Tu Là Chuyển Hóa
Tỳ Kheo Thích Thông Phương

 

Tu Là Chuyển Hóa

1. Ai Sanh Ra Đời Cũng Có Mê Lầm

Chúng ta sanh ra trên cõi đời này đều được Phật gọi là chúng sanh, là phàm phu. Mà gọi là chúng sanh tức có mê lầm, mê lầm tức là vô minh. Nếu không có mê lầm, không có vô minh thì không gọi là chúng sanh, không gọi là phàm phu; chính vì có mê lầm, có vô minh nên mới gọi là chúng sanh là phàm phu, nếu không thì chúng ta là thánh nhân hết.

Bởi chính do mê lầm nên mới tạo nghiệp. Nghĩa là chúng ta không biết rõ được lẽ thật nên mới tạo nghiệp rồi chịu khổ. Danh từ chuyên môn của nhà Phật gọi là Hoặc, Nghiệp, Khổ. Do mê lầm nên tạo nghiệp rồi chịu khổ. Như có những điều không nên làm mà chúng ta lại làm, còn có những điều đáng làm chúng ta lại không làm.

Thí dụ như sân hận là xấu hay tốt, là nên hay không nên làm? Nhưng mà gặp việc cũng sân thì đó do mê lầm thành ra mới chịu khổ. Sỡ dĩ làm như vậy cũng bởi vô minh chấp ngã mà ra, vì bản ngã mà chúng ta sẵn sàng làm. Có khi làm những điều tổn thương đến người khác, đến vật khác mà vẫn làm, chỉ vì tính chấp ngã của chúng ta. Trong khi chúng ta lại không chịu ai làm tổn thương đến mình, chúng ta làm tổn thương đến người thì được nhưng người ta làm tổn thương đến chúng ta thì không được. Tại sao?

Tại vì chúng ta quý cái bản ngã của mình. Cho nên, chửi mắng, nói nặng người khác thì được nhưng bị người khác nói nặng lại thì không chịu. Cũng như người thế gian có khi giết hại sinh mạng người khác thì được, còn sinh mạng mình bị chạm đến thì không được. Vậy lẽ thật nằm chỗ nào?

Bởi vậy, mỗi người hãy quán xét kỹ để thấy được lẽ thật rồi chuyển hóa tu tập. Tại sao người lấy tài sản của mình thì không vui mà mình lại đi lấy tài sản của người về cho mình. Chúng ta biết làm vậy thì người không vui nhưng vẫn làm, đó là những thứ mê lầm chấp vào bản ngã nên chúng ta làm những việc gọi là không nên làm mà vẫn làm.

Một hôm, Đức Phật cùng các vị Tỳ-kheo đi khất thực nơi vùng nông thôn. Gặp đám trẻ đang bắt cua ở dưới ruộng rồi đem lên chơi trò cho chúng chạy đua với nhau, con nào thua thì bị phạt bẻ càng. Thử nghĩ nếu con nào thua chừng 10 lần thì bị bẻ hết càng và chân, khi con cua không thể bò được nữa thì chúng lấy chân giẫm đạp bỏ xuống ruộng. Những con thắng nó cũng bẻ càng bớt để chấp mấy con kia.

Phật thấy trò chơi quá tàn nhẫn, mới kêu lại bảo: “Này các con! Thôi các con hãy dừng lại, đừng có chơi trò chơi như thế. Thí dụ như các con bị chặt cái chân, hay gãy cái tay thì các con có đau không? ” Chúng nó nói: “Dạ đau”. Phật bảo: “Con cua cũng vậy, nó bị các con bẻ gãy càng, gãy chân thì nó cũng đau như các con, các con có biết không?” Lũ trẻ nghe thế nó cũng cảm biết được việc làm không tốt của mình nên làm thinh, không trả lời.

Phật nói tiếp: “Con cua nó cũng biết ăn uống, nó cũng có cha mẹ, anh chị của nó như các con. Mà các con làm khổ con cua như thế, thì các con cũng sẽ làm khổ luôn cha mẹ và anh chị của nó. Cũng như mỗi khi các con đau ốm thì cha mẹ, hay là anh chị của các con cũng phải lo lắng buồn khổ. Con cua mà bị gãy chân đi không được, tức là nó không kiếm ăn được thì nó sẽ còn khổ gấp mấy lần nữa. Thôi thì các con đừng có chơi dại dột như thế nữa”. Bọn trẻ nghe đến đây thì tỏ vẻ hối hận.

Đức Phật khéo nhắc làm như vậy là làm khổ đau cho con cua, thì chúng ta cũng phải nhớ lại là chính mình cũng vậy. Có khi mình bị chặt cái chân, hay mình bị trầy da cũng thấy đau, vậy mà mình bẻ càng, bẻ cẳng con cua mà không thấy đau sao?

Có khi mình đau ốm thì cha mẹ, anh chị lo lắng thêm; con cua bị như vậy thì cha mẹ, anh chị của nó cũng có sự lo lắng cho nó chứ đâu khỏi được, nghĩ như vậy thì mình sẽ có sự cởi mở.

Lúc bấy giờ những người đi đường thấy lạ đứng lại xem rất đông, nhân cơ hội đó Đức Phật dạy thêm, tức là vừa dạy cho những đám trẻ này, vừa dạy cho người lớn.

Phật mới bảo: “Này các con! Chúng ta ai cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ, thì các loài cầm thú nó cũng như vậy, chúng cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ. Vậy chúng ta phải làm sao cho tất cả mọi loài đều được sống an lành và hạnh phúc, đó là công bằng. Chúng ta phải bảo vệ sự sống cho nhau, và đem niềm vui cho nhau”. Và Ngài nói câu này là câu mà chúng ta phải nên học kỹ, nhớ kỹ không quên là: “Nếu chúng ta không thể đem hạnh phúc đến cho kẻ khác, thì cũng nên cố tránh đừng gây thêm đau khổ”. Phật dạy thêm: “Tất cả loài vật dù lớn hay nhỏ, dù đi bằng hai chân, hay bơi lội dưới nước cũng đều có quyền sống an ổn và hạnh phúc. Chúng ta không nên sát hại hận thù nhau, chúng ta nên giúp đỡ, che chở cho nhau”.

Quý vị nghĩ tại sao Đức Phật dạy như thế? Bởi vì chúng sanh mê lầm nên thường không sống đúng với lẽ thật. Khi làm đau khổ cho người, cho vật thì mình vui, sẵn sàng làm, giả sử người khác làm cho mình như vậy thì mình đâu có chịu. Người có học Phật phải xét lại, tránh bớt không nên tạo cái nhân đau khổ rồi gặp quả phải sống trong đau khổ mà không nhận ra mê lầm của mình. Nghĩa là việc làm sai lầm nhưng mình lại không nhận ra, nhiều khi còn cho mình đúng nên cứ tiếp tục làm theo cái sai lầm đó.

Chính Đức Phật ra đời để nhắc cho chúng sanh biết được những cái mê lầm để chuyển hóa. Ngay thời Đức Phật cũng vậy, khi Đức Phật muốn độ ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp thờ thần lửa, Phật mới đến xin ông cho nghỉ qua đêm, thì ông nói ở đây không đủ chỗ chỉ còn có chỗ thờ rắn lửa thần rất độc hại và nguy hiểm, ai vào đó rồi đều chết.

Ông Ca-diếp này thấy Phật hình dáng trang nghiêm đức độ rất cảm mến nghĩ: Để Ngài vào đó sáng ra chết cũng hơi tiếc nên do dự. Phật nói không sao cứ cho Ngài vào đó. Đến sáng ông mới dẫn một số đệ tử đến thăm xem vị Sa-môn hôm qua còn hay không! Đến thấy Phật bình thường không có chuyện gì hết. Phật còn mở nắp bát cho ông thấy là Phật đã hàng phục con rắn thần đó rồi. Ông kinh ngạc nghĩ: “Vị Sa-môn này uy lực quả rất lớn, đến rắn thần mà còn hàng phục được. Tuy vậy mà cũng chưa bằng ta, vì ta đã đắc quả A-la-hán rồi”.

Vì kính mến Phật nên ông mời Phật nên ông mời Phật ở lại một thời gian và cung cấp vật thực cúng dường. Phật tìm chỗ vắng thích hợp ở lại. Đêm đầu tiên, đầu hôm thì Trời Tứ Thiên Vương đến hầu thăm Phật. Tới gần cuối đêm thì có Trời Đế-thích đến thăm, hào quang các vị tỏa sáng khắp hết. Ông Ca-diếp thấy vậy kinh ngạc lắm, nên vừa sáng thì ông đến hỏi thăm Phật: “Đêm rồi vì sao chỗ thầy có ánh sáng chói lòa giống như cháy nhà vậy?”. Phật nói là có Trời Tứ Thiên Vương và Trời Đế-thích đến hầu thăm Như Lai nên hào quang sáng rỡ như vậy.

Ông rất kinh ngạc, nghĩ vị đại Sa-môn này công đức quá lớn, đến Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đế-thích cũng đến hầu thăm nhưng cũng nghĩ: “Tuy vậy cũng chưa bằng ta, vì ta đã chứng A-la-hán”.

Đến gần ngày lễ cúng thần lửa rất trọng thể, ông mới nghĩ: “Ngày mai là ngày lễ lớn có nhiều tín đồ tập trung đến làm lễ; nếu vị đại sa-môn này đến nữa thì tín đồ thấy thần thông uy lực của ông này chắc họ chỉ cúng dường ông ấy mà bỏ quên ta. Vậy ta phải làm sao ngăn vị Sa-môn này ngày mai đừng đến”. Do có tha tâm thông, Đức Phật biết được ý nghĩ của ông, nên sáng hôm sau Phật dùng thần thông đến xứ Bắc Câu Lô Châu khất thực. Rồi Phật về nghỉ trưa ở ao A-nậu trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến chiều mới về chỗ ông Ca-diếp.

Hôm sau, ông hỏi Phật hôm qua Ngài đi đâu vắng vậy? Đức Phật cho biết là vì ý của ông không muốn Ngài đến cho nên Ngài đi khất thực ở Bắc Câu Lô Châu. Nghe vậy, ông giật mình nghĩ: “Mình nghĩ trong lòng mà Phật cũng biết”, nhưng rồi cũng cứ nghĩ rằng: “Tuy vậy nhưng cũng chưa bằng ta, vì ta đã chứng A-la-hán”. Trong các tư liệu ghi, Phật ở đây khoảng hai tháng, dùng đến ba ngàn năm trăm lần thần thông để độ ông, nhưng ông cũng phăng phăng nghĩ là Phật chưa bằng ông.

Cuối cùng, Phật bảo thẳng với ông rằng: “Này thầy đạo sĩ! Ông chưa phải A-la-hán đâu, hơn nữa ông cũng chưa biết phương pháp hành đạo để chứng A-la-hán, tại sao cứ chấp ông là A-la-hán.” Ông mới giật mình thức tỉnh, quỳ xuống bạch Phật xin quy y, để Phật chỉ dạy con đường tu chứng A-la-hán.

Phật nhận ông quy y và độ cả hai anh em của ông luôn. Rồi Phật dẫn ba vị cùng với một ngàn đệ tử lên núi Tượng Đầu gần Bồ Đề Đạo Tràng, hiện nay vẫn còn dấu tích. Phật thuyết bài kinh nói về lửa. Sau khi nghe kinh, các vị đều chứng A-la-hán.

