Trích Những Câu Hỏi Đáp Của Đức Đạt Lai Lạt Ma

 

Phật giáo không tôn thờ Thượng Ðế. Như vậy ai là những thần linh của họ và họ thờ phượng như thế nào ?

Phật giáo không công nhận bất cứ một vị Thượng Ðế vĩnh hằng  cũng như một vị Thượng Ðế Sáng Tạo nào. Ngược lại Phật giáo quan niệm rằng bất cứ một con người bình thường nào nếu cố gắng theo  đuổi một hành trình tâm linh, phải tự thanh lọc cái tâm của mình để từ đó phát triển được những phẩm chất nội tại và tiến đến giác ngộ, giải thoát. Những con người này được gọi là đạt đến Thánh qủa. Chúng tôi cũng công nhận sự hiện hữu của những đấng siêu nhiên, những người mà thông qua hành trình tâm linh đã đạt đến sự chứng ngộ ở một mức độ nào đó, chúng tôi gọi họ là những bậc Thánh Tăng. Ðối với Phật tử chúng tôi, những nhân vật siêu nhiên này – tức là chư Phật và chư Bồ Tát- hiện hữu, mà qua đó chúng tôi cúng bái và dâng lời cầu khẩn.  Chúng tôi làm như thế với ý nguyện đạt đến qủa vị Phật. Ðó cũng là lý do giải thích tại sao để đáp ứng lại những ý hướng, mong cầu khác nhau của mọi loài chúng sanh, chư Phật đã phải hoá hiện ra dưới những hình thức khác nhau. Những hình thức hoá hiện này tức là chư vị Phật, Bồ Tát trong thần thoại.

Thưa Ngài, Phật tử có bị bắt buộc phải ăn chay hay không?

Trên quan điểm của một Phật tử, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là nên ăn chay trường. Tôi luôn luôn phát biểu rằng, cho dù trên bình diện cá nhân một người không cần lúc nào cũng phải giử mình kiêng khem với các thức ăn chay lạt, nhưng nếu khi một số đông người tụ họp lại với nhau trong các tiệc tùng, hội nghị, tôi nghĩ người ta cần nên tránh bớt chuyện ăn thịt. Ngay bản thân tôi, tôi cũng đã cố gắng hết sức mình để quảng bá việc ăn chay vào xã hội Tây Tạng.

Từ lâu, súc vật đã bị đối xử như là một thứ dụng cụ, dùng làm thực phẩm cho con người, y phục, phương tiện chuyển vận, làm đồ giải trí và thậm chí là vật thí nghiệm tàn nhẫn của khoa học để phục vụ cho sự thỏa mãn của con người. Thưa Ngài, Ngài nghĩ như thế nào về quyền sống của súc vật?

Trên quan điểm Phật giáo, sinh mạng của mọi loài chúng sanh -con người cũng như súc vật- đều quí giá như nhau và tất cả đều có quyền được sống hạnh phúc. Cho nên thật quả là một điều hổ thẹn khi người ta sử dụng súc vật không chút xót thương, nhất là trong các thí nghiệm khoa học. Dù qúy vị không nhìn vấn đề này thuần túy trên quan điểm tôn giáo, hẵn qúy vị cũng thấy rằng các loài vật, chim chóc, thú hoang -nghĩa là tất cả những sinh vật sống trên trái đất này- đều là bạn đồng hành của con người. Chúng là một thành phần của thế giới này, con người cùng chia xẻ thế giới này với chúng. Cứ nghĩ đến một ngày nào đó  nếu tất cả loài vật đều biến mất trên thế giới này, lúc đó chúng ta sẽ ân hận biết bao. Tôi cũng nhận thấy một điều rằng kẻ nào không có lòng từ ái đối với súc vật, sẵn sàng tàn sát chúng  không chút xót thương, thì sớm hay muộn họ cũng sẽ là những người không có lòng nhân ái đối với đồng loại. Ngược lại, nếu chúng ta biết thương yêu loài vật, trân trọng sinh mạng của chúng chừng nào, chúng ta lại sẽ càng biết tôn trọng đời sống con người hơn thế nữa.

