BÚT KÝ BÊN CỬA TRÚC
-TRÚC SONG TÙY BÚT-
Tác giả: Đại Sư Liên Trì
Dịch giả: Sa Môn Thích Viên Thành

 

PHẦN II
TRÚC SONG NHỊ BÚT 

(tiếp theo)

256. ĐẠI HIẾU XUẤT THẾ GIAN

Người làm con đối với Cha Mẹ, vất vả phụng dưỡng để Cha Mẹ được yên ổn, đó là hiếu. Lập thân hành đạo để họ được vẻ vang, đó là đại hiếu.

Siêng dùng Pháp Môn Niệm Phật khiến họ được vãng sinh Tịnh Độ, đó là đại hiếu của đại hiếu. Ta sinh sau đẻ muộn, mới được nghe Phật Pháp mà nỗi buồn vì mất cha mất mẹ đã tới, tang cha tang mẹ cực kỳ đau xót, dẫu muốn đuổi theo, chẳng có cách gì.

Nay kính cáo các người:

Nhân lúc Cha Mẹ còn sống, hãy sớm khuyên họ Niệm Phật. Ngày Cha Mẹ mất, hãy vì họ mà Niệm Phật ba năm, nếu chẳng thể được như thế thì hoặc một năm, hoặc bảy bảy bốn mươi chín ngày cũng đều được cả. Người con có hiếu muốn báo đền ơn đức cù lao của Cha Mẹ không thể không biết điều này.

 

257. TỨC TÂM TỨC PHẬT

Mã Tổ bảo rằng: Tức tâm tức Phật. Đại Mai lĩnh hội được tôn chỉ đó, bèn yên tâm ở núi.

Sau lại được nghe nói phi tâm phi Phật, ông bèn nói:

Mặc ai phi tâm phi Phật, ta vẫn chỉ là tức tâm tức Phật.

Mã Tổ liền ấn chứng cho và nói:

Quả mai chín rồi. Người đời thán phục sự diệu ngộ của Đại Mai.

Nhưng có hai ý không thể không biện luận:

Khế hợp thẳng với cội nguồn, hễ tin là tin mãi, chẳng còn bị chuyển dời bởi danh tướng nhiều lạ. Thế mà quả mai chín rồi.

Nếu như cứ khư khư theo những lời đã lọt vào tai từ trước, cố chết ở dưới câu cú, gánh đay mà vứt bỏ vàng ròng, thì chín ấy là chín của chín nẫu, thối nát chứ chẳng phải là chín của chín chắn thành thục. Đó là như năm ngàn rút lui khỏi chiếu giảng bị người xưa gọi là giống lụi măng đui vậy.

 

258. THẾ TRÍ BIỆN THÔNG CÓ SAI LẦM

Người thế gian trọng thông minh, khoe biết rộng, đua văn vẻ, song chẳng đủ để trông cậy, vì những thứ đó có sai lầm. Những người đó học hết bách gia, văn trùm một đời, nhưng có kẻ kiếp sau chẳng biết một chữ.

Thậm chí như Thuần Thiền Sư nổi tiếng tài giỏi văn hay, ngã một cái đứng dậy liền trở thành ngu dại thế thì chẳng đợi đến kiếp sau. Hơn nữa, thậm chí còn hóa làm loài khác, thế thì là loài mà như người ta nói chỉ nhớ nước nôi cỏ ra, không còn biết gì.

Vậy những thứ đáng để trông cậy đó ở đâu rồi?

Người trong thế tục chẳng biết ý này, cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng con nhà Xuất Gia mà lại buộc công việc thuộc bổn phận của mình lên gác cao, rồi dốc hết sức vào ngoại học thì đáng buồn biết bao.

 

259. HIẾU KỲ

Người thông minh thường hay hiếu kỳ. Người hiếu kỳ thường hay bị mê hoặc.

Đại để là vì cái danh hiếu kỳ đã nổi thì những kẻ được gọi là các kẻ sĩ vu khoát quái dị ở Hải Thượng Yên Tề sẽ đem các thuật của họ dâng hiến, giả mạo thần tiên, hấp dẫn giật gân, là khiến người hiếu kỳ lún sâu vào và tin sái cổ.

Cho tới lúc bạc đầu vẫn không thành, tới lúc sắp chết vẫn chẳng nghiêm, lúc ấy mới ăn năn hối hận, thì cũng đã muộn rồi.

Dẫu vậy vẫn còn hơn là chót đời mà cuối cùng chẳng hề tỉnh ngộ.

Có thể thấy rằng: Ngày nay hối hận thì ngày sau sẽ chẳng bị mê hoặc nữa.

 

260. TIN VÔ THƯỜNG

Ngạn ngữ có câu chuyện răn đời, kể rằng:

Một cụ già chết đi, gặp Diêm Vương, bèn trách Diêm Vương chẳng sớm báo tin cho cụ.

Diêm Vương nói:

Ta đã báo tin nhiều lần rồi. Mắt ngươi mờ dần, đó là một tin. Tai ngươi điếc dần, đó là hai tin. Răng ngươi hỏng dần, đó là ba tin. Người toàn bộ cơ thể càng ngày càng suy yếu, đó là đã báo tin nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Song đây mới chỉ nói cho người già mà thôi.

Nay nối thêm vào chuyện này:

Có một gã trẻ tuổi cũng trách Diêm Vương rằng:

Tôi mắt sáng, tai thính, thân thể khỏe mạnh, vậy mà sao Diêm Vương chẳng báo tin cho tôi?

Diêm Vương đáp:

Cũng có báo tin cho anh, tự anh chẳng xét đấy thôi.

Chẳng phải là láng giềng bên đông của anh có người bốn năm mươi tuổi đã chết đấy ư?

Láng giềng bên Tây có người mới hai ba mươi tuổi đã chết đấy ư?

Thậm chí lại còn có kẻ chưa tới mười tuổi và lũ trẻ còn đang ẵm ngửa bú sữa mà đã chết đấy ư?

Đấy chẳng phải là tin ư?

Ngựa hay nhìn thấy bóng roi vọt là đi, còn hạng cứ phải chờ dùi đâm vào da thì đó là loại ngựa quèn than vãn làm sao kịp nữa.

 

261. THAM THIỀN CHẲNG PHẢI LÀ VIỆC TRONG THẾ GIỚI CON NGƯỜI

Tiên đức có nói rằng:

Tham Thiền chẳng phải là việc trong Thế Giới con người có thể nói được.

Có người nghi ngờ lời Bùi tướng quốc nói rằng:

Trong sáu nẻo, chỉ có nẻo người là có khả năng có thể chấn chỉnh được tâm lự, hướng tới Bồ Đề mà thôi. Nếu cứ lời nói trên thì thiền sẽ không còn đất đáng để mà tham nữa.

Ta nói: Lập luận của Bùi Thừa Tướng quả là rất đúng. Nay, lời này chính là vì bọn ăn thịt thà đã tới mức no nê mới đến tìm Tăng để thuyết về thuyền, hơn nữa còn vì hạng Tăng miệng nói Bát Nhã, thân ở A Lan Nhã nhưng tâm lại ở chốn Triều Đình, thành thị mà phát ra.

Lẽ nào lại chẳng phải là như người ta nói thế gian đâu có hạc Dương Châu ư?

Xin chớ vì lời này mà tự mình chùn bước. Tham thuyền nhất định là việc trong Thế Giới con người, chỉ sợ không có chí mà thôi nếu có chí thì việc đó ắt thành.

 

262. XUẤT GIA 1

Tiên đức có nói rằng:

Xuất Gia là công việc của bậc đại trượng phu, chẳng phải là việc mà tướng võ tướng văn có thể làm nổi.

Xét ra tướng võ dùng võ công mà dẹp họa loạn, tướng văn dùng văn học mà gây nền thái bình.

Việc lớn trong thiên hạ đều từ tay tướng võ tướng văn mà ra, mà lại nói rằng:

Xuất Gia chẳng phải là việc thuộc khả năng của họ, thế thì Xuất Gia há phải là nhỏ đâu. Nay cạo tóc nhuộm áo rồi, liền gọi là Xuất Gia.

