PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 1: THÂN MẬT CỦA BỒ-TÁT

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở tại núi Thứu phong thuộc thành Vương xá, cùng với hội chúng bốn vạn hai ngàn vị đại Tỳ-kheo, tám vạn bốn ngàn vị Bồ-tát đều đã đạt thần thông diệu trí. Các chúng Đại Bồ-tát từ các cõi Phật khác đến hội này, các vị đều đã được pháp Nhẫn bất thoái chuyển Nhất sinh bổ xứ, được các Tổng trì và Tamma-địa, đầy đủ biện tài không ngăn ngại, có khả năng vượt qua vô biên cõi Phật; ở trong mười phương vô biên tất cả cõi Phật đã kiến lập thị hiện, dùng thần thông trí dạo chơi tự tại hàng phục chúng ma, chận đứng các dị luận, hiểu rõ tất cả tâm ý sở hành của chúng sinh. Lại còn dùng trí thù thắng khéo phân biệt căn tánh của người khác, thông đạt nghĩa lý của tất cả pháp môn Ba-la-mật-đa, đầy đủ phương tiện thiện xảo, đến bờ rốt ráo tối thượng và được tất cả chư Phật khen ngợi.

Các vị Bồ-tát ấy đã trải qua vô lượng, vô biên trăm ngàn muôn ức kiếp tích tụ đạo hạnh Bồ-đề rốt ráo. Tâm của các vị bình đẳng như đất, nước, lửa, gió nương hư không vô biên, khéo tu Từ quán như lý tương ưng, siêu việt tất cả mọi chấp trước chướng ngại, được thân tướng tốt đẹp như thân Na-la-diên đầy đủ Kim cang kiên cố bất hoại. Các vị đã đạt đức Vô úy tối thắng, có thể ở giữa tất cả chúng hội lớn rống tiếng rống sư tử tuyên diễn pháp âm và có ánh sáng rực rỡ át cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng. Các vị đã đạt được các pháp như chư Phật ba đã đời bình đẳng nói, dùng trí quyết định khéo tuyên thuyết pháp yếu thậm thâm tối thượng, thâm nhập tất cả pháp môn duyên sinh, xa lìa hai thứ biên kiến đoạn và thường. Đối với thiền định giải thoát chánh định, chánh thọ, khi nhập hay khi khởi các ngàI thảy đều biết rõ. Công đức và trí tuệ vang danh khắp mười phương, nắm giữ chánh pháp bảo vương tối thượng, khiến cho hạt giống thánh Tam bảo không bị đoạn tuyệt, tích tụ vô lượng phước trí thắng hạnh như vậy. Tên của các vị là Bồ-tát Bảo Thượng, Bồ-tát Nguyệt Tràng, Bồ-tát Thanh Lương Tràng, Bồ-tát Quang Tràng, Bồ-tát Cát Tường Quang, Bồ-tát Cát Tường Phong, Bồ-tát Cát Tường Mật, Bồtát Na-la-diên Thiên, Bồ-tát Long Hỷ, Bồ-tát Long Thượng, Bồ-tát Long Thọ, Bồ-tát Trì Diệu Sắc, Bồ-tát Cao Thiên, Bồ-tát Đức Quang Vương, Bồ-tát Quang Minh Thủ, Bồ-tát Thường Cử Thủ, Bồ-tát Thường Hạ Thủ, Bồ-tát Bảo Ấn Thủ, Bồ-tát Bảo Thủ, Bồ-tát Phổ Quang, Bồ-tát Tinh Vương, Bồ-tát Kim Cang Thủ, Bồ-tát Kim Cang Tuệ, Bồ-tát Kim Cang Đại Tuệ, Bồ-tát Kim Cang Bộ, Bồ-tát Bất Động Tích Bộ. Bồ-tát Tam Giới Tích Bộ, Bồ-tát Vô Biên Bộ, Bồ-tát Vô Biên Tuệ, Bồ-tát Tinh Diệu Tuệ, Bồ-tát Kiên Cố Tuệ, Bồ-tát Thiện Tuệ, Bồ-tát Diệm Sí Tuệ, Bồ-tát Tối Thắng Tuệ, Bồ-tát Tăng Trưởng Tuệ, Bồ-tát Thường Thảm, Bồ-tát Thường Hỷ, Bồ-tát Hỷ Căn, Bồ-tát Diệt Ác Thú, Bồ-tát Trừ Cái Chướng, Bồ-tát Tự Tướng Trì Vô Cấu Quang, Bồ-tát Dũng Mãnh Tinh Tấn, Bồ-tát Tuệ Tích, Bồ-tát Thường Quán Sát, Bồ-tát Quán Tự Tại, Bồ-tát Đắc Đại Thế, Bồ-tát Cao Phong, Bồ-tát Hư Không Tạng, Bồ-tát Bất Thuấn, Bồtát Vô Hy Vọng, Bồ-tát Bảo Thượng, Bồ-tát Bảo Tư Duy, Bồ-tát Thiện Tư Duy, Bồ-tát Thiện Tư Nghĩa, Bồ-tát Quyết Định Nghĩa, Bồ-tát Tổng Trì Tự Tại Vương, Bồ-tát Trì Địa, Bồ-tát Trang Nghiêm Vương, Bồ-tát Sát Độ Trang Nghiêm, Bồ-tát Bảo Tích, Bồ-tát Bí Mật Nham, Bồ-tát Đế Thích Thiên, Bồ-tát Thủy Thiên, Bồ-tát Phạm Võng, Bồ-tát Minh Võng, Bồ-tát Thiên Quang, Bồ-tát Diệu Tý, Bồ-tát Diệu Nhãn, Bồ-tát Hương Tượng, Bồ-tát Tượng Trung Hương Tượng, Bồ-tát Sư Tử Tràng, Bồ-tát Thành Nghĩa Tuệ, Bồ-tát Hải Tuệ, Bồ-tát Thiện Điều Ngự, Bồ-tát Tịch Tuệ, Bồ-tát Từ Thị, Bồ-tát Diệu Cát Tường Đồng Chân. Chúng Đại Bồ-tát như vậy có đến tám vạn bốn ngàn vị và Phạm vương, Đế Thích, các trời Hộ thế trong tam thiên đại thiên thế giới, cùng với các chúng Thiên vương có đại oai đức khác, hoặc chúng Long vương, chúng Dạ-xoa vương, chúng A-tu-la vương, chúng Ca-lầu-la vương, chúng Khẩnna-la vương, chúng Ma-hầu-la-già vương, chúng Càn-thát-bà vương. Các chúng như vậy đều đến hội họp. Lại còn có Long vương A-na-bà-đạt-đa, Long vương Sa-già-la, Long vương Phược-lỗ-noa, Long vương Ma-na-tư, Long vương Đắc-xoa-ca, Long vương Kim Sắc, Long vương Vô Biên Sắc, Long vương Tô-thi-ma. Các Long vương như vậy cùng với trăm ngàn các rồng quyến thuộc đều đến hội này, thân gần lễ bái chiêm ngưỡng và nghe Thế Tôn thuyết pháp.

