BÚT KÝ BÊN CỬA TRÚC
-TRÚC SONG TÙY BÚT-
Tác giả: Đại Sư Liên Trì
Dịch giả: Sa Môn Thích Viên Thành
PHẦN II
TRÚC SONG NHỊ BÚT
(tiếp theo)
211. TRƯỚC THUẬT NÊN VÀO CUỐI ĐỜI
Đạo Nhân trước thuật chẳng thể ví với từ chương, truyện ký thế gian, trên thì giải thích rõ tâm pháp của Phật trước, dưới thì mở cửa giác ngộ cho hạng hậu học, quan hệ đó chẳng phải là nhỏ:
Giả sử học chưa tinh, kiến giải chưa ổn định, nếu có chỗ hiểu sai, há chẳng gần như phụ lòng Phật và làm lầm lỡ hạng hậu học ư ?
Trọng Ni làm dứt dây da đóng sách tới ba lần mới viết nên được Thập Dực, Hối Am lúc lâm chung vẫn còn cải định tôn chỉ thành ý của Đại Học. Người xưa luôn luôn thận trọng như vậy.
Huống hồ xuất thế ngữ luận, bàn đâu có dễ sách Thanh Long sa chưa gặp Long Đàm cứ cho là điển tịch chẳng hề san cải, thế mà rốt cuộc chỉ thành một mồi lửa.
Diệu Hỉ lúc mới được ấn chứng, nếu đã vội tự mãn tự túc ngay, thì làm sao có thể có được sự nghiệp ngày sau?
Tuổi trẻ trước thuật vốn dĩ nên từ từ.
212. CƠ DUYÊN
Thạch Đầu ở chỗ Lục Tổ, Lục Tổ biết ông cơ duyên chẳng tại đó, đã bảo đi gặp Thanh Nguyên, nhờ vậy mà được Đại Ngộ.
Đan Hà ở chỗ Mã Tổ, cũng lại vì cơ duyên chẳng tại đó, Mã Tổ đã bảo gặp Thạch Đầu, nhờ vậy mà được Đại Ngộ. Cho đến Lâm Tế từ chỗ Hoàng Bá mới tới Đại Ngu, Huệ Minh từ chỗ Hoàng Mai mà tới Tào Khê cũng đều thế cả. Hơn nữa, chẳng phải chỉ thế.
Những người mà Phật chẳng thể độ được lại được độ bởi Mục Liên, đó cũng đều là do cơ duyên xui nên thế. Cho nên người học được gặp bậc chân Thiện Tri Thức thì phải khởi đại tín kính, đời nay đời sau lấy họ làm bến làm cầu, chẳng thể láng cháng chỉ sống uổng mà thôi.
213. BÁT NHÃ 1
Đất làm mục được vật, nước làm nát được vật, nhưng cũng phải có tàn chất tồn tại ở đó, đợi đến khi chìm đắm chôn cất ngâm dần lâu ngày thì rồi sau mới tiêu hủy được. Còn như lửa thiêu vật thì chỉ trong khoảnh khắc là cháy thành tro.
Ta vì thế mà biết Bát Trí như đám lửa to, các nước tham ái gần nó sẽ bị kiệt, các củi phiền não hễ chạm vào nó là bị cháy liền, các đá ngu si để sát bên nó là bị cháy sém, các rừng rậm tà kiến, các buồng ủm thũm chướng ngại, các loai tạp vật vọng tưởng tình thức nhan nhản đều bị lửa mạnh thiêu cháy không còn sót tý gì.
Xưa bảo rằng loại trùng cực nhỏ chỗ nào cũng có thể đậu được, chỉ không thể đậu ở trên ngọn lửa. Lấy đó mà ví với tâm Chúng Sinh chỗ nào cũng có thể duyên vào được, chỉ chẳng thể để mất Bát Nhã trí dù chỉ trong một sát na.
214. BÁT NHÃ 2
Ta đau chân, ta phải dùng kiệu. Một đêm, phu kiệu say ngã, lọng đổ, liền có mấy gã đàn ông vung tay chộp lấy mũ của ta, có lẽ vì chúng cho rằng người ngồi trong kiệu có khi có vàng ngọc trang sức trên đầu.
Thế rồi chúng cả thẹn và chạy mấy. Ta nhờ vậy mà biết trí Bát Nhã như Mặt Trời lớn, Mặt Trời vừa lặn là bọn trộm cướp gian tà đã xông ra ngay. Chân chiếu mới thưa, vô minh phiền não liền nổi lên ngay.
Tiên đức bảo rằng:
Tạm thời vắng mặt, giống như người chết. Cho nên người học đạo chẳng thể để mất Trí Bát Nhã dù chỉ trong một sát na.
215. BÁT NHÃ 3
Kinh nói rằng:
Tháng mùa Hạ vực trữ nước trong đồ đựng chỉ qua một đêm là có trùng sinh ra liền, song cực kỳ bé nhỏ, mắt thường chẳng thể nhìn thấy được cho nên phải lọc nước rồi sau mới dùng. Nếu để nước trên lửa, lửa chẳng tắt, nước chẳng lạnh thì trùng chẳng sinh.
Ta nhờ vậy mà biết Trí Bát Nhã như lửa đun nước, giản chiếu mạnh mà chẳng nghĩ, ôn dưỡng dày dặn liên tục thì loại du tâm tạp hoặc kia sẽ từ đâu mà sinh ra được. Cho nên người học đạo không thể để mất trí Bát Nhã dù chỉ trong một sát na.
216. CHỈ QUÁN THIÊN THAI
Trong Môn chỉ quán chữa bệnh, có khi sáu chữ, có câu chú tâm nhìn xuống v.v… Đại để là đạo chỉ quán rất rộng bao gồm đủ thứ, ngay phép chữa bệnh cũng gồm ở trong đó và phần lớn đều cùng có ý nghĩa giống như việc uống thuốc.
Bởi vậy lấy chỉ quán, chứ chẳng phải là mục đích chính của chỉ quán. Người sau chẳng biết ý này và nhà dưỡng sinh đã dẫn làm bằng cứ. Thế rồi mới có kẻ bề ngoài dùng danh nghĩa thiền để trang sức, nhưng bên trong lại tu đạo thuật. Hỏi họ thì họ lại vin vào lời của thiền cho nên phải phân tích rõ.
217. XEM CẢNH BẬN RỘN
Thế gian có những người khi gia nghiệp đã làm xong, tối ngày cuối năm, ngồi yên mà xem người nghèo tất tưởi vất vả lo toan chuyện áo cơm, đó gọi là xem bận rộn. Thế gian có những người việc khoa danh đã xong, tới ngày đại tỷ chỉ thi Hội, thi Đình bèn ngồi yên mà xem sĩ nhân tất tưởi vất vả lo toan việc tiến thủ, đó cũng gọi là xem cảnh bận rộn.
Chỉ không nói rằng:
Thế gian có người hoặc đã phá, trí đã thành, việc làm đã xong, ngồi yên mà xem Chúng Sinh sáu đường tất bật vất vả ở trong vòng luân hồi sinh tử, đó há chẳng phải là thứ được gọi là xem cảnh bận rộn ư?
