Ý NGHĨA THỜ PHẬT THEO ĐẠI THỪA
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân
doahong

 

Đặt vấn đề

Khi chúng ta đảnh lễ, cúng dường hay tụng niệm trước một tôn tượng Phật, các vấn đề sau đây có thể nẩy sinh :

1) Chúng ta có được tỉnh táo lắm chăng mà đối trước một vật chất vô tình làm tất cả mọi hành động tha thiết tôn kính thuộc tình cảm như thế ?

2) Nếu bảo đó là một cách thức của tôn giáo, thì cách thức ấy phải chăng là quá ngây ngô và đầy “mê tín”? Thì như thế cách thức ấy có thích hợp gì chăng cho một tôn giáo với lý tưởng Giác ngộ như đạo Phật?

3) Và nếu như các hành động ấy là có ích lợi đi nữa, thì ích lợi ấy là ở chỗ nào? Và phải chăng các ích lợi này vẫn hoàn toàn phụ thuộc, vẫn hoàn toàn bên “ngoài lề” của đạo Phật? Và do đó ai thích thì làm, ai không làm cũng chả sao, và không làm lại càng đúng theo tinh thần của đạo Phật hơn nữa?

4) Và sau hết, cho dù đó là một hành động hữu ích nên làm, thì phải chăng sự hữu ích ấy hoàn toàn xuất phát từ tâm người làm, chứ còn pho tượng Phật vô tình kia thì chẳng có được một tác dụng gì hơn là một biểu tượng vô tri vô giác mà thôi?

Để các vấn đề này được tỏ rõ, chúng ta cần phải thấu đáo hoàn toàn về ý nghĩa của nhân duyên. Mà nói đến nhân duyên là nói đến đạo Phật. Và như đức Phật đã từng cải chính lại nhận định cho rằng “nhân duyên không có gì khó hiểu” của A Nan bằng sự xác nhận của Ngài rằng “nhân duyên thật sự vô cùng thâm sâu khó hiểu”, quả thật, lý nhân duyên bao trùm hết mọi chân lý của muôn loài và mọi trí huệ trong đạo Phật. Ở đây, chúng ta chỉ hạn hẹp lý nhân duyên ấy trong phạm vi của vấn đề được đưa ra mà thôi.

Bác bỏ cái Tôi

Giờ đây chúng ta thử nhận xét: khi thấy một người lễ lạy và dâng phẩm vật lên cúng dường một pho tượng Phật, chúng ta nói người ấy lễ lạy và cúng dường lên Phật. Khi nói như thế, chúng ta thấy có một “người” làm chủ tất cả mọi hành động lễ lạy và cúng dường. Cái “người” ấy là gì vậy? Nếu chính chúng ta lễ lạy và cúng dường, thì chúng ta sẽ thấy ngay người ấy chính là “tôi”, một “người” làm chủ hết mọi hành động của cuộc sống mình chứ không riêng gì lễ lạy và cúng dường. “Tôi” vẫn được chúng ta cho là người làm chủ hết mọi hành động trong đời sống của chúng ta.

Đạo Phật bác bỏ cái Tôi này và cho rằng chúng ta do vì vô minh nên mới chấp cái Tôi ấy là thật có, một cái Tôi làm chủ tất cả. Nếu chúng ta thật sự tỉnh táo để tìm kiếm hết khắp trong mọi khía cạnh, mọi yếu tố của cúng dường và lễ lạy, chúng ta sẽ không thể tìm đâu ra manh mối một cái Tôi như thế ! Thế nên, với đạo Phật, do mê mờ nên chúng ta mới chấp tôi, và tin chắc vào một cái Tôi do mê mờ mà chấp lầm thì đó mới chính là “mê tín” vậy !

Với đức Phật, chúng ta thật sự không tỉnh táo chút nào, khi cảm nhận rằng đời sống này do Tôi làm chủ, cuộc sống này tràn ngập Tôi và của Tôi. Đã đành rằng một vị Phật thật bằng xương bằng thịt với một pho tượng Phật là hoàn toàn khác hẳn nhau, song cho dù chúng ta có đảnh lễ và cúng dường một vị Phật thật bằng xương bằng thịt đi nữa, mà nếu chúng ta vẫn cảm thấy rõ và tin chắc rằng “Tôi” làm chủ mọi hành động lễ lạy cúng dường “của Tôi”, thì chúng ta thật sự chẳng có gì là tỉnh táo và vẫn đầy “mê tín” vậy.

Do đó mà đạo Phật vẫn cho rằng căn bản của chúng sinh vốn là tham, sân, si. Chúng ta vốn dĩ đã chẳng tỉnh táo và đầy mê tín như thế rồi, thì có hơn gì người lễ lạy và cúng dường tượng Phật mà phê bình. Trên căn bản này, ngay dù cả những người chỉ chuyên thiền quán về Phật Pháp đi nữa, chỉ chuyên hướng về trong, không hề quay ra ngoài, mà nếu vẫn thấy và tin chắc rằng “Tôi” làm chủ hết mọi hành động thiền quán của Tôi, thì người ấy vẫn mê tín và mê mờ chẳng khác gì các người mê tín ngây ngô bình dân khác. Không phải rằng tất cả các đạo khác ngoài đạo Phật đều chấp nhận Tôi là thật có, và chỉ riêng có đạo Phật là chủ trương vô ngã hay sao? Vậy nếu chúng ta còn thấy có Tôi làm chủ hết mọi hành động, còn tin chắc rằng Tôi thật sự có đó, để tạo nhân, để hưởng quả, có Tôi hiểu ra chân lý, có Tôi giác ngộ, có Tôi tu đạo một cách chân chính… thì chúng ta có thâm nhập gì được vào đạo Phật hay chưa? Hay chúng ta vẫn chỉ là “ngoại đạo”?

Do đó, chúng ta cần phải tỉnh táo để nhận xét lại vấn đề: Tại sao đức Phật lại bác bỏ cái Tôi này? Bởi cái Tôi ấy đi ngược lại với chân lý nhân duyên. Nếu Tôi đã làm chủ hết, thì Tôi phải hoàn toàn “tự tại”, nghĩa là Tôi không hề bị lệ thuộc vào bất cứ điều kiện, bất cứ nhân duyên liên hệ nào. Như thế Tôi muốn sướng là sướng, không cần phải suy nghĩ điều này, phải làm điều kia, rồi thì cái sướng mới tới, mới xuất hiện ra; cũng như Tôi muốn thành đạo là Tôi thành đạo, chứ chẳng cần phải tu tập quán tưởng lăng xăng chi hết. Lại nữa, Tôi không bao giờ muốn khổ mà sao Tôi vẫn bị khổ? Đã làm chủ, đã tự tại, mà tại sao lại không hề được như ý, không hề được hài lòng? Tôi có muốn bệnh chăng, Tôi có muốn chết chăng, Tôi có muốn cầu mà không được chăng, Tôi có muốn thua thiệt người khác chăng v.v…, vậy mà sao Tôi vẫn phải chịu hết bằng đó thứ? Nếu Tôi thật có, nếu Tôi làm chủ hết mọi chuyện, thì các sự việc đau khổ ấy làm sao có thể xảy đến với Tôi được? Thế nên để bác bỏ cái Tôi này không hề có, đức Phật mới đặt câu hỏi: thân tâm (tức 5 uẩn) có khổ không? Nếu có khổ thời chứng tỏ thân và tâm không hề có Tôi.

Đưa ra nhân duyên.

Bác bỏ cái Tôi ấy như một sự mê lầm, đức Phật đưa ra các yếu tố, hay các thành phần của nhân duyên, chẳng hạn như: Tôi không có, mà chỉ có các thành phần nhân duyên là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nhận ra các yếu tố nhân duyên này, đó mới là sáng suốt, mới là không mê tín, không chấp ngã. Như thế bác bỏ cái Tôi là đức Phật muốn đưa chúng ta vào chân lý Nhân duyên. Thế nên chúng ta thử khảo sát nhân duyên một cách tổng quát xem sao, cốt yếu chỉ để nhận ra được đâu là nhân duyên chủ động chính yếu nhất trong cái khối nhân duyên không cùng tận của hiện hữu. Thấy ra nhân duyên chủ động ấy, vấn đề thờ Phật trong Đại thừa sẽ hoàn toàn trở nên sáng tỏ.

Ý muốn là nhân duyên chủ động.

Theo đạo Phật, lễ lạy hay bất cứ hoạt động nào khác, hay nói chung là tất cả các pháp, đều do duyên mà khởi lên. Duyên ở đây là gì? Duyên ở đây gồm có đạo tràng, tượng Phật, thân và tâm của chúng ta, mà nói cho chính xác là tâm tin tưởng, tâm tưởng nhớ đến Phật, tâm cầu nguyện và tâm muốn lạy Phật. Thể theo các duyên ấy mà pháp lễ Phật khởi sinh. Chúng ta đặt câu hỏi: trong các duyên này duyên nào là chủ động, là chính yếu hơn hết? Dĩ nhiên ai cũng thấy rõ “ý muốn” là chủ động chính yếu nhất. Bởi nếu không có ý muốn lạy Phật thì chúng ta sẽ không lạy, mà đã không có hành động lạy Phật thì pháp lạy Phật sẽ không khởi sinh. Do đó ý muốn là động lực chính, là nhân duyên chủ động làm các pháp khởi sinh.

Ý muốn cũng là duyên khởi

Chúng ta đặt câu hỏi tiếp: Ý muốn này từ đâu mà có? Dĩ nhiên theo đạo Phật chắc chắn ý muốn ấy cũng do duyên mà khởi lên. Thói thường chúng ta vẫn tin tưởng rằng ý muốn ấy do cái Tôi của chúng ta đưa ra, ý muốn ấy là một hoạt động tự do của cái Tôi, một hoạt động hoàn toàn riêng tư và cá nhân. Muốn là do Tôi muốn chứ không phải là do các điều kiện bên ngoài đặt định áp đặt lên tôi. Đó là cảm nhận nói chung của mọi người. Đạo Phật do khám phá ra cái Tôi không hề có, thế nên mọi ý muốn của chúng ta hoàn toàn là do nhân duyên trong lẫn ngoài, khuôn định lại mà khởi sinh. Chúng ta có câu nói “đối cảnh sinh tình” là vậy.

Ví dụ như: do duyên thấy người khác có cái xe đầy tiện nghi, nên ý muốn có tiền mua một cái xe như vậy khởi lên trong tâm tôi. Duyên theo ý muốn này thôi thúc và duyên có một vụ làm ăn của bạn bè, một ước hẹn gặp bạn để làm ăn hầu có tiền mua xe khởi sinh. Duyên theo ước hẹn ấy, một ý muốn đi đến chỗ hẹn khởi sinh và thôi thúc thân tôi đi đến chỗ hẹn. Xét đó đủ thấy rõ là ý muốn của chúng ta do duyên theo các hoàn cảnh, tức các nhân duyên, mà nẩy sinh, chứ không hề do cái Tôi nào đó hoàn toàn làm chủ và có toàn quyền muốn đưa ra ý muốn lúc nào là đưa. Chúng ta còn có biết bao trường hợp “chẳng đặng đừng” đều chứng tỏ nhân duyên xung quanh, đôi khi còn mạnh mẽ và chủ động hơn cả ý muốn “riêng tư” của “cá nhân” nữa.

Trở lại vấn đề, nếu ý muốn là năng lực chủ động chính của mọi hoạt động, và có hoạt động thì mới có kết quả thành tựu, do đó, để thành tựu bất cứ kết quả nào, thì điều kiện đầu tiên đều phải là phát khởi lên ý muốn để hành động. Trong đạo cũng như ngoài đời, ý muốn càng mạnh chúng ta càng có năng lực hoạt động để tiến đến thành công. Nhiều người đời thường nhấn mạnh rằng “ở đời ăn thua mình muốn hay không muốn, nếu mình thật sự muốn là mình sẽ thành công”.