Ôi. Đó chẳng qua là ra khỏi cái nhà có cổng lớn hai cánh, chứ chẳng phải là khỏi cái nhà Tam Giới hỏa trạch. Ra khỏi nhà Tam Giới đó thì rồi sau mới gọi là bậc đại trượng phu. Vẫn chưa đủ, cùng Chúng Sinh Tam Giới đều cùng ra khỏi Tam Giới rồi sau mới gọi là đại trượng phu.

Tôn đức thời xưa có câu ca rằng:

Trẻ giỏi nhất. Xuất Gia tốt. Hai chữ Xuất Gia ít người biết. Trẻ giỏi nhất, đó là đại trượng phu đấy. Đại trượng phu chẳng dễ mà được. Chả trách ít ai biết hai chữ Xuất Gia.

 

263. XUẤT GIA 2

Người mới Xuất Gia, tuy chí có lớn có nhỏ nhưng không ai không sẵn có một đoạn hảo tâm. Lâu ngày lại bị ô nhiễm bởi nhân duyên danh lợi, thế rồi lại xây dựng cung thất, sửa sang quần áo, mua tậu điền sản, nuôi nấng tôi tớ, gom nhiều vàng lụa, siêng làm gia duyên, chẳng khác gì thế tục.

Kinh khen một người Xuất Gia, ma Ba Tuần phải sợ. Nay như vậy thì ma Ba Tuần có thể chuốc rượu ăn mừng với nhau rồi. Người hảo tâm Xuất Gia hãy mau mau mở to mắt mà nhìn cho rõ.

Từng thấy có vị Tăng tu khổ hạnh trong núi sâu, vừa ra khỏi núi đã được mấy chục nam nữ tín tâm Quy Y cúng dàng, thế là mai một một đời, huống hồ là lỗi lớn hơn thế ư.

Xưa bảo rằng:

Cứ phải hai lần lìa bỏ cái nhà phiền nâo, hai lần cắt lưới trần lao. Đó chính là Xuất Gia sau khi Xuất Gia. Xuất khỏi cái Gia trước dễ, xuất ly cái gia sau mới khó. Ta chính vì việc này mà sớm khuya nơm nớp.

 

264. NGƯỜI ĐẮC NGỘ PHẢI NÊN VÃNG SINH TỊNH ĐỘ

Có người hỏi rằng:

Mỗ giáp xưa Tu Tịnh Độ, có vị Thuyền giả bảo rằng:

Cứ ngộ được tự Phật, Phật của mình là xong, cần gì phải cầu Phật khác ở ngoài mà nguyện vãng sinh.

Ý này thế nào?

Ta bảo rằng:

Đây quả thực là lời khai thị cao nhất, cứ giữ thế cũng có thể có chỗ giác ngộ.

Nhưng xin lấy ví dụ để nói rõ:

Giả sử có người thông minh dĩnh ngộ như Nham Tử mà ngoài trăm dặm ngàn dặm có vị Thánh như Khổng Phu Tử đề xướng ra đạo ở vùng đó, bảy mươi người giỏi, ba ngàn người tài xúm xít xung quanh.

Người nghe danh tiếng ông, đi yết kiến ông, như vậy chưa hẳn là không có chỗ hay hơn, ấy thế mà lại cậy mình đĩnh ngộ, cự tuyệt chẳng chịu đến yết kiến, thế thì liệu có được không?

Dẫu vậy, đắc ngộ mà chẳng nguyện vãng sinh, ta dám cam đoan là ông anh chưa ngộ.

Vì sao?

Thiên Như có nói rằng:

Ngươi hẳn chưa ngộ. Nếu ngộ thì việc ngươi sinh Tịnh Độ dù có vạn trâu cũng chẳng kéo lại được. Thâm thúy thay. Câu nói ấy.

 

265. THAM THIỀN

Tăng thường có câu nói rằng:

Nghi nhỏ ngộ nhỏ, nghi lớn ngộ lớn, chẳng nghi chẳng ngộ. Nghi đó chính là tham vậy.

Song hai chữ Tham Thiền có tự bao giờ?

Có người nói: Trong Kinh chưa có.

Ta nói: Có đấy.

Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: Nên nghiên cứu kỹ những điều kỳ diệu sáng láng ở trong này.

Lại nói: Nghiên cứu trong ngoài.

Lại nói: Nghiên cứu sâu xa.

Lại nói: Nghiên cứu tinh cực.

Đó chẳng phải là Tham ư?

Sau này các bậc tôn túc dạy người ta xem công án, khỏi nghi tình đều từ đó mà sinh ra cả. Mà người nói về vấn đề này kỹ càng rõ ràng nhất không có ai bằng Đại Nghĩa Thiền Sư ở Nga Hồ.

Ông nói rằng:

Nếu người tĩnh tọa chẳng dụng công, năm nào đỗ đạt ngộ Tâm không?

Rằng: Phải dùng gươm sắc thổi đứt lông, mổ sẻ Tây lai Đệ nhất nghĩa.

Rằng: Nếu cứ lặng im tựa người ngu, biết anh chưa hiểu làm công phu.

Rằng: Nhướn mày dụi mắt nhìn cho tỏ.

Nhìn kỹ xem hắn chính là ai?

Nói về Tham Thiền như vậy, chẳng phải một lần là đủ, người Tham Thiền nên viết những câu đó vào đai lưng.

Tuy vậy nếu chỉ suy đoán xuyên tạc từ trong câu chữ rồi dùng tình thức mà đoán mò thì lại hiểu sai ý của cái gọi là công phu và những điều gọi là mổ xẻ, nhìn kỹ. Như thế thì so với hạng tĩnh tọa lặng im mà nói sự tuy khác nhau mà bệnh lại giống đấy. Vì vậy không thể không phân tích rõ.

 

266. ẤN TÔNG PHÁP SƯ

Lục Tổ Huệ Năng sau khi đã thụ tâm ấn của Hoàng Mai rồi thì ẩn mình trong đám đồ tể, thợ săn cùng hạng làm thuê làm mướn nghèo hèn suốt mười sáu năm, sau tới chỗ chiếu giảng của Ấn Tông Pháp Sư, nói ra câu gió phướn, Ấn Tông nghe thấy bèn mời vào, rồi cắt tóc nhuộm áo cho và kính thỉnh Lục Tổ lên tòa Thuyết Pháp.

Người ta mới biết rõ Lục Tổ là do rồng, Trời suy cử ra, nhưng chưa biết đức độ chẳng thể theo kịp của Ấn Tông.

Ông tự nói rằng:

Tôi đây giảng Kinh giống như ngói sỏi, bậc Nhân Giả chỉ Lục Tổ bàn luận về nghĩa lý giống hệt như vàng ròng.

Xét ra Ấn Tông bàn về Kinh Luận đã lâu, đã nghiễm nhiên là đại Pháp Sư tiền bối rồi, giả sử cái thói ngã mạn chưa quên, cái tâm thắng phụ hơn thua còn đó thì làm sao có thể tôn hiền trọng đạo, bỏ mình theo người tới mức đó được?

Lục Tố cố nhiên là giòng dõi Phật xưa, mà An Tông cũng là cùng loại với Lục Tổ. Thánh Hiền tụ hội, há phải chỉ là ngẫu nhiên mà thôi đâu.

 

267. THÂN VỚI THẦY

Người xưa khi tâm địa chưa thông thì chẳng quản xa xôi ngàn dặm tìm Thầy hỏi đạo, đã được bậc ChÂn Sư rồi thì bẻ gãy gậy chông, treo cao bát túi, thân cận rất lâu.

Cao nhất thì là Ngài A Nan suốt đời hầu Phật, tiếp sau đó là các Bậc Hiền các đời, họ tham học các bậc tri thức lâu ngày, chưa dễ gì mà nêu ra hết được.

Chỉ như hai vị tôn túc dưới trướng cụ Từ Minh:

Một vị là Dương Kỳ phụ tá suốt đời, một vị là Thanh Tố hầu hạ suốt mười ba năm, nhờ thế mà sớm hỏi tối thăm, tai nghe nhập tâm, cuối cùng đã học được đạo của cụ Từ Minh để thành bậc đại tài.

Còn ta khi Xuất Gia đã muộn, lại thêm thể lực yếu ớt, khí chẳng giúp chí, Tiên Sư vừa độ cho Xuất Gia, đã từ biệt mà đi. Hành cước ở chốn phương ngoại chỉ nơi Tăng Đạo, những nơi ta đến, hoặc cơ hội bị trở ngại, hoặc bị bệnh duyên, đều chỉ là trụ lại một thời gian ngắn ngủi mà thôi. Cho tới ngày nay, bạc đầu mà vẫn vô tri, ôm ngu giữ vụng.