Ôi. Cả thế gian đều ở trong cảnh bận rộn.
Người xưa nói:
Lão tăng tự có phép an nhàn.
Phép an nhàn này há dễ nói ư?
Tuy vậy, người thế gian vì nhàn mà xem cảnh bận rộn, đó là vì có tâm tự hợm mình, chứ không có tâm thương họ.
Bồ Tát xem cảnh bận rộn, khởi tâm Đại Từ Đại Bi, giác ngộ khắp hết Chúng Sinh mê lầm, mong muốn họ cùng được giải thoát. Thế thì hai loại tâm ấy khác nhau rất xa, bởi vậy mới thành ra sự phân biệt giữa Thánh với phàm, giữa đại với tiểu.
218. BIỆN DUNG
Ta vào Kinh Sư, cùng với hơn hai chục người cùng đi tới chỗ Thầy Biện Dung tham lễ thỉnh giáo Thầy dạy là không được tham lợi, không được cầu danh, không nên lân la nhờ vả nhà quyền quý, chỉ nên nhất tâm tu đạo.
Sau khi đi ra, mấy người trẻ tuổi cười nói:
Ta cứ tưởng là sẽ được nghe những điều kỳ lạ chứ đâu có cần những lời chung chung này?
Ta cho dù là không đúng như thế. Chỗ đáng kính của cụ này chính là ở đó. Cụ dẫu có nói năng vụng về đi nữa, lẽ nào lại chẳng thể góp nhặt một hai cơ duyên vấn đáp của tiên đức để che đậy môn hộ.
Sở dĩ chẳng làm thế là vì những lời cụ nói là những điểu mà cụ đã thực hành, nêu những điều tự mình đã làm ra dạy người, đó chính là chân thực thuyền hòa, chẳng thể khinh được.
219. THIỀN, GIẢNG, LUẬT
Thiền, Giảng, Luật xưa gọi là ba tông. Chùa mà người học ở, áo mà người học mặc mỗi tông cũng đều có sự khác biệt. Như quận ta thì các Chùa Tịnh Từ, Hổ Bão, Thiết Phật v.v… đều là Thiền Tự.
Các Chùa Tam Thiên Chúc, Linh Ẩn, Phổ Phúc v.v… đều là Giảng tự. Các Chùa Chiều Kiền, Linh Chi, Bồ Đề, Lục Thông v.v… đều là Luật tự. Áo thì thiền mặc màu sám, giảng mặc màu lam, luật mặc màu đen.
Lúc ta mới Xuất Gia vẫn còn thấy ba màu đó. Nay thì đều thành màu đen rồi. Các Thiền tự, luật tự đều làm nơi Giảng rồi.
Than ôi. Ta chẳng biết kết cục việc này sẽ sao.
220. ĐỒ CỔ VÀO TAY TA
Người thời nay đối với một cái đỉnh, một cái lọ, một bức Thư Pháp, một bức tranh vẽ nếu là thứ xa xưa từ thời thượng cổ, là thứ do danh gia tạo ra, là thứ mà mình bình sinh ao ước mà chẳng thể có được, một khi kiếm được thì cả mừng quá mức, hớn hở mà tự nhủ rằng:
Đây là thứ đã được nơi X này, nơi Y kia thay nhau cất giấu, mà nay may đã lọt vào tay ta.
Không hề nghĩ tới thứ chí bảo vô giá từ khoáng kiếp tới nay, lúc nào mớt lọt vào tay ta.
Huống hồ đồ cổ ngoạn thế gian ở ngoài, cầu chưa hẳn đã được. Thứ chí bảo kia ở ngay trong ta, cầu là phải được. Cũng chỉ do chẳng nghĩ mà thôi.
221. NGỘ ĐẠO KHÓ, LÀM LÀNH DỄ
Giữa thời Mạt Pháp ngũ trược này, lại thêm nhiều tích tập nảy sinh mà lại muốn đoạn vô minh hoặc, ngộ tự bản tâm thì trong ngàn vạn người, may ra được một hai người, đó cũng không có gì là lạ. Còn như chẳng làm ác mà làm lành thì đó cũng là chuyện dễ.
Nhưng can tâm làm việc chẳng lành thì ta chẳng biết đó là tâm địa gì nữa. Thêm nữa thân, khẩu, ý ba thứ đó, nếu muốn nhiếp ý bất động mà xuất nhập vô thời, khỏi diệt vô hình, Định lực khó thành, thì cũng không có gì là lạ. Còn như trị thân chẳng làm việc ác, trị khẩu chẳng nói lời ác, đó cũng là chuyên dễ.
Nhưng can tâm làm điệu ác về thân, khẩu, thì ta chẳng biết đó là tâm địa gì.
222. THẬN TRỌNG TRONG VIỆC NGỢI KHEN
Người xưa chẳng coi nhẹ việc ngợi khen, phải nghiên cứu thẩm tra thật đúng sự thật rồi sau mới dùng từ. Như khen Viên giác sớ thì nói:
Đây là một trong tứ y chăng?
Hoặc là đích thân được nghe về Tịnh Độ chăng?
Sao mà thể hiện hết được nghĩa vụ như vậy.
Cho đến khen Viễn Công thì nói:
Đó là Đông Phương Hộ Pháp Bồ Tát khen Nam Tuyền Triệu Châu thì nói:
Đó là Cổ Phật.
Khen Ngưỡng Sơn thì nói:
Đấy là Tiểu Thích Ca, khen Thanh Lương thì nói:
Đấy là thân sau của Văn Thù, ngàn năm về sau không có ai dị nghị.
Vì sao vậy?
Vì đó là những lời chân thực, chẳng phải là như những lời sáo rỗng của thời nay nịnh nọt khi chúc thọ, trên bia mộ, chúc tụng khi thăng trật, tô vẽ thêm cho đẹp mặt.
Xét những lời được chép trong sách vở, khắc trên vàng đá định kiến đương thời phải tin rồi truyền lại đời sau, thế mà lại khen dối, ngợi bừa là sánh ngang với Phật sánh ngang với Tổ.
Ôi. Mặt Trời trí tuệ dẫu khó dối lừa nhưng hạng mới học vỡ lòng thì chưa hẳn là đã không có sự sai lầm ngộ nhận.
223. AO PHÓNG SINH
Ta làm ao phóng sinh. Người hoài nghi cho rằng cá bị bó hẹp trong ao, bơi lội xúm xít bí bức và không có cái thú hoạt bát, chẳng bằng cứ thả vào trong hồ, hoặc vào một đoạn sông hộ trì quan hà, cấm không được chài lưới. Đó cũng là thả mà chẳng thả vậy.
Ta cho rằng:
Thuyết này cũng hay, nhưng ao so với hồ, với sông thì lợi hại đại để cũng tương đương. Ao tuy hẹp, nhưng lưới rập chẳng đưa vào. Hồ tuy rộng nhưng ngày đêm đánh bắt. Ngõ hẻm tuy nghèo mà vui, kim cốc dẫu giầu nhưng lo, cho nên lợi hại đều nhau.
