BÚT KÝ BÊN CỬA TRÚC
-TRÚC SONG TÙY BÚT-
Tác giả: Đại Sư Liên Trì
Dịch giả: Sa Môn Thích Viên Thành
PHẦN II
TRÚC SONG NHỊ BÚT
160. BÁT NHÃ CHÚ
Bát Nhã Tâm Kinh nói rằng:
Bát Nhã Ba La Mật là Đại Thần Chú, là Đại Minh Chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú.
Đại để chỉ Bát Nhã là chú, chứ chẳng phải chỉ bốn câu yết đế yết đế. Người ngày nay chỉ biết chú thuộc mật bộ, mà Bát Nhã Tâm Kinh là Hiển bộ, thế là Hiển bộ cũng có chú, đó là điều mà Mật gia đã lướt qua mà chẳng xét kỹ.
Thêm nữa, bốn chữ A Di Đà Phật đều là tiếng Phạn, giả sử tiền nhân chẳng thêm chú thích thì có khác gì các chú Đại minh, Chuẩn Đề của mật bộ. Người ngày nay chỉ biết Đại minh, Chuẩn Đề là Chú, còn Di Đà là Phật danh. Phật danh đó cũng là Chú, đó là điều mà Mật gia đã bỏ qua mà chẳng xét kỹ.
161. NHO ĐỒNG BỒ TÁT
Tương truyền Khổng Tử hiệu là Nho đồng Bồ Tát.
Có người nói:
Đức Khổng Phu Tử ta là tổ muôn đời của văn này, mà họ lại gọi là đồng. Đồng có nghĩa là Ấu, Ấu có nghĩa là Tiểu. Ngay bậc Tổ Sư của ta mà họ còn cho là ấu tiểu thơ dại bé nhỏ, thế thì còn trách chi được việc Nho bài Phật.
Thêm nữa, Tăng có Danh Hiệu Tỳ Kheo, Khưu là tên húy của Khổng Phu Tử. Tỷ có nghĩa là bằng vai. Tăng là đệ tử Phật mà lại bằng vai với Khổng Phu Tử.
Họ coi Tổ Sư ta là đệ tử, chả trách nào việc Nho bài xích Phật. Không đúng như thế. Đồng đây là khen đức tính thuần nhất vô vi. Ngài Văn Thù là Thầy của bảy Phật, thế mà vẫn gọi là Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử. Ngài Thiện Tài một đời được Vô Thượng Bồ Đề, mà vẫn gọi là Thiện Tài Đồng Tử.
Cho đến bốn hai vị Thánh Hiền, có đồng chân trụ, đó đều là Danh Hiệu tán thán đức độ tới hết mức, chứ chẳng phải có nghĩa là ấu tiểu thơ dại bé nhỏ.
Cho nên mới nói:
Bậc Đại Nhân chẳng để mất cái tâm của con đỏ tức trẻ con. Còn Tỳ Kheo, tiếng Phạn là Bhiksu, ở đây gọi là Khất Sĩ, cũng gọi là Phá ác, cũng gọi là Bố ma khiến ma phải sợ.
Tỷ chẳng phải có nghĩa là Tỷ tịnh bằng vai, ngang hàng Khiêu chẳng phải là chỉ Khiêu lăng đồi gò. Vì chỉ lấy âm chứ chẳng lấy chữ của tiếng Hán. Ví dụ từ Nam Mô trong tiếng Phạn, ở đây gọi là quy mệnh. Nam chẳng lấy nghĩa Nam trong từ Nam Bắc. Vô chẳng lấy nghĩa Vô trong cụm hữu vô.
Ôi. Giả sử Khổng Phu Tử mà sinh ở nước Thiên Trúc thì ắt hẳn Ngài cũng diễn dương Phật Pháp để độ Chúng Sinh. Giả sử Thích Ca mà xuất hiện ở nước Lỗ thì Ngài ắt hẳn cũng xiển minh Đạo Nho để dạy muôn đời. Vì có đổi đất đi thì cũng đều thế cả.
Việc làm của Đại Thánh Nhân, phàm tình vốn chẳng biết được. Người theo Đạo Nho chẳng thể phỉ báng Phật, lẽ nào người học Phật lại có thể phỉ báng Nho.
162. LÂM TẾ
Tiên đức có nói rằng:
Lâm Tế nếu chẳng Xuất Gia, ắt làm bậc cừ khôi như loại Tôn Quyền, Tào Tháo.
Sao lại ví Lâm Tế với Tôn, Tào?
Đại để là ví về Trí, chứ chẳng ví về Đức.
Viên Thiện nói:
Sinh con nên như Tôn Trọng Mưu tức Tôn Quyền.
Còn Khổng Minh cũng nói:
Tào Tháo dùng binh, na ná tựa Tôn Ngô. Có thể biết là nói về Trí vậy. Giả sử họ chẳng để Trí đó phục dịch cho bên ngoài, mà đem Trí đó đưa vào trong, đem tất cả thần cơ diệu toán thuở bình sinh đưa hết vào Bát Nhã, thì Đạo đối với họ, có gì mà chả đắc.
Thêm nữa, xưa có câu Tất Đạt, chỉ Phật Tổ khi chưa Xuất Gia là Thái Tử Tất Đạt Đa nếu chẳng Xuất Gia, ắt làm Chuyển Luân Thánh Vương. Đây là lời bàn về kiêm trí kiêm đức. To nhỏ khác nhau, nhưng ý là một vậy.
163. NÚI NHẠN ĐĂNG
Thiên Thai, Nhạn Đăng là hai núi nổi tiếng ở vùng Triết Giang. Và núi Nhạn Đăng lại càng kỳ lạ, có người đã khinh ngàn dặm mang theo lương ăn mà tới du ngoạn ở đây.
Ta xưa nhận lời mời của Thái Bình, chỉ cách núi Nhạn Đăng một do tuần. Hết thời hạn, viện chủ Thái Bình bạch với ta mời ta đến Nhạn Đăng du ngoạn.
Ta định đi. Thế là những người hân hoan hăm hở theo ta du ngoạn có đến hơn trăm. Nhưng rồi xét thấy núi đó đã lâu không tiếp đãi ai, nếu ta nấn ná xem khắp, cả đi cả về không dưới nửa tháng, phải tốn đến mấy thạch lúa, Chùa viện nghèo sẽ chẳng chi nổi, cho nên ta đã kiên quyết ngăn lại. Mọi người đều không vui.
Ta bèn an ủi họ rằng:
Nhạn Đăng tuy đẹp, nhưng ở cõi Chấn Đán này có nơi còn đẹp hơn. Ngay chốn đẹp nhất ở Chấn Đán cũng chẳng bì kịp Thiên Cung.
Mà chốn đẹp nhất ở Thiên Cung cũng chẳng bằng được Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Các ông chẳng mộ cõi Cực Lạc mà lại cứ một mực hâm mộ cảnh Nhạn Đăng, thế là nghĩa làm sao. Rốt cuộc chẳng đi nữa.
164. HỐI CHẲNG LÀM TĂNG
Tể Tướng Nhà Đường là Đỗ Hoàng Thường lúc lâm chung tự hối chẳng được làm Tăng, sai cắt tóc nhuộm áo để liệm. Thêm nữa có vị chấp chính nổi tiếng thời Tống là Mỗ cũng để lại di chúc như vậy.
Đó nếu chẳng phải là kiếp trước túc thế kiên trì chính pháp, thì làm sao mà có thể ờ ngôi vị lớn mà vẫn tỉnh táo không hề mê mụ. Lúc phong hỏa tán, vẫn còn có đủ trí tuệ sáng suốt như vậy được.
Song có hai thuyết:
Hoặc là một niềm mê muội, tới lúc chết thì trở về cội. Hoặc là cố ý thị hiện để cảnh ngộ đồng loại. Điều đó chưa thể biết được.
165. PHẬT PHÁP CHẲNG LÀM CHUYỆN NHÂN TÌNH
Diệu Hỉ tự nói:
Khi xưa được Vô Nhãn Trưởng Lão ấn chứng bừa cho, sau gặp cụ Viên Ngộ mới được Đại Triệt Đại Ngộ.
Bèn tự thề với mình:
Nhất định chẳng dùng Phật Pháp để làm chuyện nhân tình. Diệu Hỉ có thể gọi là bậc Đại Từ Đại Bi, thật là con mắt của người của Trời muôn đời. Tiếc thay ta sinh sau đẻ muộn, chẳng đích thân được người rèn rũa. Đó là điều đáng ân hận.
Song Diệu Hỉ bảo rằng:
Vô Nhãn Trưởng Lão dùng ấn bí đao mà ấn chứng cho người học.
Nay người học phần nhiều dùng ấn bí đao mà ấn chứng cho bản thân mình, Diệu Hỉ nhìn thấy thì còn sẽ thế nào nữa?
166. Y BÁT HOÀNG MAI
Cổ Đức bảo mọi người:
Y bát của Hoàng Mai, chẳng những hạng luôn luôn siêng lau phủi chẳng đáng được, mà ngay đến hạng bụi bặm bám vào đâu.
Cũng chẳng đáng được, vậy thì rốt cuộc nói như thế nào mới đáng được Y bát?
Một Tăng hạ chín mươi chín chuyển ngữ, chẳng hợp, cuối cùng nói:
Cứ nhất định cầu Y bát của người để làm gì. Cổ Đức mới vui vẻ ưng thuận.
Ôi. Thầy đáng gọi là giết người cần thấy máu, trò đáng gọi là hạng kỳ cùng tới tận đáy vậy.
