KINH ĐẠI TẬP ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời nhà Tùy, Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: MỞ ĐẦU

Bấy giờ, Đức Bà-già-bà ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo, gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là bậc đại A-la-hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, đã điều phục tất cả, giống như rồng lớn, lìa bỏ gánh nặng, không còn tái sinh, việc làm đã xong, được chân tự lợi, trụ trí bình đẳng, nhập môn giải thoát, tự tại, vượt thoát các khổ, đến bờ bên kia, chỉ trừ một người là Tôn giả A-nan.

Lại có vô lượng các chúng Đại Bồ-tát đến từ mười phương thế giới, đều cùng tụ hội với hết thảy chúng Đại Bồ-tát.

Lại có vô lượng các Thiên tử ở cõi trời Tịnh cư, tên các vị ấy là Thiên tử Nan-đà, Thiên tử Tu-nan-đà, Thiên tử Chiên-đàn-na, Thiên tử Tu-ma-na, Thiên tử Tự Tại, Thiên tử Đại Tự Tại, Thiên tử Nan Thắng, Thiên tử Thiện Oai Quang. Các chúng Thiên tử này hơn quá nửa đêm phóng ra luồng ánh sáng lớn, chiếu thẳng đến núi Kỳ-xàquật, cùng đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật. Họ liền lấy hương thiên Đa-ma-la-bạt, hương thiên Trầm thủy, hương thiên Đagià-la, hương thiên Mạt-chiên-đàn và hương Ngưu đầu chiên-đàn đủ các thứ hương thơm như vậy thành kính tung rải lên trên Đức Phật đến hai, ba lần, xong rồi lại dùng hoa thiên tán, hoa thiên Kê-bà-la, hoa Ma-ha kê-bà-la, hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha Mạn-thù-sa, hoa A-địa-mục-đa dùng đủ các thứ hoa như vậy, cũng thành kính rải lên trên Đức Phật đến hai, ba lần, rồi lại từ từ tiến lên, đến trước Đức Phật, nhiễu quanh ba vòng, một lòng cung kính, chắp tay cúi đầu lạy Đức Phật, rồi đứng qua một bên.

Bấy giờ các chúng Thiên tử đều nghĩ: “Hôm nay, Bồ-tát này nghĩ đến pháp môn Tam-muội của tất cả Phật, các Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác thời quá khứ đã từng ở trong đại chúng trời, người kia mà tuyên dương, phân biệt, vì lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Hôm nay, Đức Thế Tôn của ta lẽ nào lại không vì đại chúng Trời, Người, Phạm, Ma, Sa-môn, Bà-la-môn, các bộ chúng Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân mà diễn nói, tuyên thuyết diệu pháp như vậy sao! Và vì lợi ích cho tất cả thế gian, trời, người trong đại chúng, cũng khiến cho các chúng sinh ở đời vị lai đều mong nhờ lợi ích.”

Bấy giờ, Thiên tử Nan-đà, Thiên tử Tu-nan-đà, Thiên tử Chiênđàn-na, Thiên tử Tu-ma-na, Thiên tử Tự Tại, Thiên tử Đại Tự Tại, Thiên tử Nan Thắng, Thiên tử Thiện Oai Quang tất cả chúng Thiên tử này suy nghĩ như thế xong, liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn Bà-già-bà! Hôm nay Bồ-tát này nghĩ đến pháp môn Tam-muội của tất cả chư Phật, chư Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác quá khứ đã từng vì các hàng Trời, Người trong đại chúng, các hàng Phạm, Ma, Sa-môn, Bà-la-môn, các loại Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, cho đến hết thảy Nhân phi nhân nêu bày diễn nói kinh điển như vậy để làm lợi ích cho các chúng sinh ở thế gian. Cúi mong Thế Tôn rủ lòng đại Từ thương xót, nay cũng vì hàng trời, người trong đại chúng, các hàng Phạm, Ma, Sa-môn, Bà-la-môn cùng tất cả Nhân phi nhân này mà diễn nói pháp môn Đại thừa như vậy, để khiến cho các thế gian được nhiều lợi ích, an ổn, diệu lạc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn với lòng đại Bi, vì muốn làm lợi ích cho các chúng sinh ở tất cả thế gian, nên im lặng nhận lời thỉnh cầu các Thiên tử này.