Thêm nữa sông Quan hà cấm đoán có hạn mà cá núi thì ra vào không chừng, có con từ ngoài vào trong hạn, có con từ trong ra ngoài hạn. Ra khỏi hạn thì nguy, chẳng bằng ở trong ao vĩnh viễn chẳng ra khỏi hạn, cho nên lợi hại đều nhau.
Hơn nữa nếu ngờ rằng không có cái thú hoạt bát thì có một ví dụ:
Toạ quan tăng ở trong một gian buồng, kinh hành tuần hoàn tùy ý trăm ngàn dặm mà không cùng, thoải mái tự đắc, đâu phải chẳng hoạt bát?
Lại có một ví dụ nữa:
Nay may mà ở trong đời thái bình, dân trong thành cho việc cửa thành khi mở khi đóng là trở ngại, một mai quân giặc ép sát bờ cõi khi đó có thành yên ổn hay là không có thành yên ổn?
Chài ví với giặc, ao ví với thành.
Người dùng thành để tự vệ, có gì là bó buộc?
Cá chắc chắn có thể biết.
224. THÔI THẬN CẦU CON
Xưa Thôi Thận không con, có Tăng bày cách để vợ ông ăn mặc thật đẹp, vào Chùa bày cơm chay, chờ có vị nào hoan hỉ đón nhận thì thành tâm bưng đến rồi cúng cho vị đó thật hậu hĩ, những mong vị đó đầu thai vào nhà mình. Xét ra người Xuất Gia sẽ vượt khỏi Ba Cõi, thành đạo độ sinh mà lại làm loại lồng cũi đó để câu nhử họ tới.
Giả sử người đó không có tâm xuất thế thì còn được, nếu như làm rơi rụng mất một vị Đạo Nhân thực sự, thì cái hại đó nói sao cho xiết. Thôn Thận và Tăng đều đắc tội và Tăng tội nặng hơn.
Khổ thay! Tăng đó!
225. KHÔNG CON CHẲNG ĐÁNG LO
Người thế gian lo vì không con, người giầu sang lại càng lo hơn.
Có người nói:
Tội bất hiếu không gì bằng vô hậu, không lo mà được ư?
Ta đáp: Đúng.
Ý lời người xưa tự rõ:
Đại để đó là nói về người không lấy vợ và không con, chứ chẳng phải là nói người lấy vợ rồi mà không con.
Lấy vợ rồi mà không con thì có tội tình gì?
Ngay đến Vua chúa thống trị ức triệu thần dân, chẳng phải là không có lực để lấy nhiều thê thiếp, chẳng phải là không có phương sĩ kỳ nhân dâng thuốc men, thế mà vẫn có người tuyệt tự. Đó là do mệnh, cho nên chẳng đáng lo.
Còn như điều phải lo thì có đấy. Làm nhiều điều bất nghĩa, cướp đoạt của người, tuyệt diệt dòng giõi người, chia lìa cốt nhục người, ngang ngược bắt con cái người làm tỳ thiếp nô bộc, đủ mọi hành động nham hiểm độc ác, đó đều là cái nhân của cái quả không con.
Thế thì đó là điều đáng lo. Chẳng gây nhân đó mà không con, thế thì đó là do số mệnh, chứ chẳng phải là tội lỗi của ta, cho nên chẳng đáng lo.
[Đoạn 226 và 227 thiếu.]
228. HẬU THÂN 3
Hàn Cầm Hổ nói rằng:
Sống làm thượng trụ quốc, chết làm Vua Diêm La, đó là điều vẻ vang. Chẳng biết rằng Diêm Vương tuy được cái sướng của Vua, nhưng cũng có hai thời khổ. Đại để là những người tội phúc kiêm cả thì mới ở ngôi vị này, chứ chẳng là sự tốt đẹp gì.
Xưa có một vị Tăng thấy quỷ sứ tới, hỏi quỷ, quỷ nói:
Đến rước đi làm Diêm Vương. Tăng sợ, bèn rèn tinh chính niệm, thế là quỷ sứ chẳng tới nữa.
Người xưa bảo rằng:
Tăng tu hành nếu tâm địa chẳng trong sáng thì phần nhiều sẽ làm thần linh thủy lục. Tuy chưa hẳn đúng hết, nhưng vẫn có lý đó. Hạ sinh còn hơn Thiên Cung, làm Trời còn chẳng làm, huống chi làm Quỷ Thần.
Gớm thay. Tây Phương không thể không vãnh sinh.
229. VƯƠNG GIỚI PHỦ
Bài thơ bắt chước Hàn Sơn của Giới Phủ có câu:
Ta từng làm trâu ngựa, thấy cỏ đậu:
Hoan hỉ. Lại từng làm Nữ Nhân, hoan hỉ thấy Nam Tử. Ta nếu thật là ta, chỉ nên thường như thế. Vòng chuyển dịch cỏn con, chớ nhận vật là mình.
Lời này của Giới Phủ, quả là có chính kiến, song sao chẳng nói:
Ta từng nghe lời nịnh, vào tai liền hoan hỉ. Lại từng nghe lời thẳng hỉ diệt và sân khởi. Ta nếu thật là Ta, chỉ nên thường như thế. Vòng chuyển dịch cỏn con, chớ nhận vật là mình.
Thế mà lại thích nịnh ghét thẳng, cứ vẫn nhận vật là mình ư?
Thế mới biết người đại thông minh thuyết thiền chẳng khó, nhưng đắc thiền thì khó.
230. MỪNG, GIẬN, BUỒN, VUI CHƯA PHÁT RA 1
Hồi ta mới nhập đạo, nhớ lại lời Tử Tư nói rằng:
Mừng giận buồn vui chưa phát ra, đó gọi là Trung. Ta cho rằng Trung này chính là thân mình trước thời không.
Thế rồi tham khảo ở Lăng Nghiêm, thì thấy nói:
Dẫu diệt hết mọi kiến văn, giác tri, trong giữ u nhàn thì vẫn là pháp trần phân biệt ảnh sự.
Xét ra kiến văn diệt, giác tri dứt, tựa hồ mừng giận buồn vui chưa phát, mà lại nói là pháp trần phân biệt, thế là nghĩa làm sao?
Ý là căn. Pháp trần là trần. Căn đối với trần, thuận cảnh thì mừng và vui phát ra. Đó là ý căn phân biệt pháp trần. Chưa phát thì trần chưa giao ở ngoài, căn chưa khởi ở trong, vẳng lặng im ắng, phải là bản thể.
Chẳng biết xưa duyên động cảnh, nay duyên tĩnh cảnh, xưa vốn là pháp trần thô phân biệt, nay cũng là pháp trần tế phân biệt, đều là ảnh sự, chẳng phải là chân thực.
Gọi là u nhàn, chỉ là nói u thắng hiển. Nhàn thắng huyên náo mà thôi. Bản thân trước thời Không kiếp còn cách hiện tại rất xa. Chỗ này càng phải thẩm sát kỹ lưỡng, phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại, phải nghiên cứu tới kỳ cùng, chẳng thể qua loa được.