Phân loại các ý muốn

Ý muốn nói chung của người đời đều là ý muốn tránh khổ hưởng sướng. Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngủ, là những nhân duyên chủ động chính yếu để phát khởi lên ý muốn hoạt động nơi con người. Con người ai cũng thích hưởng các thứ ấy, thế nên hễ gặp các nhân duyên ấy là ý muốn hoạt động mạnh mẽ khởi sinh liền. Ngoài ra do vì chưa thoát khỏi sự mê lầm về cái Tôi, nên con người lại càng tin chắc rằng các thứ ấy thật sự tối cần thiết, bởi chúng đem lại sự hưởng thụ sung sướng cho cái Tôi, vị chủ nhân ông mà mọi chúng sinh đều có riêng để phục tòng. Cái gì đem ích lợi, đem sung sướng lại cho Tôi, thì cái ấy chắc chắn sẽ là đối tượng kích thích mạnh mẽ nhất cho ý muốn nẩy sinh. Thế nên, mọi ý muốn khởi sinh nơi hữu tình luôn luôn là các ý muốn hưởng thụ ngũ dục, các ý muốn phục vụ cho cái Tôi. Các ý muốn này thúc đẩy các hoạt động tranh chấp, đố kỵ, chiến đấu không ngừng. Người nào có ý muốn mạnh, người ấy sẽ có năng lực mạnh hơn để lấn áp các người khác mà đạt đến thành công. Đó là ý nghĩa của ý muốn và thành công trong cuộc sống muôn loài.

Còn ý muốn và sự thành công trong đạo là như thế nào? Nếu ý muốn vẫn là năng lực chủ động chính yếu nhất trong các nhân duyên đưa đến thành công trong đạo, thì ý muốn này là gì đây? Dĩ nhiên ý muốn trong đạo phải khác với ý muốn ngoài đời, đôi khi còn hoàn toàn trái ngược hẳn lại. Nếu người đời muốn hưởng năm dục, muốn phục vụ cho cái Tôi, thì trong đạo sẽ muốn xả lìa năm dục, và xả bỏ cái Tôi. Đối với một người đời, ý muốn đạo này tuy hiếm thấy khởi sinh, song không hề phải là khó khởi sinh chút nào. Tại sao vậy? Vì tuy cuộc sống là nơi con người lao vào để hưởng thụ, song tất cả mọi đau khổ phiền não lo âu sợ hãi cũng đều từ trong cuộc sống này mà khởi sinh ra. Để đạt được hưởng thụ, con người vẫn phải trả rất nhiều giá của khổ đau. Thế nên tuy vẫn cho rằng đời là để thụ hưởng, song con người vẫn kinh nghiệm không ngớt các khổ đau của đời. Ăn thì rất sướng rất ngon, mà trúng thực thì cũng khổ vô cùng. Danh vọng tiền tài rất oai rất hách, mà khổ công gầy dựng thì cũng biết bao là tróc vảy trầy da. Cuối cùng sự chết hiện đến, tất cả đều như khói mây. Chính cái bản chất này của cuộc sống trở thành các nhân duyên chính yếu đắc lực nhất, để làm khởi sinh ý muốn thoát ly thế gian, tức là ý muốn đạo, ngay nơi một người đời bình thường. Khi ý muốn này khởi sinh, nó phát sinh năng lực thúc đẩy con người từ bỏ cuộc sống, dấn thân vào đạo.

Do đó bản chất của hiện hữu, vốn đã có đủ các nhân tố chính yếu để làm nhân duyên khởi sinh lên ý muốn và hành động của đời lẫn đạo. Con người, như thế, đối với cuộc sống hoặc là tham đắm vào đó, hoặc là thoát ly khỏi đó. Đó là hai thái cực.

Chúng ta đặt câu hỏi: Ngoài hai thái cực này ra, có chăng một ý muốn hay hành động thứ ba nào đó đứng giữa hai thái cực trên? Dĩ nhiên là có. Bởi chúng ta vẫn thấy trong cuộc đời có nhiều người không hề có ý muốn thoát ly cuộc sống, cũng không hề tham đắm theo đuổi thú vui cuộc đời, mà do thấy sự khổ đau của các người khác, duyên theo đó một ý muốn cứu giúp người nghèo khổ hoạn nạn nẩy sinh, và ý muốn ấy thúc đẩy họ làm từ thiện, đôi khi nó thúc đẩy họ làm thiện mạnh mẽ đến mức họ được coi như các bậc thánh cứu đời.

Ý muốn Bồ Đề tâm

Nếu chúng ta lại hỏi thêm, còn đức Phật thì sao? Khi còn là một con người sống trong cuộc sống, Ngài do duyên theo cuộc sống đã khởi lên ý muốn nào và khởi lên các hành động ra sao để rồi giờ đây Ngài trở thành bậc Giác Ngộ như vậy? Các câu hỏi như thế đưa chúng ta vào tận trong tâm của con đường Bồ Tát Đạo. Ý muốn mà đức Phật đã khởi lên do duyên theo đời sống của chúng sinh, thường được gọi là Bồ Đề Tâm, ý muốn này thúc đẩy Ngài thực hiện các hoạt động phi thường gọi là Bồ Tát Hành.

Ý muốn Bồ Đề Tâm này là gì? Trước hết, dĩ nhiên ý muốn này không phải là ý muốn hưởng dục lạc của người đời. Ý muốn này cũng không phải là ý muốn thoát ly dứt khoát hoàn toàn khỏi thế gian của các bậc thánh diệt dục và cũng không chỉ là ý muốn thương người cứu đời của các bậc thánh từ thiện. Ý muốn này là ý muốn giác ngộ ra chân lý của muôn loài, nhằm có được mọi phương tiện thiện xảo, để cứu độ muôn loài cho đến tận chỗ cứu cánh diệt khổ là Niết Bàn. Ý muốn này lấy nhân duyên đối tượng là vô lượng chúng sinh, lấy tâm lượng là đại  nguyện cứu độ không cùng, lấy hoạt động là vô biên phương tiện thiện xảo. Ý muốn ấy trải dài trên không gian bất tận và trên thời gian không cùng. Có nghĩa là khi Bồ Tát sống trong cuộc sống của muôn loài, Bồ Tát cảm nghiệm ra vô lượng sự đau khổ bất tận của vô lượng loài, Bồ Tát cảm nhận ra sự sống là một chuỗi sinh diệt kéo dài không cùng tận, trong ấy khổ đau không bao giờ chấm dứt. Bồ Tát thấy ra con đường thoát ly mà khởi điểm nằm ngay nơi bản chất khổ đau của hiện hữu, và Bồ Tát hiểu ra mối liên hệ chặt chẽ giữa cá nhân mình với tất cả vô lượng chúng sinh. Duyên theo các nhân tố ấy, Bồ Tát khởi lên ý muốn cứu độ tất cả vô lượng loài (chứ không phải chỉ thoát ly đi hay chỉ làm từ thiện trong một đời sống ngắn ngủi). Duyên theo ý nguyện cứu độ ấy, Bồ Tát lại khởi lên ý nguyện phải thành tựu sự giác ngộ tối thượng với vấn đề công đức và phương tiện thiện xảo, có thế mới cứu độ chúng sinh được.

Bồ Đề Tâm cần phải được tôi luyện.

Một ý muốn như thế thật sự không một con người nào có thể có được, dù chúng ta có cảm nhận ra được cuộc sống như diễn tiến mãi không thôi với vô lượng sự đau khổ không cùng, dù chúng ta có công nhận là vũ trụ này bao la vô biên, dù chúng ta rất dễ dàng phát sinh tình cảm xót thương người hoạn nạn, song không ai trong chúng ta có thể duyên theo đó mà phát được đại tâm Bồ Đề. Ngay cho dù chúng ta có phát lòng tin vào Phật pháp Đại thừa mà khởi lên Bồ Đề Tâm đi nữa, thì qua phút giây phát tâm rồi, ý muốn thành Phật cứu độ chúng sinh sẽ tiêu tán tức thì. Thế nên Bồ Đề Tâm này cần phải có phương tiện để thực hành, tôi luyện, trong một thời gian lâu dài mới thành tựu nổi, chứ không phải chỉ một lần phát nguyện thôi là xong ngay. Vậy các phương tiện để thực hành tôi luyện Bồ Đề Tâm này là gì đây?

Nhân duyên phát Bồ Đề Tâm.

Phương tiện thật ra chỉ là một cách nói khác của nhân duyên. Như khi chúng ta nói: “nhờ cái bè này nên tôi qua sông được”, thì cái bè ấy chính là phương tiện đưa tôi qua sông, mà cũng chính là nhân duyên nhờ đó tôi qua được sông. Do đó phương tiện và nhân duyên chỉ là một. Trong Bồ Tát Địa Trì Kinh đưa ra bốn nhân duyên làm khởi phát Bồ Đề Tâm :

1) do thấy thần thông biến hóa của chư Phật mà phát tâm cầu thành Phật để có được các thần thông diệu dụng như thế;

2) do nghe kinh pháp ca ngợi tán thán Bồ Đề Tâm mà theo đó phát khởi Tâm Bồ Đề;

3) do thấy chính pháp suy đồi và thấy chúng sinh tạo ác thọ khổ, nên phát Bồ Đề Tâm hộ pháp độ sinh;

4) do cảm thương chúng sinh bị phiền não che chận không sao thoát ly khỏi sinh tử mà phát đại Tâm Bồ Đề, nguyện thành Chính Giác cứu thoát muôn loài.

Hai giai đoạn: phát tâm và trưởng dưỡng.

Bốn nhân duyên này chỉ là nói một cách tổng quát và nói theo các chúng sinh đã có thiện căn được vun xới từ nhiều kiếp rồi. Nhưng với một chúng sinh bình thường, thời nhân duyên để phát tâm rất là phức tạp biến thiên, song chúng ta có thể chia sự phát tâm này ra thành hai giai đoạn: giai đoạn phát tâm và giai đoạn trưởng dưỡng tôi luyện Bồ Đề Tâm.

Thiện tri thức là nhân duyên chủ động để phát tâm:

Giai đoạn phát tâm chỉ cần trải qua một phen thực hành nghi thức thọ Bồ Đề Tâm giới là xong. Còn về nhân duyên phát tâm thì, vì như trên đã có nói, không ai dù là các bậc thánh mà có thể tự nhiên lại phát khởi nổi tâm Bồ Đề, thế nên nhân duyên đưa chúng ta đến giới tràng để phát tâm, chính yếu thông thường là nhờ nơi thiện tri thức khuyến khích và thúc đẩy. Trong giai đoạn này thiện tri thức là nhân duyên chính yếu chủ động làm khởi sinh ý muốn Bồ Đề nơi chúng ta, chứ hoàn toàn không phải là do ý muốn riêng tư của mình mà phát khởi nổi Bồ Đề Tâm được. Thế nên trong giai đoạn này thiện tri thức là nhân duyên quan trọng nhất. Thiếu nhân duyên thiện tri thức này Bồ Đề Tâm không thể khởi sinh nơi chúng ta được.

Thiện tri thức là nhân duyên chủ động để trưởng dưỡng.