Than ôi. Ta chẳng thể làm đứa trẻ để được sai vặt trong đám Hiền Sĩ đông đúc tại chốn hạnh đàn Tứ Thủy, mà lại phải làm Thầy dạy đọc ở trong thôn ba nhà. Thật đáng than thở xiết bao.

 

268. HOA NGHIÊM MỘT KINH ĐẠI TẠNG

Có người hỏi rằng:

Không có Kinh nào bằng Hoa Nghiêm thế là nghĩa làm sao?

Đáp: Xưa Thầy Huyền Trang dịch Bát Nhã bao gồm xong, đem dâng lên Vua.

Vua hỏi rằng:

Kinh Bát Nhã đồ sộ như vậy, tại sao lại chẳng đứng trên Kinh Hoa Nghiêm?

Pháp Sư đáp:

Hoa nghiêm có đủ vô lượng môn, Bát Nhã tuy nhiều nhưng chỉ là một môn trong vô lượng của Hoa Nghiêm.

Có vị Tăng làm mấy cái ngăn để cúng Kinh, Hoa Nghiêm được để ở trên cùng. Một hôm lấy Kinh tụng xong, đem đựng vào trong ngăn giữa, sáng hôm sau Kinh bỗng ở trên, vị Tăng đó vô cùng kinh ngạc.

Đó đại để là do uy thần xui nên và cũng là do lòng tinh thành của người trì kinh đã cảm ứng được. Hơn nữa, ba tạng Thánh Giáo chỉ có Kinh Hoa Nghiêm ví như Thiên Vương một mình thống ngự cả Vũ Trụ, Chư Hầu công khanh đại phu bách quan cho đến triệu dân đều dưới sự cai trị của Thiên Vương.

Thế thì ai mà sánh bằng được?

 

269. VIÊN MẪU

Mẹ Viên Cư Sĩ là Trương Thị, từ nhỏ đã Quy Y Phổ Môn Đại Sĩ Bồ Tát Quán Âm rất nghiêm. Khi đi lấy chồng đã rước Tượng Đại Sĩ đi theo.

Khi có mang Cư Sĩ, suốt mười tháng thai nghén không một ngày nào lười nhác trễ nải việc kính lễ. Cho nên Cư Sĩ ngay từ lúc con ẵm ngửa đã biết quy hướng Tam Bảo. Đó là do cái gọi là thai giáo vậy. Xét ra việc những người vợ hay dốc lòng thờ Phật thì trong thế gian cũng thường có.

Còn như việc sắp sửa làm cô dâu mới, chẳng vội vã trang điểm để cho xinh đẹp rạng rỡ mà lại cúng Đại Sĩ ở hộp trang sức thì có thể nói đó là chuyện vượt xa phàm tình chưa hề được tai nghe mắt thấy.

Xưa Tô Tử Chiêm vẽ Tượng Phật đi theo xuống phương Nam, Cát đại phu bày Tượng Phật ở công đường, chẳng sợ chê bai mai mỉa bậc thức giả đánh giá cao họ.

Nay người như viên mẫu đó há chẳng phải là bậc đại trượng phu sừng sững ư?

 

270. NHO PHẬT PHỐI HỢP

Thánh Nhân hai giáo Nho Phật đặt ra giáo hóa, mỗi bên đều có chủ trương của mình, cố nhiên chẳng cầu kỳ khi mà tách bạch làm hai, cũng chẳng cần gượng ép mà hợp lại làm một.

Vì sao vậy?

Vì Nho chủ trương trị đời, còn Phật chủ trương xuất thế. Trị đời tự nhiên chỉ cần cách vật trí tri, thành ý chính tâm, tu thân tề gia, trị quốc, bình thiên hạ như trong Đại Học đã nói là đủ rồi.

Còn quá cao sâu thì cương thường luân lý chẳng thể an lập. Xuất thế thì tự nhiên cần phải cao sâu hết mức mới thành giải thoát nhưng vẫn chẳng hề chểnh mảng đối với Quốc Gia thiên hạ. Đó là lý thế tự nhiên, không có gì là lạ cả.

Nếu cứ bảo Nho tức là Phật thì các Kinh Điển Nho Gia gồm Lục Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử v.v… rực rỡ đầy đủ, tại sao còn phải đợi Thích Ca giáng thế, Đạt Ma từ phương Tây tới?

Nếu cứ nhất định bảo Phật tức là Nho, thế thì sao chẳng dùng Lăng Nghiêm, Pháp Hoa để cai trị thiên mà lại cứ phải nhờ Phục Hi, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn đặt ra chế độ ở trên, Khổng Tử, Mạnh Tử cùng các Bậc Hiền Nhân nói rõ cái đạo ở dưới. Cho nên tách bạch làm hai hay hợp làm một, đều là sai cả.

Tuy vậy, Bậc Hiền Sĩ viên cơ tách bạch làm hai cũng được, hợp lại làm một cũng được, cả hai đều không sai. Điều này lại không thể không biết.

 

271. ĐỨNG THIỀN, LẬP THIỀN

Đứng thiền có xuất xứ từ Bát Chu Tam muội. Đó đại để là do tinh tiến hết mức, sợ ngồi sẽ dễ mê mụ, chứ chẳng phải cứ phải đứng mới đúng đạo. Vậy mà những kẻ chẳng hiểu ý này, có kẻ đã dùng đai sắt bó lưng để giúp cho việc đứng thật thẳng dẵng.

Kể cũng thật nực cười. Gần đây thậm chí còn có xây tường bằng gạch vây sát lấy người rồi đứng thẳng đơ ở trong cứ như gươm tra vào vỏ, hơn nữa lại còn mượn cách này để giúp cho việc mộ hóa chỉ việc xin Bố Thí, người ngu si không hiểu biết bèn cung kính mà phụng sự họ. Thế là dần dần có những kẻ bắt chước làm theo họ.

Xin khuyên các bậc cao minh nếu gặp người như thế thì nên khai đạo cho họ, khuyên họ hãy ra khỏi tường vây, chở để thời Mạt Pháp hiện ra trò ma mãnh quái dị đó để đến nỗi tăng thêm sự xấu xa cho Thiền Môn.

 

272. LUẬN SỚ

Như Lai Thuyết Kinh, rồi Bồ Tát tạo luận, các Bậc Hiền đời sau viết sách sớ giải, tất cả đều là để giải thích thông suốt nghĩa Kinh mà khai thị cho Chúng Sinh khiến họ được ngộ nhập. Công ấy thật là to lớn.

Thế mà có kẻ lại bảo rằng Kinh do Phật Thuyết tự nó vốn đã rất rõ ràng, chẳng cần phải chú thích vì các chú thích lại thành ra tối nghĩa. Thế là nhất loạt bác bỏ chẳng kể hay dở, chẳng kể Thánh phàm, hết thảy đều cho là chẳng đáng xem. Thuyết này của họ tựa hồ như đúng mà lại là sai.

Sao vậy?

Chẳng tin truyện chỉ Chú sớ mà tin Kinh, thế cũng là biết gốc, nhưng qua loa sơ sài, lý giải Kinh sâu một cách nông cạn thế thì sai lầm sẽ chẳng phải là nhỏ.

Đó đại để là vì có hai loại tâm bệnh:

Một là bệnh lười, hai là bệnh cuồng. Lười thì sợ nghiên cứu rộng, vì sẽ mệt mỏi vì phải nghiền ngẫm kỹ lưỡng, chỉ cốt sao giản tiện chẳng phải nhọc lòng nhọc sức. Cuồng thì trên khinh Cổ Đức, dưới khinh người nay, chỉ ức đoán bừa, tự chuyên tự dụng.

Hạng mới học vô tri, ào ào mà theo. Ta thực thương cho họ, vì vậy mà phải nói đến đứt lưỡi.

 

273. TỊNH ĐỘ CHẲNG THỂ NÓI LÀ KHÔNG CÓ

Có người nói rằng:

duy tâm là Tịnh Độ, không còn có Cực Lạc Tịnh Độ nào ở ngoài mười vạn ức cõi nước nữa. Thuyết duy tâm này vốn có xuất xứ từ trong Kinh, quả thật không sai. Song việc dẫn ra làm căn cứ thì lại hiểu sai ý của lời đó.

