KINH ĐẠI TẬP ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời nhà Tùy, Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phẩm 14: NÓI VỀ TU TẬP TAM-MUỘI

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát có đầy đủ bao nhiêu pháp mới có thể nhập vào pháp Tam-muội Niệm Phật ấy?

Đức Phật bảo Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu các Đại Bồ-tát có đầy đủ ba pháp thì có thể nhập vào Tam-muội Niệm Phật này. Những gì là ba?

  1. Đầy đủ căn lành không tham.
  2. Đầy đủ căn lành không sân.
  3. Đầy đủ căn lành không si.

Nếu Bồ-tát có đầy đủ ba căn lành này rồi thì liền được thành tựu sáu pháp Ba-la-mật. Song, Đại Bồ-tát đó nhờ trụ ở căn lành không tham ấy, nên thường hành trì bố thí đầy đủ, thành tựu Bố thí ba-la-mật. Do vậy thọ sinh thường được ở nhà cửa giàu sang, của cải đầy đủ, cần gì cũng có, vĩnh viễn xa lìa bần cùng, có oai đức lớn, uy lực lớn. Tâm vị ấy rộng khắp, không nhỏ nhen, tự nhiên thu phục được căn bất thiện tham, vì có đầy đủ các phước đức, nên chúng sinh nhìn thấy không ai là không tôn kính. Phàm nói ra điều gì, mọi người đều tin tưởng thực hành, không dùng nhiều sức mà được Tam-muội này, mau chóng thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, vị Bồ-tát ấy nhờ đối với thiên, nhân, các chúng sinh ở tất cả thế gian không có tâm sân hận, bực tức. Nhờ có đầy đủ căn lành không sân, nên thường trụ vào giới Ba-la-mật, vào Nhẫn nhục ba-la-mật. Đã đầy đủ sung mãn Nhẫn nhục ba-la-mật rồi, nên gặp sự mắng nhiếc, hủy báng, roi đánh, gậy phang, cắt đứt chân tay, hút tủy, đập óc, tất cả các sự khổ thay nhau bức bách, nhưng vị ấy vẫn không căm, không giận, không tức, không hận, lúc này trừ diệt căn bất thiện sân, khởi tâm đại Từ bao trùm tất cả loài chúng sinh, lúc sinh ra không lìa chư Phật Thế Tôn, thức hay ngủ thường an ổn, thiên thần che chở, dao gậy không hại được, độc dược không thể xâm hủy, lửa không thể làm cháy, nước không thể làm chìm, được đầy đủ sự ăn uống, thuốc thang, quần áo, dụng cụ nằm ngồi và các thứ vật dụng. Tất cả thiện nhân ở thế gian nhìn thấy đều khen là tốt đẹp, không lâu có thể chứng Tam-muội này, sẽ mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, vị Bồ-tát ấy nhờ có đầy đủ căn lành không si, nên mãi tu tập được Xa-ma-tha, Tỳ-bà-xá-na, nhờ vậy có đầy đủ phương tiện khéo léo, đoạn trừ được căn bất thiện si, thành tựu được trí tuệ mầu nhiệm sâu xa, đối với tất cả pháp thấu tỏ rõ ràng, với các môn lý luận khác không bị chướng ngại. Nếu có người vấn nạn, biện luận, giải thích không còn nghi ngờ.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đó là Bồ-tát đã đầy đủ ba pháp, chứng được Tam-muội này có thể sẽ mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đại Bồ-tát lại có ba pháp có thể nhập vào Tam-muội, có thể mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những gì là ba?

  1. Xem xét tất cả hành là vô thường, biết đúng như thật.
  2. Xem xét tất cả hành là khổ, biết đúng như thật.
  3. Xem xét tất cả pháp là vô ngã, biết đúng như thật.

Nếu Bồ-tát hay xem xét như vậy, không lâu liền có thể nhập vào Tam-muội ấy.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đó là ba pháp, Đại Bồ-tát hành đầy đủ tức có thể chứng Tam-muội, cũng mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đại Bồ-tát lại có ba pháp có thể nhập vào Tam-muội, cũng có thể mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những gì là ba?

  1. Tu các hạnh cúng dường đối với Đức Như Lai hiện tại, hoặc sau khi đã diệt độ, kịp thời cúng dường xá-lợi các Đức Phật, hoặc dùng các thứ hương hoa tốt đẹp nhất, hoặc dùng các vòng hoa, hương thoa, hương bột, đốt các hương thơm, đốt đèn, treo phướn, cờ, lọng báu, tấu âm nhạc hoặc tự cúng dường hoặc bảo người khác, luôn phát thệ nguyện: “Nguyện cho con lúc sinh, nhờ căn lành của hành cúng dường này, khiến cho con mau được pháp Tam-muội Niệm Phật, cũng sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
  2. Đối với Phật hiện tại hay đã nhập Niết-bàn, luôn khen ngợi công đức chân thật của Như Lai, hoặc giới, hoặc định, hoặc trí tuệ, hoặc giải thoát, hoặc giải thoát tri kiến, hoặc oai nghi, hoặc thần thông, hoặc biện tài, hoặc không tranh cãi, hoặc Từ bi, hoặc Hỷ xả và các pháp công đức của Thế Tôn, đều thường khen ngợi, cũng phát thệ nguyện: “Nguyện cho con từ nay nhờ khen ngợi công đức của chư Phật mà nhóm phước đạt được các căn lành này, khiến con chứng được Tam-muội Niệm Phật, lại mau đạt thành đạo quả Vô thượng.”
  3. ([1])

