VUI VỚI CHỮ NGHĨA
Kỳ Thanh, 01/2024.

 

Chữ SỸ (SĨ)*

Tiếng Việt giàu đẹp, nét thâm thúy được thể hiện qua từ ngữ; với dẫn chứng giản đơn qua con chữ: như SỈ , được Ông Cha ta dạy rằng: “…người có học () phải biết xấu hổ (sỉ) với những hành xử không chân chính của mình đối với mọi người…” Như lời Ông Cha ta từng nói: “…Người ta ai cũng giống nhau vì có bản tính lành, nhưng do tập nhiễm thói xấu nên họ mới khác xa nhau…” SỈ và SĨ tuy khác nhau nhưng tương trợ cho nhau, người có học (SĨ) phải biết xấu hổ, nhục nhã (SỈ), trước cái vỏ bọc (bề ngoài) để che đậy lòng dạ xấu xa…

Con người vì bị vật dục che khuất lương tri nên mới có phân biệt kẻ ác người thiện. Nhờ có tu thân, SĨ phu sẽ hiểu giá trị của mình (dù ai không biết, không hiểu mình cũng không sao) nên tự (tu thân) trông cậy vào chính mình (SỈ cách), và chú trọng vào nhân nghĩa … Phải chăng: “hàng sỉ (nhiều) các phu mà vô liêm sỉ, sẽ là mối họa cho xã hội (quốc sỉ)!!

* Xin phép vì thói quen (tiện việc đánh máy) nên chữ SỸ = SĨ; xin thứ lỗi cho.

*

SỈ (dấu hỏi) có nghĩa là:

(thuần Việt) – nguyên phần, không bị cắt ra, như mua sỉ, bán sỉ…

– xịt mạnh hơi ra, như sỉ mũi (hỉ mũi)…

(Hán Việt) Sỉ 耻 (恥chǐ ): nhục nhã hay xấu hổ; như: sỉ vả, sỉ nhục… đều có nghĩa mắng nhiếc, nói xấu hay làm nhục, cười chê một người trước mặt người khác.

Liêm sỉ 廉 恥 = trong sạch và biết xấu hổ; “Liêm” là tính phân minh ngay thẳng, không lấy của bất nghĩa; còn “Sỉ” là biết hổ thẹn, tự mình lấy làm khó chịu, nhục nhằn trong lòng. Vì vậy nếu một người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng dám làm! “Liêm Sỉ” vốn được người xưa đề cao và coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu của Sĩ Phu.

Lễ Nghĩa Liêm Sỉ là bốn loại kỷ cương để duy trì quốc gia, nếu bốn loại kỷ cương này không được phát huy thì quốc gia sẽ diệt vong.

Quốc sỉ 国 恥 = điều xấu hổ chung cả nước.

Sỉ cách恥 革 = biết việc hư vì xấu hổ; xấu hổ mà sửa đổi lỗi lầm.

Sỉ tâm恥 心 = lòng biết xấu hổ.

= SỸ (dấu ngã) 士 = 仕 (đồng nghĩa, vẻ tôn kính hơn, là tên người…). Chữ士, cổ ngữ nghĩa là SỰ事 (đồng âm shi với士) chỉ về người làm được việc có ích cho bộ tộc; về sau (hình thành xã tắc) thì có nghĩa là quan lại, người có học… ngày nay là công viên chức, là chuyên gia…

Ngày xưa dân ta, rất nhiều người tuy không đọc hay viết được chữ Hán, nhưng có thể nhận ra chữ sĩ (quan lại) viết bằng chữ Hán. Lý do đơn giản: đó là chữ sĩ trong bộ cờ tướng và bộ bài tứ sắc. Ai biết đánh cờ tướng hay chơi bài tứ sắc đều có thể nhận ra bảy chữ Hán quen thuộc: Tướng/Soái (將/帥), Sĩ (仕/士), Tượng/Tịnh (象/相), Xe/Xa (俥/車), Pháo (炮/砲), Mã/Ngựa (傌/馬), Tốt (chốt)/ Binh (兵/卒).

Sĩ số (thuần Việt): tổng số người hiện diện (có mặt) tham dự cuộc họp mặt, như sĩ số học sinh…

*

Sĩ là học trò, là người có học vấn, người có nghề chuyên môn, người có cấp bậc trong quân đội.

