TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN
Hạnh Đoan
TÔI LÀM THẦY LANG
Khi nghe tin chị Thủy bắt tôi phải ra Tuệ Tĩnh Đường Linh Chiếu học môn Trực Dược Kinh với cô Diệu Thủ để trị bịnh cho người. Tôi đã trùm mền khóc hết một ngày.
Hồi ấy tôi 29 tuổi (thiếu một năm nữa là toan về già). Lâu nay tôi quen ở trong tháp ngà, chẳng tiếp xúc ai (dù cái tháp ngà của tôi đẹp hơn chuồng bò một chút, trộm có lần vào viếng cũng không tìm ra thứ gì để lấy, vì là am tranh chị Thủy dựng tạm để cho tôi nhập thất tu – ngoài cái sàng thiền, vài bộ quần áo với ít gạo trong hũ ra, chẳng có gì đáng giá).
Má tôi mất hồi tôi lên bốn, chị Thủy lớn hơn tôi gần chục tuổi, một tay chị săn sóc nuôi dạy tôi từ nhỏ nên xem như “quyền tỷ thế mẫu”, chị vừa là chị, vừa là mẹ; do vậy mà tôi không dám cãi lời, nhưng trước khi đi, tôi lo lắng thăm dò, ngầm điều tra những người quen, hỏi nhỏ: – Cô Diệu Thủ là người thế nào?
Họ đáp: – Nghiêm và khó lắm.
Thế là tôi lui vào cốc, trùm mền khóc thêm một chập nữa. Sau đó tôi mới quẹt nước mắt, khăn gói quả mướp ra Tuệ tĩnh Đường Linh Chiếu học nghề.
Cô Diệu Thủ tuổi khoảng ngũ tuần, nét mặt nghiêm nghị và có làn da đẹp như hoa đào. Cô thâu đệ tử rất kén, nhưng do nể nang chị Thủy nên thâu nhận tôi. Thật oái ăm, nhiều người năn nỉ học, cô không chịu dạy; lại thu nạp tôi (là đồ đệ bất đắc dĩ bị ép học)… Cô không biết điều này, nếu biết chắc cô từ chối phắt rồi (?) Dù bị ép, trong lúc thọ giáo tôi vẫn ráng tỏ ra mình là trò ngoan, nhiệt tình.
Trực Dược Kinh là môn trị liệu bấm huyệt điện, (thay vì dùng nhân điện). Y sĩ sẽ cầm hai cây que kim loại (gọi là rắc) giống như đôi đũa, đầu que quấn bông gòn, chấm thuốc, chỉa vào huyệt; chuôi que cắm vào máy điện. Que sẽ chuyền điện và phóng thẳng thuốc vào người bịnh nhân. Môn Trực Dược tỏ ra có ưu thế và đạt hiệu quả nhanh đối với các bịnh cảm sốt, nhức mỏi, mất ngủ, suy nhược… đó là nhận định sơ khởi của tôi.
Tất nhiên ngày đầu, tôi chỉ quan sát thầy, bạn hành nghề và giữ việc kiểm soát phiếu bịnh nhân vào chữa bịnh.
Cô Thủ đang ngồi chăm chú trị, thấy có người lấp ló ngoài cửa, liền hỏi tôi:
– Sao người đó chưa vô đây?
Tôi ấp úng:
– Dạ thưa cô! Tại họ chưa… tới số!
Cô Thủ điềm nhiên tiếp tục công việc, còn tôi thì bắt tức cười với câu đáp của mình. Mà rõ ràng họ chưa tới … số thiệt, số thứ tự họ còn khá xa, nhưng do nôn nóng nên họ cứ chen vào đứng trước cửa phòng khám.
Trị những bịnh, xụi, bại liệt tay, chân… cường độ dòng điện bắt buộc phải tăng mạnh để kích thích các cơ bắp họat động; có vậy mới đạt kết quả tốt. Tất nhiên là bịnh nhân sẽ phải đau đớn nhiều, nhưng không thể đi độ nhẹ cho họ. Cường độ dòng điện được tượng trưng bằng giờ, 9 giờ là thấp nhất thường dùng để trị những vùng bịnh thuộc mắt và cổ. Còn huyệt trên đỉnh đầu – nếu ai chịu được độ mạnh cở 12 giờ, chứng nhức đầu sẽ hạ rất nhanh. Từ 1 đến 3 giờ, là dòng điện mạnh nhất, dành để trị những chứng liệt, bại và các bịnh cực nặng.