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đó là ba pháp, Đại Bồ-tát nên thành tựu, để có thể nhập Tam-muội, cũng sẽ mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đại Bồ-tát lại có ba pháp, hành trì không lâu tức có thể thành tựu Tam-muội, cũng sẽ mau chóng chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Những gì là ba?

  1. Nếu các Đại Bồ-tát hoặc từ chỗ tất cả chư Phật Thế Tôn nghe công đức chân thật của Tam-muội này, hoặc chỉ nghe tên gọi của Tam-muội, liền tự suy nghĩ: “Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở thời quá khứ, khi thực hành bản hạnh Bồ-tát để cầu đạo Bồ-đề, các vị đều cầu Tam-muội như vậy, cho nên nghe đến Tam-muội này liền sinh lòng tùy thuận vui vẻ. Hôm nay con vì đại Bồ-đề, cũng dốc cầu Tam-muội như vậy. Nhờ thành tựu đầy đủ lợi ích lớn, nên hôm nay con được nghe đến danh tự công đức của Tammuội này, hết sức vui vẻ tùy thuận. Đó gọi là đầy đủ pháp tùy thuận vui vẻ thứ nhất.
  2. Như tất cả chư Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở thời vị lai vì cầu Bồ-đề, lúc hành hạnh Bồ-tát cũng sẽ tu Tam-muội này, vì lợi ích lớn nên nay con nghe Tam-muội này cũng sinh tâm vui vẻ tùy thuận. Đó gọi là đầy đủ pháp tùy thuận vui vẻ thứ hai.
  3. Như hiện tại có mười phương vô lượng, vô biên các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác hiện sống ở đời, đã vượt khỏi các hữu, đã nhổ sạch các thứ tập khí căn bản, dứt bỏ ngôn ngữ, xa lìa giác quán, chứng định sâu xa, đầy đủ đại Từ bi, cũng như vào thuở xưa, lúc tu hạnh Bồ-tát, nghe được Tam-muội này đều sinh tâm vui vẻ tùy thuận. Nay con đã được nghe Tam-muội ấy, sao mình lại không sinh tâm vui vẻ tùy thuận? Khi nghĩ như vậy liền sinh tâm hết sức vui vẻ tùy thuận. Đó gọi là đầy đủ pháp tùy thuận vui vẻ thứ ba.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đó là ba loại tùy thuận vui vẻ, Đại Bồ-tát thành tựu đầy đủ, sẽ đạt được các căn lành và công đức, nguyện cùng chúng sinh đồng chứng Tam-muội, cũng mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu các thiện nam, thiện nữ khi đối với Tam-muội này sinh tâm tùy thuận vui vẻ thì công đức đạt được sẽ hết sức to lớn, vô lượng, vô biên không thể nói hết. Nay ta vì họ dẫn chứng các ví dụ, chỉ cho họ thấy một phần nhỏ, khiến họ biết được.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Như số cát của tất cả sông Hằng có trong tam thiên đại thiên thế giới này, nếu có ai lấy chúng dồn lại một chỗ, sau đó với đống cát vĩ đại ấy, lấy từng hạt cát một tán thành bụi nhỏ, rồi đem một hạt bụi nhỏ của cát này vượt qua hằng hà sa thế giới, lại còn vượt qua vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ không thể nghĩ bàn, không thể đo, không thể lường, hằng hà sa các thế giới khác nữa, sau đó mới đặt một hạt bụi cát. Như vậy thứ lớp, tất cả bụi cát thảy đều được rải cùng khắp thế giới.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ý ông thế nào? Giả sử người thế gian ấy có thể biết được một phần nhỏ về số thế giới kia chăng?

Bồ-tát Bất Không Kiến thưa:

–Không biết! Thưa Thế Tôn!

Đức Phật bảo:

–Hãy để việc ấy lại. Giả sử có vị Toán sư thông tuệ bậc nhất ở thế gian, đem hết trí lực và dùng toán thuật để có thể lường tính, có thể xem xét biết được số lượng thế giới chăng?

Bồ-tát Bất Không Kiến thưa:

–Không được! Thưa Thế Tôn! Như chỗ con thấy hiện nay chỉ có Thượng tọa Xá-lợi-phất và các Đại Bồ-tát ở quả vị Bất thoái chuyển, mới có thể hiểu được đôi phần mà thôi.