Mới thấy cái mê lầm của ông. Chưa phải thật là A-la-hán, chưa phải thật là bậc thánh nhân nhưng cứ nghĩ mình là A-la-hán, cứ nhận sống với cái mê lầm đó. Để thấy rõ chúng sanh thường sống trong cái mê lầm đó. Để thấy rõ chúng sanh thường sống trong cái mê lầm và bị nó che đậy. Cho nên, chúng ta không nên tự phụ, phải biết được chỗ yếu chỗ sai của mình thế nào để chỉnh sửa thì mới tiến. Còn sai thêm, nhiều khi còn bày cái mê lầm cố chấp của mình cho người ta thấy.

Thời Đức Phật có câu chuyện về một Phạm chí. Ông cũng học nhiều sách vở và hiểu biết khá nhiều, nên mới cho rằng trên thế gian này không ai có trí tuệ bằng ông. Ông lấy những lá đồng ép mỏng rồi buộc vào bụng, đi khắp nơi raao ai có thể lý luận hơn ông thì ông sẽ tôn làm thầy. Có người hỏi tại sao ông phải lấy lá đồng buộc bụng như vậy? Ông nói trí tuệ của tôi quá đầy nếu không buộc sợ nó tràn ra ngoài. Chính chỗ đó người trí nhìn thấy biết là thiếu trí tuệ rồi nhưng ông không biết. Đến khi gặp Phật khai thị, ông mới tỉnh ngộ. Để nói lên thế gian có nhiều người mê lầm, cứ tưởng mình là trí tuệ rồi không chịu chuyển hóa mê lầm.

Phật dạy rõ trong kinh Pháp Cú: “Người ngu mà tưởng là trí thì đó là thật ngu; còn người ngu mà biết mình ngu thì đó là người trí.” Tức là người ngu mà không biết mình ngu, lại tưởng mình là người trí thì Phật nói như vậy là người thật ngu; còn mình ngu, mà mình biết mình ngu thì đó là người trí. Tức là mình si mê mà biết mình si mê là có trí rồi, còn si mê mà tưởng là trí thì đâu có chuyển được cái si mê. Đó là những điểm muốn nhắc tất cả phải hiểu rõ nắm vững để có con đường vươn lên.

2. Quán Kỹ Được Sanh Làm Người Là Ưu Điểm

Là con người có trí hiểu biết khác hơn những loài khác, nhờ ưu điểm đó con người có thể tu tiến. Cho nên, chúng ta phải khéo dùng trí hiểu biết ứng dụng đúng thì sẽ tiến lên. Nhờ trí hiểu biết chúng ta mới nhận ra sai lầm, khi biết sai mới sửa. Chính nhờ biết là tội là phúc chúng ta mới bỏ để chuyển sửa, như vậy mới không cố chấp, cũng là con đường tiến hóa vươn lên. Phật, Tổ cũng từ chúng sanh mà thành Phật, thành Tổ chứ đâu có ở đâu xa. Khéo hiểu vậy thì chúng ta sẽ thấy có một con đường để tiến tu.

Vì vậy, trong nhà thiền có câu chuyện: Thiền sư Thâm và Hòa thượng Minh, hai huynh đệ trên đường đi đến sông Hoài. Khi đến bờ sông, hai người gặp một người đang kéo lưới, thì có một con cá từ trong lưới nhảy vọt ra. Thiền sư Thâm mới chỉ rồi nói với Hòa thượng Minh: “Giỏi thay! Giống hệt một nạp tăng không khác”.

Hòa thượng Minh nói: “Tuy nhiên như thế, đâu bằng ngay buổi đầu chẳng vào lưới thì hay hơn.” Thiền sư Thâm nói: “Huynh Minh, ông còn chưa ngộ.” Hòa thượng Minh lúc đó cũng chưa hiểu. Hai huynh đệ đi về chỗ nghỉ, tới gần nửa đêm thì Hòa thượng Minh tỉnh ngộ lời của Thiền sư Thâm.

Thiền sư Thâm thấy con cá từ trong lưới nhảy vọt ra thì khen thật giỏi giống như một thiền tăng. Thì Hòa thượng Minh nói tuy nhiên như vậy cũng chưa giỏi lắm, nếu ngay từ buổi đầu đừng vào trong lưới thì hay hơn. Tại sao phải vào trong lưới rồi nhảy ra? Như vậy, vừa nhọc nhằn lại vừa tốn công. Thiền sư Thâm mới bảo huynh nói vậy là huynh chưa tỉnh ngộ. Nghĩa là nói thì nghe hay nhưng mà còn chỗ sơ sót.

Bởi vì nhà thiền trọng thực tế chứ không phải lý luận. Quý vị nên hiểu kỹ, quan trọng là ngay thực tế, cá mà đã lọt vào trong lưới rồi thì làm sao nhảy ra để thoát? Từ trong lưới mà thoát ra được mới là giỏi.

Còn nếu cứ ngồi đó lý luận trước kia đừng có vào hay hơn hoặc tại sao phải vào để giờ phải nhảy ra! Ngồi mà lý luận cả đời thì cũng vẫn ở trong lưới, quan trọng là ở trong lưới, quan trọng là trong lưới nhảy vọt ra mới hay. Cũng giống như chúng ta, đang ngồi đây là đang ở trong lưới hay là đang ở ngoài lưới? Lưới này là lưới phiền não, lưới sanh tử mê lầm. Đa số là đang ở trong lưới này, mà ai nhảy vọt ra thì mới hay, là người giỏi. Còn nếu ngồi đây lý luận tại sao phải vào lưới này, phải chi trước kia đừng vào hay hơn; vào trong đây chịu khổ rồi tu hành rất mệt nhọc. Dù lý luận suốt đời cũng ở trong lưới, nên quan trọng là ngay trong lưới này khéo tìm phương tiện tu hành để nhảy vọt ra, đó là thiết thực nhất.

Như hiện nay người học đạo cũng là học cái cách nhảy ra khỏi bùn lầy của thế gian; nhảy ra khỏi lưới phiền não vô minh, nếu người khéo nhảy ra thì được nhẹ nhàng. Để thấy rằng, tuy chúng ta mê lầm, nhưng mà biết mình mê lầm, nhờ vậy mới chuyển hóa để vượt ra và vươn lên, thì đó là con đường tốt đẹp để mình tiến hóa.

Như câu chuyện Hòa thượng Minh đến gặp Quốc sư Đức Thiều, Hòa thượng Minh hỏi: “Ngài Ca-diếp mang cái y trượng sáu của Đức Thích Ca vào núi Kê Túc đợi Ngài Di Lặc hạ sanh mới đem cái y trượng sáu khoác lên thân nghìn thước của Đức Di Lặc vẫn vừa vặn. Thân của Đức Thích Ca cao trượng sáu còn thân Di Lặc thì cao một nghìn thước, vậy cái thân nó rút ngắn lại hay cái y nó dài ra?” Ngài Ma-ha Ca-diếp này khác với ba anh em ngài Ca-diếp thờ thần lửa. Hiện giờ Tôn giả Ma-ha Ca-diếp vẫn còn mang cái y của Phật Thích Ca trong núi Kê Túc nhập định, đợi Đức Phật Di Lặc ra đời ngài mới dâng cái y đó lên Đức Phật Di Lặc.

Ở đây, Hòa thượng Minh hỏi là Đức Phật Thích Ca cao có trượng sáu (khoảng hơn hai thước) còn Đức Phật Di Lặc thì cao tới một nghìn thước. Như vậy, cái y này nó biết nới dài ra để phủ thân ngàn thước đó; hay thân ngàn thước của Phật Di Lặc rút ngắn lại để đắp vừa cái y?

Quốc sư Đức Thiều đáp: “Ông lại hội”. Ngài không giải thích nhưng lại nói như trên. Hòa thượng Minh nghe vậy không chấp nhận mới phủi áo bỏ đi.

Quốc sư Đức Thiều quở: “Kẻ tiểu nhi! Sơn tăng nếu như đáp cho ông không phải thì chính ông sẽ có nhân quả, còn nếu ông mà chẳng phải thì ta sẽ thấy rõ”.

Hòa thượng Minh về mấy ngày sau thì bị thổ quyết. Hòa thượng Phù Quang mới khuyên: “Thôi! Ông nên mau đi sám hối với Quốc sư”. Hòa thượng Minh đến phương trượng buồn khóc thưa: “Mong Hòa thượng từ bi cho con được sám hối”. Quốc sư Đức Thiều bảo: “Như người té xuống đất, nhơn nơi đất đứng dậy. Ta chưa từng dạy ông là có ngã hay đứng”.

Như vậy, Hòa thượng Minh có một cái phần chấp vào chỗ thấy hiểu của mình, trong khi chỗ thấy hiểu chưa đến nhưng lại có ý như là khinh mạn, cho ông thầy nói vậy là sai chưa đúng. Không chấp nhận ông thầy nhưng không ngờ do chỗ thấy của mình chưa đến nơi nên rồi bị nhân quả.

Khi về, tuần lễ sau bị thổ huyết thì đó là nhân quả hiện ra, người bạn mới khuyên đi sám hối. Khi sám hối thì Quốc sư Đức Thiều mới nói như người té xuống đất thì nhơn nơi đất đó mà đứng dậy, chứ ta không làm cho ông té hay ông đứng.

Tức là do mê lầm tạo tội thì ai làm cho mình tội, cũng mình thôi. Nếu muốn cho mình hết tội lỗi thì ai làm cho mình hết, cũng là mình. Tức là từ nơi tâm mình mê lầm nên rồi mình tạo thành tội lỗi. Vậy muốn hết tội thì cũng phải từ nơi tâm giác ngộ sám hối thì mới chuyển tội lỗi, chứ đâu phải ai khác ở ngoài vào. Hiểu vậy rồi chúng ta phải khéo chuyển tâm của mình, đó mới là quan trọng.

Bởi vậy, trong bài kệ sám hối ba nghiệp ở Thiền viện mà trước kia thường tụng, có trích bài kệ trong kinh là “Tánh tội vốn không do tâm tạo, Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong. Tội trong tâm diệt cả hai không, thế ấy mới là chơn sám hối”. Sám hối đến như vậy đó mới là sám hối rốt ráo.

Tức là Tánh tội vốn không do tâm tạo, nếu tâm diệt rồi thì tội sạch luôn, quán kỹ như vậy mà sám hối là sám hối tận gốc. Đây nói rằng tánh tội vốn tánh không, tức là không phải nó có sẵn nơi mình, mà do tâm mê lầm vọng chấp tạo tội, thành ra do tâm tạo. Mà tâm là hư vọng không thật, nếu tâm hư vọng diệt rồi thì tội sạch. Nếu không có tâm tạo tội thì tội đâu còn. Tâm hết tội như vậy mới thật là chơn sám hối.

