mạng sống con tôi.

Với sự thành tâm chí thiết thật đáng thương tâm, Như Lai với lòng Từ bi, liền sai A-nan đến chỗ nhà vua để xin tha mạng. Sau khi nghe lời Đức Phật dạy, vua liền cho phóng thích họ. Thoát được sự hiểm nguy, cảm ân đức cao dày của Đức Phật, họ vui mừng khôn xiết đi đến chỗ Đức Phật đảnh lễ sát đất, chắp tay thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn, mong nhờ hồng ân của Phật mà chúng con được thoát chết, cúi mong Đức Thế Tôn, vì chúng con, rộng mở tâm Từ bi chấp nhận chúng con vào đạo. Đức Phật chấp nhận và nói: “Thiện lai Tỳ-kheo!” Tự nhiên râu tóc họ rụng xuống, áo quần đang mặc biến thành pháp y ca-sa, trong tâm phát khởi cung kính và lòng tin vững chắc. Sau đó Đức Phật thuyết pháp, các trần cấu được đoạn tận, hai người con chứng quả Ala-hán và người mẹ chứng quả A-na-hàm.

Bấy giờ A-nan thấy rõ sự việc như vậy, liền ca ngợi:

– Thật là việc rất hiếm có.

Ca ngợi vô lượng đức hạnh của Đức Như Lai rồi ngài tự nghĩ: “Ba mẹ con người này do phước nghiệp gì từ đời trước mà nay gặp được Thế Tôn, thoát khỏi tội nặng lại chứng được Niết-bàn? Ngay tại đời này gặp được nhiều lợi ích thù thắng như vậy? Thật là may mắn quá!”

Đức Phật dạy A-nan:

– Ba vị này chẳng những ngay kiếp này Ta đã cứu mạng sống mà trong kiếp quá khứ lâu xa Ta cũng đã từng gia ân cứu giúp mạng sống của họ.

Ngài A-nan bạch Phật:

– Không rõ trong quá khứ lâu xa, Đức Thế Tôn cứu mạng sống của họ bằng cách nào, mong Đức Thế Tôn dạy rõ.

Đức Phật dạy:

– Này A-nan, vào thuở quá khứ xa xưa, cách nay vô lượng atăng-kỳ kiếp, tại Diêm-phù-đề này có một vị vua nước lớn tên là Maha-la-đàn-na (Tần gọi là Đại Bảo), cai trị ba ngàn nước nhỏ. Vua có ba người con: Người thứ nhất tên là Ma-ha-phú-na-ninh. Người thứ hai tên là Ma-ha-đề-bà. Người thứ bà tên là Ma-ha-tát-đỏa. Người con út này hay thực hành hạnh Từ bi, thương xót mọi loài như con ruột. Một hôm, đức vua cùng quần thần, phu nhân và các thái tử ra ngoài thành du ngoạn ngắm cảnh. Đi một quãng nhà vua muốn nghỉ mệt dưới gốc cây. Khi đó ba vị thái tử đi vào rừng chơi, thấy con cọp mẹ sinh hai cọp con, dáng bộ đói khát suy kiệt lại muốn ăn thịt con của nó. Khi đó người em nói với hai anh rằng:

– Con hổ này khốn khổ khốc liệt, suy yếu kiệt quệ lại mới sinh hai cọp con, em xem thấy nó muốn ăn hai con nó.

Hai người anh đều đáp:

– Đúng như lời em nói.

Người em lại hỏi:

– Con hổ này thường ăn thứ gì?

Hai người anh đáp:

– Nó ăn thịt và huyết tươi. Khi hiểu được như vậy, người em nói:

– Nay có ai có thể hy sinh, làm việc cứu mạng nó để nó được sống còn không?

Hai người anh đáp:

– Việc ấy khó lắm.

Lúc đó người em tự nghĩ: “Ta từ trước tới nay trong dòng sinh tử đã bỏ thân này vô số kể. Nhưng việc xả bỏ thân mạng hoặc vì tham dục, sân hận hoặc si mê chứ chưa lần nào vì đạo pháp; nay gặp phước điền, thân này đâu có thiết. Sau khi suy nghĩ kỹ và quyết định, cả ba anh em tiến về phía trước. Đi chưa xa lắm, người em nói với hai anh:

– Hai anh cứ đi, em có chút việc riêng. Nói rồi, người em quay ngược lại, theo lối cũ đi đến với ba mẹ con cọp, gieo mình nơi miệng cọp mẹ, nhưng vì quá kiệt sức cọp mẹ không thể há mồm ăn được. Khi ấy thái tử liền lấy que nhọn đâm vào thân mình khiến chảy máu, hổ mới liếm được. Liếm  xong hổ tỉnh táo mới đứng dậy há miệng ăn thịt thái tử. Hai anh đợi một hồi lâu không thấy trở lại liền đi tìm kiếm, bỗng nhớ lại ý định của người em trước đây, chắc đến nơi đó để thí thân cho mẹ con cọp. Khi hai người anh đến nơi thì thấy thi thể của Ma-ha-tát-đỏa nằm trước mặt hổ, hổ ngấu nghiến ăn, máu thịt lai láng. Hai người anh thấy vậy vật vã trên đất bất tỉnh, một lúc sau mới hồi tỉnh. Bấy giờ phu nhân đang nghỉ mệt dưới gốc cây, nằm mộng thấy có ba con chim bồ câu đang đùa giỡn trong rừng, bỗng nhiên có con chim ưng xuất hiện vồ mất chim bồ câu nhỏ. Tỉnh giấc, hoàng hậu hướng đến vua, thuật lại câu chuyện:

– Thiếp nghe người ta bàn rằng: “Mộng thấy chim bồ câu tức có liên hệ đến con cháu, nay con bồ câu nhỏ bị chết tức có liên hệ đến ái tử, người con út của chúng ta gặp việc không lành.” Vua liền sai bề tôi thân cận đi khắp nơi để tìm kiếm, chưa được bao lâu thì hai người anh trở về. Cha mẹ liền hỏi:

– Ái tử yêu quý của ta nay đang ở đâu? Hai người anh nghẹn ngào không nói được nên lời, một lúc sau mới thốt ra được:

– Em của con đã bị hổ ăn thịt rồi! Cha mẹ vừa nghe nhào người xuống đất chết lặng không hay biết gì nữa, thật lâu sau đó mới tỉnh lại. Rồi vua, phu nhân và hai người con cùng nhóm thể nữ tức tốc đi đến chỗ thi thể của thái tử, khi đến nơi hổ đói đã ăn hết thịt, còn lại bộ xương nằm bừa bãi trên đất. Người mẹ nâng cái đầu, cha giữ đôi tay, thương khóc thảm thiết, ngất rồi lại tỉnh.

Sau khi Ma-ha-tát-đỏa mạng chung, liền sinh lên cõi trời Đâu-suất, tự nghĩ: “Ta do nhân duyên gì mà thọ nhận được quả báo này?” Ngài liền dùng Thiên nhãn quán sát khắp năm cõi thấy tử thi trước của mình đang ở trong núi, cha mẹ đang còn luyến tiếc thương khóc. Vì thương cha mẹ mê mờ không biết nên mới thương khóc thảm thiết, có thể do thương tiếc buồn rầu mà ảnh hưởng nguy hiểm đến tánh mạng, ta làm sao để lựa lời can gián. Sau khi nghĩ

vậy, Ngài bèn từ cõi trời bay xuống đứng giữa không trung mà giải thích và khuyên can.

Hai người trông lên và hỏi:

– Ông là thần gì xin cho biết?

Từ trên không trung, ngài trả lời:

– Con là Ma-ha-tát-đỏa do xả thân cứu cọp đói nên được sinh lên cõi trời Đâu-suất. Thưa phụ hoàng và mẫu thân, nên biết rằng tất cả sự việc đều trở về không, có sinh ra tất phải có hồi kết thúc, làm ác thì đọa địa ngục, làm lành thì được sinh Thiên. Sống chết là lẽ thường nhiên cha mẹ không nên mãi chìm đắm trong biển khổ phiền não sầu ưu, mà sớm tự mình giác ngộ, siêng năng tu tập, làm các việc lành.

Cha mẹ đáp:

– Con thực hành hạnh Từ bi, thương xót tất cả, bỏ cha mẹ mà chọn lấy cái chết, lòng cha mẹ luôn luôn nhớ nghĩ đến con, thương nhớ đứt từng khúc ruột, cha mẹ ngày đêm nhớ thương sầu khổ, con lo tu hạnh Từ bi như vậy có xứng hợp không?

Bấy giờ, trên không trung người con dùng nhiều lời kệ có nội dung khéo léo, nhiệm mầu để báo đáp công ân cha mẹ. Cha mẹ nghe xong bớt đi sầu muộn và có phần tỉnh ngộ. Sau đó vua cha làm hòm bằng thất bảo, thu xương cốt bỏ vào trong, cho an táng và xây tháp phụng thờ. Ngài trở về cung trời. Vua, hoàng hậu cùng tất cả trở về hoàng cung.

Đức Phật dạy A-nan:

– Thuở ấy, đại vương Ma-ha-la-đàn-na chẳng phải ai khác, nay chính là phụ vương của Ta, Duyệt-đầu-đàn. Vương phu nhân là mẹ của Ta, Ma-ha Ma-ya. Ma-ha-phú-na-ninh, nay là Di-lặc. Thái tử Maha-đề-bà nay là Bà-tu-mật-đa-la. Thái tử Ma-ha-tát-đỏa, chẳng phải ai khác chính là Ta đây. Hổ mẹ nay chính là lão mẫu. Hai hổ con tức là hai người con trai này. Ta vào kiếp quá khứ đã cứu họ được an toàn tánh mạng. Ta nay đã thành Phật cũng cứu thoát họ khỏi ách nạn kia và thoát được nỗi khổ lớn sinh tử luân hồi.

Bấy giờ ngài A-nan cùng mọi người trong hội chúng nghe Đức Phật dạy như thế, đều hoan hỷ phụng hành.