Một bà bị xụi, liệt hai tay và một bên chân bước vào, đi kèm theo dìu đỡ là đứa cháu trai (tóc bù xù như tổ quạ). Bà được đích thân cô Thủ chữa. Đứa cháu trai khỏang 16-17 tuổi, có bề ngoài nhìn rất du côn, nhưng cả phòng bịnh đều xúc động vì tấm lòng hiếu thảo của em. Em luôn động viên, dỗ dành bà ngoại với những lời năn nỉ tha thiết, ngọt ngào:
– Ngoại! Ngoại ráng chịu đau đi ngoại. Ráng cho mau hết bịnh nha…
– Mặt em đầy lo lắng, yêu thương, sự quan tâm lo cho bà, thể hiện hết ra mặt; khiến quanh phòng ai cũng cảm mến em. Lúc này bà ngoại tuổi sáu mươi trông giống hệt một đứa con nít nhõng nhẽo khó bảo, bà vùng vẫy, xô cả thầy thuốc và quát lên:
– Kệ tao! Mặc xác tao!
Người thân phải phụ kềm bà lại. Cảm thấy que kích huyệt làm mình đau quá, bà gào lên, tuôn ra một tràng cầu cứu hùng hồn: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan-thế-âm bồ tát, nam mô Bổn sư Phật, nam mô A-di-đà Phật… nam mô… tùm lum Phật! Nam mô… hết thảy Phật! (Bà sáng tác lời niệm thật chắc ăn, không sót vị Phật nào).
Chúng tôi đều bật cười, cô Thủ tắt máy. Thấy bà vẫn còn hét inh ỏi: – Đau quá! Đau quá! … Cô nghiêm mặt bảo:
– Tôi đã tắt máy, ngưng trị mà bà còn la đau cái nỗi gì?
Bà có vẻ tẽn tò:
– Vậy hả? Sao tắt máy mà không cho tôi hay, để tôi ngưng la?
– Giờ bà có muốn trị bịnh tiếp không?
– Trị! Nhưng mà khỏi trị cái tay, trị cái chân thôi!
– Nếu không trị, tay sẽ bị liệt luôn, làm sao bà múc cơm ăn?
– Có cháu tôi đút tôi ăn được rồi…
Cuối cùng, bà cụ ra về, vừa đi vừa càu nhàu, vừa vùng vằng giẫy nẩy như con nít, còn cháu trai bà thì mềm mỏng dỗ dành như bậc trưởng bối. Chúng tôi nhìn theo không nhịn được cười. Ai cũng tấm tắc khen thầm bà hữu phước, được đứa cháu trai chí tình chí nghĩa săn sóc… (phải nói là hiếm thấy và hiếm có ở vào thời đại này). Nhân cách cậu bé thật dễ thương, hoàn toàn tương phản với bề ngoài bụi đời của em. Tôi nghĩ có lẽ bình thường bịnh nhân là một bà ngoại rất tốt với cháu, nên mới nhận được sự quan tâm, lo lắng chu đáo đến vậy.
Sau một tuần vẽ hình, học huyệt, tôi cũng được hành nghề. Bịnh nhân thường chọn tôi, vì tôi hay đi độ nhẹ. Họ không biết trị độ nhẹ thì lâu hết bịnh. Nhưng nếu họ đau và rên la thì tôi cũng chịu không nổi. Những người mới đến không biết rằng được“bà thầy” trị là mau lành hơn, vốn dạn dày kinh nghiệm, hiểu thấu “thuốc đắng đả tật, đòn đau mau hết”, nên cô Thủ bình tĩnh để mặc bịnh nhân la, đa số những bịnh hiểm, trầm trọng đều do cô trị và đạt kết quả rất khả quan.