Lại còn có chúng A-tu-la vương như: A-tu-la vương La-hầu, Atu-la vương Tỳ-ma-chất-đa-la, A-tu-la vương Diệu Tý, A-tu-la vương Sa-la, A-tu-la vương Đa-la, A-tu-la vương Tịnh Giới, A-tu-la vương Đại Tiếu, A-tu-la vương Quảng Phúc, A-tu-la vương Tận Vô Biên. Các A-tu-la vương như vậy cùng với trăm ngàn A-tu-la quyến thuộc đến hội này để thân gần chiêm ngưỡng lễ bái và nghe Đức Thế Tôn nói pháp.

Khi ấy, vua A-xà-thế nước Ma-già-đà cùng với cung tần quyến thuộc cũng đến hội này, thân cận chiêm ngưỡng đảnh lễ và nghe Đức Thế Tôn nói pháp. Cùng với bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều đến hội này.

Lại có chư Thiên ở cõi trời Địa cư, cõi trời Dục, Sắc giới, cõi trời Tịnh cư v.v… các chúng Thiên tử cũng đều đến hội họp, thân gần chiêm ngưỡng đảnh lễ và nghe Thế Tôn nói pháp.

Lúc đó, Đức Thế Tôn ở giữa đại hội, có vô số trăm ngàn đại chúng trời, người cung kính vây quanh muốn nghe Thế Tôn nói pháp, Đức Phật bảo đại chúng:

–Ta có chánh pháp tên là Phổ nhiếp các Bồ-tát Ma-ha-tát thượng thắng hạnh thanh tịnh diệu môn bởi vì pháp môn này có khả năng làm viên mãn tất cả hạnh. Nghĩa là nếu Bồ-tát tu hạnh bố thí thì có thể đem lại sự thành tựu cho tất cả hữu tình. Nếu các Bồ-tát tu hạnh trì giới thì được viên mãn tất cả nguyện thù thắng. Nếu các Bồ-tát tu hạnh nhẫn nhục thì được đầy đủ tất cả tướng hảo. Nếu các Bồ-tát tu hạnh tinh tấn thì viên mãn được tất cả pháp Phật. Nếu các Bồ-tát tu hạnh thiền định thì có khả năng làm cho tất cả điều phục được tâm mình. Nếu các Bồ-tát tu hạnh trí tuệ thì có khả năng đoạn trừ hết tất cả phiền não. Nếu các Bồ-tát tu hạnh thuyết pháp thì có khả năng thành tựu biện tài không ngăn ngại. Nếu các Bồ-tát tu hạnh phước thù thắng thì có thể làm trưởng dưỡng tất cả hữu tình. Nếu các Bồ-tát tu hạnh trí vi diệu thì có thể thành tựu trí không chướng ngại. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Xa-ma-tha thì có khả năng khiến tâm nghiệp của chúng sinh được điều phục khoái thích. Nếu các Bồ-tát tu hạnh quán vi diệu thì có khả năng xa lìa tất cả phân biệt. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Từ thì được tất cả tâm không chướng ngại. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Bi thì thân tâm không biếng nhác mệt mỏi. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Hỷ thì có thể dạo chơi trong vườn pháp hỷ. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Xả thì có khả năng đoạn trừ hai pháp trái, thuận. Nếu các Bồ-tát tu hạnh nghe pháp thì có khả năng đoạn trừ tất cả chướng ngại hệ lụy. Nếu các Bồ-tát tu hạnh xuất ly thì có khả năng loại trừ tất cả chấp trước. Nếu các Bồ-tát tu hạnh ở A-lan-nhã thì đạt được các pháp thiện đã làm đều không bị hoại mất. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Niệm thì được các môn Tổng trì. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Tuệ thì được tuệ thù thắng khéo phân biệt được các pháp. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Trụ thì được tâm không ai sánh bằng. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Thú hướng thì có khả năng biết được tất cả nghĩa thú. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Tứ niệm xứ thì có khả năng quán sát thân, thọ, tâm, pháp. Nếu các Bồ-tát tu hạnh bốn Chánh đoạn thì có khả năng đoạn trừ mọi pháp bất thiện và viên mãn tất cả pháp thiện. Nếu các Bồ-tát tu hạnh bốn Thần túc thì thân tâm được thanh tịnh khinh an. Nếu các Bồ-tát tu hạnh năm Căn thì có khả năng biết được căn tánh của chính mình và người khác. Nếu các Bồ-tát tu hạnh năm Lực thì không bị các phiền não làm khuất phục. Nếu các Bồ-tát tu hạnh bảy Giác chi thì hiểu biết các pháp một cách như thật. Nếu các Bồ-tát tu hạnh tám Chánh đạo thì có khả năng vượt khỏi mọi tà đạo. Nếu các Bồ-tát tu hạnh bốn Đế thì thành tựu được pháp bất động chuyển. Nếu các Bồ-tát tu hạnh bốn Vô ngại giải thì có khả năng đoạn trừ tất cả tâm nghi hoặc của hữu tình. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Quy thú thì được trí tự tại. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Thiện tri thức thì có thể tích tụ được các công đức. Nếu các Bồ-tát tu hạnh ý lạc thì không trái với tất cả thế gian. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Thâm tâm thì được tất cả thú hướng tối thắng. Nếu các Bồ-tát tu hạnh Tương ưng thì có khả năng siêng năng dũng mãnh cứu giúp tất cả hữu tình xuất ly. Nếu các Bồ-tát tu hạnh trụ ở Tăng phường thì được nghe pháp mà không hoại mất. Nếu các Bồ-tát tu hạnh bốn Nhiếp pháp thì có khả năng nhiếp thọ tất cả hữu tình. Nếu các Bồ-tát tu hạnh nhiếp thọ chánh pháp thì không đoạn hạt giống Tam bảo. Nếu các Bồ-tát tu hạnh hồi hướng thì có thể trang nghiêm cõi Phật thanh tịnh. Nếu các Bồtát tu hạnh phương tiện thiện xảo thì có khả năng viên mãn được trí Nhất thiết trí.

