BÚT KÝ BÊN CỬA TRÚC
-TRÚC SONG TÙY BÚT-
Tác giả: Đại Sư Liên Trì
Dịch giả: Sa Môn Thích Viên Thành

 

LỜI PHI LỘ

Tổ Vân Thê Chu Hoành (1535 – 1615) là một trong bốn vị Cao tăng (Tử Bách Chán Khả, Hám Sơn Đức Thanh, Ngẫu Ích Trí Húc) cuối đời nhà Minh – Trung Hoa. Tổ là người đất Hàng Châu họ Trám huý Chu Hoành. Tên chữ là Phật Tuệ, biệt hiệu Liên Trì. Tổ xuất gia thụ Cụ túc giới năm 30 tuổi, sau đó vân du sam học nhiều nơi, chín vượt ba trèo, chảng ngại gian khổ, dãi gió dầm sương trên vạn nẻo. Cuối cùng Tổ dừng lại ở chùa Vân Thê – Hàng Châu. Tổ được xưng tụng là Vân Thê đại sư hoặc Liên Trì đại sư.

Cả cuộc đời của Tổ chỉ đề xướng và cổ xúy cho pháp môn Niệm Phật (Tịnh độ), đổng thời là Tổ thứ 8 của Liên tông. Sở học của Tổ gồm rất nhiều phương diện khác nhau. Tổ không những là Đại sư cùa Tịnh độ mà còn là một danh Tăng cùa tông Hoa Nghiêm. Trong Vân Thê di cảo (Quyển 3 – Phả thị trì danh niệm Phật Tam-muội) chép:

“Pháp môn niệm Phật chia làm 4 loại là:

– Trì danh niệm Phật.
– Quán tượng niệm Phật.
– Quán tưởng niệm Phật.
– Thực tướng niệm Phật.

Tuy phân ra như vậy nhưng rốt ráo đều gom về thực tướng mà thôi”. Được như vậy mới vĩnh biệt sinh tử, trường từ Lục đạo, thân cận đức Di Đà nơi cảnh giới Liên đài..

Ngoài sự nghiệp hoằng dương Tịnh độ, Tổ còn trước thuật rất nhiều, số lượng trên 30 bộ. Năm 1637, Ngài Tỷ-khiêu Trí Anh tập hợp và cho khắc bản lấy tên là “Vân Thê pháp vựng”, bao gồm:

– Bồ-đề giới sớ phát ẩn – 5 quyển
– Di Đà sớ sao – 4 quyển
– Cụ túc tiện mông – 1 quyển
– Thuyền quan sách tiến – 1 quyển
– Truy môn sùng hành lục – 1 quyển
– Lăng nghiêm mạc tượng ký – 10 quyển
– Thủy lục pháp hội nghi phạm – 6 quyển
– Trúc song tùy bút – 3 quyển
– Sơn phòng tạp lục – 2 quyển
– Vân Thê di cảo – 3 quyển

Đến năm 1987, Kim Lăng khắc kinh đã cho khắc lại bộ này

Tổ thị tịch vào giờ Ngọ, ngày 4 tháng 7 năm Vạn Lịch thứ 43 (1615) thọ 81 tuổi, để lại bài kệ ngộ đạo:

Nhị thập niên tiền sự khả nghi
Tam thiên lý ngoại ngộ hà kỳ
Phần hương trịch kích hồn như mộng
Ma Phật không tranh thị dữ phi

(Hai chục năm xưa chuyện vẫn nghi
Ngoài ba ngàn dặm việc ly kỳ
Tàn hương phảng phất dường như mộng
Ma Phật đều không dứt thị phi)

Trúc song tuỳ bút là tác phẩm dược viết trong suốt cuộc đời của Tổ. Những điều mắt thấy tai nghe, những tự thuật, những tâm đắc gan ruột của bậc Đai sỹ được chép cẩn thận. Những ngày cuối cùng của  cuộc đời – tức năm Vạn Lịch thứ 43, đời Minh (1615) – đích thân Tổ đề tựa cho Trúc song tuỳ bút.

Nội dung của tác phẩm chia làm 3 phần:

Phần I: Sơ bút: Gồm 159 bài tuỳ bút.
Phần II: Nhị bút: Gồm 139 bài tuỳ bút.
Phán III: Tam bút: Gồm 125 bài tuỳ bút.

Cà thảy là 423 bài tuỳ bút ngắn gọn được phân tích tường tận. Văn phong như gió lướt qua cây báu ở Cực lạc, như đàn cầm của Thát-bà trỗi lên trong thanh không. Kể từ khi xuất gia cầu đạo, phân biệt giữa Phật giáo với các Tôn giáo khác, những luận bàn giáo nghĩa Phật-đà, những sinh hoạt, hành trì của người xuất gia, mối quan hệ giữa Thuyền – Tịnh và Giáo ra sao, thói mê tin dị đoan cho đến Nho – Phật dung hợp thế nào v.v… đều được ghi chép tỷ mỷ càng cho chúng ta thấy được phong độ cốt cách của Đại sư trong suốt cuộc đời.

Như chúng ta đã biết, Nho giáo Trung Hoa mà thâm căn cố đế của nó đã ăn sâu vào tầng lớp trí thức Khổng Mạnh mục đích là trị thế. Tổ không phải không biết diều đó, Tổ cũng đã từng là Nho sĩ, vì vậy quan điểm là cố gắng dung hòa những gì có thể. Từ “Nho – Thích hoà hội” (Phần I) đến “Nho – Phật giao phi” và “Nho – Phật phối hợp (Phấn lI). Về quan điểm cơ bản là không giông nhau nhưng dưới ngòi bút cẩn trọng cùa mình, Tố lưu ý, trước hết và không ngoài, những người Nạp tử với chí nguyện giải thoát tối hậu mà đức Bản Sư đã dạy.

Xem vậy cũng đủ thấy tư tưởng, hành trạng của Tổ Vân Thê xứng danh là bậc Tôn sư, là hàng Bồ tát dũng xuất chốn Phật môn. Như bài minh khắc trên tháp Tổ tại Hàng Châu: “… Tiềm thần mật dụng, lòng an nhản, sức tinh tiến [của Tổ Vân Thê] há không phải là Bồ tát tòng địa dũng xuất hay sao!”

Phần tôi, xuất gia đầu Phật từ thưở ấu niên, tháng ngày phụng thị Tôn sư (Hoà thượng Thanh Chân, Tổ thứ 10 Sơn môn Hương Tích) được Tổ chỉ bày yếu chỉ của Tông môn. Ngoài những lúc tụng tập, Tôn sư tôi thường lấy những đoạn tuỳ bút trong Trúc song cắt nghĩa giảng giải. Lĩnh ý Thầy, tôi đã ghi chép một cách cẩn trọng. Ngày này qua ngày khác, tích tiểu thành đa, số lượng chẳng mấy chốc đã nhiều. Thế rồi Tôn sư tôi quẩy dép về Tây (Ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ – 1989). Đến nay thấm thoát đã hơn 10 năm, phần còn lại nay tiếp tục dịch nốt cũng đã vừa xong. Nhờ sự gia bị của đức Quan Ầm đại sĩ, mượn trúc non Hương làm thẻ tre thay giấy, lấy nước suối Thiên Trù mài mực – Khêu ngọn đèn tâm nguyệt để viết lời tựa cho bản dịch Việt ngữ này. Ngõ hầu, gần là để báo đáp công đức của Tôn sư, xa là hoằng truyền hạt giống Liên trì của Đại sư trên đất Việt.

Vì xuất bản lần đầu, không thể tránh khỏi những sơ xuất trong bản dịch. Kính mong được phủ chính bởi các bậc cao minh, thức giả.

Non Hương – Trọng Thu Tân Tỵ – P.L 2545
Thích Viên Thành
Cẩn bút

 

PHẦN I
TRÚC SONG SƠ BÚT

1. LỜI ĐỀ TỰA
SÁCH TRÚC SONG TÙY BÚT

Xưa có sách Dung Trai Tùy Bút, tôi bắt chước mà viết sách này dưới song Trúc. Khi nào có điều cảm xúc, tôi ghi lại. Khi nào có điều mắt thấy, tôi cũng ghi lại.

Từ tập đầu tới tập thứ hai, tất cả thành hai tập. Nay tôi tuổi đã tám mươi, mới biết những điều sai trái trong bảy mươi chín năm qua và tự thấy lòng mình vẫn chưa yên được.