Cô Thủ được Tuệ Tỉnh đường thỉnh về đây truyền nghề cho chúng tôi trong ba tháng; mãn hạn kỳ, cô sẽ về lại thành phố. Thầy lang trong Tuệ tĩnh đường chỉ mình cô là có tóc. Mà Tuệ Tĩnh Đường Linh Chiếu là Viện Chẩn Bịnh Từ Thiện do chư Sư thành lập. Bịnh nhân đã quen nhìn các sư nên rất ưng ý khi được sư trị cho, vì vậy mà các đệ tử có tóc (thâm niên, giỏi tay nghề của cô Thủ ở Sài Gòn) mỗi lần ra đây thăm có nhiệt tình muốn phụ chúng tôi chẩn trị thường hay gặp cảnh bị bịnh nhân né tránh, bởi họ không biết đó là thầy hay, mà cứ chọn hạng thầy dở… cỡ tôi.
Việc trị bịnh, phát thuốc hoàn toàn miễn phí. Theo luật định, chúng tôi không có quyền nhận bất cứ quà bánh, biếu xén nào từ bịnh nhân.
Ngày nọ, bịnh nhân đông quá, lịch trị bịnh chỉ làm việc buổi sáng, không đành để bịnh nhân ra về nên chúng tôi phải ráng trị nốt cho xong. Lúc này trong phòng chẩn trị chỉ còn tôi và Linh Trang. Trị xong người bịnh cuối cùng thì đã quá trưa. Tôi và Linh trang đều đói run. Tôi đói tới nỗi cầm gì cũng muốn rớt. Vừa may, lúc ấy bé Na là bịnh nhân ở gần chùa, em đến thăm và tặng cho hai đứa bịch chuối khô. Tôi và Linh Trang chụp ăn ngấu nghiến. Loáng một cái, mỗi đứa đã xơi 5-6 trái.
Kết quả là chúng tôi ôm bụng thở ỳ ạch, tưởng mình sắp chết đến nơi. Do chuối già bản chất khó tiêu, chúng tôi bụng đang đói, lại ăn quá nhiều thành ra trúng thực. Hai đứa vội bày đồ nghề ra trị bịnh cho nhau, lo tìm mấy huyệt Thượng, Trung , Hạ Quản … châm vào cứu nguy.
Cô Thủ thường nhắc nhở, dù chúng tôi cầm que trị cho bịnh nhân, song nội lực vẫn truyền qua họ, vì vậy sức khỏe chúng tôi sẽ giảm sút rất nhiều, nên sau khi trị bịnh nhân xong, bắt buộc chúng tôi phải thường xuyên trị lại cho nhau – gọi vui là “sạc điện” khôi phục nội lực.
Lần này, không nhờ “sạc điện” thì chúng tôi đã ngã lăn quay vì trúng thực chuối.
Có một bà đau lưng trầm trọng tới xin chữa trị, tôi thương tình cầm rắc lên trị. Bà có đỡ đau nhức, nhưng tôi lại bị bịnh y hệt bà. Sau đó, nghe người nhà kể tôi mới biết, bà chuyên ngồi sòng bạc, mấy ngày nay bà ngồi đánh bài thâu đêm suốt sáng.
Hành nghề được hai tháng, tôi khám phá ra một điều lạ. Có những bịnh nhân tôi trị cho họ không sao. Nhưng có một số bịnh nhân, tôi trị họ vừa hết là lập tức tôi đau y như họ. Hoặc giả tôi đang trị người nhức tay, họ vừa reo:- “Khỏe quá cô ơi”, thì tôi cảm nhận tay mình nhức nhối liền. Họ bị khó thở, tôi trị họ vừa hết thì tôi có cảm giác khó thở ngay. Thật lạ lùng – Đến độ họ bịnh gì, chưa khai, vừa châm tôi đã biết, vì tôi cảm nhận cái đau họ chuyền sang mình y chang. Gặp hoài những trường hợp như vậy, quá thắc mắc, một hôm tôi vừa trị, vừa phỏng vấn một bệnh nhân đau xóc hông:
– Em làm nghề gì? – Dạ cào tôm!
