BÚT KÝ BÊN CỬA TRÚC
-TRÚC SONG TÙY BÚT-
Tác giả: Đại Sư Liên Trì
Dịch giả: Sa Môn Thích Viên Thành

 

PHẦN I

(tiếp theo)

51. NGƯỜI CHỦ LÚC NGỦ SAY KHÔNG HỂ MỘNG MỊ

Tuyết Nham hỏi Cao Phong câu đầu rằng:

Ban ngày mênh mang, có làm chủ được không?

Câu thứ hai hỏi rằng:

Ban đêm trong mộng, có làm chủ được không?

Câu thứ ba hỏi:

Lúc đang ngủ say không mộng mị gì thì người chủ ở chốn nào?

Người nay liền hỏi ngay câu thứ ba, căn cứ vào tình thức mà đoán định thì là sai rồi.

Ngay ban ngày ngươi còn chẳng làm chủ được, còn nói gì tới chốn cực kỳ thăm thẳm ở câu cuối cùng nữa?

Chi bằng ngay ở môn đầu đã hết sức dụng tâm, rồi lần lần hiểu rõ cũng chưa muộn. Tuy vậy, nếu đối với câu hỏi thứ ba đã liễu ngộ rồi không còn nghi ngờ gì nữa thì ban ngày hay ban đêm trong mộng thảy đều phục tùng mình rồi, hơn nữa còn chẳng thể câu nệ vào cách thức, thể lệ trước người quá lượng nữa.

 

52. BỐ THÍ

Bàng Cư Sĩ đem gia tài dìm xuống biển.

Có người bảo: Sao không Bố Thí.

Cư Sĩ đáp:

Tôi đã bị lụy vì Bố Thí nhiều kiếp, nên đem dìm đi. Người ngu liền vin vào đó, rồi giấu giếm bủn xỉn chẳng Bố Thí.

Chẳng biết rằng đó là Cư Sĩ cởi trói cho kẻ Bố Thí trụ tướng, chứ chẳng phải là không được. Muôn hạnh có Bát Nhã dẫn dắt, Tam Luân không tịch, dẫu Bố Thí suốt ngày cũng có hề hấn gì đâu.

Thêm nữa, hạng phàm phu cứ chấp trước vào việc Bố Thí, hành động dìm gia tài xuống biển này là gộp các thứ Bố Thí lại mà Bố Thí. Đó gọi là đại thí. Đó gọi là chân thí. Đó gọi là vô thượng thí.

Sao lại được bảo là Cư Sĩ chẳng Bố Thí?

 

53. SÁCH THƯỢNG TRỰC THƯỢNG LÝ

Thủa quốc sơ. Chỉ lúc triều Minh mới lập, Không Cốc Thiền Sư có viết hai tập sách Thượng Trực, Thượng Lý ra sức bàn về mối quan hệ giữa Nho và Phật, trong đó cố chứng minh rằng Hối Am Tiên Sinh ngấm ngầm sử dụng Phật Pháp, nhưng công khai thì lại bài xích Phật Pháp. Ý tôi e rằng Hối Am không có tâm này, có thể là kiến giải chưa tới mà thôi.

Vì sao mà biết như vậy?

Nhớ thời trẻ tuổi đã từng xem sách Chu Tử ngữ lục, thấy Hối Am tự nói rằng:

Xưa được nghe một vị Tăng nghị luận tại chỗ ngồi của lão Tiên Sinh Mỗ, tâm rất ưa thích. Sau vào trường thi liền viết vào trong quyển bài thi. Quan chấm thi bị tôi lừa, thế là tôi đỗ. Tới khi gặp Diên Binh Tiên Sinh, mới biết là có học vấn Thánh Hiền.

Qua đây thì biết Hối Am học Phật, bất quá như người thời nay dùng để giúp cho văn bút mà thôi, vốn chẳng hề nắm được nghĩa lý sâu xa của Phật. Việc ông bài Phật là do kiến giải chưa tới. Không Cốc trách ông dường như thái quá.

 

54. GIỚI SÁT

Trời đất sinh ra vật cho người ta ăn, như bao loại [ngũ] cốc, bao loại [hoa] quả, bao loại rau dưa, bao loại thức ngon dưới nước trên cạn. Và con người còn dùng trí xảo mà làm thành bánh, thành quà, đem ướp, đem muối, đem nấu, đem rang, có thể nói là đủ ngàn vạn thứ, tội gì còn đem các vật cùng có khí huyết, cùng có mẹ con, cùng có tri giác, cùng biết đau biết ngứa, biết sống biết chết như mình đem giết thịt mà ăn. Lẽ nào lại thế? Thường ngày hay nói: “Chỉ cần tâm tốt, chẳng cứ phải ăn chay”. Than ôi! Giết thân chúng mà ăn thịt chúng, tâm địa mà thiên hạ gọi là hung tâm, thảm tâm, độc tâm, ác tâm, hỏi còn có thứ tâm nào quá quắt như thế! Vậy hảo tâm sẽ ở chốn nào? Xưa tôi làm bài văn giới sát phóng để khuyên thế gian và đã có nhiều người khắc ván in bài văn này, không dưới một hai chục bản. Lành thay, đời này may sao vẫn còn có những người nhân đức, quân tử như vậy.

 

55. XÂY DỰNG TÙNG LÂM

Tùng lâm là để cho Đại Chúng, vốn dĩ là việc tốt. Song cần phải việc mình đã xong rồi sau mới làm.

Chẳng thế thì hoặc phiền lao thần chí, đam trước thế duyên, đến nỗi khiến những kẻ chưa có điều sở đắc đã hoang mang mà chết, những kẻ đã có điều sở đắc rồi cũng bỏ dở giữa chừng.

Ta chấn hưng khôi phục Vân Thê, mọi sự đều do tình thế bức bách rồi sau mới làm, chứ không hề làm một cách gượng ép. Vậy mà những điều tổn hại đến mình cũng chẳng ít. Huống hổ dốc hết tâm lực mà cầu cạnh. Ta viết bài này để tự nhắc nhở mình, đồng thời để mách bảo người sau.

 

56. TÍN TÂM TĂNG TỤC

Trong thời Mạt Pháp, có nhiều Tỳ Kheo Xuất Gia tín tâm chẳng bằng Cư Sĩ Tại Gia, Cư Sĩ Tại Gia tín tâm chẳng bằng phụ nữ Tại Gia.

Chả trách gì người học Phật thì nhiều mà người thành Phật thì ít.

 

57. THIỆT MÌNH LỢI NGƯỜI

Trí Giả nhập diệt nói:

Ta chẳng lãnh chúng, ắt tịnh được sáu căn. Do tự mình chịu thiệt để làm lợi cho người, nên mới chỉ được lên Ngũ Phẩm.

Nam Nhạc cũng tự nói:

Vì mắc tội ấy, nẽn chỉ chứng được Thiết Luân. Hai sư dẫu là nhún mình để dạy người, song cũng là lời nói thật, chỉ có điều là sự hao tổn thì hao tổn thật sự, hai sư dẫu hao tổn mà chẳng hao tổn.

Nay lấy ví dụ để nói cho rõ:

Như một nhà giầu và một người nghèo, hai người đều bỏ của để cứu giúp mọi người, sự hao tổn của họ chẳng khác gì nhau. Song người nghèo thì đã nghèo lại càng nghèo hơn, nhà giầu thì vẫn giầu như thường. Lại ví như mương máng sông biển, đều dùng để tưới gội, nhưng mương máng cạn khô, còn sông biển vẫn như thường.