167. NHĨ CĂN VIÊN THÔNG
Lăng Nghiêm chọn lựa Viên thông, chỉ lấy một nhĩ căn. Song Thế Tôn là chủ của một kỳ hóa đạo mà nhờ thấy sao mai nên đã ngộ.
Âm Quang tức Ca Diếp là Tổ truyền đăng của muôn đời mà nhờ thấy cầm hoa nên đã ngộ, đều thuộc nhãn căn, thế là nghĩa làm sao?
Đây có hai nghĩa:
Một là nghĩa tùy thuận Chúng Sinh.
Vì chân giáo thể phương này:
Thanh tịnh tại âm thanh. Hai là nghĩa khiển trược. Vì Chúng Sinh chấp trược mọi thứ, nghe nói Viên Thông chỉ chuông nhĩ căn bèn cho rằng các căn khác chẳng thể nhập đạo. Cho nên kẻ sĩ hào kiệt mọi căn viên thông sẽ như người đại phúc đức cầm đá thành báu. Người giỏi đọc Lăng Nghiêm nên xét kỹ.
168. CỰC LẠC THẾ GIỚI
Có người nghi ngờ hỏi:
Kinh Hoa Nghiêm nói Cực Lạc chỉ hơn Sa Bà, nhưng đại bản Di Đà Kinh lại nói là hơn Thập Phương, thế là sao?
Một thuyết nói:
Hơn Thập Phương, đó chỉ là Mười Phương gần với cõi Sa Bà, chứ chẳng phải là Mười Phương của Thế Giới Hoa Tạng. Thuyết đó cũng đúng, nhưng chưa hết. Đúng là do thuyết chỉ hơn, nên đại để là lấy thời gian một ngày đêm để so sánh.
Cho nên nói một kiếp ở cõi Sa Bà bằng một ngày đêm ở cõi Cực Lạc, một kiếp ở cõi Cực Lạc bằng một ngày đêm ờ cõi Ca Sa chàng, cứ như vậy khắp cả hằng hà sa số Thế Giới, cho tới cõi Thắng Liên Hoa. Đó chính là chỉ lấy một mục thời gian dài ngắn mà so sánh, chứ chẳng phải là so sánh một cách toàn diện.
Chẳng thế thì ngàn vạn năm ở nhân gian bằng một ngày đêm ở Địa Ngục, chả lẽ là Địa Ngục hơn nhân gian ư?
Lại thêm một ví dụ nữa.
Nếu cứ chấp vào thân lượng dài ngắn mà so đo hơn kém thì Phật Lư Xá Đại Nhật Vajrocana chỉ cao ngàn trượng, còn núi Tu Di Sumeru lại cao tới tám vạn bốn ngàn do tuần, chẳng lẽ là Tu di hơn Tỳ Lư Xá Na ư?
Cho nên nói Cực Lạc hơn Thập Phương, đó là nói về mức độ xa rộng, đương nhiên cũng chẳng trở ngại gì.
169. MỘT CHUYỂN NGỮ
Tiên đức khai thị cho người học, nói:
Ta nay cũng chẳng kể ngươi Thiền Định trí tuệ, thần thông biện tài ra sao chỉ đòi hỏi ngươi hạ một câu chuyển ngữ đích đáng. Người học nghe nói thế, liền đêm ngày học chuyển ngữ. Thế là sai rồi. Một chuyển ngữ đã tôn quý như vậy, kỳ lạ đặc biệt.
Như vậy thì đủ biết đó nhất định chẳng phải là thứ mà tình thức, ước đoán, kiến giải, y thông có thể học mót được. Bởi vì đó là thứ tự tuôn ra từ trong sự Đại Triệt Đại Ngộ thực sự.
Còn như loại được lấy ra từ trong Kinh Giáo, từ trong cơ duyên vấn đáp của người xưa rồi dùng thông minh hiển trí mà mô phỏng, xuyên tạc, đưa ra vận dụng ngoài miệng chẳng phải là lời lẽ câu cú chẳng sắc bén tân kỳ, nhưng thực chất chỉ là gãi ngứa ngoài giày, thì dù cho một sát na có hạ được hằng hà sa số chuyển ngữ đi nữa, phỏng có quan hệ gì tới bản thân đâu?
Nay chẳng quản chuyển ngữ đích đáng hay không đích đáng, hãy cứ vất quách ra ngoài bất khả thuyết, bất khả thuyết Thế Giới, chỉ giữ chặt bản tham, liên tục dụng tâm, luôn luôn chẳng bỏ, cốt sao cho được triệt ngộ lo gì mà không có chuyển ngữ. Ta tuy độn căn, chẳng dám không cố gắng.
170. PHÁP HOA YẾU GIẢI 1
Để giải thích một Kinh Pháp Hoa, Thiên Thai Trí Khải đã viết huyền nghĩa văn cú, sách này đồ sộ và tường tận. Ôn Lăng đã viết Yếu Giải, sách này tinh tế và ngắn gọn. Thiên Thai là hay nhất rồi. Nhưng Ôn Lăng cũng chẳng thể khinh.
Có người nói:
Trước tiên đọc Yếu Giải, sau đó tham khảo Huyền nghĩa văn cú, sự hơn kém của hai sách đó cách nhau rất xa.
Vậy mà lại nói rằng:
Ôn Lăng chẳng thể khinh, là nghĩa làm sao. Xét ra Ôn Lăng sinh sau Thiên Thai. Các sách như Huyền nghĩa v.v… đều là những thứ mà Ôn Lăng đã xem qua, những chỗ sách đó phân tích chi ly, biện luận rành mạch, không phải không biết.
Song sách giải thích của Ôn Lăng đặt tên là Yếu Giải chính là chọn con đường thẳng nhanh chóng giản tiện, nếu mà lại giải thích rườm rà, cực kỳ sâu xa thế thì sẽ là bác giải chứ chẳng phải là Yếu Giải nữa. Huống hồ sách này liệt kê các mục, phần nhiều dùng văn cú của Thiên Thai.
Chỗ nào chẳng dùng cũng là tự có ý cả. Trong đó giải văn lập nghĩa, cũng có chỗ được chỗ hỏng. Người học nên lưu tâm bình khí mà nghiền ngẫm mới được.
171. PHÁP HOA YẾU GIẢI 2
Trên đã nói rằng:
Trong có chỗ được chỗ hỏng. Thử nêu chỗ hỏng.
Kinh nói:
Ngũ Chúng Sinh diệt. Yếu Giải bảo đó là ngũ thú. Song Ngũ chúng đây là biệt danh của Ngũ Uẩn. Điều này Trí luận đã thuyết minh nhiều lần. Vậy mà lại bảo là ngũ thú. Thế là hỏng trong việc khảo cứu.
Thử nêu chỗ được:
Như Dược Vương đốt thân.
Yếu Giải bảo rằng:
Đó là do Diệu Minh giác chiếu, lìa với thân kiến, chứng đắc uẩn không, cho nên mới được như vậy. Nếu chẳng đạt pháp hành, chỉ mộ tích ấy thì chỉ tăng nghiệp khổ một cách vô ích. Thế là đã khai phát được chỗ Thiên Thai Trí Khải chưa khai phát và rất có ích cho hạng hậu học vậy.
172. CHU HỌC DỤ
Gia Hòa Chu Mậu Chính kể rằng:
Cụ bác ông ta là cụ Học Dụ sau khi quy điền về hưu, đã dùng bổng lộc kiếm được xây dựng một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, rồi đọc sách trong đó, đóng cửa không tiếp khách, ngay đến con cháu, thông gia, thân thích.
Cũng hiếm khi được thấy mặt, chỉ có một bạn già, hàng ngày cứ quá trưa mới tới, cùng cụ đánh mấy ván cờ, uống mấy chén rượu, hát vang mấy khúc, tới lúc chập tối mới đi ngủ, cứ lấy đó làm lệ thường.
Cụ cách tuyệt với đời, y như ở trong chốn hang thẳm núi sâu. Năm tám mươi chín tuổi, đêm trăng cụ lên cầu, trượt chân hơi bị thương nhẹ. Hai con rước về, lúc sắp mất cụ đã cầm bút viết lời đinh ninh dặn dò dạy bảo về đạo nghĩa, chẳng kịp giối giăng việc nhà cửa vụn vặt. Viết xong, nhắm mắt ra đi.
Lát sau lại mở mắt ra nói:
Còn muốn dặn dò Gia Định. Gia Định là cháu cụ, mới đỗ Tiến Sĩ, làm ấp tể Gia Định.
Thế là lại viết:
Dặn phải trước sau thanh liêm chính trực, làm quan chớ có thay đổi tiết tháo vào lúc cuối đời. Viết xong, quẳng bút đi hẳn.
Ôi. Cụ chưa được nghe Phật Pháp mà lúc lâm chung sáng suốt thanh thản, có chỗ ngay đến người tu lâu cũng chẳng sánh kịp, thế là vì sao?
Chính là vì tâm không hệ lụy, Phật Pháp đã nghĩ được quá nửa. Hạng suốt ngày luôn mồm Tụng Kinh Thuyết Pháp mà tâm bất tịnh, tới lúc cuối cùng lại hoảng hốt cuống cuồng, chẳng bằng kẻ tục sĩ, như vậy cũng có gì là lạ đâu.
Về việc này, ta có cảm tưởng:
Giá như cụ Học Dụ được nghe Phật Pháp, lại đem lực tiềm tàng tuyệt vời của cụ, dốc hết lòng vào Bát nhã thì lo gì mà việc lớn chẳng tỏ?
Thế là ta lại càng cảm khái hơn.