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu có thiện nam, thiện nữ dùng các bảy báu và các vật dụng khác đầy khắp nơi các thế giới đã nêu trên đem cúng dường, cung cấp cho tất cả chúng sinh.

Này Bất Không Kiến! Ý ông thế nào? Những người ấy cúng dường, thực hành bố thí như vậy, công đức đạt được có nhiều chăng?

Bồ-tát Bất Không Kiến thưa:

–Rất nhiều! Bạch Thế Tôn! Thật là vô lượng! Bạch Thế Tôn!

Đức Phật nói:

–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ta lại nói với ông, các thiện nam, thiện nữ ấy, tuy có thể dùng các vật dụng và bảy báu tràn đầy nơi tất cả thế giới, đạ kể trên, bố thí cho tất cả chúng sinh, công đức đó tuy lớn, nhưng vẫn không bằng các thiện nam, thiện nữ đã nói ở trước, đạt được công đức nhờ nghe tên gọi của Tam-muội vua báu này, phát khởi ba thứ tùy thuận vui vẻ, tâm thệ nguyện hồi hướng về đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Này Bất Không Kiến! Vì ba thứ ấy do nghe nhiều biết rộng sinh ra. Sự nghe nhiều biết rộng ấy là nhờ nói chân chánh mà khởi.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nhờ nói chân chánh nên có thể sinh được tất cả căn lành, đó chính là Tam-muội này.

Những Tam-muội nào có thể sinh được tất cả căn lành? Đó là Tam-muội Niệm Phật của Bồ-tát này. Vả lại, có thể sinh tất cả căn lành cũng tức là nói nêu chân chánh. Sao gọi là nói nêu chân chánh?

Nghĩa là khi nói nêu chân chánh cũng là khéo nói. Vì ý nghĩa ấy, công đức đạt được của ba thứ tùy thuận vui vẻ ấy, so với phước đức do bố thí là không thể lường tính, không thể so sánh.

Lại nữa, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ta nhớ thuở xưa, trải qua vô lượng a-tăng-kỳ, lại vượt qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, bấy giờ có thế giới tên là Động bất động. Thế giới ấy có Đức Phật là Bảo Sơn Trang Nghiêm, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời, được tự tại lớn, điều phục tất cả, đầy đủ giải thoát, vĩnh viễn đạt đến bờ kia, thù thắng, tối thượng, không gì bằng, có thể làm chỗ nương tựa lớn làm chỗ che chở lớn cho chúng sinh, có thể chữa trị các bệnh phiền não cho muôn loài, thông đạt ba đời, không gì là không hiểu biết, lấy pháp tự chứng thuyết giảng cho mọi người. Pháp Đức Phật giảng nói, phần đầu, phần giữa và phần cuối đều là thiện, ý nghĩa sâu xa, lời lẽ hay khéo, thuần nhất không xen tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh thanh bạch. Đức Phật vì các chúng sinh thường thuyết giảng pháp như vậy.

Bấy giờ, đức Bảo Sơn Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, sống trong thành của nhà vua, tên là Phục Oán, cùng với ba mươi ức na-do-tha trăm ngàn đại chúng Thanh văn, đều là bậc Hữu học, đang có việc cần tu tập, đang có việc cần đoạn trừ, đang có việc cần chứng đắc, đang thọ lãnh sự cúng dường của hàng trời và người ở thế gian.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Khi ấy, Đức Như Lai Bảo Sơn từ Tam-muội đứng dậy, tự suy nghĩ: “Nay ba mươi ức na-do-tha trăm ngàn Thanh văn của ta ở đây đều là bậc Hữu học, việc cần làm chưa xong, chưa đến được bờ giác. Nay ta nên vì họ theo đúng pháp mà giảng nói, khiến cho tất cả mau được dứt hết các lậu.”

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Suy nghĩ rồi, Đức Phật Bảo Sơn Trang Nghiêm liền biến hiện các thần thông lớn, khiến cho tam thiên đại thiên thế giới thảy đều bốc khói, lửa cháy dữ dội.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Chúng Thanh văn kia thấy Đức Như Lai rộng hiện thần thông lớn như vậy, nên tất cả đều cảm thấy vui mừng sung sướng, giống như Tỳ-kheo nhập Thiền thứ tư, thân tâm của chúng Thanh văn đang hoan hỷ cũng giống như vậy.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Trong đêm yên tĩnh, Đức Phật hiện ra thần thông như vậy xong, liền bảo chúng Thanh văn:

–Này các Tỳ-kheo! Các vị hãy nên xem xét tam thiên đại thiên thế giới này, toàn là khói bốc lên, lại toàn là lửa dữ đốt cháy bừng bừng.

Này các Tỳ-kheo! Tất cả các hành là vô thường cũng như vậy.

Này các Tỳ-kheo! Tất cả các hành với những việc khổ cũng như vậy.

Này các Tỳ-kheo! Tất cả các pháp là vô ngã và ngã sở, không

chắc chắn, trống không, hư vọng, không thật, có thể bị hủy hoại, đều là tướng diệt tận.

