Sống Không Hận Thù
Tỳ Kheo Thích Thông Phương

 

Sống Không Hận Thù

I. Tâm Hận Thù Là Thuốc Độc Hại Mình

Người sống mà ôm tâm hận thù thì đó là thuốc độc mạnh gây hại rất lớn. Vì vô minh chấp ngã nên người đời không thấy sự độc hại của tâm thù hận, do đó khi gặp ai xử tệ với mình, làm mình không vui hoặc gặp việc trái ý nghịch lòng thì ôm lòng hận thù nhưng đâu biết chính tâm hận thù đó giết chết mình mà không hay.

Thí dụ chúng ta ôm hận trong lòng là không vui, mà không vui thì ăn không ngon ngủ không yên. Khi ăn luôn nghĩ tới người làm mình giận nên ăn không ngon; lên giường ngủ mà nghĩ đến kẻ nghịch thì hận ngủ không được, cho nên tâm hận thù đó giết mình chết dần chết mòn theo thời gian. Hoặc khi đang vui vẻ hớn hở, nghe người đối nghịch với mình gặt hái được thành công hạnh phúc, mọi người khen ngợi là mình liền mất vui, là thấy khổ đến.

Xét lại từ đầu đến cuối toàn thấy khổ, nên tâm hận thù là thuốc độc hại người. Giả sử thấy người đó bị nạn là tâm mình thấy vui, đâu biết cái vui này là vui trên đau khổ của người khác. Niềm vui này không phải là niềm vui chân thật, mà chính là nhân đau khổ cho chính mình, cũng là thuốc độc hại người. Vui trên đau khổ của người khác là nhân ác thì sau này quả xấu sẽ đến với mình. Giống như thuốc độc mới ngấm chưa phát tán nên mình thấy vui nhưng khi nó phát tán sẽ thấy khổ ngay, nên niệm ác sẽ tương ưng với quả ác không thể nào tránh khỏi. Việc đó người trí không khen ngợi, phải nhớ nếu mình ôm tâm thù hận là ôm thuốc độc hại mình, không có ích lợi.

Như câu chuyện vua Lưu Ly con vua Ba-tư-nặc giết dòng họ Thích Ca. Vua Ba-tư-nặc là vị vua kính tin Phật pháp, ông muốn kết thân với dòng họ Thích Ca, nên sai người qua dòng họ Thích xin được kết hôn với dòng tộc đó. Nhưng dòng họ Thích thấy không xứng nên chọn con của một phi tần đưa sang, về sau người này lên làm hoàng hậu, và sinh được một hoàng tử tên là Lưu Ly.

Một lần, thái tử Lưu Ly về thăm quê ngoại, sau khi ra về, có cô cung nữ đến lau rửa chỗ nằm, ngồi của thái tử và cằn nhằn: “Chỗ ngồi của con một phi tần mà cũng mất công ta rửa!”. Tình cờ vị quan hầu của thái tử bỏ quên đồ trở lại lấy và nghe được. Câu chuyện đến tai thái tử Lưu Ly khiến ông tự ái ôm lòng oán hận thề khi lớn lên phải trả thù.

Hôm đó, vua Ba-tư-nặc đến Tinh xá nghe Phật thuyết pháp. Vua rất kính Phật, nên cởi mão, giao gươm báu cho người đi theo giữ, rồi tự vua đi bộ vào nghe Phật nói pháp. Bên ngoài, người giữ đồ có thành kiến với vua nên sẵn việc thuận tiện đem hết những đồ tượng trưng cho uy quyền của vị vua trao cho thái tử Lưu Ly rồi đốc thúc thái tử lên làm vua. Thái tử Lưu Ly vốn có tâm ham muốn ngai vàng nên nhân đó cướp ngôi của cha.

Khi vua Ba-tư-nặc nghe pháp trở ra không thấy quân hầu, rồi nghe thuật lại sự việc, vua Ba-tư-nặc liền qua nhờ cháu là vua A-xà-thế đem quân sang bắt thái tử Lưu Ly trách phạt. Nhưng trên đường đi nhọc nhằn, chưa vào cổng thành trời đã tối phải ngủ tạm bên ngoài, gặp trời khuya nhiều sương gió nên vua Ba-tư-nặc bị trúng cảm mà chết. Sáng ra, cô cung nữ theo hầu than khóc vì vua là một vị hoàng đế mà phải chết trong cảnh hẩm hiu. Tiếng đồn đến vua A-xà-thế, Ngài cho đem thi hài vua Ba-tư-nặc vào cung rồi tổ chức tang lễ long trọng.

Khi vua Lưu Ly lên ngôi liền nhớ đến hận xưa, đem quân qua giết dòng họ Thích Ca để trả thù. Hai lần kéo quân tới gần biên giới đều gặp Đức Phật khuyên răn. Lúc ấy, tại đó có hai cây rừng, một cây cành lá sum sê, một cây chỉ còn trơ trọi cành, Đức Phật ngồi ngay gốc cây trơ trọi. Vua Lưu Ly hỏi Đức Phật:

– Cây kia lá sum sê, sao Ngài không ngồi?

Đức Phật nói:

– Ngồi dưới bóng cây của gia tộc thân quyến mát hơn.

Vua Lưu Ly nghe biết là Đức Phật muốn nhắc nhở mình, hai lần đầu ông kéo quân về, nhưng ông vẫn quyết chí trả thù. Lần thứ ba, Phật không ngăn nữa vì biết đây là nghiệp của dòng họ Thích. Vua Lưu Ly giết dòng họ Thích xong, lúc kéo quân về đóng nghỉ ngơi bờ sông, tối hôm đó trời mưa nước lũ dâng lên cuốn trôi hết cả đạo binh chinh phạt. Vua Lưu Ly chết bị đọa vào địa ngục.

Như vậy, chúng ta thấy trả thù đâu có vui sướng gì! Trả thù xong rồi lại càng khổ thêm. Đó là một bài học để tất cả chúng ta thấy sự độc hại của tâm thù hận, nên phải khéo cẩn thận chớ ôm lòng hờn oán. Phật dạy trong kinh Pháp Cú:

Gieo khổ đau cho người

Mong cầu lạc cho mình

Bị hận thù ràng buộc

Không sao thoát hận thù.

Đem khổ đau cho người, cầu an vui cho mình, đó là chuyện không thể có, là tự hại mình càng ràng buộc trong hận thù, kết thành quả khổ lâu dài. Tâm thù hận là thuốc cực độc hại, người trí phải thấy rõ để ngăn ngừa hậu quả.

II. Giải Tỏa Hận Thù

Chúng ta tu hành theo Phật là cần giải tỏa hận thù, không ôm hay kết hận thù, mới xứng đáng là người Phật tử. Kinh Pháp Cú, Phật dạy:

Nó mắng tôi đánh tôi,

Nó thắng tôi cướp tôi, 

Không ôm hiềm hận ấy,

Hận thù được tự nguôi.

Nếu nghĩ nó mắng tôi, đánh tôi hoặc nó thắng tôi, cướp tôi rồi ôm lòng hận thì là khổ, nếu không ôm giữ lòng hận để hại lại thì hận tự nguôi. Bởi vì theo lý nhân quả, Phật dạy hại người là hại mình, đó là nhân ác trái với nhân thiện, là con đường đưa đến quả khổ đau nên người học Phật không nên làm. Chúng ta muốn hạnh phúc, an vui thì không nên đi trên đường hận thù trái với tâm Bồ-đề, trái với con đường tu học giác ngộ. Tâm Bồ-đề là tâm giác ngộ, đem tâm giác ngộ đến cho người để người bớt khổ, giờ làm hại người là trái pháp nên bị Phật quở.

Phật dạy tất cả chúng sanh sống trong vòng luân hồi vô tận này đều đã từng làm cha mẹ hoặc làm thân bằng quyến thuộc, anh em với nhau. Phật thí dụ có người lấy cây cắm bất cứ chỗ nào trên quả đất này cũng là chỗ Ngài từng bỏ thân mạng, cho đến ngay chỗ chúng ta đang ngồi cũng vậy. Trong vòng luân hồi, mỗi chúng ta đã sinh và chết vô số ngàn lần đến không thể tính kể. Trong vô số lần đó có những người đang ngồi chung quanh đã từng làm cha mẹ mình hoặc làm anh em mình mà mình không biết chứ đâu ai xa lạ.

Trong kinh Tâm Địa Quán, Phật dạy: “Hữu tình luân hồi thọ sinh trong sáu đường như bánh xe quay không có đầu mối trước sau, hoặc làm cha mẹ hoặc làm con cái đời đời kiếp kiếp mang ân lẫn nhau. Với kẻ nam người nữ thấy đồng như cha mẹ, do vì chẳng chứng Thánh trí nên không làm sao biết được hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta thì tại sao chưa báo đền cái ơn đời trước mà trở lại sinh ý nghĩ xấu để thành oán hận”.

Phật dạy chúng sanh luân hồi trong sáu đường như bánh xe quay, không biết đâu là đầu mối. Trong đó có chúng sanh hoặc làm cha, làm mẹ, làm con, anh em với nhau mà chúng ta không tự biết. Ngài nói vì chúng sanh chưa chứng Thánh trí nên không biết nhưng với mắt Phật, Ngài thấy hết thảy người nam người nữ vốn là cha mẹ, thì tại sao ơn đời trước chưa báo đáp, đời này lại mang ý xấu để oán hận nhau? Nghĩ như vậy chúng ta sẽ cởi mở hơn, thấy rõ mọi người chung quanh đều là thân bằng quyến thuộc của mình từ nhiều đời trước, vậy còn có ai đáng để mình oán hận.

Khi chúng ta quán kỹ thì sẽ có cái nhìn cởi mở hơn với những người chung quanh, nhờ vậy sẽ sống gần gũi để giúp đỡ, đền ơn cho nhau. Thấy tất cả đều là người thân, là cha mẹ của mình thì cuộc sống sẽ bớt ngăn cách, thêm vui vẻ. Nếu bước ra khỏi nhà gặp người thù thì khổ ngay, còn sáng mở mắt ra gặp người bạn đến thì vui vì hôm nay xem như là ngày may mắn. Chúng ta sống càng có nhiều bạn, bớt người thù thì đời sống sẽ thật vui, còn sống bớt bạn thêm thù là khổ. Tất cả mọi người sống trên đời, ai cũng muốn vui, không ai muốn khổ, thì phải tập sống theo hạnh xả bỏ hận thù và đem lại niềm vui cho những người chung quanh, tức quả an vui sẽ đến với mình.

III. Thực Hành Lòng Từ

Người tu tập tâm từ sẽ cởi mở những tâm oán hờn, vì lòng từ bi thương người đem niềm vui đến cho người thì không có oán hờn, không hại nhau. Chúng ta là đệ tử Phật cần tu tập tâm từ để đem niềm vui đến cho người, xóa bớt khổ đau cho thế gian. Cuộc đời này đã quá khổ chúng ta đừng làm khổ thêm mà phải biết chia sẻ những nỗi khổ cho nhau. Hòa thượng Tôn sư có làm bài thơ Mộng trong đó có câu “Gá thân mộng, dạo cảnh mộng”.

Gá là tạm mượn, chúng ta sống ở đây là mướn nhà trọ, thân này sống trọ năm ba năm, hoặc hai ba chục năm, hoặc tám chín chục năm, còn người khá hơn thì mướn trăm năm. Nhưng đâu có ai tin chắc là mình mướn trọ được trăm năm. Đời trước chúng ta tạo phước sống lâu thì mướn được lâu, ngược lại không tạo phước sống lâu thì mướn ngắn hạn, khi hết thời hạn cho mướn thì trả rồi đi. Có ai hết hạn rồi không chịu trả không?

Hòa thượng giảng mỗi người trên đời đều mang bản án tử hình và không ai tránh khỏi. Hiện tại chưa tử không phải là không tử mà là tử trễ hoặc tử sớm tùy theo nghiệp mỗi người, Diêm Vương kêu tên ai thì người đó tử, không cho biết trước thời hạn. Trong đạo tràng này không biết Diêm Vương kêu tử lúc nào, cũng có khi là ngày mai hoặc ngày kia kêu tử. Chúng ta đều là những người cùng chung số phận, mang bản án tử hình, cuối cùng rồi ai cũng bị xử tử.

Cho nên những người chưa bị tử phải biết cảm thông an ủi những người cùng chung số phận. Biết rõ là cuối cùng ai cũng lãnh bản án đó thì bớt làm khổ nhau, bớt ôm lòng thù hận mà cùng nhau chia sẻ, an ủi lẫn nhau để chuẩn bị cho ngày lãnh án, đó là điều thiết yếu nhất.

Đức Đạt Lai Đạt Ma nói: “Lý do chúng ta nên có lòng từ bi là vì mọi người ai cũng muốn sống hạnh phúc và không thích khổ đau. Mọi người sinh ra với những ước muốn giống nhau nên ai cũng có quyền bình đẳng để thành đạt các điều mong ước đó. Với tôi, so sánh tôi với vô số những người khác thì tôi thấy họ quan trọng hơn tôi nhiều, vì tôi chỉ có một trong khi những người khác thì số đông”.

