KINH ĐẠI TẬP ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời nhà Tùy, Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 6

Phẩm 8: THƯA HỎI RỘNG VỀ VIỆC THẤY NHIỀU ĐỨC PHẬT

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nay tất cả đại chúng trời, người này đã thấy Thế Tôn trụ lâu trong thiền định, im lặng không nói, nên đều có sự khát ngưỡng, cúi mong Thế Tôn vui lòng an tọa nơi bảo tòa này.

Thế Tôn nghe Đại Bồ-tát Bất Không Kiến vì đại chúng trời người cung thỉnh nên hiện rõ oai nghi, chánh niệm, im lặng chấp thuận.

Đại Bồ-tát Bất Không Kiến thấy Đức Phật đã im lặng chấp thuận rồi, liền bày vai áo bên phải, gối mặt quỳ xuống đất, chắp tay hướng về Đức Phật, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nay con có điều muốn hỏi, nếu Thế Tôn cho phép con mới dám.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác tùy theo điều ông hỏi sẽ giải thích để đoạn trừ nghi hoặc, khiến tâm ông được vui vẻ, để cho các hàng Trời, Người, Phạm, Ma, Sa-môn, Bà-la-môn đều sẽ chứng biết.

Khi ấy Đại Bồ-tát Bất Không Kiến vâng theo lời Phật dạy, liền thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát cần phải suy nghĩ về những Tammuội gì? Cần phải gần gũi những Tam-muội gì? Cần phải tu hành những Tam-muội gì? Như vậy, Bồ-tát suy nghĩ, gần gũi và nhờ tu hành Tam-muội ấy rồi, hiện thấy pháp gì mà được an lạc? Làm sao được như biển cả để nghe nhiều sự giáo thọ? Làm sao được như núi Tu-di để tâm Bồ-đề an trụ không lay chuyển? Làm sao được như núi Đại thiết vi để tất cả tà luận của ngoại đạo không thể làm cho nghiêng động? Làm sao được như hư không để tất cả pháp không bị chướng ngại? Làm sao được như hư không để tâm không bị nhiễm chấp. Làm sao được như mặt trời để phá trừ tất cả vô minh tăm tối? Làm sao được như mặt trăng để pháp trắng trong được tròn đầy? Làm sao được như ngọn đèn để làm ánh sáng pháp? Làm sao được như ngọn đuốc lớn để tất cả thọ, ấm đều được tiêu diệt? Làm sao được như khối lửa để thiêu đốt tất cả các phiền não? Làm sao được như sông, ao, suối, nguồn để tất cả chúng sinh tùy ý thọ dụng? Làm sao được như chiếc thuyền lớn để đưa tất cả chúng sinh qua bờ bên kia? Làm sao được như cây cầu để khỏi bị chìm đắm trong phiền não sinh tử? Làm sao hàng phục được các oán địch để phá trừ các thứ kiêu mạn của quân ma? Làm sao được như cây Ba-lợi-chất-đa-la để vì tất cả chúng sinh ở các phương mà nở hoa bảy phần Bồ-đề, hương thơm theo gió thấm đượm khắp nơi? Làm sao được như hoa Ưu-đàm-bát vì hiếm có khó gặp? Làm sao được như Dược vương, bình đẳng trị lành bệnh khổ của tất cả chúng sinh? Làm sao được như Đại y vương khởi tâm đại Bi xót thương mọi chúng sinh? Làm sao được như cây chiênđàn để trừ các nóng bức, tạo ra sự mát mẻ? Làm sao được như đám mây mưa lớn để bình đẳng tuôn xuống những trận mưa pháp, khiến cho tất cả được đầy đủ? Làm sao được như bình chứa mật để có thể thuyết giảng đầy đủ pháp một vị? Làm sao được như tiếng gầm sư tử để có thể ban cho tất cả chúng sinh sự không sợ hãi? Làm sao được như cha mẹ để bình đẳng ban cho tất cả chúng sinh mọi sự an lạc, lợi ích? Làm sao được thấy pháp chân thật để như pháp tánh đạt đến thật tế rốt