Thưa Ngài, Ngài có ý kiến như thế nào về việc sử dụng “áo mưa” để ngừa thai?

Rất tốt, một lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên tôi có một giải pháp tốt hơn cho việc kiểm soát sinh đẻ và phòng ngừa bệnh AIDS: Sống độc thân, giữ gìn trinh tiết! Như vậy chắc là chúng ta sẽ có nhiều tăng sĩ và nữ tu! Nhưng nếu điều này quá khó khăn, không thể thực hiện được thì  giải pháp mà quý vị vừa nêu ra cũng tốt vậy.

Thưa Ngài, Ngài có ý kiến như thế nào về việc sử dụng “áo mưa” để ngừa thai?

Rất tốt, một lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên tôi có một giải pháp tốt hơn cho việc kiểm soát sinh đẻ và phòng ngừa bệnh AIDS: Sống độc thân, giữ gìn trinh tiết! Như vậy chắc là chúng ta sẽ có nhiều tăng sĩ và nữ tu! Nhưng nếu điều này quá khó khăn, không thể thực hiện được thì  giải pháp mà quý vị vừa nêu ra cũng tốt vậy.

Thưa Ngài, vô chấp và vô phân biệt khác biệt nhau như thế nào?

Hoàn toàn khác nhau. Vô phân biệt bao hàm một thái độ hoàn toàn xả bỏ trước đối tượng, trong khi vô chấp vẫn còn mang một vài vướng mắc, dính líu.

Ðể làm sáng tỏ vấn đề, ta nên hiểu thế nào là chấp trước. Có hai loại chấp trước: Loại thứ nhất được gây ra do trạng thái tâm hồn bị quấy đục bởi dục vọng hoặc các yếu tố tâm linh tiêu cực khác và do đó cần phải được loại bỏ. Loại thứ hai là sự lôi cuốn bởi các đối tượng của lòng từ bi -sự lôi cuốn này không phải là kết quả của những tình cảm hay tư tưởng tiêu cực-  do đó cần phải được đào sâu và củng cố.

Khi chúng ta thực tập thiền định về tánh không, chúng ta làm công việc giải trừ những kiến thức sai lầm về hiện tượng và sự vật, những kiến thức sai lầm đã làm cho chúng ta tin chắc rằng mọi vật đều bền vững và hiện hữu một cách độc lập. Thật là điều quan trọng để sửa chữa những kiến giải sai lầm này, tuy nhiên trong nỗ lực nhằm nâng cao tiềm năng của những phẩm chất lành mạnh và tích cực cũng như loại bỏ các xu hướng tiêu cực, độc hại trong mỗi chúng ta, quả là điều khó khăn khi giữ cho ý thức của ta luôn luôn tỉnh táo để có thể phân biệt được cái nào nên trau dồi cái nào nên loại bỏ. Những tính năng phân biệt của chúng ta như thế vẫn còn nguyên vẹn.

Cũng cùng một tâm cảnh như thế, vị Bồ tát phải nhổ đến tận gốc rễ và loại bỏ hoàn toàn tính kiêu căng tự phụ. Một vị Bồ tát khiêm nhường phải tự hạ mình trước mọi loài chúng sanh, đây là điều hoàn toàn tự nhiên. Ðiều này chẳng mảy may cản trở  cái năng lực phi thường và lòng dũng cảm tuyệt vời  của Bồ tát trong tâm nguyện giải thoát mọi loài chúng sanh ra khỏi khổ nạn.  Tâm đại từ bi này, vốn đã không còn bị vướng mắc bởi mọi hình thức chấp trước tiêu cực, là một thí dụ chứng tỏ cho thấy thái độ dính líu tích cực ở một mức độ quan trọng lớn lao hơn cho phúc lợi của kẻ khác thay vì cho hạnh phúc của riêng cá nhân mình.