Ngài dạy sở dĩ chúng ta phải có lòng từ bi với nhau vì chúng ta ai cũng muốn sống hạnh phúc, không ai thích khổ đau. Mình thích hạnh phúc, người khác cũng thích hạnh phúc, ai cũng có những ước muốn giống nhau là muốn hạnh phúc không muốn khổ đau nên ai cũng có quyền thành đạt những điều mong ước đó. Giả sử mình so sánh mình với mọi người thì mình thấy mình quan trọng hơn. Nhưng nếu chúng ta dùng cách như Ngài dạy so sánh mình với mọi người, mình chỉ là một, còn mọi người là số đông, số đông quan trọng hơn số ít. Vậy thì mọi người phải quan trọng hơn mình, mình phải trân trọng mọi người hơn mình. Mình không nghĩ về mình mà thường nghĩ về mọi người nhiều hơn thì lòng từ bi phát khởi, nhờ vậy sẽ sống cởi mở, gần gũi nhau hơn, làm giảm thiểu đau khổ hận thù trên thế gian.

Một cuộc sống tràn đầy lòng từ bi, sự thân thiện, thì thế gian này trở nên tươi đẹp, mát mẻ hơn. Gọi là người có từ trường tốt sẽ tỏa tốt ra chung quanh khiến mọi người cảm nhận được. Nếu từ trường xấu tỏa ra thì mọi người chung quanh cũng sẽ cảm nhận từ trường xấu ấy. Thí dụ đi xe năm chục chỗ ngồi mà mình vui vẻ, hoạt bát thì trên xe không khí vui vẻ, nhẹ nhàng. Lỡ có một người nổi sân thì không khí trở nên nặng nề làm ảnh hưởng chung quanh. Đúng theo tinh thần Phật dạy, tất cả chúng ta đều sống trong nhân duyên, có sự liên hệ với nhau, không thể tồn tại độc lập một mình. Cho nên, chúng ta phải sống sao cho có ý nghĩa tốt đẹp chung chứ không nghĩ riêng cho mình. Nếu mỗi người chỉ nghĩ đến mình không nghĩ đến người thì dễ làm đau khổ cho người và mình.

Tất cả cần tu tập tâm từ để cởi mở những hận thù thì cuộc sống sẽ vui vẻ hơn và chính đó là tu, tu như vậy thì bảo đảm bớt khổ được an vui. Phật cứu khổ chúng sanh rất thực tế, không phải Phật ban cho mình cái này, cái kia, mà Ngài chỉ đây là con đường an vui, đây là con đường đau khổ, để chúng ta biết đi đúng đường. Người nào muốn an vui thì đi con đường an vui này, muốn an vui mà đi đường đau khổ rồi cầu Phật ban vui là không được. Nếu chúng ta thực hành đúng theo lời Phật dạy thì bảo đảm hạnh phúc, chắc chắn cuộc đời mình sẽ vươn lên bớt khổ.

Học Phật, nghe pháp để ứng dụng tu tập đúng theo lời Phật dạy, căn bản của đạo Phật là không theo phiền não. Đúng chánh pháp là đi ngược với phiền não, nếu sống theo phiền não tức là sống ngược với chánh pháp. Nếu người tu Phật mãi ôm phiền não thì chưa đúng tinh thần của người Phật tử. Tu theo Phật là càng tu càng vui, đời sống được chuyển hóa đi lên, niềm tin đối với Phật pháp càng thêm vững chắc; còn học Phật ngày càng phiền não, càng chán, thì lâu ngày không muốn học Phật nữa. Chúng ta phải hiểu kỹ rồi ứng dụng vào đời sống hằng ngày thì sẽ có những bước chuyển hóa lớn.

IV. Tóm Kết

Chúng ta hiểu đúng nhân quả, làm khổ người chính là làm khổ mình, như vậy đâu có lý do gì chúng ta ôm giữ hận thù để tự làm khổ mình. Ôm hận trả hận thì hận càng chồng chất thêm, đó không phải là con đường an vui hạnh phúc, không phải con đường của bậc trí. Bậc trí ở thế gian là trí thức, thông minh nhưng cũng đi theo con đường đau khổ, có khi cũng ôm hận. Bậc trí theo Phật là đem lòng từ bi vào đời để chuyển hóa những đau khổ, hận thù cho thế gian, khiến cho cuộc sống có ý nghĩa cao thượng hơn, đây là việc làm cấp bách thiết thực nhất.

Thời Phật, có con quỷ Dạ-xoa có ân oán với người phụ nữ thành Xá-vệ. Nhân duyên là trong tiền kiếp lâu xa, có một chàng trai cha chết sống với mẹ, anh rất có hiếu chỉ lo phụng dưỡng mẹ. Anh nghĩ nếu lập gia đình thì tình thương bị chia sẻ cho vợ nên nên không lập gia đình. Người mẹ thương anh mong con mình bớt nhọc nhằn nên nhắc mãi, cuối cùng anh để mẹ kiếm một cô gái về làm dâu. Nhưng người vợ này không thể sinh con, mẹ anh bàn kiếm một cô vợ nữa để có con nối dõi, anh không chấp nhận. Cô vợ nghe nghĩ: “Nếu để mẹ cưới vợ cho chồng mình, sau này cô vợ mới có con sẽ được thương hơn”, nên cô chủ động tìm một cô gái trong làng cưới về cho chồng.

Khi cưới về, cô ân cần dặn dò cô vợ kế là khi nào có thai báo tin cho cô biết để cô chúc mừng. Cô vợ kế thật thà khi có thai liền báo cho cô biết. Cô vợ lớn nghĩ, nếu cô này sinh con sau này con lớn lên chắc chắn sẽ làm chủ gia đình, cô sẽ bị thất thế. Nghĩ rồi cô ngầm bỏ thuốc phá thai trong thức ăn của cô vợ kế, làm cô này bị sẩy thai, rồi lần thứ hai cũng thế. Những người hàng xóm hỏi thăm, cô thuật lại. Họ nói:

– Sao em khờ vậy, em bị người đàn bà đó hại rồi. Lần sau có thai đừng báo tin cho người đó hay nữa.

Lần sau có thai, cô không báo tin cho cô vợ cả biết, nhưng cái thai lớn dần nên người vợ cả biết, cô giận lắm tìm cơ hội bỏ thuốc để phá thai. Nhưng do thai quá lớn làm ảnh hưởng đến cô vợ kế chết luôn. Trước khi chết, cô ôm lòng oán hận, thề sẽ trả thù.

Cô chết sinh làm con mèo, trở lại căn nhà đó. Cô vợ cả bị chồng biết được quở trách, đánh đập nên thành bệnh rồi chết sinh làm con gà mái cũng ở trong nhà đó. Mỗi khi con gà này sinh ra trứng là bị con mèo ăn hết. Lần thứ nhất, lần thứ hai tới lần thứ ba nó ăn luôn con gà mẹ. Con gà này lúc chết cũng ôm lòng oán hận quyết trả thù lại. Gà chết sinh làm con beo, con mèo ít lâu cũng chết sinh làm con nai. Mỗi lần, con nai sinh con thì con beo đến ăn con của nai, đến lần thứ ba nó ăn luôn con nai mẹ. Con nai mẹ khi chết ôm lòng thù hận nguyện sẽ trả thù.

Con nai chết sinh làm nữ Dạ-xoa, con beo chết sinh làm cô gái thuộc một dòng tộc ở Xá-vệ. Khi sinh con đầu lòng, Dạ-xoa biến thành một người bạn đến thăm, lựa cơ hội xin ôm đứa bé rồi bắt ăn thịt luôn, lần thứ hai cũng vậy. Lần thứ ba đến gần ngày sinh, cô gái kia bàn với chồng trở về nhà cha mẹ để sinh nở, tránh xa nơi có quỷ Dạ-xoa ăn thịt người. Cùng lúc đó những vị quản lý sai quỷ Dạ-xoa đi công tác xa, nên nó không kịp theo dõi cô này, do đó cô được thoát. Khi quỷ Dạ-xoa hết hạn trở về, dò tìm biết được cô này về nhà cha mẹ sinh, nó quyết tìm đến để ăn thịt đứa bé.

Hôm ấy, nhằm ngày lễ đặt tên cho đứa bé. Đặt tên xong, cô vợ yên tâm nghĩ đã qua khỏi nạn nên bàn với chồng ẵm con trở về nhà. Trên đường về nhà đi ngang qua Tinh xá Kỳ-hoàn, phía trước Tinh xá có hồ nước, lúc này trời nóng nực cô bèn trao con cho chồng rồi xuống hồ tắm. Tắm xong cô lên ẵm con cho chồng xuống tắm, vừa lúc đó quỷ Dạ-xoa xuất hiện mà chồng lại đang tắm dưới hồ không kêu lên kịp, cô hoảng sợ ẵm đứa bé chạy thẳng vào Tinh xá gặp lúc Đức Phật đang thuyết pháp. Cô đặt đứa bé dưới chân Phật xin cứu đứa bé.

Khi Dạ-xoa chạy đến thì bị vị thần trú ở cổng Tinh xá ngăn không cho vào. Đức Phật biết, bảo Tôn giả A-nan gọi vào. Phật dạy: “Sao ngươi lại làm như vậy! Nếu không gặp một vị Phật như ta thì ngươi sẽ ôm ắp mối hận này đến ngàn đời, không khác gì con rắn và con cáo run rẩy giận dữ, như quạ và cú, sao ngươi lại lấy oán trả oán, chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù”.

Phật nói kệ Pháp Cú:

Hận thù diệt hận thù

Đời này không có được.

Không hận diệt hận thù

Là định luật ngàn thu.

Đó là bài học nhắc cho tất cả, đem hận diệt hận thì càng kết thêm hận, chỉ không hận diệt hận đó là định luật ngàn thù. Nói rõ hơn chỉ có từ bi mới diệt hận thù. Đức Phật đọc bài kệ này xong, quỷ Dạ-xoa đắc quả Tu-đà-hoàn, những oan trái được cởi mở.

Chúng ta phải tập cởi mở hận thù, không kết oan trái với nhau để chịu khổ lâu dài đời này qua đời kia không đem lại lợi ích gì. Phải thực hành lòng từ, đem tình thương đến với mọi người, đó là cách hay nhất để giết hận thù, là con đường tốt đẹp nhất cho mọi người cùng chung bước. Người cứ ôm hận là chưa biết tu, có vị nào còn tự hào: “Tôi giận người nào thì mười năm cũng không quên!”. Nói vậy tưởng hay, ai ngờ lại không hay. Nếu trong đời có mười người mình giận như vậy thì mỗi ngày sẽ nở được bao nhiêu nụ cười? Một người giận mười năm, mười người giận trăm năm, như vậy mỗi ngày mở mắt là một bầu trời ảm đạm tối tăm, không thấy nụ cười đâu cả!

Cho nên, nếu lỡ hờn một chút rồi buông thì mới cười được, mà cười thì sống lâu, các thầy thuốc nói một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Uống mười thang thuốc mà phiền hận thì bệnh vẫn còn, còn người vui vẻ, hân hoan sẽ bớt bệnh. Chúng ta tập cởi mở như vậy là tự đem an vui cho mình, cũng là lợi ích cho chính mình. Mình được lợi ích cũng ảnh hưởng lây cho mọi người, như vậy là tự lợi lợi tha đầy đủ thì cuộc đời sẽ an vui tốt đẹp hơn. Tuy chúng ta chưa thành Thánh, chưa giải thoát, cũng còn tâm phàm nhưng biết buông xả cho nhẹ nhàng, đó là cách sống an vui. Cái gì càng ôm giữ, càng thu vào nhiều thì sẽ nặng nề, còn muốn nhẹ nhàng thì phải buông bỏ bớt. Thí dụ người ta cho cái gì cũng gom hết đựng đầy tủ, rồi phải mua thêm cái tủ nữa như vậy gom hoài không có chỗ chứa, thì rất nặng nề.

Nhất là những vị đi xa, gánh nặng gặp trời nắng, muốn bớt mệt thì đặt gánh nặng xuống nghỉ ngơi là nhẹ nhàng ngay, cố gánh hoài thì càng mệt, càng gánh càng nặng thêm. Người biết học pháp thì nhìn chung quanh ở đâu cũng là pháp để học, chứ đâu phải học pháp là vào chùa nghe quý thầy giảng mới là học pháp. Khắp nơi đều có chỗ cho chúng ta học, thấy đâu cũng có pháp để hành, thì không có phiền não xen vào. Chúng ta tập ứng dụng sống cho xứng đáng là người Phật tử, hằng ngày nhìn nhau thấy cười nhiều hơn nhăn nhó là sống vui sẽ bớt tiền thuốc, bác sĩ cũng được nghỉ hưu.