Nỗi phải nằm bẹp lâu ngày ở lạc sinh đường, không thể siêng dùng đôi giày của Triệu Lão, thế là đành chỉ trên một chiếc sập mà đi khắp ngàn núi, chỉ trong tấc bòng mà để tâm thần rong chơi đến trăm đời, những điều cảm nghĩ, những điều mắt thấy đem gom lại sau bao năm tháng, chốc đã thành sách.

Dẫu là chuyện đông chuyện tây, khách hỏi chủ đáp, nhiều loại khác nhau, nhưng mục đích chính chỉ là chỉnh đốn hành môn, bình trị tâm địa mà thôi.

Còn các điều khác, như các sự trong thế tục không có quan hệ gì tới pháp hóa, không bổ ích gì cho việc tiến tu thì chẳng hơi đâu mà đề cập tới.

Ôi. Tôi già lắm rồi.

Sao chẳng im hơi lặng tiếng mà lại còn lảm nhảm như vầy.

Ôi. Tôi già lắm rồi.

Chiều tà trăng xế, còn được mấy lúc, bây giờ mà chẳng nói thì còn đợi tới ngày nào?

Nếu có lợi cho dân vật thì có xá kể gì điều kia khác.

Bèn đem những điều tâm đắc giao cả cho ngòi bút.

Ngày xuân năm Ất Mão niên hiệu Vạn Lịch.
Hậu học Châu Hoành ở Vân Thê kính ghi.

 

2. TĂNG VÔ VI

Ông Vô Vi Năng ở am Lưu Khánh tại Ngô Giang tuổi tác hơn tôi, đức độ hơn tôi, Xuất Gia trước tôi. Trước kia lúc tôi vân du ở vùng Tô Hồ đã từng cùng ông ngồi thuyền trong cùng một thuyền đường. Tới khi tôi Trụ Trì ở Vân Thê, ông đến thụ giới và xin được ghi tên vào hàng đệ tử.

Tôi từ chối không nhận, thì ông cố nài xin nói:

Xưa hai vị Đại Bồ Tát là các Ngài Phổ Tuệ, Phổ Hiền còn cầu xin gia nhập Khuông Lư Liên Xã. Nay tôi là hạng người nào lại tự mình đoạn tuyệt với hội tốt lành này.

Chẳng thể đừng được, tôi đành chấp nhận coi như chuyện cũ Đổng La Thạch tham yết Tân Kiến. Ông là Bậc Hiền tài mà lại hạ mình dưới kẻ ngu hèn, quả là có phong độ của Cổ Nhân, nên tôi ghi lại để khuyến khích hạng hậu tiến.

 

3. MỆNH CON NGƯỜI CHỈ TRONG MỘT HƠI THỞ

Một vị Tăng ốm đau quanh năm, mê mệt liệt giường lâu ngày, mọi người biết chắc là sẽ chết, nhưng ông ta vẫn không tưởng tới cái chết, nói chuyện với ông ta về cái chết là ông không vui.

Tôi bèn sai người bảo thẳng rằng:

Hãy mau lo chuyện hậu sự, nhất tâm chính niệm.

Ông nói:

Nam ốm kiêng trước ngày sinh, qua ngày ấy sẽ từ từ bàn chuyện đó sau. Ngày mười bảy tháng đó mới là ngày sinh của ông, thế mà trước đó một ngày ông đã tắt thở.

Ôi. Tính mệnh con người chỉ trong một hơi thở. Phật đã nói câu này cho người không ốm. Huống hồ sắp chết rồi mà vẫn chẳng tỉnh ngộ.

Buồn thay!

 

4. TRƯỚC THUẬT CỔ KIM

Lúc tôi còn Tại Gia, ở nhà người bạn là Tiền Khải Đông, có một vị đạo giả nhân tôi nói về việc Xuất Gia, ông bèn nói:

Chẳng tại Xuất Gia, chỉ quý được bậc minh sư mà thôi. Bấy giờ tôi chưa cho là đúng.

Lại có một vị đạo giả nói:

Văn tự huyền môn, cần phải xem trước tác của Thánh Hiền thời thượng cổ, còn thời gần đây phần nhiều xuất phát từ các kiến giải chủ quan ức đoán, chẳng đáng tin.

Lúc ấy tôi cũng chưa cho là đúng. Nay ngẫm nghĩ hai lời ấy đều có thâm ý, dẫu chưa hẳn đúng hết, nhưng chưa hẳn chẳng đúng. Đem lời ấy mà ví với Tông Phái của ta thì cũng lại như vậy. Bèn ghi lại.

 

5. NHO PHẬT HÒA HỢP

Có người thông minh đã đem thuyền tông hòa hội cùng Phật điển, đây chẳng những là tuệ giải viên dung mà còn dẫn tiến những kẻ trí thức nông cạn, khiến họ chẳng còn dùng Nho để mà báng Phật, dụng ý ấy cố nhiên là rất tốt rồi.

Tuy vậy, căn cứ vào lời thô hay lời tinh đều đệ nhất nghĩa thì đúng thế, đúng thế. Nhưng nếu xét theo văn mà phân tích nghĩa lý cho tới mức cực kỳ sâu sắc tinh vi thì lại trở thành hý luận. Người đã nhập môn lại không thể không biết điều này.

 

6. LĂNG NGHIÊM 1

Thiên Như biên tập sách Lăng Nghiêm hội giải.

Có người bảo:

Đó là Lăng Nghiêm của Thiên Như, chứ chẳng phải là Lăng Nghiêm của Thích Ca. Tôi bảo lời này tuy đúng, nhưng người mới học chấp vào đó, rồi định phế bỏ hết những lời chú sớ giải thích của người xưa thì lại là sai.

Đã phế bỏ hết chú sớ, chỉ để lại Kinh Văn, há chẳng nói rằng:

Đây là Lăng Nghiêm của Thích Ca, chẳng phải là Lăng Nghiêm của bản thân mình ư?

Thế thì Kinh có thể phế bỏ, huống chi là chú sớ.

Lại chẳng nói:

Lăng Nghiêm của bản thân mình ở khắp mọi chốn ư?

Thế thì chư tử bách gia, cho đến lời ca tiếng hát của tiều phu mục đồng đều chẳng thể phế bỏ, huống chi là chú sớ.

 

7. LĂNG NGHIÊM 2

Chẳng riêng gì Lăng Nghiêm, mà thời gần đây đối với các Kinh phần lớn đều chẳng dùng chú sớ. Xét ra chẳng câu lệ vào những lời giải thích có sẵn mà nghiên cứu thẳng ý nghĩa của bản văn, đó quả thực là có chủ biên.

Song nhân đó mà thành phong trào, thậm chí tới mức phô bày các kiến giải ức đoán chủ quan của mình, hòng hơn hẳn người xưa, cho đó là cao, cho nên đã có kẻ giảng sai thuyết bậy. Hạng tân học vô tri lại bị họ làm cho lầm lỡ.

Vả lại những chỗ người xưa hơn hẳn người nay rất nhiều, chỗ mà họ chẳng bằng chỉ là một phần mười. Những chỗ người nay chẳng bằng người xưa rất nhiều. Chỗ họ trội hơn chỉ là một phần trăm. Thế thì chi bằng hãy tạm giữ lại chú sớ của người xưa.

Ví như người học nghề trước tiên ắt phải tuân theo sự dạy bảo của Thầy, lấy đó làm chuẩn mực, mai sau tới một ngày nào đó thần cơ diệu thủ hơn hẳn Thầy mình, điều đó ai mà hạn chế được?

Và cần gì mà phải vội vã cầu thắng?

Huống hồ rốt cuộc chẳng vượt ra khỏi khuôn mẫu của người xưa.

 

8. CÔNG ĐỨC LỄ SÁM

Cư Sĩ Tào Lỗ Xuyên ở Cô Tô đã kể với tôi rằng:

Có cô gái ở tại nhà chồng, mùa hè ngồi trong buồng, một con rắn từ trên tường, rượt đuổi chim câu, rơi xuống giữa sân bị người nhà nhìn thấy đánh chết. Mấy ngày hôm sau hồn rắn ốp vào cô gái mà nói.

Lỗ Xuyên tới xem thì nói rằng:

Xưa tôi làm Thái thú Kinh Châu, Cao Hoan làm phản, đuổi tôi tới bên sông Giang, rồi tôi chết giữa sông Giang.