ráo? Làm sao giải thích được nghĩa lý sâu xa để đạt đến nghĩa thật rốt ráo? Làm sao khéo giảng nói pháp biện tài để có thể đạt đến sự phân biệt rốt ráo? Làm sao thuyết pháp một cách khéo léo để đạt được phương tiện đầy đủ rốt ráo? Làm sao phân biệt rõ nghĩa để khéo biết câu, chữ pháp? Làm sao đạt đến chánh ý, chánh hạnh để nhận biết được đầy đủ? Làm sao nắm giữ được đại chúng để không sợ hãi? Làm sao giảng nói về nghĩa như thật để nhập vào thật tế? Làm sao được như biển cả để tất cả pháp cùng một vị? Làm sao được như núi lớn để Tam-muội an tĩnh, không thể lay chuyển? Làm sao được như cây cờ của Đế Thích để tâm Bồ-đề không hề khuynh động? Làm sao đạt được sức mạnh kiên cố để tâm chí luôn đầy đủ? Làm sao được đầy đủ oai nghi để không làm những việc hư dối? Làm sao được thân đoan nghiêm để hoan hỷ thuyết pháp cho người khác? Làm sao được sự tốt đẹp thượng diệu để có sắc tướng tột bậc? Làm sao đạt được tôn quý để sinh nơi nhà thuộc tộc họ lớn? Làm sao đạt được đại Pháp vương để có công đức phước báo? Làm sao được đầy đủ để có biện tài vô lượng? Làm sao được biện tài không chấp trước? Làm sao để được biện tài không nhầm lẫn? Làm sao để được biện tài có thể phân biệt đủ loại tên nơi câu, chữ? Làm sao để được biện tài không nghĩ bàn? Làm sao để được biện tài vô biên? Làm sao để được biện tài giải thoát? Làm sao để được biện tài đồng nghĩa? Làm sao để được biện tài tùy theo ý nghĩa của người khác? Làm sao để được biện tài dần dần thân cận? Làm sao để được biện tài hỏi thế nào cũng có thể giải đáp? Làm sao để được biện tài không hỏi mà tự nói? Làm sao để được biện tài không hủy hoại? Làm sao để được biện tài không thoái chuyển? Làm sao để được biện tài giảng nói tất cả sự việc, nơi câu chữ sâu xa? Làm sao để được biện tài ví dụ so sánh vô lượng, vô biên? Làm sao để được tuy chưa chứng đại Bồ-đề mà đã có đầy đủ Phạm âm? Làm sao để được âm thanh vi diệu bậc nhất? Làm sao để được âm thanh như chim Ca-lăng-tầngià? Làm sao để được âm thanh như Sư tử chúa? Làm sao để được âm thanh như đại Long vương? Làm sao để được âm thanh như đại Ngưu vương? Làm sao để được âm thanh như tiếng chuông, tiếng rống lớn? Làm sao để được âm thanh ca ngợi sự tốt đẹp thù thắng? Làm sao để được âm thanh như tiếng nhạc? Làm sao để được âm thanh trong, đẹp, thương cảm? Làm sao để được âm thanh như gió, mây, sấm, chớp? Làm sao để được âm thanh của biện tài trang nghiêm thâm diệu? Làm sao để được các chương cú, văn tự, lời nói vi diệu, âm thanh của biện tài trang nghiêm chân chánh? Làm sao để có thể nói được những âm thanh hết sức khéo léo, sâu xa? Làm sao để được âm thanh của biện tài đủ các thứ ví dụ? Làm sao để được âm thanh cúng dường tất cả các bậc tối thắng nơi thế gian? Làm sao để có được âm thanh của biện tài luận nghị cùng người khác? Làm sao để được âm thanh thần thông rốt ráo? Làm sao để được âm thanh không quên mất pháp? Làm sao để được âm thanh không thiếu một chút pháp lành? Làm sao đạt được âm thanh về các căn lành để thực hành đầy đủ sự khen ngợi người khác? Tất cả đều được đầy đủ như vậy.

Đại Bồ-tát Bất Không Kiến nói tất cả những nghi vấn như thế rồi, muốn làm rõ nghĩa này nên nói kệ:

Đầy đủ tướng sắc vàng trăm phước
Ngộ được một pháp lợi vô biên
Công đức tối thắng nay con hỏi:
Những Tam-muội gì nên nghĩ trước.
Diệu trí Như Lai không ai bằng
Trong thế gian có việc gì hơn?
Con hỏi Thế Tôn tu định gì?
Mà được công đức không nghĩ bàn?
Đại sư, trời, người Bậc Điều Ngự
Tư duy định này công đức gì?
Bồ-tát nơi đó tu thế nào
Mà nay an lạc với tất cả?
Vì sao biển đa văn tự nhiên?
Làm sao gìn giữ tâm quyết định
Được ở nơi công đức chư Phật
Làm sao như núi Đại thiết vi.
Trong đó không có tâm sân hận
Mà hay hàng phục các ngoại đạo
Làm sao vô ngại như hư không?
Làm sao lại được tâm tự tại?
Làm sao như mặt trời, mặt trăng?
Làm sao như đuốc, lại như đèn?
Làm sao soi sáng các chúng sinh?
Làm sao lại tu quán Tam-muội?
Làm sao giải thoát các phiền não?
Làm sao qua khỏi bờ sinh tử?
Làm sao phát tâm trong biển khổ?
Riêng vượt ba cõi không ai bằng?
Làm sao cây Ba-lợi-chất-đa?
Đại nhân tướng đẹp, trang nghiêm tốt?
Làm sao như hoa Ưu-đàm-bát
Dũng kiện, hùng mạnh không xuất thế?
Làm sao cho thuốc không mong đền
Lương y cứu khổ Điều Ngự Sư
Hay trừ các bệnh nóng chúng sinh
An trụ giới sạch được mát trong?
Làm sao để được như pháp báu
Vô lượng công đức đến bờ kia?
Làm sao pháp rất sâu, rất đẹp
Như vị mật ngọt, ngon vô cùng?
Làm sao được tiếng của sư tử
Hay khiến chúng sinh không sợ hãi?
Làm sao cùng lợi như cha mẹ
Được sự vui sướng không nghĩ bàn?
Làm sao để được biện tài tốt
Thực hành Bồ-đề được tiếng tăm?
Làm sao nói đạo đó tối thắng?
Làm sao để được trí vô ngại?
Làm sao với nghĩa khéo phương tiện?
Làm sao khéo biết các pháp tướng?
Làm sao phân biệt danh, cú, thân?
Sao gọi pháp thế và xuất thế?
Sao gọi là chánh niệm, chánh hạnh?
Làm sao biết tư duy đầy đủ?
Làm sao nghe nhiều như biển cả?
Sao khen đức chân thật của Phật?
Làm sao nói với các chúng sinh
Gốc rễ sinh tử như thật tế?
Làm sao các pháp không sai biệt
Giống như biển cả một vị mặn?
Làm sao như núi định không động?
Tâm không thoái chuyển như cờ trời?
Làm sao nhất tâm không nghiệp khác
Chỉ cầu đại Bồ-đề vô thượng?
Làm sao đầy đủ các oai nghi
Thân tướng đoan nghiêm ai cũng thích?
Làm sao thường sinh nhà đại tộc
Cũng được đại phước báo Pháp Vương?
Làm sao được sự vô lượng biện
Những điều ngôn luận đời không nghĩ?
Làm sao chữ, câu, nghĩa sâu xa?
Nay con xin hỏi Bậc Hộ Thế.
Làm sao vô thượng khó thắng được
Gần gũi chân biện không để quên?
Làm sao đồng nghĩa gọi căn tánh
Hoặc hỏi, không hỏi đều tương ứng?
Vì sao chưa chứng, đủ Phạm âm
Mà tiếng thanh tịnh thật vi diệu
Tiếng Ca-lăng-tần-già khả ái
Tiếng đại trí hùng mạnh xa nghe.
Sao như tiếng gầm lớn sư tử?
Lại được tiếng trâu chúa sâu xa?
Làm sao Thế Tôn được cây đàn
Đầy đủ các thứ tiếng âm nhạc?
Làm sao được tiếng vị ngọt ngào
Để thường diễn thuyết người vui thích?
Làm sao tiếng công đức không hoại
Khi nói như gió, như sấm rền?
Làm sao có đủ các ví dụ
Để những lời nói được sâu rộng?
Làm sao để nói lời tốt đẹp?
Làm sao các pháp không quên mất?
Làm sao trong đó thấy đời trước?
Những thần thông đó làm sao tu?
Làm sao tu hành không mệt mỏi?
Biết khắp tất cả các pháp thiện?
Các pháp không nghĩ bàn như vậy
Tự nhiên chuyển biến khắp mười phương?
Thế Tôn, để con không còn nghi
Cho nên nay hỏi chốn quy y.