Mong tất cả luôn thực hành pháp, chuyển hóa những tâm thù hận để sống một cuộc đời không hận thù. Đây là con đường hạnh phúc chân thật cho thế gian, chúc tất cả lên đường an lành.

 

Sống Không Khoảng Cách

I. Thế Gian Vô Thường

Thế gian là tạm bợ, cuộc đời thật ngắn ngủi không chắc chắn, chúng ta luôn nhớ để sống với nhau không ngăn cách. Người đời không hiểu nên có những kiến chấp làm cuộc sống ngăn cách tạo thành cuộc sống khổ đau. Là người học theo pháp Phật biết rõ cuộc đời ngắn ngủi, không ai sống mãi ở thế gian để làm đối tượng ngăn cách.

Chúng sanh vì mê lầm cứ nghĩ là mình sống lâu ở đời, khi có chuyện liền chấp cứng thành ra sống cách biệt nhau, làm cuộc sống mất đi vui tươi. Sự thật không có ai sống lâu trên thế gian này để làm đối tượng ngăn cách, đó là ý nghĩa rất tế nhị, rõ ràng. Hiểu được điều này thì sẽ có cuộc sống nhẹ nhàng gần gũi với nhau hơn.

Người thế gian cứ nghĩ sống để tạo sự nghiệp này, sự nghiệp kia v.v…, nhưng có một điều mà tất cả đều quên, là cuộc sống đây rồi sẽ đi đến cái chết, có sinh ra là có tử, đó là chân lý muôn đời.

Hòa thượng Tôn sư có câu chuyện về con tàu kỳ diệu, con tàu chạy ra biển nhưng không có người lái, nếu ai ngồi trên tàu là không có quyền tự chủ, nó cứ đưa mình đi ra biển. Cuộc sống này cũng vậy, tất cả mọi người đều ngồi trên con tàu vô ngã này không tự chủ được, nó đưa đến đâu là đi đến đó. Có thể tàu đưa đến sớm thì tới mục tiêu sớm, đưa đến trễ thì tới mục tiêu trễ, không ai có quyền quyết định, mà mục tiêu đó là lao xuống biển, tức cái chết!

Chúng ta sống gặp gỡ nhau cũng như người đi đường gặp nhau một chút rồi chia tay, vì hiện tại có mặt ở đây nhưng rồi sẽ chết, dù muốn hay không cũng không ai tránh khỏi chỗ đó. Ngài Hàn Sơn hóa thân của Bồ-tát Văn-thù, có một bài kệ nhắc nhở người đời:

Ta thấy người trên đời,

Sinh ra rồi chết đi.

Sáng qua còn quá trẻ,

Chí trai hào khí đầy.

Nay đây đã bảy chục,

Sức yếu hình ốm suy.

Hoa xuân lại giống hệt,

Sớm nở tối tàn rồi.

Nguyên văn chữ Hán:

Ngã kiến thế gian nhân

Sinh nhi hoàn phục tử

Tạc triêu du nhị bát

Tráng khí hung khâm sĩ.

Như kim thất bát quá

Lực khốn hình tiều tụy

Khước tự xuân nhật hoa

Triêu khai dạ lạc nhĩ.

Ngài nói người trên đời có sinh ra rồi cũng chết đi, sáng qua thấy còn trai trẻ thanh xuân, hào khí đầy; nhưng hôm nay nhìn lại đã bảy mươi rồi, sức yếu hình ốm suy, hoặc giống như hoa ngày xuân, buổi sáng nở, tới tối đã rụng rồi. Nhìn theo con mắt pháp thì mấy chục năm qua giống như sáng hôm qua tới sáng hôm nay vậy thôi, có gì là chắc chắn lâu dài!

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

– Đời người sống được bao lâu?

Một Tỳ-kheo đáp:

– Được vài ngày.

Phật nói:

– Ông chưa hiểu đạo.

Có Tỳ-kheo khác thưa:

– Đời người sống trong bữa ăn.

Phật bảo:

– Ông cũng chưa hiểu đạo.

Vị Tỳ-kheo khác thưa:

– Đời người sống trong hơi thở.

Phật chấp nhận:

– Đúng vậy! Ông mới thật hiểu đạo.

Dưới con mắt pháp, đời người rất ngắn ngủi chỉ trong hơi thở. Cho nên nói hôm qua còn trai trẻ, hôm nay đã già suy, là còn hơi lâu, đúng theo ý Phật là chỉ trong hơi thở. Thở ra không hít vào là chết.

Thí dụ từ TP. Hồ Chí Minh đi xuống Chánh Giác phải đi 100km. Nhưng muốn qua 100km phải qua từng km, từng mét, từng bước chân ráp lại, mới thành 100km. Nếu không đi bước chân nào làm sao qua được 100km!

Cũng vậy, đời người sống qua từng hơi thở rồi cộng lại thành bảy tám chục năm, nếu hơi thở không cộng lại là chết. Nhìn như vậy mới là nhìn chính xác, còn nhìn bảy tám chục năm là nhìn theo hướng thô bên ngoài nên chưa thấy chính xác.

Như vậy, chúng ta hiện có mặt với nhau đây, giống như đi đường gặp một chút rồi chia tay, có gì đâu phải sống ngăn cách. Gặp rồi chia tay mỗi người mỗi ngả, không biết là ai sẽ đi đâu! Như vậy mà tạo thành khoảng cách với nhau để làm gì?

Hiện tại, nếu chúng ta tạo sự ngăn cách với nhau để cuối cùng cũng gặp nhau là đều phải chết. Đây là nỗi khổ mà mỗi người học đạo cần nên nhớ, thường xuyên quán chiếu để cởi mở, xóa tan dần những đối đãi vô nghĩa với nhau. Bởi nó không có giá trị, chỉ do lầm mê, cho nên chúng ta càng sống trong khoảng cách là càng sống trong đau khổ.

Câu chuyện hai huynh đệ có thành kiến với nhau cùng chăm sóc vị thầy. Một vị bóp chân phải, một vị bóp chân trái, cùng ngồi chung mà như xa vời. Một hôm, vị bóp chân trái có công tác đi vắng, vị bóp chân phải nghĩ trả đũa anh kia cho hả giận. Anh tìm cách lấy đá đập chân trái của thầy bị thương tích. Vị kia về thấy vậy tức giận đập chân phải của thầy luôn! Hai vị có thành kiến với nhau nhưng làm khổ lây cho thầy. Hai chân thầy có dính dáng gì đâu mà bị thương tích. Chúng ta thấy làm như vậy có vui sướng gì đâu chỉ khổ mình, khổ người, khổ lây cho ông thầy.

Thí dụ như trong gia đình, hai anh em thành kiến với nhau thì chính hai người đó khổ, rồi khổ lây cho gia đình, cha mẹ không vui. Việc làm như vậy chỉ làm tổn thương cho mình, cho người, không vui sướng gì, vậy tại sao chúng ta làm?

Chúng ta hiểu vậy để có cái nhìn sáng suốt hơn, tập bớt dần những kiến chấp. Mỗi người cần ghi nhớ điều này: “Ai ai rồi cũng phải chết”, không ai tồn tại hoài, còn có ai ở đây để ngăn cách, phiền trách nhau!

Đối với con mắt của nhà Phật, người ngu hay người trí là chỗ này. Sáng được điều này là trí tuệ, chưa sáng được điều này là si mê.

II. Tập Sống Vô Ngã

Sở dĩ chúng ta sống ngăn cách với nhau đầu mối là vì cái TA này. Nếu không có nó thì lấy gì để ngăn cách? Đó là gốc của vấn đề, nên mỗi người phải biết quên cái TA ngăn cách. Bởi nó là cái TA ảo tưởng không phải thật. Nói theo Phật pháp, đó là cái TA vô minh lầm chấp, cái TA hư vọng điên đảo thôi.

Chấp vào cái TA này nên thấy nó quan trọng, phải bảo vệ nó, sợ nó bị tổn thương, thiệt thòi, sợ bị xúc phạm v.v… nên có sự ngăn cách với nhau. Song quán kỹ lại cái TA này là gì? Từ đâu mà thành? Cái đầu là mình hay mắt là mình hoặc miệng là mình hoặc tay chân là mình? Đều không thể được. Tổng hợp những thành phần đó lại tạm gọi là ta, nếu tách riêng các phần đó thì không có gì là ta.

Xét kỹ hơn, ban đầu gom của cha mẹ lại, sau đó gom đất, nước, gió, lửa, những chất cứng, chất ướt, hơi nóng, chất gió là chất động, là sắc thuộc về phần vật chất; thọ, tưởng, hành, thức, là phần tinh thần, hợp lại thành năm uẩn. Do cái vọng chấp rồi bám vào nó, ai đụng tới là không được, thành ra có sự ngăn cách. Hiện nay học đạo phải biết tường tận chỗ này, không thể nhắm mắt lờ qua. Cái “ta” chỉ là tổ hợp của năm uẩn gọi là gia đình năm anh em sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm anh em cộng với cha vô minh, mẹ tham ái thành ra gia đình năm uẩn, không có gì thật là ta, sao lại mặc tình ngăn cách nhau!

Đức Phật dạy đó là “cái ta điên đảo vọng tưởng”, không có thật. Nhưng mọi người bị nó gạt, không biết bao nhiêu người trên thế gian này mê nó! Trên thế giới này mấy tỉ người mà nó gạt chừng bao nhiêu tỉ? Nó gạt luôn cả những người sáng mắt. Đúng thật là:

Ta ơi là ta,

Mi ở đâu ra?

Mà làm điên đảo,

Khắp cõi Ta-bà.

Không biết nó ở đâu ra mà làm điên đảo hết những người trong cõi Ta-bà. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:

Thành này làm bằng xương

Quét tô bằng máu thịt.

Ở đây già và chết

Mạn, lừa đảo chất chứa.

Đây tạm ví dụ thân này là cái thành. Thành này làm bằng xương, quét tô bằng máu thịt, rồi dần dần đưa đến già chết. Mạn, lừa đảo chất chứa, trong đây chất chứa những thứ mạn, những thứ lừa đảo, vì nó mà thêm lớn cái ngã hư dối. Người học đạo cần phải có trí tuệ quán chiếu thấu rõ cái lầm mê điên đảo này. Quán kỹ về năm uẩn:

– Sắc thân này trước khi thọ thai thì nó chưa có, sau chết đem thiêu thành tro. Như vậy, trước khi thọ thai thì chưa có, sau khi chết cũng như không, khoảng giữa là tạm có nhưng luôn biến đổi không dừng, nay trẻ mai già, hoặc bệnh hoạn, luôn thay đổi không cố định, vậy bám vào đâu? Sắc thân này là không có chỗ bám.

– Thọ là những cảm giác, cảm thọ, đối cảnh mới có. Mắt tiếp xúc với sắc trần, tai xúc với thanh trần v.v… mới có thọ. Thọ chỉ tạm có khi xúc với trần, khi ngưng tiếp xúc là hết cảm thọ.

– Tưởng là duyên với cảnh hoặc là quá khứ, hiện tại, vị lai để tưởng, cũng là vọng thôi. Nếu không có cảnh để duyên thì tưởng cái gì? Cũng không tưởng gì được, không có chỗ thật để nương gá.

– Hành là những niệm sinh diệt vi tế không dừng, cũng đâu có gì gọi là ta.

– Thức là phân biệt, tích chứa những thứ hư dối, những chủng tử, ngoại cảnh để làm thành cái biết phân biệt, khi trả hết những thứ đó rồi cũng thành không.

Như vậy trong những thứ đó, lấy cái gì gọi là “ta” để ngăn cách với nhau? Trong khi đó chỉ là những vọng tưởng không thật làm ngăn ngại.

Phải có cái nhìn đúng pháp, ngược lại với tình mê, thường thắp sáng lên chánh pháp, đem chánh pháp soi sáng lại thế gian. Đó là con đường của bậc trí, là chỗ gặp nhau trong ánh sáng. Trái lại sống theo tình mê là bỏ mất chánh pháp.

Nếu bỏ chánh pháp theo tình mê là sống theo tối tăm, vô minh che phủ, do đó tạo thành ngăn cách. Sống ngăn cách là sự sống bị chia chẻ, nhạt nhẽo mất ý nghĩa sự sống. Tự mình biến sự sống thành sự chết thì khổ đau trước mắt, tại sao chúng ta phải làm như vậy?

Là người học đạo, chúng ta phải khéo cho cuộc đời thêm niềm tin, sống gần gũi nhau, như vậy cuộc đời sẽ tươi sáng vui hơn. Trong kinh Pháp Cú có bài kệ:

Người siêng năng cần mẫn

Thường thường quán thân niệm.

Không làm việc không đáng

Gắng làm việc đáng làm.

Người tu niệm giác tỉnh

Lậu hoặc được tiêu trừ.