Chẳng biết Cha Mẹ vợ con tôi có được bình yên hay không?

Lỗ Xuyên kinh ngạc nói:

Hoan là người thời Lục Triều. Nay đã trải qua các triều Tùy, Đường, Tống, Nguyên và tới nhà Đại Minh rồi.

Bấy giờ hồn mới hiểu ra là chết đã lâu và biết là rắn, bèn nói:

Đã là rắn thì chết cũng không oán hận gì, nhưng hãy lễ giúp tôi một bộ Lương Hoàng Sám thì tôi sẽ đi.

Bèn mời Tăng Định Không ở Chùa Tứ Châu tới lễ sám. Sám xong, hồn đòi chay, liền Bố Thí cho một đàn hộc thực. Hôm sau, cô gái được yên ổn như cũ. Ý nghĩa của lễ sám đúng lúc thật to lớn như vậy thay.

 

9. ĂN THỊT NGHÊU SÒ

Hà Dận thời Tấn nói rằng:

Con trạch, con cua sắp chết còn có tri giác và đáng thương. Còn như con nghêu con sò, mắt mày chả có, môi mép kín bưng, chẳng tươi chẳng héo không bằng cỏ cây, không tiếng không hơi khác nào ngói sỏi. Cố nhiên đáng bị mãi mãi đưa vào bếp núc, mãi mãi bị dùng làm thức ăn.

Ôi! Đây là lời gì vậy?

Bọn này dẫu không có mắt, mày, môi, mép, tươi, héo, tiếng, hơi, nhưng đâu phải là không có hình chất vận động?

Những loài có hình chất và có khả năng vận động đều có tri giác cả. Ngươi chỉ không biết là chúng, có tri giác mà thôi.

Huống chi mày, mắt v.v… thực ra không gì không có đủ, chỉ là vì cực kỳ vi tế chẳng phải là thứ mà con mắt phàm tục nhìn thấy được. Thế mà lại định mãi mãi dùng chúng làm thức ăn. Tội của dận thật chất ngất tới tận Trời.

 

10. CHÓ VÀNG CỬA ĐÔNG

Lý Tư lúc sắp bị hành hình, ngoảnh lại bảo con rằng:

Ta muốn cùng con lại dắt con chó vàng, cánh tay vác chim ưng xanh, ra ngoài cửa Đông thành Thượng Thái săn đuổi thỏ khôn, nhưng nào có được.

Rồi cha con khóc lóc với nhau và bị tru di ba họ. Đại để là tư ân hận vì ngày nay phú quý mà lại phải chết không bằng xưa kia nghèo hèn mà vẫn được sống. Lẽ nào lại nghĩ rằng cái cảnh thỏ gặp chim ưng, chó săn chẳng giống cảnh bản thân mình bị búa rìu ư?

Thỏ bị tiêu diệt cả đàn, người bị tru di cả họ, đúng là chỉ tương đương mà thôi.

Những kẻ chẳng biết tội lỗi của mình lại còn thèm muốn việc săn bắn giết chóc, đó là như cha con Lý Tư chăng?

 

11. VÌ CHA MẸ MÀ SÁT SINH

Kim Mỗ ở Tiền Đường trai giới rất mực thành kính siêng năng, sau ốm chết, hồn bèn ốp vào một đứa trẻ và nói:

Thiện nghiệp còn ít, chưa được vãng sinh Tịnh Độ, nay ở cõi âm song cũng rất sướng, đi ở tự do.

Một hôm hồn mắng vợ con rằng:

Cớ sao lại giết gà thổi xôi vì chuyện mồ mả của ta?

Nay có quỷ sứ cứ cặp kè theo dõi ta suốt, chẳng còn được tự do như trước nữa.

Con dâu đang chửa, bèn hỏi hồn thì hồn đáp:

Sẽ sinh trai, mẹ tròn con vuông. Sau lần này lại sẽ sinh trai nhưng cả hai mẹ con đều chết.

Ta cẩn thận ghi lại, để chờ xem có ứng nghiệm hay không?

Ít lâu sau thì sinh trai. Lại chửa, lại sinh con trai nhưng trai chết ngay, mẹ cũng chết ngay. Mới biết mọi lời của hồn đều chẳng sai. Thế thì vì Cha Mẹ mà sát sinh, người con hiếu lẽ nào lại làm chuyện đó.

 

12. CÚNG TẾ BẰNG HƯƠU
ĐỂ CẦU DANH

Sĩ nhân có kẻ đã học thành tài mà lâu ngày vẫn bị lận đận trong khoa cử.

Bèn khấn với thần Văn Xương rằng:

Nếu được đỗ khoa thi Hương thì sẽ giết thịt hươu để cúng. Ít lâu sau quả nhiên thi đỗ. Đã thỏa nguyện rồi, tới kỳ thi Hội vào mùa xuân, lại khấn và hứa sẽ cúng một đôi hươu, nhưng chưa đỗ thì chết.

Ôi. Giết hươu kia để cầu lộc cho mình, đối với ngươi, liệu có yên ổn được không?

 

13. VÍ DỤ VỀ TÂM

Tâm không có gì có thể dùng làm ví dụ được. Phàm là những thứ đem ví với tâm đều là bất đắc dĩ mà phải tạm lấy thứ có điểm na ná giống, chứ chẳng phải là thật sự giống tâm.

Thử nêu một vài thứ:

Như đem gương mà ví với tâm. Vì cho rằng gương có thể soi tỏ vật và lúc vật chưa tới, tâm không định đón. Lúc vật trước gương, gương không ghét yêu. Lúc vật đi rồi, tâm không lưu luyến.

Tâm của Thánh Nhân thường tịch thường chiếu, ba thời không tịch, nên ví như gương. Song đó là chỗ lấy những điểm hơi giống nhau mà thôi. Nếu xét cho cùng thì gương thực vô tri.

Tâm có quả thật là vô tri như vậy không?

Thế thì tăm tối chẳng khôn thiêng, làm sao có thể gọi là chân thể diệu minh được. Hoặc ví tâm với châu báu, hoặc ví với hư không, bao loại ví von, cũng đều như vậy cả.

 

14. THAY XƯƠNG

Trần Hậu Sơn nói:

Học thơ như học tiên, tới lúc thì xương tự thay đổi.

Ta cũng nói:

Học thuyền như học tiên, tới lúc thì xương tự đổi. Cho nên người học chẳng lo thuyền chẳng thành, chỉ lo chẳng tới lúc. Chẳng lo chẳng tới lúc, chỉ lo học chẳng siêng.

 

15. HỒNG CHÂU CHẲNG ĐẮC CHÂU THỂ

Hồng Châu là Mã Đại Sư.

Khuê Phong kể rằng:

Như Lai truyền pháp cho Ca Diếp rồi tới Tào Khê, đạo của Tào Khê chỉ có Hà Trạch là chính truyền, còn các Tông đều là bàng xuất, như hạt châu Ma ni, chỉ có một mình Hà Trạch là đắc châu thể. Thuyết của Khuê Phong phân tích lý lẽ cực kỳ tinh vi nhưng bình phẩm về người thì chẳng thỏa đáng.

Xét thấy Mã Tổ đích thân kế thừa Nam Nhạc, Nam Nhạc đích thân kế thừa Tào Khê, từ sau Bách Trượng, Hoàng Bá, Lâm Tế, Nam Tuyền, Triệu Châu các bậc đại tôn túc nhiều không thể kể xiết đều từ Mã Tổ mà ra.

Thế mà chỉ suy tôn Hà Trạch thì làm sao mà khiến thiên hạ phục được?

Khuê Phong cho rằng Hà Trạch đã nêu ra một chữ Tri biết là tâm, còn các Tông chỉ chỉ bày về chỗ tác dụng cho nên bảo rằng như thế là chỉ được cái bóng trong hạt châu.

Song người xưa mở niêm cởi trói khai thị cho người, đều tùy theo thời tiết căn cơ, vốn không theo một phép tắc nhất định. Họ nói đến tri, đó là chính thuyết. Họ nói đến chỗ tác dụng, đó là xảo thuyết.

Xảo đó là gì?

Là muốn người ta nhân bóng mà biết thứ hiện ra bóng ấy là ai.

Nếu cứ chấp vào một chữ tri thế thì Thế Tôn cầm hoa, đã từng không có chữ Tri, chả lẽ Thế Tôn lại chẳng bằng Hà Trạch hay sao?

