BẤT HÀNH NHI HÀNH

Từ điển Đạo Uyển


不行而行; J: fugyō-ni-gyō;

Là »Không làm nhưng vẫn làm«. Một câu nói thường được dùng trong Thiền tông để chỉ những hành động không có tác ý, không để lại dấu vết gì trong tâm của người làm.
Bất hành nhi hành là một cách làm không có sự tính toán trước – tuỳ cơ ứng biến – nhưng lúc nào cũng phù hợp với thời điểm, lúc nào cũng đúng. Một yếu tố cần thiết để đạt được trình độ này chính là sự phát triển Ðịnh lực, nhưng chỉ có định lực thôi cũng không đủ để đạt đến trình độ »Bất hành nhi hành«. Hành giả cần phải giữ tâm trạng không vướng mắc vào những kết quả của những hành động của mình, nói một cách khác: không tự biết mình làm, không tự biết rằng có »ta« thực hiện và có »một vật« được hoàn tất. Không có kinh nghiệm Kiến tính thì không ai có thể thực hiện những điều kiện trên.
Tuy nhiên, trạng thái bất hành nhi hành nêu trên không phải là một cái gì riêng tư, một phát minh của Thiền tông. Các hiền triết của đạo Lão (Lão Tử, Trang Tử) cũng đã đề cao tâm trạng này và gọi nó là »Vô vi« nghĩa là »không làm«. Biểu thị »Vô vi« đã gây không ít sự hiểu lầm cho các nhà triết học phương Tây và vì vậy cũng có lúc họ kết luận sai lầm rằng, các hiền triết phương Ðông chỉ chuộng cái tĩnh tịnh, sự im lặng mà bỏ quên cái động, một mặt khác của sự thật.