173. THÂN TỲ LƯ XÁ NA
Tăng hỏi Cổ Đức rằng:
Thế nào là thân Tỳ Lư Xá Na?
Đáp: Đưa cái phất trần cho ta.
Lát sau lại bảo: Để vào chỗ cũ.
Tăng lý giải vấn đề trên nói: Cổ Phật qua đi đã lâu rồi.
Rồi lại nói:
Ngươi chưa hiểu rõ nghe một lời, chỉ thế như nay ai mở miệng.
Do đó, người sau liền cho nhấc tay, động chân, mỏ miệng, cất tiếng là Phật Sự. Đúng thì đúng thật, nhưng thực ra lại chẳng đúng. Vì đó là cái gọi là nhận giặc làm con.
Thế rồi nhất loạt nhận hết những thứ như hạt cây bách, vừng ba cân, trúc biếc hoa vàng, chim ngậm vượn ôm v.v…, há chẳng sai lầm ư?
Câu Đê được hỏi liền dựng đứng một ngón tay, Lỗ Tổ thấy Tăng quay người ngoảnh mặt vào vách.
Người xưa bảo rằng:
Ta mà nhìn thấy, bẻ gãy ngón tay.
Ta cũng nói rằng:
Chờ hắn quay lại, ta sẽ thộp ngực đạp đổ.
174. MẶC LỤA ĂN THỊT
Hối Am Tiên Sinh bài Phật, Không Cốc đã ra sức biện bác. Tuy vậy, Hối Am cũng có chỗ đã giúp Phật phát dương giáo hóa. Điều này không thể không biết.
Như khi giải thích Mạnh Tử, ông nói:
Tuổi năm mươi nếu chẳng phải là lụa thì chẳng ấm, người chưa tới năm mươi thì chẳng được mặc. Tuổi bảy mươi nếu chẳng phải thịt thì chẳng no, người chưa tới bảy mươi thì chẳng được ăn.
Xét ra, lông thú miệng tằm:
Tàn hại sinh vật, tổn thương tới lòng từ bi. Đó là quy chế của Phật. Cứ phải năm mươi tuổi mới được mặc lụa thế thì số người mặc lụa sẽ ít. Ăn thịt thì đứt mất hạt giống Đại Từ Bi, đó là quy chế của Phật. Cứ phải bảy mươi tuổi mới được ăn thịt, thế thì số người ăn thịt sẽ ít.
Nay ngay từ đứa trẻ còn bế ẵm vốn đã bao lớp áo lông để bảo vệ thân hình, nấu thịt béo giết cá tươi để cho no cho chán cái miệng chẳng phải chờ tới lúc lớn khôn, huống nữa là già.
Giá như thuyết của Hối Am được thi hành thì há chẳng phải là cũng giúp cho Phật Pháp một ít ư. Những người bắt tội Hối Am chẳng xét kỹ điều này, cho nên ta phải nêu ra.
175. CHẤP TRƯỚC
Con người ta thường có cái bệnh là hay chấp trược. Song cũng chẳng thể coi nhất loạt như nhau. Quả thật là vì sự học nhờ ưa thích mà thành. Ưa thích đến cực điểm thì gọi là Ham là Trược.
Nghệ ham bắn tên, liêu ham bắn đạn, liên ham gảy đàm cầm, cùng với người ham đánh cờ tới mức bình phong, màn trướng, tường vách, cửa ra đều chi chít quân đen quân trắng bày thành thế cờ. Kẻ ham viết chữ tới mức cây đá trong núi thảy đều đen.
Người học vẽ ngựa tới mức ngựa như hiện ra ngay giữa giường sập. Phải như vậy thì họ mới nhờ nghề của mình mà nổi danh trong thiên hạ và để tiếng lại đời sau.
Cớ sao riêng đối với việc học đạo lại nghi ngờ điều ấy?
Vì thế, người Tham Thiền tới mức uống trà mà chẳng biết vị trà, ăn cơm mà chẳng biết là ăn, đi chẳng biết là đi, ngồi phẳng biết là ngồi, mở rương mà quên khóa, ra khỏi chuồng xí mà quên cả áo.
Người Niệm Phật tới mức mở mắt nhắm mắt đều quán tưởng thấy Phật ở đằng trước, nhiếp tâm tán tâm mà niệm vẫn hằng chuyên nhất, chẳng cử mà tự cử, chẳng ngờ mà tự ngờ, đó đều là vì ham trược cả.
Quả thật là do tình cực chí chuyên, công sâu lực tới, chẳng thấy chẳng biết, bỗng nhập Tam Muội, cũng giống như người dùi cây lấy lửa, cứ dùi mãi chẳng ngừng thì sẽ bốc lửa. Người luyện sắt, cứ luyện mãi không ngừng thì sẽ thành thép.
Điều đáng ghét đối với tính ham trược, đó là người có tính đó chẳng biết vạn pháp đều huyễn mà cái tâm mong được kết quả lại nôn nóng. Chẳng biết hết thảy đều do thức mà cái ý thủ tướng lại sâu. Thế thì sẽ bị tính đó gây chướng ngại mà thôi.
Nhất loại lo về tính ham trược, mà nhởn nhơ tha thẩn như nước ngâm đá, quanh năm suốt đời, liệu có ích gì?
Cho nên thói ham trược chấp trệ thì chẳng nên có, nhưng nết ham trược chấp trì thì lại chẳng nên không.
176. CHUỘNG CỔ
Mấy người chuộng cổ ở chung một nhà, ai nấy đều đem đổ cổ của mình ra đấu với nhau.
Có người đưa ra các vật các thời Nguyên, Tống, Ngũ quý tức Ngũ Đại, mọi người nhìn nhau cười, thế rồi nào Đường nào Tấn, nào Tần nào Tam đại, chỉ giận một nỗi chẳng kiếm được cái xanh của Cao Tân, cái dìu của Toại Nhân, đàn cầm của Thần Nông, đàn sắt của Thái Hiệu, chỗ thừa của đá ngũ sắc do Nữ Oa luyện.
Một người nói:
Thứ mà các ông sưu tầm quả là cổ thật, nhưng chẳng phải là thái cổ, chẳng phải là thái cổ của thái cổ.
Mọi người hỏi:
Thế thì Mặt Trời, Mặt Trăng chăng?
Đáp: Chưa cổ. Có Trời Đất rồi sau mới có Mặt Trời Mặt Trăng.
Hỏi: Thế thì Trời, đất chăng?
Đáp: Chưa cổ.
Có hư không rồi sau mới có Trời Đất.
Hỏi: Thế thì là hư không chăng?
Đáp: Chưa cổ. Cái mà tôi sưu tầm được là vật từ trước thời không kiếp khi Mặt Trời Mặt Trăng chưa sinh, đất Trời chưa lập. Các ông chẳng tiếc ngàn vàng để chuốc một cái lư, một cái bình, một bức Thư Pháp, một bức tranh vẽ.
Nhưng lại không biết quý báu loại cổ nhất, thế thì cùng thật là sai lầm. Mọi người nhìn nhau không nói.
Lát sau nói:
Thứ cổ của ông, mọi người đều có, chứ chẳng riêng gì một mình ông thế thì còn gì là quý nữa?
Đáp: Cũng có như nhau, nhưng cùng mê muội như nhau, mê muội thì chẳng khác gì không. Tuy nói là ta độc chiếm, cũng chẳng phải là quá đáng.
Hỏi: Thứ cổ của chúng ta rành rành có thể thấy được. Còn món cổ của ông thì ở đâu. Người đó bèn xòe hai tay cho xem. Mọi người lại nhìn nhau không nói.
177. LẬP NGHĨA KHÓ
Xưa lúc Lưu Hâm mới hiệu định sách Cổ Văn Xuân Thu Tả thị cùng các sách Mao Thi, Thượng Thư v.v… bọn Nho Sĩ đương thời ghen ghét, nhao nhao bàn tán.
Hối Am viết Liêm Khê thái cực đồ giải, sách vừa đưa ra mọi người đã xúm lại chỉ trích. Thậm chí khi Nam Nhạc sáng lập ra tôn chỉ Bát nhã, Sơ tổ khai sáng ra dòng thiền Trực chỉ, Nghĩa học chẳng cho lời các Ngài là đúng, đã gán cho họ những lời độc hại.
Huống chi là người thời nay. Nhà bàn về Lễ được gọi là hợp nhau kiện tụng. Lập nghĩa quả là rất khó thay, không thể không thận trọng.
178. CHẲNG LÀM PHẬT SỰ
Có người nói:
Tang Cha Mẹ chẳng làm Phật Sự, đó là gia lễ của Hối Am.
Than ôi!
Thế rồi thế gian có người con đẻ lên tới chức khu yếu, Đại Thần trong Triều, nhiều của cải châu báu mà chẳng được con vì mình mà lễ một Phật, tụng một bài kệ bốn câu, dâng cơm cho một Sa Môn.
Hơn nữa trong ngày Thất thất tức bốn mươi chín ngày lại còn giết trâu mổ bò cúng tế rồi biếu thịt tế cho tông tộc bầu bạn, cho đó là sùng chính đạo, chống tà thuyết. Chẳng biết rằng đó chỉ tăng thêm nghiệp cho Cha Mẹ, khiến họ càng bị chìm đắm thêm.
Người chết nếu biết, hẳn sẽ đấm ngực khóc rống ở dưới suối vàng. Như vậy thì trái lại chẳng bằng con nhà nghèo, Cha Mẹ lại được báo hiếu.
Há chẳng càng đáng buồn ư?