Một người biết sử dụng trí thông minh của mình song song với việc thực hành tu dưỡng tinh thần, tức là nếu cần thiết, sử dụng cả pháp cùng với những tính năng sáng tạo của tâm thần, họ sẽ học được cách khám phá ra những sắc thái vi tế giữa một bên chỉ biết chăm sóc đến bản ngả của mình, một hình thức của chấp trước, và bên kia là những tình cảm cao thượng biết cống hiến đời mình cho hạnh phúc tha nhân.  Chỉ có sự hoà hợp duy nhất giữa pháp và trí huệ mới có thể đưa ta đến sự phát triển các tính năng vững chắc của nhận thức phân biệt. Thế cho nên tôi thường phát biểu rằng khi nói đến bản ngã tức là cũng đồng thời nói đến một ý thức tự giác vững mạnh. Một trong những hình thức biểu hiện của ngã tức là không quan tâm đến kẻ khác, không thèm đếm xỉa đến hạnh phúc của tha nhân và đi xa hơn nữa là khai thác mọi cơ hội nhằm mang đến lợi nhuận cho cá nhân mình, miễn sao cho mình vui thích là đủ! Thái độ tinh thần này dứt khoát là rất tiêu cực, cần phải loại trừ.

Ngược lại, một khía cạnh khác của ngã có thể được xem như là sự biểu hiện của niềm tự tin lớn lao, loại niềm tin khiến chúng ta có thể nói một cách mạnh dạn rằng: “Tôi có thể làm được việc này, việc kia. Tôi có khả năng mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người. Tôi có thể đạt đến hoàn toàn giác ngộ để cứu độ chúng sanh.”  Loại tình cảm này chắc chắn là không thể bị loại bỏ mà ngược lại cần phải được phát triển và củng cố. Như thế, những tiến bộ trên hành trình tu tập sẽ giúp cho tâm hồn ta ngày càng thư giản, tỉnh lặng cùng một lúc với trạng thái hoàn toàn tỉnh thức, sáng suốt biểu hiện khả năng quán chiếu nội tâm và tập trung trí tuệ cao độ.

Thưa Ngài, Phật giáo giải thích như thế nào về vấn đề ý thức đối với các sinh vật bé nhỏ như côn trùng hay vi trùng chẳng hạn? Phải chăng tất cả các loài hữu tình đều có ý thức? Còn cây cỏ, đất đá thì sao, chúng có vẻ như là những vật vô tình? Phải chăng cây cỏ cũng có Phật tánh?

Tôi đã từng thảo luận vấn đề này với các nhà khoa học. Không nhiều thì ít, chúng tôi đã đồng ý với nhau trên quan điểm rằng mọi vật có thể tự mình chuyển động được -đặc tính mà cây cối không có- đều có ý thức, linh hồn. Dĩ nhiên rễ cây cũng chuyển động khi chúng phát triển, tuy nhiên đây không phải là chuyển động tự nó mà chỉ được xảy ra khi cây cối tăng trưởng. Vì thế ta không thể gọi cây cối là “chúng sanh”, tức là có linh hồn. Tuy nhiên ta có thể kết luận rằng một tế bào vi tế nhất, tế bào amíp chẳng hạn, vẫn được coi như là một sinh vật vì nó có khả năng tự chuyển động.

Một khi đã không xem các loại rau cỏ là sinh vật, ta không thể xem chúng là có Phật tánh.  Ðối với một số loài cây ăn thịt, tôi không có khả năng phán đoán khả năng giăng bẩy bắt mồi của chúng là do chúng có ý thức hay chỉ là kết quả của một phản ứng thuần túy hóa học. Vấn đề này xin được mở rộng để thảo luận. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người ta không thể không đặt vấn đề. Ðóa hoa này chẳng hạn, được xem như là loài vô tình -tức là không có linh hồn- hay là một chúng sanh? Chúng ta thỉnh thoảng được phép nêu lên nghi vấn bởi vì trong một số kinh sách Phật giáo đã từng đề cập đến các loài chúng sanh có thể được xuất hiện dưới dạng thể của loài vô tình hay cây cối,v.v… Bởi lẽ đó, chúng ta cũng không thể khẳng định dứt khoát rằng một đóa hoa có phải là sinh vật hay không, vì lẽ chúng ta không thể biết được một chúng sanh đang hoá hiện ra dưới hình thức như thếù.

