Thư trả lời cư sĩ Thôi Đức Chấn

(năm lá thư) (năm Dân Quốc 21 – 1932)

1) Hết thảy chúng sanh đều sẵn có Tánh Đức, nhưng rất ít có Tu Đức. Nay đã phát tâm học Phật là do từ Tánh Đức khởi lên Tu Đức. Tuy có tâm ấy, nhưng nếu chẳng kiệt thành tận kính tu trì thì Tu Đức chẳng thể tăng trưởng, Tánh Đức vẫn bị phiền não ác nghiệp gây chướng ngại như cũ, chẳng thể hiển hiện được! Như mặt trời trong mây, trọn chẳng thấy được tướng sáng. Vì thế, phải phấn chấn tinh thần, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, làm các điều lành trong thế gian. Lại phải cạn lòng thành, tột lòng kính, sanh tín, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương để tu pháp xuất thế gian. Trong thế gian, học một tài, một nghề đều phải dốc hết toàn bộ tinh thần thì mới có thể thành được.

Nay là phàm phu sát đất lại muốn ngay trong đời này siêu phàm nhập thánh liễu sanh thoát tử, há chẳng phát khởi mạnh mẽ chí hướng lớn lao nâng cao tinh thần mà thành được ư? Ý nghĩa của chữ Đức Chấn là như vậy đó. Nếu có thể mạnh mẽ dẹp dứt thì Danh tương ứng với Thật. Nếu không, chỉ là hữu danh vô thật! Đấy là do chính mình phạm lỗi không thể mạnh mẽ dứt dẹp, chứ không phải là Phật pháp chẳng thể lợi người vậy!

2) Bệnh đã sắp phát ra, do nhờ Đại Sĩ che chở nên được lành, lẽ ra nên sốt sắng coi trọng việc ấy, tu trì pháp môn Tịnh Độ trọng yếu bậc nhất này, sao lại ơ hờ đi hỏi chuyện chẳng cần kíp? Rốt cuộc, chẳng qua cũng là cùng một điệu bộ với kẻ đi đường hỏi lối, [do vậy tôi] biết lòng tin các hạ đã nói ấy chỉ là lòng tin hời hợt bên ngoài, cái hạnh các hạ đã nói đó chính là hạnh vui chơi. Nếu thật sự lấy chuyện này làm chuyện bậc nhất trong đời người thì những gì được ẩn chứa bên trong sẽ lộ tướng ra bên ngoài, thoạt nhìn là biết ngay! Các hạ có câu hỏi thì đã phúc đáp, có yêu cầu [kinh sách] cũng đã gởi qua bưu điện. Quang già rồi, tinh lực chẳng đủ, từ rày chớ nên gởi thư tới nữa! Gởi đến sẽ không trả lời, một là do không rảnh rỗi để thù tiếp, hai là do bận bịu quá nhiều chuyện.

Thứ nhất, Tâm Kinh[1] (bản dịch của ngài Huyền Trang) chính là bản dịch toát yếu, cho nên không có phần Chứng Tín Tự và phần kinh văn lưu thông. Nhưng bản dịch của ngài Bát Nhã[2] và Lợi Ngôn[3] đời Đường với bản dịch của ngài Thi Hộ đời Tống đều có cả.

Thứ hai, hết thảy kinh chú tuy có các loại do Phật nói hay Bồ Tát nói khác nhau, tuy do Bồ Tát nói nhưng cũng đã được Phật chứng minh thì đều có thể gọi là “Phật thuyết”. Ông cho đó là do đệ tử đức Phật trước thuật (người hỏi vốn dùng lầm chữ Trước thành chữ Bút), sao lại miệt thị kinh chú quá đáng vậy? Dùng cái tâm này để tụng kinh chú chắc chắn chẳng có sự cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn!

Thứ ba, Tu La (Asura), cõi này dịch là Phi Thiên, nghĩa là có phước báo trời nhưng không có đức của chư thiên. Do họ có phước nên cũng được xếp vào thiện đạo. Do họ sân hận, kiêu mạn, tranh đấu nên cũng bị xếp vào ác đạo, vì thiện – ác, tội – phước xen tạp vậy! Trong đời có kẻ tin Phật, nhưng thường lầm lạc tự nẩy sanh ý kiến, ôm lòng nghi báng. Nói về phần được của người ấy thì có gọi là bậc chánh tín, nhưng nói về chỗ mất của người ấy thì cũng gọi là kẻ tà mê.