Huống chi những chỗ mà các Tông đưa thẳng ra chữ Tri cũng không ít, há phải là chỉ nói về tác dụng đâu. Khuê Phong ngày thường kiến giải cực cao, là người tôi rất khâm phục, chỉ riêng việc này là khiến người ta chẳng vừa ý.

 

16. MỒ MẢ

Ta đã già yếu, mọi người chọn đất định xây Tháp cho ta, đã thay đổi đến mấy lần.

Ta than rằng:

Người thế gian chú ý hết mức tới việc tìm đất để xây cất theo thuyết phong thủy, chẳng qua là hòng cho con cháu mãi mãi giầu sang mà thôi.

Các ngươi mong được tập ấm ra làm Quốc Sư áo tía hay sao?

Người xưa nói rằng:

Chết rồi đem vứt ra nơi rừng rú để nuôi chim muông. May mà chẳng để ta ở trong ruột quạ, bụng cáo thế là đủ rồi, còn những điều khác chẳng phải là thứ mà người theo đạo cần biết tới.

 

17. BỒ TÁT ĐỘ SINH

Kinh nói:

Bồ Tát chưa thể độ cho mình, đã có thể độ cho người trước.

Kẻ ngu bèn cho rằng Bồ tát chỉ độ cho Chúng Sinh, chứ không độ cho mình.

Chẳng biết rằng bản thân mình cũng là trong số Chúng Sinh, đâu có chuyện độ hết Chúng Sinh mà lại chỉ bỏ sót một Chúng Sinh là bản thân mình?

Sao được mượn cớ Bồ Tát, mà chạy theo cái bề ngoài, quên cái bên trong.

 

18. SAU NGỘ

Hòa Thượng Quy Sơn nói:

Như nay sơ tâm, tùy theo duyên mà được một niệm đốn ngộ tự tu, nhưng vẫn còn có tập khí từ vô thủy khoáng kiết chưa thể tịnh trừ ngay được. Cần phải dạy họ tịnh trừ hiện nghiệp lưu thức, đó tức là tu vậy. Chẳng bảo là có pháp khác để dạy họ hướng vào tu hành.

Lời này của Quy Sơn nếu chẳng phải là bậc thấu hiểu hết nguồn pháp thì chẳng thể nói ra được.

Nay những kẻ mới hơi có chút tỉnh giác đã cho là sự nghiệp tham học một đời đã xong hết rồi, những kẻ đó có riêng một ai đâu.

 

19. HAI TỌA CHỦ PHU VÀ TOẠI

Phu Thượng Tọa ở Thái Nguyên giảng Kinh Niết Bàn tại Chùa Hiếu Tiên ở Dương Châu, bàn rộng về Pháp Thân diệu lý. Có vị Thuyền giả phì cười.

Phu giảng xong, mời Thuyền giả đó chứng trà và bạch rằng:

Tôi kiến thức hẹp hòi kém cỏi, cứ dựa theo văn mà giải nghĩa. Vừa rồi bị Ngài cười, vậy xin Ngài chỉ giáo.

Thuyền giả đáp:

Chẳng bảo những điều tọa chủ thuyết giảng là không đúng. Song chỉ thuyết giảng được những sự bên lề lượng Pháp Thân, chứ thực ra chưa biết Pháp Thân ở đâu.

Phu nói:

Đã như vậy thì Ngài nên nói cho tôi nghe.

Thuyền giả nói:

Tọa chủ có tin không?

Đáp: Đâu dám chẳng tin.

Thuyền giả nói:

Xin tọa chủ ngừng giảng mười ngày, tĩnh tọa ngay ngắn, thu nhiếp tâm niệm, nhất thời gạt hết mọi duyên. Phu nhất nghe theo lời chỉ giáo, từ sơ dạ cho tới canh năm, nghe thấy tiếng tù và thì bỗng nhiên Đại Ngộ.

Còn tọa chủ Lương Toại tới tham Yết Ma Cốc, Cốc vác cuốc vào vườn, chẳng ngoảnh lại, rồi liền về Phương Trượng và đóng cửa lại. Hôm sau Toại lại xin gặp, Cốc lại đóng cửa lại. Toại bèn gõ cửa.

Cốc hỏi là ai?

Toại liền xưng tên và bỗng nhiên Đại Ngộ. Hai vị Tôn túc này chỉ duyên vào hư tâm đó mà nhún mình trước Bậc Hiền tài, vì chẳng còn ngã mạn nữa. Người nay tự cao, đâu có được chuyện đó.

 

20. THỰC NGỘ

Diệu Hỉ nói rằng:

Nếu que phân khô kia mà nói được thành ra cái bạo cửa như vậy thì những điếu như cưa đứt quả cân, hạt vừng ba cân, Phật tính của con chó cũng đều nói được như vậy.

Đã chẳng thể nói như vậy thì phải là liễu ngộ mới được. Ngươi nếu thực sự đắc ngộ mà Thầy cố nói là chẳng phải thì cũng chuốc lấy nhân quả không nhỏ.

Người học nên nhớ kỹ câu đó của Diệu Hỉ, dẹp bỏ Tam Muội ngoài miệng mà cầu thực ngộ.

 

21. CHA MẸ NGƯỜI XUẤT GIA PHẢN BÁI

Ta viết sách Chính Ngoa Tập, nói rằng phản có nghĩa là hoàn, trả lại, đáp lại. Cha Mẹ Tại Gia chẳng nhận lạy của người con Xuất Gia mà là hoàn lễ, đáp lễ của người con đó, chứ chẳng phải lạy lại, phản bái người con đó.

Một vị Tăng ấm ức viết rằng:

Kinh Pháp Hoa nói:

Đại Thông Trí Thắng Như Lai sau khi đã thành Phật rồi, cha Ngài là Luân Vương đã đỉnh lễ Ngài. Như vậy là lạy lại con mình. Phật đã có lời dạy bảo rõ ràng, nên nhân thế khắc lời đó vào cuối Kinh.

Ta chắp tay mà hỏi vị đó rằng:

Ông pháp hiệu là Như Lai gì?

Tăng từ tạ đáp là không dám.

Lại hỏi:

Ông đã chưa phải là Như Lai.

Vậy là sắp thành Chính giác, có phải không?

Tăng lại từ chối đáp là không dám.

Tôi bèn bảo:

Đã không dám thì hãy đợi tới lúc ông sắp thành chính giác, rồi ngồi ngay ngắn thêm mười kiếp nữa, thực thụ ngôi vị Đại Thông Như Lai, lúc đó nhận lạy của Cha Mẹ cũng chưa muộn. Ông nay là Tăng, chưa phải là Phật, Phật đặt ra Pháp cho Tăng, chứ chẳng đặt ra pháp cho Phật.

Hơn nữa người thế gian phỉ báng Phật là không cha không Vua, ta vì chuyện này mà sợ hãi, cố đính chính sự sai ngoa ấy, để dẹp những điều chê bai hiềm khích của thế gian, nhưng mong sao cho Chính Pháp trụ được lâu dài.

Ông vì sao chẳng sợ khẩu nghiệp, lại can tâm làm sư tử trùng?

Thật buồn thay.

 

22. SỐNG NGU CHẾT TRÍ

Sách Lạc Dương Già Lam Ký nói:

Sử thư đều chẳng phải là thực lục, người thời nay sống ngu chết trí, thật là sai lầm ghê gớm.

Đại để nói sử phần nhiều là quá tô hồng, chẳng đáng tin cậy. Nhưng mấy chữ Đều chẳng phải lập ngôn thái quá.

Xưa gọi sử là trực bút, thế thì sao có thể chẳng phải là thực được?

Khổng Tử nói rằng:

Văn thắng chất thì là sử, vậy thì cũng có chứa đựng những điều chẳng phải là thực. Cho nên chỉ nên sửa đều chẳng phải thành chưa hẳn là mà thôi.

Xét ra người xưa thận trọng trong việc khen ngợi khẳng định, một lời phẩm đề truyền bá tiếng thơm ngàn xưa, nhưng nay lại cho là chuyện vặt cốt lấy nhân tình, nịnh suông khen bừa, chuốc lấy sự chê cười của bậc thức giả. Thật đáng than thở.

Cho nên sách Lạc Dương Già Lam ký có sự cảm khái mà đã phát ra lời bình luận này, đánh trúng vào cái tệ của đời suy mạt.