Đã không tổn giảm gì thì sao lại chỉ giới hạn ở Ngũ Phẩm, Thiết Luân?

Ôi! Thiên hạ coi Trọng Ni là Bậc Thánh, vậy mà Trọng Ni tự nói:

Làm Thánh, ta chẳng thể. Thiên hạ coi đạo là thuộc Văn Vương, vậy mà Văn Vương nói trông ngóng đạo mà vẫn chưa thấy.

Tỷ Kheo tăng thượng mạn há lại có thể không suy ngẫm ư?

 

58. LƯƠNG TRI

Tân Kiến sáng lập ra thuyết Lương Tri, đó là kết quả của kiến thức, học lực của ông đã được đào tạo sâu, chứ chẳng phải là ông gượng gạo dựng lên lá cờ để phô trương nhà mình. Song người thích Nho Phật giống nhau lại bảo đó tức là chân tri của Phật Thuyết. Thế thì chưa được.

Sao vậy?

Vì hai chữ lương tri, vốn là của Tử Dư thị nói ra, nay dùng ba tri mà giải nghĩa:

Lương Tri là tông. Chẳng nghĩ mà biết là nhân. Ngay trẻ con còn đang bế ẵm cũng đều biết yêu người thân, kính tôn trưởng là Dụ.

Thế thì Tri lương, cái biết tốt là tốt, nhưng chỉ là tự nhiên mà biết chứ chẳng phải là tạo tác ra. Nhưng cái sự biết yêu kính lại có liên quan tới vong không chân thực đã lâu rồi, đâu phải là thứ gọi là chân thường tịch chiếu, tức chân tri của Phật Thuyết được. Châu và Lương vốn nên có sự phân biệt rõ.

 

59. TINH THẦN CỦA TÂM ĐÓ GỌI LÀ THÁNH

Khổng Tùng Tử hỏi:

Tinh thần của tâm, đó gọi là Thánh.

Dương Từ Hồ học vấn bình sinh lấy đó làm tông chỉ, nó sao mà giống lương tri như thế, chẳng lẽ không hợp với chân tri của Phật Thuyết ư?

Đáp:

Tinh thần càng nông hơn lương tri cả hai đều chỉ là như sóng trên mặt nước mà thôi, sao có thể là chân tri đươc?

Vả lại hai chữ tinh thần tách ra mà nói thì đều có nghĩa riêng, hợp lại thành văn thì có nghĩa là tinh hồn thần thức.

Đó chính là như câu người xưa đã nói:

Gốc sinh tử từ vô lượng kiếp, mà người ngu nhận đó là con người thật của mình. Vô lượng kiếp lai sinh tử bản, si nhân nhận tác bản lai nhân.

 

60. TỊCH CẢM CẢM TƯỞNG VỀ SỰ TỊCH DIỆT

Từ Hồ là Nho Sĩ há chẳng xem câu của Trọng Ni nói rằng:

Cầm thì còn, bỏ thì mất, ra vào không kể lúc nào, không ai biết nó quê ở đâu. Thế thì tiến hơn tinh thần rồi, lại tiến hơn lương tri nữa rồi.

Vậy thì có phải là chân tri của Phật Thuyết hay không?

Đáp: Cũng chưa hẳn. Chân không có mất còn, chân không có ra vào. Không ai biết nó gốc gác ở đâu thì đã suýt soát rồi, nhưng vẫn chưa nêu được toàn diện.

Trọng Ni còn nói:

Không nghĩ, không làm, tịch nhiên bất động, cảm mà rồi thông chuyên thiên hạ. Xét ra diệt nghĩ làm mà nhập tịch, đó chính là Không ai biết gốc gác nó ở đâu. Nếu không có câu cuối thì thành đoạn diệt. Đoạn diệt thì là vô tri rồi. Thông truyện thiên hạ, nếu không có ba câu trên thì thành loạn tưởng.

Loạn tưởng thì là vọng tri. Tịch mà thông, đó gọi là chân tri. Song lời này là bàn về Dịch, chứ chẳng phải bàn về tâm, đó là điều mà người ta gắn vào quẻ Dịch mà thôi.

Đại để là thời chưa tới, cơ chưa chín, Trọng Ni hé lộ mà gửi gấm vào trong Kinh Dịch, khiến người ta tự mình nắm được.

Trọng Ni quả là rất giỏi nói về tâm. Quả thật Trọng Ni là vị Nho đồng Bồ Tát.

Thế thì đọc sách Nho cũng dễ hiểu rõ về lẽ sinh tử rồi, còn cần gì đến Phật nữa?

Đáp: Phật bàn diệu lý như vậy ở khắp trong Tam Tạng. Còn điều đó trong sách Nho trong trăm ngàn lời mới ngẫu nhiên có một lời đề cập tới. Trọng Ni chẳng phải là không biết.

Nhưng Trọng Ni chủ trương thế gian pháp, Đức Thích Ca chủ về xuất thế gian pháp. Tâm dẫu không có hai, nhưng môn phái học thuyết khác nhau, nên người học không thể không ai theo môn phái nấy.

 

61. KIẾP SAU 1

Tăng kiếp này Trì Giới tu phúc nhưng nếu tâm địa chưa sáng tỏ, nguyện lực còn bé nhỏ, lại chẳng cầu Tịnh Độ thì kiếp sau người đó thường hay được quả báo giầu sang, nhưng cũng hay bị mê hoặc vì giầu sang, có khi tới mức gây nghiệp xấu bị sa đọa. Có vị lão Tăng xua tay chẳng tin.

Tôi bảo rằng:

Bất kể là đã cách đời tôi cũng đã đích thân thấy một vị Tăng làm lều tranh ở phía bắc núi Bắc Phong, mười năm nổi tiếng thanh tu, được Thiện Nam tín nữ kính mộ một thời. Sau vì dựng am khác, dọn tới đó ở, thế rồi đến nỗi bị chìm đắm, những thứ sở đắc bé nhỏ trước kia đều mất hết.

Đời hiện tại còn thế, huống hổ kiếp sau?

Hỏi: Đó là ai vậy?

Tôi đáp: Chính là lão huynh đấy. Người ấy lặng im.

 

62. KIẾP SAU 2

Tăng có người thấy người hiển quý thì tâm sinh ra hâm mộ, mong được giống như người đó. Lại có kẻ thấy người hiển quý thì tâm sinh khinh ghét tựa hồ chẳng thèm đếm xỉa. Hai người đó đều sai.

Sao vậy?

Ngươi chỉ biết hâm mộ họ, nhưng đâu có biết rằng kiếp trước họ chính là Tăng Nhân khổ hạnh tu phúc như ngươi.

Thế thì cần gì phải hâm mộ?

Ngươi chỉ biết khinh ghét họ, nhưng nào có biết rằng người nay khổ hạnh kiếp sau sẽ là người làm quan có danh có vị như họ.

Thế thì có gì là đáng khinh ghét đâu?

Đã chưa lìa khỏi vòng sinh tử, kẻ kia người này thay đổi cho nhau, như cái gầu múc nước giếng, cao thấp lên xuống thay nhau, ngẫm tới lẽ này, há lại có thể không sợ ư?

Chỉ nên nỗ lực tiến tu, chẳng bỏ phí thời gian đặng mong xuất thế.

Hơi đâu mà hâm mộ hay khinh ghét kẻ khác?