Sám hối như vậy mới gọi là sám hối tận gốc, sám hối như vậy thì không còn dấu vết để sanh trở lại. Chúng ta biết sám hối, nhưng chưa nhổ được gốc thì sao? Thí dụ như nhổ cỏ chưa hết gốc gặp trời mưa thì nó mọc trở lại. Hoặc kẻ trộm cắp cũng biết trộm là xấu rồi đi lễ Phật sám hối, nhưng nếu sám hối mà không trừ cái tâm trộm cắp thì khi gặp duyên cũng trộm nữa. Đó là cái tâm trộm cắp thì khi gặp duyên cũng trộm cắp nữa. Đó là cái tâm trộm cắp chưa hết, chỉ mới sám hối bên ngoài nên khi gặp duyên trộm cắp thì cũng trộm cắp trở lại. Còn người khéo trừ sạch cái tâm trộm cắp thì dù cho gặp duyên người ta rủ đi trộm cũng không đi, không còn tâm trộm cắp thì đó mới gọi là sám hối tận gốc.

Hiểu rồi, chúng ta rõ tội lỗi từ nơi tâm sanh, nếu khéo chuyển tội lỗi thì cũng phải từ nơi tâm mình mà chuyển, thì đó là điều mình tin chắc không nghi ngờ. Còn nếu tâm không chuyển, cầu ai chuyển cho mình, không ai có thể chuyển được. Thí dụ người có tâm trộm cắp thì dù đến chùa nhờ quý thầy tụng kinh để sám hối, thì lúc đó nghe cũng nhẹ nhàng nhưng tâm trộm kia chưa trừ, khi gặp duyên cũng trộm cắp lại nữa.

Thế nên, chúng ta cần có sự quyết tâm, nghĩa là quyết tâm sửa đổi chứ không chấp nhận để mê lầm tội lỗi mãi. Đó là con đường tu tập, quay lại sửa cái tâm mình, mới quan trọng. Nhờ vậy, chúng ta có niềm tin tiến tu, không phải mặc cảm tội lỗi mãi. Đó là con đường tu tiến. Khi hiểu kỹ điều đó rồi khéo tu tập, quay lại sửa cái tâm mình, mới quan trọng. Nhờ vậy, chúng ta có niềm tin tiến tu, không phải mặc cảm tội lỗi. Biết mình tội lỗi vì lúc đó mê lầm rồi thì chuyển chứ không có mặc cảm.

Như câu chuyện bà Liên Hoa Sắc được tôn giả Mục-Kiền-Liên cảm hóa về với Phật rồi tu chứng A-la-hán. Bà Liên Hoa Sắc là một người phụ nữ tội lỗi rất sâu, nên khi gặp Ngài Mục-Kiền-Liên bà còn muốn dùng nhan sắc của mình để phá Ngài. Nhưng không ngờ được Ngài cảm hóa, Ngài nói: “Nhìn hình dáng bên ngoài của cô rất là đẹp, ăn mặc cũng đẹp, nhưng trong tâm của cô thì đang lún sâu trong bùn lầy. Và cô giống con voi đang bị sa lầy, càng vùng vẫy thì càng lún thêm.”

Bà nghe vậy mới giật mình, những điều uẩn khúc trong tâm của bà bị Ngài biết hết nên nói: “Tôi nghĩ có thể dùng sắc đẹp thắng thần thông để khắc phục Ngài, nhưng Ngài đã biết hết trong lòng của tôi thì tôi cũng không giấu giếm. Tôi thật sự là tội lỗi sâu nặng hết phương cứu”.

Tôn giả Mục-Kiền-Liên an ủi: “Cô không nên tự làm khổ mình, cũng đừng thất vọng. Tội nghiệp dù có nặng đến đâu, nhưng chỉ cần một phen sám hối thì đều có thể cứu vãn; giống như y phục dơ thì có thể giặt; thân thể ô uế thì có thể dùng nước để tẩy trừ; còn tâm không thanh tịnh thì có thể dùng Phật pháp để rửa sạch.” Ngài Mục-Kiền-Liên an ủi bà không nên thất vọng, dù tội lỗi nhiều nhưng nếu biết ăn năn sám hối thì cũng sẽ chuyển giống như y phục dơ thì dùng nước giặt sạch. Ngài nói thêm: “Trăm dòng sông nhớp nhúa một phen chảy vào biển cả thì nước biển lớn thảy đều làm sạch nước trăm sông”. Tức là như nước sông dơ đục khi chảy ra biển thì được trong sạch vì nước biển mênh mông sẽ hòa tan làm tan dơ bẩn.

Lại nói: “Lời dạy của đức Thế Tôn chúng tôi đủ sức khiến thanh tịnh lòng người ô uế, có thể sám hối những tội nghiệp quá khứ.” Ngài nói những lời dạy của Đức Phật đủ chuyển hóa lòng người, nếu aii biết tin nhận rồi khéo tu tập sám hối sẽ chuyển hóa. Lại khuyên đừng mặc cảm cho là mình hết phương cứu. Ngài an ủi để bà có niềm tin chuyển hóa vươn lên, cuối cùng, bà nghe lời mới theo Ngài Mục-Kiền-Liên về gặp Phật. Phật thuyết pháp và cho xuất gia tu tập, sau bà chứng A-la-hán và trở thành vị Ni thần thông đệ nhất.

Cho thấy người tội lỗi nhưng tâm biết ăn năn sám hối thì cũng chuyển hóa chứ không phải là hết phương cứu. Mà chính vì có thể tu, có thể chuyển được nên Đức Phật mới ra đời giáo hóa chúng sanh tu hành chuyển hóa tiến lên. Nếu không chuyển hóa được thì Phật ra đời làm chi! Vì biết chúng sanh có thể tu, có thể chuyển hóa tiến lên nên Phật mới ra đời giáo hóa để chỉ ra những lẽ thật cho chúng sanh ứng dụng tu tập. Nếu khéo biết ứng dụng tu đúng pháp thì vươn lên được, đó gọi là con đường tiến hóa cho mình; và nhất là con người có hiểu biết có nhận định nên có sự chuyển hóa. Hiểu rồi chúng ta biết trân trọng không bỏ qua nhân duyên tốt của mình.

Như câu chuyện của Sa-di Hiền Trí mới bảy tuổi mà chứng quả A-la-hán. Ngài sinh trong gia đình giàu có và được xuất gia với Ngài Xá-lợi-phất. Nhân khi Ngài xuất gia, gia đình đến tinh xá cúng dường liên tiếp bảy ngày. Sang ngày thứ tám thì Tôn giả Xá-lợi-phất dẫn Ngài đi khất thực, Sa-di Hiền Trí nhìn thấy người vét mương dẫn nước vào ruộng, mới hỏi thầy: “Họ làm gì vậy?” Ngài Xá-lợi-phất đáp: “Vét mương để dẫn nước vào ruộng.” Sa-di Hiền Trí nghĩ: “Nước là vật vô tri vô giác không hiểu biết mà con người còn có thể hướng dẫn để sử dụng theo ý mình một cách có lợi ích, còn mình là con người có tâm có tri giác có hiểu biết, vậy thì tại sao mình không thể hướng dẫn tâm mình đi theo con đường dẫn đến A-la-hán”.

Chú Sa-di mới bảy tuổi mà biết suy nghĩ như vậy. Chú nghĩ nước là vật vô tri vô giác không biết gì mà người ta có thể dẫn nó theo ý mình để Làm ruộng có lợi ích. Còn mình là con người có hiểu biết, tại sao mình không hướng dẫn tâm mình đi đúng đường đến A-la-hán.

Đi một đoạn nữa thấy người chuốt tên đang uốn những cây tên cho thẳng, thì chú cũng hỏi thầy. Thầy chú nói người ta uốn gỗ chuốt thành những cây tên để bắn. Sa-di Hiền Trí lại nghĩ: “Những cây tên đó cũng là những vật vô tri không lý trí mà người ta còn có thể uốn nắn khiến nó thẳng theo ý của mình; còn mình là con người có lý trí có hiểu biết thì tại sao không thể uốn nắn tâm mình cho nó được ngay thẳng đúng đắn để đi đến con đường Niết-bàn.” Chú Sa-di nghĩ những cây tên những cây tre là những vật vô tri mà người ta có thể uốn nắn nó theo ý mình. Còn mình là con người có lý trí có hiểu biết tại sao mình không thể uốn nắn tâm mình cho ngay thẳng để đi đến con đường Niết-bàn.

Rồi đi một đoạn nữa thấy một người đang đẽo thanh gỗ làm bánh xe, hồi xưa người ta làm bánh xe bằng gỗ chứ không phải bằng cao su, bằng sắt thép như bây giờ. Thì chú cũng hỏi thầy, thầy cũng nói đó là người ta đang đẽo những thanh gỗ làm bánh xe để sử dụng vận chuyển. Thì chú cũng nghĩ: “Gỗ là vật vô tri vô giác mà người ta cũng có thể đẽo nó để làm thành cái bánh xe sử dụng theo ý mình, còn ta đây là người có tri giác có hiểu biết thì tại sao không có thể đẽo gọt những điều xấu xa hư dối trong tâm để tâm ý trở thành lợi ích chân thật trên con đường giải thoát.” Là Sa-di mà có suy nghĩ rất đúng đắn và sáng suốt.

Cho nên, khi học rồi chúng ta thấy trên đời không dám khinh ai. Đừng nghĩ người lớn mới thông minh sáng suốt mà coi thường mấy đứa bé nhỏ, một chú Sa-di mới bảy tuổi mà biết suy nghĩ còn hơn người lớn, đâu thể biết được những chủng tử mà người đã huân tập.

Nghĩ đến đó rồi thì vị Sa-di Hiền Trí này mới xin phép thầy cho chú trở về trước không đi khất thực nữa. Chú quyết tâm về để thiền quán cho ra vấn đề này, phải thấu suốt để đạt đến con đường giải thoát Niết-bàn. Ngài Xá-lợi-phất thấy vậy cũng cho về, còn đưa chìa khóa thất bảo ngồi trong thất chứ đừng ngồi ở ngoài sợ rắn rít. Và trong ngày hôm đó, chú Sa-di mới bảy tuổi chứng quả A-la-hán.

Đó là một tấm gương rất lớn để sách tấn tất cả chúng ta. Một chú Sa-di mà biết suy nghĩ bén nhạy như vậy, đó cũng là do có niềm tin và ý chí cương quyết để vươn lên. Còn chúng ta thì lớn hơn Sa-di rất nhiều, cũng sáng suốt hơn nhiều mà sao chúng ta không có những nhận định rõ ràng để vươn lên. Đó là điều muốn nhắc nhở chúng ta biết để suy ngẫm.

Chúng ta là con người có trí tuệ, có hiểu biết nên phải có nhận định sáng suốt để vươn lên.

Phật tu nhiều kiếp Bồ-tát hạnh nhưng cuối cùng để thành Phật thì cũng phải hiện vào trong thân người để tu tập. Nên con người có nhiều điểm ưu, như sanh làm người có khổ, có vui, có xấu, có tốt đủ hết để chúng ta biết phân biệt nhận định tiến lên. Trong bát nạn mà nhà Phật dạy là sinh lên cõi trời trường thọ sống lâu vui sướng quá cũng là một cái nạn. Tức là sanh lên cõi trời sung sướng sống lâu nhưng không gặp được Phật để nghe pháp tu hành thì cũng thành cái nạn. Còn xanh vào xứ Bắc Câu Lô Châu cũng vậy, sanh vào đó sướng quá muốn gì được nấy thì đâu có chịu tu làm chi, thành ra cũng thành cái nạn nữa. Còn ở đây chúng ta có khổ có vui, vui rồi lâu lâu khổ thì buồn chán thức tỉnh muốn đi tu. Như những người giàu sang cứ lo làm ăn hoài đâu có thời gian tu, lâu lâu chạm cái khổ mới tỉnh nên có khổ có vui mới dễ tu. Nói vậy để tất cả hiểu được những ý nghĩa thiết yếu mà có niềm tin tiến lên.