Đại Bồ-tát Bất Không Kiến ân cần, tôn kính hỏi như vậy xong, liền dùng thần lực khiến thân bay lên hư không, ở trên hư không tự nhiên hóa thành lọng hoa báu cõi trời, trang nghiêm đẹp đẽ, do bảy báu hợp thành, đó là: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê, mã não, xà cừ, chân châu, đầy đủ các thứ trang sức quý báu như vậy. Từ nơi lọng báu ấy mưa không đủ các thứ hoa, đều nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi che trên đỉnh đầu Thế Tôn, ở trong hoa ấy, dùng kệ tán thán:

Quy mạng Trượng Phu, Đại Điều Ngự
Vô Thượng Chánh Giác Lưỡng Túc Tôn
Tất cả trời, người ở thế gian
Chẳng ai có thể sánh bằng Ngài
Các chúng sinh mãi mãi tăm tối
Ngu si, điên đảo rơi tà đạo
Cực tôn, trí sáng nơi thế gian
Khiến người quay lại đường thẳng chánh
Vì mất chủng tử pháp thanh bạch
Phiền não thiêu đốt tâm chúng sinh
Thế Tôn giống như bậc cha mẹ
Hay làm con yên nơi pháp Thiên.
Hay để pháp lành lợi cho người
Đời sau mới thật đáng lo sợ
Thế Tôn thành tựu hạnh đại Từ
Vì các chúng sinh làm Đạo sư.
Tất cả chúng sinh không thiện, lợi
Không được che chở, không cứu độ
Hy hữu Đại Bi, thầy dạy đời!
Thế Tôn mới là bậc Cứu độ.

Nói kệ xong, hoa đó liền bay đậu trên chân Đức Như Lai, trong giây lát liền bay khắp tam thiên đại thiên thế giới, đến trước các Đức Phật, tung rải cúng dường. Từ trong lọng báu ấy lại phóng ra bột chiên-đàn tụ lại lớn như bánh xe, chuyển đến chỗ Đức Như Lai bỗng nhiên biến mất, nhưng mùi hương của chiên-đàn ấy vẫn thơm ngát, biến khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Nếu có chúng sinh nào ngửi được mùi hương đó, đều cảm nhận niềm an lạc vô cùng lớn, giống như Bồ-tát nhập Thiền thứ tư.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến thị hiện thần thông như vậy xong, liền bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát ấy làm sao để đạt được các trí tuệ như vậy. Đó là: Trí tuệ lớn, trí tuệ mau chóng, trí tuệ quan trọng, trí tuệ dũng mãnh ích lợi, trí tuệ không tướng, trí tuệ khéo nhập, trí tuệ sâu xa, trí tuệ rộng khắp, trí tuệ không sợ hãi, trí tuệ viên mãn.

Làm sao để được căn lành vi diệu không thể tính toán, không thể xưng lường? Đó là tâm như kim cương, vì căn lành xuyên suốt tất cả các pháp. Tâm như áo Ca-lân-đề, vì căn lành dịu dàng hay làm các việc. Tâm như biển cả, vì căn lành thu tóm các giới tụ. Tâm như tảng đá bằng, nhờ căn lành gìn giữ tất cả hành nghiệp. Tâm như núi chúa, vì căn lành phát sinh tất cả pháp thiện. Tâm như đại địa, vì căn lành giúp đỡ sự nghiệp của chúng sinh. Được tâm không tùy thuộc vào hành động kẻ khác, vì căn lành xa lìa sự dẫn dạy phi pháp. Được tâm khéo tu hành, vì căn lành an trụ nơi tất cả pháp. Được căn lành tin không hoại, vì đối với việc làm của các Đức Như Lai không sinh nghi hoặc. Ở một thế giới tự nhiên thấy khắp mười phương chư Phật, cũng nghe các Đức Phật ấy tuyên nói diệu pháp. Lại thấy đại chúng Bồ-tát, Thanh văn. Lại thấy cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm, thọ dụng các việc hoàn toàn không nghi ngờ, cho đến căn lành thâu nhận quyết định, vì lúc nào cũng làm lợi mình, lợi người.

