Trải nghiệm về bài thơ “Thôi Kệ[1]!”
Viên Thắng

 

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nghe câu nói: “Lòng người tham không đáy”. Thật vậy, con người sanh ra ở cõi đời thì ai cũng có tâm tham như tham tài, tham sắc, tham danh, tham lợi, tham ăn, tham ngủ.. Do vì lòng tham không đáy nên họ chẳng bao giờ biết dừng lại. Cho nên, khi đọc bài thơ “Thôi Kệ!” tôi tâm đắc vô cùng, liền vội trải lòng mình trên trang giấy.

Đoạn mở đầu qua bốn câu thơ:

Thôi kệ cuộc đời, vốn đảo điên
Thôi đừng đeo đuổi, lụy kim tiền
Thôi lánh não phiền, danh lợi khách
Thôi hết ân tình đã lãng quên!

Khi đọc hết bài thơ, chúng ta thấy điệp từ ‘thôi’ ở đầu câu, từ câu mở đầu đến câu cuối cùng đều có. Theo từ điển tiếng Việt, chữ thôi ở đây là động từ. Thôi có nghĩa là dừng lại, chấm dứt hẳn, không tiếp tục làm việc gì đó nữa. Ở đoạn thơ này, tác giả khuyên chúng ta hãy dừng lại, đừng theo đuổi vướng lụy đồng tiền, danh lợi, tình ái thì không còn bị đau khổ, thân tâm sẽ được an lạc.

Thế nhưng chúng ta sinh ra ở cõi Dục, phần đông mọi người đều ham muốn vô cùng tận, ít có người biết dừng lại trước sự cám dỗ của đồng tiền, sắc đẹp, địa vị, danh vọng. Cho nên, khi họ thấy một em chân dài xinh đẹp (dù họ đã có vợ đẹp con xinh) vẫn nhìn đắm đuối đeo đuổi đến cùng; hay làm ăn một phi vụ được món tiền khổng lồ họ liền lao vào; hoặc vì danh tiếng mà họ đánh mất lương tri… Vì bất chấp tất cả, nên họ không còn nghĩ đến danh dự, nhân cách, đạo đức mà tìm mọi cách để chiếm đoạt thuộc về mình; họ như con thiêu thân thích lao mình vào trong lửa. Kết quả họ tự chuốc lấy khổ đau, sống trong dằn vặt day dứt. Cho nên, trong Thành ngữ có câu: “Đứng núi này trông núi nọ”. Nghĩa là họ không bao giờ bằng lòng những gì mình đang có, tâm tham con người không bao giờ biết đủ.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy rõ những việc này nhan nhản trước mắt. Một đứa bé khi còn nhỏ thì cha mẹ tìm mọi cách để con được học trường chuyên, lớp chọn, bắt con nhồi nhét từ trường học chính quy cho đến học thêm các môn phụ như học đàn, học múa, học võ… để cho con mình thành số một, tài giỏi hơn con của người khác. Đến khi con lớn khôn trưởng thành, học hành thành tài, bước vào đời làm việc thì tâm tham vọng đòi hỏi càng cao. Từ một nhân viên, anh ta quyết tâm phấn đấu làm việc để được thăng chức trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc…không còn thời gian dành cho bạn bè, người thân. Có khi vì chiếc ghế địa vị mà từ bạn thân trở thành đối thủ, họ sẵn sàng dùng các thủ đoạn hạ gục đối phương để mình đạt được mục đích. Có người không kiềm chế được lòng tham nên bị vướng vào vòng lao lý vì tội tham nhũng, buôn lậu ma túy… Có lẽ từng chứng kiến thế thái nhân tình, sự bạc bẽo, đổi trắng thay đen của lòng người nên tác giả khuyên:

“Thôi thôi vương vấn chốn quan trường
Thôi mặc tình đời lắm tơ vương
Thôi chẳng bận lòng thua với thắng
Thôi đành gác bỏ mộng vô thường.
Thôi bạn, thôi bè, thôi ngũ dục
Thôi mê, thôi đắm chữ công danh
Thôi đổi lòng son, thay tấc dạ
Thôi tìm, thôi kiếm chạy vòng quanh!”.

Do đó, chúng ta thấy sự khác nhau giữa con người là biếtkhông biết. Người không biết thì sống theo bản năng chìm đắm trong ngũ dục[2] nên tâm trí bị mê muội. Những người này gọi là “sống say chết mộng”, vì ngày càng họ xa rời chính mình, xa rời bản tâm thanh tịnh để chạy theo những ảo ảnh xa vời. Còn người biết thì sống biết đủ, biết dừng lại đúng lúc, biết quay trở về Chân như, Phật tánh vốn có sẵn trong tâm mình, nên không bị ngoại cảnh cám dỗ, tham đắm lao vào tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, tất nhiên tâm họ an lạc thanh thản. Cho nên, trong kinh Thủy Sám, đức Phật dạy: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Trang Tử cũng nói: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết mới sống”. Câu này chứng minh cho chúng ta thấy người nào biết thì đoạn trừ lòng tham không làm việc mưu sinh bất chính, sống đúng chánh đạo.