Tuy đã phát Bồ Đề Tâm rồi, song chúng ta vẫn sẽ thấy bối rối và ngượng ngùng đối với Bồ Đề Tâm này, bởi chúng ta vẫn còn có đủ tâm chấp ngã và các kiến chấp thế gian, và các tâm này sẽ làm cho chúng ta cảm thấy Bồ Đề Tâm xa vời thực tế, không thường nghiệm, hoặc quá bao la trừu tượng, hay quá lý tưởng để một con người bình thường có thể thực hành được. Đôi khi vì “thiếu thực tế” (như chúng ta cảm thấy) mà Bồ Đề Tâm rất dễ bị chúng ta lãng quên mau chóng ngay sau giây phút phát tâm. Thế nên giai đoạn thứ hai của người phát tâm Bồ Đề là giai đoạn tôi luyện và trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm này. Bồ Đề Tâm thật sự không hề tách biệt khỏi thực tế, chẳng qua chỉ vì bản chất của tâm thức chúng ta, bị hạn cuộc bởi ái kiến và chấp ngã, không bao giờ duyên theo các cảnh thế gian mà khởi sinh nổi Bồ Đề Tâm, thế nên tâm vô minh ngã ái đó của chúng ta tự phê bình là Bồ Đề Tâm thiếu thực tế. Ý thức ra được tầm quan trọng vượt bực và giá trị cao cả vô thượng của ý muốn Bồ Đề này là nhân duyên căn bản để chúng ta duy trì và nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm. Song cũng không dễ gì cho chúng ta ý thức được như thế, nếu không có thiện tri thức chỉ bày. Vì thế, nên ngay trong giai đoạn 2 này, thiện tri thức vẫn là nhân tố chủ động chính yếu cho sự tôi luyện và trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm của chúng ta.

Chúng ta cũng không nên quên rằng Bồ Đề Tâm, cũng như Niết Bàn, luôn luôn đi ngược lại với cái Tôi, thế nên dựa trên cái Tôi để phát Bồ Đề Tâm là hoàn toàn sai lầm, mà trái lại chúng ta phải dựa trên, hay là tùy thuận theo thiện tri thức mà phát tâm và trưởng dưỡng tâm mới là đúng pháp. Không những thế, chúng ta còn phải làm sao để vận hết khối tâm thức của mình không tựa vào cái Tôi nữa, mà chuyển sang hoàn toàn dựa vào thiện tri thức, có thế Bồ Đề Tâm mới chân chính được. Thế nên càng đi sâu vào Bồ Đề

Tâm, càng thâm nhập vào Bồ Tát đạo, cái Tôi càng nhỏ bé dần cho đến mất hút, trong khi thiện tri thức càng trở thành một chỗ nương tựa duy nhất, vững chắc bất động. Thiện tri thức trở thành nhân duyên chủ động chân chính nhất trên con đường thành Phật vậy. Đến đây, trong Phật giáo Đại thừa, Tôi không còn làm chủ nữa, mà “tha lực” hoàn toàn làm chủ.

Phật là thiện tri thức toàn hảo nhất.

“Tha lực” hay thiện tri thức ở đây là gì vậy? Chính là năng lực đạo tâm chân chính của các bậc thầy dạy đạo và trên hết là năng lực bi trí của chư Phật tỏa rộng và ảnh hưởng khắp tất cả mọi pháp. Và thiện tri thức chính là các vị thầy ấy, và trên hết là chư Phật và chư đại Bồ Tát.

Do đó hoàn toàn do nhờ nơi, hay duyên theo, sự chỉ dẫn truyền đạt của thiện tri thức mà Bồ Đề Tâm mới phát khởi lên được trong tâm chúng ta. Đồng thời cũng do nhờ nơi, hay duyên theo, sự nương tựa hoàn toàn vào thiện tri thức mà Bồ Đề Tâm của chúng ta mới có chỗ tựa chân chính là thiện tri thức (chứ không phải là tựa vào cái Tôi sai lầm), để mà được tôi luyện trưởng dưỡng hoàn toàn thanh tịnh (thoát khỏi sự ô nhiễm của cái Tôi). Có nghĩa là trong suốt giai đoạn trưởng dưỡng này, chúng ta cần phải có thiện tri thức để mà phát triển tâm đạo của mình hoàn toàn y đúng theo sự học hỏi và nương tựa vào thiện tri thức. Tuyệt đối không được có thầy mà tự học tự tu lấy. Tại sao vậy? Tự học và tu lấy chính là tựa vào cái Tôi mà tu học. Nhất là sự tu học về Bồ Đề Tâm vốn hoàn toàn đi ngược lại với cái Tôi. Thiếu một “tha” nhân lý tưởng làm trợ duyên cho tâm đạo chúng ta có chỗ nương tựa vững chắc – mà không cần phải nương tựa vào cái Tôi ấy nữa- thì chắc chắn chúng ta sẽ bị lệch lạc.

Tuy nhiên một thiện tri thức lý tưởng sống động không dễ gì tìm được trong thế gian và vào thời kiếp mạt này. Lại nữa người tu hành sơ cơ không sao đủ khả năng để đánh giá được thế nào là chân thiện tri thức. Thế nên một lòng tin tuyệt đối vào thiện tri thức chắc chắn sẽ bị lợi dụng. Nếu lầm lẫn đặt lòng tin vào một ác tri thức, thì tất cả sự nghiệp Bồ Đề Tâm sẽ hoàn toàn bị hủy hoại. Do đó mà vị thiện tri thức lý tưởng nhất và vững chắc nhất vẫn là đức Phật. Cho dù Phật không còn đó nữa và mười phương chư Phật vẫn ở đâu xa tít mù, song danh hiệu các Ngài, hình tướng các Ngài, công đức các Ngài, cảnh giới các Ngài… vẫn hoàn toàn bảo đảm và vẫn có hiệu quả vững chắc cho chúng ta nương tựa hơn bất cứ thiện tri thức sống động bằng xương bằng thịt nào. Và cho dù chúng ta có được một vị thầy lý tưởng sống động để nương tựa đi nữa, thì hình ảnh Phật vẫn phải có đó cho sự nương tựa và thực hành trưởng dưỡng tâm đạo của chúng ta trong đời sống hằng ngày vậy.

Trở về ý nghĩa thờ Phật trong Đại thừa: Thờ Phật là pháp môn tu tập trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm.

Chính trong tinh thần và ý nghĩa tôi luyện trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm mà người Phật tử Đại thừa thờ Phật, thờ tượng Phật, để mà nương vào đó mà đảnh lễ cúng dường. Thờ Phật như thế là một pháp môn tôi luyện tâm giác ngộ, lìa xa tâm chấp ngã, nên nó không có chút ý nghĩa gì là mê tín hết, không có chút gì là ngây ngô hết.

Thờ Phật là tối cần thiết.

Và như những gì đã trình bày, sự thờ Phật trong Phật giáo Đại thừa hoàn toàn là cần thiết không thể thiếu được, hình bóng một hiện thân toàn hảo của Bồ Đề Tâm như đức Phật bắt buộc phải có đó, để làm chỗ nương tựa cho tâm thức chúng ta chuyển từ gốc vô minh là cái Tôi sang chỗ gốc giác ngộ là đức Phật. Thiếu một chỗ nương tựa giác ngộ cụ thể hẳn hòi như một cái “Tha” khác bên ngoài cái Tôi như thế, mọi sự giác ngộ của hữu tình đều chỉ là vọng tưởng, chỉ là “bóng dáng tiền trần”, chỉ là do con ma Tôi tưởng tượng ra mà thôi. Tóm lại như Hoa Nghiêm Kinh nói “lìa ngoài Bồ Đề Tâm mà tu các thiện pháp, đều chỉ là ma nghiệp”. Nói một cách cụ thể sẽ như sau “không Phật thì là ma”.

Phật là nhân duyên chủ động dù chỉ là hình tượng hay danh hiệu.

Lại nữa, Phật không phải chỉ là sắc thân 32 tướng hay âm thanh diễn nói diệu pháp, mà Phật còn là danh hiệu, còn là đi, đứng, nằm, ngồi, còn là liên hệ với người này hay người kia, còn là cả một đời sống diễn ra đó, còn là Niết Bàn, còn là biết bao lần sống, và biết bao lần chết trong vô thủy kiếp này. Một danh từ Phật là tổng trì hết vô lượng vô biên công đức tính chất của giác ngộ, một đường nét Phật, một dáng dấp Phật cũng thế, đều là tổng trì của toàn thể chân lý giác ngộ không cùng tận. Mà đường nét nào, mà âm thanh nào hay danh từ nào của Phật cũng đều có đầy đủ công năng làm nhân duyên chủ động cho chúng sinh duyên theo đó, nương vào đó, mà khởi sinh và rồi tôi luyện trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Dù là một tượng Phật bể nát mất thân đầu chỉ còn lại bàn tay trơ trọi, chúng ta vẫn có thể nương vào đó mà phát tâm, nương vào đó mà cúng dường đảnh lễ để trưởng dưỡng và tôi luyện Bồ Đề Tâm, chắc chắn đạo lực trong chúng ta sẽ khởi phát và tiến triển, cái Tôi sẽ bị thu hẹp dần lại để cuối cùng bị quy phục hoàn toàn. Ngoài tượng Phật ra, ngoài danh hiệu Phật ra, chúng ta sẽ thấy là bằng mọi cách, cái Tôi vẫn làm chủ và ngự trị khắp mọi lãnh vực, chỉ trừ khi chúng ta thoát ly hẳn khỏi mọi hiện hữu mà vào Niết Bàn.

Do đó trong pháp môn đảnh lễ và cúng dường tượng Phật, thì chính tượng Phật, dù bản thể vô tình, song hình tướng Phật vẫn có đủ công năng làm nhân tố chủ động để làm khởi sinh dậy Bồ Đề Tâm trong tâm chúng sinh và hoàn toàn là nơi nương tựa lý tưởng duy nhất cho sự tu tập và trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Chúng ta vẫn có thể nói rằng tượng Phật chỉ là thể chất vô tình, thế nên công năng tăng trưởng đạo lực chính là do nơi tâm thành của người lễ bái cúng dường mà ra. Song với điều kiện là tâm thức của người này phải tin tưởng và tùy thuận dứt khoát vào tượng Phật, quy phục hoàn toàn cái Tôi của mình về tượng Phật, có thế tâm thức này mới phát triển đạo lực được. Tóm lại thiếu tượng Phật, thiếu thờ Phật, chúng ta sẽ bất lực hoàn toàn trong nỗ lực phát triển Bồ Đề Tâm vậy.

Thờ Phật như thế, theo Đại thừa, là sự sắp xếp các nhân duyên chủ động cũng như phụ trợ, để từ các duyên này làm hiện khởi lên một pháp gọi là Đạo Tràng. Ở đây Bồ Đề Tâm là nhân chủ động, phòng thờ, bàn thờ và tượng Phật là các duyên phụ trợ. Các duyên này phối hợp với nhau khởi lên hay hình thành một Đạo tràng. Duyên theo Đạo tràng này, người thờ Phật nuôi dưỡng và tôi luyện cho ý nguyện Bồ Đề ngày càng phát triển. Mặt khác, cũng do duyên theo Đạo tràng này mà người thờ Phật đối trị dần cái ngã kiến sai lầm, cái “tự” thể vọng tưởng, đầy tham ái và vị kỷ, gốc gác của phiền động âu lo sợ hãi không cùng tận.

Thờ Phật như thế là tạo dựng ra một Đạo tràng, tức một khối nhân duyên thù thắng, để theo đó uốn nắn tâm thức cho tương ưng với bản thể giác ngộ của chính tâm thức vậy. Khi tâm thức hữu tình tương ưng đúng với bản thể giác ngộ của mình, trên mặt tâm thức sẽ bùng lên một biến cố chưa từng có gọi là “giác ngộ”. Nói cách khác, bởi bản thể của hữu tình vốn là giác rồi, song cũng chỉ vì chấp ngã mà thành mê lầm, nay thờ Phật chỉ là sắp xếp một nhân duyên thù thắng để đối trị cái chấp ngã mê lầm ấy mà khơi lên, làm hiển hiện ra cái bản giác muôn đời thanh tịnh và chân thật.