Thứ tư, Sa Bà (Sahā) là tên chung của tam thiên đại thiên thế giới,

Thứ năm, “kết già phu tọa” (ngồi kết già): Trước hết dùng chân phải đè lên đùi trái, dùng chân trái đè lên đùi phải, gọi là “già phu”. Chữ Già (跏) vốn viết là chữ Gia (加), có nghĩa là hai mu bàn chân đâu vào nhau. Phu (趺) là mu bàn chân. Nhưng ngồi lâu thì có thể thay đổi trái và phải cho nhau, đừng chấp chặt phải luôn luôn như vậy. Nếu chẳng thể xếp cả hai chân thì chỉ cần dùng chân trái đè lên chân phải là được rồi. Cách này còn gọi là “bán gia” (thường đọc trại thành “bán già”).

Thứ sáu, “giường to cao rộng” [được nói đến trong Bát Quan Trai Giới] chính là giường dây của tăng nhân hành hạnh Đầu Đà ở Tây Vực. Nước ta không theo cách này, chỉ là chớ nên ngồi trên giường, sập quý trọng hiếm đẹp mà thôi. Loại giường dây này giống như bộ cương ngựa ngày nay, dùng dây bện thành, có thể mở ra hay xếp lại được. Cao chẳng quá một thước sáu tấc, rộng chẳng quá bốn thước. Thước ở đây là thước đời Châu[4], nhỏ hơn thước hiện thời hai tấc. Giường này không phải là giường để ngủ, mà là giường để tọa thiền.

Thứ bảy, “chỉ có đường tắt tu hành”. Đây chính là giáo nghĩa, có thể chiếu theo văn tự để hiểu. “Y theo như cũ đi nhiễu”, đây chính là ý nghĩa trong nhà Thiền, phải có chỗ ngộ thì mới biết triệt để được. Tào Lỗ Xuyên[5] tự cho là bậc đại thông gia thông Tông thông Giáo còn hiểu lầm ý này. Các hạ muốn tôi giảng ý nghĩa này, đúng là lời hỏi giỡn chơi! Các hạ hãy buông xuống hết thảy tri kiến thừa thãi, nhất tâm niệm Phật, niệm cho đến khi tâm lẫn Phật đều mất cả rồi, sẽ tự phát ra một tràng cười to, hoàn toàn hiểu rõ. Khi chưa đạt đến, dẫu người khác có giảng cho vẫn chẳng biết được! Ví như đã đến điện Hàm Nguyên[6], mọi thứ trong điện ấy đều biết hết. Nếu vì người chưa đến đấy [mà nói] thì dù có nói rõ ràng, vẫn mờ mịt không biết y như cũ

Những câu nói trong nhà Thiền đều nhằm dạy người khác tham cứu. Nếu hiểu theo ý nghĩa văn tự thì chẳng những không được lợi ích, mà còn có thể coi “hiểu lầm” là ngộ, tội ấy cực lớn. Dẫu ngộ thật sự nhưng liễu sanh thoát tử vẫn còn cách xa lắm! Do kẻ ấy chỉ cậy vào tự lực, phải là sau khi đại ngộ rồi, phiền não, Hoặc nghiệp đoạn sạch không còn sót gì thì mới liễu được. Nếu không, chẳng do đâu mà liễu được! Pháp môn Niệm Phật nếu đầy đủ lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Căn tánh của các hạ cũng chỉ có thể học theo cách tu trì của hàng ngu phu ngu phụ. Nếu lầm lẫn bắt chước thân phận của Tào Lỗ Xuyên thì chẳng những liễu sanh tử trọn chẳng có phần mà còn thật sợ rằng đọa lạc ba ác đạo ắt đã sẵn phần! Vì sao vậy? Do “chưa được bảo là được, do chưa chứng nói là chứng”; do vậy, hoại loạn Phật pháp, khiến cho chúng sanh lầm lạc, nghi ngờ.