Một người có bàn tay sưng vều khai báo: – Hồi xưa con buôn thuốc phiện… (bệnh nhân này hiện thời nhà ở lầu năm, lầu tư, nhưng hai tay bà luôn bị đau nhức thống thiết ).
Một người nhức đầu kinh niên khai:
– Do con bán cá, nên phải làm, chuyên đập đầu cá!
Những vị này vừa bước vào ngồi đối diện là lập tức tôi cảm nhận có một luồng khí rất nặng từ họ tỏa ra, nếu tôi cố cầm rắc trị là y như tôi bị quả báo dội ngược liền: Hễ họ hết, tôi bịnh. Họ thuyên giảm, tôi đau. Tôi hỏi: – Có phải chị từng bị đau như thế này không?.. rồi tôi diễn tả bịnh trạng, họ thán phục nói: – “Sao cô biết hay vậy?”… Họ đâu biết là tôi đang cảm nhận cơn đau hệt như họ đang truyền qua mình. Trường hợp này tôi gặp rất nhiều, chỉ những ai bước vào tôi không cảm thấy có làn khí nặng nề, thì tôi hành nghề bình an (nhưng trường hợp này rất ít).
Tôi đem chuyện này hỏi “bà thầy”, thì bà đáp mình chưa gặp như vậy bao giờ. Còn tôi hiểu được một điều, những bịnh nhân ngồi trước tôi đã và đang tạo ác nghiệp, nếu họ khôngđình chỉ, không sám hối lỗi trước nguyện chừa lỗi sau thì bịnh khó hết, có ráng trị cũng như trị ngoài da, không ăn nhằm gì, bởi không ngăn được nguyên nhân phát bệnh.
Người từng buôn thuốc phiện ắt phải trả quả nặng nề hơn nhiều, dù hiện thời tay họ chỉ bị đau nhức… thì cũng là trả báo nhẹ. Còn chuyện đập đầu cá bị nhức đầu kinh niên thì dễ hiểu thôi.
Trong Kinh nhân quả thường đề cập đến hoài… Nếu lý luận là vẫn có nhiều người làm vậy mà đâu có bị gì?… thì Kinh Phật cũng từng giải thích, có phước thì được cảnh báo ngay hiện tiền và những cảnh báo này sẽ ngăn bớt việc sa lầy tạo ác của đương sự. Cũng đồng thời có người giết rắn ăn mà không sao, nhưng có người thì vương trọng bịnh phải nằm liệt giường, da hóa như da rắn, ngày đêm đau đớn không kể xiết. Và khi họ khởi tâm thành ăn năn sám hối, phát nguyện trọn đời làm lành, trường trai, … thì bịnh giảm dần và khỏi hẳn. Chứng tỏ rằng những cảnh báo hiện tiền giúp ích rất nhiều cho những người có ý thức, giác tỉnh cao.
Đành là cũng có những bệnh vật lý, do thời tiết hay sức khỏe suy nhược. Song đa số các bịnh nhân hiện diện trước tôi lại âm thầm chứng minh nhân quả trổ rất khít khao. Nhưng… làm sao tôi khuyên họ đổi nghề, làm sao tôi khuyên họ trị tâm trước khi trị thân?
Không ai gặp trường hợp như tôi. Nhưng mười năm sau, tôi gặp lại bà thầy. Hỏi thăm mới biết cô Thủ đã giải nghệ vì lý do giống hệt tôi, trị người ta xong, cô bị đau hệt như họ. Thật ngộ, hóa ra tôi cảm nhận sớm hơn hết.
Giáo lý phật dạy về nhân quả rất tỉ mỉ, kỹ càng; nhưng ít ai lưu tâm tin theo để cẩn trọng tránh vi phạm. Người ta vì sinh kế, vì tiền, vì không biết, mà làm những nghề thuộc tà nghiệp, hoặc có chọn chánh nghiệp nhưng lại phạm lỗi âm thầm.
Ôi Thế Tôn, giá như giáo lý ngài thấm vào tim óc mọi người, giá như ai cũng hiểu phật pháp, tự biết bảo vệ, tránh gieo nhân xấu cho mình thì sẽ đỡ được rất nhiều những bịnh về thân lẫm tâm.