Phật giáo quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ thiên nhiên, cây cỏ, không phải vì chúng là loài hữu tình, là những tạo vật có thể đánh động lòng  từ bi thương xót nơi chúng ta mà bởi vì thiên nhiên tự nó chính là môi trường sống, cũng như bảo vệ sự sống còn của muôn loài sinh vật. Nếu một thành phố bị hỏa thiêu thành tro bụi, có phải là một số lượng rất lớn những mái ấm gia đình của con người đã bị hủy diệt? Cũng thế, sự tàn phá thiên nhiên cũng chẳng khác gì hơn, bởi vì một số lượng lớn loài vật sẽ bị mất đi nguồn thực phẩm, chỗ cư trú, tức là mất đi khả năng sinh tồn.

Ðối với các loài vi khuẩn, theo kinh sách Phật giáo, cơ thể của chúng ta chứa một số lượng đáng kể. Người ta ước tính ra là có thể có hơn 80,000 loại như thế, đây là một con số khá lớn.  Ở vào chiều kích nào, trình độ tiến hoá nào những vi sinh vật này có thể được coi như là những chúng sanh? Tôi không thể nói thêm được điều gì ngoại trừ cho rằng các sinh vật bé nhỏ, súc vậr -nếu chúng ta quan niệm chúng là súc vật hẵn nhiên là chúng phải có một số hình thức sinh hoạt của loài hữu tình- vì thế chúng ta có thể xem chúng là có linh hồn.

Thưa Ngài, những gì được xem như là những thái độ tình dục không đúng đắn? Ngài nghĩ như thế nào về đồng tình luyến ái?

Tùy thuộc vào các yếu tố như cơ quan sinh dục, thời gian và không gian mà một số hành động được coi như là không đúng đắn chẳng hạn như giao cấu không đúng chỗ trên bộ phận của cơ thể hoặc xảy ra không hợp thời hợp chốn. Ðây là những hành động mà người Phật tử xem là vô luân về mặt tình dục. Miệng và hậu môn dĩ nhiên không được coi là những bộ phận sinh dục, sử dụng các bộ phận này trong việc giao cấu, dù nam hay nữ đều được coi như là vô luân trong tình dục. Ngay cả thủ dâm cũng thế.

Giao cấu vào ban ngày cũng được coi như là vô luân, ngay cả việc giao cấu với người bạn tình mà họ đang tuân thủ một số nguyên tắc đạo đức, hạnh nguyện dù chỉ là tạm thời, chẳng hạn như từ khước ham muốn tình dục, sống độc thân… Bắt buộc người khác phải giao cấu với mình cũng được liệt vào loại liên hệ tình dục không đúng thời, đúng lúc.

Giao cấu không đúng chỗ nếu được xảy ra tại những nơi như chùa chiền, chỗ thờ phượng, hoặc bất cứ nơi nào mà một trong những người bạn tình cảm thấy không thoải mái. Một hành động tình dục được coi là đúng đắn khi đôi vợ chồng sử dụng các bộ phận chức năng sinh dục trong việc giao cấu, không có một ngoại lệ nào khác. Làm tình với gái điếm do chính mình trả tiền mà không phải là một người thứ ba nào khác, ngược lại không được xem như  là hành vi không đúng đắn. Tất cả những thí dụ vừa nói nêu ra một số khái niệm thế nào là đúng và không đúng đắn trong thái độ tình dục theo quan điểm đạo đức của Phật giáo.

Ðồng tình luyến ái, bất luận là giữa người nam hay người nữ, đều được xem là những liên hệ tình dục không đúng đắn. Xin được nhắc lại một lần nữa rằng những gì được coi là không đúng đắn nếu sử dụng các bộ phận không xứng hợp trong chuyện giao hợp. Vấn đề này như thế có lẽ đã sáng tỏ?