Khi ấy, các Thiên tử thấy Đức Phật im lặng, biết Phật xót thương mà chấp thuận, nên đảnh lễ dưới chân Đức Phật, nhiễu quanh ba vòng, liền ngay tại núi Kỳ-xà-quật các vị bỗng nhiên biến mất, trở về lại Thiên cung.

Lúc này, đêm sắp tàn, trời gần sáng, Đức Thế Tôn liền gầm lên tiếng gầm của đại sư tử chúa, rồi lại mỉm cười. Khi Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác đã phát ra âm thanh kỳ lạ như vậy xong, trong khoảnh khắc có các chúng Tỳ-kheo ở tinh xá trong núi Kỳ-xàquật này, nương theo oai thần của Phật, tất cả đều tập hợp tại chỗ Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác.

Lại có các chúng Tỳ-kheo ở các trụ xứ A-lan-nhã khác, có đủ đại thần thông, đại oai đức, cũng đều nương theo oai thần của Phật, từ chỗ A-lan-nhã đi đến, vào núi Kỳ-xà-quật, tập trung tại chỗ Đức Như Lai. Lại có các Tỳ-kheo-ni, ở thành lớn Vương xá, cũng nương theo oai thần của Phật, đi vào núi Kỳ-xà-quật, tập trung tại chỗ Đức Như Lai.

Bấy giờ, có vua A-xà-thế, con của bà Vi-đề-hy, chủ nước Magià-đà, cùng vô lượng trăm ngàn quyến thuộc quây quần trước sau, cùng vào núi Kỳ-xà-quật, tập trung chỗ Đức Như Lai.

Khi ấy, lại có các Đại tướng Dạ-xoa là: Đại tướng Dạ-xoa Atra-bà-ca Khoáng-dã-cư, Đại tướng Dạ-xoa Già-đà-bà-ca Lư Hình, Đại tướng Dạ-xoa Kim-tỳ-la Ma-kiệt Ngư, Đại tướng Dạ-xoa Tuchỉ-lộ-ma Châm Mao, Đại tướng Dạ-xoa Ma-la-đà Lê Trì Hoa Man. Các Dạ-xoa này đứng đầu, cùng các nhóm Dạ-xoa khác có đại oai thần, đại uy lực, mỗi nhóm đều có vô lượng trăm ngàn quyến thuộc, trước sau vây quanh cùng vào núi Kỳ-xà-quật, tập trung ở chỗ Đức Như Lai.

Lại có các A-tu-la vương, các vị ấy là: A-tu-la vương Đại Khiễu La-hầu, A-tu-la vương Chủng Chủng Khả Úy Tỳ-ma-chất-đa, A-tu-la vương Tu-bà-hầu Thiện Tý, A-tu-la vương Ba-ha-la Thư-triển-đà, tất cả đều có đại oai thần, đầy đủ đại uy lực, nghe âm thanh của Phật, run sợ, lông nơi thân dựng đứng. Họ cũng cùng với vô lượng trăm ngàn quyến thuộc trước sau vây quanh, đi vào núi Kỳ-xà-quật, tập trung ở chỗ Đức Phật.

Lại có các đại Long vương ở trong tam thiên đại thiên thế giới, cũng cùng các quyến thuộc, nghe âm thanh của Đức Phật, sợ hãi, lông nơi thân dựng đứng, nương theo oai thần của Phật vào núi Kỳxà-quật, tụ tập tại chỗ Đức Phật.