231. MỪNG, GIẬN, BUỒN, VUI CHƯA PHÁT RA 2
Từ Hồ Dương thị bảo rằng:
Thấy rõ bệnh của Tủ Tư, Mạnh Tử có cùng một nguồn gốc.
Song những điều mà Từ Hồ tự thuật về sự chứng đắc của mình trong tĩnh:
Là cảm giác trống rỗng vắng lặng, rộng xa vô bờ thì lại chính là khí tượng lúc được gọi là mừng giận buồn vui chưa phát ra. Lời này của Tử Tư, vì đà trải qua quá trình nghiên cứu sâu sắc tinh vi cùng kiệt, nên mới nói là vẫn chưa phải là bản thân mình trước thời không kiếp.
Nếu tại Nho tông thì có thể nói:
Thế là đã diệu đắc tâm pháp của Khổng Tử.
Lời ấy chí tình chí đáng, có gì sai đâu mà Từ Hồ lại cho là bệnh?
Từ Hồ đã theo Khổng Tử, chủ trương Đạo Học thế mà lại chê Tử Tư, như vậy thì ngay Khổng Phu Tử cũng chẳng đáng học.
Thế thì sẽ theo ai đây?
Nếu Từ Hồ có sự diệu ngộ đối với Phật lý. Thì nên nói thẳng bàn thấu các chỗ giống nhau và khác nhau giữa Nho và Phật, chẳng nên nói lời lộn sộn nấy, tựa hồ tiến lui đều không có bằng cứ.
232. TRUNG PHONG BẢO ĐẠI CHÚNG
Thiên Mục Trung Phong Hòa Thượng bảo Đại Chúng rằng:
Các ngươi nếu không có lực lượng lớn chẳng thà nương thân ở nửa gian lều cỏ, mặc quần áo rách rưới đi khất thực còn tránh khỏi xâm phạm tới lúa mạ mùa màng của người ta. Đây là lời bàn chí lý.
Nay những người Xuất Gia phần nhiều làm Công Đức hữu vi, bôn tẩu cả đời, nhưng đối với việc lớn như sinh tử ở ngay dưới gót chân mình thì lại gác lại không thèm để ý, thế thì chẳng cũng là sai lầm ư?
Có người nói:
Ai cũng đều là ông thì tượng nát Chùa đổ, Tăng sẽ ở ngoài Trời và đói meo.
Đáp:
Chẳng phải thế. Ngươi lực lượng lớn thì cứ đi mà làm Công Đức hữu vi. Những lời này của người xưa dạy chúng ta nếu không có lực lượng thì phải mau mau làm việc cần ưu tiên trước.
Một là việc lớn chưa tỏ, như chết Cha Mẹ, thì chẳng rảnh đâu mà làm Công Đức hữu vi. Hai là thấy lý chưa thấu, nhân quả lộn xộn, những thứ được gọi là Công Đức hữu vi có nhiều tội lỗi, Thiền Đường tới được, Địa Ngục đã thành trước, thế thì chẳng dám làm Công Đức hữu vi.
Trung Phong còn nói:
Một tâm là gốc, muôn hạnh có thể để sau. Đó là lời bàn chí lý. Ngưu Đầu khi ở Hàm Họa Nham, Mã Tổ khi ở truyền pháp viện phong cách thanh cao.
Ôi xa rồi. Chẳng còn có thể thấy lại nữa.
233. ĐÀN TRÀNG CẦU ĐẢO XONG, TẠ TƯỚNG SÁT SINH
Đạo Giáo lập Đàn Tràng cầu đảo xong, ắt tạ tướng, to thì giết dê lợn, nhỏ thì mua cỗ tam sinh làm sẵn.
Họ nói là:
Để tạ ơn tướng đã bảo hộ Đàn Tràng. Chẳng thế thì sẽ đắc tội.
Than ôi. Hôm qua lập một đàn chay, sớm nay lại giết lục súc, một độ tạo Thiên Đường, trăm độ tạo Địa Ngục.
Đó là nói về chuyện này chăng?
Xét ra tướng, các vị khác thì ta chẳng thể biết chỉ như Ngài Vân Trường đại nghĩa Trời trồng, Vương Nguyên súy lòng son trung lương, các vị đó há lại thèm để bụng cái việc lễ tạ bằng cỗ tam sinh.
Xưa nay cứ rập theo nhau, trong Đạo Giáo không có lấy một vị cao hạnh ngăn lại thật đáng buồn thương.
Nếu sự đắc tội với tướng thì gần đây một tên giang hồ vô lại đã cùm gông thân tướng để cầu mưa, thế mà tướng chẳng giáng họa, đại để là vì chẳng thèm chấp hạng tiểu nhân.
Vậy mà vì chuyện ăn uống tẹp nhẹp, lại giáng họa vào nhà chay đã tu Công Đức ư?
Đâu có lẽ ấy?
Dám xin đem chuyện này mách bảo với bậc sĩ Quân Tử hiểu rõ nghĩa lý.
234. THÁNG CHAY GIỚI SÁT
Chế độ Nhà Đường các tháng giêng, năm, chín, quan chẳng lỵ nhậm, đến nhiệm sở, nhận chức vụ, vì ắt nhiều yến tiệc khao vọng, yến tiệc khao át sinh nhiều. Chẳng lỵ nhậm là có ý giới sát.
Người thế gian ngoa truyền, cho ba tháng này là tháng kiêng làm các việc tốt lành, đại để chỉ vì mê tín đối với nguồn gốc của tục lệ này. Ngày nay cũng giữ giới trong các tháng giêng, năm, chín và mười ngày chay chẳng được hành hình.
Yêu vật, nhân từ với dân, tâm hiếu sinh của Bậc Thánh Vương là một. Chỉ tiếc là khi cầu tạnh xin mưa, quan ắt cấm sát sinh, thế là đã biết rõ sát sinh là việc bất thiện rồi, nhưng sao tháng chay ngày chay chẳng theo lệ cổ giới sát mà cứ phải đợi tới lúc hoạn nạn nảy sinh rồi sau mới cấm.
Hỡi ôi. Nạn sinh rồi mới cấm, nạn chưa yên đã giải cấm. Thật đáng than dài.
235. GIỚI SÁT KÉO DÀI TUỔI THỌ
Triệu Mỗ ở Hoa Đình tới Thanh Phố thăm người thân, thuyền đỗ lại, thấy một người đứng trên thuyền, nhìn kỹ hóa ra là người đầy tớ đã mất.
Kinh ngạc hỏi thì y đáp:
Hiện nay đang làm việc ở âm ty, nay sắp đuổi bắt ba người.
Hỏi ba người là những ai?
Thì đáp:
Một người Hồ Quảng, một người chính là người thân mà ông sẽ thăm. Hỏi người thứ ba thì chẳng đáp.
Lại hỏi:
Có phải Triệu Mỗ không?