Thế nên để thờ Phật cho đúng nghĩa, người thờ Phật cần phải hiểu biết thật vững chắc về các pháp Đại thừa như bản giác, Phật tính, chân như, vô ngã, nhân quả, duyên khởi và Không v.v… Như khi đưa trọn thân tâm mình vào trong một duyên khởi Đạo tràng, nghĩa là khi mình đứng trước tượng Phật để lễ lạy, người thờ Phật trước hết phải phát Bồ Đề Tâm, sau đó khi lạy Phật, phải biết vận tâm quán tưởng như bài kệ của Văn Thù Bồ Tát chỉ dẫn như sau :

Năng lễ sở lễ tính không tịch:

(bản tính của con là người lạy và của Phật là người được lạy, cả hai đều Không tịch) :

Phải quán tự thân tâm mình, tức người lạy Phật, vốn chỉ do duyên khởi nên thật sự chỉ là Không. Phật là “tha”, là người được lạy, thân tâm Ngài cũng không ngoài duyên khởi nên thật ra cũng chỉ là Không. Cả hai đều tịch tĩnh, không có tác dụng gì hiện khởi hết. Song đó chỉ là mặt thể của duyên khởi mà thôi. Nơi mặt tướng hay mặt dụng của duyên khởi, thời thân tâm người lạy Phật, cũng như thân tâm của Phật, các pháp duyên khởi này, chỉ chờ theo nhân duyên là hiển hiện ra vô biên các tác dụng.

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì :

(Song sự cảm ứng qua lại của “Đạo” quả là khó nghĩ bàn).

Thế nên, do lực tâm nguyện Bồ Đề của người lạy Phật làm khởi động lên hành động lạy Phật, và như thế tạo thành sự liên hệ giữa mình và toàn thể chư Phật như sau: tuy nơi thể, tự thân tâm mình là Không, song nơi dụng, do nguyện lực ấy làm duyên khơi động mà biến thân tâm mình thành có tác dụng đảnh lễ. Phật cũng thế, thân tâm Ngài nơi tự thể tuy là Không, song nơi dụng, do duyên theo nguyện lực Bồ Đề của người lạy Phật mà thân tâm ấy phát triển ra tác dụng làm nơi nương tựa và gia lực hộ trì. Nguyện lực chủ động này bất khả tư nghì, nó có thể khơi dậy được hết các tác dụng của người tu hành cũng như mọi tác dụng gia trì của chư Phật. Lý do là ở chỗ các pháp tự cũng như tha, tức thân tâm mình và thân tâm Phật, đều là duyên khởi Không, không có tự ngã (như vào đầu đã quán), song vì là duyên khởi, không có một tự thể cố định, nên các pháp sẽ tùy duyên mà hiển hiện ra vô lượng các tác dụng tương ưng. Vì vậy người thờ Phật cần phải biết cách phát nguyện cho đúng cho chân chính, thì nguyện này sẽ “lôi” ra được hết mọi tác dụng tốt đẹp nhất của chính thân tâm mình và thân tâm của chư Phật. Cảnh giới của nguyện lực “Đạo” này như sau :

Ngã thử đạo tràng như đế châu

(Đạo tràng của con đây như viên ngọc châu của lưới trời Đế Thích)

Khi phát nguyện Bồ Đề thờ Phật, người thờ Phật không nguyện chỉ thờ một Phật mà thôi. Vì nguyện như thế là có giới hạn, mà có giới hạn là phản nghĩa lại với chân lý duyên khởi Không. Nên một nguyện như thế sẽ không thể đủ lực để khơi dậy tác dụng giác ngộ viên mãn nơi người thờ Phật. Đồng thời vì lực nguyện ấy không chịu duyên khắp chư Phật, nên nó không thể làm duyên để khơi dậy tác dụng giác ngộ khắp mười phương được. Vì lẽ ấy mà người thờ Phật theo Bồ Đề Tâm là phải phát nguyện thờ vô lượng vô biên bất cùng tận mười phương ba đời chư Phật. Tâm nguyện lực này chân chính nhất và mạnh mẽ không thể tưởng nổi.

Nguyện lực này một mặt làm duyên để khơi dậy tác dụng giác ngộ, giáo hóa, gia trì, hộ niệm, không phải chỉ của một pho tượng Phật trước mặt người lễ lạy, mà thật ra còn liên hệ và khơi dậy tất cả các tác dụng ấy nơi khắp mười phương vô tận các chư Phật, và thu nhiếp hết về hiển hiện sống động ngay chính trong Đạo tràng duyên khởi của mình vậy. Thế nên người lạy Phật cần phải vận tâm quán tưởng Đạo tràng duyên khởi của mình gồm tâm nguyện, bàn thờ và tượng Phật, như một viên ngọc châu trong mỗi mắt lưới của lưới trời Đế Thích.

Thập phương chư Phật ảnh hiện trung :

(ảnh của mười phương chư Phật đều hiện trong ấy).

Như mỗi mắt lưới ngọc đều ảnh hiện các mắt lưới khác, người lạy Phật cũng quán thấy trong một duyên khởi Đạo tràng của mình, do lực nguyện Bồ Đề hấp dẫn chiêu cảm mà mười phương chư Phật với toàn thể pháp hội các Ngài đều hiển hiện toàn thân, nghĩa là tác dụng giác ngộ, thuyết pháp độ sinh của mười phương chư Phật đều do lực nguyện Bồ Đề lạy Phật mà đồng khơi dậy một lúc.

Người lạy Phật quán thấy mười phương bất tận chư Phật cùng Phật hội hiện ra “y đúc” như vô lượng các mắt ngọc khác hiện bóng trong một mắt ngọc vậy.

Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền :

(Ảnh của thân con lại hiện ra trước chư Phật)

Không những vậy, lực nguyện Bồ Đề này còn làm duyên khơi dậy tác dụng lễ lạy quy y không cùng tận nơi chính thân tâm của người lễ lạy, ngay tức thời, cùng một lúc, đối với mười phương bất tận chư Phật. Và cũng thế, nguyện lực Bồ Đề và Đạo tràng pháp hội của mười phương bất tận chư Phật, mỗi Phật hội cũng như một mắt ngọc châu đều phản chiếu hiện lên ảnh người lạy Phật, đúng y như thế, ở ngay trước mỗi Phật một mà chuẩn bị đảnh lễ.

Đầu diện túc túc quy mạng lễ

(Đầu mặt con lạy sát xuống dưới chân Phật mà xin quy y vâng mạng lễ lạy).

Do nguyện lực Bồ Đề của người lạy Phật và nguyện lực Bồ Đề của chư Phật cảm ứng với nhau mà Đạo tràng của người lạy cùng vô lượng Đạo tràng của vô tận chư Phật thu hút lẫn nhau như ảnh hiện lại qua giữa một viên ngọc châu này cùng vô lượng viên ngọc châu khác. Đó là cảnh giới duyên khởi thù thắng bất khả tư nghì của một người lạy Phật, hay một người thờ Phật theo Phật giáo Đại thừa. Trong cảnh giới ấy, với tâm quán tưởng như thế mà một Phật tử Đại thừa lễ lạy Phật.

Thờ Phật như thế, quả thật không giống với bất cứ sự thờ phượng nào của thế gian hay của bất cứ tôn giáo nào. Đã đành các vật liệu để thờ vẫn là các hình tượng, bàn thờ; năng lực thôi động thờ phượng vẫn là lòng tin tưởng sùng mộ. Song thêm vào, Phật giáo Đại thừa thấy ra rằng các vật liệu để thờ như bàn thờ, như tượng Phật, đều do duyên mà khởi lên. Pháp do duyên khởi có hai “cấp bậc”, cấp đầu như là nguyên tố, cấp sau như là sự vật. Như do duyên khởi mà thành đất là nguyên tố, duyên theo đất mà tạo thành bình là sự vật. Lại như duyên khởi thành đồng là nguyên tố, đồng lại tùy theo các duyên khác nhau mà thành vũ khí, thành bồn chậu, hoặc thành tượng Phật, là các sự vật. Khi duyên khởi thành các sự vật khác nhau thì mỗi sự vật có tác dụng riêng biệt khác nhau của chúng. Như khi đồng thành vũ khí, thì nó không có tác dụng của bồn chậu hay của tượng Phật. Ngược lại cũng vậy, chúng ta không thể vác bồn chậu hay tượng Phật ra chiến trường đánh nhau được. Cũng như không thể cung kính lễ lạy vũ khí hay bồn chậu bằng đồng mà phát khởi ra lực công đức của Đạo được. Song nếu lấy đồng ấy làm thành tượng Phật, thì khi lễ lạy công đức của Đạo phát sinh và tăng trưởng. Hay như có dẫm lên vũ khí hay bồn chậu, có phá vỡ chúng đi với tâm khinh miệt thì cũng chẳng phát sinh tác dụng tội lỗi gì. Nhưng nếu lấy đồng đó làm thành tượng Phật rồi, mà lại dẫm lên hay hủy hoại đi thì lại thành tội lỗi rất lớn. Điều ấy chứng tỏ hình tượng Phật có một tác dụng nhân quả rất mạnh mẽ. Phật giáo Đại thừa không hề thấy rằng hình tượng Phật chỉ là các vật “chết”, các biểu tượng mà thôi. Do đó người Phật tử Đại thừa khi thờ tượng Phật đều quán tượng Phật sống động y như Phật thật. Bàn thờ Phật và tượng Phật đều có tác dụng mạnh mẽ làm phát triển công đức của Đạo, tức làm tăng trưởng Bồ Đề Tâm.

Lại nữa, thờ Phật là một duyên sự, một Đạo tràng, để tôi luyện tâm nguyện Bồ Đề. Thế nên nếu thờ Phật mà không phát Bồ Đề Tâm, thì coi như hạt nhân của sự thờ Phật không có, nhân duyên chính yếu và chủ động không có, thì kết quả chân chính cũng sẽ không có. Thờ Phật như thế sẽ chẳng khác gì thờ ông bà cha mẹ, hay thờ tổ tiên thánh nhân, hay thờ thần linh thượng đế mà thôi. Do đó mà tâm nguyện Bồ Đề là cột trụ, là động lực chủ chốt, là hạt nhân chính yếu trong duyên khởi thờ Phật vậy. Vì vậy người Phật tử Đại thừa không chỉ thờ Phật với tất cả tâm tình cảm thân thiết, trọn lòng mến tưởng sùng mộ, mà trên hết là bằng cả một đại nguyện bao la không cùng tận nữa. Đại nguyện này không gì khác hơn là mười hành nguyện vô cùng tận của Phổ Hiền Bồ Tát.

Nguyên tắc thờ Phật tuy là thế, song với chúng ta, những người “sơ cơ”, Bồ Đề nguyện rất lỏng lẻo, mà lý do là vì lòng tin chưa lập được. Thế nên việc học hỏi các giáo pháp của Đại thừa cho thông suốt, để thành lập được một lòng tin vững chắc với Đại thừa, là điều quan trọng trước nhất phải làm. Song bước chân vào Đại thừa thời Bồ Đề Tâm là nền tảng. Muốn học giáo pháp Đại thừa, thì cũng phải phát nguyện Bồ Đề, thì sự học hỏi mới chân chính được, mà không trở thành một kiến thức sách vở của nhà trường. Cho nên đồng thời với sự học hỏi giáo pháp, một

Phật tử Đại thừa cần thiết nhất là phải thờ Phật. Thờ Phật dù chưa được như những gì nói trên, chưa đúng được với hành nguyện Phổ Hiền, song vẫn phải thờ với tất cả chân tình thiết tha, với tất cả lòng sùng mộ và tin tưởng tuyệt đối của mình. Bàn thờ càng trang nghiêm, tượng Phật càng tướng hảo bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Thờ Phật, theo hành nguyện Phổ Hiền, thời gồm có lễ kính chư Phật, ca ngợi chư Phật, cúng dường chư Phật, sám hối tội lỗi và tùy hỉ công đức v.v… người thờ Phật theo đó mà thực hành. Sự thực hành này càng chân thiết bao nhiêu, thì việc học Phật càng bảo đảm bấy nhiêu.