Chẳng thà cứ nói toạc ra rằng:

Các bậc chân Thiện Tri Thức đời trước trong Truyền Đăng Lục cùng các vị được sắp xếp họ tên chêm vào trong Tổ đồ làm sao mà phân biệt được?

Sau này các ngươi là đệ tử của ta, chớ có vơ bậy các bậc danh công Đại Nhân vào để trang điểm cho chỗ chưa tới của ta.

 

23. TRANG TỬ 1

Có kẻ tục sĩ họp các Sa Di trẻ tuổi lại mà giảng Trang Tử.

Hắn huênh hoang nói:

Kinh Nam Hoa, Tức Trang Tử nghĩa lý còn hơn cả Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Nhất thời trong Tăng Già cùng Cư Sĩ không ai phê phán cái sai của hắn.

Xét ra, đối với sách vở thế gian mà nói, Nam Hoa quả là cao diệu, nhưng bảo rằng Nam Hoa cao hơn Lăng Nghiêm thì sao mà rất đáng nực cười.

Kẻ tục sĩ ấy vốn dĩ là hạng đồ làng, lời bình phẩm của hắn thô thiển tủn mủn chẳng đáng đếm xỉa, lời lẽ của hắn cũng không có nghĩa lý gì, chẳng để phân tích, nhưng chỉ e sẽ làm cho các Sa Di lầm lỡ mà thôi.

Song các Sa Di nếu hơi minh mẫn một chút thì từ lâu phải tự biết rằng:

Nếu nói đồng thau hơn vàng ròng để dối lừa trẻ con thì trẻ con khi đã lớn khôn rồi, ắt sẽ nhổ vào mặt nó.

 

24. TRANG TỬ 2

Có người nói:

Trang Tử về nghĩa thì là kém rồi, Nhưng văn thì huyền diệu phóng khoáng, đáng thích đáng Kinh, đó là điều mà Kinh Phật không có. Những người làm văn từ cổ cùng hạng theo nghiệp cử tử đều khâm phục noi theo.

Thế thì thế nào?

Đáp: Kinh Phật đó gọi là loại lời lẽ chí lý, không hề văn vẻ. Và nếu so đọ văn chương với người thế gian thì đó là ánh dương xuân tranh nhan sắc với trăm loại cỏ hoa. Vậy hãy dẹp đi đừng bàn.

Ông muốn bàn về văn, há chẳng cón có Lục Kinh, Tứ Tử. Chỉ Kinh Điển của Nho Gia và Lão Trang.

Tứ Tử: Chu, Khổng, Lão, Trang đó sao?

Mà tập đại thành thì ở Khổng Tử. Ta thử ví dụ cho ông coi. Văn của Khổng Tử chính đại quang minh. Đó là Mặt Trời, Mặt Trăng. Nam Hoa kia chỗ hay thì như sao dày chớp lóe, chỗ dở thì như lửa cháy ngoài đồng.

Văn của Khổng Tử súc tích và bao la, đó là sông biển. Nam Hoa kia chỗ hay thì như thác đổ sóng cồn, chỗ dở thì nước chảy lung tung. Văn của Khổng Tử tinh túy và mượt mà, đó là ngọc tốt. Nam Hoa kia chỗ hay thì như thủy tinh, lưu ly, chỗ dở thì như đá cuội.

Văn của Khổng Tử thiết cận và trinh thực, đó là ngũ cốc. Nam Hoa kia chỗ hay thì như vải An Nam, nho Đại Uyển, chỗ dở thì như lê, thị chưa chín. Đây là so sánh những nét lớn. Người theo nghiệp văn nên học theo ai, huống hồ là người làm Tăng chẳng lấy văn làm nghiệp của mình.

 

25. TRANG TỬ 3

Hỏi rằng:

Các vị Tôn túc xưa giải Kinh, tạo Luận, có khi dẫn lời Trang Tử, thế là sao?

Đáp:

Sách vở Chấn Đán chỉ Trung Hoa, Chu, Khổng, Lão, Trang là hay nhất.

Kinh Phật từ Ngũ Thiên Trúc tới, muốn mượn lời vùng này để nói cho rõ ràng, nếu chẳng dẫn lời Trang Tử thì sẽ dẫn ai?

Song phần nhiều là dùng lời sách ấy chứ chẳng dùng nghĩa sách ấy, chỉ là na ná mà thôi. Vì hơi hao hao giống chứ chẳng phải thực sự là thế. Người miền Nam tới phương Bắc, người Bắc chẳng biết thế nào là thuyền.

Người Nam bèn chỉ vào xe họ mà giải thích cho họ rằng:

Thuyền của chúng tôi chở đồ vật để đi xa, cũng giống như xe của phương này. Mượn xe để thuyết minh về thuyền, chứ chẳng phải là cho rằng xe chính là thuyền.

 

26. SÁCH DƯỠNG LÃO

Có người biên soạn sách dưỡng lão, thức ăn uống hàng ngày phần nhiều phải nấu nướng sinh vật. Đến mức nào là chim sẻ, chim nhạn, chim trĩ, uyên ương, nào là hươu, thỏ, lạc đà, gấu, lợn rừng, phần nhiều là những thứ mà ngay đến hạng trẻ tuổi hào quý cũng chưa bao giờ được đụng tới.

Tiên đức có câu:

Dù anh có khéo bồi dưỡng, khó chống lại ma chết. Cớ sao đã già rồi mà vẫn chẳng dẹp cái tâm đi, lại còn siêng sát hại. Khiến cho người già trong thiên hạ cùng con cháu họ bị lầm lỡ, rồi đều bị sa vào Địa Ngục chính là sách này.

Khổng Tử nói:

Lão giả an chi. Đối với người già thì giúp cho họ được yên vui chắc chắn chẳng dạy họ sát sinh là an.

Mạnh Tử nói:

Bảy mươi tuổi ăn thịt cũng chắc chắn chẳng bảo họ cứ ăn thịt khắp cả Chúng Sinh.

Mong những kẻ làm hình nộm kia hãy ngẫm nghĩ kỹ về việc này. Kẻ làm hình nộm: Chỉ hạng mà Khổng Tử chê là bất nhân, dù chỉ làm hình nộm để thế mạng sinh vật.

 

27. TÂM ĐẮC

Nghe nhận bằng tai mà thu hoạch được chẳng bằng xem đọc bằng mắt mà thu hoạch được sẽ rộng rãi hơn. Dùng mắt mà xem đọc mà thu hoạch được chẳng bằng liễu ngộ hiểu rõ bằng tâm mới cực kỳ to lớn.

Dùng tâm làm Vua, dùng mắt làm tôi, dùng tai làm tá sứ, thế mới khá. Dùng tâm làm mắt, thế mới thấp kém. Dùng tai làm mắt lại càng thấp kém nữa.

 

28. CÚNG THẦN CHẲNG DÙNG THỊT

Phong tục Hàng Châu cuối năm cúng thần nếu to thì mổ dê giết lợn, nhỏ hơn thì dùng thủ lợn, gà, cá. Lúc ta chưa Xuất Gia đã giữ giới chẳng sát sinh, bèn thay bằng rau quả. Người nhà dù là đứa trẻ ba thước cũng không ai không ngạc nhiên cho là dứt khoát không được.

Ta thắp nhang cầm nến, cất cao giọng mà khấn với thần rằng:

Tôi giữ giới chẳng sát sinh. Sát sinh để cúng tế, chẳng những sẽ là tội của tôi, mà cũng chẳng phải là phúc của Thần. Song ý này là của một mình tôi quyết đoán, còn các người khác đều muốn dùng súc vật hi sinh.

Nếu Thần chẳng bằng lòng thì phàm có tội vạ gì nên giáng vào thân tôi. Nếu giáng bừa vào người vô tội thì chẳng còn đáng gọi là bậc chính trực thông minh nữa. Người nhà còn cho là sẽ nguy cho tôi. Nhưng hết năm, cả nhà vẫn bình yên. Bèn cứ theo lệ này.

 

29. HAM VUI

Người ta ở đời ai cũng có điều ham thích và ai cũng mang theo điều ham thích của mình để mà sống cho đến già cuộc đời. Chỉ có điều là điều ham thích đó là trong sạch hay nhơ bẩn mà thôi.