Nhan thị gia huấn là bộ sách được mọi người xưa nay khen ngợi, trong đó có nói riêng rằng:
Phải làm Phật Sự. Nhan Chi Thôi, Chu Hi đều là Bậc Hiền, thử gộp lại mà xem.
179. BÃO MIỄN
Chân Cáo nói:
Bão miễn chưa biết đạo, chỉ sớm tối gõ răng chẳng nghỉ, quỷ sứ chẳng thể bắt nổi. Đại để là vì gõ răng tập trung thần ở trong tâm, thần chẳng lìa, nên quỷ chẳng gần được. Giả sử dùng lực gõ răng mà tu chân, tu theo Đạo Giáo, thì chân nào mà chẳng thành?
Ta bảo rằng:
Há chỉ tu chân, dùng lực gõ răng, niệm niệm gõ vào mình mà Tham Thiền tu Phật thì Phật nào mà chẳng thành?
Xét ra thần ở trong thân chỉ là một tinh hồn mà lực còn hàng phục được quỷ, huống hồ Kinh nói:
Trì một Phật danh sẽ có trăm ngàn đại lực Thiên Thần ủng hộ.
Còn nói:
Người Niệm Phật thì Phật trụ ở đỉnh đầu người đó. Nay siêng làm cái việc tủn mủn là gõ răng mà lại can tâm bỏ đạo lớn là Niệm Phật. Tiếc thay.
180. MÔN ĐÌNH CAO TUẤN
Xưa được khen là môn đình cao tuấn, đó là như Cư Sĩ Tịnh Danh bị ốm, các vị A La Hán đều nói:
Tôi không kham nổi việc tới chỗ Ngài đó hỏi thăm bệnh tật.
Văn Thù cũng nói:
Đó là bậc thượng nhân, khó mà đối đáp.
Sau này các vị đại lão của Tông Môn, có vị dùng hèo, có vị thét quát, có vị dựng đứng ngón tay, có vị gương cung, có vị chỉ cho một lời, như canh mộc trát, canh nấu bằng thẻ gỗ, ý nói vô vị chẳng thể nếm được, như kiếm Thái A chẳng thể chạm được, như trăng trong nước chẳng thể nắm bắt được.
Nếu chẳng phải là bậc thượng sĩ tham học đã lâu thì không ai dám bước lên cửa của các vị đó.
Đó chính là điều mà người ta gọi là Môn đình cao tuấn, chứ đâu có phải là chỉ thói lên mặt ra oai, quát lác làm bộ.
181. MA TRƯỢC (MA ÁM)
Ma đại để có hai loại:
Một là Thiên Ma, hai là tâm ma. Thiên Ma dễ biết, tạm gác chẳng bàn. Còn tâm ma thì chẳng cứ phải phát điên phát cuồng, thậm chí tới mức hỗn láo với trên, không kiêng kỵ gì, bịt đầu cởi áo, chẳng ngại chê cười, rồi sau mới là ma.
Hễ cứ có một thứ ham trược như ham của, ham sắc, ham rượu v.v… thì cũng là ma.
Há chỉ có thế. Vong ý muốn công trùm một thời, danh lưu muôn đời cũng là ma.
Há chỉ có thế. Ngay đến việc tu tập đủ mọi loại thiện Pháp Môn, nhưng lại vọng ý hy vọng thành Phật thì cũng là ma. Đâu phải chỉ thế.
Ngay đến các loại ma như trên đã nói thảy đều không có, mà lại nói là:
Ta nay một mình tránh khỏi ma, thế thì cũng là ma.
Vi tế thay. Sự ma thật khó mà xét tỏ. Tham phương cần phải sẵn có con mắt làm Tăng ở đời chính pháp, chỉ sợ họ phân biệt người. Làm Tăng ở đời Mạt Pháp, chỉ sợ họ chẳng phân biệt người.
Sao vậy?
Bởi vì mạt thế tức đời Mạt Pháp kiêu bạc, cỏ thơm cỏ thối lẫn lộn, nếu soi xét chẳng kỹ, chọn lựa chẳng đúng, cho đúng là sai, nhận tà làm chính, người nên thân lại sơ, kẻ nên xa lại gần, nặn nhuộm kẻ xấu, lâu ngày sẽ hóa như nó, thế thì đời đời kiếp kiếp sẽ luôn luôn là bạn ma.
Tham phương lẽ nào lại có thể không sẫn có con mắt mà được?
182. THÂN NGƯỜI KHÓ ĐƯỢC
Một khi để mất thân người, muôn kiếp chẳng lấy lại được, lời này ai mà chẳng biết. Biết mà chẳng hề chú ý thì cũng giống như không biết.
Xưa Tu Đạt xây nhà cho Phật, Phật thấy kiến trên đất bèn bảo Tu Đạt rằng:
Con kiến này từ thời Phật Tỳ Bà Thi tới nay đã trải qua bảy Phật mà vẫn là thân con kiến. Một Phật ra đời trải qua bao năm rất lâu, huống nữa là bảy Phật.
Sau Thích Ca phải qua hơn trăm vạn năm nữa thì Từ Thị tức đức Di Lặc mới hạ sinh và gọi là Phật thứ tám, chưa biết kiến này đã thoát khỏi thân cũ hay chưa?
Dẫu thoát khỏi thân kiến, chưa biết ngày nào mới được làm thân người. Nay chỉ thấy khắp nơi đều là người thế gian, chen vai thích cánh mà chẳng biết việc được thân đó khó khăn như vậy. Đã được thân người, mà lại thời ơ sống uổng, thật là đau xót đáng tiếc.
Ta lười nhác sống uổng, không thể không tự thấy đau xót đáng tiếc một cách sâu sắc và đem điều này mách bảo với những ai cùng chí hướng.
183. SỰ SỢ NGƯỜI CÓ TÂM
Cao Phong tự kể về nguyên do giác ngộ của mình và nói rằng:
Chẳng tin có sự kỳ lạ đặc biệt như vậy, vì sự đó sợ người có tâm. Lời này là của ông ta tự chứng, nên chân thực chẳng sai, là điều mà người học đạo nên hết lòng tin tưởng. Vậy thế nào gọi là có tâm.
Mỗi thuật mỗi nghề trên thế gian, lúc mới học thì khó hết chịu nổi, dường như không bao giờ thành được. Nếu vì thế mà bỏ chẳng học thì rốt cuộc chắc chắn sẽ không thành.
Cho nên lúc ban đầu quý ở chỗ có tâm quyết định chẳng hoài nghi. Dẫu quyết định rồi nhưng lại nhởn nhơ trì hoãn thì cũng chẳng thành.
Cho nên thứ đến là quý ở chỗ có tâm tinh tiến dũng mãnh. Dẫu tinh tiến rồi, nhưng nếu hoặc được ít đã cho là đủ, hoặc lâu ngày sinh ra mỏi mệt, hoặc gặp thuận cảnh mà mê, hoặc gặp nghịch cảnh mà đọa thì cũng chẳng thành.
Cho nên thứ nữa lại quý ở chỗ có tâm bền bỉ mãi mãi, chẳng thề thoái chuyển Cao Phong Khuấy đều cả một đời là một chàng si ngốc, nhất định phải nhìn thấy chiêu này cho thật rõ ràng, đó mới gọi là bậc đại trượng phu thật sự có tâm.
Thêm nữa, xưa có câu:
Tam Muội chẳng thành thì dù cho gân dứt xương khô, cuối cùng vẫn chẳng ngừng nghỉ.
Còn nói:
Đạo chẳng hơn Tuyết Đậu, chẳng lên núi này nữa.
Còn nói:
Chẳng phá cục nghi thề chẳng nghỉ. Có tâm như vậy thì sợ gì mà chẳng làm được. Ta rất hổ thẹn, chẳng dám không cố gắng.
184. LÃO THÀNH RỒl SAU MỚI XUẤT THẾ
Người xưa sau khi đắc ý thì ở trong núi sâu hang thẳm, nướng vạc gãy chân, ẩn mình bảo dưỡng. Rồng, Trời đẩy ra, sau đó chẳng thể đừng được mới ứng thế.
Người sau dần dần chẳng bằng được người xưa, nhưng ta còn kịp thấy các Pháp Sư làm Kinh Luận, các Pháp Sư làm Du Già thí thực, họ học thành rồi mà tuổi chưa cao thì vẫn từ từ mà chờ đợi.
Gần đây hạng ít tuổi lên tòa, đông nhan nhản, Phật Pháp suy sút, há chẳng cũng là phải ư?
185. KẾ TỔ TRUYỀN ĐĂNG
Thế gian thường nói:
Phàm là những bậc Đại Triệt Đại Ngộ tiếp đèn Tổ, nối tuệ mệnh Phật, phải là người có phúc của đấng thiên tử ba triều, có tài trạng nguyên bảy đời mới được. Lời này dường như thái quá, nhưng lý lại thực đúng như thế.
Xưa Trung Phong Lão Nhân nói:
Sinh tử từ vô lượng kiếp tới nay, ngày nay muốn chuyển đổi tất cả há phải là chuyện dễ đâu.
Cho nên Thập Thiện mới được sinh lên Cõi Trời, nhân không mới chứng được tiền quả, Bồ Tát tích lũy muôn hạnh lâu ngày vẫn còn chẳng tránh khỏi phơi mạng ở Vũ Môn thế thì ba triều, bảy đời vẫn là nói gần đấy và Chủ Lục hợp chỉ Thiên Tử, đứng đầu các Hiền Sĩ chỉ Trạng Nguyên vẫn còn là ví dụ nhỏ đấy.
Nói cho hết mức thì đó là bậc do Công Đức trí tuệ chẳng thể nghĩ bàn thành tựu nên.