3. Luôn Nhớ Tất Cả Pháp Hữu Vi Đều Vô Thường

Phật dạy tất cả pháp hữu vi đều là vô thường sanh diệt không bền vững, như vậy thì ở thế gian cái gì có tạo tác có biến đổi đều là vô thường không bền chắc. Chúng ta cần nắm vững chân lý này để khi tu có nhiều điều cởi mở lớn lao đến với mình.

Như tâm tạo tội của chúng ta có vô thường không? Phật dạy tất cả pháp hữu vi đều vô thường thì cái tâm tạo tội của mình đó có ra ngoài vô thường không? Cái tâm tạo tội này cũng là pháp hữu vi thì cũng vô thường không cố định, cho nên chúng ta có đủ niềm tin để tu hành chuyển hóa nó. Đó là lẽ thật, cũng là một đặc ân lớn cho những người tội lỗi mê lầm như chúng ta. Tức chúng ta không phải hết hy vọng, vì cái tâm tội lỗi cũng là vô thường, thì tội lỗi cũng là vô thường rồi những nghiệp chướng cũng là vô thường.

Có câu chuyện về một anh nông dân hay nóng nảy cọc cằn. Anh đến thưa với Thiền sư Bàn Khuê là anh được sanh ra với một tính khí cộc cằn nóng nảy, không thể điều khiển kiềm chế được. Anh xin Thiền sư có cách gì giúp anh trị nó được không?

Thiền sư Bàn Khuê bảo: “Anh được sinh ra với một việc thú vị như vậy, thì ngay bây giờ anh có nóng nảy hay không? Nếu có thì anh hãy đem ra đây cho tôi xem thì tôi sẽ chữa cho.” Anh thưa: “Bạch thầy ngay lúc này thì không có, nhưng khi bất chợt gặp chuyện thì nó nhảy ra mới có.” Tức là ngay bây giờ nó không có thì làm sao đem ra được, nhưng khi đụng chuyện thì nó mới nhảy ra. Thiền sư Bàn Khuê nói: “Như vậy thì sự nóng nảy của anh không phải là cái bẩm sinh, nó không phải là cái sẵn có”. Bởi nếu nó là cái bẩm sinh tức là tánh của anh thì nó sẵn trong anh, mà sẵn có thì lúc nào cũng có thể đem ra được. Còn cái này không phải là cái sẵn có, chỉ khi nào đụng chuyện mới có, tức là gặp duyên mới có thì không phải là cái sẵn có. Vậy tức là nó không thật. Nó không thật thì anh có cách chữa rồi.

Tức là nó không có thực thể và rõ ràng không phải là tánh của anh, mà nó theo duyên gặp duyên mới có, khi không có duyên thì không. Như vậy, không thể cho cái nóng nảy đó là cái sẵn có nơi anh mà cái nóng nảy cũng có thể chuyển hóa, vậy là chúng ta biết cách để chuyển đổi nó và có niềm tin để tu tiến.

Có nhiều vị lầm nói tánh tôi nóng, quý vị đừng có đụng tới tôi, đó là cái chấp sai lầm. Nhớ kỹ, cái nóng không phải là tánh vì nếu là tánh thì có thể đem ra bất cứ lúc nào. Thí dụ như trong nhà quý vị có vàng sẵn thì bảo đem ra lúc nào cũng được, chỉ khi đụng chuyện thì nó mới sanh nên nó đâu phải là tánh sẵn có. Nó là pháp nhân duyên sanh nên nó đâu phải là tánh sẵn có. Nó là pháp nhân duyên sanh, là thuộc vô thường. Là vô thường thì nó có thể chuyển đổi. Như vậy, bản chất của cái nóng nảy là vô thường, là hoại diệt, không nên chấp vào nó thì đó là con đường tu tiến của chúng ta.

Như chuyện ông Tô Đông Pha một nhà nho mà học thiền, cũng hiểu được đạo lý kha khá. Ông thường qua lại với Thiền sư Phật Ấn để bàn luận đạo lý.

Hôm đó không biết ông ngồi thiền có cảm hứng trong lòng thế nào mà vui vẻ làm bài kệ:

Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên.

Địch:

Cúi đầu lễ Thế Tôn
Hào quang chiếu ba ngàn
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi thẳng trên đài sen.

Xong, ông mới sai người nhà qua sông đem trình với Ngài Phật Ấn. Nhà ông ở cách chùa Kim Sơn nơi Ngài Phật Ấn ở một con sông. Ngài Phật Ấn xem xong liền phê vào bên cạnh bài thơ đó hai chữ “Phát địt”, nói theo tiếng miền Bắc là “Đánh rắm”. Rồi bảo đem về đưa cho ông.

Khi được hồi âm, ông hớn hở mở ra xem, nhìn thấy hai chữ “phát địt” thì nổi giận, nghĩ: “Đáng lẽ phải khen ngợi chớ tại sao mà chê quá vậy!” Ông mới vội vã sai người nhà sửa soạn thuyền để qua sông gặp Ngài Phật Ấn hỏi cho ra lẽ, tại sao khinh thường ông như vậy.

Ngài Phật Ấn đoán biết nên đứng ở trên bờ sông chờ. Thuyền vừa cập bến, ông lên bờ vẻ mặt hầm hầm, hỏi Ngài Phật Ấn: “Tôi với thầy lâu nay là bạn thân, nay khi tu tập tôi có cảm hứng làm thơ trình thầy sao thầy chê tôi quá vậy?” Ngài Phật Ấn hỏi: “Chê cái gì?” Ông mới đưa tờ giấy ra, nói: “Thầy phê bài thơ tôi như vầy”.

Ngài Phật Ấn cười ha hả nói: “À! Thì ra là Tô Đông Pha tám gió thổi không động nhưng chỉ một ‘phát địt’ liền thổi từ bên kia sông qua tới bên đây sông!”

Nghe xong, ông tỉnh ngộ, hổ thẹn mới xin tạ lỗi. Ngay đó, ông hết giận, sám hối với Ngài Phật Ấn.

Qua câu chuyện, quý vị nhận định thế nào? Mới giận đó nhưng khi nghe Ngài Phật Ấn cảnh tỉnh liềm xìu xuống hết giận. Để thấy rằng cái giận nó không có thật thể, nếu nó là cái thật thì nó còn hoài, thì chắc là giận suốt đời, theo mình suốt đời.

Hiểu rồi thì chúng ta không nên cố chấp vào nó, và chính đó là ánh sáng giáo pháp soi sáng cho chúng sanh để chúng ta thấy được những lẽ thật. Đó là cái giận thôi, còn những buồn phiền v.v…, chúng ta cũng quán kỹ như vậy thì sẽ bớt chấp và chúng ta sẽ có con đường để chuyển hóa tiến lên.

Cho nên, ai mà nói rằng tánh tôi xấu không có hy vọng gì chuyển đổi được là tự lầm, biện hộ cho cái xấu của mình. Trái lại, đều có thể chuyển đổi, nếu có quyết tâm. Từ tâm mê lầm chúng ta tạo ra cái xấu thì bây giờ cũng từ tâm tỉnh giác chúng ta chuyển hóa để vươn lên.

Phật dạy tất cả pháp hữu vi đều là pháp vô thường sanh diệt, thì bản chất của nó là hoại diệt. Cho nên, bản chất những thói xấu, những tội lỗi của chúng ta cũng là hoại diệt, có thể tu để chuyển hóa. Đó là con đường vượt ra khỏi lưới.

4. Tóm Kết

Chúng ta từ cái gốc vô minh mê lầm nên mới sanh vào trong cõi đời này, trừ ra các hàng Bồ-tát độ sanh. Vậy thì ai có mặt ở đây cũng có mang theo mê lầm, do đó mới tạo thành tội lỗi hoặc nhiều hoặc ít. Nhưng mê lầm tội lỗi cũng là vô thường, không cố định. Nhớ kỹ điều đó thì chúng ta có hướng để mình đi lên.

Phật dạy trong phẩm Sư Tử Hống, kinh Đại Bát Niết Bàn là trên thế gian này có hai hạng người: “Một là hạng người có nghiệp bất định làm thành cái quả quyết định: Quả báo hiện đời làm thành quả báo đời kế, quả báo nhẹ làm thành nặng, đáng lẽ thọ báo trong đời người mà lại thọ báo ở địa ngục”.

Nghĩa là hạng người mang quả báo bất định, tức là quả báo nhẹ đáng lẽ chỉ thọ báo trong hiện đời thôi rồi hết nhưng mà do không biết tu khiến thành nặng; khi thành nặng rồi quả báo có thể kéo dài qua đời sau hoặc là thọ trong địa ngục.

Hạng thứ hai là: “Hạng người với định nghiệp làm thành bất định nghiệp. Đáng lẽ thọ báo đời kế, nhưng làm cho thọ báo đời hiện tại, báo nặng làm thành báo nhẹ, đáng lẽ thọ báo địa ngục làm cho thọ báo nhẹ trong loài người. Hai hạng này một là kẻ ngu, một là người trí”. Tức là hạng người thứ hai có thể khiến cho những định nghiệp của mình chuyển thành bất định nghiệp. Rồi có cả những nghiệp mà có quả báo đáng lẽ phải thọ đời sau hoặc vào trong địa ngục, nhưng chuyển thành nhẹ nên thọ trong hiện đời. Người trí làm quả báo nặng thành nhẹ, còn người ngu làm cho quả báo nặng thêm.

Đó là lời Phật dạy về hai hạng người, một hạng người khéo biết chuyển định nghiệp thành ra bất định nghiệp; quả báo nặng chuyển thành nhẹ. Đáng lẽ phải thọ quả báo đời sau hoặc là trong địa ngục nhưng khéo chuyển nó thành trong hiện đời nên nhẹ bớt, qua rồi được nhẹ nhàng rảnh rang, gọi đó là người trí.

Còn người ngu tội nhẹ không biết lại làm cho nặng thêm. Thí dụ đơn giản như lỡ nói lời nào đó xúc phạm khiến huynh đệ buồn phiền thì đó là chuyện nhỏ. Nếu khi đó hết lòng xin lỗi, người kia cũng xả cho qua thì đâu có chuyện gì! Còn nếu đã lỡ lời làm cho người ta buồn rồi mà còn làm mặt chọc tức, người ta sẽ giận nhiều thêm. Đôi khi chửi mắng qua lại rồi đưa đến ẩu đả với nhau gây oan trái đời này qua đời sau, thành ra quả báo nhẹ mà làm thành nặng. Còn người khéo biết chuyển thì xong.

Người khéo biết tu tập thì có lợi ích rất lớn cho chính mình và người chung quanh. Quý vị đừng nghĩ chúng ta tu tập là chỉ lợi ích cho riêng mình mà tất cả chúng ta sống ở đây đều là cuộc sống nhân duyên có liên hệ với nhau. Dụ như trong gia đình một người không vui thì những người khác trong gia đình có vui không? Hoặc là đi trên xe có hai người cãi nhau thì cũng thấy không khí nặng nề cả xe, tức là cuộc sống con người có sự liên hệ với nhau.