Đáp: Đúng. Triệu Mỗ cả sợ. Tới chỗ người thân định thăm thì đã nghe thấy trong nhà có tiếng khóc rồi. Lại càng sợ hơn, vội giục chèo thuyền nhanh về nhà.
Người đầy tớ nói:
Ông đừng sợ, đến đêm nếu tôi không tới thì được miễn rồi.
Triệu Mỗ hỏi vì sao?
Đáp: Trên đường thấy có người biện giải cho ông, vì ông cả nhà đều giới sát. Sau, đêm quả nhiên chẳng tới, Triệu Mỗ rốt cuộc được bình yên. Nay vẫn còn, đã mười năm rồi. Ghi lại chuyện này vào tháng bảy năm Bính Ngọ niên hiệu Vạn Lịch.
236. CÁC CƯ SĨ NGỘ ĐẠO THỜI TỐNG NGUYÊN
Từ thời Tống đến hết thời Nguyên những Cư Sĩ nhập đạo không chỉ có một người. Cư Sĩ đời Tống là Lưu Hưng Triều, sách Ngộ đạo tập của ông tự thuật về chỗ liễu ngộ của ông rất tường tận, đại để vì thật sự có điều sở đắc.
Cư Sĩ Phóng Ngưu thời Nguyên đã ngộ nhập ở chỗ bất thị bất thị của Vô Môn Lão Nhân, tác phẩm thị phi quan của ông nói ngang nói dọc, nếu chẳng phải là bậc sẵn có đại tri kiến thì chẳng thể nói được.
Hai vị này tông tích chẳng nổi bật lắm, Hưng Triều còn được ghi trong sách Truyền đăng, phóng ngưu ít có người biết tới, cho nên tôi nêu lên.
237. VÔ NGHĨA VỊ NGỮ (LỜI KHÔNG NGHĨA VỊ)
Lời đáp của Tông Môn có những lời được gọi là vô nghĩa vị ngữ, vì chẳng thể dùng đạo mà lý hội, chẳng thể dùng tư duy mà thông hiểu. Người sau dùng tâm tư duy mà gượng nói đạo lý thì càng nói càng xa. Đâu phải chỉ là nói sai, mà ngay đến nói được rất đúng, cũng chỉ là lời con vẹt học người mà thôi.
Viên Ngộ Lão Nhân nói:
Ngươi cứ tình thức mà ý giải, tất cả vọng tưởng đều hết thì tự nhiên sẽ từ đó mà hiểu được. Đây là phương cách đã được chứng nghiệm của tiên đức, chắc chắn chẳng phải là lời nói hão, đó là điều mà chúng ta nên tin tưởng sâu sắc và cố sức thực hành.
238. TÍN THÍ KHÓ TIÊU
Đặng Khoát Cừ tự trách mình nói:
Làm Tăng làm công việc của mình, làm phiền lụy tới thí chủ Thập Phương, quả thực khó tiêu.
Đúng thay. Lời ấy. Xét ra Tăng nhân vì chuyện sinh tử của mình cũng giống như sĩ nhân vì khoa danh của họ. Vì khoa danh cho nên phải phiền lụy tới xóm giềng thân thích cung cấp các thứ cần thiết, thành danh thì đủ để đền đáp họ, danh chẳng thành thì nợ họ nhiều lắm.
Chẳng hiểu nghĩa này mà chỉ hiềm vì tín thí chẳng rộng thì há chẳng sai lầm lớn ư?
Ngũ Đài Cư Sĩ bảo với ta rằng:
Tôi biết có đạo này mà chẳng thể tận lực, nên suốt đời chẳng vui. Nay sĩ nhân chẳng biết có đạo này, mới đỗ được một khoa đã khoái tâm ngũ dục cho đó là vui. Tôi đã biết thế, chẳng dám túng dục nhưng lại vì việc Vua việc nhà mà rong ruổi lần nữa.
Nay già rồi. Đã mất niềm vui của đời người, lại chưa được niềm vui xuất thế gian, cho nên suốt đời ấm ức. Đây là lời thành thật của Cư Sĩ.
Nhưng người tự mê mụ thì nhiều, người tự giác thì ít, ai mà nói được điều này?
Cư Sĩ quả thật là người hiền. Nay con nhà Xuất Gia không có việc Vua việc nhà mà lại cũng sống uổng một đời, lặng im mà suy nghĩ, trong lòng thật kinh sợ.
239. BIẾT ĐẠO CHẲNG THỂ TẠO
Ngũ Đài cư sĩ bảo với ta rằng: “Tôi biết có đạo này mà chẳng thể tận lực, nên suốt đời chẳng vui. Nay sĩ nhân chẳng biết có đạo này, mới đỗ được một khoa đã khoái tâm ngũ dục cho đó là vui. Tôi đã biết thế. chẳng dám túng dục nhưng lại vì việc vua việc nhà mà rong ruổi lần nữa. Nay già rồi! Đã mất niềm vui của đời người, lại chưa được niềm vui xuất thế gian, cho nên suốt đời ấm ức”. Đây là lời thành thật của cư sĩ. Nhưng người tự mê mụ thì nhiều, người tự giác thì ít. ai mà nói được điều này? Cư sĩ quả thật là người hiền. Nay con nhà xuất gia không có việc vua việc nhà mà lại cũng sống uổng một đời, lặng im mà suy nghĩ, trong lòng thật kinh sợ!
240. XA CHỮ QUAN
Cha tôi tuy không làm quan, nhưng người học rộng siêng làm, có nhiều câu Cách Ngôn.
Người đã từng bảo tôi rằng:
Cái việc mang một chữ quan, hãy thận trọng chớ có làm.
Tôi bèn hỏi:
Thế nào là mang một chữ quan?
Cha tôi đáp:
Đó đều là các việc đại loại như:
Lĩnh tiền quan, dệt đoạn quan, trúng thầu muối quan, làm quan bảo, cho đến vào phủ quan làm nha lại thư ký, kết giao với người làm quan, nhờ cậy chạy chọt việc quan.
Tôi vái hai vái xin vâng lời. Sau xem trong số những người thân thích quen thuộc, thấy có đến bảy tám phần mười đều mắc tội vì chữ này mà thành bại hoại.
Do đó mà suy rộng ra thì dù được làm quan, tôi cũng chẳng muốn làm. Sau khi Xuất Gia, lại suy rộng ra, nên chẳng dám quan hệ nhăng với các Đại Nhân quan chức, đồng thời răn bảo đồ đệ không được khất duyên xin phép ra vào nhà quan, không được ỷ thế quan mà tranh chấp kiện tụng với người khác, phải an bần thủ phận thì may ra mới tránh khỏi tội lớn.
Dẫu là tuân thủ lời Phật dậy, nhưng cũng là những điều vốn đã được nghe cha dạy bảo ơn dạy bảo chưa quên. Buồn thương sao mà nguôi được.
241.NIỆM PHẬT KÍNH
Hai Thầy Đạo Kinh và Thiện Đạo làm sách Niệm Phật kính đem Niệm Phật ra so sánh với các Pháp Môn khác, rồi đều quả quyết rằng:
Muốn so với Công Đức Niệm Phật thì trăm ngàn vạn ức phần chẳng thể bằng được một phần. Có thể nói là một mực tin tưởng, phân biện rõ ràng, có công lớn với Tịnh Độ.