Dẫu vậy, cũng đâu có thể vì khó mà tự mình chán nản rồi đành tuyệt vọng được?
Cứ quyết tâm tinh tiến gặp ma chẳng lùi, gặp khó lại càng kiên định, nghiên cứu tới cùng điều chí lý, lấy việc liễu ngộ làm nguyên tắc, chẳng lo không có lúc tương ứng.
Vì sao vậy?
Vì túc thế thiện căn khó lường.
186. TỘI SÁT SINH
Trong trận thắng ở Đồng Giáp, Khổng Minh đã đốt người Man ở các động đều cháy thành tro tàn, ông nói:
Ta tuy có công với nước, nhưng ta chắc sẽ tổn thọ.
Người thế gian đều biết giết người là có tội, vậy mà đối với trâu, dê, chó, lợn v.v… ngày ngày bị giết đưa vào bếp núc thì lại điềm nhiên chẳng biết chê trách, lẽ nào lại nghĩ việc như vậy là nhẹ ư?
Đâu đựợc vô tội.
Kinh Lễ nói rằng:
Vua vô cớ chẳng giết trâu, đại phu vô cớ chẳng giết dê, si vô cớ chẳng giết chó, lợn.
Người đời đều biết giết Súc Sinh lớn là có tội, nhưng đối với các loại như tôm, hến, ốc, sò v.v… một gắp đũa có đến hàng trăm hàng ngàn con thì lại điềm nhiên chẳng chê trách, lẽ nào lại nghĩ việc như vậy là nhẹ ư?
Đâu có được vô tội.
Ôi. Nếu căn cứ vào lẽ mọi Chúng Sinh đều có Phật tính thế thì con kiến với con người là một, có gì nặng nhẹ đáng nói đâu?
Nếu như sang bắt nạt hèn, mạnh ức hiếp yếu thế thì con người có thể giết mà ăn thịt cũng chẳng có gì nặng nhẹ đáng nói đâu?
Kinh Phạm Võng nói: Phàm là loại có mệnh, chẳng được cố ý giết hại ý nghĩa câu này sâu sắc thay.
187. LỜI TÔNG MÔN CHẲNG THỂ MÔ PHỎNG BẬY BẠ
Người xưa sau khi Đại Ngộ rồi thì nói ngang nói dọc, nói xuôi nói ngược, nói hở nói kín, nhất nhất khế hợp với tâm ấn của Phật đều là những lời chân thực, chẳng thể ví với chuyện ngụ ngôn của Trang Sinh tức Trang Tử.
Người nay có kẻ tâm chưa diệu ngộ nhưng nhờ bẩm tính thông minh lanh lợi, mồm mép bẻo lẻo, dòm thấy cơ duyên vấn đáp trong các sách Ngữ Lục bèn hay bắt chước, chỉ cốt sao cho điên đảo khác thường, rất đáng sửng sốt để lòe thế tục, như canh ba giữa trưa, Mặt Trời mọc nửa đêm, đầu núi nổi sóng, bụi sinh đáy biển v.v… đủ mọi lời lẽ vô nghĩa vô vị, thuận miệng nói bừa.
Những người không hiểu biết, không thể kiểm chứng, nếu đã đồng thanh khen ngợi, kế đó giả mạo lâu ngày chẳng quay lại được, cũng cho là mình thực sự chứng đắc.
Thậm chí có những câu như một hèo đánh chết cho chó ăn, đây có Tổ Sư không, hãy gọi ra đây rửa chân cho ta, những chỗ như vậy cũng lại hay bắt chước, không kiêng kỵ gì.
Ôi. Bàn sằng về Bát Nhã, tội ấy chẳng tha. Thật là đáng sợ.
188. XEM NGỮ LỤC CẦN PHẢI TÌM HIỂU CHỖ DỤNG TÂM CỦA NGƯỜI XƯA
Phàm xem văn Ngữ Lục của người xưa chẳng thể chỉ chuyên chú vào một hỏi một đáp, một niệm một tụng, vào những chỗ cơ phong sắc bén, lời lẽ kỳ diệu để cho khoái tâm mục ta, để giúp tư liệu cho ta đàm luận, mà cần phải nghiên cứu đến cùng nguyên nhân vì sao mà vị đó đã đạt tới mức đại triệt đại ngộ này, trong đó vị đó tự thuật công phu đã bỏ ra cùng các chỗ khắc khổ dụng tâm, rồi ta tuân theo mà tu hành.
Đó chính là như người ta đã nói:
Sao chẳng tu theo cách ông ta. Nếu chỉ ăn cắp, bắt chước thì dù cho lâu ngày lâu năm, miệng lưỡi trôi chảy, nghiễm nhiên đánh lộn sòng với người xưa thì cũng chỉ là hoa cắt bằng lụa màu, bánh vẽ ở trên giấy, nào có làm nên được trò trống gì.
189. DẠ KHÍ
Tô Tử Chiêm tức Tô Thức kể rằng:
Ông Mỗ chẳng học Thiền, lúc lâm chung tự biết thời gian sẽ tới. Các con xin được dạy bảo. Ông bảo điều thứ nhất là đến canh năm phải dậy sớm. Các con chẳng hiểu cho là bảo phải siêng việc nhà.
Ông nói:
Chẳng phải thế.
Đó là bảo:
Công việc canh năm lúc lâm chung sẽ mang đi được.
Người xưa có câu:
Muôn thứ mang chẳng được, chỉ có nghiệp theo thân. Nghiệp theo thân chính là thứ mang đi được.
Nhưng nghiệp có hai thứ:
Một là sự nghiệp, hai là Đạo Nghiệp. Sự nghiệp có thiện, có ác. Ác nghiệp tạm gác lại, còn thiện nghiệp là phúc đã tu, Đạo Nghiệp là tuệ đã tu.
Còn cứ phải là canh năm là vì đó chính là lúc mà Mạnh Tử gọi là Dạ Khí. Tuy vậy, canh là thứ không có gì để mang đến, mang đi cả, thế thì chẳng những canh năm, mà là niệm niệm chẳng thể xa lìa dù chỉ trong giây lát.
190. PHẬT ẤN
Thơ Đông Pha có câu:
Viễn công mua rượu mời Đào Lệnh, Phật Ấn thui heo đãi Tử Chiêm. Ta cho rằng người đại giải thoát chẳng ngại phá cách đãi nhau.
Song mua rượu thì còn được, chứ thui heo thì há chẳng quá quắt ư?
Giả sử hiệp khách cứ vin vào lời Tử Chiêm, cuồng tăng cứ học đòi theo Phật Ấn, đầu têu làm bậy, thế thì ai sẽ chịu tội ấy?
Cho nên, sự này chưa đáng tin.
Đó chính là vì:
Xưa nói rằng nhà thơ mượn vật làm tỷ hứng, chẳng nhất định sự thực là như thế.
Giả sử có chuyện đó, Tử Chiêm tạm gác lại chưa bàn, còn Phật Ấn chiếu theo luật phải đuổi ra khỏi Viện Chùa.
191. SỰ HỌC QUÝ Ở CHỖ TINH CHUYÊN
Mễ Nguyên Chương nói rằng:
Học Thư Pháp phải chuyên chú nhất tâm ở đó, không còn có thị hiếu nào khác thì mới có thể có thành tựu. Còn ta nghe nói người giỏi đàn cầm thời xưa cũng bảo rằng chỉ ra sức luyện hai ba khúc thì mới được nhập điệu. Lời này tuy nhỏ, nhưng có thể dùng để ví với chuyện lớn.
Phật dạy:
Chế tâm ở một chốn thì sự nào cũng xong cho nên tâm chia hai đường, sự chẳng về một. Tinh chuyên chí giốc, Tam Muội chóng thành. Người tham thuyền Niệm Phật không thể không biết điều này.
192. LÒNG TỪ CỦA BỒ TÁT HƠN HÀNG THANH VĂN
Kinh nói:
Người Thanh Văn đối với kẻ chửi mình, hại mình thì hoặc lặng im, hoặc lánh xa. Bồ Tát thì chẳng thế, càng thêm từ tâm, yêu nó như con, phương tiện tế độ cho nó. Cho nên hơn hẳn Thanh Văn, chẳng thể so được.
Ta nghĩ người thế gian thường khó nhẫn nhịn được khổ nhục, huống hồ chẳng những nhịn nhục, mà hơn nữa còn càng từ ái hơn.
Kinh còn nói:
Chúng Sinh không có ơn gì đối với Bồ Tát, mà Bồ Tát vẫn luôn luôn muốn làm lợi ích cho Chúng Sinh.
Ta nghĩ người thế gian còn có chuyện chịu ơn chẳng báo, huống hồ không có ơn đối với mình mà lại làm lợi cho họ.
Nắm được tôn chỉ này thì thiên hạ không một người nào không thể chơi được, thiên hạ không một người nào không thể cảm hóa được.
193. TÔNG THỪA CHẲNG HỢP VỚI GIÁO
Tăng Tôn Nguyên Học Sĩ đem Trung Dung Đại Học pha trộn với Kinh Lăng Nghiêm rồi đem những lời lẽ câu cú hòa hợp với Tông Môn đến hỏi Tuyết Đậu Hiển Thiền Sư.
Thiền sư đáp:
Ngay cái này còn chẳng hợp với giáo thừa, huống nữa là Trung Dung. Học Sĩ cần phải trực tiếp lý giải.
Rồi lại búng ngón tay một cái và nói:
Cứ như thế mà tiến thủ. Tông Nguyên nghe nói liền tỉnh ngộ. Xét ra thời giáo một đời được người tu hành lấy đó làm chuẩn đích. Chẳng hợp với giáo thì là ma thuyết.