Này các Tỳ-kheo! Nay ta nói tóm lược về tất cả các hành, cho đến tất cả đều nên buông bỏ, chớ tham đắm buộc ràng, phải hết sức nhàm chán, tự nhiên sẽ được giải thoát.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Bấy giờ, ba mươi ức na-do-tha trăm ngàn chúng Thanh văn ấy, nhờ Đức Như Lai thuyết giảng pháp như vậy, dẫn dạy như vậy, nên đều dứt hết các lậu, thông đạt các pháp, đối với chúng không còn bị trở ngại, khéo trụ nơi các pháp để vượt mọi lưới nghi, đã lắng nghe, thọ nhận giáo pháp, hiểu rõ không hề không sợ hãi, nên cùng thưa:

–Đúng vậy! Thưa Đức Bà-già-bà! Đúng vậy! Thưa Thế Tôn!

Các hành là vô thường.

Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Các hành là khổ.

Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Các pháp là tạm trú.

Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Các pháp luôn bị hủy hoại, không thể nương tựa.

Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Các pháp luôn bị đốt cháy giống như cây cỏ, vách đá.

Đúng vậy! Thưa Thế Tôn! Tất cả các hành, cho đến đều có thể buông, có thể bỏ, có thể chán, có thể thoát.

Này Bất Không Kiến! Lúc này, Đức Như Lai Bảo Sơn Trang Nghiêm dùng sự thần biến như vậy, dùng sự thuyết pháp như vậy, dùng sự dẫn dạy như vậy, thị hiện ba thứ như vậy để giáo hóa các chúng Thanh văn, khiến họ nhập vào ba môn Giải thoát là: Không, Vô tướng, Vô nguyện. Lại có ba mươi ức na-do-tha trăm ngàn các chúng Bồ-tát đều sẽ thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đức Phật ấy vì ba mươi ức nado-tha trăm ngàn các chúng Bồ-tát mà thuyết giảng Tam-muội vua báu này. Hiển bày như vậy xong, lại vì các hàng trời, cõi người ở thế gian mà tạo mọi lợi ích, trải qua tám vạn bốn ngàn ức na-do-tha trăm ngàn năm chuyển bánh xe chánh pháp, sau đó đối với Niếtbàn vô dư, Đức Phật Bát-niết-bàn.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Bảo Sơn Trang Nghiêm hiện tiền giáo hóa được bao nhiêu chúng Bồ-tát? Và sau khi diệt độ rồi chánh pháp tồn tại được bao lâu?

Đức Phật bảo Đại Bồ-tát Bất Không Kiến:

–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Đối với tam thiên đại thiên thế giới này có bao nhiêu tinh tú, số lượng ấy có thể biết được, nhưng Đức Như Lai Bảo Sơn Trang Nghiêm Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thì biên vực, số lượng hóa độ là bao nhiêu khó có thể biết được. Song, sau khi Đức Như Lai ấy Bát-niết-bàn, chánh pháp tồn tại ở thế gian ngót tám mươi ức na-do-tha trăm ngàn năm. Tượng pháp trụ thế hai mươi ức năm. Sau đó không bao lâu, lại có Đức Phật ra đời hiệu là Từ Hạnh Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, thọ mạng vô lượng, thân tướng của Đức Phật ấy cao đến một do-tuần, thân của chúng sinh thời đó cao sáu câu-lô-xá. Hoa sen loại lớn cao mười ba do-tuần, loại nhỏ cao sáu do-tuần, mọc cùng khắp đại địa. Chúng sinh hiện có ở cõi ấy qua lại, xoay vòng, đi đứng, nằm ngồi đều ở trên hoa sen. Thế giới lúc đó tên là Thạnh liên hoa, mặt đất mềm mại, giống như lông tơ mịn, chúng sinh chạm vào như mặc áo đẹp cõi trời, màu sắc sáng tươi như đá vàng trắng nơi trời Đao-lợi. Các chúng sinh ở cõi này cảm nhận mọi an lạc cũng như chư thiên ở cung trời Tha hóa tự tại. Các chúng sinh ấy muốn vượt qua biển Đông, chỉ trong khoảng chớp mắt là đến bờ bên kia. Các biển phía Nam, Tây, Bắc vượt qua cũng nhanh như vậy. Các chúng sinh đó khi cần gì cứ nghĩ đến là hiện ra ngay.