Thứ tám, những sách như Văn Sao v.v… gởi đi một gói, nếu chẳng hiềm là hèn kém, dở tệ, xin hãy đọc kỹ, hành theo, ngõ hầu chẳng uổng cuộc đời này và sự gặp gỡ này. Nếu cho là chẳng đáng để vào mắt thì hãy đem cho người thiếu mắt. Từ rày, chỉ nên bàn bạc, trình bày với ông [Phí] Phạm Cửu, đừng gởi thư cho Bất Huệ nữa, do tôi không đủ tinh thần thù tiếp.

3) Chuyện trong thế gian, có chuyện nên dùng lý để luận, có chuyện nên dùng tình để luận. Ông nói về chuyện của vị tên X… nọ cố nhiên nên dùng tình để luận, chớ nên cố chấp vào lẽ thường để đoán định. Sự việc xảy ra đã năm năm rồi, cũng không sợ người ta thấy nghe. Người ấy đã cùng với người tên Y… sống yên, chỉ nên để mặc. Nếu thật sự có lòng hiếu thảo, ắt sẽ thay cho người ấy lễ Phật sám hối, cầu cho người ấy giác ngộ. Lúc đến thăm hỏi nên khuyên người ấy niệm Phật, đây là dùng tình cảm. Nếu người ấy gặp khốn khó thì chẳng ngại gì châu cấp. Buôn bán trái lẽ để sống, không thể khuyên can được thì chuyện này lấy tình mẹ con làm chuẩn, chẳng thể luận theo lẽ thường! Còn đối với ông Y… ấy cũng chẳng được coi như kẻ oán cừu, kính nhi viễn chi mới là hợp lẽ.

Nam nữ tuy khác, tâm niệm vốn đồng. Trong đời, có những gã đàn ông trong nhà đã có thê thiếp, vẫn còn lang chạ với phụ nữ của người khác ở bên ngoài, con cái người ấy chẳng thể vì chuyện đó mà không coi ông ta là cha. Đối với người được cha thương yêu, tuy chẳng thể coi như là mẹ, nhưng cũng chớ nên xem như kẻ oán cừu. Coi như kẻ oán cừu tức là oán cừu cha! Sau này có thể dẫn đến những cử chỉ báo oán, hành hung, vì thế hãy nên kính nhi viễn chi! Sách Lễ Ký nói: “Phụ mẫu chi sở ái diệc ái chi. Phụ mẫu chi sở kính diệc kính chi” (Cha mẹ yêu mến gì thì ta cũng yêu mến nấy. Cha mẹ kính trọng gì thì ta cũng kính trọng nấy). Đối với chó, ngựa mà còn như thế huống gì là con người? Chỉ cần chẳng sanh phân biệt, tận hết lòng hiếu thảo của chính mình thì đối với thiên lý, tình người, lẫn Phật pháp đều có thể chẳng trái nghịch. Mong hãy đem ý này nói với người ấy. Người ấy sẽ trọn được lòng hiếu đôi bề, có thể khiến cho cha mẹ sanh lòng chánh tín, cầu sanh Tây Phương, lấy niệm Phật làm chuyện chánh. Chỉ nên quên đi chuyện cũ thì tình cảm mỗi ngày một thân thiết, lời nói sẽ nghe lọt tai.

Về phần cậu của ông, tôi đã bảo gởi Văn Sao, Gia Ngôn, Thống Kỷ, An Sĩ, Chánh Tín v.v… cùng một bưu kiện, nay sẽ gởi sách đi. Thư hôm trước của ông tôi cũng đã nhận được rồi. Cha mẹ ông đều một bề có tín tâm, nay hãy nên uyển chuyển khuyên dụ họ, khiến cho tín tâm của họ tăng trưởng, quả thật là ý nghĩa trọng yếu để người làm con, người làm Phật tử báo đền cội gốc vậy. Ông nói phần Biện Thể và Lợi Ích Về Mặt Pháp Do Nghe Chim Hót trong sách Di Đà Yếu Giải không rõ ràng, xin Quang giải thích; các giáo nghĩa thấu đạt lý rất sâu ấy há kẻ sơ tâm có thể hiểu rõ ngay được ư? [Nếu] giải thích, [người nghe] cũng phải đã có mấy phần hiểu rõ rồi thì mới được. Nếu không, phải tốn bao nhiêu bút mực mới có thể làm cho ông hiểu rõ ràng từng điều một? Ông hãy nên nhất tâm niệm Phật, sau hai ba năm, sẽ tự có cơ hội hiểu rõ ràng. Nếu muốn gấp hiểu rõ ràng ngay, hãy nên thỉnh một bộ Di Đà Yếu Giải Tiện Mông Sao[7], lắng lòng đọc, họa chăng biết ngay. Nếu vẫn chưa thể hiểu rõ ngay thì cần phải trui luyện từ từ mới biết được.