Đức Thế Tôn đã tuyên nói chánh pháp rộng lớn “Phổ nhiếp các Bồ-tát Ma-ha-tát tối thượng thắng hạnh thanh tịnh diệu môn” như vậy. Khi Thế Tôn đang nói pháp này, Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ hiện sức oai thần hầu bên phải Đức Phật.

Khi ấy, Đại Bồ-tát Kim Cang Thủ ra trước Phật bạch rằng:

–Thật hy hữu, thưa Thế Tôn! Như Lai đã khéo nói chánh pháp rộng lớn “Phổ nhiếp các Bồ-tát Ma-ha-tát tối thượng thắng hạnh thanh tịnh diệu môn.” Bạch Thế Tôn! Theo nghĩa lý siêu việt trong lời dạy của Như Lai mà con hiểu thì nếu nay con được tất cả hạnh thù thắng của các Đại Bồ-tát, đều là từ hai hạnh phước và trí mà có. Nên biết tùy theo đối tượng mà thể nhập hai hạnh phước trí. Vì sao vậy? Vì các Bồ-tát tu hạnh phước có khả năng khiến tất cả hữu tình lìa các chướng ngại. Nếu tu hạnh trí thì có khả năng thuyết pháp yếu cho các hữu tình và làm cho chúng vui thích. Bạch Thế Tôn! Vì vậy các Đại Bồ-tát cần phải hòa hợp hai hạnh phước và trí. Vì sao? Vì Bồ-tát tu hạnh phước thì có khả năng viên mãn Phương tiện thiện xảo ba-la-mật-đa. Còn tu hạnh trí thì có khả năng viên mãn Trí tuệ ba-la-mật-đa. Thế nên hai hạnh này chính là hai loại Thánh đạo của Bồ-tát, có công năng thâu nhiếp hết tất cả đạo hạnh. Bồ-tát trụ vào đạo này thì có khả năng hàng phục các nghiệp ma chúng khó điều phục. Bồ-tát đã vượt thoát các đường ác của ma, không thoái chuyển nơi quả vị Chánh đẳng Chánh giác. Đây tức là Bồ-tát không còn thoái chuyển. Nhờ thế mà Bồ-tát có thể khéo làm sáng tỏ sự bí mật thậm thâm của chư Phật Như Lai không để ẩn tàng.

Lúc đó trong hội có Đại Bồ-tát Tịch Tuệ đến trước Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ thưa:

–Thưa Đại bí mật chủ! Bồ-tát thường gần gũi hầu các Đức Như Lai, vậy nay Bồ-tát có thể hoan hỷ nói về pháp bí mật của Như Lai. Xin Bồ-tát vì đại chúng mà nói. Cảnh giới này hàng Thanh văn, Duyên giác còn không vào được, huống nữa là các hạng phàm phu.

Bồ-tát Tịch Tuệ đã thưa như vậy rồi nhưng Đại bí mật chủ Bồtát Kim Cang Thủ vẫn đứng im lặng.

Lúc đó Bồ-tát Tịch Tuệ hiểu được sự im lặng ấy, liền ra trước Phật, bạch rằng:

–Cúi xin Thế Tôn lệnh cho Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ, vì chúng hội này mà nói rõ pháp bí mật của Như Lai, để chúng Đại Bồ-tát nghe rồi hoan hỷ và cũng nhờ thế mà rộng tích tụ pháp phần Bồ-đề, thành tựu pháp bí mật của Như Lai, tu tập theo đúng chánh lý.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ:

–Ta nay khuyến thỉnh ông. Ông hãy vì đại chúng trong hội này mà tuyên nói pháp bí mật của Bồ-tát và pháp chân thật bí mật của Như Lai. Hiện nay cả chúng hội này rất muốn được nghe.

Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ vâng lời dạy đến trước Đức Phật, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Theo lời Thế Tôn dạy, nay con sẽ tuyên nói pháp bí mật của Bồ-tát và pháp chân thật bí mật của Như Lai. Trong chúng hội này, nếu có người nào hiểu được chút ít, thì đó cũng là nhờ oai thần của Thế Tôn kiến lập. Ví như trong đêm tối màn đêm bao phủ, nếu có ngọn đuốc sáng chiếu khắp mọi nơi, thì rất dễ nhận ra các cảnh vật. Nay trong chúng hội này cũng lại như vậy, đối với pháp bí mật của Bồ-tát và pháp chân thật bí mật của Như Lai, có người nào nghe hiểu được chút ít, thì nên biết đó đều là nhờ oai thần của Như Lai kiến lập.

Khi ấy, Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ nói với Đại Bồtát Tịch Tuệ:

–Này thiện nam! Nay chúng hội này nghe pháp bí mật của Bồtát và pháp chân thật bí mật của Như Lai mà không kinh sợ, thì đó là điều vô cùng tốt lành.

Sau khi Bồ-tát Kim Cang Thủ nói như thế, Đại Bồ-tát Tịch Tuệ bèn nói với tất cả đại chúng trong hội:

–Này các nhân giả! Như Đức Phật đã dạy, có bốn điều không thể nghĩ bàn. Bốn điều ấy là gì? Một là không thể nghĩ bàn về nghiệp; hai là không thể nghĩ bàn về rồng; ba là không thể nghĩ bàn về định và bốn là không thể nghĩ bàn về Phật. Các nhân giả nên biết! Trong bốn điều ấy chỉ có Đức Phật Như Lai mới là điều không thể nghĩ bàn tối thượng bậc nhất. Nơi nào có các pháp Bồ-đề của chư Phật Chánh đẳng Chánh giác thì đều là do bốn điều không thể nghĩ bàn ấy thành lập. Thế nên, này các nhân giả! Các vị đối với pháp không thể nghĩ bàn của Bồ-tát và pháp không thể nghĩ bàn của Như Lai, nghe rồi không nên kinh sợ khiếp đảm mà nên sinh tâm vui thích thanh tịnh rộng lớn tối thượng.

Lúc đó Bồ-tát Tịch Tuệ nhờ oai thần của Phật nên biết tất cả đại chúng trong hội này đều muốn nghe và tin theo pháp bí mật của chư Phật, Bồ-tát liền tung rải hoa trời cúng dường, hoa rải đó cao đến gối.

Bấy giờ, Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ nói với Đại Bồtát Tịch Tuệ:

–Thiện nam, hãy lắng nghe! Nay ta tuyên nói pháp chân thật bí mật của Bồ-tát. Tịch Tuệ nên biết! Đức Thế Tôn của chúng ta thuở xưa kia ở trong giáo pháp của Đức Như Lai Nhiên Đăng, đang ở địa vị Bồ-tát theo hầu Phật và được Đức Phật ấy thọ ký quả vị Giác ngộ cao tột đạo Chánh đẳng Chánh giác. Từ đó đến nay, ta luôn kề cận Bồ-tát Thích-ca, nhưng chưa từng thấy thân nghiệp của Bồ-tát có gì sai lầm và cũng chưa từng thấy có tướng tà vạy quanh co; miệng không nói sai lầm và cũng chưa bao giờ nghe nói lời hư vọng; tâm không khởi sai lầm và cũng chưa từng biết đến lỗi lầm đắm trước, mà chỉ thấy thân nghiệp của Bồ-tát hiện tướng oai nghi, vì muốn đem lại sự thành tựu cho tất cả hữu tình chứ không tự khen mình. Do thân tướng oai nghi của Bồ-tát không có cùng tận, cho nên mọi oai nghi của tất cả hữu tình thảy đều hòa nhập vào tướng oai nghi của Bồ-tát. Tuy vậy, nhưng Bồ-tát không cần phải dụng lực, không cần phải tìm hiểu mà vẫn an nhiên. Đối với các hữu tình cần dùng thiền định để hóa độ, liền hiện thiền định để hóa độ. Người cần dùng tiếng đàn, nhạc, ca hát để hóa độ, liền hiện tiếng đàn, nhạc, ca hát để hóa độ. Người cần dùng thân đồng nam để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân đồng nữ để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân con trai để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân con gái để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân thiếu niên để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân trung niên để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân già để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân thấp hèn để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân đồ tể để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân câm ngọng để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân đui điếc để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng tướng ba đường ác và thân người để hóa độ, liền hiện các thứ thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân trời để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-lagià v.v… để hóa độ, liền hiện các thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Đế Thích để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Phạm vương để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Hộ thế để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Chuyển luân vương để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Tỳ-kheo, Tỳ-kheoni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di để hóa độ, liền hiện các thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Thanh văn để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Duyên giác để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Bồ-tát để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Người cần dùng thân Như Lai để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Ngài hiện tất cả thân, chỉ trừ ở cõi Vô sắc mà thôi.

*********

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Tất cả oai nghi sắc tướng của hữu tình đều có trong oai nghi sắc tướng của Bồ-tát, nhưng Bồ-tát vẫn không tìm hiểu cũng không phân biệt. Do Bồ-tát có tâm xả bình đẳng, không phân biệt cho nên mới tùy theo thân của chúng sinh mà hiện thân oai nghi, nhưng thân Bồ-tát không bị lay động. Do không lay động cho nên hiện khởi thân nghiệp. Tuy thân lìa tướng nhưng cũng không hoại thân thanh tịnh của Bồ-tát; thân ấy phát ra ánh sáng chiếu khắp địa ngục, làm cho tất cả hữu tình được an lạc.