Đức Như Lai Từ Hạnh lúc mới thành đạo, mặt đất rộng lớn đến tận ranh giới bốn biển, hai chiều ngang dọc bằng nhau đều là tám mươi ức na-do-tha trăm ngàn do-tuần. Các chúng Thanh văn thảy đều đầy khắp, các A-la-hán phần lớn ngày ăn một bữa, chỉ trừ thị giả A-nan và Kim Cang Mật Tích A-tư-đa. Lại có tám mươi ức na-do-tha các chúng Đại Bồ-tát, tất cả đều trụ ở quả vị Bất thoái. Các Bồ-tát ấy đã thưa hỏi Đức Phật về pháp môn thiền định sâu xa nhiệm mầu, song Đức Thế Tôn Từ Hạnh lúc vì các chúng Bồ-tát mở bày làm rõ pháp môn thâm diệu ấy, chỉ phát ra một âm thanh, nói kệ:

Người có phương tiện cầu xuất gia
Phải nên một lòng nghĩ pháp diệu
Chắc chắn phá trừ quân ma ác
Giống như Hương tượng phá nhà cỏ.
Ai cầu chóng thành đại Bồ-đề
Nên thường thuyết pháp cho thế gian
Nên làm thanh tịnh địa Tối thắng
Tam-muội này nếu thích sẽ thành.

 

1. Bản Hán thiếu pháp thứ 3.

*********

Bấy giờ, việc hóa độ của Đức Như Lai Từ Hạnh sắp kết thúc, có một Tỳ-kheo tên là Thọ Vương, rộng vì các chúng sinh giảng nói về Tam-muội này, chỉ dạy khiến họ được lợi ích vui vẻ. Đối với Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ấy, sau khi diệt độ, vào thời chánh pháp có một vị Chuyển luân vương tên là Thiên Chủ, đầy đủ oai đức, có thần thông lớn, có bảy báu, có xe vàng, dùng chánh pháp để trị nước.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Vua Thiên Chủ ấy sống trong thành lớn tên là Nhân-đà-la-bạt-đế (đời Tùy gọi là thành Thiên Chủ, cũng gọi là Đế Tràng) ngang, dọc bằng nhau đều là mười hai dotuần. Trong ngoài thành ấy, những lầu gác, đài, điện đều làm bằng bảy báu, đủ màu sắc, lại dùng mái hiên bằng vàng che lên trên thành.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Bốn mặt của thành mỗi nơi đều có ba cửa. Về sự trang nghiêm của thành ấy, như đã nói ở trên về đại thành Thiện trụ của vua Tinh Tấn Lực, ở đây cũng tráng lệ, đặc biệt, so ra không khác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Sau đó một thời gian, vào một đêm lúc trời sắp sáng, vua Thiên Chủ vẫn còn ngủ say chưa tỉnh giấc, có vị trời Tịnh cư hiện xuống hoàng cung, làm cho vua nằm mộng và trong giấc mộng ấy, vị trời giảng nói cho vua nghe về danh tự của pháp môn Tam-muội Niệm Phật: Này đại vương! Ông nên cầu pháp Tam-muội Niệm Phật này. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát nếu có thể được thành tựu Tam-muội này thì thường không xa lìa các Đức Phật Thế Tôn, cũng như đối với văn tự, chướng cú, âm thanh, ngữ ngôn của thế gian và xuất thế gian, hết thảy đều biết rõ, sẽ đầy đủ biện tài, tự nhiên mau thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Vua Thiên Chủ mộng thấy vị trời xong, liền thức giấc, thưa với vị trời ấy: Chư Thiên và loài người đối với Tam-muội như vậy ai có thể thọ trì được?

Vị trời đáp: Này đại vương, ông không nghe sao? Hiện nay có vị Tỳ-kheo tên là Thọ Vương, có thể thọ trì Tam-muội như vậy. Vị ấy rộng vì thế gian phân biệt diễn nói, làm lợi ích cho tất cả đại chúng trời, người.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Vua Thiên Chủ nghe được tên của Tam-muội này, liền có thể thọ trì, suy nghĩ, xem xét, đồng thời cũng ghi nhớ tên của vị Tỳ-kheo ấy. Khi đêm đã qua, vào lúc rạng đông, nhà vua liền bỏ cả thiên hạ, xe vàng, ngôi vua; nhà vua cũng bỏ tám mươi ức trăm ngàn na-do-tha quyến thuộc, thị nữ, hoàng hậu, cung phi ở hậu cung. Lại từ bỏ hết các thứ vui nơi năm dục, chính là nhờ nơi Tam-muội vua này.

Bấy giờ, nhà vua cùng chín mươi sáu ức trăm ngàn na-do-tha chúng sinh bỏ nhà cầu xin xuất gia với vị Tỳ-kheo Thọ vương.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Bấy giờ, Tỳ-kheo Thọ Vương cùng với bốn bộ chúng: Thiên, Long, Dạ-xoa, người và không phải người vây quanh. Lại có chín mươi ức chư Thiên ở cõi Dục đứng hai bên để nghe pháp. Lại có tám mươi na-do-tha các chúng Bồ-tát ở phía trước khen ngợi Tam-muội vua này, phân biệt, giải thích, nêu rõ về nghĩa lý.