Phật dạy: Người thường siêng năng cần mẫn, quán thân người để cởi mở những tình mê về nó. Biết bản chất thật của nó là tổ hợp nên phải thường tu niệm giác tỉnh. Giác tỉnh là hướng theo chánh pháp, biết việc đáng làm, không đi theo tình mê. Vì tình mê dẫn chúng ta vào trong khổ đau rồi sống ngăn cách, đó là việc không đáng làm.

Cố gắng làm những việc đáng làm là sống đúng chánh pháp. Còn thế gian ngược lại không đáng làm mà làm, đáng làm lại không chịu làm, rồi phải chịu buồn khổ, than thở, cầu cứu, nhưng ai cứu được mình đây?

Chúng ta tập chuyển cách sống đúng theo chánh pháp, dần dần tiêu trừ mê lầm, phiền não được tiêu mòn, thì bảo đảm hết đau khổ, ngược lại là tự đưa mình vào chỗ tối tăm, đau khổ, chứ không phải ai đem đến cho mình. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:

Vui thay chúng ta sống,

Không bệnh giữa ốm đau.

Giữa những người bệnh hoạn,

Ta sống không ốm đau.

Vui vì được sống không bệnh hoạn giữa những người bệnh hoạn. Ngược lại, giữa những người bệnh hoạn, mình cũng bệnh hoạn giống họ thì có vui gì?

Những người thế gian đang sống trong bệnh hoạn, đau khổ, phiền não, mỗi ngày càng làm tiêu mòn đời sống của mình. Phật dạy người học Phật phải sống giữa những người bệnh hoạn mà mình sống không bệnh hoạn, sống lành mạnh mới là thật vui.

Phải tập quán chiếu để quên đi sự ngăn cách giữa mình với người, cho có sự gần gũi mà cùng hướng về ánh sáng của chánh pháp. Trong phẩm Nhập Bồ Tát Hạnh, Bồ-tát Tịch Thiên nhắc nhở mọi người tập quán chiếu: “Đối với tinh huyết của người khác, vốn không phải thân tôi, mà vì tập quán, tôi đã xem sự kết tụ tinh huyết ấy là tôi. Vậy sao thân người khác, tôi không thể xem là mình! Do vậy, đem đổi thân mình thành thân người cũng không khó lắm”.

Quán kỹ như vậy sẽ sống gần gũi với nhau lắm. Ngài nói tinh huyết của người khác vốn không phải thân tôi, mà vì những thói quen mê lầm lâu đời, tôi xem sự kết tụ những tinh huyết ấy là tôi, nhận đó là thân tôi. Nghĩa là tinh huyết của cha mẹ không phải là mình, mà mình vẫn xem là mình được. Vậy thân của người khác cũng không phải là mình, tại sao mình không xem là mình được? Ngài nói nếu theo đó mà quán đổi thân mình với thân người khác cũng không khó lắm.

Với cách nhìn đó, chúng ta sẽ bớt những khoảng cách với nhau. Càng sống gần với nhau, đem lại an lạc cho mình cho người và thế giới hòa bình. Phật pháp dạy chúng ta đi từ căn bản, mọi người tự gạn lọc nội tâm mình cho tốt, lành mạnh, sẽ tỏa ra chung quanh. Tâm thanh bình tỏa ra bên ngoài cũng thanh bình, bảo đảm thế gian cũng thanh bình.

Nếu trong tâm còn nhiều bệnh hoạn sẽ ảnh hưởng bên ngoài, làm sao thanh bình được! Nếu người cả thế giới này, nội tâm đều được thanh bình trong sáng thì cõi này sẽ chuyển thành cõi Tịnh độ.

III. Tóm Kết

Cuộc sống ngăn cách là cuộc sống vô nghĩa, sống cũng như chết. Chúng ta nên tập xóa tan bớt những khoảng cách, để cuộc sống được an vui đầy ý nghĩa. Mọi người sống đây có rất nhiều điểm đồng nhau nhưng lại bỏ quên.

– Thứ nhất, mọi người ai rồi cũng đi đến cái chết, dù là bạn hay thù, cuối cùng ai cũng chết như nhau.

– Thứ hai, ai cũng muốn an vui không ai muốn đau khổ, đó là điểm gặp nhau.

– Thứ ba, dù là nam hay nữ hoặc là sang hay hèn, ngu hay trí v.v…, nhưng cùng mang thân năm uẩn như nhau là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Điểm đồng nhau là cùng một tổ hợp năm uẩn.

– Thứ tư, cùng ở trong nhà lửa tam giới đang bị thiêu đốt. Dù người thế này thế kia, thân sơ, thù hận gì thì cũng bị lửa vô thường thiêu đốt, không ai ra khỏi, tức đều bị lửa vô thường thiêu đốt như nhau.

– Thứ năm, cùng sống trong vô minh lâu đời như nhau. Dù sang hèn hay ngu trí, thân thù gì thì ở trong đây đồng là sống trong vô minh. Nếu không sống trong vô minh lâu đời thì đã giải thoát không còn ở đây.

Chúng ta phải thấy được những điểm đồng nhau này mà cởi mở bớt những ngăn cách. Sống với tâm không biên giới sẽ gần gũi nhau hơn.

Đã có rất nhiều điểm giống nhau, tại sao chúng ta không thường gặp nhau để mang đến cho cuộc sống nhiều tốt đẹp hơn. Mong rằng đây là bài học căn bản cho tất cả để có một cái nhìn thông suốt, rộng rãi hơn, mỗi ngày mình gặp nhau vui vẻ hơn và có thêm nhiều bạn bè hơn.

Cuộc sống có nhiều bạn thì càng vui, còn ngăn cách là ít bạn thêm thù, tăng khổ đau. Nếu bước ra đường gặp bạn bè thì bắt tay chào vui vẻ, nếu ra đường gặp kẻ thù thì mặt mày cau có. Con đường hạnh phúc hay khổ đau là ngay trước mắt đó thôi.

Mong rằng mỗi người học kỹ bài học này để sống xóa tan khoảng cách với nhau mà cùng gặp nhau trong niềm vui với chánh pháp.

 

Hãy Nhớ Cái Chết Đang Chờ Chúng Ta

I. Con Người Sinh Ra Là Để Nhận Cái Chết

Chúng ta sinh ra là để nhận cái chết, nghe vậy có ai sợ không? Nhưng đó là lẽ thật của kiếp sống con người.

Khi mới mở mắt chào đời, thế gian chỉ nói bốn chữ “mở mắt chào đời” thôi, nhưng phải hiểu thêm là mở mắt chào đời cũng đồng nghĩa là “chào đón cái chết”. Vì con người có sinh thì phải có tử, nên khi chào đời cũng là chào cái chết. Đó là lẽ thật nhưng ở thế gian ít ai dám nói đến phần sau.

Chúng ta là người học đạo nên nói thẳng không tránh né, không sợ, nghĩa là sinh đi đôi với tử, chào sinh tức là chào tử, rõ ràng là như vậy. Và dù muốn dù không, là người tầm thường bình dân cho đến hạng sang cả, hạng vua chúa gì rồi cũng phải chấp nhận cái chết. Dù ai muốn tránh né cách nào đi nữa nhưng cuối cùng cũng phải chết, muốn cũng chết mà không muốn cũng phải chết.

Thế nên, tất cả chúng ta đang ngồi đây là đang ngồi để chờ đến phiên mình, vì chưa biết là ai được kêu đi trước. Nói chung, tất cả nhân loại đều phải chết và đó là chân lý. Nói “tất cả nhân loại đều chết”, đó là còn nói trong giới hạn ở con người, còn nói rộng ra hơn thì tất cả chúng sanh đã có sinh là phải chấp nhận cái chết, hoặc là chết chậm hoặc chết mau. Ai thấy rõ được lẽ thật này đó là thấy pháp, sẽ có một cách sống an ổn và sáng sủa hơn như câu chuyện cô bé con người thợ dệt:

Khi Đức Phật đến vùng Ãlavi thuyết pháp, Ngài dạy quán niệm về sự chết. Có một cô gái con người thợ dệt mới 16 tuổi, nhưng sau khi nghe Phật thuyết pháp xong cô có cảm xúc sâu, trở về thực hành quán niệm suốt ngày đêm. Cô này đúng là có căn lành từ đời trước, mới 16 tuổi mà vừa nghe qua bài pháp về liền ứng dụng đến thâm nhập.

Ba năm sau, Đức Phật quán sát thấy nhân duyên cô bé này sẽ được độ vào dòng Thánh, Ngài mới cùng với 500 vị Tỳ-kheo đi đến vùng Ãlavi này để độ cho cô. Dân chúng vùng này rất vui mừng khi nghe tin Phật đến, cùng nhau đến lễ Phật cúng dường rồi nghe pháp. Cô bé ấy cũng rất vui mừng, nhưng cô phải đi đến xưởng dệt trước khi gặp Phật nghe pháp.

Người cha dặn cô là vẫn còn thiếu một khổ vải nữa cần phải dệt xong trong ngày, nên con phải quấn chỉ vào thoi cho đầy rồi mang đến gấp cho cha. Cô vâng lời ngồi vào đánh sợi để đem đến cho cha, nên lở dỡ thời nghe pháp.

Hôm đó, theo thông lệ khi Đức Phật thọ trai xong sẽ thuyết một thời pháp ngắn cho đại chúng nghe. Nhưng thọ trai xong, Phật vẫn ngồi im lặng không nói, cả đại chúng không biết hôm nay có chuyện gì mà không dám hỏi. Bởi mục đích của Phật đến vùng này là để độ cô gái ấy mà giờ lại không thấy cô trên pháp hội cho nên Ngài đợi.

Bấy giờ, cô bé đã đánh xong chỉ và đem đến xưởng dệt cho cha. Trên đường đi ngang qua Tinh xá, cô đứng lại bên ngoài chăm chú nhìn vào chỗ Đức Phật đang ngồi. Đức Phật nhìn thấy cô và cô ngầm hiểu ý là Phật muốn gọi chô vào. Cô liền vào đến gần nơi Phật ngự, cung kính đảnh lễ Phật rồi ngồi vào hàng thính chúng. Đức Phật hỏi cô:

– Con từ đâu đến?

Cô thưa: 

– Bạch Thế tôn! Con không biết.

Phật hỏi:

– Vậy con sẽ đi đâu?

Cô thưa:

– Bạch Thế tôn! Con không biết.

Phật bảo:

– Con không biết sao?

Cô thưa:

– Bạch Thế tôn! Con biết.

Phật bảo:

– Con biết thật chứ?

Cô thưa:

– Bạch Thế tôn! Con không biết.

Thính chúng trong pháp hội nghe vậy bực mình khó chịu vô cùng nghĩ rằng cô bé này sao trả lời với Phật có vẻ như giỡn chơi, bất kính. Cho nên pháp hội xôn xao, định quở trách hạch tội cô, nhưng Đức Phật biết nên bảo tất cả im lặng! Phật hỏi lại cô:

– Này con! Khi Như Lai hỏi: “Con từ đâu đến?”, vì sao con đáp là con không biết?

Cô mới thưa: 

– Bạch Thế tôn! Ngài hẳn là biết con từ nhà đến đây rồi. Nhưng Ngài hỏi như thế, theo ý con hiểu là Thế tôn muốn hỏi con là con từ đâu sinh đến đây, vì con không biết con từ đâu sinh đến nên con đáp là con không biết.

Phật khen:

– Lành thay!

Đức Phật hỏi tiếp:

– Này con! Còn khi Như Lai hỏi: “Con sẽ đi đến đâu?”, tại sao con đáp là con không biết?

Cô thưa:

– Bạch Thế tôn! Ngài thấy con cầm giỏ chỉ dệt này thì Ngài cũng biết là con đi đến xưởng dệt nhưng Ngài vẫn hỏi như thế, theo ý con hiểu là Thế tôn muốn hỏi con sau khi rời khỏi thân này con sẽ sinh về đâu? Điều đó con không biết cho nên con đáp là con không biết.

Đức Phật khen ngợi “Lành thay!” lần nữa. Phật lại hỏi tiếp:

– Này con! Vậy khi Như Lai hỏi: “Con không biết sao?”, lúc đó tại sao con lại đáp là con biết?

Cô thưa:

– Bạch Thế tôn! Con đáp như thế là vì con biết chắc chắn là con sẽ chết, cho nên con đáp là con biết.

Phật lại khen “Lành thay!” lần nữa và hỏi thêm:

– Này con! Và khi Như Lai hỏi: “Con có biết thật không?”, tại sao lúc đó con đáp là con không biết?

Cô thưa:

– Bạch Thế tôn! Con đáp như thế là bởi điều con biết chắc chắn là con sẽ chết, nhưng mà chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, buổi sáng hay buổi chiều v.v… con không biết cho nên con đáp là con không biết.

Phật lại khen “Lành thay!”, rồi Ngài dạy trong đại chúng:

– Các người không hiểu ý câu trả lời của cô bé cho nên mới nổi giận. Với người không có tuệ nhãn cũng giống như đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này.