Xét ra, tức tâm tức cảnh, rốt cuộc không có cảnh ở ngoài tâm. Tức cảnh tức tâm, cũng không có tâm ở ngoài cảnh. Đã cảnh toàn là tâm thì cần gì cứ chấp tâm mà gạt bỏ cảnh, gạt bỏ cảnh là mà nói đến tâm, thế là chưa hiểu về tâm.

Có người lại nói:

Tịnh Độ được nhìn thấy lúc lâm chung đều là tự tâm, cho nên không có Tịnh Độ. Chẳng nghĩ những người Niệm Phật Vãng Sinh ngày xưa này nay, khi họ lâm chung có Thánh Chúng tới đón rước cùng các thứ thiên nhạc hương lạ, tràng phan, lầu gác v.v… chỉ một mình họ nhìn thấy.

Có thể nói là tự tâm, nhưng nhất thời Đại Chúng thảy đều nhìn thấy cảnh ấy, có người nghe thấy tiếng thiên nhạc văng vẳng đi về hướng Tây, có mùi hương lạ đọng lại trong buồng nhiều ngày không tan.

Xét ra thiên nhạc chẳng đi về hướng khác mà lại đi về phương Tây, người đó đã mất mà mùi hương này vẫn còn, thế thì nói là không có Tịnh Độ mà được không?

Viên Chiếu Bản thuyền sư, người ta thấy ông được nêu danh Liên Phẩm, lẽ nào là có thể lấy tâm người khác là tâm của Viên Chiếu ư?

Lại thử hỏi ngươi:

Lúc lâm chung tướng Địa Ngục hiện ra đó chẳng phải là tâm ư?

Đáp: Đó là tâm.

Người đó có đọa Địa Ngục không?

Đáp: Có đọa.

Xét ra đã đọa Địa Ngục thì Địa Ngục rõ ràng là có, mà chỉ riêng Tịnh Độ lại không có ư?

Người mà tâm hiện ra Địa Ngục bị đọa vào Địa Ngục có thật.

Vậy người tâm hiện Tịnh Độ chẳng sinh ở Tịnh Độ ư?

Thà nói có như núi Tu Di, chớ nói không như hạt cải. Răn đấy, răn đấy.

 

274. CHỐN NÀO CŨNG LÀ TỊNH ĐỘ

Có người nói:

Tôi không phải là không tin Tịnh Độ, cũng chẳng phải là coi khinh Tịnh Độ mà chẳng đến, nhưng nơi tôi đến khác với mọi người.

phương Đông có Phật tôi đến phương Đông, phương Tây có Phật tôi đến phương Tây. Bốn phương Trên dưới, thiên ngục chốn nào có Phật là tôi đến chốn đó, chẳng phải như những người cầu Tịnh Độ của Thiên Thai, Vĩnh Minh chỉ một mực muốn đến Cực Lạc Thế Giới ở Tây Phương. Thuyết này lời rất cao, ý rất sâu, nghĩa rất huyền diệu, song chẳng thể dùng để giáo huấn được.

Kinh nói rằng:

Ví như lông yếu chỉ quấn được cành thế thì biết rằng:

Lông cánh đã thành thân cường khí thịnh mới có thể bay liệng trên Trời cao, bay ngang tám phương, đó chẳng phải là việc kẻ mới Phát Tâm Bồ đề có thể làm được. Thế Tôn bày cho Vi Đề Hi mười sáu phép quán, trước tiên phải treo trống ở phía Mặt Trời lặn để định chí Tây Phương.

Còn Cổ Đức thì có vị ngồi nằm đều chẳng quên hướng về phương Tây, các vị đó há chẳng biết phương nào cũng đều có nước Phật?

Người đại giải thoát đi đâu cũng được. Nếu chẳng phải thế thì hãy kính cẩn tuân theo lời Phật dạy.

 

275. ÂM DƯƠNG

Có người bảo:

Vạn pháp bắt đầu từ âm dương. Chẳng nên trước âm dương lập thêm Thái cực.

Cho nên nói rằng:

Có Trời Đất rồi sau có vạn vật. Trời là dương, đất là âm. Chồng vợ là gốc sinh ra con người. Chồng là dương, vợ là âm.

Xét ra có Trời Đất rồi sau có vạn vật đó là lời Khổng Tử. Dịch có Thái cực, Thái cực đó sinh lưỡng nghi âm dương, đó cũng Khổng Tử.

Lấy một lời của Khổng Tử, bỏ một lời của Khổng Tử, như thế để làm gì:

Liêm Khê nói:

Vô cực mà Thái cực còn đặt vô cực lên trên Thái cực, huống hồ là âm dương.

Nguyên nhân nguồn gốc loài người của Khuê Phong cho rằng ngay vô cực cũng vẫn chưa đủ để xét đến cùng nguồn gốc đó, còn Khởi tín thì cho rằng trước chân như sinh diệt thì gọi là nhất tâm. Thuyết trước có thể nói là rất nông cạn.

 

276. MÊ LÚ KHI XUẤT THAI, CÁCH ẤM

Xưa nói rằng:

Thanh Văn còn lú lẫn khi xuất thai, Bồ Tát còn mê muội lúc cách ấm.

Thoạt đầu ta còn nghi ngờ nghĩ rằng:

Thanh Văn đã đủ Lục Thông, Bồ Tát song tu định tuệ, vì sao lại đều chưa thể tránh khỏi lú lẫn mê muội?

Tới khi khảo nghiệm từ bản thân mình, nghiên cứu từ những người khác, thì thấy sự việc đêm qua đến sáng sớm hôm sau đã thấy loáng thoáng mờ mịt rồi, huống chi là cách ấm.

Mới chuyển một phòng, đêm dạy đã chẳng còn biết đâu là nam đâu là bắc, huống nữa là xuất thai.

Sự lú lẫn mê muội đó của các Bậc Hiền Thánh đại để chỉ là tạm thời lú lẫn rồi liền sáng suốt ngay, mê muội chốc lát rồi liền giác ngộ ngay. Còn hạng phàm phu chúng ta lú lẫn mê muội đến cùng mà chẳng tự biết.

Xả thân thụ thân, lợi hại có chuyện như vậy đấy. Việc cần làm bây giờ là cứ phải kiên ngưng chính tâm, chớ để một sát nào thất chiếu, hơn nữa còn phải thành tâm khẩn khoản cầu sinh Tịnh Độ. Sinh ở Tịnh Độ rồi thì lú lẫn mê muội chẳng đáng lo nữa.

 

277. LƯU ĐẠO NGUYÊN CHẲNG TIN PHẬT PHÁP

Tư Mã Ôn Công tức Tư Mã Quang bảo rằng:

Lưu Đạo Nguyên rất không tin Phù Đồ Buđdha Pháp.

Ông ta nói rằng:

Kiếp sống con người như ở trong quán trọ, các thứ vật dụng trong quán trọ, khi đi thì bỏ lại hết, đâu có chuyện mang đi theo?

Có thể nói là đã thấy được rõ mà dám cả quyết đấy. Đây đại để là thuyết cho rằng người chết thì thần diệt. Xét ra vật của chủ nhân trong quán trọ quả thực phải bỏ lại thật.

Nhưng còn túi đãy của mình cũng đều bỏ lại cả mà chẳng mang theo ư?

Đó chính là cái gọi là chỉ có nghiệp là mang theo thân.

Thứ mà Ôn Công lấy từ Đạo Nguyên đó là gì?

Lưu Nguyên Thành tức Lưu Đạo Nguyên bảo rằng:

Lão Tiên Sinh chỉ Tư Mã Ôn Công rất thông hiểu về việc này.

Vậy thứ mà Ôn Công lấy từ Nguyên Thành lại là những gì?

 

278. TRUYỀN TÂM ẤN CỦA PHẬT

Các vị tôn túc Tông Thiên Thai bảo rằng:

Truyền tâm ấn của Phật chỉ thuộc Thiên Thai. Còn một Tông của Đạt Ma thì lại bỏ mà chẳng lấy. Khuê Phong bảo rằng Hà Trạch nối dõi Tào Khê, truyền tâm ấn của Phật chỉ thuộc Hà Trạch, còn hai tông Nam Nhạc, Thanh Nguyên thì lại bỏ mà chẳng lấy.