Lại nữa, Bồ-tát rộng vì tất cả hữu tình mà không tiếc thân mạng. Nếu các hữu tình đều đến xin thịt của Bồ-tát để ăn, Bồ-tát liền hiện ra trước cắt thịt cho họ, cho đến xương, máu, tinh tủy thảy đều cho cả. Tịch Tuệ nên biết! Bồ-tát vì tất cả hữu tình cho thịt trong thân v.v… theo nhu cầu của họ là do Bồ-tát biết thân là vô lượng, nên tùy theo đó mà biết pháp giới cũng vô lượng. Vô lượng tức là vô tận, thân vô tận môn, tức là pháp môn duyên sinh vô tận. Bồ-tát tùy đó mà hiện thân, chỉ vì muốn đem lại sự thành tựu cho tất cả hữu tình. Nếu có người với tâm tham nhiễm đắm trước sắc tướng đoan nghiêm đẹp đẽ, Bồ-tát liền hiện tướng người nữ đẹp đẽ, tùy theo tâm đắm nhiễm của gã nam tử kia mà đáp ứng như ý. Khi ấy người nữ ấy vì nhiễm trước, nên hình dung tiều tụy khô gầy rồi qua đời, căn môn rã ra hôi thối bất tịnh. Chàng nam tử kia vì vô trí nên chán ghét bỏ đi, tức thì thân người nữ bị hoại diệt kia, tự nhiên phát lên tiếng nói pháp trọng yếu, khiến cho tâm chàng nam tử khai ngộ, không thoái chuyển với tâm hướng đến quả vị Giác ngộ cao tột.

Lại nữa, này Bồ-tát Tịch Tuệ! Bồ-tát ở trong tam thiên đại thiên thế giới hiện ra thân to lớn, hoặc trong bảo cái hiện ra đầu ngón tay, cho đến kiếp thiêu lửa cháy rừng rực, Bồ-tát liền dùng bàn tay chụp lên lửa, nhưng thân không bị hoại. Lại nữa Bồ-tát còn hiện ra thân tướng, rộng cúng dường chư Phật Thế Tôn, chứa nhóm vòng hoa như núi Tu-di tích tụ hoa báu cao như ngọn núi, đều đem cúng dường chư Phật Như Lai. Lại đem tam thiên đại thiên thế giới làm thành một vạc lớn chứa đầy nước hương thơm ngang bằng với núi Tu-di, rồi rót vào đèn thắp cháy sáng rực cúng dường các Đức Như Lai. Lại tích tụ vô lượng, vô biên đèn sáng lớn chiếu sáng khắp tất cả để cúng dường Như Lai. Lại nữa, Bồ-tát dùng y đang mặc xối dầu lên, rồi đốt thành đuốc lớn cúng dường hết các Đức Như Lai; đuốc ấy cháy hừng hực, ánh sáng lan ra xa, chiếu đến vô lượng, vô biên cõi Phật. Các hữu tình được chứng kiến Bồ-tát hiện các việc thần thông biến hóa, thấy vậy rồi vô lượng, vô biên hữu tình phát tâm đạt đến quả vị Giác ngộ cao tột. Trong số đó, có các hữu tình kiêu mạn cống cao, Bồ-tát liền hiện thân đại lực Na-la-diên, hoặc hiện Bồ-tát Kim Cang Thủ tướng thật đáng sợ. Các hữu tình ấy thấy vậy kinh hoàng, liền hướng về Bồ-tát chiết phục tâm quy mạng đảnh lễ cầu xin nghe pháp.

Lại nữa, Bồ-tát ở trong thành lớn và trong khu rừng bỏ tử thi, thấy những nơi ấy đầy ắp vô lượng, vô biên hữu tình, Bồ-tát liền dùng thân to lớn hiện tướng tử diệt, khiến cho loài hữu tình đang đọa làm súc sinh, dứt sạch nghiệp báo súc sinh cùng nhau lấy thịt của Bồ-tát diệt đó mà ăn, ăn rồi mạng chung đều được sinh Thiên. Nhờ nhân duyên như vậy nên đến thân cuối cùng được vào Niết-bàn. Vì thế nên biết, nguyện lực đời trước của Bồ-tát được thanh tịnh rồi, mới có thể ở trong nhiều kiếp đem nguyện đó làm việc lợi ích, mong các hữu tình khi lâm chung ăn thịt của ta mà được sinh cõi trời. Do nhân duyên như vậy, cho nên đến thân cuối cùng được vào Niết-bàn, khiến cho các hữu tình thành tựu ý niệm, thành tựu mong muốn và thành tựu nguyện lực.

Tịch Tuệ nên biết! Đại Bồ-tát có những hạnh nguyện thù thắng như vậy. Ta nhớ đời quá khứ xa xưa, bốn phương của châu Diêmphù-đề này có tám vạn bốn ngàn thành lớn, lại có trăm ngàn tụ lạc, huyện ấp, trăm ngàn muôn ức dân chúng ở trong đó. Khi ấy trong nước có tai nạn lớn tật bệnh nổi lên, nhân dân trong thành ấy sinh đủ chứng bệnh, hoặc ở trên thân chỗ bệnh chỗ không, bệnh trạng của mỗi người đều khác; hoặc là bệnh nhọt, bệnh sẩy, ghẻ lở, bệnh hủi, hoặc phong, huỳnh, đàm… người bệnh nặng, nhẹ lan tràn khắp nước, cho mời rất nhiều thầy thuốc giỏi, dùng đủ loại thuốc hay, nhưng vẫn không trị được tất cả bệnh khổ của người dân trong nước. Nhân dân do căn bệnh không thể trị liệu, không được cứu hộ, không có chỗ quay về tiếng khóc bi ai than vãn:

–Ai là người có khả năng dứt trừ bệnh khổ của ta, hoặc là Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… hoặc là người hoặc chẳng phải người, ai có khả năng dứt trừ bệnh tật của ta, thì ta sẽ đem hết tất cả tài bảo để dâng lên người ấy. Ta luôn vâng theo lời dạy của người ấy và suốt đời ghi nhớ ân sâu ấy.