 

63. VỨT BỎ SỞ TRƯỜNG

Phàm là người có bẩm tính sở trường về món gì thì cứ đam trước, chẳng thể bỏ được. Như những hạng sở trường về thơ văn, sở trường về chính sự, sở trường về Thư Pháp, sở trường về hội họa, sở trường về đàn địch, sở trường về cờ bài đều dốc hết tinh thần trí xảo để làm những việc mà mình sở trường.

Và có nhiều người đã đạt tới mức thâm diệu trở thành danh tiếng bất hủ của một nhà lưu lại đời sau. Nếu có thể vứt bỏ chẳng dùng, chuyển một hồi tinh thần trí xảo này sang ở Bát Nhã thì lo gì mà Đạo Nghiệp chẳng thành.

Ấy thế mà trong cõi mênh mang xưa nay, trong trăm ngàn người, chưa thấy một hai người.

 

64. HAI LOẠI HỦI

Gia thử chuột nhà đào tường khoét vách, chạy trên xà nhà, chạy quanh giường sập, chui vào hòm rương, nhan nhản gần với con người, nhưng lại sợ bóng sợ gió, chạy chốn mất hút, từ xưa không có ai có thể thuần dưỡng mà thân với nó được.

Tùng thử con sóc lấy hang núi làm đất nước, lấy ngọn cây làm nhà ở, giống như kẻ sĩ tu hành.

Nguyên văn hương ngoại chỉ Tăng Nhân, Đạo Sĩ, người dân ẩn dật, nhưng người ta lại có thể để chúng vào lòng mà thuần dưỡng như mẹ hiền vỗ về con đỏ.

Đó là vì sao vậy?

Có lẽ chính là vì tập tính xưa kia sui khiến nên thế.

Gia thử kia có lẽ xưa là kẻ trộm đào tường khoét ngạch chăng?

Còn Tùng thử nọ có lẽ xưa kia là kẻ phục dịch cho con người chăng?

Đều là Súc Sinh vậy mà chẳng hề không có chuyện con này lành hơn con kia. Vì vậy thật không thể không thận trọng.

 

65. TĂNG TẬP

Tăng thời Mạt Pháp có người tập viết chữ, có người tập làm thơ, có người tập lời lẽ viết thư, mà ba thứ đó đều là công việc của sĩ đại phu, sĩ đại phu bỏ chẳng tập mà tập thuyền.

Thế mà Tăng lại ra sức tập luyện những thứ họ bỏ đi, còn đối với một đại sự nhân duyên thuộc bổn phận mình thì lại vứt bỏ ra ngoài. Sao mà lại điên đảo như thế.

 

66. NGƯỜI XƯA NGƯỜI NAY CHẲNG THEO KỊP NHAU

Các vị tôn túc bản triều từ niên hiệu Hồng Võ tới nay hầu như chẳng thấy nhiều. Không kể các Triều Đồng Tống, chỉ như các cụ Trung Phong, Thiên Như Triều Nguyên, đời nay cũng chỉ có một mình Kỳ Sở Thạch là có thể so sánh cao thấp được, huống hồ là những thời đã cổ lại càng cổ hơn.

Đó phải chăng là đời càng về sau thì chướng càng sâu?

Hào kiệt vốn không có ý nghĩa là Văn Vương vẫn sẽ dấy lên, rốt ráo sẽ như trăng giữa các sao mà thôi. Thế thì người trong thời Mạt Pháp chẳng thể tự cao tự đại bậy mà coi khinh các vị Cổ Đức, hơn nữa, chẳng thể cam tâm tự rẻ rúng mình mà chẳng làm hào kiệt.

 

67. BÁC BỎ LUẬN VẬT BẤT THIÊN

Có người viết bài phản bác vật bất thiến luận, bộ luận vật chẳng thay đổi. Nói rằng Triệu Công, tức Tăng Triệu chẳng nên vì thấy vật đều trụ vì mà cho là bất thiên, chẳng đổi thay mà nên lấy điều các vật đều vô tính làm bất thiên. Nhưng có người bất bình lại bác lại bài phản bác đó. Có người nghi hoặc chưa quyết, nêu ra hỏi tôi.

Tôi bảo:

Người viết bài phản bác đó cố nhiên chẳng phải là hoàn toàn vô căn cứ mà bàn sằng. Người bác lại bài phản bác đó cũng chẳng phải là cố ý hạ thấp thời nay mà đề cao người xưa. Đại để mỗi người đều có sở kiến của mình.

Ta nay bình tâm mà nói một cách đúng mức rằng:

Ông há chẳng đọc ba bài luận về chân không, Bát Nhã cùng Tổng bản nghĩa ở phần đầu ư?

Nếu không có những thứ này thì tôi cho rằng trước sự phản bác ngày nay Triệu Công sẽ phải ngậm miệng, không có lời nào đáp lại được, không có lý lẽ nào mà có thể biện bạch được. Nay ba bài luận đó đã giải thích rõ thêm ý nghĩa của tính không, không gì không cặn kẽ hết mức.

Hơn nữa trong tông bản nghĩa lại nói rõ duyên hội với tính không là một, thế thì há chẳng hiểu cái gọi là tính không ư?

Đại để bản ý của người làm luận là nhân người thế gian cho rằng vật xưa chẳng tới nay thì xưa đi mãi và gọi là vật thiên, cho nên lấy ngay lời ấy mà nói ngược lại.

Như cách nói rằng:

Cái mà ngươi gọi là Thiên, dời đổi lại chính là cái mà ta gọi là bất thiên, chẳng đổi thay. Đây gọi là tiện lối về nhà, dùng giặc đánh giặc, ngôi vị chẳng chuyển mà đổi nam thành bắc, chất chẳng đổi mà biến than thành vàng, khéo tâm khéo tay, vô ngại biện tài vậy.

Cho nên bài luận này chẳng phải là chính luận vật bất thiên, mà chỉ là nhân hai câu vật xưa, vật nay mới làm ra mà thôi. Nếu không có nguyên nhân mà tự làm, ắt toàn thiên đều phải lấy tĩnh không mà lập luận như ba bài luận kia vậy.

Nay chê Triệu Công nói thẳng ra là ông chẳng hiểu tính không, thì Triệu Công đâu có thể tâm phục được?

Bởi vậy:

Tìm vật xưa ở ngày xưa, ngày xưa chưa hề không có. Đòi vật ở ngày nay, ngày nay chưa hề có. Mấy câu này dường như trái với ý nghĩa của tính không. Song vừa vì duyên hợp mà chẳng không, nay vì duyên tan mà chẳng có.

Duyên hội hợp tính không đã chẳng phải là hai, thế thì việc gì mà còn phí lời để phân tích cái sai của Triệu Công?

Có người hỏi:

Vì sao toàn bài luận của ông ta chẳng nêu ra ý này?

Đáp: Vì đã có câu duyên hội chẳng khác tính không trong Tông bản nghĩa rồi, người xem tự mình có thể ngầm lĩnh hội được. Nếu biết có ngày này thì cuối bài luận thêm vào một đôi lời kết nói rõ ý này, thế thì còn có lý do gì mà phản bác nữa.

Ôi. Triệu Công, tức Tăng Triệu chắc hẳn sẽ gật đầu đồng ý. Nhưng chẳng biết người viết bài phản bác có tin hay không.

 

68. BÍCH NHAM TẬP

Viên Ngộ soạn sách Bích Nham Tập. Diệu Hỷ định vào đất Mân đập nát ván in sách đó. Những kẻ trí tuệ nông cạn liền chê Viên Ngộ, chẳng biết rằng đó chỉ là lời Diệu Hỷ nhất thời dùng để đả phá thói chấp trước mà thôi.