Sĩ dân 士民; sĩ tử 士子; sĩ lâm士林; sĩ nhân 士人 = đều chỉ chung những người đọc sách, có học, giới trí thức…

Sĩ phu士夫 : nghĩa đen là người đàn ông; nghĩa rộng là những người có học, hay giới có học trong một làng, tỉnh, hay trong nước.

Liên quan đến tánh khí của những người có học:

Sĩ diện 士面 = danh dự, thể diện.

Sĩ hạnh 士行 = tánh tình tốt.

Sĩ khí 士气hoặc sĩ tiết 士节 = tiết tháo của người có học.

Sĩ thứ 士庶 = chỉ chung dân trong nước.

Sĩ tộc 士族 = dòng dõi gia đình có học.

Sĩ hiền 士賢hay hiền sĩ: người có đức, có tài.

Bần sĩ 贫士 (hàn sĩ 寒士) = học trò nghèo.

Nho sĩ 儒士 = người có học thời xưa, lúc chữ Nho (Hán) còn thịnh hành.

Ca dao có câu:

Đời nay nhiều kẻ thương tiền.
Ít người sử dụng sĩ hiền như xưa.

Thành phần hình thành xã hội loài người (từ Đông sang Tây, từ xưa đến nay) là: sĩ, nông, công, thương, binh (士, 农, 工, 商, 兵), thứ tự có thay đổi tùy theo thời thế…

Nhứt sĩ nhì nông.
Hết gạo chạy rong.
Nhất nông nhì sĩ…
Nhất công, nhì nông… chót sĩ!

*

Trong quân đội:

Sĩ quan 士官 = cấp chỉ huy (cao) trong quân đội.

Hạ sĩ quan = cấp bực chỉ huy thấp trong quân đội. Theo thứ tự thấp đến cao: hạ sĩ下士, hạ sĩ nhất (trên hạ sĩ một bậc), trung sĩ中士, thượng sĩ上士, và thượng sĩ nhất (cấp bậc cao nhất của ngạch hạ sĩ quan).

Chiến sĩ 戰士 = Binh sĩ兵士 (士兵) = Quân sĩ 軍士 = Sĩ tốt士卒 = quân lính (nói chung, xưa): nay gọi là binh sĩ, chiến sĩ.

Tử sĩ 死士 = người lính chết ở trận chiến. Liệt sĩ烈士 = người hy sinh cho đất nước, cho dân tộc.

Sĩ còn chỉ những người giỏi chữ, người có nghề chuyên môn và học vấn, hay người theo Đạo (tôn giáo) như: đạo sĩ 道士, giáo sĩ 教士…

Trong ngành liên hệ đến sức khỏe, có:

Bác sĩ 博士 = người có bằng tiến sĩ y khoa. Người TQ gọi bác sĩ là 大夫 (Trung y) = 医生 (Tây y); còn học vị tiến sĩ là博士 (nay) = 进士 (xưa, nay ít dùng đến).

Dược sĩ 药剂士 (hay tiến sĩ dược khoa 药师) = người có văn bằng hành nghề hay có văn bằng tiến sĩ về thuốc.

Nha sĩ (hay tiến sĩ nha khoa) = người hành nghề chữa răng hay người có bằng tiến sĩ về răng 牙医.

Y sĩ 医士 = tiếng chỉ chung những người hành nghề chữa bịnh. Một số “đông y sĩ” ở VN không có bằng tiến sĩ kiểu Tây phương, nhưng ở Hoa Kỳ có nhiều “đông y sĩ” có bằng tiến sĩ về “đông y” [thường gọi là y học thuốc Bắc (Trung y) hay thuốc Nam (Đông y). Đa số là người Mỹ gốc Á].

Ngoài ra chúng ta còn có:

Ẩn sĩ 隐士 = người có học nhưng ở ẩn, không ra làm quan chức.

Ca sĩ 歌手 = người chuyên về ca hát.

Chí sĩ 志士 = người có chí (khí) theo đuổi một mục tiêu giúp đời.

Danh sĩ 名士 = người có học và nổi tiếng.

Dũng sĩ 勇士hoặc lực sĩ 力士 = người có sức mạnh, thường chỉ người còn trẻ.

Giáo sĩ 教士 = người có căn bản về một tôn giáo và đi truyền giảng về tôn giáo đó.

