KINH ĐẠI TẬP ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời nhà Tùy, Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 7

Phẩm 11: SUY NGHĨ VỀ TAM-MUỘI

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ-tát có ý muốn thành tựu điều chư Phật giảng nói về Tam-muội Niệm Phật, vậy suy nghĩ như thế nào để được an trú ở đó?

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu các Đại Bồ-tát quyết muốn thành tựu Tam-muội này thì trước phải nhớ nghĩ chân chánh về các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở thời quá khứ, tiếp theo nhớ nghĩ đến các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở hiện tại, kế đó là nhớ nghĩ đến các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở vị lai. Vị ấy phải nhớ nghĩ đến tất cả mười phương thế giới trong ba đời, tất cả các Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, đã thành tựu từ trời hạ sinh, thành tựu nhập thai, thành tựu trụ thai, thành tựu xuất thai, thành tựu xuất gia, thành tựu các công đức, thành tựu các căn, thành tựu các tướng, thành tựu các vẻ đẹp, thành tựu sự trang nghiêm, thành tựu giới phẩm, thành tựu Tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, thành tựu bốn Vô úy, thành tựu Từ bi, thành tựu Hỷ xả, thành tựu hổ thẹn, thành tựu oai nghi, thành tựu các hạnh, thành tựu Xa-ma-tha, thành tựu Tỳ-bà-xána, thành tựu giải thoát, sáng tỏ thành tựu môn giải thoát, thành tựu bốn Niệm xứ, thành tựu bốn Chánh cần, thành tựu bốn Như ý túc, thành tựu năm Căn, thành tựu năm Lực, thành tựu bảy Giác phần, thành tựu tám Chánh đạo, thành tựu nhân duyên kiếp trước, thành tựu vừa dạy vừa chỉ bảo, thành tựu chỉ giáo các thần thông, thành tựu chỉ giáo thần thông lớn, thành tựu giới phẩm, thành tựu tất cả Tam-muội, thành tựu lợi ích vô ngại, thành tựu sự lợi ích vô ngại cho người khác, thành tựu tất cả pháp lành, thành tựu sắc thanh tịnh, thành tựu tâm thanh tịnh, thành tựu trí thanh tịnh, thành tựu các nhập, thành tựu sắc vàng trăm phước.

Khi Bồ-tát ấy nghĩ đến các tướng như vậy của các Đức Như Lai thì cũng nên nghĩ đến các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ấy tâm không động loạn, cũng thường an trụ, không làm chìm đắm tâm. Thấy tâm của các Ngài không vướng mắc xong, vị ấy lại phải tự suy nghĩ: “Trong đó những gì gọi là Như Lai? Chính nơi sắc là Như Lai chăng? Hay lìa sắc là Như Lai? Nếu cho Sắc pháp là Như Lai thì các chúng sinh kia đều có sắc ấm, vậy các chúng sinh cũng là Như Lai sao? Nếu bảo lìa sắc là Như Lai, lìa Sắc tức là pháp không có nhân duyên, đã là pháp không có nhân duyên, sao gọi là Như Lai?”

Bồ-tát xét xem và biết sắc như vậy rồi, tiếp theo là xét xem đến thọ. Khi ấy Bồ-tát lại phải tự suy nghĩ: “Ngay nơi Thọ là Như Lai hay lìa Thọ là Như Lai? Nếu đúng pháp thọ là Như Lai thì các chúng sinh đều có thọ ấm, vậy các chúng sinh cũng là Như Lai sao? Nếu lìa pháp thọ là Như Lai, lìa thọ tức là pháp không có nhân duyên, đã là pháp không có nhân duyên, sao gọi là Như Lai?”

Vị ấy xem xét kỹ sắc, thọ như vậy, cho đến xem xét Thức cũng như thế. Khi ấy, Bồ-tát lại phải suy nghĩ: “Nếu các ấm này chẳng phải là Như Lai, vậy các căn là Như Lai chăng?” Nghĩ như vậy xong, trước tiên xem xét về nhãn: “Chính ngay nơi nhãn là Như Lai hay lìa nhãn là Như Lai? Nếu chính nơi nhãn là Như Lai, tất cả chúng sinh cũng đều có nhãn này, vậy tất cả chúng sinh cũng là Như Lai? Nếu lìa nhãn là Như Lai mà lìa nhãn chẳng phải là pháp nhân duyên, đã không phải là pháp nhân duyên, sao gọi là Như Lai?” Bồ-tát xem xét kỹ về nhãn như vậy rồi, xem xét về nhĩ, tỷ cho đến xem xét về ý cũng lại như vậy.