Xét ra trăm bài tụng cổ của Tuyết Đậu được Tiên Đức khen là Thánh về tụng cổ, mà Viên Ngộ lại là người đầu tiên làm việc bình xướng, thế thì lại là Bậc Thánh về bình xướng.

Nhưng vẫn không khỏi là văn tự Bát Nhã. Kẻ ngu cứ chấp vào đó, cho nên Diệu Hỷ đặt ra thuyết này để đả phá tình thức của người học, chứ chẳng phải là đả phá bích nham tập.

Ông nói đập nát, dụng ý cũng na ná như một gậy đập chết của Vân Môn. Nếu coi đó là thần diệu cao minh, thì mỗi tấc ván in của Bích nham tập đều là gỗ chiên đàn. Nếu cứ chấp nệ vào đó, thì ván gỗ in của cả một bộ Đại Tạng cũng đáng đập nát cả.

 

69. ĐÂU SUẤT DUYỆT VÀ TRƯƠNG VÔ TẬN

Trương Vô Tận sắp yết kiến Duyệt Công, Duyệt Công nói:

Ta sẽ châm chích con người này thật sâu cay. Có người bảo rằng những người làm quan phần nhiều thích nịnh bợ ngoan ngoãn, sợ sẽ xảy ra chuyện không hay.

Duyệt Công nói:

Quá lắm thì ta cũng chỉ đến thoái viện là cùng. Bèn cố hết sức bức bách bài bác, Vô Tận do vậy mà liễu ngộ.

Tôi cho rằng Duyệt Công khéo tay hun đúc, tai ông vốn chẳng cần bàn. Còn Vô Tận đem thân tôn thờ bậc Thiện Tri Thức, gắng hết sức tham cứu, cuối cùng được sáng tỏ thì quả thật là mẫu mực cho sĩ đại phu học đạo vậy.

 

70. TÔNG MÔN VẤN ĐÁP

Tôn túc tác gia thời xưa gặp nhau, có duyên họ hỏi đáp nhau hoặc vô nghĩa vô vị, hoặc đáng kinh đáng ngờ, hoặc như mắng như đùa, nhưng đều từ trong chân tham thực ngữ mà ra cả, thảy đều hoà tan vào nhau như nước với sữa, khăng khít với nhau như hòm với nắp, không thừa một chữ một câu nào. Người sau vô tri mà học đòi theo thì khẩu nghiệp chẳng nhỏ.

Ví như hai người cùng quê, ngàn dặm xa lâu, bỗng dưng gặp nhau, họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ quê hương, bằng tiếng lóng, ngạn ngữ, người ngoài nghe họ nói cũng lại thấy vô nghĩa vô vị, đáng kinh đáng ngờ, như mắng như đùa, mà thực ra mỗi chữ mỗi câu đều là những lời tự đáy lòng, những điều gan ruột quan trọng cả.

Người ngoài cố nhiên chẳng biết là những lời lẽ gì nhưng hai người kia thì ngầm khế hợp với nhau như nước với sữa, như hòm với nắp rồi.

Nay chi bằng cứ ngậm miệng im hơi, gắng dốc hết sức vào điều mà mình tham học, chỉ lo chẳng liễu ngộ, chẳng lo sau khi liễu ngộ rồi không có lời gì mà nói.

 

71. SỐNG SAY CHẾT MỘNG

Sống say chết mộng, đó là câu thường nói, đó là lời thật là chí lý.

Người thế gian đại để chia ra làm hai loại:

Nghèo hèn và giầu sang. Hạng nghèo hèn cố nhiên sớm tối bận rộn để kiếm áo cơm. Kẻ giầu sang cũng sớm bận tối bận để hưởng dục lạc. Thụ dụng khác nhau, nhưng đều bận rộn như nhau cả.

Bận tới chết rồi sau mới dừng, nhưng tâm vẫn chưa thôi. Mang tâm ấy mà đi rồi lại sinh, rồi lại bận, rồi lại chết, sinh sinh tử tử, mờ mịt mơ màng, như say như mộng, trải trăm ngàn kiếp, không bao giờ hết. Riêng mình bừng tỉnh, bậc đại trượng phu là như vậy đấy.

 

72. [LÀM] ĐẠO NHÂN CHÂN CHÍNH KHÓ

Phàm con người ta những kẻ tạo nghiệp có đến hàng trăm mà người làm điều thiện chỉ được một hai.

Những người làm điều thiện có đến hàng trăm mà người hướng theo đạo chỉ có một hai, những người hướng theo đạo có đến hàng trăm người kiên trì lâu dài chỉ có đến một hai, những người kiên trì lâu dài có đến hàng trăm mà người đã kiên trì lại kiên trì nữa, đã lâu dài lại lâu hơn nữa, cho tới Bồ Đề.

Tâm chẳng thoái chuyển chỉ có một hai. Hạng cuối cùng như vậy thì gọi là chân Đạo Nhân. Thật khó vậy thay.

 

73. KHÔNG SỞ KHÔNGTẬN

Có người nói:

Lão Tử Thanh tịnh Kinh có những câu:

Quán không cũng không, không không Sở không. Đó tức là nghĩa không sở không tận của Kinh Lăng Nghiêm.

Ta bảo rằng:

Kinh Lăng Nghiêm thoạt đầu nói:

Hai tướng động tĩnh dứt khoát chẳng sinh. Nay lấy thanh tịnh mà đặt tên cho Kinh, như thế thì động tướng chẳng sinh, những tĩnh tướng vẫn sinh. Tĩnh còn chưa không thì còn bàn chi đến không không nữa.

 

74. GIÁO NGOẠI BIỆT TRUYỂN

Có người hỏi rằng:

Giáo ngoại quả có biệt truyền ư?

Nếu có thì thời giáo một đời là văn suông.

Giáo ngoại quả là không có ư?

Nếu không Tổ Sư từ Tây Trúc sang là đi uổng.

Đáp: Giáo ngoại quả thực là có biệt truyền mà cũng thực không có biệt truyền.

Kinh Viên Giác há chẳng nói rồi ư?

Tu Đa La Sutra như ngón tay chỉ trăng. Ngón tay chỉ trỏ chẳng phải là trăng. Nói rằng ngoài ngón tay chỉ trỏ còn có trăng là thứ khác thì được và trăng chính là ở giữa chỗ ngón tay chỉ trỏ, bảo rằng ngoài ngón tay chỉ trỏ ra không có trăng nào khác thì cũng được.

Nhưng nếu chấp vào ngón tay chỉ trỏ, bảo rằng không có trăng nào khác thì là ngu. Trái với chỗ ngón tay chỉ trỏ mà đi tìm cái gọi là trăng nào khác thì là cuồng. Thần diệu sáng suốt đều ở ngay trong con người đó mà thôi.

 

75. PHÁT CHÂN QUY NGUYÊN

Kinh Lăng Nghiêm nói:

Một người phát chân quy nguyên, Mười Phương hư không thảy đều tiêu diệt.

Còn sách Trung Dung thì cho rằng mừng giận buồn vui chưa phát ra là trung giữa.

Thế rồi nói:

Trí trung, đạt tới mức trung là ngôi vị của Trời Đất.

Hội thông Nho Thích giải thích những chỗ giống nhau giữa Nho và Phật thì bảo trung tức là chân nguyên, song quy nguyên thì Thế Giới tiêu, trí trung thì Thế Giới lập, sao nhân giống mà quả lại khác như vậy?