Bạch Thế Tôn! Nay con thật sự vì lợi mình, lại muốn tạo lợi ích cho các chúng sinh, nên mới thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Nay con lại vì muốn rộng mở lòng tin trong sạch của chúng sinh, nên mới thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Nay con lại vì các Đại Bồ-tát này, muốn làm cho họ có căn lành đầy đủ trọn vẹn, không nghĩ bàn nên mới thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Con lại vì các Đại Bồ-tát mặc áo giáp đại tinh tấn, mở rộng thệ nguyện này, nên mới thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Có các Đại Bồ-tát ở trong sinh tử phát đại tinh tấn, vì tất cả chúng sinh, nhưng cũng không nắm giữ tướng của chúng sinh. Những Đại Bồ-tát này, tuy ở trong phiền não sinh tử, luôn luôn độ thoát hết thảy chúng sinh mà thật sự không trụ nơi tưởng về phiền não sinh tử.

Bạch Thế Tôn! Con vì các chúng sinh như vậy, nên mới thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Có các Đại Bồ-tát… khi thực hành Từ bi đối với các chúng sinh, hoàn toàn không có tâm sân hận, giả sử có chúng sinh mắng nhiếc, nhục mạ, đánh bằng roi, gậy, tạo đủ các thứ hiếp đáp, khổ sở, Bồ-tát như vậy đối với các chúng sinh ấy hoàn toàn không có tâm oán thù, cho đến không khởi tâm ghét bỏ, không làm mất bản nguyện của mình, không có phân biệt và suy nghĩ khác, một lòng tu hành đại Từ, đại Bi.

Bạch Thế Tôn! Con vì các Bồ-tát tru nơi Đại thừa như vậy, nên mới thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Có các chúng Đại Bồ-tát vì các chúng sinh nên mới bỏ mọi sự vui thích và các thứ đem lại an vui cho mình, muốn gánh lấy tất cả những nỗi khổ lớn đang đốt cháy, phát ra ý nghĩ: Ta nên làm thế nào để khiến cho tất cả chúng sinh được an lạc bậc nhất, khiến cho họ đều đạt được ánh sáng của pháp lớn.

Bạch Thế Tôn! Các Bồ-tát ấy khi nghĩ như vậy rồi, đối với tất cả vật sở hữu của mình, hoặc trong, hoặc ngoài đều đem bố thí, đều đem làm điều lợi ích và tốt đẹp.

Bạch Thế Tôn! Con vì các Bồ-tát ấy, cho nên mới thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Có các Đại Bồ-tát khi mặc áo giáp tinh tấn như vậy, tự phát sinh suy nghĩ: “Nay ta nên vì mỗi mỗi chúng sinh trong hằng hà sa kiếp đang ở nơi địa ngục lớn chịu các khổ não như hơi thở ra vào, nhưng ta không cho đó là khổ, cũng không thoái chuyển mất tâm Bồ-đề.”

Bạch Thế Tôn! Con lại vì các Bồ-tát ấy, cho nên mới thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Có các Đại Bồ-tát khi đã mặc áo giáp tinh tấn như vậy rồi, tự phát sinh suy nghĩ: “Nay ta nên vì tất cả chúng sinh mà làm các công việc phụ giúp, đỡ đần, siêng năng làm đủ các việc, không cho đó là khổ, dẫu đó là làm nô tỳ, hoặc làm kẻ ở, hoặc làm kẻ hầu, hoặc làm đệ tử. Ta nên làm các việc như vậy, cho đến làm các quyến thuộc để tạo mọi sự thành tựu cho chúng sinh.”

Bạch Thế Tôn! Con lại vì các Bồ-tát ấy, nên mới thưa hỏi Như Lai.

Bạch Thế Tôn! Có các Đại Bồ-tát, vì tất cả chúng sinh nên phát tâm đại dũng mãnh, tu các khổ hạnh, xả bỏ thân, tay, chân, đầu, mắt, tủy, não, hoặc có khi cắt đứt thân hình ra từng đoạn, chặt xương, tiêu tủy mà không cho đó là khổ, không có ngừng nghỉ hay biếng trễ, chỉ mong để thắp sáng việc cầu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bạch Thế Tôn! Con lại vì các Bồ-tát như vậy mới thưa hỏi Đức Như Lai.