Lúc đó, Bồ-tát ấy lại phải suy nghĩ: “Nếu các căn này không phải là Như Lai, chẳng lẽ các đại là Như Lai chăng?” Nghĩ như vậy xong, trước tiên xem xét về địa: “Chính địa giới là Như Lai chăng? Hay lìa địa giới là Như Lai? Nếu chính địa giới là Như Lai thì các pháp trong ngoài đều thuộc về địa, địa giới như vậy chính là Như Lai? Nếu lìa địa giới là Như Lai, mà lìa địa giới tức là pháp không nhân duyên, đã là pháp không nhân duyên, sao gọi là Như Lai?”

Vị ấy đã xem xét kỹ về địa giới như thế, cho đến xem xét về thủy, hỏa, phong giới cũng lại như vậy.

Bồ-tát ấy đã có thể tư duy một cách chân chánh như thế. Không lấy sắc xem xét kỹ Như Lai, không lìa sắc để xem xét kỹ Như Lai. Cũng vậy, không lấy thọ, không lìa thọ, không lấy tưởng, không lìa tưởng, cho đến không lấy thức, không lìa thức để xem xét kỹ Như Lai cũng lại như thế.

Khi vị ấy xem xét kỹ không lấy nhãn để xem xét Như Lai, không lìa nhãn xem xét Như Lai. Như vậy, không lấy nhĩ, không lìa nhĩ, không lấy tỷ, không lìa tỷ, cho đến không lấy thân, ý, không lìa thân, ý để xem xét Như Lai cũng lại như vậy.

Khi vị ấy xem xét kỹ không lấy sắc để xem xét Như Lai, không lìa sắc để xem xét Như Lai. Cũng vậy, không lấy thinh, không lìa thinh, cho đến không lấy xúc, pháp, không lìa xúc, pháp để xem xét Như Lai cũng lại như thế.

Khi vị ấy xem xét kỹ không lấy địa để xem xét Như Lai, cũng không lìa địa để xem xét Như Lai. Như vậy, không lấy thủy, không lìa thủy, cho đến không lấy phong, không lìa phong để xem xét Như Lai cũng lại như vậy.

Khi Bồ-tát xem xét như vậy, có thể ở trong tất cả pháp đó khéo thông đạt, hiểu biết rõ ràng vô ngại.

Bấy giờ Bồ-tát ấy lại tạo ra suy nghĩ: “Trong đó lại dùng những chân pháp gì để có thể đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Lấy thân được Bồ-đề chăng? Hay dùng tâm để được Bồ-đề? Nếu do thân được thì hiện nay thân này không giác, không thức, si mê, không trí, giống như cây cỏ, như đá, như vách tường, còn như Bồ-đề ấy chẳng phải sắc, chẳng phải thân, chẳng phải hành, chẳng phải đắc, không thể thấy, nghe, không thể xúc, chứng; thân này thì như vậy, Bồ-đề thì như thế làm sao thân có thể thành Bồ-đề?

Còn nếu do tâm được thì chính tâm này tự nó vốn không hình, không có tướng mạo, không thể thấy, nghe, không thể xúc, chứng, không thể cầm nắm, giống như huyễn hóa. Bồ-đề như vậy cũng không có tâm, không có xúc đối, không thể thấy nghe, không thể chứng biết. Tâm này như thế làm sao có thể thành tựu Bồ-đề?”