Đại để chỉ là vì mừng giận buồn vui là đệ lục thức thuộc ý căn bản mà thôi. Nay dừng ý thức chẳng vận hành, vẫn còn lại Mạt Na và A Lại Na. Sóng to dẹp nhưng gợn sóng vẫn còn.

Chưa từng quy nguyên sao mà được là hư không tiêu diệt?

 

76. CHUYỆN ĐẠO 

Người học thời xưa chủ khách gặp nhau, vừa bước vào cửa đã cùng nhau nghiên cứu một đại sự nhân duyên này.

Nay đám đông súm nhau tán gẫu, phần nhiều là chuyện thế gian, lông bông ngàn dặm mà không hề đề cập đến chuyện tham thuyền hỏi đạo.

Xa rồi! Phong độ thời xưa chẳng thể nào khôi phục được nữa.

Than ôi!

 

77. SỞ MẤT CUNG

Vua Sở mất cung, tả hữu muốn tìm.

Vua nói:

Người Sở mất cung thì người Sở được cung.

Cần gì phải tìm?

Trọng Ni nói:

Tiếc thay. Lời ấy chẳng rộng.

Sao chẳng nói:

Người mất cung, thì có người được cung, cứ gì phải là Sở. Lớn lao thay. Vua Sở vốn có lòng dạ như biển xanh. Còn Trọng Ni thì thật sự có độ lượng như Trời Đất. Tuy vậy, Trọng Ni mới tạm dựa vào lời Vua Sở mà nói, chứ chưa hết được điều mà ông muốn nói.

Sao vậy?

Vì về tình cảm vẫn chẳng thể quên cung. Tiến nữa thì Vua mất cung, Vua vẫn như cũ, không mất gì. Giả sử Vua được cung, Vua vẫn như cũ, không được gì. Tuy thế, vẫn chưa, vẫn chẳng thể quên cái ta về mặt tình cảm. Lại tiến nữa, tìm cái gọi là ta chẳng thể tìm được thì đâu cho thấy những thứ gọi là cung, là người, là nước Sở.

 

78. BỊ BỎNG 1

Ngày mười tháng giêng năm Tân Sửu ta theo lệ vào tắm, trượt chân ngã vào trong nước sôi, bị bỏng từ gót chân tới tận đùi. Thế rồi do điều trị sai cách, nên quá hai tháng sau mới khỏi. Tuy đã trải qua đủ mọi nỗi khổ sở, nhưng trong cảnh khổ đã soi thấy lỗi lầm hàng ngày, nên đâm ra rất hổ thẹn mà phát tâm Bồ Đề.

Vì thường ngày, thân Tứ Đại khỏe mạnh, đi hay ngồi tùy ý, ngủ hay dậy tùy ý, ăn uống tùy ý, nói cười tùy ý, chẳng biết đó là phúc lớn của người của Trời. An hưởng phúc ấy, không còn tưởng nhớ tới Chúng Sinh sáu đường.

Hơn nữa trong lúc tôi được một bữa yên vui này, Chúng Sinh ở Địa Ngục bị kẹp bị đốt bị giã bị xay chẳng biết đã phải trải qua biết bao nhiêu nỗi khổ. Chúng Sinh là Ngã Quỷ quỷ đói phải uống đồng ăn máu chẳng biết đã phải trải qua biết bao nhiêu nỗi khổ.

Chúng Sinh là Súc Sinh phải ngậm hàm thiếc phải mang yên, dao cắt vạc ninh, chẳng biết đã phải trải qua biết bao nhiêu nỗi khổ.

Dẫu được làm người nhưng những kẻ bị đói rét bức bách, phải phục dịch vất vả mệt nhọc, bị ốm đau triền miên, quyến thuộc chia lìa, bị hình phạt trừng trị, bị tù ngục giam cầm, bị khốn đốn túng thiếu vì sưu thuế, bị chết đuối chết cháy, bị rắn mổ hổ cắn mà chết, bị oan uổng mà chết, những nỗi khổ của họ cũng chẳng biết bao nhiêu mà kể thế mà ta chẳng biết.

Từ nay về sau, được một bữa yên vui thì nên tưởng nhớ tới Chúng Sinh bị khổ não ở sáu đường, nhiếp tâm chính ý nguyện sớm thành đạo quả, giúp khắp Chúng Sinh, khiến họ cùng được Vãng Sinh Tịnh Độ, cùng được bất thoái chuyển.

Tự buông tuồng dù chỉ trong giây lát thì biết lấy gì mà đền ơn Phật ở trên, mà đáp lại ơn tín thí của đàn việt ở dưới. Phải cố lên.

 

79. BỊ BỎNG 2

Phật nói rằng:

Tính mệnh con người chỉ trong vòng hơi thở. Hằng ngày ta vẫn thường nêu câu này để nhắc nhở động viên Đại Chúng, nhưng thực ra bản thân lại chưa từng trải qua.

Tới khi ta bị bỏng, lúc mới vào tắm thì thân thể yên ổn tâm hồn thảnh thơi, dương dương tự đắc, lát sau bị sảy chân vào trong vạc sôi, suýt nữa thì chết. May mà được sống, đó là nhờ Trời Rồng cứu cho.

Xét ra mới chỉ trong thời gian bằng một sát na chốc lát mà thôi, vậy mà đã có quan hệ tới sự sống chết rồi.

Mệnh trong hơi thở, thở ra hít vào há chẳng đúng thế ư?

Thế mới biết Chư Tăng vẫn thường ra rả đem lời Phật dạy để khuyên răn người khác, nhưng để khuyên răn mình thì có khi lại lơ là. Đó là cái tệ chung. Thế là tôi cả thẹn, cả sợ và ra sức tự chấn chỉnh mình.

 

80. BỊ BỎNG 3

Ta thường ngày bàn tới công phu rèn luyện trong lúc ốm đau cũng biết câu thuần giác bỏ thân của Tất Lang Già Bà Sa, cũng biết câu có người chẳng ốm của Mã Đại Sư, cũng biết câu dẫu gặp dao gió thường thanh thản, dù nhiều thuốc độc vẫn ung dung, cũng biết câu Tứ Đại vốn là không, Ngũ Uẩn chẳng phải có.

Tới khi sa chân vào nước sôi, kiểm điểm từ đầu, thấy đau khắp người, ai là người bỏ thân?

Ta nay bị ốm, ai là người chẳng ốm?

Dao nhọn thuốc độc thít vào da thịt, ai là người thanh thản ung dung?

Tứ Đại, Ngũ Uẩn thực là thân của ta, thực là lụy của ta, ai là người vốn là chẳng phải có?

Mới biết tuệ khan thường ngày đều vô tích sự. Nếu không có định lực, đành gục dưới cửa tử, thứ Tam Muội đầu lưỡi kia chỉ là tự dối mình mà thôi.

Ôi. Há có thể không cố gắng mà được ư?

 

81. BỊ BỎNG 4

Ta nhìn thấy cửa hàng bán thịt để các loại ba ba, lươn, tôm, cua còn sống vào trong nổi mà hầm bằng nước sôi sùng sục thì dẫn dụ cho nhà hàng rằng:

Các Chúng Sinh đó lực chẳng địch nổi ngươi, hơn nữa lại bé nhỏ kém cỏi chẳng thể kêu lên thành tiếng. Nếu lực địch nổi thì sẽ như hổ báo ăn thịt ngươi. Nếu kêu được thành tiếng thì tiếng kêu gào oan khuất thảm thiết hẳn sẽ chấn động cả Đại Thiên Thế Giới. Ngươi dẫu có trốn tránh được hiện báo, nhưng trong ngàn vạn kiếp các Chúng Sinh kia vẫn chẳng buông tha ngươi.