Phật mới nói thời pháp, cuối thời pháp cô gái này chứng quả Tu-đà-hoàn. Sau đó cô mới đi đến xưởng dệt, đang lúc cha cô đang ngủ, cô đi tới đưa thoi cho cha. Cha cô giật mình choàng dậy kéo khung cửi, đầu khung văng trúng vào ngực cô khiến cô ngã ra chết, ngay đó sinh lên cõi trời Đâu-suất. Sau đó, cha cô phát tâm xuất gia và chứng quả A-la-hán.

Câu chuyện cho chúng ta thấy một cô bé mới 16 tuổi, nghe pháp rồi cảm nhận, về tu tập kỹ nên thâm nhập pháp. Khi Phật hỏi, lúc đó trong tâm cô luôn nghĩ đến pháp và cái chết, nên Phật hỏi là cô hiểu ý và đáp ngay. Còn đại chúng bấy giờ không hiểu được ý câu hỏi của Phật, nên nghĩ theo thế gian. Ở đây, cô bé này hiểu pháp rồi có thực hành pháp, nên khi cô chết cũng chết trong pháp, do đó mà cô đã vào dòng Thánh sinh lên cõi trời. Như vậy, cô đã nói lên đúng lẽ thật của kiếp người, cô sẵn sàng không hề che giấu sự thật vì biết chắc chắn là sẽ chết, cô tin chắc như vậy. Nhờ thường xuyên quán xét nên cô đâu có sợ chết, chết trong niềm tin đối với pháp nên được nhẹ nhàng.

Lúc cô chết chỉ mới 19 tuổi. Đối với thế gian, lứa tuổi này cũng thuộc về chết yểu, nhưng đối với cô thì không phải chết yểu, tuy tuổi thọ ngắn nhưng cô đã chết trong pháp. Cho nên, cái chết của cô là một cái chết trong sáng mà chúng ta phải học theo, vì nhiều khi người trăm tuổi chưa chắc chết được như vậy. Đó là điểm nhắc chúng ta thấy cái chết chắc chắn sẽ đến, phải thấy điều đó để rồi mỗi người có sự chuẩn bị. Trong tập Nhập Bồ Tát Hạnh của Bồ-tát Tịch Thiên, về chương Sám Hối Nghiệp Chướng, có mấy bài kệ nói về sự chết như sau:

“Thần chết không đáng tin cậy gì cả, không chờ tội của ta sạch hay chưa. Bất kể có bệnh hay không bệnh, tử thần đều có thể đoạt mạng, cho nên thật không thể ỷ vào sự sống của mình”.

Tức thần chết không đáng tin cậy, nó không chờ tội của mình sạch hay là không sạch, hoặc là có bệnh hay không bệnh, nó có thể đến đoạt mạng mình lúc nào không hay, cho nên không thể tin cậy, ỷ lại vào sự sống này.

“Kẻ thù hóa thành hư vô, người thân cũng tan đi như mây khói. Thân ta chắc chắn phải chết, tất cả rốt cuộc đều trở về không”.

Xét rõ thì kẻ thù rồi cũng chết, người thân cũng ra đi, và thân mình rồi cũng ra nghĩa địa, tất cả đều trở về không thì có nghĩa lý gì! Như vậy, thù oán, hờn trách để làm gì! Buồn phiền hờn trách nhau một chút rồi cũng chết, cũng là kéo nhau ra nghĩa địa thôi. Hơn thua nhau chút xíu rồi cả hai cùng ngã lăn ra chết, vậy hơn thua nhau để làm gì? Cũng không thể đem theo được, có đem theo là đem theo nghiệp ác. Hãy luôn nhớ kỹ.

“Mạng sống tiếp tục suy giảm từng ngày đêm không bao giờ ngừng, không thể nào tăng lên thì làm sao một kẻ như ta lại không chết?”.

Mạng sống này càng ngày càng giảm dần, bảo đảm đó là triệu chứng phải đi đến cái chết, vậy hãy thường xuyên suy gẫm về lẽ thật này. Đó là điều chúng ta phải biết để mở con mắt pháp cho sáng mà nhìn cuộc đời đúng pháp.

Đừng nhìn theo lối vô minh tăm tối mà đưa đến nhiều khổ đau, lo buồn, hơn thua v.v… những chuyện không đáng kể. Ngoài đời, một tấc đất có khi cũng tranh. Tấc đất cũng còn có cái cụ thể để tranh, còn có cái không cụ thể mà cũng tranh nữa! Như tiếng nói cũng tranh. Lời nói phát ra rồi liền tan như mây khói, vậy mà cũng tranh từng tiếng nói, ai nói hơn tôi là không chịu. Nhưng cuối cùng, hai người đều ngã lăn ra chết chứ không phải một người, vậy có nghĩa lý gì! Đó là điểm nhắc nhở chúng ta phải nhớ kỹ, quán kỹ để thấy lẽ thật, để mở con mắt mình luôn thấy pháp; để thường nhớ sinh ra đây là để nhận cái chết, nên khi còn sống tạm một lúc ở đây thì phải sống sao cho xứng đáng.

II. Sống Có Ý Nghĩa

Chúng ta đã thấy rõ lẽ thật của kiếp sống này như vậy rồi, sống đây là để nhận cái chết nên phải sống làm sao cho có ý nghĩa.

Ngay trong khoảnh khắc bấp bênh tạm bợ này, chúng ta sẽ chết bất cứ lúc nào, nên ai cũng hồi hộp sợ không biết cái chết đến lúc nào với mình! Vậy mà vẫn không khéo cứ lo giành giật, hơn thua làm khổ cho nhau trong giây phút tạm thời ngắn ngủi để chờ chết này. Vậy có ý nghĩa gì? Sống như vậy có thực là sống hay không? Chúng ta sống với cái đâu đâu, sống mà cũng như chết, cuộc sống thật thiếu ý nghĩa.

Như đã nói, hơn thua cho lắm rồi cũng ngã lăn ra chết như nhau, không có được gì. Nếu có được thì cũng được nấm mồ ở ngoài đồng hoang chứ không được ở trong nhà nữa. Trong khi tạo nghiệp ác gây đau khổ cho nhau, hơn thua giành giật, rồi nghiệp đó mang đi theo với mình, và được là được cái đó. Hoặc người khéo hơn khi sống tạo nghiệp lành, có được niềm vui là làm bạn với nghiệp lành cùng đi theo. Nghiệp ác nó đi theo nó hại mình chứ không phải bạn, còn nghiệp lành mới có niềm vui gọi là bạn, cũng đỡ khổ chút đỉnh.

Do đó, người trí phải chọn con đường nào để mình đi, được là được vậy thôi! Vì lúc đó ra đi một mình không ai đi theo cả, phải nhớ như vậy. Cha mẹ, vợ chồng thương cách mấy đi nữa cũng không thể đi theo. Thương nhiều cho mấy đến lúc đó không dám nhìn nữa nói gì là đi theo; có trường hợp không dám cho trở về là khác. Thí dụ chết nhằm ngày trùng thì con cháu sẽ ếm không cho trở về. Nếu nó giàu có sẽ làm đám ma linh đình cho bà con khen ngợi, nhưng khi đưa ra nghĩa địa rồi nó rước thầy ếm không cho về nhà, sợ về rồi rước nó đi. Mới thấy thế gian sống vừa tệ bạc vừa mâu thuẫn, đã rước thầy ếm không cho về nhà mà còn cúng cơm, là cúng cho ai ăn?

Người học đạo hiểu lý nhân quả, nếu chúng ta chưa tới số đừng sợ cha mẹ về rước đi; còn nếu tới số rồi cha mẹ không rước cũng phải đi, ếm cách mấy cũng phải đi. Nhờ vậy, chúng ta có cái nhìn sáng suốt, và sống có nghĩa hơn. Trong Nhập Bồ Tát Hạnh có bài kệ:

“Nếu khi chết ta phải bỏ lại sinh mạng này, cũng như tất cả người thân để ra đi một mình đến nơi vô định, thì kết bạn kết thù có ích lợi gì đâu!”.

Lúc đó bỏ lại hết, người thân cũng không đem theo được thì kết bạn, kết thù đâu có lợi ích gì!

“Do tạo những nghiệp bất thiện đời trước mà có ra những thống khổ đời này, vậy làm sao để thoát ly khỏi vòng nhân quả khổ. Ta chỉ nên ngày đêm tư duy như vậy”.

Nên thường xuyên tư duy quán xét về nhân quả khổ đau và cách để thoát ly nó. Đây mới là việc làm cấp bách, là điều cần thiết tư duy để chúng ta có hướng đi sáng sủa. Còn những chuyện buồn vui trong đời không quan trọng, dù kết bạn kết thù hay có vui chơi cách mấy đi nữa, khi chết rồi cũng bỏ lại hết.

Hiểu rồi chúng ta thấy được ý nghĩa việc làm của mình và sống cho xứng đáng. Do đó, khi còn sống tạm thời đây, còn đang ngồi đây để mà chờ chết thì chúng ta phải sống làm sao cho cuộc đời có chút ý nghĩa. Trong kinh Pháp Cú nói rõ:

Dầu sống một trăm năm

Ác giới không thiền định.

Tốt hơn sống một ngày

Trì giới tu thiền định.

Sống trăm năm mà không giữ giới tức là ác giới, lại không tu thiền định để tâm an ổn có công đức, chỉ phí nhiều thời gian, tạo nghiệp ác khổ thêm; không bằng chỉ sống một ngày mà biết tu, biết giữ giới.

Ai sống một trăm năm 

Ác tuệ không thiền định,

Tốt hơn sống một ngày

Có tuệ tu thiền định.

Sống một ngày có tuệ, có tu tập thiền định, có công đức, một ngày như vậy mà xứng đáng hơn cả một trăm năm kia.

Ai sống một trăm năm

Lười nhác không tinh tấn.

Tốt hơn sống một ngày

Tinh tấn tận sức mình.

Một ngày mà sống tinh tấn còn hơn sống trăm năm buông lung, cho nên chúng ta thấy mình vào chùa tu hành 20 năm mà buông lung vẫn không bằng một ngày tu tập tinh tấn. Như cô gái con người thợ dệt, sống tới 19 tuổi rồi chết, nhưng là một bài học cho nhiều người học theo. Còn như chúng ta sống cả trăm năm lại bỏ qua mấy mươi năm để cuộc đời uổng phí, vẫn không bằng cô gái chỉ sống 19 năm nhưng cách sống thật có ý nghĩa.

Xét rõ để chúng ta biết cách sống, tuy sống ngắn, sống chỉ một ngày nhưng xứng đáng một ngày. Nghĩa là phải sống vươn lên mà không để chìm xuống, không chôn vùi cuộc đời mình. Phải sống đời sống được bậc trí khen ngợi, đó là khéo biết sống.

III. Chuẩn Bị Cho Cái Chết Có Ý Nghĩa

Chuẩn bị như thế nào để sống có ý nghĩa mà chết cũng có ý nghĩa. Nghĩa là tất cả ai rồi cũng phải chết, đó là chỗ gặp nhau, chỗ giống nhau, nhưng cách chết của mỗi người thì có khác, đó là chỗ mà mỗi người phải học để chuẩn bị.

Có cái chết trong quằn quại đau khổ, chết trong kinh hoàng, hoặc là cái chết trong mờ mịt tối tăm không có lối đi, đó cũng là chết. Hoặc là có cái chết an lành, chết trong chánh pháp, chết với niềm tin sáng suốt thì cũng chết nhưng rõ ràng có khác. Chúng ta là những người đệ tử Phật, có học đạo hiểu đạo thì phải chết như thế nào cho thích hợp. Chúng ta phải chọn ngay lúc này, là đang ngồi để chờ chết đây, không phải đợi tới đó mới chọn thì không kịp. Bởi vì lúc đó đâu còn tinh thần để mà chọn nữa, hiện tại tinh thần còn sáng suốt mà không chọn là bỏ qua cơ hội tốt.

Chọn tức là chọn cho mình một cái chết an lành, có niềm tin vững với chánh pháp, thân chết nhưng tâm không chết, như vậy mới xứng đáng. Muốn được như vậy thì phải thường xuyên quán niệm về sự chết để chuẩn bị, đừng nghĩ cái chết còn xa, còn lâu mà lúc nào cũng luôn tập quán niệm để chúng ta làm quen với sự chết, vì khi bất ngờ tới thì trở tay không kịp.

Người thế gian thường làm ngơ, sợ không dám nói tới chết, nhưng khi nó tới bất ngờ thì hoảng hốt, chới với bởi vì chưa quen, còn người đã quen rồi tới lúc đó được bình tĩnh. Muốn vậy, chúng ta thường xuyên tu tập nhiều thiện nghiệp, tu tập theo pháp để huân sâu chủng tử lành trong tâm, để khi chết đến chúng ta chỉ nhớ thiện nghiệp, nhớ pháp nên không sợ vì có chỗ tựa, tâm an ổn ra đi. Còn kia là không có chỗ tựa, những nghiệp ác tới lúc đó quấy rối thêm, nên tâm càng hoảng hốt, mà tâm hoảng hốt tức nhiên nó càng đi bậy!