Đại Bồ-tát Bất Không Kiến thưa hỏi như vậy xong, nói lại ý nghĩa này bằng kệ tụng:

Con hỏi Đại Sư, các thắng trí
Các trí lớn ấy làm sao thành?
Sao gọi trí nhanh nhạy, mẫn tiệp
Lợi trí thông minh hay thông đạt.
Do đâu được trí sâu xa ấy?
Trí tận vô biên nói cho con
Nhất thiết trí sâu rộng cùng khắp
Chính là tối thắng cầu Bồ-đề.
Làm sao để được không sợ hãi?
Đầy đủ thiện xảo, nói cho con
Làm sao để được tâm kim cang
Nơi tất cả pháp không nghi hoặc?
Làm sao để được tâm dịu dàng
Giới hạnh trong sáng, sạch như biển?
Làm sao như núi không lay động
Bồ-đề quyết định nguyện trang nghiêm?
Làm sao hành hạnh không tùy người
Với nghĩa rõ ràng được an trụ?
Làm sao để niềm tin không mất
Việc chư Phật làm không còn nghi?
Làm sao để được sinh niệm trí
Ở trong một cõi hiện mười phương
Khắp xem chư Phật để nghe pháp
Và đại chúng tập cũng thấy rõ?
Thân tuy không rời chỗ đang ở
Mà cúng dường được mười phương Phật
Hoa đẹp, các hương và hương xoa
Đầy đủ các thứ khó nói hết.
Tâm ở cõi này chẳng nghĩ gì
Thân hiện mười phương vô lượng cõi
Đích thân làm việc cúng dường Phật
Đều do sức thần thông vô biên.
Nay con không thỉnh vì hạnh từ
Ở nơi hổ thẹn để tu hành
Không vì lợi mình mà lợi người
Vậy con xin hỏi những tên gọi.
Có vị phát tâm cầu trí Phật
Căn lành thành thục không nghĩ bàn
Tam-muội như vậy làm sao tu
Con vì người ấy hỏi Vô trước.
Mặc áo giáp nhẫn vì chúng sinh
Con cầm nhổ sạch các lớp khổ
Tất cả đã lìa chúng sinh tưởng
Vì vậy nên hỏi Chánh giác chân.
Có vị thường trụ tâm bình đẳng
Quan sát chúng sinh không nghĩ khác
Thường đã thành tựu việc Từ bi
Con vì họ thưa hỏi Như Lai.
Trong đó nên làm những pháp gì
Mau được không nghĩ bàn như vậy?
Công đức đã đạt thật vô biên
Con vì họ nên hỏi Điều Ngự.
Người dũng mãnh mặc giáp thề lớn
Vì một chúng sinh hằng sa kiếp
Trong đại địa ngục chịu lửa khổ
Lành thay an lạc cho chúng sinh.
Họ vẫn không ngủ cũng không mỏi
Các vật nơi người thảy đều cho
Gom cho hết chúng sinh như vậy
Nay con vì họ cùng xem khắp.
Dù bị mắng, làm nhục hay đánh
Thân bị các sự khổ thúc ép
Tôi tớ, nô lệ cho người khác
Do những vị ấy hỏi Thế Tôn.
Vô lượng trăm ngàn số ức đầu
Ai đến cầu xin đều đem cho
Rất mừng vui khi được cho đầu
Vì cầu đạo Bồ-đề vô thượng.
Vì các chúng sinh mà xả bỏ
Tay, chân và những phần nơi thân
Cứu thoát chúng sinh mất đường đi
Dứt trừ sinh tử, hoàn nẻo chánh.
Lại cho cả vợ, con trai, gái
Ngọc ngà bảy báu và bạc vàng
Cả đồ đẹp nhất cũng cứ cho
Con vì việc ấy hỏi Như Lai.
Xả thân, bỏ của, không mỏi chán
Đêm ngày nghe pháp chẳng nhọc mệt
Tâm luôn vắng lặng, hành Đầu-đà
Con vì việc ấy hỏi Chánh giác.
Chân thật, lời tốt, tâm luôn vậy
Hẹp hòi, nói ác, nghe bỏ đi
Để cho người khác không hiềm hận
Con vì cớ ấy hỏi Tự tại.
Thường dùng tâm Từ xét chúng sinh
Giống như cha mẹ yêu con một
Không thân không oán, hành bình đẳng
Con vì vậy mà hỏi Nhân vương.
Các công đức hiện có như vậy
Hôm nay con đã nêu bày rõ
Những điều đó có thể chưa đủ
Con cũng vì vậy, thỉnh hỏi Phật.
Bạch Phật! Căn lành nay con có
Từ lúc mới hỏi đã đạt được
Nhờ các công đức Bồ-tát ấy
Mau chứng Tam-muội vua vắng lặng.