Càng thờ Phật lâu dần, công đức, tức năng lực hành đạo, càng tăng trưởng, và lòng tin càng xác thực và được thiết lập. Quan điểm rằng lòng tin hoàn toàn phụ thứ và không cần có, đối với Đại thừa Phật giáo, là một sai lầm tai hại vô cùng. Tin như thế nào và tin ra làm sao, tin ai và tin Phật nào? Đó cũng là những điều mà người thờ Phật cần phải sáng tỏ hoàn toàn.

Tóm lại, thờ Phật trong Phật giáo Đại thừa, chỉ là để gieo “nhân” thành Phật và để đạt đến “quả” thành Phật. Song đối với người chưa thông suốt vấn đề, thì thờ Phật theo Đại thừa hết sức là phức tạp và khó hiểu. Bao nhiêu thắc mắc và nghi ngờ nảy sinh ngay trong giới Phật tử. Để giải đáp các thắc mắc và giải tỏa các nghi ngờ này, chúng ta đã đụng chạm đến một ít phần nào của nguyên lý duyên khởi. Song một phần ít đó chưa đủ chút nào cho biết bao thắc mắc khác nữa. Nên vấn đề duyên khởi này còn cần phải được khảo sát trong một bài riêng rẽ. Và các hành nguyện của Phổ Hiền cũng cần phải được khai triển cho sáng tỏ, thì vấn đề thờ Phật trong Phật giáo Đại thừa mới có thể “hiển lộ toàn thân” ra được.

Tóm kết lại nguyên tắc duyên khởi theo ý nghĩa “tha khởi”

Tóm lại, theo đạo Phật, tất cả các pháp, tức sự sự vạn vật, đều do duyên mà khởi lên. Nhìn theo phương diện tu tập của cá nhân, thì đầu tiên hết là do duyên mà ý muốn tu tập của cá nhân mới khởi lên. Ý muốn này không phải do “tôi” làm chủ mà chính là do “duyên khởi” lên. Như duyên nơi thiện tri thức, hoặc duyên theo chùa chiền Tam Bảo, mà ý muốn theo Đạo tu tập mới phát khởi lên.

Sau đó ý muốn này lại “chiêu tập” các duyên khác mà khởi lên sự tu tập của cá nhân. Cũng vậy, sự tu tập này không có cái “tôi” nào hết để làm chủ, mà hoàn toàn chỉ do “duyên khởi” lên. Như duyên theo ba nghiệp thân khẩu ý, duyên theo đạo tràng, như trước bàn thờ, trước tượng Phật, trong thiền thất v.v… mà sự tu tập của cá nhân mới khởi lên được.

Do đó, trong nguyên tắc duyên khởi này, “tôi” không làm chủ được gì hết, hoàn toàn dư thừa và lạc lõng, “tôi” hoàn toàn không có! Như một ngôi nhà vốn không “tự ” có, nó chỉ do duyên mà khởi lên. Các duyên ấy là tường vách, gạch ngói, mái nền, cửa cột v.v… Các duyên này hoàn toàn không có gì là “nhà” hết, các duyên này khác hẳn với “nhà”. Khi nhà không hề “tự” có, mà phải dựa vào các cái khác hẳn với mình để mà khởi lên như thế, thì nó được gọi là “y tha khởi,” nghĩa là “y theo các cái khác hẳn với chính mình để mà chính mình được khởi lên.” Và “tha” ở đây chính là các duyên vậy, nên nói “y tha khởi” chính là cách nói khác của “duyên khởi” vậy. Thế nên giữa “tha lực” và “tự lực”, thời tha lực có phần phù hợp với nguyên lý duyên khởi hơn là tự lực mà vốn hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý này.

Từ duyên khởi đến Không

Song khi nói “tha” ở đây, chúng ta không bao giờ nên quên rằng “tha” này cũng chỉ do duyên khởi lên mà thôi. Không phải chỉ có “tự ” mới không tự có, còn “tha” thời được quyền “tự ” có. Mà cả “tự ” lẫn “tha” đều không tự có được, đều do duyên khởi mà thành có. Như căn phòng không tự có, do bốn bức tường mà thành căn phòng. Song bốn bức tường này cũng không tự có, mà do các viên gạch xắp lại mà thành. Cho đến các viên gạch này cũng không tự có mà do duyên nơi đất mà thành… Cứ thế mà luận, căn phòng là “tự ” cũng là do duyên khởi, y tha khởi; bốn bức tường là duyên, là “tha” cũng là do duyên, do y tha mà khởi v.v… thời tất cả đều do duyên khởi, tất cả “tự ” hay “tha” gì cũng đều là Không.

Lại nữa, nguyên tắc duyên khởi hay y tha khởi này luôn được nhìn theo hai chiều là: cái gì không tự có, tức không có tự ngã, hay nói cách khác, tức vốn là Không, thì cái ấy phải nhờ đến các cái khác mà khởi lên, tức chỉ do duyên khởi lên mà thôi. Ngược lại cái gì do các cái khác mới khởi lên được, tức do duyên mà khởi lên, thì cái đó không tự có, tức không có tự ngã, tức vốn là Không.

Từ  duyên khởi Không sang nhân quả

Nếu thế, chúng ta có thể nhận xét như sau: Không phải chỉ có lạy Phật mới theo lý duyên khởi ấy, mà tất cả mọi pháp đều thể theo nguyên lý ấy mà hiện khởi. Ăn cơm hay mặc áo, đi đứng hay nằm ngồi gì thì cũng phải theo nhân duyên mà hiện khởi.

Tất cả đều do duyên khởi lên, thế nên tất cả đều không tự có, tất cả đều là Không, đều vô ngã. Vậy thì lạy Phật có khác gì với hủy báng Phật, bởi hủy báng Phật cũng do duyên mới khởi lên mà? Lạy Phật có khác gì với sát sinh, bởi sát sinh cũng do duyên mà khởi lên vậy? Lạy Phật, hủy Phật, sát sinh v.v… đều do duyên khởi, nên đều là Không, đều không tự có, đều vô ngã, y như nhau, thì khác nhau là ở chỗ nào?

Lại nữa nếu thân tâm tôi đều là Không, bàn thờ, tượng Phật cũng đều là Không, thì khi thân tâm tôi lạy Phật, tức lấy Không mà lạy Không. Đã Không hết như thế thì chẳng có gì có được nữa, lấy gì ra làm duyên để khởi lên pháp lạy Phật đây? Vả lại Không lạy Không như thế thì được cái kết quả gì? Rồi kẻ sát sinh và Phật đều là duyên khởi Không, tôi cũng là Không, thế thì tôi lạy kẻ sát sinh hay lạy Phật cũng chỉ là Không lạy Không, thì có gì khác nhau đâu?

Câu trả lời như sau: Trước hết Không không phải là một pháp “có” để chúng ta có thể dựa vào đó mà so sánh các pháp với nhau, rồi phán là các pháp giống nhau hay bằng nhau được. Trên mặt Không, thì lạy Phật hay hủy Phật cũng đều là Không, song chúng ta không thể dựa vào cái Không này, hay đem cái Không này ra lập thành một pháp có, để từ đó so sánh và kết luận rằng lạy Phật và hủy Phật là giống y như nhau vì đều là Không được. Do đó mà Không vẫn thường được các Tổ sư Trung Quán cho là Không chỉ có phá chứ không có lập, ngoài ra Không thường được diễn đạt qua khẩu hiệu “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, nghĩa là nơi Không không còn ngôn ngữ để diễn tả nữa, không còn tâm tưởng để suy xét nữa, hoàn toàn “chấm hết”.

Do đó muốn so sánh các pháp với nhau, chúng ta không thể so sánh nơi mặt Không của các pháp, mà bắt buộc và chỉ có thể so sánh nơi mặt “có” của các pháp mà thôi. Mặt có của các pháp chính là mặt duyên khởi hay y tha khởi.

Và chúng ta cũng chỉ có thể so sánh hai pháp được với nhau khi hai pháp ấy là hai pháp có kết quả hay có quả báo, tức phải là hai pháp “nhân”. Nếu lạy Phật hay hủy Phật đều không phải là pháp nhân, tức không có kết quả gì hết, thì lạy Phật hay hủy Phật đều vô ích và vô giá trị. Cũng như sát sinh và bố thí nếu đều không có quả báo gì hết, thì sát sinh hay bố thí để làm gì? Và có cái nào hơn thua cái nào đâu mà phải lựa chọn, mà phải nói là hãy bố thí đừng sát sinh?

Do đó, do các pháp này làm nhân sinh quả, dựa vào quả báo nào có ích lợi và quả báo nào tạo thiệt hại, mà chúng ta mới so sánh và nói là pháp này hơn pháp kia, và hãy làm pháp này đừng làm pháp kia.

Tóm lại, tất cả các pháp vì là Không nên đều phải do duyên mà khởi lên. Một khi do duyên khởi lên rồi, thì duyên này lập thành tính chất riêng biệt của mỗi pháp một, và làm cho các pháp trở thành sai biệt khác nhau, nên pháp mới có nghĩa là “nhậm trì tự tính”, nghĩa là nếu các duyên phối hợp với nhau không ly tán thì sẽ làm hiện khởi lên một tính chất, hay nói cách khác là sẽ “cưu mang” một tính chất, khác hẳn với các tính chất do duyên khởi khác, nên được gọi là “tự tính”. Cho đến bao giờ duyên chưa ly tán thì tự tính đó còn có đó, và tự tính ấy được gọi là một “pháp”. Do đó các pháp sai khác với nhau là hoàn toàn ở trên mặt tự tính duyên khởi này. Quan trọng hơn hết là tất cả các pháp có tự tính do duyên khởi này đều thuộc về tính chất “nhân quả”.

Luận qua về nhân quả

Nhân quả là một cách nói khác của “tác dụng”. Bởi vì một cái gì có tác dụng thì có nghĩa là cái đó sẽ đưa đến một kết quả nào đó, như thuốc có tác dụng chữa bệnh, có nghĩa thuốc là nhân đưa đến kết quả là lành bệnh. Mà tác dụng là một cách nói khác của cái gì “có mặt” và “sống động”, như một ngọn lửa đang có mặt và sống động đó, thì chắc chắn nó sẽ có tác dụng sưởi ấm và đốt cháy. Ngược lại một ngọn lửa trong tranh vẽ, nó không thật sự có mặt và hoàn toàn không “sống”, thế nên nó không có tác dụng nhân quả gì hết. Hay như một cái ghế gãy đôi, nó không còn có mặt (bởi nhân duyên bị ly tán) và hoàn toàn “chết” rồi, thế nên nó không có tác dụng để ngồi nữa. Mà có mặt hay sống động lại chỉ là một cách nói khác của “duyên khởi” mà thôi. Như trên đã nhận xét, tất cả các pháp đều phải theo duyên mà khởi lên, mà hiện ra, thì mới có mặt, mới sống, mới hiện khởi thành có tác dụng nhân quả được. Thế nên đã từ duyên mà khởi lên thì tự nhiên phải có tác dụng nhân quả.