Phải luôn luôn nhớ thân này là vô thường, bản chất của nó là tan rã nên nó không phải là ta, là của ta, để không có ý niệm tham luyến về thân. Do đó, tới lúc phải bỏ nó thì sẵn sàng bỏ, không có giằng co vì như vậy sẽ khó chết. Còn biết tới lúc đó rồi, làm gì thì nó cũng phải tan rã, dù nắm cách mấy cũng phải buông thì buông một cái cho nhẹ, đi cho nhẹ nhàng, đó là nhờ không phải quá tham luyến về thân.

Rồi nhớ cha mẹ, con cái, bà con quyến thuộc, anh em, bạn bè thân thích v.v… cũng đều là pháp tan rã, đều không phải là của ta, nên không để ý niệm tham luyến trói buộc mà mãi nhớ những người thân thích thì cũng khó ra đi, là chết trong cái khổ. Bởi vì đó đều là những pháp phải tan rã, đều phải chia tay, làm gì cũng không thể nắm níu, có nắm níu gì cũng đâu kéo đi theo được, nên đừng tham luyến thì tâm nhẹ nhàng ra đi.

Kế nữa, thường nhớ nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, kim cương, hột xoàn, v.v… cũng là pháp tan rã, đều không phải là cái của ta, cho nên cũng đừng khởi ý niệm tham luyến, như vậy ra đi được nhẹ nhàng. Như lời Phật dạy, những thứ đó thuộc về của năm nhà chứ không phải của chúng ta, chúng ta chỉ tạm dùng một lúc nào đó thôi, rồi cũng phải buông tất cả. Lẽ thật của nó là như vậy.

Cho nên, người đời vì mê lầm mà phải tạo những nghiệp sai lầm; còn người học đạo biết rõ chỗ đó rồi có hướng đi đúng, luôn xả bỏ những tâm niệm nuối tiếc, tư tưởng tham dục, hận thù che lấp tâm trong sáng của mình để lúc ra đi được nhẹ nhàng. Phải học thuộc lòng và quán sâu bài kệ của kinh Kim Cang:

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bọt, bóng,

Như sương cũng như chớp,

Nên khởi quán như thế.

Nên nhớ tất cả pháp hữu vi đều là như mộng, như huyễn, như bọt như bóng hoặc như sương, như điện chớp, thường xuyên quán kỹ như vậy tâm chúng ta sẽ nhẹ nhàng và bớt tham luyến. Đó là nhắc cho chúng ta luôn nhớ rõ thế gian này đều không có gì đáng để cho mình tham luyến, chấp thủ. Bởi vì tất cả đều là pháp vô thường phải tan rã, không có thực thể chắc chắn gì hết.

Ngay bản thân của chúng ta đây còn không chắc chắn, không phải của mình, không thể giữ được thì có cái gì trên đời này mà có thể giữ được đâu! Biết thân này sắp chết mà còn giữ không được, lại lo giữ những thứ bên ngoài kia có mê lầm không? Người nhẹ tình chấp sẽ ra đi nhẹ nhàng, tự cứu cho mình chính là chỗ đó.

Nếu những người thân, những người gần gũi mà hiểu Phật pháp, hiểu đạo thì cũng nên trợ duyên thêm để nhắc nhở cho nhau những điều cần thiết này, đó là rất tốt. Đừng tới lúc đó khóc lóc, than kể để kéo trở lại làm khổ thêm cho nhau. Tưởng đâu thương nhưng lại làm khổ thêm cho nhau, khiến người thân quyến luyến khó đi. Còn như chúng ta dùng những lời Phật pháp, những yếu chỉ như đây để nhắc nhở giúp thân nhân không còn tham luyến, không còn bám chấp lầm lẫn để ra đi nhẹ nhàng, làm bạn đạo trợ duyên cho nhau. Như câu chuyện bà mẹ của ông Nakula. Lúc ấy, Đức Phật ở tại khu rừng Lộc Uyển. Khi người cha của ông bị trọng bệnh hấp hối sắp chết, mẹ của ông nói với chồng (tức cha của ông Nakula): “Thưa gia chủ! Gia chủ chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Đau khổ là khi người mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Thế tôn đã quở trách người khi mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái”.

Bà vợ nhắc chồng khi sắp mạng chung chớ có chết với tâm còn mong cầu luyến ái. Sau đó, bà nhắc lại lời Phật dạy cho ông nhớ, vì các vị cũng là Phật tử thường nghe Phật thuyết pháp.

Bà lại nhắc: “Gia chủ có thể suy nghĩ: Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula không thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ đi đến một gia đình khác. Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ không muốn yết kiến Thế tôn và chúng tăng. Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula sẽ không giữ giới một cách đầy đủ.

Thưa gia chủ! Gia chủ chớ có nghĩ vậy, sau khi gia chủ mạng chung, tôi có thể nuôi dưỡng con cái và duy trì nhà cửa. Gia chủ cũng đã biết 16 năm nay tôi đã sống với gia chủ và thực hành Phạm hạnh thế nào rồi. Sau khi gia chủ mạng chung, tôi sẽ yết kiến Thế tôn và chúng Tăng nhiều hơn, cho đến khi nào các nữ đệ tử áo trắng còn giữ giới luật một cách đầy đủ thì tôi là một trong những người đó. Do vậy, gia chủ chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái”.

“Đệ tử áo trắng” tức là cư sĩ của Thế tôn. Bà trợ duyên nhắc nhở người chồng rất hay, chúng ta cũng khéo học những cách này để nhắc nhở bạn bè hay người thân trong gia đình khi sắp mạng chung để cho họ ra đi trong tâm an ổn nhẹ nhàng không phải tham luyến rồi lo lắng cho những người còn ở lại mà đi vào cảnh xấu. Bởi vì có nhiều người sắp chết, luôn lo sợ gia đình sống không đủ ăn, vợ nuôi con không nổi, nhưng lo vậy cũng đâu làm gì được. Nếu như vậy khi ra đi sẽ không yên, chết bất an rồi đi vào chỗ xấu.

Đó là những bài học cho chúng ta biết cách trợ duyên cho người thân khi sắp chết được buông xả nhẹ nhàng, và luôn nhắc nhở bản thân chuẩn bị cho ngày ra đi, như thế cuộc sống ngắn ngủi này cũng tạm có ý nghĩa của người đệ tử Phật. Được vậy thời gian chúng ta học đạo mới không uổng phí, và cũng có ít nhiều vốn liếng có thể dùng được. Đây là những điều quan trọng, là những việc cấp bách, thiết thực cho cuộc sống của con người nhưng người ta lại ít đế ý, mà để ý những cái không cấp bách, những chuyện đâu đâu quên mất cái chính, đó là điên đảo.

IV. Tóm Kết

Tất cả hãy luôn nhớ là chúng ta đang sống đây là đang sống để đón nhận cái chết, bởi vì đã sinh ra tức là phải chết. Vậy thì mỗi ngày, hay là mỗi giờ, mỗi phút chúng ta đang sống đây là sống tạm, sống để tiến gần đến cái chết, để nhận lấy cái chết. Nghe nói thế thấy buồn nhưng lẽ thật là như vậy.

Nhưng nếu chúng ta là người hiểu đạo thì không đến nổi buồn vì có cách sống như trước đã nói: “Thân này chết nhưng tâm không chết”, như vậy mới có ý nghĩa. Và hiện tại đây, chúng ta đâu có thời giờ để mà vui buồn, hơn thua, giành giật với nhau. Trong khi hơn thua giành giật là giành giật cái gì? Những cái bóng tạm thời, đâu có nắm được gì, giống như cô công chúa đòi hạt ngọc bằng bong bóng nước, nắm rồi tan vậy thôi.

Chúng ta cũng vậy, khi còn mê cũng hơn thua giành giật, tưởng đâu nắm được gì nhưng đâu có nắm được gì, nắm vào tay rồi cũng tan. Nhiều khi chịu khổ nhọc để được danh vọng, địa vị nắm trong tay, nhưng nắm chút rồi cũng tan, có khi mới nắm đã tan rồi. Nếu không khéo tranh đua tạo đau khổ cho nhau càng không có lợi ích mà là tạo thêm nghiệp ác. Chi bằng cùng sống tốt với nhau để chia sẻ, nhắc nhở nhau, cùng ra đi trong vui vẻ nhẹ nhàng có phải hay hơn; vì làm khổ thêm cho nhau thì đâu có ý nghĩa gì! Người đời vì mê không thấy được lẽ thật cho nên mới đối với nhau như vậy, còn đây chúng ta thấy được đúng lẽ thật nên hiện tại còn gặp đây phải tập sống tốt với nhau sẽ hay hơn.

Kế nữa là cũng đâu có thời giờ nhiều để cho chúng ta buông lung, phóng dật theo những cái vui giả tạo, qua chút rồi thôi. Đi chơi tham quan ngắm cảnh, chụp hình rồi về cũng trả về quá khứ thôi; xem ti-vi, cải lương toàn là những thứ giả tạo, rõ ràng đâu có thật, vậy mà lại còn cười khóc theo nó nên mê thêm nữa, làm mất thời giờ vô ích. Tại sao người đời lại phải theo những thứ đó? Vì cuộc sống của họ quá khổ nên mượn cái đó tạm giải trí an ủi cho qua, chứ không có những cái đó thì chỉ nhớ đến khổ.

Người biết đạo đâu để thời giờ phung phí, buông lung vào những cái vui giả tạm vô ích, để mang lấy cái khổ lâu dài về sau. Nếu là người trí, người biết tự thương mình thì đâu nên làm như vậy, mà phải suy nghĩ trở lại. Nghĩa là sự thật nói là chúng ta sống đây để đón nhận cái chết thì đó cũng là nói hơi xa, nếu nói kỹ hơn thì phải nói cái chết nó ở ngay trong cái sống đây, không phải ở đâu mà phải đón nhận nó.

Một Thiền sư Thái Lan có lời nhắc nhở cho tất cả rằng: “Người hiểu biết phải ý thức rõ ràng rằng mọi pháp trên thế gian không có bản thể trường cửu. Bởi vậy, người hiểu biết thì không vui hay buồn, vì họ không bị cuốn trôi theo các pháp thế gian luôn luôn biến đổi này. Trở nên vui là sinh, trở nên buồn là tử. Chết rồi lại sinh ra, và sinh ra rồi lại chết nữa. Sống và chết trong từng phút giây là sự luôn luôn bất tận của vòng sinh tử”.

Người hiểu biết đây là người trí theo Phật pháp, thì hiểu rõ mọi pháp trên thế gian không có bản thể lâu dài của nó. Vì thế người trí không theo pháp thế gian biến đổi mà vui buồn theo nó, thành thay đổi theo nó. Hơn nữa, ngay hiện tại đây khỏi cần phải tìm đâu xa, sinh tử ngay trong từng phút giây, đâu phải đợi đón nhận. Người hiểu kỹ là thấy như vậy, mà thấy vậy tức là thấy pháp, và sống được với pháp thì đúng là có chỗ sống sáng sủa và an lành, để lúc ra đi bảo đảm có sức tự chủ tuy chưa hoàn toàn nhưng cũng tương đối.

Như vậy, dòng sinh tử đáng sợ mà tất cả chúng ta đang vướng phải, nhưng lại không lo, lại lo những chuyện đâu đâu thật là quá uổng công. Là người học Phật, là người hiểu đạo chúng ta đâu có thể sống trôi theo dòng mê lầm đó mãi, ít nhất cũng phải có chút tỉnh táo quay trở lại.

Nếu mỗi ngày có sinh tâm vui buồn, hay sinh tâm buông lung thì hãy luôn nhớ nhắc mình “Cái Chết Đang Chờ Chúng Ta” thì mấy tâm đó sẽ bớt. Đây là bài học cuối năm xin gửi đến tất cả mọi người để làm món quà Tết thật nhiều ý nghĩa.

 

Tu Tâm Xả

I. Ai Cũng Muốn An Vui Hạnh Phúc

Con người sống trên đời ai cũng muốn sống an vui hạnh phúc và không ai muốn mình sống đau khổ.

Người cũng muốn an vui hạnh phúc, đó là chỗ gặp nhau. Dựa trên điểm chung này chúng ta có thể dễ dàng đến gần nhau hơn, nhưng người đời hầu như không tìm thấy được ý nghĩa này. Chính do mê lầm chấp ngã, chỉ thấy mình không thấy người nên trở thành ngăn cách. Chúng ta chỉ thấy có mình muốn vui, mình muốn hạnh phúc và chỉ mình mới được vui được hạnh phúc mà không cần biết đến người, đó là chỗ không thể gặp nhau.