Vua Thiên Chủ đi đến đạo tràng này, liền dùng các thứ ngọc báu tung lên trên người Tỳ-kheo, sau đó mới năm vóc gieo xuống đất, một lòng đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo Thọ Vương. Lại dùng tám mươi hộp báu, mỗi hộp đều chứa một hộc đựng đầy hoa bằng vàng dâng lên cúng dường. Lại dùng hoa trời như hoa Ưu-bát-la, hoa Bátđầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lợi, hoa Mạn-đà-la, hoa Maha mạn-đà-la tung rải lên trên người Tỳ-kheo. Lại dùng các hương thơm cõi trời như là: Hương thiên trầm thủy, hương Đa-già-la, hương Đa-ma-la-bạt, ngưu đầu chiên-đàn, hương bột hắc trầm thủy chiênđàn tung rải lên trên chỗ vị Tỳ-kheo, rộng bày các việc cúng dường như vậy xong, sau đó, nhà vua mới xin làm đệ tử Tỳ-kheo Thọ Vương.

Ngay ngày hôm đó, nhà vua cùng chín mươi sáu ức trăm ngàn na-do-tha quần thần, dân chúng, ở trước vị Tỳ-kheo cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, xuất gia để cầu Tam-muội vi diệu ấy.

Sau đó, Tỳ-kheo Thiên Chủ thường cùng với chín mươi sáu ức na-do-tha trăm ngàn Tỳ-kheo quyến thuộc, thân cận cúng dường hằng hà sa các Đức Phật Thế Tôn, cũng đều vì Tam-muội thù thắng này.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Tỳ-kheo Thiên Chủ ấy, đã trải qua tám mươi bốn ức na-do-tha trăm ngàn năm, dùng đủ các thứ phẩm vật cúng dường Tỳ-kheo Thọ Vương để cầu đạt Tam-muội, đọc tụng, thọ trì y như lời giảng nói mà tu hành, dẫn dạy các đệ tử không bao giờ lười biếng, lại nữa, cả đại chúng Tỳ-kheo quyến thuộc cũng tinh tấn, dũng mãnh, không hề có tâm mệt mỏi.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Tỳ-kheo Thiên Chủ cùng với quyến thuộc, đối với Pháp sư Thọ Vương đều hết lòng tôn trọng, nghĩ nhớ đến chư Phật, nghe giảng nói về pháp diệu, một lòng thọ trì, luôn chuyên cần, tinh tấn như lúc đầu, không bao giờ dừng nghỉ, ở chỗ Tỳkheo Thọ Vương họ đều thành tựu, khiến chín mươi sáu ức trăm ngàn Tỳ-kheo hành hạnh Bồ-tát, trụ nơi quả vị Bất thoái chuyển, sau đó pháp sư Thọ Vương mới diệt độ, các quyến thuộc của ông cũng đều mạng chung.

Khi ấy, lại có Đức Phật tên là Diêm-phù Tràng Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Tỳ-kheo Thiên Chủ cùng với quyến thuộc lại đến chỗ Đức Như Lai ấy để dốc cầu, thưa hỏi, về kinh điển nơi đến Tam-muội sâu xa này nhằm đọc tụng, thọ trì, suy tư nghĩa lý, như lời dạy mà tu hành, giải thích cho người khác, làm lợi ích cho tất cả chúng trời, người nơi thế gian, vì mục đích chứng đắc đạo quả đại Bồ-đề vô thượng.

Lại nữa, Tỳ-kheo Thiên Chủ vì Tam-muội vô thượng tối thắng này phân biệt rộng, nêu bày kinh điển sâu xa mà chư Phật đã gaỉng nói, trải qua ba ngàn kiếp, sau đó mới thành Phật. Rồi lại giáo hóa vô lượng đại chúng đều được thành tựu rốt ráo, an trụ nơi quả vị Bất thoái chuyển, đều được thọ ký quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật bảo:

–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nay ông nên biết, vua Thiên Chủ lúc ấy chẳng phải là ai khác, mà chính là Đức Như Lai Tối Thượng Hạnh, Bậc Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Cho nên ông nay không nên nghi hoặc.

Lại nữa, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ông nên một lòng suy nghĩ, quán sát Tam-muội vua này, xem thử người lãnh hội căn lành sâu hay cạn, công đức nhiều hay ít? Nay ta vì ông giảng nói một phần nhỏ. Nếu vô lượng, vô biên ức na-do-tha trăm ngàn chúng sinh ở thế gian này, chỉ có thể nghe qua tên của Tam-muội ấy thì nơi đời vị lai nhất định sẽ thành tựu Đẳng chánh giác. Huống chi là chúng Đại Bồtát này, đã kề cận ở trước hoặc sau ta, nghe ta nói rộng về Tam-muội vua này, họ đều có thể hoặc đọc tụng, hoặc thọ trì, hoặc suy nghĩ về nghĩa lý, hoặc tu hành, hoặc có thể ca ngợi, nêu giảng cho người khác nghe.”