Ngươi thử nhúng một cánh tay vào trong nước sôi một lát rồi rút ra mà xem thì biết ngay.

Nay chẳng ngờ báo này lại do ta phải chịu. Nhân ngẫm từ trẻ tới lúc già, tuy chẳng làm nghiệp này, nhưng từ vô lượng kiếp tới nay, đã chưa thông túc mạng, thì làm sao bảo đảm được là ta chẳng làm.

Thế là ta chẳng dám oán thán ca cẩm, yên tâm Nhẫn Nhục và càng siêng năng tu tập để được thiện báo mãi sau.

Nguyên văn: Tu cho những gì chưa tới.

 

82. KINH GIÁO

Có kẻ tự phụ tham thuyền bèn nói:

Đạt Ma chẳng lập văn tự, thấy tính thì thôi.

Có kẻ tự phụ Niệm Phật bèn nói:

Chỉ quý thẳng xuống có người, cần gì Kinh Điển?

Hai loại người này có người thật sự có điều sở đắc mà nói ra những lời đó, hạng này chẳng cần bàn vội. Cũng có kẻ thật sự không có điều sở đắc mà cứ nói bừa, họ phần lớn đều chẳng thông giáo lý nhưng lại biện hộ cho điều sở đoản của mình.

Ta một đời sùng thượng Niệm Phật, nhưng vẫn chăm chăm tha thiết khuyên người ta xem Kinh Giáo.

Vì sao vậy?

Thuyết Niệm Phật từ đâu mà ra?

Nếu chẳng phải là những điều được kim khẩu của Phật tuyên thuyết, rồi được ghi chép rõ ràng trong Kinh Điển thì Chúng Sinh ngày nay do đâu mà biết ở ngoài mười vạn ức cõi có A Di Đà?

Còn kẻ tham thuyền vin cớ giáo ngoại biệt truyền, chẳng biết rằng lìa giáo mà tham, đó là tà nhân. Lìa giáo mà ngộ, đó là tà giải.

Dù ngươi Tham Thiền mà đắc ngộ thì công cứ phải lấy giáo lý mà ấn chứng. Chẳng hợp với giáo thì đều là tà. Bởi vậy người học Nho phải lấy Lục Kinh tứ tử, chỉ Kinh Điển Nho Gia làm chuẩn mực, người học Phật phải lấy Tam Tạng Thập Nhị bộ làm khuôn mẫu.

 

83. NGỰC LỤC

Người xưa đạo sáng đức lập, đủ để làm Thầy của người, của Trời rồi, sau đó mới có Ngực Lục để lưu lại cho đời.

Ngực Lục đại để có hai loại:

1. Có loại do môn nhân ghi lại, đó là loại như Lục Tổ đàn Kinh.

2. Có loại tự tay vị đó viết ra, đó là loại như Trung Phong quảng lục. Ta thực là kẻ phàm phu, tự cứu còn chẳng xong. Nhưng ai là đồ đệ của ta hãy thận trọng chớ chép lại những lời ta nhất thời ngẫu nhiên đàm đạo, rồi khắc ván in thành Ngực Lục.

Chẳng những là tự cao tự đại sằng, hơn nữa những lời ngẫu nhiên đàm đạo hoặc hữu vi mà phát ra, hoặc nhân người mà bày đặt chưa phải là cứu kính liễu nghĩa, huống hồ người nghe mới chỉ thấy loáng thoát lọt vào tai đã vội thể hiện ra ngay trên giấy mực thì cũng sợ là sẽ có cái sai là làm cho người ta lầm lạc.

 

84. NGHE LỜI PHỈ BÁNG

Kinh nói:

Người phỉ báng ta, lúc nói chữ đầu, chữ sau chưa sinh. Lúc nói chữ sau, chữ đầu đã diệt. Đó chính là hơi gió cổ động, hoàn toàn không chân thực. Nếu nhân đó mà nổi giận thế thì thước hót quạ kêu cũng đều nên nổi giận cả. Thuyết đó rất hay.

Nhưng có người bảo:

Giả sử kẻ đó viết sách phỉ báng thì xem liền một mạch, mọi chữ đầy đủ lại còn mãi chẳng mất thế thì sẽ dùng pháp gì mà pháp?

Há chẳng nghĩ trắng kia là giấy, đen kia là mực, vậy gì là phỉ báng?

Huống hồ từng chữ từng chữ đều từ thiên vận ghép lại với nhau mà thành, thế thì đặt một bộ thiên vận lên bàn, đó là trăm ngàn vạn ức sách phỉ báng không lúc nào không xuất hiện ngay trước mặt. Sao mà mê hoặc quá quắt thế. Tuy vậy, đó vẫn là Pháp Môn đối trị.

Nếu biết ngã không thì ai là người thụ báng?

 

85. NGU TRONG BỌN NGU

Người thế gian cho không biết chữ, không hiểu việc là ngu.

Đó quả là ngu, nhưng chẳng phải là ngu trong bọn ngu. Đọc hết năm xe sách, không chữ nào không hiểu.

Thu hết muôn tài khéo, không việc nào không hay, cho đến đàm huyền thuyết thuyền không gì không tinh thông quán triệt.

Vậy mà xét đến cùng chỗ chân thực của người đó lại điên đảo mê hoặc, bị những người trước kia bị coi là ngu chê cười, thế thì chẳng phải là kẻ ngu nhất trong bọn ngu là gì?

 

86. CHUẨN BỊ SẴN

Vô thường nhanh chóng, dẫu già hay trẻ không hề phân biệt. Song người trẻ tuổi vẫn ở thời kỳ chưa định, nên mong hão sẽ được sống mãi. Nếu là người già thì chắc chắn thời gian không còn nhiều nữa.

Cần phải đem công việc thế gian của bản thân xử lý thật thỏa đáng, để theo quỷ vô thường đó dù sớm đến hay tối đến cũng phủi tay đi liền, không có hệ lụy gì. Đó là việc quan trọng to lớn lúc cuối đời, chẳng thể coi thường, chẳng thể coi thường.

 

87. XEM RỘNG

Xem Kinh cần phải xem thật rộng khắp, mới được dung thông quán triệt, chẳng đến nỗi thiên chấp. Chính là vì Kinh có chuyện chỗ này xây dựng, chỗ kia phá đi, chỗ kia phá đi, chỗ này xây dựng, theo thời theo cơ, không theo phép tắc nhất định.

Giả sử chỉ xem Lăng Nghiêm thấy Thế Chí chẳng nhập viên thông mà chẳng đọc rộng ra các Kinh ca ngợi Tịnh Độ thì liền cho rằng Pháp Môn Niệm Phật chẳng đáng chuộng nữa.

Chỉ xem lời Đạt Ma trả lời Lương Vũ Đế:

Thấy Công Đức chẳng tại làm phúc mà chẳng đọc rộng các Kinh nói về Lục Độ vạn hạnh thì cho rằng phúc đức hữu vi đều đáng phế bỏ.

Lật ngược lại mà xem, thì chấp Tịnh Độ chê thuyền tông, chấp hữu vi chê vô vi cũng lại như thế. Ví dụ như người đọc sách thuốc chẳng rộng thấy trị hàn dùng quế phụ mà bỏ cầm liên, trị hư dùng sâm kỳ mà bỏ chỉ phác, chẳng biết rằng cầm liên chỉ phác cũng có lúc phải dùng, mà quế phụ sâm kỳ cũng có lúc phải bỏ.