Thế mà lại nói thế thì đó tức là tôn chỉ giáo ngoại biệt truyền. Truyền ở ngoài giáo, thế thì những điều nói trong giáo là những sự gì, thế cũng là lìa ngón tay nhìn thấy trăng và nắm được cái ý ở ngoài ngôn ngữ văn tự mà thôi.
Hơn nữa chuyện Thế Tôn cầm hoa, Ca Diếp mỉm cười đó là bước mở đầu của Tông Môn truyền pháp muôn đời.
Nay lật lại công án nói:
Cái này còn chẳng hợp với chuyện cầm hoa, vì đó là ngoài hoa còn có biệt truyền, thế thì thế nào?
Người xưa bảo rằng chỗ liễu ngộ của Câu Đê chẳng phải ở trên đầu ngón tay.
Hay Tuyết Đậu búng ngón tay, Tông Nguyên tỉnh ngộ lai lật lại công án, nói:
Cái này vẫn chẳng hợp với việc búng ngón tay, vì đó là ngoài móng tay còn có biệt truyền thế thì thế nào?
194. PHÓNG THAM PHẠN LÀM CƠM CHO NGƯỜI THAM THIỀN
Đất Việt an thiền đêm làm cơm chay, gọi là phóng tham phạn, đua nhau xa phí, hơn cả ngọ trai, theo nhau thành nếp đã lâu. Xưa có vị tôn túc nghe thấy Tăng ở phòng bên cạnh làm cơm sau giờ ngọ đã bất giác sụt sùi khóc lóc, buồn vì Phật Pháp suy vi.
Cho nên Tăng cấm ăn cơm quá ngọ, huống nữa là ăn cơm ban đêm. Luật nói rằng nhân gian khua chén khua bát thành tiếng, sẽ làm cho trong họng quỷ đói bốc lửa.
Thế mà trong lúc đêm khuya thanh vắng lại động thớt khay mâm bát, tiếng vang thấu cả nhĩ căn quỷ đói, quên lời giáo huấn về từ bi, buông thả sự thèm muốn của cái miệng cái bụng, thế thì liệu tâm có yên được không?
Có người nói:
Nửa đêm đói thì làm thế nào?
Thế thì có thể thay bằng quả, hạt, quà, bánh chẳng phiền đến nồi niêu mới được. Hơn nữa, người đã giữ giới chẳng ăn cơm quá ngọ thì từ sau giờ ngọ, cho tới sáng hôm sau chẳng ăn vật gì dù nhỏ nhất.
Chúng ta tối có thuốc men, thế mà sao lại chẳng biết đủ tới mức quá quắt như vậy?
195. TĂNG ĐƯỜNG
Tôn Túc xưa khai đường an chúng, hoặc ba trăm năm trăm, thậm chí Hoàng Mai có bảy trăm, Tuyết Phong có cả ngàn, Kính Sơn có một ngàn bảy trăm.
Lúc đầu ta rất hâm mộ điều đó, tự buồn vì nỗi sinh sau đẻ muộn chẳng được gia nhập vào đám long trọng đó. Nay già rồi mới biết những điều nói về các thời Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp quả là không sai, trong đám lớn hội đông tìm một hai người thực sự làm việc đạo còn chẳng thể được.
Cho nên Kim, Xí, La Tôn Giả ba người làm bạn khất thực. Từ Ninh Viên thiền sư sáu người kết bạn để tham học Phần Dương. Và ba người đã chứng La Hán, sáu người đã thành đại tài.
Nếu cứ lấy số nhiều nhưng người chứng lại hiếm, người thành lại hiếm thì dẫu nhiều mà làm gì?
Ta làm Tăng Đường chỉ chứa bốn mươi tám người, so với người xưa chẳng bằng một phần mười, thế mà vẫn cảm thấy nhiều, vẫn muốn làm hẹp nữa bé nữa.
Chẳng phải là ta không có tâm phổ độ, mà là trong thời Mạt Pháp đáng phải nên như thế.
196. KẾT XÃ KẾT HỘI
Việc kết xã Niệm Phật bắt đầu từ Thầy Tuệ Viễn ở Lô Sơn.
Ngày nay người chủ xã liệu có được như Thầy Tuệ Viễn không?
Người tham dự xã liệu có được như mười tám vị hiền giả không?
Thế thì nên ít, chẳng nên nhiều. Vì người thực sự Tu Tịnh Độ cũng giống như người trong Tăng Đường. Còn như việc nam nữ chung chạ trong cùng một xã thì đó là điều mà Lô Sơn chưa hề có.
Nữ tự mình nên ở nhà Niệm Phật, chớ gia nhập vào đám nam, tránh xa sự tỵ hiềm chê bai của thế gian. Hộ trì Chánh Pháp của Phật, không có việc gì quan trọng bằng việc này. Mong các vị đồng tu hãy cùng giữ gìn điều này.
Thêm nữa, hội phóng sinh cũng nên ít chẳng nên nhiều:
Vì người thực sự từ tâm cứu vớt sinh linh cũng giống như người trong Phật Hội. Cứ theo ngu ý của tôi thì mỗi người đều tùy theo điều mắt thấy của mình, tùy theo năng lực, mua mà phóng sinh.
Hoặc tới cuối mùa, hoặc tới cuối năm, cùng đến một nơi, hợp lại tính số phóng sinh, bình xét đức nghiệp, một lúc rồi giải tán, chớ xa phí trai cúng, chớ ham chơi làm mất thì giờ. Thế là được. Mong các bạn đồng tu cùng giữ gìn điều này.
197. LIÊN XÃ
Thế gian có bọn vô lại tà ác mượn danh tiếng Phật thậm chí hợp thành đàn lũ, âm mưu làm điều phi pháp. Song cái cớ mà bọn chúng mượn đều nói rằng Phật Thích Ca suy, Phật Di Lặc sẽ trị đời. Đó chẳng phải là liên xã của Viễn Sư ở Lô Sơn.
Viễn Sư khuyên người ta bỏ cõi Sa Bà mà cầu Tịnh Độ, Ngài dạy phải coi vàng bạc là vật nhơ bẩn làm ô nhiễm bản tâm, coi tước lộc là hình cụ khổ sở trói buộc bản thân, coi nữ sắc là búa rìu chặt đẽo tính mệnh, coi áo đẹp cơm ngon, ruộng vườn nhà cửa là hầm hố sa ngã vào Ba Cõi.
Chỉ mong người ta thoát khỏi Thế Giới loài người mà đầu thai vào chốn Cửu Liên chỉ Cõi Tịnh Độ như vậy thì còn thèm, còn muốn gì nữa?
Còn bọn giả danh Di Lặc kia thì lại dùng vàng bạc, tước lộc, nữ sắc, áo cơm, điền trạch để dụ dỗ những dân ngu, khiến họ hí hửng mà theo mình.
Như thế thì hai loại hội xã trái ngược với nhau như băng lạnh với tro nóng, không thể không phân biệt rõ. Song người trong liên xã cũng tự nên tự hiềm tránh họa, đúng như điều mà trước đây đã nói là nên ít chẳng nên nhiều. Đó là lời tha thiết đấy.
Ta đã từng có bài văn Tại Gia chân thực tu hành để răn đời, đại ý bài văn nói:
Phàm là người thực tu chẳng cứ lập đàn lập hội. Nhà có tịnh thất, cứ đóng cửa Niệm Phật là được. Chẳng cần phải cung phụng tà sư, có Cha Mẹ, cứ hiếu thuận Niệm Phật là được.
Chẳng cần cứ phải chạy ra ngoài nghe giảng. Nhà có Kinh Thư, cứ y giáo Niệm Phật là được. Chẳng cần cứ phải Bố Thí ở chốn Không môn, nhà có họ hàng thân thích xóm làng quen biết nghèo túng khó khăn cứ chu cấp Niệm Phật là được.
Vì sao vậy?
Vì người vụ thực chẳng chuộng bề ngoài. Mong những ai làm Tăng hãy đem những lời này mách bảo cho khắp cả các Cư Sĩ.
198. TÂM, MẬT
Người xưa có câu Mật muốn lớn mà tâm muốn nhỏ. Mật lớn là chỉ có gan đảm đương. Tâm nhỏ là chỉ làm gì phải có sự cân nhắc.
Có gan đảm đương, nên dù có ngàn vạn người ta cũng xông vào, có sự cân nhắc, nên khi lâm sự thì e sợ, dùng mưu kế tốt để mà hoàn thành. Đó là chính luận.
Còn đối với Tăng thì lại ngược lại điều đó, tôi cho rằng họ phải tâm muốn lớn mà mật muốn nhỏ. Tâm lớn, nên bao trùm mười cõi, mang công vạn linh và tế độ rộng khắp vô tận. Mật nhỏ, nên ba ngàn uy nghi, tám vạn tế hạnh, cố giữ gìn chẳng dám coi thường.
Ngày nay kẻ mới học hơi có chút minh mẫn đã gần thì miệt thị người đồng thời, xa thì coi khinh cả người xưa, coi khinh thanh qui, dè bỉu Tịnh Độ, mật thì lớn đấy.
Xét thực chất của họ thì chỉ biết có mình chẳng biết có người, chỉ biết bảo dưỡng yêu chiều tấm thân máu thịt cỏn con của mình, chẳng biết khôi phục làm đầy Thế Giới lượng rộng lớn của mình, tâm thế là nhỏ đấy.
Có người hỏi:
Hạng người mà Hoàng Bá gọi là Thô Hạnh Sa Môn há chẳng phải là chỉ hạng mật lớn ư?