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Hoặc có Đại Bồ-tát trụ nơi thừa Bồ-tát, chỉ nghe qua Tam-muội này, tâm luôn ghi nhớ người đó cũng không lâu, nhất định sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại có các Bồ-tát mới trụ nơi thừa Bồ-tát, thọ trì Tam-muội ấy, mau chứng quả vị Bất thoái chuyển, nên cũng không còn xa đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ví như đêm sắp tàn, mặt trời chưa hiện ở phương Đông, nhưng tướng ánh sáng đã hiện thì người ở cõi Diêm-phù-đề không ai là không hoan hỷ. Vì sao? Vì họ biết chắc không lâu nữa, mặt trời sẽ mọc, chiếu sáng rực rỡ khắp thế gian, khiến cho người ở cõi Diêm-phù đều được trông thấy, hoặc tốt, hoặc xấu, các màu sắc sạch, nhơ, để làm việc. Như vậy, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào nêu chỉ có thể nghe qua pháp Tam-muội Niệm Phật thì người ấy không lâu sẽ được thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên các ông đối với Tammuội này phải có tâm quyết định, khởi lòng tin không hoại, đừng sinh cách nhìn khác, chớ ôm lòng hoài nghi.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Như lúc kiếp sắp tận, có sáu mặt trời xuất hiện ở thế gian. Như vậy, tất cả đại địa nơi tam thiên đại thiên thế giới thảy đều bốc khói. Khi khói đã bốc lên, nên biết không bao lâu sẽ có mặt trời thứ bảy xuất hiện, khiến tất cả thế giới thảy đều bùng cháy. Như vậy, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu có thiện nam, thiện nữ hoặc đã an trụ nơi thừa Bồ-tát hoặc chưa an trụ, hoặc từng nghe qua pháp Tam-muội Niệm Phật này, hoặc là đọc tụng, hoặc thọ trì, hoặc suy nghĩ về nghĩa lý, hoặc như lời dạy mà tu hành, cho đến hoặc có thể nói cho người khác nghe thì những người ấy nhất định sẽ mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Như người đào giếng, nếu thấy đất ướt, tay chân lấm bùn, hoặc có khi lại thấy nước với bùn trộn lẫn, người có trí nên biết là mạch nước không còn xa. Cũng như vậy, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe pháp môn Tam-muội Niệm Phật của Bồ-tát này, mà chánh ý thọ trì, khéo suy nghĩ, đúng đắn phân biệt về nghĩa lý, rộng đường giải thích cho người khác nghe, nên biết thiện nam, thiện nữ ấy, không bao lâu sẽ tự thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ví như có người nuốt viên kim cương, nên biết người ấy không bao lâu nữa sẽ phải chết. Vì sao? Vì viên kim cương ấy không thể tiêu hóa được.

Cũng như vậy, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu có thiện nam, thiện nữ chỉ có thể nghe lãnh hội Tam-muội như vậy, hoặc lại suy nghĩ, hay thường thân cận, hoặc cũng tu tập, hoặc có thể giảng nói, nên biết thiện nam, thiện nữ ấy không bao lâu nhất định sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì Tam-muội này chính là sự thành tựu của tất cả các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác của ba đời: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Nó chính là kim cang chân thật thanh tịnh, thành tựu từ sự suy nghĩ, tu tập không có giả tạo, không thể hủy hoại, lại có thể giáo hóa các Bồ-tát, khiến họ được an trụ, làm cho các Bồ-tát ấy chắc chắn có thể an ổn trụ nơi Đại thừa.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ví như vườn Hoan hỷ nơi cõi trời Tam thập tam, ai thấy cũng đều được an vui.