Riêng chương về Thiền Tông nói rằng:
Quán tâm quán vô sinh nếu đem so sánh với Công Đức Niệm Phật trăm ngàn vạn ức phần cũng chẳng bằng được một phần thì người học còn nghi ngờ.
Ta cho rằng đó chính là điều mà tứ liệu giản gọi là có thiền không Tịnh Độ cứ chấp quán tâm, chẳng tin có Cực lạc Tịnh Độ. Cứ chấp vô sinh, chẳng tin có Tịnh Độ vãng sinh thì chưa thông hiểu được lý:
Tức tâm tức độ, chẳng biết sinh tức vô sinh, thiên về không kiến thì chẳng phải là thiền viên đốn. Trái lại chẳng bằng người lý tính tuy chưa tỏ lắm nhưng Niệm Phật đã thành Tam Muội.
Thế thì có gì là lạ đâu?
Còn như quán tâm mà diệu ngộ tự tâm, quán vô sinh mà được vô sinh nhẫn, thì đó chính là hạng sẽ được chứng quả ngang hàng với người Niệm Phật đắc quả Thượng Phẩm thượng sinh.
Như vậy thì còn có ai khen chê vào đâu được?
242. THAM CỨU NIỆM PHẬT
Khoảng năm Hồng Vĩnh bản triều, chỉ Triều Minh có ba vị đại lão là Không Cốc, Thiên Kỳ, Độc Phong đều bàn về Niệm Phật. Hai Thầy Thiên Kỳ và Độc Phong đều dạy người ta phải xem Niệm Phật là ai.
Riêng Thầy Không Cốc bảo rằng:
Chỉ niệm thẳng một mạch là cũng có ngộ môn. Hai cách này đều tùy nghi và đều đúng cả.
Nhưng Không Cốc chỉ nói:
Cứ niệm thẳng một mạch cũng được, chứ chẳng nói:
Tham cứu là sai. Trong sách Sớ Sao, ta đã trình bày qua về điều này.
Vậy mà vẫn có người nghi ngờ nói:
Tham cứu chủ yêu nhằm để kiến tính, đan trì chỉ trì tụng Danh Hiệu Phật mới sát hợp với việc cầu vãng sinh.
Thế rồi muốn bỏ tham cứu mà chỉ đan trì, nói rằng trong Kinh chỉ nói:
Chấp trì Danh Hiệu, không hề nói tới việc tham cứu. Luận điểm này cũng rất có lý, cứ theo như thế mà làm thì chắc chắn sẽ được vãng sinh. Song muốn để việc này mà bỏ việc kia thì không được.
Vì người Niệm Phật kiến tính chính là sự Thượng Phẩm thượng sinh, thế mà lại lo chẳng được vãng sinh ư?
Cho nên sách Sớ Sao bảo tồn cả hai cách mà đợi người tu hành lựa chọn. Xin chớ có ngờ.
Nếu như vì chữ ai có tính chất cật vấn mà cho là truy cứu người Niệm Phật, thì đó là sai trái hại người, bị tội vô lượng.
243. THAM GẤP NGỘ GẤP
Phóng Ngưu Cư Sĩ là con họ Dư người ở Hàng Châu cũ, tham học với Vô Môn Lão Nhân và đắc ngộ trong khoảng niên hiệu Thuần Hựu triều Tống.
Ông đã nói:
Người đại thông minh mới được nghe sự này, liền dùng tâm ý thức lĩnh giải, bởi vậy nhận ảnh là thật.
Tới ngày ba mươi tháng chạp, lúc ánh mắt sắp lặn mới bảo với cụ Diêm Vương rằng:
Chờ tôi trừng tâm nhiếp niệm lắng lòng thụ niệm xong, sẽ đi cùng ông. Điều này dứt khoát không được. Cần phải tham gấp, ngộ gấp.
Lời này của Phóng Ngưu có thể nói là:
Khẩn trương làm người. Nếu là người thật sự giác ngộ triệt để thì ngày thường đều bền bỉ kiên trì, vững vàng chắc chắn, chẳng cần phải động đến can qua, mà vẫn có thể chống chọi được với quân địch ở tận tám mặt.
Khi quỉ vô thường tới, vẫn an nhiên ung dung, không hề luống cuống, không hề sợ hãi bấn loạn, đâu còn phải đợi trừng tâm nhiếp niệm, cố gượng chống đỡ nữa?
Cái việc được gọi là tham gấp, ngộ gấp ấy chúng ta nên gắng sức mà lo đi.
244. GIẢI THIỀN KỆ
Ôn Công làm bài Giải thiền kệ, đó quả thật là chiếc gương để soi mai rùa để bói của người học Phật mà chưa hiểu rõ Phật lý. Nhưng việc ông cho rằng lời nói việc làm đáng làm phép tắc đó là bất hoại thân.
Phẩm chất nhân nghĩa chẳng hề thiếu sót đó là Quang minh tạng, đấy chỉ là lời để chữa bệnh nhất thời chứ chẳng phải là lý luận xác thực, bất di bất dịch.
Xét ra cẩn thận trong lời nói và hành động, tu luyện rèn rũa về nhân nghĩa, điều đó đối với thế gian quả thật là đáng quý trọng. Song đâu phải là Kim cương bất hoại thân, thần thông đại quang minh tạng.
Nói sao mà dễ thế. Hơn nữa cho rằng Quân Tử luôn luôn thanh thản đó là Thiên Đường, tiểu nhân mãi mãi lo âu đó là Địa Ngục, về lý thì đúng như thế, nhưng cũng mắc cái bệnh chấp lý thất sự, chấp vào lý mà bỏ mất sự.
Đâu có được nói rằng:
Ngu si tức là trâu dê, hung bạo tức là hổ báo, ngoài những thứ này ra không có trâu dê thực sự khoác lông đội sừng, hổ báo thật sự nanh nọc vuốt sắc nữa.
Ta sợ người thế gian thấy Ôn Công văn từ hay lạ, ắt ưa thích rồi tin tưởng sâu sắc thì sẽ gây ra cái tệ là coi thường thế gian đã tự cho là đủ, chẳng còn biết là có sự hướng thượng nữa.
Thế thì bài kệ này vốn để giác ngộ cho người ta mà ngược lại, lại làm cho người ta sai lầm. Cho nên ta không thể không nói rõ.
245. PHẠM CẢNH NHÂN
Cảnh Nhân tự nói:
Ta suốt hai mươi năm không hề khởi một tư lự.
Cảnh Nhân quả thật là một Bậc Hiền giả, song suốt hai mươi năm đằng đẵng mà chẳng sinh một niệm, có khi chưa dễ gì mà được như thế.
Ngay đến Nhan Tử mà còn chỉ được ba tháng chẳng trái, thế thì ngoài ba tháng vẫn có một niệm sinh. Ngay đến Triệu Châu còn phải cần tới bốn mươi năm đá thành nhất phiến, thế thì khi chưa thành nhất phiến vẫn có niệm sinh.
