Thư trả lời cư sĩ Trí Chánh

(thư thứ nhất)

Nhận được thư đầy đủ. Lợi ích trong Phật pháp chỉ có người đích thân nhận lãnh mới biết được: Giặc cướp chẳng vào nhà ông. Trong khi lệnh từ (mẹ) bất tỉnh nhân sự, trong tâm vẫn có thể niệm Phật, ngón tay vẫn lần chuỗi; đấy quả thật là do thiện căn đời trước và do sự tu trì trong đời này cảm thành! Hãy nên thường nói về những cảnh vui nơi Tịnh Độ và mọi cảnh khổ trong cõi Sa Bà khiến cho cụ sanh lòng tin phát nguyện, quyết định cầu sanh Tây Phương, tâm chẳng còn một niệm mong cầu phước báo trời người trong đời sau.

Hằng ngày, hãy cùng với quyến thuộc gắng hết sức trợ niệm [cho cụ] giống như [cách thức cả nhà thay phiên trợ niệm cho mẹ] trong lá thư tôi gởi cho quan Đạo Doãn Hoàng Hàm Chi trong bộ Văn Sao thì chắc chắn cụ sẽ được vãng sanh Tây Phương. Làm con báo ân cha mẹ, chỉ có chuyện này là lớn. Xin hãy nỗ lực thực hiện, ngõ hầu vợ con, anh em trai, chị em gái đều hành như thế. Cái gọi là “độ chúng sanh” cũng ở nơi ấy, mà đôn đốc luân thường cũng nằm tại đấy; còn những điều khác thì hãy đọc kỹ Văn Sao.

Ông Từ [Tử Hỗn] bị ma dựa là do tà – chánh chẳng phân, coi tà là chánh, tưởng chánh là tà mà ra. Nếu có thể y theo lời Quang nói, [ma sự] sẽ tự mau tiêu diệt. Xin hãy chuyển lời và chỉ bày lợi – hại cặn kẽ, ngõ hầu ông ta sẽ dẹp được tà ma, đạt được lợi ích chân thật!

(thư thứ hai)

Những gì ông đã nói chính là bệnh chung của hết thảy mọi người. Muốn trị bệnh ấy, nếu không tưởng niệm cảnh khổ sẽ không xong! Kinh dạy: “Nghĩ tới nỗi khổ trong địa ngục, phát Bồ Đề tâm”, nhưng do chưa từng đích thân trông thấy sự khổ trong địa ngục, kẻ thiếu thiện căn vẫn chưa thể nhanh chóng phát tâm xa lìa, tránh né được! Thiết yếu nhất là hãy tưởng lúc quân đội hai bên giao chiến: Tiếng đại bác rền như sấm, đạn bay như mưa, phi cơ ném bom bên trên, địa lôi (mìn) ở dưới cùng lúc nổ rền thì quân đội đôi bên đều tan thân, nát xương, bắn tung tóe theo mảnh đạn pháo, hóa thành chẳng còn gì! Ta cũng đích thân dự vào trong ấy; nhưng ngay trong lúc sắp phát nổ hay chưa nổ, còn biết chú trọng niệm Phật cầu sanh. Lúc ấy hoảng sợ muôn phần, nhưng các sĩ quan chỉ huy đều cầm vũ khí, chẳng dám lười nhác chút nào, hễ lười sẽ phải chết ngay. Lúc ấy, trọn chẳng đến nỗi bị sự vụ buộc ràng, bị lòng sợ hãi gây trở ngại khiến cho chẳng thể niệm Phật được! Thứ cảnh giới ấy chẳng bằng được một phần vạn [nỗi khổ] trong địa ngục, nhưng do tâm lực phàm phu có thể nghĩ tưởng được [cảnh đáng sợ ấy, nên dạy họ nghĩ tưởng cảnh chiến tranh]. Khi nghĩ đến sẽ run sợ, [cảm thấy] rét thấu xương, lông trên thân dựng đứng cả lên như đích thân ta đã từng trải [cảnh ấy] vậy. Ông lười nhác là do chẳng xét kỹ nỗi khổ trong đời vị lai. Nếu suy nghĩ tường tận, sẽ trọn chẳng đến nỗi lười nhác lâu dài.

Còn như [ông than thở] bị sự việc lôi kéo, đấy cũng là cách nói lấp liếm thói hờ hững, hời hợt, chứ đâu phải là thật tình! Nay tôi nêu một thí dụ: Như đứa con hiếu thảo nghĩ đến cha mẹ, tuy phải thù tiếp cả trăm chuyện với người khác, trong tâm vẫn thường có ý niệm nghĩ đến cha mẹ, chẳng thể tạm quên. Lại như kẻ tham dâm thường nghĩ đến gái đẹp; tuy suốt ngày luôn bận việc, nhưng cái tâm mơ tưởng gái đẹp chẳng thể quên mất một khắc nào! Nếu ông có thể giống như kẻ lâm trận muốn thoát khổ, như đứa con hiếu nghĩ đến cha mẹ, như gã dâm say đắm phụ nữ thì trong hết thảy thời, hết thảy chỗ đều có thể niệm Phật chẳng gián đoạn. Những thứ pháp tắc khác trong Văn Sao đều có đủ, chỉ nên đọc kỹ, suy nghĩ cặn kẽ sẽ hiểu được, cho nên không nói nhiều nữa!

(thư thứ ba)

Hết thảy phàm phu đều có hai căn bệnh: một là cuồng vọng, hai là ngu si!

1) Cuồng vọng là cho rằng: “Ta vốn là Phật, cần gì niệm Phật nữa? Tâm tịnh thì cõi nước tịnh, cần gì phải cầu sanh Tịnh Độ?” Điều này thuộc về thói chấp Lý phế Sự. Thói tệ ấy dẫn tới thói bài bác, cho là không có nhân quả, hoại loạn Phật pháp, gây nghi ngờ lầm lạc cho chúng sanh. Người này ắt đọa địa ngục A Tỳ, vĩnh viễn không có thuở thoát khỏi! Do nhân lành mà chuốc phải quả ác, thật đáng thương thay!

2) Ngu si là cho rằng: “Ta là phàm phu, sao dám vọng tưởng liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh?” Chẳng biết: “Một niệm tâm tánh của chính mình chẳng hai, chẳng khác với một niệm tâm tánh của chư Phật. Chỉ vì phiền não Hoặc nghiệp chướng lấp đến nỗi công đức của Phật tánh sẵn có trong tâm này chẳng thể hiển hiện được!” Ví như tấm gương đồng lớn quý báu bị bụi phủ cả kiếp, kẻ trí biết là gương báu, kẻ ngu cho là vật đáng vứt đi.

Phật thương chúng sanh mê muội tự tâm, dạy họ niệm Phật cầu sanh Tây Phương vì rất quý tiếc Phật tánh sẵn có của chúng sanh, sợ họ vĩnh viễn mê mất, nên dạy họ sanh lòng tin, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ngõ hầu đích thân chứng được Phật tánh sẵn có ấy. Nếu chẳng cầu sanh Tây Phương, chỉ cầu “tiêu tai và chẳng mất thân người” thì có khác nào đem bảo châu Ma Ni vô giá đổi lấy một thẻ đường để ăn. Kẻ ấy ngu si đáng thương, chẳng biết tốt – xấu thật là bậc nhất! Hãy nên đem ý này nói với mẹ ông, cụ sẽ chẳng nẩy sanh cái tâm kém hèn như đã nói trên đây! (Tôi vốn tính nói với ông, nhưng vì ngữ ý bất tiện nên Quang sẽ nói trực tiếp với mẹ ông vậy)