Như do duyên theo nghiệp thức và tinh huyết phối hợp của cha mẹ, thân căn và tâm thức của một đứa bé hiện khởi, tức thời nó có tác dụng làm con của cha mẹ ấy. Không những thế, nó còn có tác dụng làm em, làm anh, làm bà con của các người khác. Và sau này, nó còn có tác dụng làm bạn bè, làm chồng vợ, làm cha mẹ, làm nghề này chức nọ trong xã hội nữa. Ngoài ra ngay tự bản chất của nó, nó còn có các tác dụng của cảm giác, đụng mạnh thì đau mà xoa nhẹ thì thích v.v…, và các tác dụng của suy tưởng, mơ mộng, phán xét v.v… Trừ phi thân tâm ấy do duyên ly tán mà chết ngay trong thai mẹ hay vừa sinh ra đời, thì mọi tác dụng của nó sẽ chấm dứt. Ngoài ra nếu các duyên tiếp tục hòa hợp không tán, thời nó sẽ được gọi là “sống”, là “có mặt”, và sẽ có đủ mọi tác dụng như trên.

Hữu tình như thế, thì vô tình cũng vậy. Một cục đá hay một khúc củi cũng do duyên mà khởi lên, nên cũng có đủ mọi tác dụng của nhân quả. Khúc củi do duyên khởi lên nên cũng có mọi tác dụng nhân quả. Như nơi tự thân của khúc củi đụng mạnh vào thì gẫy, uốn từ từ thì thành cong, chẻ nhỏ ra thì thành đũa thành tăm v.v… Ngoài ra nó còn có tác dụng để làm hàng rào, để đốt lửa, để đánh đập v.v… Một cục đá, một ngọn gió, một khoảng không đi nữa, cũng đều có các tác dụng này khác để thành các nhân quả trong đời sống.

Song các tác dụng nhân quả như thế của hữu tình và vô tình đều dựa theo sự liên hệ giữa tay ba hữu tình, vô tình và hữu tình mà hiển hiện. Như người A (là hữu tình) cầm khúc củi (là vô tình) đánh một người B (cũng là hữu tình). Thân tâm người A khởi lên tác dụng giận dữ hung hăng, khúc củi khởi lên tác dụng một phương tiện vũ khí, thân tâm người B khởi lên tác dụng đau đớn co thắt. Các tác dụng này liên hệ với nhau như là các duyên sống động làm khởi lên một pháp. Pháp này theo các duyên ấy mà thành có tự tính là “đánh người”. Khi pháp này khởi lên nó có đầy đủ tính chất nhân quả. Pháp ấy là “nhân” đánh người và “quả” của nó là bị bắt đưa ra tòa v.v…

Ngoài ra, theo đạo Phật, nhân quả không chỉ hạn chế trong một đời sống, mà nhân quả làm thành sự tái sinh qua đời sau, thế nên nhân quả là nguyên tắc cơ bản của luân hồi vậy.

Chủ thể của nhân quả luân hồi

Nghi vấn người ta thường đặt ra là: Nếu đạo Phật cho rằng nhân quả chỉ là nguyên tắc duyên khởi, và hoàn toàn không có cái tôi nào làm chủ hết, vậy thì ai là người tạo nhân và rồi sẽ chịu quả?

Đạo Phật sẽ trả lời như sau: Nhân cũng do duyên khởi lên, mà quả cũng do duyên khởi lên. Thế nên nhân hay quả gì cũng đều vô ngã, mà chỉ gồm các duyên phối hợp lại không tán mà thành nhân với quả mà thôi. Tuy nhiên trong các duyên phối hợp lại như thế, chúng ta vẫn có thể chọn ra một duyên chính yếu để trao cho duyên ấy cái vai trò chủ thể của nhân quả. Duyên chính ấy là gì? Đức Phật khi lập nghĩa các pháp, Ngài luôn luôn dựa trên “hữu tình” mà lập. Nói cách khác là Ngài lấy tâm thức là duyên chính làm chủ thể của nhân quả. Tâm thức này ở đoạn đầu chúng ta đã xác nhận đó là “ý muốn” vậy.

Như khi một kẻ tạo nhân đánh đập người ta phải bò lết mà đi, kiếp sau hắn phải chịu quả báo là hai chân tật nguyền đi như là lết. Chúng ta hãy nhận xét: Nhân đánh đập gây thương hại là do các duyên sau đây mà khởi lên: tâm ý muốn đánh, thân cầm gậy đánh, thân người bị đánh bò lê, tâm người bị đánh đau đớn. Trong các duyên khởi lên nhân này, đạo Phật không chọn bàn tay cầm gậy, hay cây gậy, hay thân người bị đánh bò lê, hay tâm người bị đánh đau đớn làm duyên chính, mà chọn lấy “tâm ý muốn đánh” là duyên chính làm chủ thể khởi lên nhân ác, và gọi đó là “nhân” hay là “nghiệp”. Đến giai đoạn quả, quả do các duyên sau đây mà khởi lên: nhân đánh đập gây thương hại từ kiếp trước mà ý muốn đánh đập làm chủ thể, thân tật nguyền đi như lết, tâm tật nguyền đau khổ. Trong các duyên khởi lên quả này, đạo Phật không chọn thân tật nguyền, hay tâm đau khổ, mà chọn lấy nhân “tâm ý muốn đánh” từ kiếp trước truyền lại đến kiếp này là chủ thể để chịu quả khổ.

Chủ thể của nhân quả luân hồi này không phải là ngã

Thông thường người ta vẫn dựa vào vấn đề nhân quả luân hồi để chứng minh là có “ngã”. Ngã là chủ thể tạo nhân, ngã là chủ thể chuyển tiếp tái sinh, và ngã là chủ thể chịu hay hưởng quả. Nếu không có ngã thì ai tạo quả, ai đi luân hồi để chịu hay hưởng quả đây? Bởi ngã là một chủ thể bất biến và thường hằng, vì thường hằng nên ngã có thể “kéo dài” từ kiếp này sang kiếp khác; vì bất biến như nhất nên kẻ chịu hay hưởng quả mới đúng là kẻ tạo nhân. Nếu không có ngã thì kiếp này ai làm và kiếp sau ai chịu hay hưởng đây? Và nếu ngã biến khác đi thì kiếp này là A làm mà kiếp sau là B chịu hay sao? Như vậy thì còn gì là nhân quả nữa! Nên nhân quả là nguyên tắc cơ bản để chứng minh là có ngã vậy.

Đạo Phật không chấp nhận như vậy. Với đạo Phật, người ta không bao giờ tìm ra được ngã mà tại sao cứ chấp là ngã có thật. Những gì người ta tìm thấy chỉ là các duyên phối hợp lại với nhau mà thôi (Phật pháp gọi là “năm uẩn”). Còn cho rằng ngã thường hằng và bất biến, thì đâu có bị ảnh hưởng gì với định luật nhân quả nữa. Như bàn tay tôi nó không thường hằng và biến đổi được, thế nên đụng vào lửa nó sẽ chịu kết quả là cháy phỏng. Còn nếu nó thường hằng bất biến thì có cho vào lửa nó cũng vẫn là nó như muôn đời nay, không có một kết quả gì ảnh hưởng hay chi phối được nó hết. Ngã đã thường hằng bất biến thì ngã còn tạo nhân để mà làm gì, để được gì thêm cho ngã, để thay đổi được gì cho ngã đây? Và khi quả đến, ngã thường hằng bất biến, nên quả chẳng ăn thua hay làm gì được ngã hết.

Ngoài ra, sự kéo dài nhân quả từ kiếp này đến kiếp sau được không hề phải là do một tự ngã thường hằng, mà do “lực” của nhân duyên (Phật pháp gọi là “nghiệp lực”). Một ngôi nhà kéo dài hàng mấy trăm năm, không phải vì nó có một tự ngã thường hằng, mà vì các duyên của nó là tường vách, cột kèo, mái nền, vững chắc, nên ngôi nhà mới kéo dài lâu như thế. Như trên chúng ta đã nói, các pháp do duyên khởi nên đều thuộc về luật nhân quả. Các pháp theo duyên khởi lên là có sẵn mọi tác dụng của nhân, nhân là năng lực đưa đến quả, hay vẫn thường nói là chiêu cảm quả. Lực chiêu cảm quả ấy làm cho nhân nhân quả quả không bao giờ dứt, tạo ra một sự kéo dài của nhân quả vô thủy vô chung, gọi là luân hồi. Sự kéo dài ấy bị tưởng lầm là có một tự ngã thường hằng bất biến vậy.

Như củi làm nhân, phát sinh lửa là quả. Lửa lại là nhân, cháy thiêu củi thành tro là quả. Tro lại là nhân, bón cây thành tốt tươi là quả. Cây ấy lại là nhân để cho ra nhiều củi là quả v.v… Cứ tác dụng nhân quả như thế mà thành bất tận. Sở dĩ củi như thế là vì củi không có một tự ngã mà chỉ do duyên khởi lên mà thành tác dụng nhân quả kéo dài bất tận như thế. Nói theo hữu tình thời như sau: ý muốn là nhân (như củi), phát sinh nghiệp thiện ác đối với các chúng sinh khác là quả (như lửa). Nghiệp thiện ác này lại là nhân (như lửa), làm cho ý muốn ấy trở thành “tính” thiện hay ác mà hướng sinh vào cảnh thiện hay cảnh ác là quả (như củi bị lửa đốt thành tro). Sự sinh vào cảnh thiện hay ác này lại là nhân (như tro bón cây), để lại tiếp tục sinh ra các ý muốn khác mà tạo nghiệp tiếp (như cây cho ra các củi để phát lửa tiếp) v.v… Lực của nhân quả cứ thế qua lại làm thành sự luân hồi kéo dài bất tận của hữu tình. Do nhân quả cứ kéo dài như thế mà phát sinh tà chấp là có ngã thể thường hằng bất biến. Một thí dụ giản dị nhất là: hạt cam là nhân hợp cùng các duyên sinh ra quả cam, quả cam lại là nhân hợp cùng các duyên tựu thành các hạt cam, các hạt cam lại là nhân hợp cùng các duyên sinh ra các quả cam v.v… cứ thế mà kéo dài. Lực nhân quả và duyên khởi kéo dài như thế, chứ đâu phải là quả cam có một tự ngã thường hằng bất biến nên mới kéo dài hết đời này đời khác vậy.

Nghi vấn cuối cùng là “ý muốn” có phải là ngã không? Thì như đoạn trên đã trả lời, ý muốn hoàn toàn do duyên khởi, chứ không phải do một tự ngã mà khởi. Nếu ý muốn chính là tự ngã, thì hữu tình không có khổ nữa, vì muốn gì là được nấy, bởi ngã luôn có nghĩa là “chủ”, mà “chủ” có nghĩa là “tự tại”, không bị gì trở ngại, luôn được như ý muốn.

Tóm lại ngã là một chủ thể thường hằng bất biến, mà nếu ngã tức chính là các hiện tượng nhân quả luân hồi, tức các hiện tượng vô thường biến chuyển luôn luôn, thì như vậy ý nghĩa này hoàn toàn mâu thuẫn và phi lý. Mà nếu cho rằng ngã không phải là các hiện tượng ấy, mà ngã hoàn toàn đứng ngoài để làm chủ mà thôi, thì ngã và luân hồi nhân quả có ăn thua gì với nhau đâu. Sinh lên thiên đường hay đọa xuống địa ngục, thì ngã vẫn là ngã. Vậy thì ai sinh và ai đọa đây? Ngã luôn luôn chỉ là ngã thì làm sao có sinh hay đọa gì nữa?