Tịch Tuệ nên biết! Lúc đó Đức Thích-ca Thế Tôn Như Lai đang làm vua trời Đế Thích tên là Diệu Nhãn, ở trên Thiên cung dùng Thiên nhãn thanh tịnh vượt hơn mắt người, quán thấy dân chúng chịu nhiều thứ bệnh khổ. Lại dùng Thiên nhĩ thanh tịnh, nghe hết tất cả tiếng kêu khóc thảm thiết của dân chúng. Thấy nghe như vậy rồi, Diệu Nhãn liền khởi lên tâm thương xót tự suy nghĩ: “Nay ta nên vì dân chúng đang không có nơi nương tựa, không có người cứu hộ, không có nơi quay về ấy mà làm chỗ nương tựa, làm chỗ cứu hộ, làm chỗ quay về cho họ.” Nghĩ vậy rồi, tức thời vua trời Đế Thích ở cách không xa một ngôi thành lớn tên Thiện tác trong cõi Diêm-phù-đề biến thành tướng nam tử tên là Thiện Tịch, ở trên hư không, rộng vì tất cả nhân dân trong cõi Diêm-phù-đề mà nói kệ khai thị:

Thành lớn Thiện tác cách không xa
Có vị nam tử tên Thiện Tịch
Nếu như lấy thịt vị ấy ăn
Thì liền tiêu trừ tất cả bệnh.
Chớ nên kinh sợ hay khiếp đảm
Tùy ý hoan hỷ lấy thịt ăn
Đó là thuốc hay cứu dân chúng
Vị ấy không hại, không hận sân.

Lúc đó tất cả người dân bị nhiễm bệnh khổ trong quốc thành, tụ lạc, huyện ấp đều nghe tiếng kệ trong hư không, liền đến chỗ Thiện Tịch nơi thành lớn Thiện tác. Đến nơi, tất cả đều cắt thịt ăn để trị bệnh. Tuy nhiều người lấy thịt, nhưng thịt trên thân vẫn không hết.

Lúc đó Thiện Tịch lại vì dân chúng mà nói kệ rằng:

Nếu ta chứng quả Phật Bồ-đề Đây là pháp chân thật vô tận Do pháp chân thật nên thân ta Xin cứ lấy thịt cũng vô tận.

Khi ấy, người nhiễm bệnh khắp bốn phương, tất cả dân chúng ở chỗ Thiện Tịch đều tùy ý lấy thịt trên thân, nhưng thân của Thiện Tịch vẫn trở lại như cũ, cũng không tăng giảm, tiếp tục cắt lấy thì liên tục có lại. Tất cả dân chúng trong nước ấy lấy thịt mà ăn, tất cả các thứ bệnh khổ thảy đều tiêu trừ, không còn bệnh hoạn, lo buồn, được an vui khoái lạc. Như vậy lần lượt nhân dân trong cõi Diêmphù-đề này đều được dứt trừ các bệnh, lại được khinh an.

Lúc đó, tất cả dân chúng, trai gái, đồng nam, đồng nữ đều tự nghĩ: “Vị thiện nam kia đã vì chúng ta mà dứt trừ các bệnh, khiến chúng ta không còn bệnh hoạn, thân được khinh an. Hôm nay chúng ta hãy đem vật gì để cúng dường.”

Sau khi suy nghĩ, mọi người đều tập hợp lại một chỗ, đồng đến nơi Thiện Tịch. Đến nơi, tất cả đều chắp tay cung kính cùng nói kệ khen ngợi:

Ngài, vị y chỉ khéo cứu hộ
Ngài là Y vương, là thuốc hay
Theo lời Ngài dạy đều hết bệnh
Nay phải làm gì để cúng dường?

Khi đó nam tử Thiện Tịch biến mất đi tướng hiện, trở lại thân Đế Thích, rộng vì dân chúng mà nói kệ rằng:

Vàng bạc, tài bảo và ăn uống
Tất cả thứ ấy ta không ưa
Chỉ vì cứu hộ các hữu tình
Mười thiện đạo nghiệp khiến viên mãn
Bồ-đề hạnh nguyện tu kiên cố
Làm nhân lợi lạc các hữu tình
Cùng nhau phát khởi tâm thương mến
Tất cả việc lợi càng thêm tăng
Nghe rồi nên phát tâm Bồ-đề
Lại khởi ý đại Từ tối thượng
Khiến cho tích tụ nhân thù thắng
Thập thiện nghiệp đạo đều thanh tịnh.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Trời Đế Thích khi ấy nói kệ này rồi, liền trở về Thiên cung. Trai gái, đồng nam, đồng nữ, tất cả dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề này, số ấy nhiều vô lượng, không có một ai bị đọa vào đường ác. Các hữu tình ấy sau khi mạng chung đều sinh lên cõi trời Tam thập tam. Sinh lên trời ấy rồi, vua trời Đế Thích liền vì các hữu tình ấy mà nói pháp khai thị chỉ dạy khiến họ được hoan hỷ, lợi lạc và khiến cho tâm hướng về quả vị giác ngộ của họ không còn thoái chuyển. Trong số đó, có các hữu tình xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn tịnh.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Vì thế nên biết các thân nghiệp đã làm của mật thân Bồ-tát được thanh tịnh rồi, liền xả bỏ thân mạng, luôn vì thành tựu vô lượng, vô biên tất cả hữu tình nên cuối cùng chứng được quả Giác ngộ cao tột.

Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ lại bảo Đại Bồ-tát Tịch Tuệ:

–Tịch Tuệ nên biết! Thân Bồ-tát là thân không phá hoại, là thân kiên cố, chân thật không sinh diệt. Nếu các hữu tình đáng dùng thân hữu hoại để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Nếu các hữu tình đáng dùng thân không hoại để hóa độ, liền hiện thân ấy mà hóa độ. Đối với tất cả chủng loại đều không phá hoại, lửa không thể đốt, dao không thể cắt đứt, thân này là kiên cố chân thật, không thể phá hoại, là từ Kim cang mà thành. Thế nên, này Tịch Tuệ! Bồ-tát hiện ra thân tướng, chỉ vì đem lại sự thành tựu cho tất cả hữu tình, làm việc lợi ích. Tuy làm như vậy, nhưng Bồ-tát không suy nghĩ, cũng không phân biệt thân tướng ấy, biết rằng thân là lìa tướng, cho nên được pháp lìa tướng, cũng không phải là thân lìa tướng cùng với tất cả pháp lìa tướng có hai sự sai biệt. Nếu tướng tức là thân lìa tướng, thì tướng ấy tức là pháp lìa tướng. Như vậy do lìa tướng nên có thể theo đó mà thể nhập, nghĩa là tự thân lìa tướng cùng với thân lìa tướng của tất cả hữu tình, cả hai đều bình đẳng. Vì sao? Vì tự thân lìa tướng và do thân của tất cả hữu tình lìa tướng nên thể nhập vào tất cả pháp giới lìa tướng. Do pháp giới lìa tướng, nên thể nhập vào pháp lìa tướng, nhưng trong đó thật không có một pháp nhỏ nào có thể nắm bắt được. Vì tự thân là chân như, cho nên thể nhập vào thân chân như của tất cả hữu tình; tất cả thân chân như của hữu tình thể nhập vào tự thân chân như. Lại nữa, tự thân chân như thì thể nhập vào tất cả pháp chân như. Do thể nhập vào pháp chân như cho nên thể nhập vào tất cả chân như của Phật. Lại do tự thân chân như, cho nên thể nhập vào chân như của quá khứ, vị lai, hiện tại; nhưng chẳng phải chân như của quá khứ cùng với chân như của vị lai, hiện tại kia có sự trái nhau. Chân như của quá khứ, vị lai, hiện tại tức là chân như của uẩn, xứ, giới; chân như của uẩn, xứ, giới tức là chân như thanh tịnh. Chân như nhiễm tịnh, tức là chân như của sinh tử Niếtbàn. Chân như của sinh tử Niết-bàn tức là chân như không có tạo tác. Chân như không có tạo tác tức là chân như của tất cả tạo tác.

Này thiện nam! Điều mà gọi là chân như tức là thật tánh; thật tánh tức là như tánh, là không có tánh khác, không có tánh chủng loại, không có tánh sinh, không có tánh tranh luận, không có tánh chấp chặt. Vì chân như không có pháp nào là có thể nắm bắt. Nói pháp chân như là pháp không thể nắm bắt, là do vì chân như ấy không có sự nắm bắt, tức là nắm bắt như thị. Ở trong các pháp thủ, Bồ-tát thị hiện có pháp sở thủ. Nhưng chẳng phải chân như có thủ, có tạo tác. Do không thủ, cho nên không có tranh luận; do không tranh luận, nên đối với các sắc hiện có sở thủ, nhưng chân như ấy cũng không bị lay động. Thế nên dùng trí chân thật ấy để quán sát thân chân thật của Như Lai. Do quán thân Như Lai là bình đẳng, nên quán tự thân là chân như. Nói tóm lại quán sát kỹ tất cả thân là tánh chẳng phải thân, rốt ráo không sinh; biết rõ tất cả thân đều từ pháp duyên sinh mà thành, biết như vậy rồi mới có thể ngộ nhập vào Pháp thân môn kia. Do thể nhập vào Pháp thân môn ấy nên thành tựu Pháp thân, chẳng phải là uẩn, xứ, giới thân mà là Pháp thân rộng lớn tối thắng. Quán tưởng như thật, từ đó mà hiện thân, làm lợi lạc cho các hữu tình, cho đến tất cả sự thấy nghe hiểu biết đều là vì lợi lạc hữu tình.

Tịch Tuệ nên biết! Ví như y vương Kỳ-bà tích tụ tất cả thuốc hay tối thượng ở thế gian, rồi chế biến tinh diệu hòa hợp làm thành tướng một người nữ sắc đẹp tuyệt vời mọi người ai cũng muốn ngắm nhìn, tùy theo sự thích ứng mà an lập thi tác, hoặc đến hoặc lui, đi, đứng, ngồi, nằm, phân biệt sự tướng, cũng chẳng phải phân biệt, chẳng phải lìa phân biệt. Những ai có bệnh, hoặc quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ đến chỗ người nữ mà y vương Kỳ-bà đã dùng thuốc hay làm thành kia, cùng nhau hòa hợp, hòa hợp rồi thì tất cả bệnh khổ đều dứt trừ, bệnh hết, được khinh an, lại được khoái lạc.