Cùng lúc, Trưởng giả Cấp Cô Độc ở thành lớn Xá-bà-đề, cũng cùng với vô lượng trăm ngàn quyến thuộc vây quanh, từ Xá-bà-đề đi đến thành Vương xá, vào núi Kỳ-xà-quật, tụ tập chỗ Đức Phật, cung kính cúng dường Đức Như Lai, để nghe chánh pháp.

Lại nữa, ở thành lớn Tỳ-xá-ly, cũng có vô lượng con của các Lê-xa, đều sinh trong dòng họ Bà-la-môn Đại Tịnh, tên những vị ấy: Lê-xa Tử Thiện Tư, Lê-xa Tử Phục Oán Thiểu Tráng, Lê-xa Tử Công Đức Sinh, Lê-xa Tử Vô Biên Thủ, Lê-xa Tử Cử Thủ, Trưởng giả tử Nhiên Thủ, các vị này là hàng thượng thủ, đều đã sống lâu trong Đại thừa Vô thượng, cùng với vô lượng trăm ngàn quyến thuộc, trước sau vây quanh, từ thành Tỳ-xá-ly đi đến thành Vương xá, vào trong núi Kỳ-xà-quật, tập trung ở chỗ Đức Phật.

Lại nữa nơi thành lớn Chiêm-ba có vô lượng con của các Trưởng giả, vào thời quá khứ đã cúng dường vô lượng, vô biên các Đức Phật, trồng các căn lành, có đủ đại oai đức, đại uy lực. Tên các vị ấy là: Trưởng giả tử Thiện Trụ, Trưởng giả tử Lợi Ích, Bà-la-môn tử Vô Biên Tinh Tấn, các vị này là hàng thượng thủ và vô lượng Trưởng giả, Cư sĩ khác, cùng với vô lượng trăm ngàn quyến thuộc, trước sau vây quanh, từ thành Chiêm-ba đi đến thành Vương xá, vào trong núi Kỳ-xà-quật, tập trung ở chỗ Đức Phật, cung kính cúng dường Đức Như Lai, mong được nghe chánh pháp.

Lại nữa, ở thành Ba-la-nại có vô lượng nhân chúng khác loại, trong thời quá khứ đã cúng dường vô lượng trăm ngàn các Đức Phật, gieo trồng các căn lành, đã được thuần thục, từ thành Ba-la-nại đi đến thành Vương xá, vào núi Kỳ-xà-quật, tập hợp ở chỗ Đức Phật, cung kính cúng dường Đức Như Lai, để được nghe chánh pháp.

Lại nữa, ở thành Câu-thi-na, có vô lượng con của các lực sĩ Mạt-la, cũng đã từng cúng dường vô lượng trăm ngàn các Đức Phật Thế Tôn, từ lâu đã huân tập, tu các căn lành, nên có đại oai đức, đầy đủ thế lực, cũng cùng với vô lượng quyến thuộc vây quanh, từ Câuthi-na đi đến thành Vương xá, vào núi Kỳ-xà-quật, tập hợp ở chỗ Đức Phật, cung kính cúng dường Đức Như Lai, để mong được nghe chánh pháp.

Bấy giờ, ở phương Đông, trải qua vô lượng hằng hà sa thế giới, tất cả Đại phạm Thiên vương cùng các Thiên chúng khác, có đại oai đức, đầy đủ đại thần thông, nghe Đức Phật Thế Tôn là Bậc Đại Sư Tử Vương, cất tiếng gầm lớn, làm cho tất cả đều kinh ngạc, lông nơi thân dựng đứng, đều nương theo oai thần của Phật, cùng với vô lượng ngàn vạn Thiên chúng quyến thuộc vây quanh, đều từ chỗ ở của mình đi đến thành Vương xá của thế giới Ta-bà này, vào núi Kỳ-xà-quật, tập hợp ở chỗ Đức Phật.