Tại sao lại chọn ý muốn làm chủ thể

Đúng lý ra trong một khối duyên khởi vô ngã như thế, các duyên phải đồng một giá trị với nhau, phải bình đẳng với nhau mới phải chứ: như các duyên tường vách, gạch ngói, nền mái, cột cửa v.v… đều cần phải có như nhau để làm thành một căn nhà. Căn nhà đã không tự có, nghĩa là chủ thể, tức phần quan trọng nhất, đã không hề có, thì mọi duyên, tức mọi cái “tha” khác, dựa vào đâu để mà phân biệt ra là cái này quan trọng hơn cái kia? Vậy tại sao trong Phật pháp lại chọn “ý muốn” là duyên chính yếu quan trọng nhất, và lấy đó làm chủ thể của nhân quả?

Tuy các duyên đều cần thiết như nhau để làm hiện khởi lên một pháp, song mỗi pháp một đều có một nguyên tắc sắp xếp hay xắp đặt các duyên riêng rẽ để theo cách sắp xếp duyên ấy mà hiện khởi lên được tự tính của mình. Và chính trong sự sắp xếp các duyên này mà các duyên mới được phân thành chính hay phụ. Như để thành món xào, thì đường và muối là duyên phụ mà dầu là duyên chính. Để hiện khởi lên món kho, thì muối là duyên chính mà đường và dầu là duyên phụ. Để hiện khởi lên món canh, thì nước là duyên chính mà đường, muối, dầu là duyên phụ. Cũng như món chè, thì đường là duyên chính, và phải loại các duyên muối và dầu ra, thì mới hiện khởi lên tự tính của chè được.

Kể cả thứ tự của các duyên cũng vậy, tùy theo mỗi pháp mà thứ tự các duyên được đặt định. Như làm nhà thì duyên nền phải được xây trước hết, duyên mái phải sau cùng, thì pháp nhà mới hiện khởi hay thành hình được. Nếu duyên mái làm trước hết, thì pháp nhà sẽ không sao hiện khởi. Thế nên, không phải cứ đem hết các duyên tường vách, gạch ngói, cột kèo, cửa ngỏ, kỹ sư, công nhân v.v… dồn hết lại một chỗ với nhau, là thành ngôi nhà được. Mà các duyên ấy phải được sắp xếp đúng theo thự tự và nguyên tắc chính phụ, trước sau, thì các duyên ấy mới hiện khởi lên tự tính của ngôi nhà được. Duyên càng được sắp xếp đúng “cách” bao nhiêu thì ngôi nhà càng đẹp và vững chắc bấy nhiêu.

Cũng thế, trong các duyên để thành quả trên phương diện hữu tình, ý muốn được coi là duyên chính yếu nhất, được coi là “nhân”. Bởi tùy theo ý muốn này ra sao mà các kết quả sẽ mang tính chất như vậy. Nếu ý muốn xấu, quả sẽ mang tính chất xấu; nếu ý muốn tốt, quả sẽ mang tính chất tốt. Hơn nữa ý muốn lại là khởi điểm phát động năng lực liên kết các duyên lại với nhau để mà thành quả. Như do muốn ăn, nên ý muốn này mới phát động duyên thân liên hệ với các duyên đồ ăn, với các duyên nồi niêu, soong chảo, với các duyên bếp lửa, nấu nướng, mà hiện khởi lên kết quả là món ăn, để ý muốn được ăn cho thỏa mãn ý muốn. Thế nên, như ở trên cũng đã có trình bày, trong nguyên tắc duyên khởi trên mặt hữu tình, ý muốn là nhân duyên chủ động chính yếu nhất vậy.

Nhìn lại ý nghĩa thờ Phật theo duyên khởi Không

Qua tất cả những gì đã nói bên trên về nguyên tắc duyên khởi nhân quả vô ngã, chúng ta hãy theo đó nhìn lại ý nghĩa thờ Phật, đặc biệt là trong Đại Thừa Phật giáo, để nhận xét về ý nghĩa này xem sao. Thờ Phật như đảnh lễ, cúng dường, quy y, ca ngợi tán thán v.v… trong Đại Thừa, đều dựa trên nguyên tắc duyên khởi hay y tha khởi này mà thành lập, chứ không dựa trên cái “tôi” mà thành hình.

Tôi lạy Phật không có nghĩa là có một cái “tôi” chắc thật nhất làm chủ một hành động của thân được gọi là “lạy”, mà cái “lạy” này, nói theo thuật ngữ đạo Phật là cái “pháp lạy” này, do duyên mà khởi lên.

Bởi nếu tôi làm chủ pháp lạy Phật này, chính tôi tạo ra pháp lạy này, thì tôi không cần phải làm gì hết, phải lạy gì hết, mà vẫn thành nghĩa lạy Phật như thường. Còn nếu đã phải có bàn thờ, có tượng Phật, rồi phải cung kính, phải cúi sát thân, phải mặc áo lễ trang nghiêm đâu đó, phải có bằng đó thứ nhân duyên để lạy Phật, thì chứng tỏ là cái tôi đâu có làm chủ pháp lạy Phật đâu, mà chính các nhân duyên ấy đã làm cho pháp lạy Phật hiện khởi vậy. Và như thế, trong pháp lạy Phật này không hề có một cái tôi làm chủ, làm “trụ cột” vững chắc cho pháp lạy Phật, nói cách khác là pháp lạy Phật này không hề “tự ” có. Trái lại trong pháp lạy Phật ấy chỉ gồm có các thành phần của nhân duyên mà thôi. Các nhân duyên ấy làm khởi lên pháp lạy Phật.

Nhận xét về sự thờ phượng của thế gian, chúng ta thấy nào là thờ tổ tiên, ông bà cha mẹ, thờ thánh nhân, thờ linh vật, thờ thần thánh, cho đến thờ thượng đế tối cao… Tất cả mọi sự thờ phượng ấy đều dựa trên cái tôi, trên truyền thống của tôi, trên tín ngưỡng của tôi, trên tình cảm kính phục của tôi. Các hình ảnh hay biểu tượng được thờ, đôi khi chỉ là để kỷ niệm, nhớ tưởng, hay chỉ để chiêm ngưỡng mến mộ, hay để đề cao tôn trọng, hoặc đôi khi như một hiện thân hoàn toàn linh thiêng huyền bí. Hành động thờ phượng hoặc chỉ là chiêm ngưỡng, chỉ là tưởng niệm, hoặc là vái lạy tôn sùng. Tâm lý thờ phượng hoặc là do tình cảm, do kính phục, do sợ hãi, do tôn sùng, hay chỉ giản dị là thuận theo truyền thống mà thôi, cũng có thể là do tin vào nhân quả của sự thờ phượng như thế. Sự thờ phượng ông bà cha mẹ có tính chất tình cảm. Thờ phượng thánh nhân có tính chất mến mộ kính phục. Thờ phượng linh vật hay thần thánh có tính chất sợ hãi huyền bí.

Thờ phượng thượng đế tối cao có tính chất tôn sùng và tin vào nhân quả của sự thờ phượng này là được cứu rỗi.

Thờ phượng trong đạo Phật có đầy đủ các đặc tính ở trên, chỉ trừ sự sợ hãi. Thờ Phật với tất cả tình cảm thân thiết, bởi Phật như cha mẹ của chúng sinh; Phật rất đáng mến mộ đáng kính phục hoàn toàn, bởi các ngài không còn tham sân si nữa; Phật rất bao la và sâu thẳm, khó hiểu khó dò, nên rất ư là huyền bí, song không phải để sợ hãi, mà để tin tưởng để thâm nhập giác ngộ; Phật là tối tôn tối thượng, là đại từ đại bi, năng lực vô thượng, phương tiện không cùng, đại nguyện bất tận, cứu khắp muôn loài, thế nên Ngài rất đáng được tôn sùng tuyệt đối, và thờ phượng Ngài chính là nhân để đưa đến quả cứu độ.

Có điều thờ Phật trong Phật giáo Đại Thừa vẫn khác hẳn với các lối thờ phượng của người đời và tôn giáo nói trên ở chỗ thờ Phật là một pháp duyên khởi hay y tha khởi, chứ không phải là một pháp do “tôi” làm chủ, hay là một tín ngưỡng, một sùng mộ nào đó “của tôi”. Trong sự thờ Phật này không có “tôi” nào làm chủ, mà chỉ gồm các duyên phối hợp lại, nên sự thờ Phật này chính tự thể nó hoàn toàn là Không. Không những thế mà các duyên phối hợp kia, mỗi thứ cũng chỉ do duyên khởi, nên mỗi thứ duyên ấy cũng đều chỉ là Không (như trường hợp “tự ” và “tha” mà đã được nói đến bên trên).

Nghĩa là sao? Nghĩa là pháp thờ Phật này do duyên nơi thân, nơi tâm của người thờ, duyên nơi bàn thờ, nơi hình tượng Phật v.v… mà khởi lên, nên pháp thờ Phật này chính là Không. Song chính ngay thân, tâm người thờ cũng chỉ là duyên khởi, bàn thờ, tượng Phật cũng chỉ là duyên khởi, nên thân, tâm người thờ, bàn thờ, tượng Phật… tất cả cũng đều là Không.

Nếu ý muốn (tức “nhân” chính) chỉ là dựng một túp lều tranh không thôi, thì các duyên chỉ là một hai công thợ, tốn kém không bao nhiêu, và thời gian thành quả rất mau lẹ, trong vòng hai ba ngày là kết quả hiện khởi. Nếu ý muốn là xây tòa cao ốc một trăm tầng, thì các duyên rất phức tạp và tỉ mỉ, nào kiến trúc sư, kỹ sư, nào hàng ngàn người thợ đủ ngành, nào phí tổn rất là to lớn, và thời gian để thành quả phải lâu dài hơn nhiều. Hay như một người giết người công khai (tức tạo nhân và duyên thô thiển), thì kết quả bị bắt sẽ xảy ra liền. Còn một người khởi ý muốn giết người, rồi suy nghĩ thật kỹ, sắp xếp các phương tiện một cách rất tinh vi chu đáo. Do các duyên tinh xảo này mà khi người ấy tạo nhân giết người rồi, thì thời gian thành quả bị đền tội này phải kéo dài lâu, bởi nhân duyên giết người càng tinh vi chu đáo, thì càng khó bị phát giác khám phá, và càng cần rất nhiều thời gian. Đôi khi có nhiều người dùng nhân duyên quyền lực mà tạo nhân ác, thì phải bao giờ duyên quyền lực đó tán mất đi thì người đó mới bị trả quả, nghĩa là duyên thành quả mới hiện khởi quả.

Theo Phật pháp, khi một người dùng các duyên để tạo tội, Tâm ý muốn đánh này không phải là một tự ngã, nó do duyên khởi lên và tự động nó có tác dụng nhân quả, tùy theo tính chất của duyên mà nó thành quả liền hay kéo dài lâu sau mới thành quả như giết người công khai thì quả bị bắt liền, còn giết người âm mưu kỹ lưỡng thì duyên theo sự kỹ lưỡng này mà kết quả phải lâu sau mới bị khám phá ra mà bị bắt. Sự kéo dài lâu không phải do có một bản ngã nào đó làm chỗ tựa mà do duyên tinh vi thì quả sẽ lâu xuất hiện. Kết lại tất cả tùy thuộc duyên chứ không hề có ngã. Như căn nhà làm bằng bột thì có thể làm xong là sập liền, còn nhà làm bằng đá thì sẽ kéo dài lâu. Kéo dài lâu ấy là do duyên chứ không phải do có ngã mà kéo dài lâu.