Cho nên chấp nệ vào một phương thuốc thì hại đến sắc thân, chấp vào một nghĩa của Kinh thì làm hại đến tuệ mệnh.

Ta thường nói: Lục Tổ đàn Kinh chẳng thể để hạng vô trí xem, chính là vì lo họ sẽ chấp thứ này mà phế bỏ thứ khác.

 

88. TÌM KIẾM LỖI CỦA NGƯỜI

Thấy người sửa mình lập đức, danh tiếng nổi trội, liền bới móc lỗi lầm của họ bằng nhiều cách, đó là kỵ tâm, đó là bạc đạo. Hoặc thấy người có trước thuật thì bới móc lỗi của họ cũng thế.

Chẳng biết rằng:

Nghe kể một thiện hành xem một quyển sách hay đều nên tùy hỉ tán thán.

Thế mà lại ỉm đi diệt đi, thì đó là tâm địa gì vậy?

Nếu quả thực hành đó là ngụy hành, sách đó là tà thư thì tự mình nên chính ngôn công luận, công khai phê phán chúng, hơn nữa không nên nửa khen, nửa chê, ấp úng ba phải.

 

89. MƯU ĐOÁN

Thời xưa khen Huyên Linh giỏi mưu lược, Như Hối giỏi quyết đoán. Đại để mưu lược và quyết đoán phải gồm đủ và chẳng thể thiếu một.

Ta đối với sự việc phần nhiều có ý kiến cực kỳ sáng suốt, nhưng về kiên trì chính kiến lại chẳng quyết đoán, vì vậy đến nỗi bị lỡ việc, thường phải hối hận. Cho nên thuyền môn quý bi trí song toàn. Mà mưu lược và quyết đoán gồm cả trong Trí. Mưu lược mà thiếu quyết đoán, chính là có thể thấy được mẹo hay mà chẳng thể giữ được mẹo đó.

Đó rốt cuộc chỉ là vì trí nông mà chẳng sâu, thiên lệch mà chẳng toàn diện mà thôi. Rất cần phải cố gắng về điểm này.

 

90. THIỀN PHẬT TRANH LUẬN

Hai vị Tăng gặp nhau giữa đường, một Tham Thiền, một Niệm Phật.

Vị Tham Thiền nói:

Vốn không có Phật, không có ai đáng niệm cả, ngay một chữ Phật ta cũng chẳng thích nghe.

Vị Niệm Phật nói:

Tây Phương có Phật Hiệu là A Di Đà, nhớ Phật Niệm Phật, nhất định sẽ được thấy Phật. Kẻ chấp có Phật, người chấp không, tranh luận chẳng dứt.

Có gã thiếu niên đi qua nghe chuyện, bèn nói:

Điều hai ông nói chỉ là bì bản của Từ Lục Đảm mà thôi.

Hai Tăng mắng rằng:

Ngươi là kẻ tục sĩ, đâu có biết Phật Pháp.

Thiếu niên nói:

Tôi đúng là tục sĩ thật, song cứ lấy tục sĩ làm ví dụ mà lại biết Phật Pháp đây. Tôi là con hát, trong nhà hát có khi làm Vua, có khi làm bề tôi, có khi làm nam, có khi làm nữ, có khi làm người thiện, có khi làm kẻ ác.

Nếu tìm những nhân vật được gọi là Vua, tôi, nam, nữ, thiện ác, cho là có thì thực ra là không, cho là không thì thực ra lại là có.

Bởi vì có là tức không mà có, không là tức có mà không. Có hay không đều chẳng phải là chân thực mà tôi thì vẫn rành rành thường trụ tồn tại. Biết là tôi thường trụ thì còn tranh cãi làm gì. Hai Tăng không còn gì mà đối đáp lại.

 

91. TRANH VŨ DI

Trong lúc ta ốm, có người mang tặng bức tranh Vũ Di cửu khúc. Ta xem tranh rất thích. Nhân nhớ tới chuyện có người xưa bị ốm nặng chẳng dậy nổi, một người bạn bảo người đó chơi tranh Võng Xuyên, chưa đầy mươi ngày đã khỏi.

Huống chi là Tây Phương Cực Lạc Thế Giới được tô vẽ truyền bá, sớm tối tham lễ mà chưa nghe nói hiệu nghiệm kỳ diệu nhanh chóng như tranh Võng Xuyên là vì sao?

Quả thực là do Võng Xuyên có dấu vết trong cõi trần hoàn, dễ dàng miêu tả. Còn cảnh Cực Lạc thì vượt ra ngoài Thế Giới, khó thể hình dung.

Thế thì chẳng thà cứ vẽ tranh Võng Xuyên hết mức khéo léo, vì sẽ làm rung động trái tim con mắt người ta. Những điều mà Kê Đầu Ma truyền bá, thập lục quan Kinh thuyết minh về Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Chẳng qua cũng chỉ là bảo sơ qua những nét khái quát của Thế Giới đó mà thôi.

Xét ra Thế Giới Cực Lạc, ngay cả phần nhỏ của nó, là nơi mà các Cõi Trời Đao Lợi, Đâu Suất, Hóa Lạc chẳng thể sánh kịp. Nếu khiến người ta được nhìn thấy tường tận, thì đâu phải là chỉ quên hết bốn trăm lẻ bốn bệnh, mà cả đến tám vạn bốn ngàn phiền não cùng mọi bệnh tật đều bị tiêu diệt sạch sành sanh.

Người xưa nói:

Thần thê an dưỡng, còn nói:

Trước gửi tâm về thời Cực Lạc. Há phải là vô ích đâu.

 

92. BÀN VỀ TÔNG

Khi tôi chưa Xuất Gia, mới xem lời lẽ của Tông Môn đã dùng tình thức mà bắt chước viết thư cho một tọa chủ, tung hoành tả hữu khiến vị tọa chủ đó phải nể sợ. Sau khi Xuất Gia được mấy năm, gặp lại tọa chủ ở một am trọ.

Trong khi thăm hỏi thấy tôi chuyên chí Tịnh Độ, nói chuyện chẳng đề cập tới bản Tông, vị tọa chủ đó liền nhìn tôi sửng sốt nói:

Ngày trước ông kiến thức cao siêu, mà sao nay lại thấp kém thiển cận thế?

Tôi cười đáp:

Ngạn ngữ có câu:

Con nghé mới sinh chẳng sợ hổ. Kẻ biết pháp rồi thì sợ.

Ngài có biết điều đó không?

Tọa chủ không đáp.

 

93. NIỆM PHẬT

Người thế gian hễ hơi lợi căn là liền coi khinh việc Niệm Phật, bảo rằng đó là công việc của hạng nam nữ ngu si. Họ chỉ nhìn thấy nam nữ ngu si miệng tụng Danh Hiệu Phật, tâm rong chơi ngàn dặm mà chẳng biết bọn này là danh đọc Phật, chứ chẳng phải là Niệm Phật.

Niệm theo tâm, tâm tưởng nhớ mà không quên, nên gọi là niệm.

Thử lấy Nho làm ví dụ:

Nho giả niệm niệm tưởng nhớ Khổng Tử, thế thì khoảng cách giữa họ tới Khổng Tử há chẳng cũng gần gũi rồi ư?

Nay Niệm Phật tưởng nhớ ngũ dục, chẳng cho đó là sai, ngược lại lại cho Niệm Phật là sai.

Ôi. Hạng người như vậy sống uổng một đời sao bằng làm hạng nam nữ ngu si. Và tiếc thay trí thì làm được, mà ngu thì chẳng làm được.