Vào năm ngoái, Quang đã nhận lời cư sĩ Lý Viên Tịnh tu chỉnh các bộ Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa Chí. Năm ngoái đã nhờ ông Hứa Chỉ Tịnh lo đại cương, còn phần tu chỉnh đều giao cho Quang. Hơn một năm qua, do thư từ và các việc bộn bề, một bộ cũng chưa thể sửa xong. Trước kia chưa sắp chữ ngay nên có chậm trễ cũng không sao, nay Thanh Lương Chí đã sắp chữ, mà mới chỉ sửa được một nửa, thường là mười mấy bữa chẳng rảnh rỗi được một ngày. Vì thế, nay quyết cự tuyệt hết thảy chuyện thù tiếp để làm việc này. Nếu không, hai đằng đều chẳng được lợi ích. Từ rày, bất luận chuyện nào, người nào, cũng đều đừng gởi thư đến. Gởi đến cũng không trả lời. Nếu không, do chuyện này thúc bách cùng cực, khó được như pháp. Lưu truyền những bộ danh sơn chí trong thế gian há nên làm cho xong chuyện hay sao? Mong hãy đem lời này nói với hết thảy người quen biết, và cũng đừng giới thiệu người khác đến quy y!

4) Đứa con gái ấy sanh ra để đòi nợ, chết là xong nợ, không còn ngờ gì! Chỗ có người đã bị chết đuối ấy thường có người chết đuối, chính là chỗ được gọi là “quỷ kiếm người chết thay”. Hãy nên ở nơi ấy lập một cái mốc gỗ, phía trên dùng một tấm sắt Tây trắng thật dày, khắc sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Chữ phải to để thấy được từ xa, phải tồn tại được lâu ngày thì sẽ dứt được cái họa ấy. Do lòng Từ của người khắc những chữ ấy sẽ cảm được từ quang của Phật gia bị. Từ rày bảo đảm chắc chắn không còn cái họa ấy nữa. Do đây có thể thấy được sức từ bi của Phật chẳng thể nghĩ bàn.

Cách cầu siêu cho người đã khuất chỉ có niệm Phật thật là bậc nhất. Thí Thực trong đời nay đều là hình thức mà thôi; do vậy, chẳng bằng thỉnh Tăng niệm Phật, buổi tối phóng Mông Sơn sẽ có lợi ích thật sự. Kinh sám pháp sự của Đạo Gia thường là trộm lấy những danh nghĩa trong Phật pháp rồi bịa đặt ra! Tăng thí thực còn khó được lợi ích thật sự, thì đạo sĩ thí thực há độ được vong ư? Chẳng qua mượn chuyện này để dối người mà thôi! Bị oán quỷ dẫn đi, ước về sự thì tợ hồ chịu khuất, nhưng ước về nhân thì chẳng phải là khuất. Đối với những điều đã dạy trong quẻ xăm, há nên chấp chặt? Bởi sự có muôn vàn biến hóa, xăm chỉ có bấy nhiêu đó thôi! Ngay như lời giáng cơ còn có khi chẳng ứng nghiệm, huống chi là lời thơ trong quẻ xăm?

[Nếu] vợ chồng ông bỏ con gái bên sông rồi đi về, đứa con gái bị chết đuối thì [vợ chồng ông] có lỗi, chứ nó ở trong nhà, rốt cuộc tự đến chết nơi sông, ông tự bảo đó là lỗi mình thì thành nói xàm rồi! Thật vậy đó! Oán chớ nên kết. Đời trước đã kết, đời sau chịu quả báo. Con quỷ ấy há không có nhân gì lại có thể lôi được đứa con gái ấy xuống sông ư? Do vậy, có thể biết là nhân quả vĩnh viễn không bị mất vậy!