Theo đó, lạy Phật, hủy Phật hay sát sinh, tuy đều là Không, nhưng một khi do duyên mà khởi lên, thì ba pháp ấy khác hẳn nhau, và chúng đưa lại ba tác dụng, ba kết quả khác hẳn nhau. Không như thế không phải là một tính chất tiêu diệt, triệt hạ hết mọi tính chất sai khác của các pháp. Trái lại Không làm cho các pháp được theo duyên mà khởi lên thành ra vô lượng vô biên sai khác nhau. Tính chất sai khác của các pháp là tùy theo duyên sai khác mà thành. Như từ Không, do duyên theo tín tâm, thân khẩu cung kính, duyên trước bàn thờ, tượng Phật, thân mọp sát xuống, thì theo các duyên ấy pháp lạy Phật xuất hiện. Cũng từ Không, song do duyên theo tâm bất tín, thân khẩu bài bác, phá bàn thờ, hủy tượng Phật, thân hành hung hăng, thì theo các duyên ấy pháp hủy Phật hiện khởi. Hai pháp này dù đều từ Không, song do duyên mà khởi lên thành ra hai tính chất khác hẳn nhau. Từ đó đưa đến hai kết quả khác hẳn nhau: người thờ Phật được giác ngộ, kẻ hủy Phật đọa địa ngục.

Do đó, tuy từ Không song do duyên khởi lên mà thành thân tâm tôi rồi thì thân tâm duyên khởi này sẽ có tính chất của các duyên khởi ấy, và sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào nguyên lý nhân quả. Nghĩa là nếu duyên theo nghiệp thiện, và duyên theo bố mẹ làm vua chúa mà khởi sinh, thì thân tâm của tôi sẽ có tính chất con nhà vương giả. Và thân tâm ấy sẽ hoàn toàn thuộc về nguyên tắc nhân quả. Thân tâm được giữ gìn thì khỏe, mà bỏ cẩu thả thì bệnh tật; thân tâm làm tốt thì được tung hô, thân tâm làm ác thì bị lật đổ v.v… Phật hay kẻ ác cũng thế có thân tâm là để người cung kính và lánh xa, cung kính Phật thì được an lạc thân cận kẻ ác thì tai họa đến bất cứ lúc nào…

Các pháp duyên khởi luôn mang sẵn tính chất “nhân quả” nơi chúng. Một viên gạch vốn không tự có, do duyên khởi lên nên viên gạch có đó như là “quả”. Hoặc nó khởi lên như thể chỉ là “nhân” để xây viện mồ côi là “quả”. Hoặc nó khởi lên như thể chỉ như là “duyên” để tạo “nhân” giết người, mà phải chịu “quả” tù tội… Bất cứ pháp nào thoạt vừa do duyên khởi lên cũng đều được coi là “quả”, như do duyên gặp thiện tri thức, duyên được nghe chính Pháp, mà tín tâm của tôi khởi lên. Tín tâm này là kết “quả” do duyên gặp thiện tri thức và duyên nghe chính Pháp mà khởi lên. Song khi tín tâm khởi lên rồi, thì tôi muốn thờ Phật. Ý muốn này duyên theo tín tâm mà khởi lên, nên tín tân làm “nhân” và ý muốn thờ Phật là “quả”. Lại từ ý muốn thờ Phật này mà tôi làm bàn thờ Phật, rồi thỉnh tượng Phật về, rồi thỉnh chư tăng về làm lễ an vị. Khi ấy tín tâm và ý muốn thờ Phật làm “nhân”, còn bàn thờ, tượng Phật và lễ an vị là “quả”. Cuối cùng là tôi có được bàn thờ Phật trong nhà.

Qua bao nhiêu nhân duyên ở trên mà pháp thờ Phật hiện khởi lên trong nhà tôi. Pháp thờ Phật do duyên mà hiện khởi này lại trở thành “nhân” để cho kết “quả” cuối cùng là pháp thành Phật được hiện khởi.

Theo nhân quả này mà so sánh thì pháp hủy Phật có kết quả khác hẳn; cũng từ đây nhìn ra ý nghĩa thờ Phật theo đại thừa là có nhân có quả, trong khi theo tiểu thừa thờ Phật chỉ là tưởng niệm thuộc pháp vô ký, Phật tượng không có kết quả, quả nằm nơi tâm tưởng, nếu vậy cứ tưởng Phật là xong, hoặc lạy cục đá, lạy hư không hoặc lạy đá mà nghĩ là Phật cũng xong…

Phật là thiện tri thức toàn hảo nhất

“Tha lực” hay thiện tri thức ở đây là gì vậy? Chính là năng lực đạo tâm chân chính của các bậc thầy dạy đạo và trên hết là năng lực bi trí của chư Phật tỏa rộng và ảnh hưởng khắp tất cả mọi pháp. Và thiện tri thức chính là các vị thầy ấy và trên hết là chư Phật và chư đại Bồ Tát.

Do đó hoàn toàn do nhờ nơi hay duyên theo sự chỉ dẫn truyền đạt của thiện tri thức mà Bồ Đề Tâm mới phát khởi lên được trong tâm chúng ta. Đồng thời cũng do nhờ nơi hay duyên theo sự nương tựa hoàn toàn vào thiện tri thức mà Bồ Đề Tâm của chúng ta mới có chỗ tựa chân chính là thiện tri thức (chứ không phải là tựa vào cái Tôi sai lầm) để mà được tôi luyện trưởng dưỡng hoàn toàn thanh tịnh (thoát khỏi sự ô nhiễm của cái Tôi). Có nghĩa là trong suốt giai đoạn trưởng dưỡng này chúng ta cần phải có thiện tri thức để mà phát triển tâm đạo của mình hoàn toàn y đúng theo sự học hỏi và nương tựa vào thiện tri thức. Tuyệt đối không được có thầy mà tự học tự tu lấy. Tại sao vậy? Tự học và tu lấy chính là tựa vào cái Tôi mà tu học. Nhất là sự tu học về Bồ Đề Tâm vốn hoàn toàn đi ngược lại với cái Tôi. Thiếu một “tha” nhân lý tưởng làm trợ duyên cho tâm đạo chúng ta có chỗ nương tựa vững chắc mà không cần phải nương tựa vào cái Tôi ấy nữa, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị lệch lạc.

Tuy nhiên một thiện tri thức lý tưởng sống động không dễ gì tìm được trong thế gian và vào thời kiếp mạt này. Lại nữa người tu hành sơ cơ không sao đủ khả năng để đánh giá được thế nào là chân thiện tri thức. Thế nên một lòng tin tuyệt đối vào thiện tri thức chắc chắn sẽ bị lợi dụng. Nếu lầm lẫn đặt lòng tin vào một ác tri thức, thì tất cả sự nghiệp Bồ Đề Tâm sẽ hoàn toàn bị hủy hoại. Do đó mà vị thiện tri thức lý tưởng nhất và vững chắc nhất vẫn là đức Phật. Cho dù Phật không còn đó nữa và mười phương chư Phật vẫn ở đâu xa tít mù, song danh hiệu các Ngài, hình tướng các Ngài, công đức các Ngài, cảnh giới các Ngài… vẫn hoàn toàn bảo đảm và vẫn có hiệu quả vững chắc cho chúng ta nương tựa hơn bất cứ thiện tri thức sống động bằng xương bằng thịt nào. Và cho dù chúng ta có có được một vị thầy lý tưởng sống động để nương tựa đi nữa, thì hình ảnh Phật vẫn phải có đó cho sự nương tựa và thực hành trưởng dưỡng tâm đạo của chúng ta trong đời sống hằng ngày vậy.

Trở về ý nghĩa thờ Phật trong Đại Thừa:

Thờ Phật là pháp môn tu tập trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm

Chính trong tinh thần và ý nghĩa tôi luyện trưởng dưỡng Bồ

Đề Tâm này mà người Phật tử Đại thừa thờ Phật, thờ tượng Phật, để mà nương vào đó mà đảnh lễ cúng dường. Thờ Phật như thế là một pháp môn tôi luyện tâm giác ngộ lìa xa tâm chấp ngã, nên nó không có chút ý nghĩa gì là mê tín hết, không có chút gì là ngây ngô hết.

Thờ Phật là tối cần thiết

Và như những gì đã trình bày nãy giờ, sự thờ Phật trong Phật giáo Đại thừa hoàn toàn là cần thiết không thể thiếu được, hình bóng một hiện thân toàn hảo của Bồ Đề Tâm như đức Phật bắt buộc phải có đó để làm chỗ nương tựa cho tâm thức chúng ta chuyển từ gốc vô minh là cái Tôi sang chỗ gốc giác ngộ là đức Phật. Thiếu một chỗ nương tựa giác ngộ cụ thể hẳn hòi như một cái “Tha” khác bên ngoài cái Tôi như thế, mọi sự giác ngộ của hữu tình đều chỉ là vọng tưởng, chỉ là “bóng dáng tiền trần”, chỉ là do con ma Tôi tưởng tượng ra mà thôi. Tóm lại như Hoa Nghiêm Kinh nói “lìa ngoài Bồ Đề Tâm mà tu các thiện pháp, đều chỉ là ma nghiệp”, nói một cách cụ thể sẽ như sau “không Phật thì là ma”.

Phật là nhân duyên chủ động dù chỉ là hình tượng hay danh hiệu…

Lại nữa, Phật không phải chỉ là sắc thân ba mươi hai tướng hay âm thanh diễn nói diệu pháp, mà Phật còn là danh hiệu, còn là đi đứng nằm ngồi, còn là liên hệ với người này người kia, còn là cả một đời sống diễn ra đó, còn là Niết bàn, còn là biết bao lần sống và biết bao lần chết trong vô thủy kiếp nay. Một danh từ Phật là tổng trì hết vô lượng vô biên công đức tính chất của giác ngộ, một đường nét Phật, một dáng dấp Phật cũng thế, đều là tổng trì của toàn thể chân lý giác ngộ không cùng tận. Mà đường nét nào, mà âm thanh nào hay danh từ nào của Phật cũng đều có đầy đủ công năng làm nhân duyên chủ động cho chúng sinh duyên theo đó, nương vào đó mà khởi sinh và rồi tôi luyện trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Dù là một tượng Phật bể nát mất thân đầu chỉ còn lại bàn tay trơ trọi, chúng ta vẫn có thể nương vào đó mà phát tâm, nương vào đó mà cúng dường đảnh lễ để trưởng dưỡng và tôi luyện Bồ Đề Tâm, chắc chắn đạo lực trong chúng ta sẽ khởi phát và tiến triển, cái Tôi sẽ bị thu hẹp dần lại để cuối cùng bị quy phục hoàn toàn. Ngoài tượng Phật ra, ngoài danh hiệu Phật ra, chúng ta sẽ thấy là bằng mọi cách cái Tôi vẫn làm chủ và ngự trị khắp mọi lãnh vực, chỉ trừ phi chúng ta thoát ly hẳn khỏi mọi hiện hữu mà vào Niết bàn.

Do đó trong pháp môn đảnh lễ và cúng dường tượng Phật, thì chính tượng Phật dù là bản thể vô tình song hình tướng Phật vẫn có đủ công năng làm nhân tố chủ động để làm khởi sinh dậy Bồ Đề Tâm trong tâm chúng sinh, và hoàn toàn là nơi nương tựa lý tưởng duy nhất cho sự tu tập trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Chúng ta vẫn có thể nói rằng tượng Phật chỉ là thể chất vô tình, thế nên công năng tăng trưởng đạo lực chính là do nơi tâm thành của người lễ bái cúng dường mà ra. Song với điều kiện là tâm thức của người này phải tin tưởng và tùy thuận dứt khoát vào tượng Phật, quy phục hoàn toàn cái Tôi của mình về tượng Phật, có thế tâm thức này mới phát triển đạo lực được. Tóm lại thiếu tượng Phật, thiếu thờ Phật, chúng ta sẽ bất lực hoàn toàn trong nỗ lực phát triển Bồ Đề Tâm vậy.

(còn tiếp)