 

94. TĂNG TÍNH KHÔNG

Có vị Tăng là Tính Không ở Chùa Tứ Châu tại đất Ngô, bỏ ứng viện, đóng cửa ở núi Nghiêu Phong, có lần gửi thư cho tôi nói những lời phát thệ nguyện cùng bẩm cáo Thập Phương. Tôi khen là hiếm có. Ít lâu sau thì ông bị ma ám, rồi điên cuồng mà chết. Tôi rất thương xót. Xét nguyên do thì đại để là vì mới khởi tín tâm, có tín mà không có tuệ.

Người xưa khi tâm địa chưa thông thì chẳng ngại xa xôi ngàn dặm, học Thầy hỏi đạo, ra khỏi một Tùng Lâm thì vào một bảo xã, thậm chí du lịch khắp nơi chẳng hề ngừng nghỉ. Sau khi đắc ý mới ở bên nước dưới rừng mà trưởng dưỡng Thánh thai.

Đâu được vừa lìa nhà lửa, đã vào cửa tử?

Có lỗi chẳng biết, có điều nghi ngờ mà không giải quyết, mong cầu lên trên mà lại tụt xuống dưới, kết cục như thế có gì là lạ đâu.

Những người học mới sơ tâm, tết cỏ tranh dựng am cỏ ở chốn núi sâu, ở thui thủi một mình, tự cho là cao thượng, tuy chưa hẳn là bị ma ám phát điên nhưng cũng bị mất lợi ích không ít. Người sáng suốt hãy thử nghĩ xem.

 

95. XUẤT THẦN 1

Có người hỏi:

Tiên xuất thần, thuyền giả có làm được chuyện đó không?

Đáp: Làm được nhưng chẳng làm. Đó chính là như Kinh Lăng Nghiêm đã nói tâm nó đã lìa thân, quay lại xem mặt nó. Còn nói tiếp chẳng phải là Thánh chứng, nếu làm Thánh giải liền thụ quần tà. Thế là làm được mà chẳng làm.

Lại hỏi: Thần mà xuất ra có âm có dương. Thứ mà Lăng Nghiêm nói đó là âm thần.

Tiên xuất dương thần, thuyền giả có có làm được chuyện đó không?

Đáp: Cũng làm được nhưng chẳng làm. Người đó ngạc nhiên.

Ta bèn nói: Chớ có ngạc nhiên.

Ngươi há chẳng thấy Sơ Tổ Đạt Ma đã mất mà vẫn đi một chiếc giày về Tây đó sao?

Ngươi há chẳng thấy Đậu Chí Công một thân ở trong ngục, một thân ở trong chợ đó sao?

Ngươi há chẳng thấy Quy Sơn ngồi yên trong tịnh thất mà lại ăn bánh rán trong thôn đó sao?

Song đó cũng chẳng gọi là Thánh chứng, Tông Môn phê phán các chuyện đó.

Xưa có một vị Tăng nhập định xuất thần, tự nói:

Ta mà xuất thần thì bất kể xa gần đều có thể qua lại được, còn có thể lấy được vật. Đó chính là dương thần.

Tiên đức trách ông rằng:

Đầu tròn áo vuông người Xuất Gia, tham thuyền học đạo, mà sao lại làm cái trò Quỷ Thần đó. Cho nên Tông ta cấm ngặt, chẳng cho xuất thần.

 

96. XUẤT THẦN 2

Lại hỏi: Thần có lỗi gì?

Đáp: Thần tức là thức và chia ra làm thô to và tế nhỏ. Có xuất có nhập thì là thô. Ngay cả xuất nhập đều diệt thì vẫn còn trụ ở tế thức. Vi tế hơn nữa, thẩy đều hồn hóa, thì mới được bản thể.

Vậy mà lại đam trước ở sự xuất nhập thì đó chính là như trước đây đã nói:

Gốc sinh tử từ vô thủy kiếp, người ngu lại nhận đó người quen.

 

97. NGHE TIN CÁO PHÓ

Nghe tin người ta cáo phó ắt rất sửng sốt, đó tuy là thường tình của thế gian.

Song có sinh ắt có tử, ấy cũng là sự thường của thế gian. Từ xưa đến nay không ai tránh khỏi. Có gì mà phải sửng sốt.

Chỉ có ai sống uổng chết hoài mà chẳng nghe đạo, đó mới càng đáng sửng sốt hơn, vậy mà lại điềm nhiên chẳng sửng sốt. Buồn thay.

 

98. HÀNH CƯỚC

Lúc tôi hành cước một mình, nhịn đói nhịn khát, xông pha nóng lạnh, nếm trải đủ mùi gian khổ. Nay được nắm tranh che đầu, tuy chẳng biết tu hành nhưng biết hổ thẹn, mây nước vừa tới, cung phụng đủ thứ, bản thân thụ dụng, chẳng dám quá mức.

Vì cho rằng:

Từng là lãnh tử, riêng thương khác. Người nghèo lập nghiệp tiếc đất như vàng.

Nay vừa mới gia nhập Tăng Già đã được ở am viện làm sẵn, mọi sự như ý, ví như con nhà giầu chẳng thấu nỗi đau khổ của dân gian, dù có tài trí hơn người không cần học hỏi, mà cứ đóng cửa tự đại, tập thành thói ngã mạn, tăng trưởng vô minh thì sự tổn thất chắc chắn cũng sẽ nhiều.

 

99. SÁCH DIỆU TÔNG SAO

Trước đây, một vị Tăng bảo ta rằng:

Phật chỉ ra Tây Phương vốn là để làm lợi cho khắp cả các căn, khiến họ mau chóng thoát khỏi vòng sinh tử. Đó là đạo dễ thực hành. Thế mà Tri Lễ Pháp Sư lại chỉ dùng quán pháp tinh thâm của thai giáo mà giải thích, khiến dễ lại thành khó, mất cả bản ý của Như Lai chiếu cố đến hạng phàm phu. Lời bàn này cũng thật là có lý.

Nay ngẫm điều đó, người xưa bảo rằng:

Giải thích Kinh Phật thì coi nông là sâu, chớ coi sâu là nông. Thế thì những điều mà Diệu Tông sao thuyết giải, người lợi căn tự ngộ lý sâu, kẻ độn căn cũng được trực quán theo Kinh, cầu nguyện vãng sinh, dường như không có trở ngại gì.

 

100. ĂN CHAY

Người giầu sang chẳng thể ăn chay, nguyên nhân có hai:

Một là ham ăn mặn khoái khẩu, là do ăn rau dưa sẽ làm tổn hại đến thân thể. Chẳng biết rằng ăn thịt hay ăn rau, thân thể có khi vì thế mà béo hay gầy, nhưng chẳng có liên quan gì tới thọ hay yểu cả. Vả lại trong các loài thú thì hươu thọ nhất vậy mà thức ăn của nó chỉ là cỏ mà thôi.

Hổ ăn thịt mà tuổi thọ lại ngắn hơn hươu, thế thì thế nào?

Hươu chẳng ăn thịt mà vẫn thọ, sao riêng con người lại chẳng thế?

Tuy vậy, có người bị ốm đau, tâm dẫu muốn ăn chay mà lực chẳng hợp. Có người bị bề trên bắt ép, tâm dẫu muốn ăn chay mà thế chẳng được thế thì cũng tạm ăn chay một tháng, ăn chay một ngày cùng tam tịnh nhục, chỉ cần kiên trì chẳng sát sinh là được. Lâu dần, thói cũ sẽ tự đoạn trừ được.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8