Sống như vậy là thu hẹp lại bản thân, là rào cản ngăn cách với mọi người, mà sống ngăn cách với người thì đâu có vui gì! Tức là mình chỉ biết có mình vui, thành ra cái vui của mình cũng nhỏ hẹp, vì thiếu người cùng vui với mình.

Thời Phật, có ông trưởng giả giàu sang nhưng rất keo kiệt. Một hôm, ông thèm một bữa ăn ngon mới sai vợ giết con gà làm thức ăn. Ông lại sợ người thấy rồi xin bớt nên bảo đóng cửa kín để hai vợ chồng với đứa con nhỏ ngồi ăn thôi.

Phật biết ông có túc duyên nên đến giáo hóa. Ngài đến nhà ông khất thực và dùng thần thông hiện đứng trước bàn ăn của ông. Thấy vậy, ông bực bội nói: “Ông là tu sĩ mà không biết hổ thẹn, nhà người ta đang ăn uống sao lại đường đột đi vào đây?”. Vị Sa-môn do Phật hóa ra đáp:

– Ông mới thật ngu si không biết hổ thẹn, tôi là khất sĩ (người đi xin) thì đâu có gì mà hổ thẹn.

Ông hỏi lại:

– Sao tôi phải hổ thẹn chứ?

Vị Sa-môn đáp:

– Con gà mà ông đang ăn đời trước là cha ông, còn vợ ông hiện tại đời trước là mẹ của ông; và đứa con là oan gia mà ông không biết nên tôi mới nói ông không biết hổ thẹn.

Vị Sa-môn bèn dùng thần thông khiến Trưởng giả nhớ lại đời trước, ông tỉnh ngộ mới ngồi nghe thuyết pháp và ngay đó đắc đạo.

Để thấy người giàu sang có của cải mà lòng keo kiệt, nhỏ hẹp nên chỉ biết cái vui của mình, ăn mà đóng cửa lại sợ người ta thấy xin bớt thì đâu có vui gì! Trong khi đó, có những người tuy nghèo nhưng tâm rộng rãi nên cuộc sống thoải mái.

Như câu chuyện được kể trong quyển Hoa Sen Trong Tuyết về bà già đi ăn xin. Xin được khúc bánh mì thừa, bà đang cầm ăn thì thấy con chó ngoắc đuôi xin, bà liền bẻ làm đôi cho nó, cả hai ăn vui vẻ. Tuy nghèo nhưng tâm hồn cởi mở, vậy cuộc sống nào vui hơn?

Cho nên, chúng ta cần phải hiểu tinh thần này để mở rộng lòng khiến cuộc sống thêm vui vẻ. Phải cởi mở bớt cái ta nhỏ hẹp này để sống gần nhau. “Nếu ai cũng muốn an vui, tại sao lại làm cho nhau đau khổ?”, đây là điều mỗi người phải suy nghĩ lại.

Chẳng hạn như khi chúng ta nổi sân không làm chủ liền nói ra những lời làm tổn thương ai đó, liền phải quán xét ngược trở lại: “Nếu trường hợp người nói lời ấy với mình thì mình sẽ nghĩ sao?”. Nhờ vậy mới có sự cảm thông và bớt làm tổn thương cho nhau.

Thông thường khi chúng ta giận tức ai liền muốn làm cho người đó khổ, nói cho người ta khổ, nhưng khi người ta khổ thì mình được vui sướng gì? Đâu ngờ khi làm cho người ta khổ tưởng là mình được vui, nhưng chính chúng ta là người khổ trước mà không hay. Bởi vì khi giận tức là tâm mình bứt rứt nóng nảy thì tự khổ trước người kia rồi. Lúc đó, nếu ai tỉnh táo đến soi gương xem gương mặt mình thế nào? Có tức cười không?

Có câu: “Kẻ thù đích thực của ta không phải ở ngoài ta mà là ở trong ta”. Kẻ thù là người hại mình thì có phải là kẻ thù của mình không? Vậy mà chúng ta không biết lại nuôi kẻ thù. Cho nên cần trừ kẻ thù trong tâm thì mới giải quyết tận gốc, khi hết hận thù sẽ được an vui.

II. Mở Rộng Lòng Bao Dung

Nếu nghiệm kỹ chúng ta sẽ thấy, chính tâm ích kỷ nhỏ hẹp đã đóng kín cửa lòng của chúng ta, sống mà chỉ biết có ta không biết đến người. Nếu vậy thì cuộc đời làm sao tươi mát, an vui được?

Có vị Hòa thượng đang trên đường đi thì chợt thấy có một cô gái trẻ nhảy xuống sông tự tử. Thấy vậy, Ngài la kêu cứu. Những người chung quanh chạy đến vớt cô lên. Tưởng đâu cô gái này sẽ cảm ơn khi được cứu sống, không ngờ cô không cảm ơn mà cô còn trách trở lại: “Sao thầy không để tôi chết cho rồi, cứu làm chi! Tôi không muốn sống đâu!”.

Hòa thượng nhẹ nhàng hỏi lại: “Vì sao cô lại muốn tự sát?”. Cô nói: “Tôi quá xấu xí, mọi người đều chế nhạo phê bình, không ưa. Tôi thấy cuộc đời không ý nghĩa, sống không thú vị, chẳng bằng chết cho xong. Giờ thầy lại cứu để tôi khổ thêm nữa”.

Vị thầy ôn hòa giải thích: “Con người ta có hai mạng sống, một mạng sống riêng cho mình, chỉ nghĩ đến mình, mọi việc là vì mình thì sinh mạng ích kỷ đó của cô mới chết ở dưới sông rồi; còn sinh mạng thứ hai chuyên lo cho người khác, nghĩ đến người, vì người thì hiện tại cô sống với sinh mạng này. Từ nay cô hãy sửa tư tưởng hành vi của cô, tùy sức mà giúp đỡ, phục vụ mọi người!”.

Cô gái xấu xí này nghe xong cảm nhận lời dạy ấy, từ đó cô bắt đầu thực hiện theo lời dạy của Hòa thượng. Mỗi ngày, cô thường phục vụ, đem niềm vui đến cho người. Vì lo giúp đỡ phục vụ, đem những niềm vui đến cho người, dần dần cô quên mình lúc nào không hay. Một thời gian danh thơm lan xa khắp xóm làng, mọi người đều khen cô là người con gái có hạnh thiện, nhờ vậy tâm tình của cô càng ngày càng rộng mở, rồi quên đi những phiền muộn lúc nào không hay. Nhờ tâm hồn cô nhẹ nhàng thanh thoát, càng ngày người cô càng tươi mát đẹp ra, vẻ mặt lúc nào cũng tươi vui nên mọi người càng thương mến; cuộc sống cô càng lạc quan, càng yêu đời. Cô thấy cuộc đời thật vui vẻ, đáng sống.

Đó là một bài học giúp chúng ta quên bớt cái tôi ích kỷ, luôn nghĩ đến người với tâm hồn vị tha, nhờ vậy cuộc đời chuyển đổi sống lạc quan sống tích cực, quên khổ. Thường lo vì người thì đâu còn nhớ tới mình nữa mà khổ, đó là tinh thần để chúng ta sống tốt.

Thí dụ như những lúc chúng ta bệnh khổ, nếu lúc bệnh đó mà chỉ nghĩ đến mình thì càng khổ thêm. Có nhiều người khi bệnh nằm đó buồn bã than trách số phận của mình hẩm hiu, nằm một chỗ không ai đến thăm, nhưng càng buồn càng trách thì càng khổ, bệnh càng nặng thêm. Trái lại, nhân có bệnh đau, mình nghĩ tới sự khổ của người bệnh khác, nghĩ đến người khác bệnh như mình họ sẽ còn khổ hơn nữa, làm sao chia sẻ nỗi khổ để họ bớt khổ.

Nhân bệnh, chúng ta nghĩ đến bệnh của người để cùng chia sẻ nỗi khổ của người, dần dần mình quên cái bệnh của mình lúc nào không hay và sẽ bớt khổ. Chính tâm hồn cởi mở nhẹ nhàng đó sẽ chuyển bệnh nặng thành nhẹ. Cho nên, chỉ khéo chuyển một cái nhìn mà đổi khổ thành vui.

Như câu chuyện bà già hay khóc. Bà có hai cô con gái, một cô bán quạt, một cô bán áo mưa, cô nào bà cũng thương hết. Hôm nào trời mưa, nghĩ đến cô con gái bán quạt là bà thương, lo cho con phải bán ế rồi bà khóc. Còn hôm nào trời nắng thì bà lại nhớ đến cô bán áo mưa, nghĩ là hôm nay chắc con buôn bán ế, bà cũng khóc. Thành ra ngày nào bà cũng khóc nên có biệt danh là “bà già hay khóc”.

Có người thấy vậy mới chỉ bà đến vị Thiền sư gần đó giúp giải tỏa. Bà đến gặp Thiền sư thưa: “Thưa thầy, con có bệnh như vậy nên buồn hay khóc hoài. Thầy có cách gì để giúp con bớt khổ không?”. Vị Thiền sư hỏi rõ hoàn cảnh rồi nói: “Đơn giản thôi! Giờ bà về chuyển suy nghĩ lại, hôm nào trời nắng thì bà nhớ đến đứa con gái bán quạt, hôm nay nó sẽ bán hàng được nhiều, bà sẽ vui; còn hôm nào trời mưa bà hãy nhớ đến đứa bán áo mưa, vì nó sẽ bán được nhiều hơn, bà sẽ vui thôi!”. Bà về thực hiện theo đúng lời dạy, nhờ vậy bà được cười hoài, nên bà đến gặp Ngài cảm tạ: “Nhờ thầy dạy mà con luôn được vui vẻ”.

Chúng ta thấy chỉ cần chuyển cái nhìn thôi. Nếu nhìn theo cái tánh ích kỷ của mình thì sẽ khổ hoài, chuyển cái nhìn lại liền vui vẻ. Cũng vậy, bệnh mà cứ nhớ rồi trách người này người kia thì càng khổ thêm, còn nhân nơi bệnh khổ của mình nhớ tới bệnh khổ của người rồi cảm thông chia sẻ, dần dần chúng ta sẽ quên cái khổ của mình.

Cũng có một bà già đến Ngài Triệu Châu thưa: “Bạch Thầy, con đã già lại mang thân nữ bị năm thứ chướng ràng buộc, làm sao thoát được khổ này?”. Ngài Triệu Châu bảo: “Bà hãy phát nguyện cho tất cả người trên thế gian này đều sinh lên cõi trời hết, chỉ một mình bà ở đây chịu khổ thôi”.

Mới nghe, bà thấy vô lý nhưng khi về nghiền ngẫm bà thấy lời Thiền sư chỉ dạy rất chí lý. Tức Ngài dạy bà hãy quên bà mà chỉ nghĩ đến niềm vui của mọi người, nên nguyện cho mọi người được sinh vào cõi trời hưởng phước, chỉ một mình bà ở lại cõi này. Đây là cách dạy quên mình, chỉ nghĩ đến người, không nghĩ đến mình thì ai chịu khổ, đâu còn thấy cái khổ nữa. Do thấy có mình mới thấy có khổ, còn không thấy có mình thì ai khổ? Đó là tinh thần xả bỏ cái ta nhỏ hẹp của mình để sống vì người nên tâm hồn rộng rãi, khổ đau cũng được chuyển đổi.

Kinh kể là chính bản thân Đức Phật trong thời còn tu hạnh Bồ-tát, có lần Ngài định theo đoàn thương buôn đi xa để tìm vàng ngọc. Mẹ Ngài buồn khóc kéo lại không cho đi, nhưng Ngài cố dứt ra rồi làm đứt mấy sợi tóc của bà mẹ, đó cũng là tội nên sau Ngài bị đọa xuống địa ngục.

Ở địa ngục, Ngài thấy nhiều tội nhân đang đội vòng lửa trên đầu rất khổ sở. Ngài hỏi: “Ông bị tội gì mà chịu khổ như vậy?”. Người kia đáp: “Tội bất hiếu”. Nghe lời đáp, Ngài nghĩ là mình cũng có tội này. Khi đó vòng lửa từ đầu của người kia bay sang đầu của Ngài đau đớn vô cùng. Trong lúc chịu khổ như vậy, chủng tử Bồ-tát khởi lên trong tâm, nên khi ấy chẳng những Ngài không sợ mà còn phát nguyện sẽ lãnh hết tất cả hình phạt của những người con bất hiếu ở thế gian để mọi người khỏi phải chịu cái khổ này. Lời phát nguyện vừa xong, vòng lửa liền bay ra biến mất.

Đây nói lên tinh thần quên mình vì người nên được quả tốt đẹp, còn nếu chỉ nghĩ đến mình thì kết quả bị thu hẹp. Chúng ta là người học Phật phải tập sống với tâm bao dung rộng mở, quên bớt cái tâm ích kỷ nhỏ hẹp nhờ vậy sống mỗi ngày sẽ tươi đẹp hơn.