Thế là Minh Giáo Tung thuyền sư làm sách truyền pháp chính tông, từ Ca Diếp tới Tào Khê:

Tây thiên hai mươi tám vị Tổ Sư, Đông Thổ sáu vị Tổ Sư cho đến Nam Nhạc, Thanh Nguyên. Còn thuyết của hai tông Thiên Thai, Thanh Nguyên thì đều mai một. Nay vẫn còn có người theo Thiên Thai, nhưng tuyệt nhiên không còn có ai theo Khuê Phong. Thế thì dưới Thiên Thai vẫn còn nhiều người kế tục, nhưng dưới Khuê Phong thì đã thưa thớt rồi.

Người theo Thiên Thai nói rằng:

Sử tử bị hại nên việc truyền thừa bị dứt hẳn.

Song bậc chí nhân bị hại giống như đi chơi nơi vườn quán, lẽ nào lại có chuyện pháp diệt theo người?

Truyền pháp chính Tông. Đúng thay. Vì là chính Tông nên làm khuôn mẫu cho muôn đời.

 

279. TRUYỀN ĐĂNG

Kể từ khi Phật tổ cầm hoa Ca Diếp hiểu ý cho tới lúc Lục Tổ giã gạo rồi được truyền Y bát, ở Tây vực cũng như ở phương này, đèn pháp liên tục nối tiếp nhau mà soi sáng.

Và từ khi Hoàng Mai thụ ký cho Tào Khê nói rằng:

Từ nay về sau Phật Pháp sẽ do ngươi mà được thịnh hành thì Nam Nhạc, Thanh Nguyên trở thành năm tông rực rỡ, cực thịnh vào đời Đường, được kế tục tốt đẹp vào đời Tống, tới đời Nguyên vẫn còn nhiều người giỏi, nhưng đến nay thì ánh hào quang còn sót lại đã sắp tắt hẳn rồi.

Sở dĩ như vậy là vì sao?

Là vì không còn giống ấy nữa.

Tổ Sư nói rằng:

Người học Tâm địa Pháp Môn ví như gieo hạt giống. Ta Thuyết Pháp yếu ví như nước Trời.

Thế thì đã không có giống đó, nước Trời biết tưới vào đâu?

Ngày nay những người cạo tóc nhuộm áo Xuất Gia tu Phật tuy đầy khắp trong nước, song đều ngoài thì chỉ hám duyên sự hữu vi, gần bên trong thì lại chỉ giữ luật sửa mình, Tụng Kinh lễ sám mà thôi.

Nào có ai Phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề, riêng nêu sự này, cần cù nghiêm túc, tham cứu từ chính bản thân, chẳng bỏ phí thời gian, nhất quyết cầu cho được chính ngộ tức Chính Giác. Ấy thế mà lại hòng thu thóc ruộng trống, lại đòi cây cột trơ trụi nở hoa thế thì thật là vô lý.

 

280. KIM ĐAN

Có người hỏi:

Huyền Tông có nói rằng:

Phép kim đan hơi giống với phép Tọa Thiền của Nhị Thừa.

Lời ấy có đúng không?

Ta đáp:

Đó là lời Tử Dương. Chẳng nói là khác mà nói là giống, chẳng nói thẳng là giống mà nói là hơi giống. Thế là phát ngôn không cẩu thả. Tuy vậy, Thiền giả không được vì thế mà sinh dị kiến.

Học Đại Thừa coi Nhị Thừa là điều cấm kỵ, cho nên Kinh Phạm Võng quở trách Nhị Thừa là tà là ác, huống hồ là giống với chưa giống.

Có người hỏi rằng:

Liệu có thể được nghe về đan không?

Ta bèn dẫn dụ cho người đó rằng:

Luyện diên hống tức chì và thủy ngân mà thành đan, cũng ví như tu Định Tuệ mà thành đạo.

Thần ngưng khí kết mới thành đại đan.

Chỉ cực quán viên chẳng thành chân giáo thì còn đợi gì?

Cứu cánh của hai việc luyện đan và tu Phật tuy khác, nhưng thí dự thì có thể thuyết minh lẫn cho nhau. Huyền tông vẫn cho Tinh Khí Thần trung thân là ngoại và bảo người ta phải cầu nguyên tinh, nguyên khí, nguyên thần là nội dược. Thế thì những kẻ theo đuổi công việc luyện ngũ kim bát thạch tìm cỏ đốt tranh kia cũng là sai lầm.

Thiền Tông vẫn cho Thập Địa kiến tính là như còn cách một lớp the lụa và nhất quyết nói rằng:

Đoạn hẳn vô minh mới gọi là Diệu Giác. Thế thì những kẻ dừng lại ở Hóa Thành, trụ lại ở đầu gậy trăm thước kia vẫn còn cách rất xa.

Cớ sao những người đầu tròn áo vuông Xuất Gia tu Phật chẳng nghĩ đến việc nối dõi làm cho giòng giống Phật được hưng thịnh mà lại đam mê các việc lung Đạo Đức Kinh, Giảng Nam hoa Kinh, như vậy há chẳng điên đảo ư?

 

281. KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG VÀ KINH DI GIÁO

Hán Minh đế đêm nằm mơ thấy người vàng, sai sứ sang Thiên Trúc thỉnh được Kinh Phật Tứ thập nhị chương, đây là bước mở đầu cho Thánh Giáo truyền sang phương Đông du nhập vào Chấn Đán chỉ Trung Quốc. Nay vì lời Kinh thiết cận, Tăng chẳng tụng trì, Pháp Sư chẳng lên tòa diễn giảng cho người.

Xét ra Kinh này lời chẳng phải chỉ thiết cận mà có chỗ cũng sâu xa, có chỗ tuy lời gần mà ý xa, người ta tự mình chẳng xét rõ.

Còn Kinh Di Giáo chính là những lời quan trọng cuối cùng khi Như Lai nhập diệt, đó ví như cái gọi là di chúc của thế gian.

Con cháu mù mờ về nguồn gốc sáng nghiệp của Tổ Tông, thế là quên gốc. Con cháu trái lời di chúc của Cha Mẹ lúc sắp mất, thế là bất hiếu. Người làm Tăng sao chẳng suy nghĩ kỹ.

Tôi thấy rằng: Hai Kinh này quả thực là thuốc hay để chữa bệnh thời Mạt Pháp. Chẳng thể coi thường. Chẳng thể coi thường.

 

282. ĐẠI NGỘ TIỂU NGỘ

Tương truyền Đại Tuệ Cảo Lão Đại Ngộ mười tám lần, tiểu ngộ thì nhiều vô kể. Theo tôi thì người học đạo thường có các cảm giác cảm xúc thấy được một điều gì đó, đó gọi là hữu tỉnh có sự tỉnh ngộ, tỉnh ra mới tỉnh ngộ, nhưng chưa thật triệt để thì gọi là Tiểu ngộ, cho phép có thể được nhiều lần.

Còn như Đại Ngộ thì như Thế Tôn đang đêm nhìn thấy sao mai liền bừng tỉnh Đại Ngộ, đó là một lần ngộ là ngộ được hết, chẳng phải chờ đến lần thứ hai thứ ba.

Tức như các Tổ, các vị cho tới ngày nay chẳng còn nghi ngờ gì nữa, có vị từ đó an bang định quốc thiên hạ thái bình, có vị như Hoằng Bá Phật Pháp vốn dĩ không có nhiều con, họ tuy chưa tới mức được như Phật, nhưng cũng đều là Đại Ngộ.

Còn nếu cứ trùng trùng điệp điệp như vậy thì làm sao có thể gọi là Đại Ngộ được?

Nếu như vô minh tuy đoạn, nhưng vẫn còn muốn đoạn diệt vô minh cuối cùng cực kỳ vi tế. Công án tuy thấu nhưng vẫn còn thấu hiểu công án về sự lầm lẫn cuối cùng cực kỳ nguyên tắc thì cũng cho phép có mấy phen Đại Ngộ, nhưng chẳng nên nhiều tới mức mười tám lần.