Họa sĩ 画家 = người chuyên ngành vẽ.

Kịch sĩ 剧士 = 剧作家 = người chuyên môn đóng (viết) kịch trên sân khấu.

Nữ sĩ 女士 = nhà văn, nhà thơ phái nữ; nay là từ tôn vinh phái nữ.

Nghệ sĩ 艺术家 = gọi chung những người chuyên môn về một hay nhiều ngành nghệ thuật.

Nhạc sĩ 音乐家 = 作曲家 = người giỏi về nhạc.

Tráng sĩ 壮士 = người gan dạ, có sức mạnh thể chất hay tinh thần làm việc tốt, bảo vệ công lý.

Quốc sĩ 国士= người tài ba nổi tiếng học giỏi cả nước đều biết.

Văn sĩ文士 = 作家 = người viết văn, nhà văn. Thi sĩ 诗人 = thi nhân, người làm thơ.

Nhân sĩ 人士. Người bất đồng chính kiến 政治异议人士.

Viện sĩ 院士 = người có học vị cao, có chuyên môn sâu; là hội viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học (Viện Hàn Lâm xxx…) Quốc Gia.

Tiến sĩ 博士 = văn bằng cao (hoặc cao nhất) trong bước đường học vấn chánh thức do các đại học cấp phát.

Trong tiếng Việt, dân ta gọi ông/bà tiến sĩ y khoa (Doctor of Medicine hay MD) là bác sĩ (hay y sĩ). Còn tất cả doctor các ngành khác là tiến sĩ xxx (tên ngành học). Ngôn ngữ đường phố (thông tục) đôi khi dùng chữ “y sĩ” để gọi người tiến sĩ y khoa. Nhưng khi gặp một người y sĩ “đông y”, thì như đã nói, chưa chắc là vị đó có bằng tiến sĩ hay không? Trước ở MN (4/75), chữ “bác sĩ” chỉ những tiến sĩ y khoa (học theo Tây y) mà thôi. (Ts. Nguyễn Hữu Phước).

Ở Hoa Kỳ (HK), chữ bác sĩ được nhiều người có cấp bằng thuộc một số ngành mới (ít có ở MN trước 4/75) dùng. Thí dụ: người có bằng Ph.D về “tâm lý trị liệu”, về đông y, về dinh dưỡng, hoặc tiến sĩ về chiropractic (vật lý trị liệu) v.v. đều đăng trên báo VN hay trong danh thiệp thương mại là “bác sĩ”. Nói khác đi chữ “bác sĩ” bây giờ đã được nhiều người có bằng tiến sĩ trong nhiều ngành khác nhau dùng. Văn bằng của những người nầy liên hệ đến việc chuyên trị cho một phạm vi nào đó của thân thể con người, mặc dầu có một vài “bác sĩ”, tuy có bằng hành nghề trị liệu nhưng không cấp được “toa thuốc” (prescription) để mua thuốc. (Ts. Nguyễn Hữu Phước).

*

Ngày xưa (thời còn dùng chữ Hán trong giáo dục), người đậu kỳ thi “hương” gọi là cử nhân 举人 . Sau đó (số năm không nhất định) phải thi và phải đậu với điểm cao ở cả hai kỳ thi “hội” và thi “đình” mới được gọi là “tiến sĩ”. Một số người đậu cao nhất trong các tiến sĩ cùng khóa gọi là những “tiến sĩ đệ nhất giáp” (Tsđng). Tsđng còn chia ra 3 hạng: Hạng cao nhất là “Tsdng đệ nhất danh” được gọi là “trạng nguyên状元” (nôm na là tiến sĩ bậc tối ưu) với danh dự hạng nhất; hạng kế là Tsđng đệ nhị danh hay bảng nhãn榜眼; và Tsdng đệ tam danh hay thám hoa 探花. (Gs. Nguyễn Sĩ Giác).