Chúng ta đến cõi đời này chỉ có hai bàn tay trắng, khi từ giã cõi đời cũng trắng hai tay, chẳng có gì cả, nên tiền tài, danh vọng, địa vị, vợ đẹp, con xinh, sau khi trút hơi thở cuối cùng cũng bỏ lại tất cả, chỉ mang theo nghiệp thiện hay nghiệp ác do mình tạo.

Có lẽ thấm nhuần tư tưởng Phật giáo và trải nghiệm lý vô thường trong cuộc sống hằng ngày nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi[3]…”. Và nhạc sĩ Vũ Thành An cũng nói:

“Đời người say giấc phù vân Trăm năm rồi cũng tay không ra về”.

Đức Phật dạy: “Tất cả các pháp ở thế gian đều là biến đổi, hư hoại, đều là vô thường”. Điều này mỗi ngày chúng ta đọc báo, nghe tin tức đều thấy xảy ra tai nạn, bệnh dịch, hỏa hoạn, lũ lụt v.v… ở khắp mọi nơi. Tôi nhớ có lần một chị Phật tử gần chùa, chị thuộc giới trí thức, có địa vị danh vọng trong xã hội đến nói với tôi: “Cô ơi! Con vừa vô bệnh viện thăm người bạn bị ung thư ở giai đoạn cuối. Con vô trong đó chứng kiến đủ loại bệnh tật, tai nạn v.v… về đến nhà con không còn ham muốn gì nữa”. Thế nên nhà văn hào Pháp Alexandre Dumas thường nhắc nhở: “Mỗi ngày nên nghĩ đến sự chết một lần”. Để làm gì? Để nhắc chúng ta về lẽ vô thường. Cho nên, tác giả đúc kết bốn câu thơ ở đoạn cuối:

Thôi hãy về đây, chốn Phật đường

Thôi kiếp thăng trầm, một chữ Không Thôi giã từ bao mê lầm cũ Thôi gắng công phu, ngộ chơn thường.

Tác giả khuyên chúng ta hãy trở về chốn Phật đường, nghĩa là chúng ta trở về với chân tâm thanh tịnh sáng suốt, hay còn gọi là Chân như, Phật tánh v.v… Bởi vì, nơi chốn Phật đường chúng ta tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền làm cho tâm mình thanh tịnh không còn nghĩ đến những chuyện ở thế gian như được mất, thăng trầm, thành bại, vinh nhục… là giây phút chúng ta không còn si mê lầm lạc, nên ngộ được lý Chân thường[4].

Ngồi viết đến đây, tôi chợt nhớ tới lời cố Hòa thượng Thích Đỗng Minh hay khuyên: “Sự đau khổ không đến gõ cửa người vô sở hữu”. Do đó, chúng ta thấy đời sống của đức Phật, Bồ-tát cho đến các vị Tổ sư, Cao tăng thạc đức sống đời thanh tịnh phạm hạnh, giản dị nên ai vừa thấy hình ảnh của ngài cũng đều tôn kính nể phục.

Kết thúc bài viết con chân thành cảm ơn tác giả đã đăng bài thơ, ban cho chúng con bài pháp vô cùng thâm thúy, cảnh tỉnh chúng con đang sống trong thời đại kinh tế thị trường, công nghệ thông tin phát triển đến khắp nơi, nên đời sống con người thiên về vật chất hơn tinh thần; cho nên tâm chúng con cũng dễ bị lôi cuốn vào vòng xoáy danh lợi của xã hội. Nhờ suy ngẫm trải nghiệm bài thơ mà chúng con biết dừng lại tâm vọng tưởng ham muốn của phàm phu đang khởi lên, biết trở về bản tâm thanh tịnh xưa đang hiện hữu trong tâm mình.

***

[1] . Tác giả Chiêu Đề Tăng đăng trên tạp chí Phật học Từ Quang số 18. (Chính là Thượng tọa Đồng Bổn chủ biên tạp chí Phật học Từ Quang).

[2] . Ngũ dục: Năm thứ ham muốn là tiền tài, sắc đẹp, ăn ngon, danh tiếng, ham ngủ.

[3] . Bài hát Cát Bụi.

[4] . Chân thường: Pháp chân thật thường trú mà Như Lai chứng đắc. Kinh Lăng Nghiêm, quyển 4 ghi: “Thế Tôn hoàn toàn dứt hết các mê vọng, độc diệu Chân thường”.