 

283. THƯƠNG NGƯỜI DƯỚI

Sách Chu thị kỷ ngôn kể truyện Đường Nhất Am Tiên Sinh cùng các bạn nói chuyện đêm khuya, lúc sắp đi ngủ hỏi:

Lúc này còn có việc gì phải lo liệu nữa không?

Mọi người đáp: Không ạ.

Nhất Am bảo rằng:

Hôm nay rất rét, chúng ta uống rượu rất vui, nhưng những người đi theo vẫn chưa có chỗ ngủ.

Mọi người xin lỗi vì bất cập. Sở dĩ như vậy là vì lúc này họ chỉ ngáp dài vươn vai muốn ngủ mà thôi, chỉ có một mình Nhất Am là thấu hiểu hết những điều mà mọi người không xét tỏ. Quả thật là lời của người nhân hậu, là đức từ bi của Phật Bồ Tát.

Nhân chuyện này mà ta nghĩ tới con nhà Xuất Gia hôm nay ở trong Tăng Đường, trăm việc đều chẳng bận lòng, mười ngón tay chẳng nhúng nước, khi đi ngủ liệu cũng có nghĩ tới các hành nhân có người vẫn chưa có được chỗ an nghỉ hay không?

Liệu có cũng nghĩ tới các hành nhân phục dịch vất vả mà chẳng được yên ổn, vì cái gì mà như thế?

Vì Chúng Tăng mà làm việc đạo, thế thì người xưa có nói:

Đạo Nghiệp chẳng thành làm sao mà tiêu được?

Há chẳng đáng lấy làm lo sợ ư?

 

284. BỒ TÁT

Người ta thấy Như Lai quở trách Tiểu Thừa là thiên lệch, tán thán Đại Thừa, biết đạo Bồ Tát là đáng tu hành, song chẳng xét tỏ thực chất của đạo đó mà chỉ mượn cái danh của đạo đó thế thì tác hại càng ghê gớm.

Bởi vậy người chưa thể độ được cho mình, trước đã độ được cho người đó là Bồ Tát. Dựa vào đó mà việc mình chẳng tỏ đã thích làm Thầy người khác thì lại càng sai.

Người, Lục Độ đều tu, muôn hạnh gồm đủ đó là Bồ Tát. Nhưng dựa vào đó mà chỉ chuộng hữu vi vứt hết tâm địa thì lại là sai.

Không sợ tiếng xấu, thậm chí không sợ uy đức của Đại Chúng, đó là Bồ Tát. Nhưng dựa vào đó mà nghe thấy lỗi mà chẳng sửa, khinh đời ngạo vật thì lại là sai.

Lấy giết làm từ bi, lấy trộm cắp làm Bố Thí, thậm chí lấy vọng ngôn làm thực ngữ, đủ mọi loại phương tiện quyền nghi chẳng thể dùng thường tình mà bó buộc, đó là Bồ Tát.

Nhưng nhân đó mà độc hại cướp đoạt dối lừa thậm chí phá diệt luật nghi, phủ nhận nhân quả như người xưa bảo rằng:

Uống rượu ăn thịt chẳng chướng ngại gì cho Bồ Tát. Trộm cắp dâm dật không phương hại gì đến Bát Nhã thế thì lại là sai.

Thế thì là kẻ chỉ cầu danh mà bỏ mất thực, chẳng khéo học Liễu Hạ Huệ mà chỉ học bước ở Hàm Đan. Đạo lớn không thành, nghiệp quả đến trước. Hãy cẩn thận đấy. Hãy cẩn thận đấy.

 

285. NGUYỆN LỰC

Ông Lã Văn Chính mỗi sáng thức dậy, lễ Phật đềsu khấn rằng:

Những kẻ chẳng tin Tam Bảo, xin đừng để sinh vào nhà con. Nguyện con cháu đời đời ăn lộc, hộ trì Phật Pháp.

Sau con cháu họ Lã như Công Trứ, như Hiếu Vân, như Dụng Trung đều quy hiển và thờ Phật.

Xét ra như Văn Chính cũng chỉ là thiện nguyện của thế gian thế mà cuối cùng đã được mãn nguyện tới mức nhiều đời chẳng dứt, huống hồ là nguyện lớn là xuất thế gian, cầu sinh Tịnh Độ?

Nguyện của Văn Chính mong con cháu ắt đạt được, nhưng được hay không còn chưa biết.

Huống hồ cầu sinh Tịnh Độ, mong sao bản thân mình nhất định đạt được?

Cho nên biết rằng nếu Tịnh Độ chẳng thành:

Quả thật là vì lòng tinh thành của mình chưa tới mức mà thôi.

Xưa có nhà quyền quý cúng dàng một vị Tăng, hỏi vị Tăng đó rằng:

Sau khi thày trăm tuổi thày có bằng lòng đến nhà tôi không?

Tăng cười xòa thế là trở thành con nhà đó. Quan Tổng Nhung Phạm Quân thời gần đây cũng chính là vị Tăng mà cha ông đã cúng dàng. Hai chuyện trên chính thuộc loại này.

Xét ra nhất thời cười thuận liền đầu thai vào nhà hào phú, thế thì lẽ nào tinh thành lâu ngày mà lại có thể chẳng thác sinh vào Liên Phẩm?

Đó là Nhân quả tất nhiên, không được nghi ngờ bàn cãi.

 

286. CHẲNG KHỞI NIỆM 1

Dàn cây thuốc trước sân nhà ông Lý Văn Tịnh bị hư hại, nhưng ông vẫn như chẳng nghe thấy, chẳng nhìn thấy, tả hữu xin ông cho sửa lại.

Ông nói:

Sao lại có thể vì việc này mà khuấy động một niệm của ta?

Thầy Ngưỡng Sơn Trụ Trì trong thiền viện, Thần Thổ Địa muốn tham kiến một lần mà lâu ngày chẳng được. Một hôm Thầy ngẫu nhiên vào Hương Tích, thấy có vị hành giả đánh đổ thức ăn, làm vỡ cả liễn đựng.

Bất giác Thầy khởi niệm, nghĩ:

Tín thí thật đáng tiếc. Thế là Thần Thổ Địa liền được triển lễ tham kiến. Như vậy thì thường ngày, ngày một niệm Thầy cũng chẳng khởi.

Cho nên nói rằng:

Một niệm chưa khởi, Quỷ Thần không biết.

Còn nói:

Hễ lìa niệm tướng bằng cõi hư không.

Vậy mà chúng ta từ sớm đến tối, suy nghĩ lung tung, khởi lên chồng chất, chẳng biết mấy trăm ngàn vạn ức niệm, muốn vượt sinh tử, chứng Niết bàn, liệu có thể được không?

 

287. CHẲNG KHỎI NIỆM 2

Xưa có vị đạo giả dựng am bên suối, đêm nghe ngoài cửa sổ có tiếng nói rằng:

Ngày mai có người đội mũ sắt sẽ đến thay ta. Vị đạo giả biết là quỷ. Chập tối hôm sau, mưa to, nước suối lên nhanh, một người đàn ông đội chảo gội mưa định vượt suối. Vị đạo giả vội ngăn lại.

Tới đêm, ngoài cửa sổ lại có tiếng nói:

Ba năm đợi mãi mới được một người lại bị ông này cứu mất, nhất định phải trả thù này.

Đạo giả ngồi ngay ngắn trong buồng. Quỷ đi khắp xung quanh buồng tìm mãi mà chẳng tìm được, buồn bã phải bỏ đi. Đó quả thật là do một tâm niệm chẳng khởi lên vậy. Đại để cái mà người tìm là hình, còn cái mà quỷ tìm là tâm. Tâm không thì hình cùng tâm đều không.

Ai bảo đạo sĩ không có người tài?

Chúng ta nên lấy đó làm gương để mà tự giúp cho mình.

 

288. CỬU PHẨM VÃNG SINH

Sĩ nhân có kẻ khinh Tịnh Độ mà chẳng tu, nói:

Ví như bọn ta nên dùng khoa danh để tiến vào con đường sĩ hoạn để ra làm quan, chứ sao lại phải dùng cách tiến cống hàng năm để được phong quan chức?

Một sĩ nhân khác nói:

Thí dụ này rất sai.

Liên đài tự chia làm chín phẩm, sao ông chẳng tranh thủ lấy phẩm cao nhất mà lại cam chịu làm phẩm thấp?