Ôi. Kẻ vụng về vẽ hổ chẳng thành hổ mà giống như chó. Hạng người mà người gọi là lớn mật đó ta sợ chẳng thành Thô Hạnh Sa Môn mà thành vô lại tăng. Há có thể chẳng cẩn thận ư.
199. THÁI LAO CÚNG KHỔNG TỬ
Hán Cao Đế qua đất Lỗ, dùng cỗ thái lao mà cúng Khổng Tử, sử quan chép lại và khen việc này.
Đây có hai ý:
Một là sau khi nhà Tần tàn bạo đốt sách chôn Nho mà lại có cử chỉ này. Hai là Cao đế vốn là vị quân chủ đâu có chuộng Thi Thư, đã hủy mũ nho làm nhục Nho Sĩ mà lại có cử chỉ này, cho nên đã đặc biệt khen sự kiện này mà thôi.
Cứ như Đạo Đức của Khổng Tử thì ông hiền hơn Nghiêu Thuấn, sánh với Trời Đất, hơn cả Cha Mẹ, dẫu giết rồng mổ phượng, ninh voi nướng kình, cũng đâu có đủ để đền ơn trong muôn một, huống hồ chỉ là một con vật lông vàng hoe có sừng ư?
Láng giềng phía Đông giết bò để tế cũng chẳng bằng láng giềng phía Tây tế Dược tế vào mùa xuân lễ vật ít ỏi, đó là lời giáo huấn rõ ràng trong Kinh Dịch.
Lễ nghi chẳng đúng lễ vật thì Thần sẽ nhổ đi huống hồ là Thánh Nhân ư?
Dùng đây làm ví dụ thì các điều khác có thể biết được. Tiếc thay từ xưa tới nay, cứ bắt chước nhau đã lâu mà không ai có thể cứu vãn nổi.
200. NHO PHẬT CHÊ NHAU
Từ xưa Nho đã chê Phật, Phật lại chê Nho. Ta cho rằng lúc Phật Pháp mới du nhập vào Trung Quốc, người sùng Phật đông, Nhà Nho lo cho đạo thế gian thì chê Phật cũng chưa phải là quá đáng. Nho đã chê Phật, người ngờ Phật đông, Nhà Phật lo cho đạo xuất thế gian, chê lại Nhà Nho, điều đó cũng chưa có gì là quá đáng.
Tới sau khi ông Phó, ông Hàn chê Phật, người sau lại bắt chước mà chê bai, thế thì thật là quá quắt.
Vì sao vậy?
Vì Mặt Trời đã xua tan bóng tối rồi thì chẳng cần đèn đuốc làm gì?
Cứ thực tình mà bàn thì Nho và Phật chẳng hại gì nhau mà là giúp nhau.
Thử nêu tóm tắt:
Phàm người làm ác có trốn tránh hình phạt lúc còn sống thì cũng vẫn sợ phải sa Địa Ngục sau khi đã chết, vì vậy mới đổi ác tu thiện. Thế là Phật đã ngấm ngầm giúp đỡ cho những điều bất cập của vương hóa. Tăng kia chẳng thể dùng thanh quy ước thúc được. Nhưng sợ hình phạt mà chẳng dám bừa bãi buông tuồng. Thế là Nho đã giúp đỡ công khai những chỗ bất cập của Phật đấy.
Nay Tăng chỉ lo Phật Pháp chẳng thịnh, chẳng biết rằng nếu Phật Pháp thịnh quá thì sẽ chẳng phải là phúc của Tăng. Dẹp đi nén đi một chút, mà Phật Pháp được tồn tại lâu ở thế gian chính là tại lý do này. Biết điều này thì hai bên chẳng nên chê bai lẫn nhau, mà nên giúp đỡ lẫn nhau.
201. HIẾU DANH
Người ta biết tác hại của thói hám lợi, nhưng chẳng biết tác hại của thói hiếu danh lại càng ghê gớm. Sở dĩ chẳng biết là vì cái hại của hám lợi to và dễ thấy, còn tác hại của hiếu danh nhỏ và khó biết.
Cho nên người hơi biết tự yêu quý mình thì có thể khinh lợi, còn về danh thì nếu chẳng phải là bậc Đại Hiền đại trí thì chẳng thể tránh được. Muốn lập danh thì cố làm những việc quỷ quyệt khác thường.
Muốn giữ danh thì gian dối nghĩ kế che đậy, suốt đời lật đật vì danh chẳng lúc nào rảnh, thế thì còn rảnh đâu mà trị thân tâm nữa?
Xưa, một vị lão túc nói:
Cả thế gian không có ai là không hiếu danh. Nói rồi thở dài.
Trong cử tọa, có một người đứng lên nói:
Đúng như lời Ngài dạy, người chẳng hiếu danh chỉ có một mình Ngài là thôi. Vị lão túc đó liền hớn hở cả mừng và hẳn lên, chẳng biết rằng bản thân mình đã bị người kia lỡm. Cái cửa ải danh khó phá như vậy đấy.
202. LƯƠNG VÕ ĐẾ
Trong chính ngoa tập, tôi đã chứng minh câu chuyện Võ Đế chết đói là bịa đặt nhưng vẫn chưa kịp đề cập đến các vấn đề khác.
Như việc người ta chê cười Vua đã bỏ thịt ăn rau, song ngay ông lão nhà quê cố gắng cấy cày mà được giàu có còn có thể tha hồ ăn cho sướng cái miệng cái bụng coi đó là một sự hưởng thụ, thì Võ Đế lẽ nào lại chẳng biết mình có ngọc thực muôn phương?
Người ta cười Vua đã dùng miến làm vật cúng tế thay cho các con vật cúng, song sĩ nhân được đỗ đạt, còn muốn xin Tổ Tiên gia ơn coi đó là vinh sủng, thì lẽ nào Võ Đế lại chẳng biết mình là bậc tôn quý ư?
Người ta cười Vua khi hết án tử hình ắt phải rơi lệ, song ngay đến việc xuống xe khóc lóc trước kẻ tội phạm, nói rằng một người mà có tội là do ta hãm hại họ, lẽ nào Vua chẳng biết rằng chính mình nắm quyền sinh sát?
Chỉ có việc xả thân vào Chùa Tăng là làm mất thể thống của người làm Vua, đó đại để là vì có niềm tin nhưng không có trí tuệ, kiến giải chẳng sáng suốt, bởi vậy đã khinh thân trọng pháp mà chấp nệ thái quá.
Thêm nữa, từ thời Tấn Tống trở đi người ta đua nhau coi Thiền quán là cao, chẳng biết có sự hướng thượng, bởi vậy Võ Đế gặp đại pháp của Đạt Ma chẳng hợp, đó là điều đáng ân hận.
Nếu vì Vua mất nước mà chê bai Vua, thế thì không được, xét ra lỗi của Võ Đế là quá nhân từ. Lòng nhân từ của Võ Đế là của người vì nhân từ mà mắc lỗi.
Lẽ nào có thể đem đánh đồng một giuộc với những Vua mất nước như Trần Hậu Chủ, Chu Thiên Nguyên được?
Nếu nhân việc Võ Đế thờ Phật mà chê bai thì đó là điều ta chẳng được biết.
203. HOA VƯƠNG SỞ
Trong núi có loài hoa cùng chung gốc chung cành hoa mà lại phân chia ra làm bông to bông nhỏ. Loại to thì như hoa mơ hoa mận, vây quanh ở ngoài, loại nhỏ thì như hoa quất hoa quế xúm xít ở giữa. Số ở ngoài ước chừng tám bồng, số ở trong đến hơn một trăm.
Dân miền núi không ai cho là lạ, cũng không ai biết tên loài hoa này. Ta nhìn thấy và cho là lạ. Xét ra cùng là một loài hoa mà lại to nhỏ khác nhau, đó là điều kỳ lạ. Lớn vây ở ngoài mà nhỏ hợp ở trong, có lẽ lại là điều kỳ lạ nữa. Ta bèn đặt tên cho loài hoa này là Vương Sở.
Bông to là Tâm Vương, bông nhỏ là Tâm Sở. Số của Tâm Vương là tám, hoa ngoài theo số đó. Số của Tâm Sở là năm mươi mốt, hoa trong theo số đó. Ngoài là tám, có khi có sự thêm bớt, nhưng thông thường thì là tám.
Trong luôn luôn gấp đôi bản số, nếu chia nhỏ ra thì vô tận. Vương ở ngoài, còn Sở ở trong, Vương thu nhiếp được Sở, Sở chẳng thu nhiếp được Vương.
Vương xuất ra Năm, Sở cũng xuất ra năm, mà có năm tua, vì Vương đơn còn Sở kép. Ngoài nở trước, trong nở sau, vì Vương là gốc, còn Sở là ngọn. Chìm đắm đã lâu mà nay mới hiển lộ, đại để là chỉ nhân duyên thời tiết.
Có người nói:
Hoa này không có vẻ đẹp, đốt lên thì khói làm người ta khó chịu, người kiếm củi vứt đi chẳng dùng làm củi, thế thì có gì là kỳ lạ.
Than ôi. Đấy chính là lý do khiến nó kỳ lạ đấy. Trang Sinh tức Trang Tử quý cây sư, vì nó chẳng thể dùng làm gỗ để chế tác. Song chẳng dùng làm gỗ để chế tác thì người ta lấy nó về làm củi. Nay chẳng thể làm củi, thế thì đó là thứ vô dụng hết mức trong thiên hạ.
Kinh Dịch nói: Xa chạy cao bay có chỗ giải thích là Béo nhờ trốn được, có lẽ là nói về điều này chăng.