Này Tịch Tuệ! Ông hãy quán vị y vương Kỳ-bà kia. Vị ấy đã dùng trí khéo léo dứt trừ các bệnh cho thế gian, còn các thầy thuốc khác không có trí lực này. Pháp thân tối thắng của Bồ-tát cũng như vậy. Nếu ai có thể như lý chân thật mà quán, thì tất cả trai gái, đồng nam, đồng nữ kia thân bị tham, sân, si thiêu đốt; còn ai có thể như thật mà quán Pháp thân, thì có thể dứt trừ tất cả phiền não, tâm đựơc khinh an, thân lìa sự thiêu đốt. Vì thế nên biết nguyện lực thanh tịnh đời trước của Bồ-tát, Pháp thân rộng lớn thù thắng của Bồ-tát, như thật mà quán thì chính là mật thân thanh tịnh của Bồtát.

Tịch Tuệ nên biết! Pháp thân của Bồ-tát không phải do ăn uống mà thành, cũng không phải do đoàn thực nuôi dưỡng. Bồ-tát biết rõ tướng như vậy rồi, vì thương xót tất cả hữu tình mà thị hiện nhận ăn uống. Tuy có sự nắm bắt, nhưng không đắm trước tướng, cũng không phải vì tiếc thân mạng mà có sự nắm bắt trong sự nắm bắt, lại Pháp thân ấy không tăng, không giảm. Vì thế nên biết, Pháp thân của Bồ-tát không sinh, không diệt và cũng không khởi. Nhưng trong đó có thị hiện sinh diệt, tạo tác, chỉ vì đem lại sự thành tựu cho các hữu tình. Diệt tức là không diệt, cũng không tạo tác, đối với tất cả pháp nên biết như vậy. Nếu có sinh tức là nghĩa hòa hợp, đối với tất cả pháp nên biết như vậy. Lại nữa, nên biết tất cả pháp kia sinh tức là không sinh, thân của Như Lai tức là Pháp thân, là pháp thực, là pháp lực, là pháp quy thú. Thân Như Lai là thân hư không, thân không gì sánh bằng, thân tối thắng trong tất cả ba cõi, thân thông đạt tất cả Như Lai, thân không thể ví dụ, không thể so sánh, thanh tịnh vô cấu, không nhiễm ô; là thân tự tánh sáng suốt, thân tự tánh không sinh, thân tự tánh không khởi, thân lìa tâm ý thức, thân tự tánh bóng trăng đẹp dưới nước, thân thành từ Không, Vô tướng, Vô nguyện; thân mười phương tối thắng rộng lớn như hư không, thân bình đẳng tất cả hữu tình, thân vô biên vô cùng; thân không chủng loại, không phân biệt; thân không hủy không khác, thân đối với trụ mà không trụ, được bất động; thân tự tánh vô sắc; thân tự tánh không có thọ, tưởng, hành, thức; thân không phải do địa giới mà thành, thân không phải do thủy, hỏa, phong giới mà thành; thân chẳng phải do chủng loại, chẳng phải do hòa hợp chủng, cũng chẳng phải do đại chủng mà thành; thân này không phải pháp chủng loại, tất cả thế gian không thể sánh bằng; thân này không phải do mắt sinh, không phải do nương nơi tai, không phải do quan năng của mũi, không phải do quan năng phân biệt của lưỡi, không phải do sự hòa hợp xúc của thân, không phải do ý tác thành… không phải do sự vận động của tâm, không phải do sự vận hành của ý thức, cũng không phải không chuyển, cũng không phải tùy chuyển.

Thiện nam! Do vậy cần phải như thật mà quán thân Như Lai. Vị Bồ-tát ấy đối với thân Như Lai mà trụ vào tánh bình đẳng, được thanh tịnh rồi mới thực hành hạnh Bồ-tát. Cho đến tam thiên đại thiên thế giới, hoặc bốn đại châu, hoặc Diêm-phù-đề, tất cả vương thành, tụ lạc, quận ấp, Bồ-tát đối với tất cả những nơi ấy rộng vì hiện thân, nhưng ở trong đó không có sở hiện, cũng không đối ngại.

Lại nữa, Bồ-tát có thể hiện thành thân ma ở khắp mười phương, ở trong chỗ hiện đó mà hiện không có đối ngại, ở trong chỗ không hiện mà hiện không có đối ngại. Do như vậy cho nên không thấy, không nghe, không hiểu, không biết, hiện ra là vì muốn đem lại sự thành tựu cho tất cả hữu tình. Bồ-tát đối với thân niệm xứ ấy cũng không tăng giảm. Bồ-tát tuy biết thân là vô thường, biết thân là khổ, biết thân là vô ngã, nhưng vì hữu tình mà thị hiện thân ấy để làm việc lợi ích. Bồ-tát biết thân vốn là tịch tĩnh, vì các hữu tình mà khởi lên thân phân biệt làm các lợi lạc. Bồ-tát biết rõ do nhân duyên mà thành ra thân ấy, nhưng đối với mỗi mỗi pháp nhân duyên ấy như thật mà quán, cũng không có người tạo tác, cũng không có người thọ nhận.

Lại nữa, Bồ-tát có năng lực quán thân này là vô tri như cây, cỏ, ngói, gạch. Thân nghiệp Bồ-tát tuy đã thanh tịnh, nhưng vì hữu tình mà thị hiện thân ấy.

Tịch Tuệ nên biết! Bồ-tát Thích-ca ban đầu ở chỗ Phật Nhiên Đăng phát tâm Bồ-đề, nghiệp của thân, khẩu, ý tất cả đều thanh tịnh và thân nghiệp cũng đầy đủ vô lượng, vô biên công đức. Giả sử quá hằng hà sa số kiếp, hoặc Đức Như Lai nói, hoặc ta nói về thân nghiệp rộng lớn thanh tịnh của thân mật Bồ-tát cũng không thể cùng tận.