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đó là Bồ-tát nhớ tưởng, suy nghĩ về chân chánh, không lấy thân, tâm, cũng không lìa thân, tâm mà có thể chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Bồ-tát ấy phải thường xuyên suy nghĩ xem xét như vậy. Nếu có thể khi xem xét các pháp như thế, tức được an trú ở trong chánh pháp, tâm không thay đổi, không thể dời động. Nên biết, khi ấy Đại Bồ-tát đã đầy đủ pháp, tự nhiên sẽ xa lìa những suy nghĩ ác, nhanh chóng thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, pháp giới sẽ bình đẳng, chân thật, chánh giác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì muốn làm rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Quá khứ, vị lai các Thế Tôn
Hiện tại khắp các vị được thấy
Tâm sâu rỗng lặng hành từ ái
Muốn thấy chư Phật không khó khăn.
Xưa kia chư Phật Đại Oai Quang
Xót thương thế gian, ban niềm vui
Ngài nhớ hoa sen trong cõi người
Điều Ngự Trượng Phu đầy công đức.
Nhớ lại hạ sinh và nhập thai
Trụ thai, mẹ quý đều đầy đủ
Nghĩ Phật sinh nhà nhiều tướng tốt
Thường thấy đẳng giác chẳng khó khăn.
Nhớ các vẻ đẹp rất trang nghiêm
Và bản nguyện Phật trước đã làm
Lời hay, nghĩa tốt trước, giữa, sau
Phật là Thiện Thệ thân giải thoát.
Trụ môn giải thoát và cúng dường
Chánh cần cùng với bốn Thần túc
Nên nhớ các căn Phật đầy đủ
Lực, Bồ-đề phần cũng như vậy.
Hoặc nhớ chư Phật, Đấng Giải Thoát
Không lâu sẽ đến Địa thắng tịch
Nhớ lợi ích tất cả thế gian
Công đức pháp lành khó nghĩ lường.
Sắc diệu cùng với tâm thanh tịnh
Lại nghĩ Thế Tôn nhiều phần tốt
Thân thể kim cang, tướng trăm phước
Nên biết Như Lai các niệm đầy.
Trong những pháp nào gọi Như Lai
Cần xem xét kỹ cõi vô biên
Chư Phật chẳng sắc, lại chẳng thọ
Chẳng phải tưởng, hành, chẳng tâm thức.
Những pháp như vậy chẳng Như Lai
Người trí chánh kiến cũng chẳng nhập
Cũng chẳng lìa đó là chư Phật
Ứng Cúng, Thiện Thệ là tên gọi.
Chư Phật chẳng nhãn, chẳng nhĩ, tỷ
Chẳng thiệt, thân, ý cũng chẳng pháp
Cũng chẳng lìa vì là Như Lai
Chánh giác trang nghiêm chỉ để gọi.
Chỉ có tên lớn, Phật không thế
Nơi nào sự lìa danh có thật?
Người trí nếu biết hòa hợp hết
Sẽ giữ đẳng giác thật chẳng khó.
Nếu cho các ấm là Như Lai
Tất cả chúng sinh đều có ấm
Chúng sinh chẳng lẽ là chư Phật?
Vì ấm bình đẳng ai cũng có.
Không thể cho sắc là chư Phật
Cũng không lìa ấm, gọi Như Lai
Vô lượng kiếp suy nghĩ chân chánh
Trí không nghĩ bàn mới thành tựu.
Thân như cây cỏ, như tường, đá
Bồ-đề không sắc lặng, không sinh
Cũng không thân ngủ cùng cây cỏ
Làm sao nói thân chứng Bồ-đề?
Tâm này không tướng, lại không hình
Bồ-đề chẳng tâm, chẳng hình dạng
Chẳng thân, chẳng tâm hay đắc chứng
Cũng chẳng không chứng, khó nghĩ bàn!
Đó là địa Tịch tĩnh tối thắng
Ngoại đạo ở đó đều mê mờ
Nếu ở pháp này cầu chánh cần
Ắt mau chứng đạt Tam-muội ấy.

*********

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát nên chứng biết cái gì để xả bỏ cái tôi thấy?

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu các Đại Bồ-tát khi được chứng biết mà không có trụ chấp thì lìa ngã kiến. Bồ-tát không trụ chấp như vậy mà hay vì tất cả thiên, nhân, chúng sinh ở thế gian làm lợi ích lớn. Lợi ích thế nào? Đó là làm ánh sáng đại pháp, đốt lên ngọn đuốc đại pháp, thổi loa đại pháp, khua chuông đại pháp, cỡi thuyền đại pháp, bắt cầu đại pháp để đưa chúng sinh ra khỏi bốn dòng thác của sinh tử, đặt họ nơi là bờ giác Niết-bàn vô vi. Tức nên phải xem xét bản tánh của thân này, tiếp theo phải xét xem sự bất tịnh sạch, hôi thối, hư nát, dãy đầy phân và nước tiểu của thân. Thân này vô thường, không dừng lại dù trong giây lát, bị phá hoại, khô cằn, không thể tồn tại lâu dài, như đứa trẻ, lừa dối, mê lầm, mỏng manh không bền chắc, giống như đống bọt nước, đầy dẫy loài trùng, gân xương giúp nhau nhờ vào không mà hành, không có chỗ thật dụng, dẫu trải qua trăm năm hay trăm ngàn năm, hay là tám vạn kiếp, với đầy đủ tất cả thú vui, gìn giữ và nuôi dưỡng, cuối cùng cũng quy về hư hoại. Thân này luôn luôn không lìa phiền não, không ra khỏi điên đảo, thường bị các loài chim thú ác ăn nuốt. Thân này cũng đồng hành với địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, qua lại trong sinh tử, thọ các khổ não, hoặc làm nô lệ cho đủ các thứ khổ, thường bị hệ thuộc người khác, không được tự tại. Như chỗ đã sinh ra thân này, làm sao có thể thấy Khổ để đoạn Tập, chứng Diệt và tu Đạo?