204. ĐẠO NÀY
Người xưa có câu:
Dẫu có xe bốn ngựa kéo được đem đến biếu trước, rồi ngọc bích tày vốc được đem đến biếu sau thì cũng chẳng bằng ngồi mà tiến đạo này.
Nhân câu này, ta suy ra rằng:
Đâu phải chỉ có xe bốn ngựa kéo và ngọc bích tày vốc, mà dẫu làm Vua cả thiên hạ cũng chẳng bằng ngồi mà tiến đạo này.
Đâu phải chỉ có làm Vua cả bốn cõi thiên hạ, mà dẫu là Kim luân thánh vương làm Vua cả bốn cõi thiên hạ, cũng chẳng bằng ngồi mà tiến đạo này.
Đâu phải chỉ có làm Vua cả bốn cõi thiên hạ, mà dẫu có làm Vua các Cõi Trời Đạo Lợi, Dạ Ma thậm chí làm Vua cả Đại Thiên Thế Giới cũng chẳng bằng ngồi mà tiến tu đạo này. Song xưa gọi là đạo này là chỉ đạo trường sinh cửu thị chỉ Đạo Giáo.
Nay người đầu tròn áo vuông, hiệu xưng Nạp Tử Xuất Gia, sẽ ngồi mà tiến tu đạo lớn vô thượng Bồ Đề thế mà lại hâm mộ sự giàu sang của nhân gian thì ta chẳng biết đó là tâm địa gì?
205. THÂN MÀU VÀNG RÒNG
Ca ngợi thân Phật, nói là màu vàng ròng. Đây đại để là chỉ lấy tính chất na ná gần giống, chứ chẳng phải thực sự như thứ mà người thế gian gọi là vàng ròng.
Vàng Trời, bạc Trời so với vàng thế gian, bạc thế gian cũng ví như ngọc đẹp so với sỏi cuội, hơn kém tự rõ. Vì vàng Trời còn chưa đủ để ví với Phật, huống chi là vàng thế gian.
Sự tinh túy vi diệu, rực rỡ sáng trong của Phật đương nhiên chẳng phải là thứ mà con mắt phàm tục nhìn thấy được, song đó là thứ chẳng thể bết. Như nay dùng đất dùng gỗ mà làm thành tượng thiếp vàng để trang sức, quả nhiên cho rằng sắc tướng của Phật cũng chỉ như vậy, thế thì là sai rồi đấy.
206. XUẤT GIA HƯU TÂM KHÓ
Con người sinh ra rét thì muốn mặc, đói thì muốn ăn, ở thì muốn yên, đồ dùng thì muốn đầy đủ, trai thì muốn lấy vợ, gái thì muốn gả chồng, đi học thì muốn giành lấy tước lộc, lo việc nhà thì muốn được giầu có, không lúc nào cất được cái gánh lo nghĩ mong muốn ấy.
Người hăng hái Xuất Gia là người không có những lụy này nữa, nhưng nếu vẫn còn biết bao nỗi niềm chẳng quên thế thì có quý gì việc Xuất Gia?
Phật dạy:
Thường tự xoa đầu để bỏ trang sức.
Song há phải chỉ có trang sức, mà thường tự xoa đầu nói:
Ta là Tăng, bỏ ngay vạn duyên, một lòng nghĩ tới đạo.
207. TƠ TẰM 1
Nghề tơ tằm giết hại sinh mệnh vừa nhiều vừa tàn khốc, thế mà thế gian không ai cấm. Họ bảo rằng trên thì thiên tử, trăm quan đều dùng thứ đó để may triều phục, dưới thì dân quê nam nữ đều dùng thứ đó để làm sinh kế. Song giả sử từ xưa đã không có tằm thì ắt sẽ an tâm dùng vải mà thôi.
Còn nếu là sinh kế thì trong dân số chẳng làm nghề tằm tơ chiếm chín phần mười, số làm nghề tằm tơ chỉ chiếm một phần mười, chưa thấy ai chẳng làm nghề tơ đều bị đói mà chết cả?
Có kẻ hỏi:
Khổng Phu Tử vì sao mà bỏ sợi gai dùng tơ tằm?
Đại để là vì vào thời Khổng Phu Tử tơ tằm được sử dụng đã lâu, gia công đơn giản hơn dùng gai, Khổng Phu Tử phải tạm theo. Thế mới biết tập tục thật khó thay đổi. Thêm nữa Vua Vũ mặc quần áo xấu, nhưng áo chầu mũ niệm phải đẹp, mũ niệm dùng tơ tằm, còn các thứ khác chưa hẳn đã dùng. Dụng ý có thể biết được.
208. TƠ TẰM 2
Kinh Dịch nói rằng:
Phục Hy bện giây thừng làm thành lưới bẫy để săn thú để đánh cá.
Cớ sao Thánh Nhân lại làm đầu têu cho bọn sát sinh?
Từ xưa, không có ai giải thích điều này.
Gần đây Hòe Đình Vương Công hăm hở viết:
Thời hồng hoang chim muông cá núi ba ba làm hại lúa mạ của dân, làm lưới bẫy là để trừ các vật làm hại dân, chứ chẳng phải là để bắt lấy vật mà ăn thịt.
Cách giải thích này chẳng những bảo toàn được sinh mệnh của loài vật, giác ngộ cho thế gian bị mê muội, hơn nữa còn có công đối với Thánh xưa.
Song sử khen việc Vua Hoàng Đế sai nguyên phi là Tây Lăng Thị dạy dân nghề tằm tơ thế thì nói thế nào cho thông đây?
Ta nghe nói có loài tằm dại có thể nhả tơ trên cành cây, mà việc lấy tơ đó chẳng cần phải luộc kén.
Có lẽ Tây Lăng dạy nghề tằm tơ đó là chỉ tằm dại chăng?
Còn tằm nhà kia có khi là do người sau tự làm, chứ chẳng phải do Tây Lăng bày ra chăng?
Thành Thang tháo lưới ở ba mặt để mở đường sống cho loài vật, thế mà Hoàng Đế lại đưa hết chúng vào nồi vào vạc không sót một con. Thế là Thành Thang thì cởi lưới, nhưng Hoàng Đế lại một mẻ lưới vét hết.
Có người nói:
Tô Đông Pha nói rằng: Chờ con Ngài ra khỏi kén, rồi sau mới lấy kén đó để làm tơ, thế thì không có nghiệp giết nhộng.
Chẳng biết rằng khi con Ngài đã chui ra khỏi kén thì kén đó chỗ đứt chỗ liền và chẳng thể kéo thành tơ được. Chưa chắc Đông Pha đã nói câu đó.
209. ÔNG LÃ VĂN CHÍNH
Ông Lã Văn Chính đã được quí hiển vào triều làm Tể Tướng rồi, các thứ được Vua ban thưởng, ông đều gói ghém, ghi lại chẳng dùng, Vua biết chuyện đó bèn hỏi vì sao.
Ông tâu rằng:
Hạ thần có ơn riêng chưa trả. Đại để là vì lúc hàn vi, ông đã chịu ơn Chùa Tăng. Nay tương truyền lúc trẻ ông nghèo, đọc sách trong Chùa, cứ chờ lúc Tăng ăn gõ chuông là chạy đến. Tăng ghét ông, ăn xong rồi mới gõ chuông.
Ông tới, rất khốn quẫn, bèn đề lên vách rằng:
Mười độ rình chay, chín độ không. Vì Sư ăn hết mới gõ chuông. Tới khi ông thi đỗ, Tăng bèn lấy the lồng mấy câu thơ đó.
Ông tới Chùa viết tiếp rằng:
Hai mươi năm trước lem luốc mặt, mà nay the biếc mới thấy lồng. Cứ theo như phần trên đã nói thì Tăng sao mà hiền vậy.
Cứ theo như phần sau nói thì Tăng sao mà dở vậy. Nếu vu oan cho người Hiền thì thành khẩu nghiệp. Mà những điều thế gian truyền nhau thì đều từ trong dã sử kịch trường mà ra, e rằng chẳng đáng tin.
210. HỌC ĐẠO KHÔNG KIỂU HÃNH, KHÔNG UỔNG KHUẤT
Thế gian cầu danh, có người học chưa thành mà danh đã thành, đó gọi là kiểu hãnh ăn may, vì chẳng đáng được mà được. Có người học thành mà danh chẳng thành, đó gọi là uổng khuất đen đủi, oan uổng, vì đáng được mà chẳng được.
Cho nên mới nói:
Bọn ta thi đỗ, Lưu Bôn lại trượt. Đại để là nói về kiểu hãnh và uổng khuất vậy. Học đạo thì chẳng thế. Chưa có ai danh treo ở núi rừng, thân rong ruổi trong triều ngoài chợ, nhởn nhơ thơ thẩn, một chăm mười nhác mà lại thành học nghiệp.
Cũng chưa hề có ai khổ chí lực hành, giốc hết tinh thần, chẳng lùi chẳng nghỉ lấy việc liễu ngộ làm chuẩn đích mà Đạo Nghiệp lại không thành. Đại để là vì cầu danh tại người, cầu đạo tại mình, người học đạo chỉ nên quyết tâm tinh tiến mà thôi, chớ mang ý đồ kiểu hãnh ăn may, chớ lo sẽ bị uổng khuất.
Xin hỏi ban biên tập mình muốn tải bản PDF ở Phần nào ạ?
Đạo hữu tải tại đây nghen:
https://drive.google.com/file/d/1c_-gHKeKSRqDNahD6slMauCKPAtM9az2/view?usp=sharing