Nhơ bẩn nhất là ham của, thứ đến ham sắc, thứ nữa là ham uống chỉ nghiện rượu. Những điều ham thích trong sạch hơn thì hoặc là thích đồ cổ, thích đàn thích cờ, hoặc thích cảnh núi sông, hoặc là thích ngâm vịnh. Tiến hơn nữa thì thích đọc sách. Mở sách ra là có ích, trong các thứ ham thích thì đọc sách là hơn cả.

Song đó vẫn còn là pháp thế gian. Lại tiến hơn nữa thì là thích đọc Nội Điển. Chỉ Kinh Điển Phật Giáo. Còn tiến nữa thì là thích tịnh trừ bản tâm.

Ham thích tới mức ham tịnh trừ bản tâm thì đó là loại tốt hơn hết trong tất cả các sự ham thích thế gian và xuất thế gian. Sẽ ví như dần vào cảnh đẹp, như ăn mía ngọt.

 

30. THẾ TRÍ NÊN GIÁC NGỘ

Trí có hai loại:

Thế gian trí, gọi tắt là thế trí và xuất thế gian trí.

Thế trí lại có hai:

Một là học rộng lời hay, thuật khéo mẹo xa, chỉ nhờ biết nhiều hiểu nhiều mà hơn được người.

Hai là hiểu rõ thiện ác, phân biệt chính tà. Làm những việc nên làm và dừng những việc nên đừng. Nếu chỉ được phần đầu thì đó gọi là cuồng trí, sẽ bị đọa vào ba đường. Nếu kiêm được cả phần sau thì gọi là chính trí, sẽ được báo ứng ở cõi người Cõi Trời.

Vì sao vậy?

Đức thắng tài, đó gọi là Quân Tử. Tài thắng đức, đó gọi là tiểu nhân.

Xuất thế gian trí cũng có hai loại:

Một là loại khéo biết phân biệt chính pháp:

Tứ đế, Lục Độ v.v… của Như Lai, theo đó mà phụng hành. Hai là loại phá được vô minh hoặc, hiểu rõ mọi thứ như thực, thấy tự bản tâm. Chỉ được phần đầu là xuất thế gian trí, đó gọi là tiệm nhập. Kiêm được cả phần sau là xuất thế gian Thượng Thượng trí, mới gọi là đốn siêu.

Vì sao vậy?

Vì chỉ được cái gốc, chẳng lo cái ngọn. Kẻ được ngọn chưa hẳn đã được gốc. Nay có kẻ mới được phần đầu của thế trí đã cho là Đại Triệt Đại Ngộ, sao mà sai lầm ngu muội quá mức đến như vậy.

 

31. THỜI CƠ CHẲNG THỂ BỎ LỠ

Phàm là người mới Xuất Gia, tâm ắt hăng hái hăm hở. Nên nhân lúc này cố gắng rèn luyện một mạch để có được thành tựu.

Nếu cứ nhởn nhơ lơ là, bở lỡ mất dịp này, mai sau làm Trụ Trì, hoặc nhận đồ đệ, hoặc tín thí tấp nập, bị phiền lụy nhiều, chí xưa sẽ bị mai một. Người tu hành không thể không biết điều này.

 

32. NIỆM PHẬT, QUỶ KÍNH

Mỗ là người dân thôn Hải Xương, có mụ già chết, hổn ốp vào người nhà kể về các chuyện lúc sống cùng sự báo ứng ở âm phủ rất là rành rẽ. Người nhà xúm quanh mà nghe. Mỗ ở giữa đám ấy, bỗng nhiếp tâm Niệm Phật.

Hồn mụ bèn bảo:

Ngươi cứ thường xuyên như vậy, lo gì mà chẳng thành Phật Đạo.

Hỏi vì sao?

Đáp:

Vì ngươi tâm Niệm Phật A Di Đà. Hỏi vì sao mà biết.

Đáp:

Vì thấy thân ngươi tỏa sáng.

Người dân quê ấy một chữ chẳng biết, mới chỉ Niệm Phật một thoáng mà còn khiến ma quỷ kính nể, huống hồ là người tu lâu?

Cho nên Công Đức Niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn.

 

33. QUỶ THẨN

Có người hỏi: Có Quỷ Thần hay không?

Đáp: Có.

Quỷ Thần có đáng tin thờ hay chẳng đáng tin thờ?

Đáp: Vừa đáng, vừa chẳng đáng.

Sao vậy?

Đáp: Khổng Tử đã chẳng nói:

Kính Quỷ Thần nhưng xa họ. Đại để là chỉ một câu nói đó mà đã khái quát hết được mọi điều uẩn khúc.

Nói là: Kính thì có nghĩa là có. Nói là Xa có nghĩa là tin thờ mà chẳng tin thờ. Cúng thờ Quỷ Thần đúng lúc, giao tiếp với họ đúng lễ, chỉ như vậy mà thôi.

Quá tin mà nịnh bợ cung phụng Quỷ Thần, hòng được họ báo cho điều lành dữ, ban phúc phù hộ, cầu được linh thông thì đó là xăm xăm đi vào con đường tà đạo đấy.

Ôi! Các bậc đáng kính và chẳng thể xa, đó chính là Chư Phật, chư Bồ Tát.

Tại sao chẳng nghĩ?

 

ĐÔNG PHA 1

Hồng Giác Phạm bảo rằng Tô Đông Pha văn chương Đức Hạnh chói lọi ngàn xưa, lại xâm nhập Phật Pháp thế mà chẳng thể tránh khỏi mê mệt về thuật trường sinh, chẳng những không công mà ngược lại còn bị ốm chết vì thuật này.

Ta bảo:

Ngay đến Đông Pha mà còn thế, huống hồ người khác. Nay có kẻ miệng bàn Vô sinh nhưng tâm mộ trường sinh. Lại có kẻ ban đầu thì học Vô sinh, ít lâu sau lại đổi sang học trường.

Đó chẳng qua chỉ bởi cái biết của họ chẳng chân thực, cái thấy của họ chẳng ổn định mà thôi. Cho nên người theo đạo Phật chẳng thể giây phút nào bỏ mất chính tri kiến, biết thấy như thật.

 

ĐÔNG PHA 2

Nguyên thuyền sư viết thư cho Đông Pha nói:

Người thời nay chỉ lạy Tử Chiêm, tức Đông Pha làm Tể Tướng mà thôi. Ba mươi năm công danh phú quý, qua mắt thành không, sao chẳng vứt quách nó đi.

Nguyên văn: Một nhát dao cắt phăng đi.

Lại nói:

Tử Chiêm trong bụng có muôn quyển sách, dưới bút không một hạt bụi, vì sao đối với tính mệnh của mình lại chẳng biết ở nơi đâu?

Là người thông minh đĩnh ngộ như Đông Pha lại có bạn tốt như vậy động viên nhắc nhở, lo chi mà chẳng càng ngày càng tiến. Nay các thân sĩ giao du với người Phật Tử Xuất Gia cũng nên theo tình nghĩa ấy.

 

34. GHÉT YÊU

Thành ngữ có câu:

Yêu người yêu đến cả con quạ trên nóc nhà người. Như câu yêu người yêu cả đường đi trong tiếng Việt. Đó là nói yêu hết mức vậy.

Bỗng duyên biến mà tình đổi, chuyển yêu thành ghét, ghét rồi ghét hơn, thì tình yêu trước kia nay còn đâu nữa?

Chuyển ghét thành yêu cũng lại như vậy. Cho nên được yêu chẳng hẳn mừng, bị ghét chẳng hẳn giận, vì chuyện yêu ghét giống như sự việc trong mộng, hoa đốm trên không vốn chẳng phải thực.

 

35. LỢI ÍCH CỦA TĨNH 1

Ban ngày có việc, có khi chẳng biết phân xử ra sao, tối ngủ tới canh tư canh năm ngồi dậy, mọi điều phải trái, nên chăng bỗng tự thấy rất rõ ràng, lúc này mọi chỗ sai lầm ban ngày đều hiện ra hết.

Mới biết xưa nay chẳng được thấy rõ tâm tính đều chỉ do bận bị che lấp mất bản thể mà thôi.

Người xưa nói rằng:

Tĩnh thấy chân như, còn nói:

Nước tính trong vắt, ngọc tâm tự hiện. Há phải là lời nói suông đâu.

 

36. LỢI ÍCH CỦA TĨNH 2

Mắm ngấu rượu ngon của thế gian tàng trữ càng lâu thì càng ngon, đó đều là do bưng kỹ bịt kín, chẳng thể hả hơi.