Biết rồi thì chúng ta nên có cách sống tốt hơn, và biết là có sự liên hệ với nhau nhiều hơn. Người học Phật biết tu là thực hành theo giáo pháp để chuyển hóa sửa đổi chứ không cố chấp mặc cảm giữ mãi những cái mê hay những cái sai lầm của mình. Đó là con đường tu tiến, là phương hướng đi lên. Như lời Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tức là ai cũng đều có tánh giác sáng suốt, đó gọi là tánh lành, tánh tốt của chúng ta, vậy ai cũng có nguồn gốc tốt lành, tại sao chúng ta không phát triển nguồn gốc tốt lành đó để chuyển cái chúng sanh mê lầm này!

Bởi vậy, mỗi vị nên cố gắng nhận định kỹ rồi tin tưởng tu tập chuyển hóa thì mỗi ngày sẽ càng tiến lên thành tốt đẹp. Phải luôn nhớ, cái nhiễm ô mê lầm tội lỗi này không phải là cái gốc của mình, phải xác định rõ cái gốc là Phật tánh sáng suốt. Bởi do mê chúng ta mới tạo nghiệp, là cái vọng sanh, nên Phật nói cái này không phải là cái gốc mà nó là cái hư vọng, là cái sanh diệt, bản chất của nó là hoại diệt; còn cái gốc là Phật tánh sáng suốt, thì đó mới là cái chân thật thường trụ lâu dài.

Chúng ta sẵn sàng quyết tâm mạnh mẽ để chuyển hóa những mê lầm tội lỗi, và sống trở lại với tánh giác sáng suốt chân thật nơi mình, thì đó là lối đi của người trí mà nhà Phật dạy. Chúng ta không nên cố chấp nhớ mãi lỗi lầm xưa cũ, bởi vì lỗi lầm đó cũng là vô thường. Thí dụ như người đó hồi xưa có lỗi lầm xấu xa nhưng trải qua hai mươi năm có khi họ đã sửa đổi rồi; nhưng chúng ta cứ nhớ lỗi của họ ngày xưa hoài, hễ gặp là nói anh đó như thế v.v…, mà không ngờ trải qua thời gian dài hiện tại anh đó đã thành người tốt, đã chuyển hóa rồi mà mình cứ nhớ người ta như cũ hoài! Cho nên, trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật dạy:

Oán thân đồng chẳng so đo,
Cũng không nhớ đến ác xưa người làm.

Nghĩa là, chúng ta phải luôn sống với cái mới chứ không sống với cái cũ. Người xưa có lầm lỗi gì với mình thì mình cũng sẵn sàng hỷ xả không cố chấp, phải luôn nhớ là người ta có thể chuyển hóa tu tiến. Nhờ vậy lúc nào chúng ta sống cũng nhẹ nhàng cởi mở, thấy cuộc đời lạc quan thì tu là vui chứ đâu có khổ! Đâu có bi quan! Đó chính là hướng đi tốt đẹp cho người tu tập.

Tóm lại, chúng ta tu là chuyển hóa chứ không phải đứng một chỗ, không cố chấp vào lỗi lầm xưa cũ. Vậy mong rằng tất cả nghe, hiểu và nhận định rõ ràng lẽ thật này để luôn sống chuyển hóa vươn lên trong ánh sáng chánh pháp của Như Lai, xứng đáng là những hàng đệ tử Phật, mỗi ngày càng đổi càng mới luôn luôn, cho đến viên mãn con đường giác ngộ.

***

Ai Cũng Có Khả Năng Giác Ngộ

1. Tất Cả Chúng Sanh Đều Có Phật Tánh

Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đây là chân lý bình đẳng với tất cả. Từ xưa đến nay và mãi về sau, dù Phật có ra đời hay chưa ra đời thì chân lý này cũng vẫn không thay đổi. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, Đức Phật đã từng rống lên tiếng sư tử, tự tại vô sở úy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như Lai thường trụ không biến đổi”. Và Ngài bảo trong đại chúng: “Các ông cũng phải nói lớn, xướng to như vậy để cho tất cả đều được nghe”. Nghĩa là Phật xác định rõ, mọi người từ xưa đến nay ai cũng đều có Phật tánh chân thật sáng suốt, còn Đức Như Lai thường trụ không hề biến đổi.

Vậy vì sao Phật nhập Niết-bàn? Đó là Phật ứng thân thị hiện giáo hóa chúng sanh, còn Phật thật hay Như Lai pháp thân thì thường trụ không biến đổi. Đây là nhằm phá tan những tà mê lầm chấp của chúng sanh, đánh thức cho mọi người thức tỉnh và có đầy đủ lòng tự tin để sống vươn lên trong ánh sáng chánh giác.

Ý nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có tánh giác sáng suốt nhưng vì mê lầm không nhận ra nên sống theo cái chúng sanh thành đau khổ. Trong khi tánh giác sáng suốt mới là nguồn gốc chân thật của chính mình và mỗi người đều có đủ chưa từng mất mà không chịu nhận ra để sống, lại sống với cái chợt có chợt không này nên lúc nào cũng hồi hộp sợ mất.

Bởi sống với thân này mà thân này là cái thân duyên hợp tạm có, duyên tan thì thành không. Vì thế mà chúng ta lúc nào cũng hồi hộp sợ nó mất nó chết, còn cái chân thật này thì lại bỏ quên, trong khi đây chính là năng lực tiềm ẩn để thôi thúc sự giác ngộ cho mỗi người. Có tánh giác tức là có một năng lực luôn thôi thúc sự giác ngộ cho mỗi người. Có tánh giác tức là có một năng lực luôn thôi thúc mọi người đi đến giác ngộ. Hôm nay mọi người ngồi đây cũng là nhờ tánh giác thôi thúc đi tìm học đạo giác ngộ chứ không thì đâu có ngồi ở đây. Đó đã ngầm chỉ nguồn gốc của chúng ta không phải là cái chúng sanh mê lầm này.

Và dù chúng ta đang ở trong cái chúng sanh vô minh mê lầm này nhưng Phật tánh vẫn không mất. Đó là điểm đặc biệt.

Chính đó khơi dậy cho tất cả mọi người ai cũng có niềm tự tin để vươn lên chứ không cúi đầu chấp nhận hay đầu hàng cái vô minh mê lầm. Bởi chúng ta tuy có vô minh nhưng cái vô minh này không phải là cái có thật tánh nên đâu thể nào đầu hàng nó. Tức là chúng ta không cam làm chúng sanh mãi, không chấp nhận làm phàm phu tối tăm hoài. Chúng ta cần phải khai thác nguồn gốc sáng suốt đó để sống trở lại với bản tánh thật của mình.

Có câu chuyện về Thiền sư Huệ Lãng lúc còn đi tham học, Sư đến hỏi hòa thượng Thạch Đầu: “Thế nào là Phật?”, Ngài Thạch Đầu bảo: “Ông không có Phật tánh.” Sư lấy làm lạ vì trong kinh nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao Hòa thượng bảo là mình không có Phật tánh!

Nên Sư hỏi lại: “Như các loài bò hay máy cựa thì thế nào?” Tức những loài như chim bay trên trời hoặc là những côn trùng nhỏ nhích nhưng chúng vẫn có tánh linh, thì những loài đó như thế nào?

Ngài Thạch Đầu đáp: “Những loài đó thì nó lại có Phật tánh”. Sư thắc mắc liền hỏi:“Những loài đó đều có Phật tánh vậy tại sao Huệ Lãng này lại không có?” Ngài Thạch Đầu đáp: “Tại vì ông không chịu nhận”. Ngay đó Sư tỉnh ngộ, được niềm tin tiến vào.

Ở đây Ngài Thạch Đầu khéo đánh thức Thiền sư Huệ Lãng tin nhận trở lại Phật tánh sẵn có nơi chính mình, nên khi hỏi thế nào là Phật? Ngài bảo là ông không có Phật tánh. Nói không có đó thì có phải hoàn toàn cố định là không có chăng? Nói không có đó là một cách khéo léo, là một phương tiện khéo đánh thức cho Sư khởi thắc mắc là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao riêng ông lại không có? Chính cái thắc mắc đó mới đi sâu vào ý nghĩa chân thật. Thí dụ câu hỏi chưa đủ chiều sâu thì khi trả lời người hỏi cũng chưa hiểu sâu, còn đây Hòa thượng khiến Sư thắc mắc, nhờ thắc mắc nên in sâu, do vậy khi nghe trả lời câu sau  thì lại nhận sâu vào vấn đề.

Như vậy, Hòa thượng Thạch Đầu không phải hoàn toàn phủ định là không có gì hết. Vì thế khi nghe hỏi lại là những loài vật như bò hay máy cựa có hay không? Ngài Thạch Đầu bảo có, thì Huệ Lãng mới thắc mắc vậy thì tại sao con lại không cí? Thì Ngài Thạch Đầu bảo tại vì ông không chịu nhận. Tức là có mà không chịu nhận thì cũng như không. Huệ Lãng liền tỉnh ngộ. Đó là cái khéo của nhà thiền.

Chúng ta học đạo phải đạt được ý của các Ngài, không nên chấp theo ngôn ngữ. Bởi vì ở thế gian chúng sanh mê lầm nghĩ cái gì nói ra thì đều là chân lý, rồi cứ chấp theo những lời nói. Còn trong đạo thì chỉ cho tất cả mọi người hiểu rõ là ngôn ngữ không có tánh thật. Thí dụ như nói không thì không hẳn là không, nói có cũng không hẳn là có, vì ngôn ngữ muốn nói sao cũng được, nếu chấp theo ngôn ngữ là bị ngôn ngữ lừa. Như có vị nào đó tên là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, vậy có chắc là người đó trắng như tuyết không? Đó chỉ là cái tên. Có khi có tên có nghĩa, có khi có tên mà không có nghĩa, cho nên ngôn ngữ là những lời rỗng không tánh thật, nhà Phật gọi là tánh không, do đó chúng ta không nên mắc kẹt trong ngôn ngữ.

Đức Phật rõ được điều này nên đối với người chấp có thì Phật nói không; còn đối với người chấp không thì Phật nói có thể phá chấp. Như vậy, khi nói có cũng không cố định là có, nói không cũng không phải cố định là không, chúng ta phải hiểu ý của Phật, của Tổ, phải đạt ý trong đó thì mới là người khéo học đạo.

Ở đây khi Hòa thượng nói là ông không có Phật tánh thì không hẳn là ông hoàn toàn không có nhưng ý của Ngài là muốn gợi ý để người hỏi thắc mắc; khi thắc mắc rồi thì Ngài mới chỉ ra lẽ thật thì người hỏi sẽ nhận sâu. Cho nên, người học đạo phải hiểu được những ý đó để không mắc kẹt trong ngôn ngữ, còn không thì dễ mắc kẹt, dễ bị lừa.

Có vị tăng đến hỏi Thiền sư Duy Nghiễm ở Dược Sơn: “Tổ sư khi chưa đến nước này thì nước này có ý Tổ sư không?” Tổ sư chỉ cho Tổ Bồ-đề Đạt-ma sang Trung Hoa truyền Thiền tông. Nghĩa là khi Tổ sư chưa đến nước Trung Hoa thì nước Trung Hoa có ý của Tổ sư hay không? Thiền sư Duy Nghiễm đáp: “Có”.