Làm thế nào để một người có thể thoát khỏi tình trạng nghiện rượu?

Theo tôi, tốt nhất là ta nên tìm kiếm lời khuyên từ những bác sĩ chuyên môn. Tạm thời hãy để qua một bên bất cứ những niềm tin tôn giáo của người đó, điều dễ dàng nhất là ta cứ nhìn vào và nhận thức được những tổn hại gây ra do việc rượu chè quá độ cả trên hai bình diện tinh thần lẫn thể xác, để hiểu được rằng do nghiện ngập ta đã bị người đời xa lánh, cô lập. Một khi đã có một cái nhìn rõ ràng về mặt bất lợi của việc nghiện rượu và phát triển được lòng quyết tâm từ bỏ nghiện ngập, tôi tin chắc là bạn có thể thay đổi được đời mình.  Tuy nhiên nếu bạn không đủ ý chí và nghị lực để có được một thái độ tích cực, tốt nhất là hãy nên đến các trung tâm y khoa chuyên chữa trị về cai rượu hầu như bây giờ đều có mặt khắp nơi.

Thế nào là tha thứ?

Lòng tha thứ?  Ðây là một tình cảm qúy báu, quan trọng vô cùng! Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn nhắm mắt lại và quên đi những điều xấu ác mà người ta gây ra cho bạn; bạn phải ghi nhớ chúng.  Thế nhưng do thương yêu và kính trọng tha nhân cũng như các lý do khác đã ngăn cản bản không trả đủa lại những hành vi xấu ác đó. Ðây mới là điều quan trọng.

Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã, thông qua Ðức Giáo hoàng, đã phát biểu một quan điểm khá bảo thủ về một số vấn đề xã hội, đặc biệt là lãnh vực tính dục. Thí dụ như Giáo hội lên án phá thai hoặc sử dụng “áo mưa“ để ngăn ngừa bệnh AIDS. Quan điểm của Ngài như thế nào về những vấn đề này ?

Về vấn đề phá thai, Phật giáo quan niệm rằng sinh mạng của tất cả mọi con người đều rất qúy giá. Trên quan điểm này, Phật giáo không tán thành việc hạn chế sinh sản. Tuy nhiên với đà gia tăng dân số hiện nay và các nguồn tài nguyên thiên nhiên rất có giới hạn, vấn đề đặt ra hiện nay là: năm tỷ người đang sống trên trái đất này có hoàn toàn được hạnh phúc hay không? Hố sâu ngăn cách về mức sống giữa các quốc gia miền Bắc và miền Nam không những mang tính cách bất công trên mặt đạo đức mà đồng thời cả trên mặt thực tiễn. Ðây chính là nguồn gốc của các vấn nạn và những khổ đau triền miên mà ta không thể không nghĩ tới một cách nghiêm chỉnh. Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu mức sống của các quốc gia phía Nam được nâng lên ngang tầm với các quốc gia phía Bắc, những tài nguyên của thế giới sẽ bị cạn nguồn. Sự khảo sát này đã được dựa trên những dữ kiện khoa học. Thế nên ta đi đến một kết luận khá hiển nhiên là phải giới hạn bớt những người sắp sinh ra đời.

Trở lại vấn đề phá thai: Một cách tổng quát, phá thai có nghĩa là giết người, cho nên đây là một hành động tiêu cực. Tuy nhiên không phải là không có những trường hợp ngoại lệ, thí dụ như đó là một quái thai hay sinh mạng của người mẹ ở trong tình trạng hiểm nguy -nhưng xin nhớ cho rằng đây chỉ là những biệt lệ. Thế nên quan điểm chung của Phật giáo và ngay cả chính bản thân tôi cũng luôn cổ võ cho những biện pháp bất bạo động trong việc kiểm soát sinh sản. Tôi cũng từng khuyến khích rằng, những phương cách tốt nhất của lối kiểm soát sinh sản bất bạo động là nên có thêm nhiều tu sĩ và nữ tu!