Nay khoa Tiến Sĩ lấy ba trăm, cũng có thể chia ra làm các hạng Thượng, Trung, Hạ và Cửu Phẩm, sao ông chẳng chiếm lấy khôi nguyên của khoa đó mà lại cam chịu đứng cuối bảng?

Thượng Phẩm thượng sinh tức là vị trí đầu bảng của Liên Khoa chỉ việc Tu Tịnh Độ.

Cho nên có lời ca tụng rằng:

Ba tâm viên phát, đế lý thâm minh, ai đến đài vàng, thì chứng vô sinh. Ở trong Tông Môn thì đó là Đại Triệt Đại Ngộ và tâm không, đỗ đạt về như người ta đã nói.

Sĩ nhân ban nãy bâng khuâng nói: Thế là mối ngờ của ta bị xua tan rồi.

 

289. NGÀN TĂNG KHÔNG MỘT NẠP TỬ

Tịnh Công ở Long Hưng được Tuyết Phong Đại Sư biết tới.

Tuyết Phong thụ ký cho Tịnh Công, nói rằng:

Ngươi sau này làm Trụ Trì, dưới tòa có ngàn Tăng mà không có lấy một nạp tử.

Sau Tịnh Công nhận lời mời của Tiền Vương tới Trụ Trì ở Long Hưng quả nhiên có hơn một ngàn Tăng Chúng, nhưng đều là hạng tụng tập Tam Tạng mà thôi, đúng y như lời thụ ký của Tuyết Phong. Xưa Mã Đại Sư được nhiều người giỏi, số thành đại tài có tới tám mươi tám người.

Thời Tịnh Công cách Mã Đại Sư không xa lắm, thế mà nạp tử khó kiếm tới mức trong một ngàn người mà hiếm thấy một người, huống hồ là thời nay?

Trong cõi người không có hạng Thập Thiện thì loài Trời suy, trong Tăng không có nạp tử thì giống Phật bị đoạn diệt. Gần đây còn chẳng biết nạp tử là gì. Đạo pháp suy vi như sợi dây sắp đứt. Buồn thay.

 

290. TIẾC TẤC BÓNG

Xưa bảo rằng Đại Vũ là bậc Đại Thánh mà còn tiếc từng tấc bóng, còn như người thường thì nên tiếc từng phân bóng. Phật dạy tính mệnh con người chỉ trong vòng một hơi thở. Xét ra trong một phân bóng có nhiều hơi thở thế thì chúng ta đâu phải chỉ nên tiếc phân bóng, mà ngay thời gian chỉ bằng một Sát na, một cái gảy móng tay cũng đều không thể không tiếc.

Xưa Y Am Quyền thiền sư cứ đến tối lại khóc lóc nói:

Hôm nay lại chỉ sống uổng như vậy, chưa biết hôm sau công phu sẽ ra sao?

Thiền sư đã siêng năng tinh tiến như vậy đấy.

Ta thấy sáng sớm Mặt Trời mọc lại nhớ tới lời Y Am và nói rằng:

Nay lại đổi một ngày rồi.

Hôm qua đã thành sống uổng, chưa biết hôm nay công phu sẽ ra sao?

Song ta chỉ thở dài, chưa từng khóc lóc, vì vậy biết là đạo tâm còn kém xa người xưa. Há chẳng đáng hổ thẹn ư.

Há chẳng nên gắng gỏi ư?

 

291. CHÙA VẠN NIÊN 

Chùa Vạn Niên ở chính giữa Thiên Thai Vạn Sơn, trước Phật Điện có mười mấy cây cổ thụ trồng thành một hàng ngang thành hình chữ Nhất, hàng lối ngay ngắn cành lá tốt tươi xum xuê là cảnh đẹp của sơn môn.

Có người khắc bài ký vào đá nói rằng:

Đây là cây do bậc thượng tiên trồng, ai chặt đốn, người đó sẽ bị chết ngay lập tức.

Có người nói rằng:

Người viết bài ký này chắc là ngu chăng.

Ngày sau liệu có thể bảo đảm được rằng những kẻ có lực không màng chúng mà đi ư?

Thế thì viết bài ký này để làm gì?

Ta cho rằng chẳng phải thế. Xét ra, có hưng ắt có phế, người xưa chẳng phải là không biết điều này.

Nhưng pháp chẳng thể đặt ra như vậy. Người sau tin lời ký này mà dẹp bỏ tà tâm hay chẳng tin mà tạo nghiệp đều thuộc về chính bản thân họ, người lập pháp không để tâm tới điều đó, cứ mặc họ mà thôi.

Phật thụ ký nói:

Kẻ nào phá hòa hợp Tăng sẽ bị đọa vào Địa Ngục Vô Gián. Phật chưa nhập diệt mà Đề Bà Đạt Đa đã dụ dỗ một số Tăng ở Kỳ Viên bỏ đi, Phật cũng chẳng thể ngăn chặn được Đề Bà Đạt Đa mang họ đi.

Như thế thì là Phật ngu ư?

 

292. GIẦU SANG NÍU KÉO CON NGƯỜI

Tăng Đạo Hạnh cao ngày thường tự mình gìn giữ bổn phận chẳng để giầu sang nhiễm tới bản tâm, song đời nay giữ được, chưa hẳn đời sau không bỏ mất.

Một người bạn văn chương đứng đầu cả nước, trực ở Sử quán, tiếng tăm lừng lẫy, ngẫu nhiên đến chơi ở Thiên Mục đã bảo ta rằng:

Buồng đá trong núi này có vị Tăng ngồi mà mất, thân cũ của ông ta vẫn còn, ta muốn lễ ông, nhưng trong lòng lại sợ nên chẳng dám.

Ta hỏi vì sao?

Thì đáp rằng:

Xưa có người lễ Tăng ở buồng đá, vừa mới vái lạy thì đã ngã lăn ra đất bất tỉnh. Và lúc ấy vị Tăng trong khám mới ngáp dài vươn vai từ định mà đứng lên. Ta sợ có khi cũng lại như thế, bởi vậy không dám. Rồi cùng ta nhìn nhau cười lớn.

Ông này tài cao đức lớn, trí tuệ xét đoán sáng suốt lại có nhã ý với Phật Thừa, vậy mà còn ưa thích cảnh giầu sang nhất thời, giữ tấm thân trong mộng chỉ sợ tỉnh mộng thì còn nói chi đến người khác nữa?

Ông lão nhà quê có dăm mẫu nhà cửa, viên lệnh sử quèn với chức quan canh gác, vị Hòa Thượng túng có hai ba chục nhà đàn việt tín tâm cúng dàng mà còn lưu luyến chẳng xả bỏ được, tới chết vẫn còn mang theo trong thức điền, huống nữa là lại được đỗ cao, làm chức lớn, chiếm đứt vinh hoa của thế gian, thế thì việc ho ham hố đắm đuối cũng có chi là lạ?

Giầu sang níu kéo con người ta, dẫu Bậc Hiền trí cũng chưa tránh khỏi.

Ôi. Đáng sợ thay.

 

293. ĐẠO NHÂN NGỖNG

Người già trong núi gọi ngỗng là Đạo Nhân ngỗng.

Hỏi thì họ đáp:

Vịt vào trong ruộng thì đỉa rầy sâu giun v.v… nó đều chén hết không sót một mống, cho nên chỗ nào vịt vào du hành đều gọi là đại quân tràn qua. Gà ở trên đất thì rết độc ác, dế loi choi, không có con nào thoát được cái mỏ của nó. Còn ngỗng thì chỉ ăn cỏ tươi và tấm cám mà thôi. Nó ăn chay chẳng ăn mặn nên gọi nó là Đạo Nhân.

Ta nghe mà buồn rười rượi. Xét ra gà vịt tàn sát sinh vật, người lại tàn sát gà vịt, quả báo thi hành dường như vừa vặn bằng nhau.

Nhưng sao lại giết ngỗng mà ăn thịt nó?

Ngỗng được tiếng khen là Đạo Nhân, người lại can tâm có hành động như hổ dữ.

Than ôi. Thương thay. Tuy vậy, việc ngỗng chẳng ăn thịt cũng giống như con trâu ngu chẳng sát sinh, đó chẳng phải là do Thầy bạn dạy bảo mà là do bản tính chúng như thế. Mà tính lại do tập quán cũ xưa sui khiến nên. Cho nên người học đạo không thể không thận trọng đối với sự rèn tập của mình.