Như hình ảnh của Bồ-tát Di-lặc lúc nào cũng cười thoải mái, cười toe toét, nụ cười hỷ xả đúng thật là cười. Bụng bự là chỉ cho lòng bao dung rộng rãi, trên mình có năm đứa bé, đứa móc tai, móc mắt, đứa cào da v.v… vậy mà lúc nào Ngài cũng vui nên gọi Ngài là con người hạnh phúc. Năm đứa đó là chỉ cho Lục tặc, đúng ra là có sáu, nhưng đây chỉ tượng trưng có năm, còn một là thuộc về ý. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng vì ý không có hình tướng không thấy được nên không đưa ra.

Như chúng ta, nhiều khi cũng cười mà cười không thoải mái, có khi trong bụng đau khổ nhưng bên ngoài cũng cười, đó là cười gượng. Rồi cũng có cái cười mỉa mai người, cười nhạt, không phải là cười thật lòng, nên cũng có nhiều cái cười.

Chúng ta phải học nụ cười hỷ xả của Bồ-tát Di-lặc để sống thật vui vẻ. Ví dụ có người nói mai mỉa ta, lúc đó tức giận cũng cố buông xả. Còn Ngài là hỷ xả, xả một cách thoải mái vui vẻ. Nhiều vị nói là tôi chỉ nhịn một lần thôi chứ không nhịn thêm, đó là ráng xả chứ không phải là hỷ xả, có hỷ xả mới thật là vui.

Đây muốn nhắc cho tất cả phải tập sống để chuyển cuộc đời của mình, ai muốn an vui hạnh phúc thì mình phải khéo sống như vậy mới thật sự có an vui hạnh phúc.

III. Xóa Tan Hận Thù

Nhờ tu tâm xả nên lòng chúng ta rỗng rang, lòng rỗng rang tức là không có chất chứa, không ôm hận thù, thì nhẹ nhàng. Bởi từ con mắt của phàm phu, chúng ta thấy có người này gần gũi người kia không gần gũi v.v…, nhưng Phật dạy nếu quán sâu hơn trong cuộc luân hồi dài lâu thì tất cả những người trên đời này ai cũng từng là cha là mẹ, hay là anh chị em của mình, vậy đâu có ai xa lạ. Nhờ nghĩ như vậy mà lòng chúng ta dễ cởi mở, đến gần với nhau hơn, không làm đau khổ cho nhau.

Phật dạy trong kinh Tâm Địa Quán, Phẩm Báo Ân: “Chúng sanh thọ sinh trong sáu đường như bánh xe quay không có đầu mối trước sau. Trong đó kẻ nam người nữ hoặc đã từng làm cha mẹ, hoặc làm con cái đời đời kiếp kiếp mang ân nghĩa lẫn nhau. Cho nên, phải xem hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta, như vậy đã chưa báo đền cái ân đời trước tại sao ta trở lại sinh cái ý nghĩ xấu để thành oán hận”.

Quán kỹ quán sâu như vậy, chúng ta sẽ sống cởi mở, gần gũi với nhau hơn, nhờ vậy mà xóa tan bớt hận thù. Bởi hận thù không thể giải quyết bằng hận thù mà chỉ có lòng “từ bi hỷ xả” mới cởi mở nhẹ nhàng.

Hơn nữa, như Phật dạy sự tồn tại của chúng sanh trên đời này không chỉ đơn thuần một cá nhân độc lập mà luôn có sự liên hệ đến nhiều người. Ví dụ khi ăn bát cơm hay uống một bát nước đừng nghĩ rằng mình có tiền là mua gạo về nấu cơm ăn hoặc có tiền mua lon nước uống là xong. Không phải vậy. Phải có công sức rất nhiều người mới có được bát cơm ta ăn, lon nước cho ta uống, nhưng chúng ta không thấy được điều này.

Bát cơm từ đâu mà có? Không phải có tiền là có. Phải có người nông phu trồng lúa, người làm ra cái bát để đựng cơm ăn; rồi những phương tiện chuyên chở v.v…, tức là có liên hệ đến rất nhiều người, chứ không phải chỉ có tiền là có bát cơm ăn.

Ngài Đạt Lai Đạt Ma giảng: “Hạnh phúc của con người chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào đời sống của mỗi người. Sự sống của chúng ta là kết quả đóng góp của nhiều người khác chứ không phải là của riêng mình. Sự ra đời của chúng ta phụ thuộc vào cha mẹ chúng ta, sau đó chúng ta cần sự chăm sóc, tình thương của cha mẹ trong nhiều năm; rồi sinh kế, nơi ở và phương tiện sinh sống của chúng ta, ngay cả sự thành công và danh tiếng của chúng ta cũng là kết quả của nhiều sự đóng góp của vô số người khác trực tiếp hay gián tiếp. Đó là chưa kể đến hạnh phúc của chúng ta”.

Chúng ta sống đây là do sự đóng góp của rất nhiều người, ngay cả sự thành công danh tiếng của mình cũng có nhiều người đóng góp vào chứ không phải hễ người giỏi là được thành công.

Như người làm thầy giáo hay làm kỹ sư nổi tiếng thì cũng không phải chỉ nhờ giỏi mà được nổi tiếng, mà là có biết bao công sức đóng góp vào sự nổi tiếng của mình. Người thầy giáo nổi tiếng nhờ có học trò giỏi, có môi trường tốt để phát triển thì mới nổi tiếng được. Nếu chỉ một mình ta giỏi, thì giỏi với ai?

Nhờ nghĩ vậy mà chúng ta sống có sự kết hợp với nhau, sống với lòng cởi mở, dẹp bớt tâm ích kỷ, cuộc sống nhân đó hài hòa vui vẻ, càng sống có nhiều bạn bè hơn. Đi đâu cũng có bạn, bước ra thấy có bạn là mỉm cười muốn bắt tay, nên đi tới đâu cũng vui vẻ và cuộc sống càng tươi mát. Muốn được vậy, đơn giản là chúng ta chỉ chuyển cái nhìn của mình, tâm hồn của mình cởi mở thêm, phải tập nhìn với tâm xả.

IV. Tóm Kết

Phật dạy thế gian vô thường, tức là từ bản thân cho đến hoàn cảnh bên ngoài đều là pháp biến đổi không cố định, không bền chắc. Đã không cố định bền chắc, tại sao lại bám chắc, giữ chặt để chịu khổ?

Ví dụ như cái nhà chúng ta đang ở hoặc mảnh đất ta đang sở hữu, nó có thật cố định là của mình không? Nếu nghĩ nhà này cố định là của tôi, khi nó không còn của tôi nữa liền khổ. Như chúng ta xây một ngôi nhà vừa ý, nhưng lâu lâu thấy không vừa ý liền bán căn nhà này đi tìm chỗ mới, vậy nó còn là của tôi nữa không? Còn mảnh đất, mảnh vườn mình đang sở hữu đây trước kia đã có bao nhiêu người làm chủ rồi? Mình là người chủ thứ mấy? Vậy là mình chỉ làm chủ tạm thời một lúc thôi, nên đâu có cố định.

Ngay bản thân mình cũng vậy, là nhà trọ tạm mượn một lúc rồi cũng trả. Mướn nhà 50 năm, 70 năm, 80 năm cho đến 100 năm rồi cũng phải trả, bắt buộc phải trả, hết kỳ hạn là phải trả thôi. Nhưng cũng có người đến kỳ trả mà không chịu trả, tuy không chịu trả nhưng cũng phải trả. Như có người sắp chết mà không muốn chết, không chịu chết, cứ bám hoài nhưng dù cố giữ cách mấy cuối cùng cũng phải trả. Nếu đã mướn nhà trọ thì khi đúng kỳ hạn liền vui vẻ trả, đó là chân lý, là lẽ thực. Dù cho ai có lý luận hay cách mấy chăng nữa thì cũng đi tới chỗ hễ mượn là phải trả. Lẽ thật là như vậy. Và chúng ta hiểu rõ cuộc sống tồn tại của con người là do tương quan tương duyên với nhau, nên hãy cùng nhau hòa nhịp cho bớt ngăn cách.

Thấy rõ ai ai cũng là người thân hoặc là những người từng đóng góp vào cho sự sống, sự an vui hạnh phúc của chúng ta thì chúng ta phải có bổn phận biết ơn và cùng sống cởi mở với nhau, phải phát triển tâm xả nhiều hơn, gần gũi hơn, nhờ vậy cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn. Vậy hạnh phúc, an vui ngay ở trong chúng ta chứ không phải tìm đâu xa, nhưng người ta thường cứ đi tìm ở bên ngoài.

Có câu chuyện một vị Bà-la-môn bị mất trâu rồi đi tìm. Trên đường gặp Đức Phật, ông hỏi:

– Này ông Cồ Đàm! Ông có thấy trâu của tôi chạy ngang qua đây không?

Đức Phật bảo:

– Ông đi tìm vật không đáng tìm, đáng lẽ phải đi tìm chính mình mới phải.

Ông nghe vậy, ngạc nhiên hỏi lại:

– Ngài nói gì lạ vậy? Tôi không hiểu.

Đức Phật giải thích:

– Ông nên tìm lại chính mình, khi tìm được sẽ đem lại hạnh phúc an vui cho ông. Chúng sanh thường tìm kiếm những điều đem lại sự khổ não, không biết là hạnh phúc của mỗi người phải tìm nó ở ngay trong tâm mình.

Đức Phật dạy ông là phải đi tìm chính ông mới phải, đó mới là tìm hạnh phúc, đó là điều cần tìm mà lại không tìm. Chúng sanh cứ lo tìm những điều khổ não mà quên tìm lại chính mình, cho nên khổ hoài.

Ông Bà-la-môn nghe xong liền tỉnh ngộ, ông mới thấy rõ là xưa nay mình chỉ đi tìm những cái bên ngoài nên mãi đau khổ, nếu nay không gặp được Đức Phật chắc là còn lăng xăng chạy đi tìm cái bên ngoài. Khi cảm nhận được điều đó, ông hướng về Phật chân thành đảnh lễ.

Đến đây mỗi người có đồng ý mở rộng lòng với tâm hỷ xả hay không? Ai có nói gì mình cũng không giận là xả, ngay đó là có hạnh phúc. Còn vừa nghe nói liền đem vào thì khổ ngay! Vậy hạnh phúc, khổ đau đâu phải ở bên ngoài mà là ngay trong chính mình.

Quán chiếu rõ điều này, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa chân thật, rồi ứng dụng trong đời sống tu tập với tâm hỷ xả và lòng cởi mở. Bởi vậy, Ngài Huệ Hải nói: “Việc đến chẳng nhận, tất cả chỗ không tâm”. Ngài dạy việc đến đừng nhận tức không khổ, lòng rỗng rang. Như người ta nói nặng mình nhưng mình không nhận thì đâu có khổ! Còn người ta chưa nói tới mình mà mình đã nhận liền khổ thôi! Như đang đi chợ nghe ai nói gì đó có tên ai trùng tên với mình liền lắng tai nghe để đem vào, nên khổ là vậy. Cho nên, chúng ta phải tập bớt nhận sẽ sống vui vẻ.

Như câu chuyện, một hôm Phật đang đi khất thực, có một Bà-la-môn đi theo sau chửi. Phật đi trước, ông theo sau chửi hoài, Phật vẫn đi. Cuối cùng, người Bà-la-môn đó chạy ra trước đón đầu Phật, hỏi:

– Nãy giờ tôi chửi, ông có nghe không?

Phật đáp:

– Nghe chứ!

Hỏi:

– Ông nghe mà tại sao làm thinh hoài vậy?

Phật hỏi lại:

– Giả sử nhà bạn ông có đám tiệc mời ông dự, ông đem quà đến tặng mà bạn ông không nhận thì món quà đó sẽ ra sao?

Bà-la-môn đáp:

– Tôi tặng quà mà không nhận thì tôi đem về.

Phật nói:

– Cũng vậy, ông chửi ta mà ta không nhận, của ông vẫn là của ông.

Ông có ác tâm nhục mạ người, khẩu nghiệp ác đó sẽ về ông không mất, tức là ông sẽ khổ. Nếu người ta chửi mắng mà mình không nhận thì của họ vẫn là của họ. Còn mình nhận tức là của mình, là khổ. Đơn giản vậy đó! Khổ vui là ngay chỗ đó.

Mong tất cả khéo hiểu những lời này, luôn phát triển tâm xả của mình để cuộc sống càng ngày càng đến gần với nhau hơn, bớt đem khổ cho nhau, cũng bớt ôm oán hận, buồn phiền. Nhờ vậy, cuộc đời tươi vui mát mẻ hơn, có nhiều bạn bè là vui vẻ. Phải luôn nhớ câu này: “Một lần buông xuống là một lần lên”. Người càng buông xuống là càng lên cao, càng nhẹ nhàng, an ổn.