Người xưa nói: Hai mươi năm chẳng mở miệng nói năng thì sau này ngay Phật cũng chẳng làm gì được ngươi.

Hay thay, lời ấy.

 

37. HOA NGHIÊM CHẲNG BẰNG QUẺ CẤN

Tống nho có kẻ nói:

Đọc một Bộ Kinh Hoa Nghiêm chẳng bằng xem một quẻ Cấn. Thuyết này, bậc cao minh tự biết đó là sai, nhưng hạng kém cỏi liền tin chẳng hề nghi ngờ. Mở cửa tà kiến, bịt lối viên thừa, lời nói không thể không thận trọng.

Giả sử nói đọc cả một Bộ Kinh chẳng bằng xem một quẻ Cấn, như vậy còn chẳng được, huống chi là Phật Pháp, huống chi là Hoa Nghiêm của Phật Pháp?

Hoa Nghiêm có đủ vô lượng môn, các Kinh Đại Thừa mà còn chỉ là một môn trong vô lượng môn của Hoa Nghiêm mà thôi.

Hoa Nghiêm là Thiên Vương, các Kinh Đại Thừa là Chư Hầu, các Kinh Tiểu Thừa là tôi tớ của Chư Hầu. Các thứ khác có thể biết được.

 

38. HÀN HOÀI ÂM

Hoài Âm, Tức Hàn Tín phò Hán diệt Sở, sau khi đã được phong Vương, đã triệu bà già giặt lụa phiếu mẫu tới tặng cho ngàn vàng, triệu gã trẻ tuổi làm nhục mình tới cũng tặng cho ngàn vàng.

Xét ra việc đền ơn là lẽ thường tình của con người, chẳng báo oán mà lại đáp lại bằng ơn thì đáng gọi là có độ lượng của bậc Đại Nhân và phong thái của bậc Quân Tử trưởng giả.

Vậy mà rốt cuộc chẳng được trường thọ chót đời, khiến ngàn xưa về sau, vẫn còn đáng than tiếc.

Tuy vậy, nguyên nhân của kết cục đó có hai:

Một là Hoài Âm nhân có thừa mà trí chẳng đủ. Hai là giết nhiều người thì chẳng tránh khỏi tự giết mình. Lý vốn phải thế, không có gì đáng phải ngạc nhiên cả.

 

39. TỤNG KINH
PHA TẠP THÊM LỜI KHÁC

Thích Công làm chức Tổng nhung, vốn thường trì Tụng Kinh Kim Cương.

Khi ông trấn thủ vùng Tam Giang ở đất Việt, có người lính chết đã tới báo mộng cho ông rằng:

Ngày mai sẽ sai vợ tới chỗ Ngài, xin Ngài vì tôi mà tụng một quyển Kinh, để giúp cho tôi ở cõi âm. Hôm sau quả nhiên có người đàn bà khóc lóc thảm thiết tới xin gặp. Hỏi thì nói như lời trong mộng. Ông bèn ưng thuận, sáng dậy Tụng Kinh.

Đêm lại mộng thấy người lính đó nói rằng:

Đội ơn to lớn của Ngài, nhưng mới được nửa quyển, vì trong đó còn pha tạp hai chữ chẳng dùng. Ông ngẫm nghĩ cố tìm nguyên do, thì ra là khi đang Tụng Kinh vợ ông đã sai thị tỳ đưa trà, bánh cho ông, ông nhìn thấy từ xa, bèn xua đuổi ra, miệng tuy chẳng nói, nhưng tâm lại bảo chẳng dùng.

Hôm sau, ông bèn đóng cửa Tụng Kinh.

Đêm đó mộng thấy người lính tạ ơn nói:

Đã được siêu thoát. Chuyện này tôi đích thân được nghe Đông Lâm là Tăng ở Tam Giang kể lại. Đông Lâm là người thật thà, có Đạo Hạnh, chẳng bao giờ nói sằng.

Ôi! Việc Tụng Kinh, Tăng há lại có thể không thận trọng mà được ư.

 

40. BÌNH TÂM TIẾN VONG
(LÀM LỄ CẦU SIÊU CHO VONG LINH VỚI TÂM BÌNH ĐẲNG)

Phường Đa Sĩ ở quận Hàng có Miếu Đông Bình.

Có người túng quẫn trong quận chết, hồn về báo mộng cho vợ, nói:

Chắc ngươi không có lực để tu tiến sửa lễ cầu siêu. Dẫu nhiều phương tu tiến cũng chẳng bằng nhờ miếu chủ miếu Đông Bình là Ngài Mỗ Bố Thí cho một mâm cúng vong thế là đủ rồi. Người vợ đó đến chỗ vị miếu chủ đó cầu xin.

Miếu chủ nói:

Tới kỳ ấy tôi đã có bảy chủ nhờ làm lễ cầu cúng, làm thế nào đây?

Nhưng tôi thà khước từ họ để làm cho nhà chị. Rồi làm giúp lễ thí thực độ vong.

Người vợ nằm mộng thấy chồng nói:

Đã được siêu thoát rồi. Ngài Mỗ này thường ngày trên sập nằm có thờ cúng Tượng Vương linh quan, trước tượng đặt một cái bình, hễ được tiền cúng, mắt chẳng buồn nhìn, liền cất vào trong bình, cần dùng đến thì lấy ra, chẳng muốn so bì nhiều ít. Một niềm Bình Đẳng, vong hồn nhờ vậy mà được siêu độ.

Ôi. Tâm bình liền có uy đức như vậy, huống hồ là tâm không. Thích Tử chỉ người Xuất Gia hãy tự cố gắng lên.

 

ĐỐI CẢNH

Con người ta đối với cảnh cõi tài sắc danh lợi thế gian, nếu lấy ví dụ mà thuyết minh thì ví như có đống lửa ở đây, có năm vật ở bên cạnh:

Vật thứ nhất ví như cỏ khô, mới đụng vào đã cháy liền.

Vật thứ hai ví như gỗ, thổi mạnh mới cháy.

Thứ ba ví như sắt, chẳng thể cháy được, nhưng vẫn có thể bị nung chảy.

Thứ tư ví như nước, chẳng những chẳng cháy, ngược lại còn có thể dập tắt lửa, song đun nước cách nồi, vạc vẫn có thể sôi lên.

Vật thứ năm như Hư Không, cứ tha hồ thiêu đốt, thể vẫn trơ trơ, cũng chẳng cần dập tắt mà sẽ tự tắt. Vật đầu ví như là hạng phàm phu, giữa là các hạng tu học, dần dần lần lượt tới hạng cuối cùng mới gọi là chư Như Lai Đại Thánh Nhân.

 

41. KHỬ CHƯỚNG

Tu hành khử chướng cũng có năm bậc. Ví như thân một người bị quấn bọc trong năm lớp, ngoài cùng là giáp sắt, thứ đến áo da lông, thứ đến áo bào vải, thứ đến áo cộc lụa, thứ nữa lần áo lót thật sát da thịt làm bằng the nhẹ. Lần lượt cởi ra, ngay cả lớp the nhẹ cũng đều bỏ hết, mới là bản thể tự thân trần trụi.

Người tu hành ngoài thì khử thô chướng, khử rồi khử nữa, khử mãi cho tới căn bản vô minh cực vi tế chướng đều trừ khử hết, mới là bản thể thanh tịnh Pháp Thân.

 

42. COI KHỔ LÀ SƯỚNG

Con giòi chuồng xí ở trong nhà xí, từ mắt dê chó mà nhìn thì cho là khổ không chịu nổi, vậy mà giòi chuồng xí chẳng biết là khổ, cứ cho là sướng. Chó dê ở dưới đất, từ mắt con người mà coi thì thật khổ không chịu nổi, vậy mà chó dê chẳng biết là khổ, vẫn cho là sướng.

Con người ở đời, từ Cõi Trời mà nhìn thì là khổ không chịu nổi, vậy mà con người vẫn chẳng biết là khổ, cứ cho là sướng. Suy đến cùng thì sự sướng khổ của Trời cũng vẫn là thế.

Biết được điều này mà cầu vãng sinh Tịnh Độ, thì muôn trâu cũng chẳng níu kéo lại được.

 

43. HAI KHÁCH ĐÁNH CỜ

Hai người khách đánh cờ, có người bên cạnh cười họ nói:

Ta chỉ thấy hai cột thịt lay động mà thôi.