Sau khi, áp đặc nền giáo dục theo kiểu Pháp, tiến sĩ là bằng cao cấp trong giáo dục đại học (khoảng 7 đến 8 năm học sau bằng tú tài II (tú tài đôi), hay là 4 đến 6 năm học (hay nhiều hơn, và học liên tục) sau văn bằng cử nhân. Về chữ tiến sĩ trong hệ thống giáo dục Pháp, có nhiều loại bằng tiến sĩ khác nhau. Tiến sĩ đệ tam cấp, tiến sĩ đại học (do trường đại học phát), và tiến sĩ quốc gia (do viện đại học quốc gia) cấp cho về một ngành học hay ngành chuyên môn (như hóa học, toán, vật lý, y khoa, dược khoa …) Điều kiện để được cấp bằng tiến sĩ đệ tam cấp tương đối ít khó khăn hơn bằng tiến sĩ đại học hay tiến sĩ quốc gia. (Ts. Nguyễn Hữu Phước).

Theo TS Nguyễn Hữu Phước: Ở HK bằng tiến sĩ cũng là bằng cao nhất trong con đường học vấn. Muốn theo chương trình tiến sĩ (có thể) buộc phải có bằng cao học (thạc sĩ 硕士 master) như các môn toán, lý, hóa, an sinh xã hội… hoặc bằng bachelor (cử nhân 4 năm) như luật, văn chương…; hoặc chỉ học có hai hoặc ba năm về những môn căn bản cần thiết, và học thẳng lên chương trình tiến sĩ như dược khoa…

HK có hai tên gọi cho văn bằng tiến sĩ:

Một loại có chữ doctor (tiến sĩ) đứng kèm với ngành học, nhưng có thể đứng trước hoặc đứng sau của ngành học. Thí dụ Doctor về Public Health (viết tắc là DPH, Tiến sĩ về Sức khỏe Công cộng); Doctor về Medicine hay MD, (Tiến sĩ Y khoa hoặc quen gọi là bác sĩ), Education Doctor (Ed. D, Tiến sĩ Giáo Dục). Đây là những văn bằng chuyên nghiệp mà người có bằng, làm việc trong ngành chuyên môn như chuyên viên về sức khoẻ công đồng; bác sĩ trong bệnh viện, hay hiệu trưởng trường trung học (công, tư)…

Còn có thêm một văn bằng tiến sĩ nữa, có tên chung là Ph.D (Doctor of Philosophy về một ngành nào đó). Thí dụ trong ngành y khoa, có bằng Ph.D về Medicine, và trong giáo dục có bằng Ph.D về Education. Bằng Ph.D là bằng chú trọng nhiều về nghiên cứu và dạy học (ở cấp bực đại học 教授). (Ts. Nguyễn Hữu Phước).

Người có bằng MD hay Ed.D cũng có thể dạy học (nếu muốn). Có một chút khác biệt là người Ph.D về y khoa, có thể không cần bằng hành nghề, vẫn đi dạy được. Nhưng nếu muốn hành nghề y khoa (chữa bệnh) thì người nầy phải thi bằng hành nghề (license) trước khi làm việc cho nhà thương (trực tiếp chữa bệnh) hay mở phòng mạch riêng như những người MD. Cũng y như vậy cho người Ed.D (Ph.D về giáo dục). Muốn làm việc ở học đường bậc tiểu và trung học, phải có “tín (chứng) chỉ giáo dục” (credential tức giấy phép hành nghề giáo dục), nhưng khi đi dạy đại học thì không có gì phân biệt rõ rệt giữa hai bằng đó. (Ts. Nguyễn Hữu Phước).

*

Bàn về chữ SỸ (sĩ), nay tưởng nhớ đến Thầy TUỆ SỸ, xin được phép ghi lại vài hàng để kính THẦY:

Đất bắc Hoa Hạ, có ngài HƯ VÂN.
Trời nam đất Việt, với thầy TUỆ SỸ.
Lao tù, tự tại, vững bước Thiền môn,
Thân tâm an lạc, vì đạo vì đời.
Bồ Tát hiện thân, cứu nhân độ thế,
Xiển dương Thiền tông, gian truân không màng.
Chân tu xuất thế, xứng danh con Phật,
Gương sáng để lại, muôn đời noi theo.

*

Nguồn tham khảo:

– Ts Nguyễn Hữu Phước, suphamsaigon.com (Gia Đình Sư Phạm Saigon) 31/10/2018.

https://vi.wikipedia.org/wiki/

NQH. Tản mạn về mảnh bằng Ph.D. 29.03.2021 khoahocnet.com.

– Từ điển Hán Việt. Tác giả: Thiều Chửu (Nguyễn Hữu Kha).

– Hán Việt tân từ điển. Tác giả: Nguyễn Quốc Hùng.