Thân của ta hôm nay chỉ là trống không, dối lừa, ngu tối, chẳng có gì kiên cố. Cho nên ta càng phải đem tất cả thần này phân chia, bố thí cho các chúng sinh. Nếu có chúng sinh coi trọng thân mình, ta sẽ vì họ từ bỏ thân mạng. Nếu có chúng sinh cần khí chất của ta, ta sẽ cho kẻ ấy khí chất. Nếu có chúng sinh cần thịt của ta, ta sẽ đem thịt dâng cho họ. Vì sao? Trước hết, thà ta đem cho để kẻ ấy được ăn, không để vì không cho mà khiến họ tự ăn. Nay ta dùng tâm thanh tịnh này bố thí thì sẽ được căn lành, diệt trừ tức khắc gốc rễ của ngã kiến.

Song Bồ-tát kia khi quán như vậy, không vướng mắc vào ngã kiến. Khi ngã kiến đã diệt rồi, sau đó mới xả thân, khiến cho chúng sinh còn tiếc mạng sống, thấy rõ việc ta từ bỏ mạng căn. Chúng sinh cần khí chất thì cho khí chất, cần thịt để ăn thì cho thịt. Nếu có chúng sinh cần sức dùng thì liền làm nô lệ để họ sai bảo.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nhờ nhân duyên ấy mà Đại Bồ-tát kia trừ bỏ được ngã kiến, không trụ vào nó, chứng biết nó, để có thể ở trong thân không kiên cố này mà cầu thân kiên cố.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ví như trong thôn, xóm làng, thành ấp có nhiều đồng nam, đồng nữ từ nhà đi ra, đến bờ sông, trông thấy đống bọt nước, lấy bọt nước ấy cùng nhau vui chơi, đùa giỡn khiến chúng đều tiêu tan chẳng còn gì cả. Nhưng đống bọt nước ấy không tự nghĩ: “Hôm nay ai có thể phân tán ta như vậy.” Bọt nước tuy bị hủy hoại nhưng vẫn không có tâm buồn giận. Này Bất Không Kiến! Như vậy, Đại Bồ-tát phải tự xem xét thân mình là vật vô thường, dễ hư hoại, như đống bọt nước kia, không thể tồn tại lâu dài. Nên biết, người ấy đã được Tam-muội này, nên mau thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì muốn làm sáng rõ nghĩa này, nên nói kệ tụng:

Nếu ai muốn xa lìa ngã kiến
Với hết thảy không chỗ trụ chấp
Vì lợi ích của cõi trời, người
Sẽ chứng đại Bồ-đề khó thấy.
Nếu biết chán thân nhiều bất tịnh
Vì là bướu, ghẻ, máu, mủ chảy
Thân này biến diệt, không chắc chắn
Vô thường, ốm yếu là pháp hoại.
Tạm bợ, như ảo, không thật thể
Như đám bọt nước, rỗng, không chân
Ngày đêm nuôi dưỡng chẳng ích gì
Chỉ làm món ăn: Chim, thú ác.
Tuy dùng đủ vật để cung cấp
Thân này cũng phải bị tan diệt
Đã không thể là pháp kiên cố
Qua vô lượng kiếp toàn là khổ.
Địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ khổ
Đói khát, phiền não thường thiêu đốt
Thế gian trói buộc hơn trăm lưới
Trước nay không biết tưởng như thật.
Thân ta ngày nay thấy trống không
Thân thể vô thường đổi từng phút
Rằng các chúng sinh ăn thịt ta.
Khí chất, phục dịch, ta cam chịu.
Khi ta nghĩ vậy, thường phát nguyện:
Nếu ai ăn thịt và khí huyết
Ta sẽ vì họ xả bỏ cho
Để họ tự ý ăn thân ta.
Để khiến những ai còn tiếc thân
Đều được thấy ta bỏ mạng sống
Nay ta không yêu tiếc thân mạng
Mong mau thành được Tam-ma-đề.
Giống như bọt nước bị tan vỡ
Chưa từng một lần khởi tâm sân
Nay thân của ta như bọt nước
Chớ có sinh tâm ghét và oán.
Nếu đã xem thân như bọt nước
Người ấy nhất định cầu Bồ-đề
Không chỉ phụng sự mười phương Phật
Mà còn mau chứng thắng Tam-muội.