Khách hỏi:

Sao lại nói thế?

Đáp:

Hai ông tuy hình vẫn còn nhưng thần đã lìa, thần từ lâu đã ở trong quân cờ đen trắng rồi.

Thứ đang đấu đá với nhau chẳng phải là cột thịt thì là gì?

Khách đành lặng im.

 

44. TƯ DUY TU

Thuyền na Dhyana, ở đây gọi là tư duy tu, cho nên gọi là Thuyền tư Tỷ Kheo đó là quý chuộng tư duy vậy.

Kinh lại nói:

Có tư duy tu, rốt cuộc chẳng thể nhập Như Lai Đại Niết Bàn hải.

Còn nói:

Pháp này chẳng phải là thứ mà tư lường phân biệt có thể vươn tới được. Đó là chê cái bệnh của tư duy.

Sở dĩ như vậy là vì sao?

Vì tư duy có hai loại:

Một là chính tư duy, hai là tà tư duy. Tư duy không tư duy, đó là chính tư duy. Tư duy có tư duy, đó là tà tư duy.

Thêm nữa, tư duy còn có hai cách:

Một là từ ngoài vào trong. Đó là cách trái lìa trần tục, hợp đạo giác ngộ. Hai là từ trong mà tư duy đến ngoài, đó là cách lìa đạo giác ngộ, hợp theo trần tục.

Từ trong mà tư duy đến ngoài, cứ tư duy mãi, lại tư duy nữa, tư duy vô tận mà chân lý càng xa. Từ ngoài mà tư duy vào trong, cứ tư duy mãi, lại tư duy nữa thì tư duy hết mà quay về nguồn. Do tư mà nhập vô tư, tức là người Niệm Phật do Niệm Phật mà nhập vô niệm vậy.

 

45. NHỮNG NGƯỜI BẠN CAN GIÁN THẲNG THẮN

Lúc tôi mới Xuất Gia, vị lão Tăng Chùa Trà Thang ở Cao Đình, nhân ngày sinh có mời tôi thụ trai.

Bấy giờ, ở Đại Lĩnh có Lập Thuyền là người bắc, tính nết bộc trực không hề xiểm nịnh, ngoảnh lại bảo tôi rằng:

Ông ấy mời ông là vì Phật Pháp chăng?

Hay là vì nhân tính chăng?

Ông ta chỉ vì nhân tính mà trọng ông thôi. Đi làm gì. Tôi cả thẹn.

Tôi còn có người bạn là cổ Minh đã bảo tôi rằng:

Sau này, ông chẳng xuất thế là hay hơn.

Tôi kể với ông về nguyện vọng cũ của mình, nguyên suốt đời ờ địa vị người học Học địa để tự rèn luyện, cổ Minh cười nói:

Ông lại vẫn có ngày xuất thế, chưa tránh khỏi. Nay nghĩ bạn như hai người bạn này chẳng thể nào lại có được nữa, trong lòng bồi hồi thương cảm rất lâu.

 

46. TẤU NHẠC

Bảng thu Bảng thi Hương vừa yết, các cử tử mới đỗ có người tấu nhạc mà đi qua cửa Thượng phương. Hai vị Tăng đều đỗ ra xem.

Vị Giáp nói: Thiện tai.

Há chẳng vui ư?

Vị Ất nói: Thiện tai.

Há chẳng buồn ư?

Giáp hỏi vì sao, Ất đáp:

Ông chỉ biết việc tấu nhạc hôm nay, mà chẳng biết có cuộc tấu nhạc ngày sau. Giáp chẳng hiểu, vẫn cứ tấm tắc như cũ.

 

47. ĐẠO NHÂN TRỌNG KHINH

Xưa người được gọi là Đạo Nhân là người mà những thứ thế gian coi trọng thì họ khinh, những thứ thế gian coi khinh thì họ trọng.

Những thứ thế gian coi trọng là gì?

Là giầu sang.

Những thứ thế gian coi khinh là gì:

Là thân tâm. Nay những thứ khinh trọng đều giống với thế gian, vậy mà cũng được gọi là Đạo Nhân ư.

 

 

48. KINH PHẬT KHÔNG THỂ KHÔNG ĐỌC

Tôi lúc nhỏ thấy tiền hiền bài xích Phật, liền tin vào những lời lọt vào tai trước, nhìn vấn đề như người lùn mà không biết.

Ngẫu nhiên thỉnh được mấy quyển Kinh ở quầy Kinh ở Giới đàn đem đọc, mới vô cùng sửng sốt nói:

Chẳng đọc sách như vầy thì suýt nữa đã sống uổng cả một đời rồi. Người nay lại có hạng người từ bé tới lúc lớn, tới lúc già, tới lúc chết chẳng hề ghé mắt lấy một lần. Có thể gọi đó là loại núi báu ngay trước mặt mà chẳng vào.

Lại có một loại tuy có đọc, nhưng chẳng qua chỉ lượm lặt ngôn từ trong Kinh cốt để giúp cho việc đàm luận, giúp cho bút thế, từ bé tới lớn, tới già, tới chết chẳng hề nghiên cứu nghĩa lý trong Kinh lấy một lần. Có thể gọi đó là loại vào núi báu rồi mà chẳng lấy.

Lại còn một loại tuy thảo luận, cũng diễn giảng, nhưng cũng chẳng qua chỉ là giảng chữ giải văn, tranh mới đua cao. Từ bé tới lớn, tới già, tới chết chẳng hề chân tu và thực tiễn lấy một lần. Có thể gọi đó là hạng lấy báu ấy để mà chơi, để mà ngắm nghía, đem cất giấu vào lòng, vào trong tay áo rồi lại đem vứt đi.

Dẫu vậy, một khi đã nhuốm thức điền, cuối cùng sẽ thành đạo lý. Vì vậy Kinh Phật không thể không đọc.

 

49. TIÊN PHI

Võ Hậu bắt chước chuyện lợn người. Chuyện Lã Hậu chặt chân tay Thích phu nhân, quẳng vào chuồng xí, ngoài treo biển đề là lợn người giết bọn Vương Hậu. Lúc sắp chết, Vương Hậu thề nguyền rằng đời đời kiếp kiếp mình sẽ làm mèo, Võ Hậu sẽ làm chuột, sẽ bóp hầu nó chết tươi mà ăn thịt.

Tới nay trong mèo chuột vẫn có hai người thụ sinh, tuy báo phục hàng trăm ngàn vạn lần vẫn chưa thôi. Thời trước ta làm đàn chay Thủy Lục, đã xót thương mà làm lễ cầu siêu độ cho họ, như chỉ sợ sức mạnh oán thù còn sâu, lực cầu siêu độ còn yếu, chưa thể hóa giải ngay được mà thôi.

Những việc như vậy xưa nay rất nhiều. Người làm việc thiện chẳng nề phải làm nhiều thì mới tế độ được.

 

50. THỦ TỌA THÁI

Có người bảo rằng:

Thủ tọa Thái khắc nhang mà tọa thoát. Ngồi mà hóa, ngồi mà mất.

Cửu phong chẳng khen, cho là chẳng hiểu các câu:

Nghĩ đi. Ngừng đi, như tro lạnh cây khô đi của Thạch Sương. Còn Chỉ Y đạo giả có thể đi được, có thể đến được nhưng không hiểu ý Thạch Sương và Động Sơn cũng chẳng khen.

Thế là sao?

Tôi bảo rằng:

Nếu quả thực Chỉ Y Đạo Nhân đã xuất tức chẳng quan hệ gì với các duyên, nhập tức chẳng ở cõi tâm. Thế là đã đi ở tự do, đáng cùng Động Sơn làm chay ngu si, dan tay nhau mà cùng đi.

Ông Thái sao có thể sánh kịp. Nếu như chẳng thế, thì không khỏi là kẻ rỡn với Linh Hồn, là kẻ mà người xưa gọi là làm trò Quỷ Thần vậy. Nhưng ông Thái có định lực thật sự chỉ vì một câu Đam trước cảnh tĩnh, chẳng hiểu chuyển thân của ông, mà thành ra bệnh của hai người đều bằng nhau.

Song Chỉ Y đã hư tâm đến với Đông Sơn để lý giải, còn ông Thái thì cứ hùng hổ ra đi mãi, tự mình để mất lợi lớn. Tự mãn chuốc lấy tổn hại, khiêm tốn sẽ được lợi thêm, người học thuyền nên biết điều này.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8