Người như Cảnh Nhân lẽ nào lại có thể không có chuyện thô niệm tuy không, nhưng tư lự vi tế ngấm ngầm nẩy nở mà chẳng tự biết ư?
Ta chẳng phải là kinh thị cảnh nhân, nhưng chỉ sợ mới chứng ngộ được một ít đã cho là đủ. Cho nên phải tự nhắc nhở trước.
246. TẬP TỤC
Tiền bối nói rằng:
Tập tục làm con người biến đổi. Bậc Hiền trí cũng chẳng tránh khỏi.
Nay một áo một mũ, một đồ một vật, một chữ một lời, bao nhiêu cử chỉ hành động, tất cả đều tự một người đề xướng lên, rồi đám đông nổi dậy mà hùa theo. Đó gọi là thời thượng. Có người sùng Thượng Tọa quan, Tọa Thiền nhập định, thế là đám đông hùa theo mà tọa quan. Có người sùng thượng lễ sám, thế là đám đông hùa theo mà lễ sám.
Đám đông hùa theo mà Tụng Kinh. Hùa theo mà trì ấn Chuẩn Đề. Hùa theo mà đọc đẳng vận. Hùa theo mà bỏ chú sớ, chuyên dùng bạch văn. Hùa theo mà thết cơm chay cho mười vạn tám ngàn Tăng. Hùa theo mà học Kinh Thư, Kinh Thi, học lời lẽ văn chương ứng dụng của sĩ đại phu, ồ ạt mà thành phong trào, chẳng hẹn mà hợp.
Chỉ riêng việc khắc tâm lệ chí, tham thuyền Niệm Phật thì tuy có người khởi xướng mà không ai theo, thế là nghĩa làm sao?
247. CHÁN ỒN CẦU TĨNH
Có người tập tĩnh, một mình ở trong một buồng, hơi có tiếng người liền cho là chướng ngại.
Tiếng người kia còn có thể cấm, tiếng chim quạ chim thước ầm ĩ ở sân thì làm thế nào?
Quạ, thước có thể đuổi được, nhưng hổ báo gầm ở rừng thì làm thế nào?
Hổ báo còn có thể sai thợ săn bắt, nhưng tiếng gió thổi nước chảy, sấm vang mưa rào thì làm thế nào?
Cho nên mới nói rằng:
Người ngu trừ cảnh chẳng trừ tâm, người trí trừ tâm chẳng trừ cảnh. Muốn trừ cảnh mà rốt cuộc cảnh chẳng thể trừ thế thì đạo rốt cuộc chẳng thể học được.
Có người nói:
Thế Tôn chẳng biết âm thanh của năm trăm xe, đó đại để là sự trong thuyền định, chứ chẳng phải là việc hạng phàm phu có thể làm được.
Thế thì Cao Phượng đọc sách chẳng biết mưa rào trôi lúa, giữa lúc bấy giờ Cao Phượng đã nhập định gì?
Chẳng chê trách chí chẳng bền mà lại chê cảnh chẳng tĩnh, quả thật sai lầm thay.
248. ĐÊM GIAO THỪA
Người xưa cho đêm giao thừa là ngày sẽ chết đại để là vì đó là chỗ tận cùng một năm cũng giống như chỗ tận cùng của một đời.
Cho nên Hoàng Bá để lại lời dạy rằng:
Nếu chẳng đả triệt, triệt để giác ngộ được từ trước thì khi ngày ba mươi tháng chạp kéo tới, chắc chắn ngươi sẽ bị nhiệt loạn.
Thế thì ngày mồng một tháng giêng đã lo việc ngày cuối năm cũng chẳng phải là sớm, mới đẻ ra rơi xuống đất đã lo việc ngày chết cũng chẳng phải là sớm, làm sao có thể lần chần lần nữa, nhởn nhơ tha thẩn, chẳng thấy mới trẻ mà đã lớn, mới lớn mà đã già, mới già mà đã chết.
Huống hồ còn có người chẳng kịp lớn và già, há chẳng càng đáng buồn ư?
Đêm nay năm hết, cần phải cẩn thận tự mình thề ước:
Chẳng thể sang năm vẫn cứ sa đà như cũ. Tuy vậy, hai chữ đả triệt này chẳng thể dễ dàng gì mà xem qua được, chẳng phải cứ thông mấy bản Kinh Luận là sẽ đả triệt được, chẳng phải cứ ngồi hết mấy nén hương chẳng lay động là sẽ đả triệt được, chẳng phải cứ hiểu mấy bài cơ duyên vấn đáp của Cổ Đức, cứ làm mấy câu tụng cổ, niệm cổ là sẽ đả triệt được, chẳng phải là cứ đối đáp mấy câu Tam Muội đầu lưỡi trơn tru là sẽ đả triệt được.
Người xưa nói rằng:
Đối với sự này, phải thông suốt như thùng tụt đáy, tỏ rõ như mộng lớn sực tỉnh, không còn mảy may nghi ngờ gì nữa thì rồi sau mới được.
Than ôi! Đâu dám chẳng cố gắng.
249. TỊNH ĐỘ – PHÁP KHÓ TIN 1
Những kẻ cho Tịnh Độ là nông cạn cho rằng đó là đạo của hạng nam nữ ngu si tu hành.
Thiên Như đã bác bỏ thuyết đó, Ngài nói:
Như vậy chẳng những là khinh bỉ hạng nam nữ ngu si, mà là khinh bỉ cả Mã Minh, Long Thụ, Văn Thù, Phổ Hiền. Cho nên tôi làm sách Di Đà Kinh Sớ Sao mới phát hiện ý nghĩa tôn chỉ rất sâu của Kinh này.
Thế thì họ lại cho rằng giải thích Kinh này chẳng nên quá sâu, đó rốt ráo là đạo của hạng nam nữ ngu si tu hành.
Phật bảo rằng Kinh này là pháp khó tín, há chẳng đúng như thế ư?
250. TỊNH ĐỘ PHÁP KHÓ TIN
Có người bảo:
Chẳng nên sâu quá, Kinh này vốn nông, nên không được sâu quá.
Ôi. Pháp Hoa dùng ngôn ngữ trị thế mà đều là thật tướng.
Vậy mà Kinh này cắt ngang dòng sinh tử, lên thẳng địa Vị bất thoái chuyển, lẽ nào lại chẳng bằng ngôn ngữ trị thế ư?
Có người lại nói rằng:
Kinh này thuộc loại Phương Đẳng sớ giải là Viên Giáo thì không được.
Ôi. Quán kinh cũng thuộc loại Phương Đẳng, Trí Giả đã sớ giải là Viên Giáo, Viên Giác cũng thuộc loại Phương Đẳng, Khuê Phong cũng sớ giải là Viên Giáo. Di Đà Kinh tôi chỉ cho là một phần Viên Giáo, thế thì có gì mà chẳng được.
Phật nói pháp khó tin, há chẳng đúng như thế ư?