 

294. SINH NHẬT

Người thế gian sinh nhật thì bày yến tiệc, nổi âm nhạc, vẽ tranh vẽ, thi từ phú lấy đó làm vui. Riêng Đường Văn Tông chẳng làm thế, có thể nói là đã vượt hẳn thường tình.

Có người hỏi:

Ngày đó, nếu chẳng bày trò vui mà Tụng Kinh lễ sám, làm các việc phúc thì thế nào?

Đáp: Quả là rất tốt. Muốn đền ơn sinh thành nuôi nấng vất vả của bố mẹ và diệt các nghiệp mà bản thân mình đã làm trong đời thì nên hết lòng vào việc này. Song đó mới là ngọn, chẳng phải là gốc.

Tiên đức có nói rằng:

Trước khi Cha Mẹ chưa sinh, hỏi ai là bản lai diện mục của ngươi?

Ngay đó, liệu có ai có thể chẳng bày trò vui mà lại chính niệm quan sát mặt mũi trước khi chưa sinh không?

Nếu đối với vấn đề này thấu hiểu thật rõ ràng thì chẳng những đền đáp được Cha Mẹ của thân này, mà ơn Cha Mẹ hàng bao nhiêu kiếp cũng thảy đều đền đáp được.

Chẳng những diệt được nghiệp đời này mà túc chướng bao đời cũng thảy đều diệt cả. Bãi trò vui của thế gian, được niềm vui của Niết bàn, như vậy thay người như. Vĩ đại thay người như vậy.

 

295. NHÂN ỐM MÀ ĂN THỊT

Có người thụ Phật Giới bỏ ăn thịt, nhưng bỗng bị duyên bị thân hữu nài ép rồi lại gặp bọn lang y dung tục xúi bảy, đến nỗi ăn chay lâu ngày mà mót sớm phá giới. Chẳng biết nghĩ rằng lực của thịt chỉ có thể vỗ béo thân, chứ chẳng thể kéo dài thọ mệnh, bậc trí giả đã nhất định không làm thế.

Hơn nữa bọn con em ăn cao lương mỹ vị có người gầy đét như người ốm đói, còn người làm ruộng ăn rau lê rau hoặc có khi lại đẫy đà béo tốt như lái buôn.

Thế thì ăn thịt vỗ béo thân còn chưa được, làm sao mà bảo đảm được thọ mệnh ?

Ăn rau mà ốm, bảo họ ăn thịt.

Ăn thịt mà ốm thì lại bảo họ ăn gì?

Người có bệnh cứ tự giữ mình theo đúng đạo lý mà thôi. Nếu là người ở địa vị thấp bé trên có bậc tôn trưởng, do tình thế bổn phận bắt buộc, chẳng thể trái được thì ăn tam tịnh nhục cũng được. Còn sát sinh mà ăn thì không được.

 

296. BỆNH CỦA NGƯỜI LÀ CHẤP TRƯỚC KIẾN GIẢI CỦA MÌNH

Nói lý không thể không biện luận phân tích chặt chẽ, nhập đạo không thể không chuộng một món chuyên, thế nhưng cố chấp tự cho mình là đúng, nhất loại cho người khác là sai thì lại không được. Bệnh này xưa đã thế, nay lại càng trầm trọng.

Kẻ chấp một nhà thì ngoài Thiên Thai ra không một người nào có thể vừa ý được. Người chấp giản tiện thì lại chê Thiên thai là chi ly xuyên tạc, chẳng phải là bản ý của Phật.

chấp lý tính thì chê Niệm Phật là chấp tướng. Còn người chấp Tịnh nghiệp hễ thấy ai không Niệm Phật lại liền coi đó là ngoại đạo. Thậm chí người chấp Phương Sơn thì chê Thanh Lương là xé nát Kinh Phật hoàn chỉnh. Kẻ chấp Trì Chú thì nghi ngờ Hiển Giáo cho là có xuất xứ từ miệng người sau.

Các loại chấp mắc như vậy rất nhiều chưa dễ gì kể ra hết, mâu thuẫn với nhau như nước với lửa, đối chọi lẫn nhau, kiên quyết cố thủ, chẳng thể lay chuyển, khiến ta vô cùng cảm khái.

Xin khuyên các bậc Nhân Giả chi bằng đều bỏ chấp trước, thảy đều hư tâm, hơn nữa tự mình nghiên cứu thấu đáo chí lý, lấy việc giác ngộ làm chuẩn tắc, sau khi Đại Ngộ rồi thì từ từ bàn luận cũng chưa muộn.

 

297. DIÊU THIẾU SƯ 1

Phật chưa xuất thế, người ta đều coi Trời là Thầy. Phật xuất thế rồi, người ta mới biết thờ Phật cho nên Phật được Danh Hiệu là Thầy của người Trời, một mình làm Vua cả Ba Cõi và không ai sánh bằng.

Diêu Thiếu Sư viết thiên Phật Pháp bất khả diệt luận cho rằng hai giáo Nho Đạo theo phép của Trời để mà vận dụng, chẳng dám trái với Trời. Phật đặt giáo hóa, các Trời phụng hành, chẳng dám trái với Phật. Đây tuy là lời của Hám Trạch, nhưng nếu chẳng phải là Thiếu Sư thì chẳng ai có thể xiển dương được.

Hơn nữa Thiếu Sư ở ngôi cực phẩm Tam Công, chỉ có một nạp y Cà Sa suốt đời không đổi Tăng tướng, đó há phải là chuyện mà thường tình dễ dàng hiểu được.

Chỉ có điều là ông chẳng thị hiện thần thông giống như Phật Đồ Trừng. Song Phật Đồ Trừng sống giữa thời loạn, nên mới mượn phép thần thông để tỏ bày giáo hóa. Thiếu Sư gặp bậc Chân chúa. Không phải đợi đến thần thông, biết đâu rằng chẳng phải là ông làm được, mà không làm.

Hơn nữa bài U cư thi của ông có câu:

Yến xuân ra ràng lìa lũy cũ. Gà trưa gáy đoạn mổ thềm râm. Có thể nói đó là Lưu Hầu đương đại. Thế gian chưa có ai biết được sự sâu sắc của ông, vì vậy phải phát hiện điều này.

 

298. DIÊU THIẾU SƯ 2

Có người bảo rằng: “Tội ác mà con người gây ra, tội gì lớn nhất?”. Có người đáp rằng: “Đó là trộm cắp, ngỗ ngược, sui nguyên giục bị”. Ta bảo rằng: “Đó là đúng, nhưng còn tội lớn hơn, tội lớn không gì lớn bằng tội sát sinh”. Người kia nói: “Giết mổ nấu ăn, đó là việc thường dùng hàng ngày sao mà gọi là ác được? Huống hồ lại cho Ịà tội lớn nhất?”. Ôi! Trộm cướp tuy ác, nhưng chủ ý là được của, nếu vui vẻ mà đưa cho chúng thì chư hẳn là chúng sẽ giết hại mạng người. Còn sá sinh thìmổ bụng moi tim, gan óc đưa vào nội vạc. Kẻ ngỗ ngược có khi bỏ mặc chẳng phụng dưỡng, lếu láo chẳng cung kính, nhưng chưa hẳn đã làm ác chuyện giết cha như A Xà Thế, A Xà Thế, Dương Quảng. Huống hồ những người bị A Xà Thế, Dương Quảng giết hại chỉ là cha mẹ một đời, còn các loài có sinh mệnh thì như trong Kinh đã nói có khi là cha mẹ nhiều đời trước kia! Kẻ sát sinh từ lúc trẻ tới lúc già số bị hắn giết thịt nhiều vô kể, thế thì hắn phải giết hại đến cha mẹ nhiều đời! Kẻ sui nguyên giục bị tội ác gom lại tiếng xấu đồn vang, phần nhiều sẽ bị tra xét ra, ít kẻ lọt lưới. Còn kẻ sát sinh kia ai mà tra xét ra hết được? Thế thì tác hại của tội sui nguyên giục bị chỉ có hạn, còn tác hại của tội sát sinh là vô cùng tận. Cho nên đức lớn của trời đất là sinh, tội ác lớn trong vòng trời đất là sát sinh.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8