Tăng hỏi thêm: “Đã có ý của Tổ sư vậy Ngài còn đến để làm gì?” Đáp: “Bởi có cho nên đến”. Ý Tổ sư ở đây là ngầm chỉ cho chân lý giác ngộ mà mỗi người đều có sẵn nơi mình, khi Tổ sư chưa đến thì nơi mỗi người cũng có nhưng vì mê không biết, do đó Tổ sư đến để nhắc, đánh thức mỗi người nhớ trở lại cái mình có mà quên; chứ không phải Ngài cho chúng ta thêm sự giác ngộ hay thêm cái gì khác. Vì có mà quên cho nên Ngài đến nhắc, nhờ vậy chúng ta mới giác ngộ chứ nếu không thì Ngài đến cũng không làm gì được.

Đây Ngài cũng muốn ngầm chỉ cho mỗi người đều có sẵn cái việc lớn hay lẽ thật này, khi Tổ chưa đến thì mọi người ở xứ này cũng có nhưng không biết, cho nên Tổ mới đến để chỉ chứ nếu không có thì dù Ngài có đến chỉ dạy cách mấy cũng không nhận được. Nên ở đây Ngài Dược Sơn mới đáp: “Vì có cho nên đến”.

Vậy thì mỗi người có cái đó mà không biết cho nên Tổ đến chỉ cho mỗi người nhận ra lẽ thật đó. Ai cũng đều có một việc lớn hy hữu nhưng không biết khai thác nên Tổ sư hay các Thiền sư khéo léo khai thị để chỉ cho mỗi người nhận ra. Đó là bổn phận của người thầy, còn điều căn bản là mỗi người phải tự nhận, chứ không ai có thể nhận thế cho ai được. Chỉ có thể chỉ cách thế kia để mỗi người nhận ra, còn giác ngộ hay không thì mỗi người phải tự giác tự ngộ, lẽ thật là như vậy.

Thử kiểm, một việc lớn quan trọng như vậy mà chúng ta lại không biết khai thác, lại lo đi khai thác những chuyện đâu đâu, còn lẽ thật này mới là chuyện đáng khai thác mà lại bỏ qua. Nhờ khai thác lẽ thật này mà mỗi người chuyển hóa được cái chúng sanh mê lầm, chuyển hóa được những phiền não vô minh, chuyển được đời sống khổ đau của mình. Còn điểm đặc biệt nữa là, chúng ta sẽ nhận ra một lẽ thật hay là con người tuổi thọ không cùng tận, rồi sống với con người đó thì có vui không? Hay mọi người thích sống với con người tuổi thọ năm bảy chục năm, hai ba chục năm này. Sống với con người này thì lúc nào cũng hồi hộp không biết nó mất lúc nào! So sánh thì cái nào vui hơn!

Sống với cái không bao giờ mất và cái luôn luôn hồi hộp không biết mất lúc nào thì chúng ta sẽ chọn cái nào? Là người trí thì phải biết chọn lựa đúng đường. Ở thế gian nhiều người cũng tự hào là trí tuệ nhưng đối với Phật pháp thì có khi chưa phải. Đây nói người trí theo Phật pháp tức là theo Phật dạy thì người trí này phải biết nhận định cái nào là quan trọng, cái nào là không quan trọng để lựa chọn đúngn với chánh pháp.

2. Ai Có Tâm Thì Đều Có Phật

Có tâm tức là có biết chứ không phải như cây như đá. Mà chính vì có biết nên mới có mê. Cây đá đâu có mê, còn chính mình có biết nên mới có mê. Vì sao mê? Biết theo những cái sai lầm không đúng lẽ thật nên gọi đó là mê. Rồi cũng chính vì có biết nên mới có giác. Tức là biết được những cái sai lầm của mình, biết được cái đó là mê thì đó chính là giác và đó tức là chuyển mê thành giác. Có mê mới có giác, nên ai có tâm là đều có Phật.

Mê là tâm mê rồi giác cũng chính là tâm giác chứ không thể ngoài tâm riêng có mê có giác. Nhưng hiện giờ đa số người học Phật tìm giác ngộ ở đâu? Ít có người tìm ở trong tâm, mà tìm ở trong kinh điển rồi phân tích bộ kinh này bộ kinh kia để tìm giác ngộ; hoặc là có người khá hơn chút thì vào chùa tìm giác ngộ; còn khá chút nữa thì tìm trên bồ đoàn tọa cụ, nhưng có giác được không?

Vì đó là những điều chưa chính xác. Tuy biết tìm là đã hay đáng khen rồi nhưng chưa chính xác. Ở đây muốn nhắc tất cả tìm cho đúng hay là tìm ngay trong tâm của mình mới là đúng đắn nhất, chính xác nhất.

Trong kinh điển cũng có nói đến giác ngộ nhưng mà giác ngộ đó chính là giác ngộ ở trong sách vở, trên chữ nghĩa, những cái giác ngộ đó nó không biết chiếu sáng; và những cái giác ngộ đó nó không biết độ chúng sanh. Chính sự giác ngộ nơi tự tâm của mỗi người thì đó mới là giác ngộ chân thật, là giác ngộ sống, nên chúng ta cần hiểu được cái ý đó.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật nói là: “Ai có tâm thì đều có thể thành Vô thượng Bồ-đề”. Như vậy rõ ràng muốn giác ngộ thì từ nơi tâm giác chứ không thể tìm ở đâu khác. Mỗi người hãy khéo soi trở lại tự tâm mình để tìm giác ngộ mới là chân thật, là con đường đi chính xác, càng lo tìm bên ngoài thì càng tìm càng xa. Cho nên, cổ đức có một bài kệ nhắc cho tất cả:

Ngã tâm bổn dữ Phật tâm tề
Khoáng kiếp phiêu trầm chỉ vị mê
Bồ-đề Phạn ngữ, Đường ngôn giác
Tâm tịch như tri thị Bồ-đề.

Dịch:

Tâm ta tâm Phật vốn không hai
Nhiều kiếp nổi chìm bởi tại mê
Bồ-đề tiếng Phạn, Đường gọi giác
Tâm tịch mà tri ấy Bồ-đề.

Cổ đức dạy là tâm ta tâm Phật vốn không có hai. Phật cũng từ tâm mà giác ngộ thành Phật. Như vậy tâm thể của chúng ta với tâm thể của Phật vốn không hai, nhưng chỉ vì mê mà thành có sai khác. Phật thì giác ngộ được tâm thể còn chúng ta thì quên tâm đó mà theo trần nên có sai khác. Rồi chính vì sai khác đó nên cứ mê lo chạy tìm cầu bên ngoài, mà càng chạy tìm bên ngoài thì càng mê nên gọi là “vác Phật đi cầu Phật”. Đa số người học Phật nghe nói Bồ-đề là giác ngộ, thì lo đi tìm Bồ-đề trong kinh điển, trong chữ nghĩa rồi người này phân tích Bồ-đề nghĩa thế này, người kia phân tích Bồ-đề thế kia, hai người phân tích một hơi rồi cãi nhau, rốt cuộc không thấy Bồ-đề ở đâu mà nhiều khi còn thêm phiền não.

Phải hiểu ý nghĩa chữ Bồ-đề là dịch âm tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là giác. Đó chỉ là danh từ, nó đâu biết giác ngộ mà cứ lo phân tích. Chính cái tâm tịch mà tri đó mới là Bồ-đề chân thật, tức là tâm lặng lẽ mà biết rõ ràng đó mới là Bồ-đề biết soi sáng, biết thuyết pháp, biết giáo hóa chúng sanh thì Bồ-đề đó mới có lợi ích.

Tức ở ngay chính cái tâm lặng lẽ mà biết rõ ràng của chúng ta, đó mới là Bồ-đề thật. Vậy tìm giác ngộ là phải tìm ở ngay tâm của chúng ta mới là chân lý. Như vậy, ai có tâm thì đều có lẽ thật đó, có chân lý giác ngộ này, cho nên không ai mặc cảm là mình khó tu khó giác, chỉ vì chưa chịu khai thác.

Thiền sư Bàn Khuê từng khai thị cho mọi người: “Tất cả quý vị nên nhận ra tâm Phật đang vận hành sống động này. Từ nhiều năm nay người Trung Hoa và Nhật Bản đã hiểu lầm giáo lý thiền, cố đạt giác ngộ bằng cách tọa thiền hoặc tìm cho ra con người thấy và nghe. Tất cả điều này là một sai lầm lớn. Tọa thiền chỉ là một tên khác của tâm bản lai, nó có nghĩa là ngồi an tịnh với một cái tâm an tịnh. Khi ngồi thiền bạn chỉ cần ngồi như bạn vẫn ngồi. Khi bạn thiền hành thì bạn cứ tản bộ như bạn vẫn đi, dù cho miệng của bạn rộng lớn đủ để nuốt trộng cả trời đất, cũng không thể nào diễn tả Phật pháp bằng lời. Những người nói về Phật pháp, phần đông chỉ là làm cho người ta lòa mắt”.

Sư muốn đánh thức mọi người phải thức tỉnh tâm giác ngộ nơi chính mình. Đó là cái tâm đang vận hành sống động chứ không hướng ra ngoài để tìm giác ngộ. Ngồi thiền với cái tâm đang ngồi hoặc là đi thiền hành với cái tâm đang đi thì đó đúng là đang sống trở về với tâm Phật, đừng lo tìm ở đâu khác. Nghĩa là khi chúng ta ngồi thiền thì tâm mình cũng đang ngồi thiền ngay đó, rồi đi thiền hành thì tâm mình cũng đi thiền hành. Thì ngay đó là mình tập sống trở về với tâm Phật, còn không khéo thì ngồi thiền nhưng tâm có thiền không? Thân ngồi trên bồ đoàn nhưng mà tâm đang đi về thăm nhà hoặc là đang thăm ngoài cửa tiệm, thì đó là mất mình. Lúc đó đâu có chiếu sáng.

Đây Ngài dạy ngồi thiền chỉ là ngồi. Tức là tâm cũng phải ngồi thiền; rồi tụng kinh cũng vậy, mình tụng kinh thì tâm cũng phải tụng kinh theo. Rồi đi thiền hành thì tâm cũng phải đi thiền hành với mình, như vậy là tập sống trở về với tâm Phật. Ngược lại, tụng kinh thì tụng nhưng tâm ở ngoài đường, như vậy chỉ có miệng tụng nhưng tâm không tụng. Ngài dạy phải thực hành cả hai. Hiểu kỹ những điều đó rồi chúng ta ứng dụng sống thì càng ngày sẽ càng thấy tâm mình sáng tỏ.

Chúng ta không nên tách rời thành hai: thân ở một nơi, tâm ở một nơi, chính vì sống tách rời nên luôn muốn tìm thêm cái khác. Khi nghe nói đến tâm Phật thì nghĩ đến cái gì đó rồi đi tìm nó, tức là luôn đi tìm cái khác. Ở đây thiền sư Bàn Khuê nhắc thẳng là có những người nói về Phật pháp nhưng phần đông đều làm cho người ta lòa mắt. Tức là nói về Phật pháp thì dù có nói cao sâu đến đâu đi nữa cũng là phân tích trên chữ nghĩa, cũng chỉ là “nói về” thôi; chỉ “nói về Phật pháp” chứ chưa đụng tới Phật pháp.