Như vậy, các phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới đều có vô lượng hằng hà sa thế giới như vậy, đều có tất cả Đại phạm Thiên vương và các Thiên chúng khác, có đại oai đức và đại thần thông, khi nghe tiếng gầm Đại Sư Tử Vương của Đức Thế Tôn thảy đều kinh sợ, lông nơi thân dựng đứng, rồi đều nương theo oai thần của Phật, cùng với vô lượng ngàn vạn ức Thiên chúng quyến thuộc vây quanh, tất cả từ chỗ ở của mình đi đến thành Vương xá của thế giới Ta-bà này, vào núi Kỳ-xà-quật, tập trung ở chỗ Đức Phật.

Lúc này, trong núi Kỳ-xà-quật rộng lớn, đất đai bằng phẳng như tam thiên đại thiên thế giới này, đại chúng đông đủ, không còn có khoảng rống, đều chen chúc, song đại chúng này đều có vô lượng đại oai đức và đại thần thông, tất cả hàng Trời, Người, các loại Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân phi nhân thảy đều cảm thấy hoan hỷ tự tại.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết thiên nhân, đại chúng ở các thế gian, tất cả đã tập trung đông đủ, liền phát ra âm thanh của Đại Sư Tử Vương, sau đấy từ tinh xá đi ra, đến một chỗ, lại mỉm cười.

Các đại chúng thiên nhân của thế gian thấy được việc ấy, rồi đều cởi những tấm y, các vòng hoa của mình, dùng các thứ hương rải trên Đức Phật để cúng dường, cung kính, chí tâm chiêm ngưỡng đức Thế Tôn.

Khi đó, trong đại chúng có các Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Đại Ca-diếp, Tôn giả Tu-bồ-đề, Tôn giả Phúlâu-na Di-đa-la-ni Tử, Tôn giả La-hầu-la, Tôn giả Đại Kiếp-tân-na, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên, Tôn giả A-nê-lâu-đà, Tôn giả Hộ Thế, Tôn giả Thủ-lung-na, Tôn giả Nan-đà, Tôn giả A-nan đều là những bậc thượng thủ và tất cả các đại Thanh văn khác cũng đều là những bậc Đại đức, có đầy đủ đại thần thông, tất cả đều đến tập hội tại đó.

Trong đại chúng còn có các Tôn giả: Đó là Đại Bồ-tát Di-lặc, Đại Bồ-tát Việt Tam Giới, Đại Bồ-tát Dũng Đại Bộ, Đại Bồ-tát Sơ Phát Tâm Tức Chuyển Pháp Luân, Đại Bồ-tát Thiện Tư, Đại Bồ-tát Đại Âm Thanh, Đại Bồ-tát Thiện Hành Bộ, Đại Bồ-tát Siêu Tam Thế, Đại Bồ-tát Trì Thế, Đại Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến. Tất cả đều là những bậc thượng thủ và vô lượng vô số Đại Bồ-tát khác, thời quá khứ đã ở chỗ vô lượng các Đức Như Lai gieo trồng các căn lành, dày công tu các hạnh, công đức thành tựu viên mãn, từ lâu đã an trụ nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Bồ-tát Bất Không Kiến thấy Đức Phật Thế Tôn mỉm cười, hiền từ tòa đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai áo bên phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về Đức Phật, nói kệ:

Lưỡng Túc Tôn Vô thượng, tối thắng
Không duyên cớ sao lại mỉm cười
Tất cả thế gian không ai bằng
Cúi mong vì con nói nguyên nhân.
Thường thí kẻ nghèo vật cần dùng
Cũng nói pháp Đại thừa báu diệu
Thường ban mắt sáng cho kẻ mù
Nay Ngài mỉm cười do nhân gì?
Thế Tôn ba cõi không gì sánh
Huống gì thế gian đạt luận thắng
Là Đại Đạo Sư của trời người
Hiện cười tất phải có duyên do?

Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Này Bất Không Kiến! Nay ông thấy các tướng trang nghiêm hai bên tả, hữu ở thắng địa này rất đáng được ưa thích phải không?

Bồ-tát Bất Không Kiến thưa:

–Đúng vậy, bạch Thế Tôn! Đúng vậy, bạch Đức Bà-già-bà!