Cũng như vậy, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Tất cả Đại Bồ-tát ấy đều nhờ nghe tên gọi của Tam-muội này, nên có thể mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì tên gọi của pháp môn này từ xưa chư Phật đã khen ngợi, nói rộng cho mọi người, giải thích nghĩa lý, mở bày, hiển thị danh, vị, cú, thân, đầy đủ viên mãn, an trụ nơi pháp giới, ủng hộ thu giữ, giáo hóa chư Đại Bồ-tát làm cho tăng trưởng, khiến họ ưa thích chánh đạo, ngay thẳng thuần hòa, thường cảm nhận sự an vui.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Do nhân duyên này nay ông nên biết, các Bồ-tát nghe pháp Tam-muội này dù chỉ tạm lưu tâm, như vậy các vị ấy không bao lâu sẽ chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Vì vậy ta nói rõ cho ông, ông phải khéo nhận biết: Nếu các Đại Bồ-tát nghe pháp Tam-muội Niệm Phật này mà có thể thọ trì thì các thiện nam, thiện nữ ấy tự nhiên mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ông nên thọ trì Tam-muội này và luôn ghi nhớ, vì tất cả Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di và các quốc vương, đại thần, tể tướng, Sát-lợi, Bà-la-môn, Tỳxá, Thủ-đà, tất cả khất sĩ, cùng với các ngoại đạo Ni-kiền, Già-la-caba-lợi, Bà-xà-ca ở thế gian này mà ca ngợi rộng nói. Vì sao? Vì sức mạnh từ oai đức lớn của Tam-muội này có thể khiến cho họ mau thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu có thiện nam, thiện nữ, có đức tin thanh tịnh, có tâm cung kính, biết rõ pháp Tam-muội Niệm Phật này, chư Phật ở quá khứ đã khen ngợi, tất cả các Như Lai đã ấn chứng, biết như vậy rồi nên liền đọc tụng, nên liền thọ trì, nên liền tu hành, nên liền nói rộng ra. Lại cũng phải nên suy nghĩ: “Tam-muội Niệm Phật này là công đức to lớn, không thể nghĩ bàn. Nghĩ như vậy rồi lại càng kính tin, lại càng tôn trọng, lại càng hội nhập, lại càng chứng biết. Vì sao? Vì hiện nay Tam-muội này chính là điều tất cả chư Phật đã giảng nói, là chỗ thực hành của tất cả chư Phật, là chỗ ấn chứng của tất cả chư Phật, là chánh giáo của tất cả chư Phật, là biện tài của tất cả chư Phật, là chỗ giác ngộ của tất cả chư Phật, là sự lựa chọn của tất cả chư Phật, là việc làm của tất cả chư Phật, là của báu của tất cả chư Phật, là kho chứa của tất cả chư Phật, là kho báu được ẩn giấu của tất cả chư Phật, là kho chứa lúa gạo của tất cả chư Phật, là ngọc ấn của tất cả chư Phật, là xá-lợi của tất cả chư Phật, là thể tánh của tất cả chư Phật.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu các thiện nam, thiện nữ ấy, có thể nhận biết như vậy liền đạt được vô lượng, vô biên căn lành. Nhờ vào công đức đó, lúc sinh thường được sinh nơi nhà đại Sát-lợi, nhà đại Bà-la-môn, nơi tất cả nhà có oai thế lớn, nhà đại tôn quý, nơi cõi trời đại đức khác, cho đến sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao?

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Do hành đầy đủ Tam-muội này, nên có thể đạt được vô số quả báo xuất thế gian không thể nghĩ bàn.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Thiện nam, thiện nữ nào, nếu chỉ nghe qua tên gọi của Tam-muội này, cũng sẽ được vô lượng, vô biên nhóm phước đức, cũng sẽ tạo được vô lượng, vô biên. Hành phước đức. Rõ ràng chỗ có được căn lành nhóm phước, công đức của hành phước rộng lớn sâu xa ấy cũng không thể so sánh, không thể tính toán, không thể lường xét, không thể biết được.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nói tóm lại, nếu đối với nghĩa này vẫn còn chưa rõ, nay ta sẽ nói ví dụ cho ông rõ, khiến cho các người trí hiểu được đôi phần.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nếu có Đại Bồ-tát chuyên tâm tin ưa, thực hành Bố thí ba-la-mật, mỗi ngày bố thí ba lần, vào buổi sáng, dùng thần thông khiến cho bảy báu và các vật dụng khác tràn đầy khắp hằng hà sa thế giới, rồi dùng nó để dâng lên hằng hà sa Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác và các chúng đệ tử Thanh văn. Cứ mỗi buổi sáng của ngày đều thực hành bố thí như vậy. Buổi trưa và buổi chiều của ngày cũng thực hành bố thí như thế và mỗi ngày luôn thực hành bố thí ba lần như vậy, cho đến vô lượng, vô biên ức na-do-tha hằng hà sa kiếp, vẫn luôn thực hành bố thí không bao giờ dừng nghỉ, cuối cùng là để cầu đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ý ông thế nào? Đại Bồ-tát ấy mãi mãi thực hành bố thí như vậy thì công đức đạt được nhiều chăng?

Bồ-tát Bất Không Kiến thưa:

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Thật là vô lượng, vô biên, không thể tính toán, không thể lường xét, không thể nghĩ bàn.

Đức Phật lại bảo:

–Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Ta lại nói rõ, ông nên lắng nghe! Giả sử Đại Bồ-tát kia tu hành Bố thí ba-la-mật như vậy thì căn lành đã trồng, khối phước đức đạt được thật là lớn lao, song vẫn không bằng thiện nam, thiện nữ nào chỉ có thể nghe tên Tam-muội này, hoặc biên chép, hoặc đọc tụng, hoặc tin hiểu pháp môn thâm diệu do Đức Như Lai nói, giảng về một ít công đức.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Thiện nam, thiện nữ này chỉ mới nghe tên gọi của Tam-muội, mà chỗ công đức đạt được vượt hơn phước đức nêu trước tới vô lượng, vô biên, không thể lường tính, không thể so sánh. Huống chi là thiện nam, thiện nữ ấy được nghe đầy đủ Tam-muội này, có thể biên chép, đọc tụng, thọ trì, suy nghĩ về nghĩa lý, lại khéo vì các đại chúng trời, người mà ca ngợi, giải thích rộng rãi.

Này Bồ-tát Bất Không Kiến! Nay ông nên biết: Ta chỉ nói sơ lược về công đức của Tam-muội ấy. Nếu muốn nói rộng nơi căn lành của định này, dù trải qua nhiều kiếp cũng không thể nói hết.