Như nói về thành phố thì hiện tại chúng ta ngồi đây có thể nói về thành phố nhưng mà có thấy thành phố không? Chỉ là nói về thành phố thôi. Hoặc là nói về người nào đó thì người đó đang ở đâu! Là trắng đen cao ốm gì đó thì chỉ là nói tới người đó chứ chưa phải là chạm mặt người đó. Còn nếu mà anh đó đang có mặt tại đây thì đâu cần diễn tả, đâu cần phải nói gì nữa, trỏ ngay anh đây là xong.

Đây cũng vậy, chỉ nói về Phật pháp chứ chưa phải là chạm tới Phật pháp. Có khi nói nhiều quá làm người ta chóa mắt không thấy Phật pháp đâu. Tức là “nói về” thôi chứ còn nếu là Phật pháp chân thật mà chạm được rồi thì không cần phải nói. Cho nên, nói về Phật pháp đó là cái bên ngoài, còn Phật pháp chân thật thì ngay trong tâm mình, mà ngay trong tâm mình thì làm sao nói đây! Chỉ có thầm cảm nhận chứ làm sao nói được!

Cũng vậy trong Phật pháp người ta hay nói về chân lý, không khéo thì sẽ cãi nhau thành ra không thấy được chân lý. Đúng lẽ thật thì không có cãi mà còn cãi là chưa thấy chân lý. Nắm kỹ yếu chỉ này khi nghe ai cãi với nhau về chân lý thì chỉ cười chứ đừng nhảy vào cãi thêm, làm vậy thì chân lý càng mờ mịt.

Trong kinh, Phật kể về câu chuyện người mù rờ voi. Có ông vua muốn biết những người mù họ nhận định con voi như thế nào, mức độ chính xác đến đâu. Mới cho một số người mù đến trước triều rồi dẫn con voi ra và bảo những người mù đó mỗi người rờ con voi rồi diễn tả lại cho vua nghe, ai diễn tả chính xác thì được ban thưởng.

Những người mù y lệnh liền rờ vào con voi. Có người rờ thấy con voi to, còn người thì nói nhỏ, ai rờ trúng bộ phận nào của con voi thì chỉ diễn tả con voi theo bộ phận đó. Có người rờ trúng chân voi thì nói là con voi giống cây cột; còn rờ trúng cái bụng thì nói con voi giống cái lu; rờ trúng lỗ tai con voi thì nói con voi giống như cái quạt; hoặc là rờ trúng cái đuôi thì nói con voi giống như cây chổi v.v… Thì mỗi người mù đó đều có rờ đụng con voi chứ không phải là chỉ đứng xa diễn tả, nhưng vì mù nên diễn tả con voi giống bộ phận đã chạm đến. Khi nghe người mù kia nói khác chỗ nhận định của mình thì họ cãi với nhau, ai cũng chấp chỗ diễn tả của tôi là đúng. Còn ông vua sáng mắt khi nghe những người mù cãi nhau thì chỉ cười, nếu vua mà nhảy vào cãi với mấy người đó thì vua cũng mù luôn.

Đó là những ý nghĩa chân thật mà người học đạo cần hiểu. Lẽ thật tức là chân lý giác ngộ chân thật ngay trong tự tâm của mỗi người chứ không ở đâu xa. Mỗi người cần tự cảm nhận chứ không phải chỉ lo nói nhiều về nó được. Nói chỉ là cái phương tiện tạm thời, khi người chưa biết còn mê nên mượn ngôn ngữ để gợi ý nhắc cho người biết có cái đó.
Có lần Thiền sư Thạch Ốc có việc đi ra ngoài, trên đường đi gặp một người lạ thì hai người nói chuyện hăng say đến trời tối. Hai người mới vào nghỉ ở một nhà trọ, đến nửa đêm thì Thiền sư Thạch Ốc nghe có tiếng động trong phòng. Ngài bèn lên tiếng hỏi: “Ủa! Trời sáng rồi sao?”Người kia đáp: “Không, hiện còn đang khuya”.

Thiền sư Thạch Ốc nghĩ người này giữa đêm lại dậy khỏi giường tìm kiếm cái gì, thì nhất định là đã thấy đạo, còn không thì là tên ăn trộm. Thiền sư Thạch Ốc hỏi tiếp: “Cuối cùng ông là ai vậy?” Người kia đáp: “Tôi là tên trộm”.

Thiền sư Thạch Ốc nói: “À! Thì ra ngươi là một tên ăn trộm! Vậy thì từ trước tới giờ ngươi đã trộm được mấy lần rồi?” Tên trộm đáp: “Tính không hết được”. Hỏi: “Vậy mỗi lần ăn trộm thì ngươi vui sướng được chừng bao lâu?” Y đáp: “Cũng cần phải xem lại cái vật trộm đó nó có giá trị như thế nào thì mới biết”. Hỏi: “Nhưng khi vui sướng như vậy thì có thể kéo dài được bao lâu?” Tên trộm đáp: “Cũng mấy ngày, sau đó thì cũng chẳng vui sướng gì!” Thiền sư Thạch Ốc bảo: “Như vậy thì cũng chẳng vui sướng gì! Đã là tên ăn trộm thì sao ngươi chẳng trộm một mẻ cho thật to đi!”  Tên trộm ngạc nhiên hỏi lại: “Ông mà cũng có kinh nghiệm hả! Vậy ngài đã trộm được mấy lần?” Thiền sư Thạch Ốc nói: “Chỉ một lần thôi!” Tên trộm mới hỏi: “Chỉ một lần mà đủ hay sao?” Đáp: “Tuy chỉ một lần mà trọn đời dùng không hết”. Tên trộm chưa hiểu mới hỏi lại: “Vậy thì vật đó trộm ở đâu? Ngài có thể nào dạy cho tôi được hay không? Thiền sư Thạch Ốc liền chộp ngay ngực tên trộm nắm chặt bảo: “Cái này nè! Đây là kho báo không cùng tận. Nếu ngươi đem một đời chân chánh để dâng hiến cho cả sự nghiệp này thì trọn đời dùng chẳng hết, ngươi rõ hay không?” Ngay đó tên ăn trộm tỉnh ngộ, liền ăn năn những hành động trước của mình mới đến quy y với Thiền sư Thạch Ốc và sau đó trở thành một thiền giả.

Thiền sư Thạch Ốc đã khéo đánh thức tâm giác ngộ ngay nơi tên trộm vì tên ăn trộm cũng có tâm Phật. Ngài khơi dậy khiến tên trộm thắc mắc rồi Ngài mới thộp ngay ngực chỉ ra ngay cái tâm của tên trộm, cái này cũng là kho báu không cùng tận, nếu ông trộm được cái này thì dùng hoài không hết khỏi cần phải đi ăn trộm nữa.

Ngài khai thị cho tên ăn trộm chân lý hay tâm giác ngộ nơi hắn. Và đúng là tên ăn trộm này cũng có căn lành nhiều đời, nên ngay đó liền thức tỉnh xin quy y và làm một vị thiền giả tu hành. Như vậy, tên ăn trộm cũng có tâm giác ngộ, cũng tỉnh giác được, còn chúng ta có thiếu không? Để thấy rằng mỗi người đều có chân lý quý báu mà không biết khai thác, do đó chịu mê lầm lang thang trong sanh tử. Ở đây, muốn đánh thức mọi người nhớ là, ai cũng có chân lý giác ngộ nơi tự tâm của mình, nếu khéo biết khai thác thì đều có thể thức tỉnh để vươn lên và không nên mặc cảm.

3. Nhắc Tất Cả Có Đủ Lòng Tin Để Sống Vươn Lên

Phật nói ra lẽ thật này để tất cả chúng sanh có niềm tự tin sống vươn lên, chứ không cúi đầu chấp nhận mãi theo mê lầm. Nghĩa là biết rõ nơi tự tâm của mỗi người có đủ khả năng giác ngộ thì phải khéo soi trở lại để khai thác. Đây là một sức mạnh lớn giúp mỗi người có đủ lòng tự tin chứ không thể yếu đuối lo trông cậy bên ngoài. Tổ Quy Sơn từng bảo: “Kia đã là trượng phu thì ta đây cũng vậy”. Nghĩa là người kia là bậc trượng phu, là bậc có thể tu hành vươn lên được thì ta cũng vậy, ai cũng có khả năng đó, đâu thể yếu đuối tự khinh mình để thành chướng ngại.

Như chuyện Sa-di Cao là bậc đã tỉnh ngộ. Hòa thượng Dược Sơn biết mới gọi Sa-di Cao ra để gạn lại, hỏi: “Ta nghe nơi Trường An rất là ồn náo, ngươi có biết chăng?” Thì Sa-di Cao thưa: “Nhưng riêng nước con thì an ổn”. Ngài Dược Sơn hỏi: “Ngươi do xem kinh mà được hay là do thưa hỏi mà được?” Sa-di Cao đáp: “Chẳng do xem kinh mà cũng chẳng do thưa hỏi mà được”. Ngài Dược Sơn hỏi lại: “Có lắm người chẳng xem kinh cũng chẳng thưa hỏi nhưng vì sao họ chẳng được?” Sa-di Cao đáp: “Chẳng nói là họ chẳng được, chỉ vì họ không chịu thừa nhận thôi”.

Ngài Sa-di Cao có đủ lòng tin nên khi nghe hỏi: “Ở Trường An ồn náo lắm phải không?” thì đáp rằng: “Nước non an ổn”. Đây muốn chỉ Ngài Sa-di Cao riêng có chỗ sống chân thật trong nội tâm, đã sáng tỏ được chân lý nơi chính mình. Tuy bên ngoài ồn ào náo nhiệt, nhưng chỗ sống của Ngài không bị những cái đó chi phối nên đáp là nước con an ổn. Nhưng Ngài Dược Sơn muốn gạn lại xem lẽ thật này là chính ông cảm nhận được hay là ông nghe ai nói hoặc là ông đọc kinh đọc sách mà hiểu. Thì Ngài đáp không do xem kinh mà cũng không do thưa hỏi. Ngài Dược Sơn hỏi tiếp cũng có nhiều người không xem kinh cũng không thưa hỏi tại sao không được? Ngài Sa-di Cao nói chẳng phải họ không được chỉ vì họ không chịu thừa nhận.

Tức là ai cũng có chân lý giác ngộ này ở ngay trong tự tâm của mỗi người, tức ngay chính mình mà mình lại chạy qua người khác hỏi. Việc trong nhà mình mà đi qua nhà người khác hỏi, thấy có tức cười không? Nhưng vì còn mê nên phải làm chuyện đó, khi hiểu và tỉnh rồi thì phải soi lại chính mình mới là quan trọng.

Bởi vì dù có hỏi bậc thầy đã ngộ đạo, giác ngộ cao siêu đến mấy đi nữa, chỉ dạy đầy đủ hoàn toàn thì cũng chỉ được phân nửa, phân nửa còn lại thì mình phải giác ngộ. Vì vậy không thể giác ngộ từ bên ngoài được.

Cũng như Phật, Tổ cũng chỉ là trả lời cho chúng ta phân nửa, phân nửa còn lại là mình phải bổ túc. Người tìm đến học đạo thì quý thầy cũng đem hết lòng giảng không giấu giếm, nhưng người học cũng phải bổ túc phần còn lại.