251. TỊNH ĐỘ PHÁP KHÓ TIN
Kinh Hoa Nghiêm, phẩm thứ mười:
Chủ dược thần Niệm Phật diệt nhất thiết Chúng Sinh bệnh giải thoát môn, Thanh Lương sớ giải nói:
Thú xưng một Phật, Tam Muội dễ thành, kính nhất tâm uống, các thứ còn lại hết thẩy đều thế cả.
Huống hồ tâm ngưng ở đường giác, ngầm bước tới phương lớn ư?
Mấy câu trên cả khen chuyên niệm, hai câu sau bàn sâu vào lý, ai bảo là Tịnh Độ nông?
Hành nguyện phẩm trình bày rộng về Thế Giới hải bất khả thuyết, về Công Đức Niệm Phật.
Bồ Tát bất khả thuyết, lúc lâm chung lại chẳng cầu sinh ở Hoa Tạng mà cầu sinh ở Cực lạc, ai bảo là Tịnh Độ nông?
Thánh Hiền để lại lời dạy như vậy mà con người là tự cho mình cho là nông, Phật nói pháp khó tin, há chẳng đúng như thế đó sao?
252. NIỆM PHẬT CHẲNG TRỞ NGẠI GÌ ĐẾN THAM THIỀN
Xưa có câu:
Tham Thiền chẳng trở ngại gì đến Niệm Phật, Niệm Phật chẳng trở ngại gì đến Tham Thiền, lại nói:
Chẳng cho phép kiêm cả hai thứ. Song cũng có người Tham Thiền kiêm tu Tịnh Độ, như các Thầy Viên Chiếu Bản, Chân Yết Liễu, Vĩnh Minh Thọ, Hoàng Long Tân, Từ Thụ Thâm v.v… đều là các vị đại tông sư trong thiền mà vẫn lưu tâm Tịnh Độ, chẳng trở ngại gì đến việc tu thiền của họ.
Cho nên biết rằng người Tham Thiền tuy niệm niệm tham cứu bản tâm mình, nhưng cũng chẳng trở ngại gì cho việc phát nguyện:
Nguyện lúc lâm chung sẽ được vãng sinh Cực Lạc.
Sở dĩ như vậy là vì sao?
Tham Thiền tuy có chỗ đắc ngộ, nhưng vẫn chưa thể được như Chư Phật thường trụ Thường Tịch Quang, chưa thể được như A La Hán chẳng thụ hậu hữu. Thế thì hết báo thân này, ắt có chốn sinh.
Nếu lại sinh ở cõi nhân gian và thân cận minh sư thì sao bằng sinh ở Liên Hoa và thân cận Di Đà?
Vậy thì Niệm Phật chẳng những chẳng gây trở ngại gì cho Tham Thiền, mà thật ra còn có ích cho Tham Thiền.
253. NGHỀ Y GIỚI SÁT SINH
Đào Ẩn Quản lấy sinh vật làm thuốc, cuối cùng đã khiến việc thượng thăng của ông ta bị ngưng trệ.
Xét ra sát sinh để nuôi miệng nuôi bụng quả là không được. Tổn hại vật mệnh để bảo toàn nhân mạng dường như vô tội. Chẳng biết quý người mà coi rẻ súc vật, thường tình thì thế, nhưng đó chẳng phải là tâm Bình Đẳng của Chư Phật, Bồ Tát. Giết một mạng, cứu sống một mạng việc đó bậc Nhân Giả chẳng làm.
Huống hồ sống chết do số phận quyết định, chưa hẳn là người bệnh đó đã có thể sống được. Như thế thì chỉ tăng thêm oan báo mà thôi. Người có bệnh nên nghĩ kỹ điều này, người làm nghề thuốc nên nghĩ kỹ điều này.
254. KHÁM NGHIỆM
Người tham học có chỗ nào giác ngộ ắt phải trải qua bậc tông sư có con mắt sáng suốt khám nghiệm qua rồi mới được.
Như có một Tăng thường ngủ trọ ở trong lò giấy miếu thần, có Thầy lẻn vào lò giấy, chờ vị Tăng đó tới trọ liền thộp ngực nắm lấy mà hỏi rằng:
Thế nào là dụng ý của Tổ Sư từ Tây Phương sang?
Tăng đáp:
Mâm bồng rượu trước thần. Lại có một vị Tăng, người ta bảo là là đắc ngộ.
Huyền Sa cố ý cùng đi với vị đó, tới bên dòng nước, thình lình đẩy vị đó xuống nước, hỏi nhanh:
Ngưu Đầu khi chưa gặp Tứ tổ thì thế nào?
Vị Tăng đó đáp:
Chân duỗi ở trong chân co. Vân vân. Hai vị Tăng này nếu chẳng phải là trong bụng làu làu thông suốt, ngàn điều đều hiểu, trăm điều đều đúng. Hỏi gì đáp nấy như hang rỗng phát ra tiếng vang.
Đến gì hiện nấy như gương sáng soi vật, thì làm sao mà trong lúc cập rập vội vàng, chân tay luống cuống lại có thể nói năng trả lời đích đáng như vậy, tự tại như vậy?
Bọn dùng ý thức để suy lường ức đoán trong lúc rảnh rỗi kia. Họ trả lời Thầy hỏi, làm các bài tụng chẳng phải là hay ho khả quan, nhưng trong hoàn cảnh thúc bách như sấm giật chẳng kịp bịt tai làm sao mà khỏi bị một phen xấu hổ.
Như vậy há chẳng đáng thận trọng ư?
255. VỊ ĐẠO GIẢ Ở CHÙA BÁCH PHÁP
Vào khoảng năm Gia Tĩnh, có vị đạo giả là Mỗ ở nhờ trong Chùa Bách Pháp tại Ngô Sơn, chẳng đi khất thực, có một đệ tử bán thuốc để cung phụng. Mỗi ngày ông ta ăn ba bữa, mỗi bữa hai bát cháo, mấy cây rau nấu nhờ nồi cháo. Suốt ngày ông ngồi im lặng ở trong buồng.
Có người mở hội Niệm Phật tới gặp ông định hỏi, ông bèn xua tay nói:
Cứ tĩnh tọa, đừng mở miệng. Người kia đã chẳng được nói, bèn chần chừ rồi rút lui.
Đem quà bánh rau quả vào biếu, ông cự tuyệt không nhận nói:
May mà tự có cháo não để khỏi đói rồi.
Không dưng đưa những thứ này vào làm tội trong bụng mà làm gì?
Bấy giờ tuy chưa điều tra rõ ông ta tu đạo gì, nhưng sự tinh chuyên thoát tục của ông ta, thời nay người giống ông này cực kỳ ít ỏi, quả thật đó là điều ta chẳng theo kịp. Vì vậy ta ghi lại chuyện này.
Xin hỏi ban biên tập mình muốn tải bản PDF ở Phần nào ạ?
Đạo hữu tải tại đây nghen:
https://drive.google.com/file/d/1c_-gHKeKSRqDNahD6slMauCKPAtM9az2/view?usp=sharing