Đức Phật lại bảo:

–Này Bất Không Kiến! Ông nên biết, nơi địa phương này, từ xưa các Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác đã từng thọ dụng, giáo hóa, du hành và sống ở đây.

Bồ-tát Bất Không Kiến nghe Đức Phật bảo như vậy, liền cấp tốc đi đến chỗ ấy, đến rồi, liền nhập Tam-muội, khi trụ vào Tammuội, tự nhiên thành tựu tòa báu thượng diệu, các thứ trang nghiêm thảy đều đầy đủ, trang nghiêm chỗ ngồi xong, quay trở về chỗ Đức Phật, đầu mặt đảnh lễ dưới chân Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chỗ này hôm nay đã trang nghiêm như vậy, cúi mong Đức Thế Tôn nên kịp thời tới thắng địa ấy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đến nơi đó, đến nơi, liền đúng như pháp mà thăng tòa. Khi Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác thăng tòa rồi, tức thì tất cả đại địa nơi tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách. Đó là động, động khắp, cùng động khắp; rung, rung khắp, cùng rung khắp; vọt lên, vọt lên khắp, cùng vọt lên khắp; gầm, gầm khắp, cùng, gầm khắp; nổi, nổi khắp, cùng nổi khắp; lay, lay khắp, cùng lay khắp. Vọt lên phía Đông thì biến mất ở Tây, vọt lên ở Tây thì biến mất ở Đông, vọt lên ở Nam thì biến mất ở Bắc, vọt lên ở Bắc thì biến mất ở Nam, vọt lên ở giữa thì biến mất ở hai bên, vọt lên ở hai bên thì biến mất ở giữa.

Khi đại địa chấn động như vậy xong, nhờ thần lực của Phật nêu

khắp thế giới này có được một luồng ánh sáng lớn, khiến cho các chúng sinh đều cảm nhận sự an vui. Bên dưới thì chiếu đến đại địa ngục A-tỳ, các chúng sinh ở đây nhờ hào quang chiếu vào thân nên các điều khổ được tiêu diệt, cùng cảm nhận sự an vui. Như vậy, các chúng sinh đang thọ khổ nơi các địa ngục, các loại súc sinh sắp bị tàn hại, các ngạ quỷ đang ở trong cõi của Diêm-la vương, hễ gặp được ánh sáng này rồi thì tất cả khổ đau đều tiêu trừ, đói khát thì được no đủ, không có chúng sinh nào là không cảm nhận sự an lạc. Ngay lúc ấy, tất cả chúng sinh đều bỏ niệm ác, đều khởi tâm Từ, lần lượt yêu thích nhau, đều có tâm thương xót, giống như những người thân thuộc nhìn nhau vui vẻ, chan hòa, cùng chung chỗ ngồi. Bấy giờ họ cùng nhau khen ngợi:

Thế Tôn ngồi tòa này
Phóng ra ánh sáng lớn
Đại địa sáu cách động
Khiến chúng sinh vui vẻ.
Như Lai ngồi tòa này
Pháp vương phóng hào quang
Nên biết ngay khi ấy
Chúng sinh được an lạc.
Chánh giác ngồi tòa này
Chỗ quy y đại trí
Hào quang lợi thế gian
Chiếu khắp cõi Phật này.
Lạ thay! Đại thừa ấy
Thừa tối thắng, vô thượng
Như Lai ngồi tòa này
Lợi ích khó nghĩ bàn.
Lạ thay! Đại thừa này
Thừa tối thắng, vô thượng
Sa-môn, Bà-la-môn
Nơi đây nhiều vô lượng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hiện tướng lưỡi rộng dài bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới, hiện xong, Ngài bảo các Đại Bồ-tát và các chúng đại Thanh văn:

–Này các thiện nam! Các vị nên biết, sau nửa đêm hôm qua có các vị trời cõi Tịnh cư là Thiên tử Nan-đà, Thiên tử Tu-nan-đà, Thiên tử Chiên-đàn, Thiên tử Tu-ma-na, Thiên tử Nan Thắng, cho đến Thiên tử Tu-đa-ba cùng vô lượng các Thiên tử khác, chư vị đó đều có đại oai đức, đầy đủ đại thần thông, phóng luồng ánh sáng rực rỡ, chiếu thẳng đến núi Kỳ-xà-quật, đi đến chỗ ta, còn lấy liền dùng đủ các thứ hương tốt nhất ở cõi trời, như là thiên Mạt chiên-đàn, cho đến hương thiên Đa-ma-la-bạt rải lên trên ta. Lại dùng vô số các thứ hoa trời, như Ưubát-la, cho đến hoa Đại mạn-thù-sa cúng dường Như Lai, nhiễu quanh bên phải ba vòng, đảnh lễ dưới chân ta, đứng qua một bên, đối với Như Lai tâm họ cùng cung kính bội phần, chắp tay im lặng mà đứng. Khi đó, họ suy nghĩ: “Hôm nay đây, pháp môn niệm Phật của tất cả Bồ-tát mà các Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác thời quá khứ đã từng vì đại chúng trời, người tuyên dương, giải thích, là chỉ muốn cho các chúng sinh ấy được an lạc. Nay Đức Thế Tôn của ta chắc cũng sẽ vì đại chúng cõi trời, người này mà diễn nói pháp môn niệm Phật như vậy, khiến cho các chúng sinh được lợi ích an lạc.” Các Thiên tử ấy nghĩ như vậy xong, liền xin Như Lai nói pháp môn này. Bấy giờ, ta im lặng nhận lời, chư Thiên biết ta nhận lời liền đảnh lễ biến mất.

Đức Thế Tôn liền nói kệ:

Này Tỳ-kheo, cuối đêm hôm qua
Thiên vương Tịnh cư Ma-hê-la
Dẫn các Thiên chúng và quyến thuộc
Nan-đà cùng với Tu-nan-đà.
Trời Tu-ma-na và Chiên-đàn
Cho đến Nan Thắng, Tu-đa-ba
Phóng ánh sáng lớn khắp thế gian
Chiếu thắng đến núi Kỳ-xà-quật.
Các vị trời ấy đến chỗ ta
Dùng hương hoa trời mà cúng dường
Trước tiên nhiễu quanh ta ba vòng
Đảnh lễ, cung kính, đứng một bên.
Các Thiên tử lặng yên suy nghĩ:
“Nay Tu-đa-la niệm Phật này
Tối thắng quá khứ từng tuyên giảng
Vì xót thương chúng sinh thế gian.
Nay Đấng Thế Tôn đủ mười Lực
Sao không diễn thuyết pháp môn ấy
Lợi ích quần sinh ở thế gian
Để làm an ổn cho trời, người?”
Chư Thiên nghĩ xong liền thưa thỉnh
Ta thì im lặng và đồng ý
Vì ta muốn ở núi Kỳ-xà
Như trước kia chư Phật đã nói.
Các trời biết ta chấp nhận rồi
Sinh tâm tôn kính và vui sướng
Hết thảy một lòng đảnh lễ ta
Nhiễu quanh ba vòng rồi biến mất.
Này các Tỳ-kheo hãy nhớ kỹ
Ta nghe các Phật quá khứ nói
Đừng nên sinh nghi sợ pháp này
Trí các Như Lai khó nghĩ lường.
Các Phật xưa kia đã hành đạo
Ta trước biết hết không còn nghi
Tất cả Nhân Trung Tôn hiện tại
Đã được Bồ-đề mà ta chứng.
Đại bi đương lai xót thương đời
Pháp thân an nhiên ta hiểu biết
Nay ta đầy đủ trí vô ngại
Đây là trí lớn khó lường tính.
Vượt khỏi thế gian không ai bằng
Tất cả chúng sinh không thể lường.