Nói vậy để tất cả có đầy đủ niềm tin vươn lên, tự sống với cái chân thật của mình thì đó mới là chỗ sống chân thật. Hiểu sống như vậy thì đâu còn ai gạt mình, nên học thiền cần phải học thấu đáo đến chỗ đó, chứ không phải chỉ dừng trên bồ đoàn, tọa cụ là đủ. Không phải vậy. Mà phải học trong tự tâm của mình mới là lẽ thật.

Trong Pháp Bảo Đàn kinh chép: Có vị tăng tên Pháp Đạt tụng được ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa nên đến Lục Tổ lạy mà đầu không sát đất. Lục Tổ quở là ngã mạn, ông tưởng tụng ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa là cao siêu rồi, tuy tụng được ba ngàn bộ kinh nhưng chưa hiểu được ý nghĩa trong kinh Pháp Hoa. Sau đó tăng Pháp Đạt sám hối và hỏi về những yếu chỉ trong phẩm Thí Dụ nói về nhà lửa và ví dụ ba xe. Lục Tổ đáp ba xe đó chỉ là phương tiện, còn các ông đang ngồi ở trên xe trâu trắng mà lại lo đi tìm ba xe ngoài cửa.

Đó là muốn nhắc cho mỗi người hiểu là, ai cũng có chân lý giác ngộ ở nơi mình nên nói là giống như đang ngồi trên xe trâu trắng, mà lo đi tìm ba xe ngoài cửa. Tức là lo đi tìm đạo quả này đạo quả kia, đó chỉ là Phật phương tiện lập bày để dẫn chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi, điểm cuối cũng phải trở về chân lý giác ngộ chân thật nơi chính mình. Ngộ được Phật tánh thường trụ thì đó mới là chỗ rốt ráo, còn được quả này quả kia mà chưa đến cái chỗ chân thật rốt ráo thì Phật nói là còn trên phương tiện.

Hiểu rồi thì phải khéo soi lại tự tâm của mình đó là chân lý giác ngộ trên hết, trong nhà thiền gọi là “Ba đời chư Phật ở ngay dưới gót chân của các ông, các ông hãy ngó xuống gót chân là thấy”. Đó là muốn chỉ cho mỗi người phải soi lại chính mình thì sẽ thấy lẽ thật đầy đủ không thiếu; còn cứ lo chạy bên ngoài thì đó đều là phương tiện nhà thiền gọi là “Từ cửa vào thì chẳng phải là của báu ở trong nhà”. Nếu là của báu trong nhà thì tự ở trong nhà mình lấy ra xài, còn cái từ ngoài cửa đem vào tức là của bên ngoài.

Cũng vậy, của báu nơi mình thì phải từ trong tâm lấy ra xài, còn học được của người này, học được của người kia, của thầy của Tổ cũng là của bên ngoài, mà của bên ngoài thì là tạm mượn dùng một lúc rồi phải trả lại. Dụ mọi người nghe giảng lời hay lẽ thật liền hiểu rõ rồi thấy như mình thành Phật tới nơi, nhưng cái đó cũng là của thầy chúng ta đang tạm mượn. Do đó, cần phải tu tập để tự tâm mình sáng ra thì đó mới là của mình, lúc đó đi đâu ở đâu cũng không mất. Cho nên, học thiền là của mình, lúc đó đi đâu ở đâu cũng không mất. Cho nên, học thiền là phải học đến chỗ đó, gọi là học đến chỗ không học. Học để quên học nên khác hơn ngoài đời. Thế gian học để thêm kiến thức, thêm hiểu biết nhưng trong nhà thiền thì mình học đến chỗ không học là học trở lại chính mình. Học để thêm hiểu biết, thêm kiến giải rồi có khi mắc kẹt trên đó, trên những cặn bã của người.

Ở đây mình phải học để soi trở lại chính mình, để thấy trở lại những lẽ thật nơi chính mình để tiến lên, thì đó mới là chân thật học đạo. Học rồi còn phải tu, tức là học rồi phải thực hành, có tu mới sáng, mới khai thác được lẽ thật nơi mình, nếu chỉ dừng ở sự học thì đó là của Thầy, của Tổ. Cho nên, làm gì thì làm, điều căn bản là chúng ta cũng phải có ứng dụng thực hành, có tu tập thì chỗ học của chúng ta mới thật có ý nghĩa và mới thật có chỗ đắc lực. Nó mới giúp cho chúng ta giải quyết được những vấn đề phiền não đau khổ hoặc mê lầm. Đơn giản như, khi học nghe nói nơi mình cũng có tánh giác sáng suốt, chứ không phải cái chúng sanh này. Khi nghe hiểu cũng sáng nhưng nếu không chịu thực hành tiến tu, thì khi gặp chuyện này chuyện kia liền tối tăm trở lại. Bởi vậy, chúng ta phải thực hành để chiêm nghiệm ý nghĩa đó ngay trong bản thân, ngay trong sinh hoạt của chính mình, để khi gặp chuyện chúng ta thấy đúng rõ lẽ thật nó là như vậy, nhờ thế mà nó luôn có sức soi sáng cho mình.

Học đạo như vậy thì đầy đủ ý nghĩa và bảo đảm là càng học Phật càng sáng suốt, càng bớt mê lầm, bớt phiền não và bớt đau khổ. Khi được vậy thì tự mình có niềm vui rồi cũng ảnh hưởng đến người chung quanh. Nghĩa là, mình vui rồi thì ở đâu mình cũng tạo ra cái không khí vui vẻ chung quanh, nếu mình hay buồn bực phiền não thì cũng ảnh hưởng cho những người chung quanh. Hiểu rồi và để cho cuộc sống càng vui thêm thì mỗi người cần ứng dụng sống, tu tập cho tốt để có những bước tiến trên đường học đạo của mình và thực sự có niềm vui trong khi học đạo, tức là niềm vui với pháp. Ở đây muốn nhắc mỗi người đều có Phật tánh hay tánh giác, thì ai cũng có khả năng để tiến đến giác ngộ. Như vậy, không ai mặc cảm là mình không làm được.

4. Tóm Kết

Giác ngộ chân thật là ở ngay trong chính mỗi người chứ không đâu khác; và ai có tâm tức là có Phật, đều có khả năng giác ngộ để chuyển hóa mê lầm. Hiểu rồi thì có đầy đủ niềm tự tin tiến tu và khỏi cần phải đi soi căn xem tu được hay không? Ai cũng có Phật tánh nên ai cũng có căn tu chỉ là khéo biết khai thác hay không và nhanh chậm là còn tùy mỗi người.

Nếu những đời trước mình có trồng căn lành chưa được nhiều thì đời nay mình phải khéo nỗ lực nhiều hơn. Còn người khéo trồng nhiều căn lành thì họ khai thác nhanh hơn, họ ít ra công hơn. Nhưng nếu xét thấu ba đời thì cũng không ai hơn ai hết, người kia sở dĩ tu nhanh hơn mình là tại vỉ họ có huân tập nhiều đời, nhờ vốn liếng nhiều nên giác ngộ và thành tựu sớm hơn thôi. Nếu hiện tại chúng ta cũng khéo vun bồi vốn liếng như thế thì đời sau sẽ hơn những người khác. Vậy thì cũng không ai hơn ai.

Hiểu rồi, thì chúng ta sẽ có đầy đủ niềm tin để tiến tu vì ai cũng có khả năng giác ngộ để vươn lên khỏi cái chúng sanh mê lầm này. Cho nên, không được tự khinh mình rồi thành lui sụt. Và nếu ai cũng có khả năng giác ngộ, tại sao chúng ta không chịu giác? Chư Phật ra đời là để đánh thức cho tất cả chúng sanh khám phá ra lẽ thật này để giác ngộ vươn lên, chứ không có gì khác. Lục Tổ Huệ Năng khi đã tỏ ngộ được Ngũ Tổ dẫn đưa qua sông chỉ đường lánh nạn. Khi xuống thuyền, Lục Tổ giành lấy cây chèo thưa với Ngũ Tổ: “Khi mê nhờ thầy độ, ngộ rồi thì phải tự độ”.

Mỗi người cần phải có một cái nhìn đúng đắn như vậy, khi mê chưa biết thì phải nhờ thầy chỉ dẫn, khi ngộ rồi thì phải tự độ. Không phải lúc nào cũng ỷ lại vào thầy, phải có chí khí mạnh mẽ chứ không được ỷ lại vào người hoặc là ỷ lại vào thầy tổ.

Thiền sư Hoàng Bá từng khai thị cho Tướng quốc Bùi Hưu: “Giả sử có người tinh tấn tu hành trải qua ba vô số kiếp, qua các địa vị cùng với người do một niệm chứng được thì chỉ là chứng cái sẵn có thôi. Kỳ thật, trên Phật của chính mình không có thêm được một vật gì. Xem lại công dụng nhiều kiếp thảy đều là việc làm trong mộng”.

Ngài Hoàng Bá nói rõ là, dù cho người tu hành tinh tấn trải qua ba vô số kiếp, vượt qua các địa vị, cuối cùng so với người ngay một niệm mà chứng được thì cũng chỉ là chứng cái sẵn có thôi, chứ không có gì khác. Người tu nhiều đời cùng với những người ngay đây chứng được thì cũng là chứng cái sẵn có chứ không có thêm cái thứ hai, thứ ba. Nên Ngài nói là, xét lại thì công dụng trải qua nhiều kiếp tu hành giống như là việc làm trong mộng. Ý nói không phải do tu hành lâu dài mà được thêm cái khác.

Dụ như người nằm mộng mơ thấy bị cọp rượt, hoảng hốt chạy tới bờ sông gặp chiếc bè hay chiếc thuyền, liền nhảy lên bè ra sức chèo qua sông. Trong khi đang chèo, gần tới bờ sông bỗng giật mình thức dậy, lúc ấy có ngồi tính công là nhờ chèo cật lực mới qua tới bờ bên kia thì sao? Tức là vẫn chưa hết mộng.

Đây cũng vậy, lúc ở trong mê chưa biết nên phải tu tập gạn lọc, cuối cùng giác ngộ lẽ thật sẵn nơi mình mà lâu nay không biết, nhận ra những mê lầm cùng sự tu tập đã trải qua cũng là như mộng. Cuối cùng sống trở về với cái thật của mình đâu phải thêm gì khác, là cái sẵn có chớ không do công phu tu tập mà được, liền quên hết không tính công tu tập.

Điểm muốn nhấn mạnh là, chúng ta phải khéo sống trở lại cái gần nhất là chính mình và nguồn gốc chân thật của chính mình. Phải tìm cho ra. Sống như vậy mới là sống có nguồn có cội. Nếu nguồn gốc của mình mà không biết thì mình đang sống với cái gì? Nguồn gốc không biết tức là đang sống mất gốc. Có thấy buồn chăng? Nếu thấy buồn thì cũng còn tốt, còn không buồn thì cũng không biết nói sao!

Mong rằng mỗi người hãy khéo nhận ra chỗ khiếm khuyết này để thức tỉnh sáng được nguồn gốc chân thật nơi chính mình mà tự bỏ quên. Đó chính là niềm vui lớn nhất trong thế gian này, không có niềm vui nào hơn.