5) Phật pháp viên thông vô ngại, cố nhiên Mật Tông có chuyện “chẳng được A Xà Lê truyền dạy [mà cứ tu học Mật pháp] thì là trộm pháp” chính là nhằm thể hiện ý tôn trọng pháp đến tột cùng, chứ không phải nhằm vĩnh viễn đoạn trừ Mật Tông. Nếu theo như lời ông nói, chưa thọ Tam Muội Da Giới[8] chẳng thể niệm Mông Sơn Thí Thực, thì không riêng gì Mông Sơn Thí Thực, ngay cả hết thảy chú cũng đều chẳng được niệm, vì chưa được A Xà Lê truyền dạy! Nhưng từ xưa đến nay, người bình thường niệm các chú Đại Bi, Chuẩn Đề[9] có cảm ứng rất nhiều! Thậm chí nhà Nho từ bia, thiếp mà biết có Tâm Kinh, mắc bệnh sốt rét[10] bèn gượng bệnh niệm kinh thì con quỷ gây bệnh sốt rét bèn tháo lui. Nếu đúng như ông nói thì con quỷ gây bệnh sốt rét sẽ càng thêm đắc thế[11]! Nay kể cùng ông một thí dụ. Ví như bậc quân tử đức dầy lấy thân làm gương để dìu dắt người khác, người trong một làng nghe theo sự chỉ huy, thảy đều an phận giữ mình. Người ấy do lấy thân làm gương để dìu dắt người khác, vượt hơn quan phủ phát ra hiệu lệnh buộc dân thi hành. Chớ nói sự cảm hóa bằng đức của người ấy trỗi hơn quan phủ! Nếu bắt chước quan phủ phát ra hiệu lệnh buộc người ta thi hành thì mọi người đều cho đó là phản nghịch. Chỉ [dùng tụng chú để] tự tu trì thì có ích, còn nếu tự tiếm mạo sẽ có tội. Như thế thì chẳng đến nỗi đoạn diệt Mật Tông, mà cũng chẳng đến nỗi phá hoại Mật Tông. Người thời nay phần nhiều dùng tình kiến phàm phu để nói Phật pháp. Vì thế, khắp mọi nơi đều trở thành gai góc, không chỗ nào để đặt chân bước đi được!

“Tiếm mạo”[12] là dối xưng A Xà Lê. Tác pháp[13] nào có trở ngại gì, vẽ chữ Phạn để quán tưởng đều có thể chiếu theo nghi quỹ, nhưng chớ nên tự xưng là đã được A Xà Lê quán đảnh. Ai biết được nghĩa này thì lời khuyên của Quang càng thêm rõ ràng. Người thời nay học Phật đều bằng cái tâm mù quáng khiến cho pháp nào cũng bị trở ngại, pháp nào cũng chẳng thành, đáng than cùng cực!

***

[1] Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajñāpāramitā Hrdaya Sūtra), ngoài bản dịch của ngài Huyền Trang ra, còn có sáu bản dịch nữa với tên gọi khác biệt: Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Đại Minh Chú Kinh (Cưu Ma La Thập dịch), Bát Nhã Ba La Mật Đa Na Đề Kinh (Bồ Đề Lưu Chi dịch), Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Bát Nhã và Lợi Ngôn dịch), Phổ Biến Trí Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Pháp Nguyệt dịch), Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Trí Huệ Luân dịch), và Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh (Thi Hộ dịch).

[2] Bát Nhã (734-?), là một vị cao tăng dịch kinh đời Đường, đôi khi còn được phiên âm là Bát Lạt Nhã (Prajñā), người nước Kế Tân ở Bắc Ấn Độ, họ Kiều Đáp Ma (Gotama), xuất gia năm bảy tuổi, năm 20 tuổi thọ Cụ Túc, năm 23 tuổi đến chùa Na Lan Đà ở Trung Ấn theo học với các vị Trí Hộ, Tấn Hữu, Trí Hữu v.v… chuyên nghiên cứu Duy Thức, Du Già, Trung Biên, Kim Cang Kinh, Ngũ Minh v.v… Năm Kiến Trung thứ hai (781) đời Đường Đức Tông, Sư đến Trường An. Năm Trinh Nguyên thứ tư (788), Sư dịch bộ Đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật Đa Kinh, năm sau lại dịch các ấn khế, chân ngôn, pháp môn từ trong Mật Tạng. Tháng bảy năm Trinh Nguyên thứ sáu (790), phụng chiếu đi sứ nước Ca Thấp Di La (Kashmir). Không lâu sau, Sư được sắc phong danh hiệu Bát Nhã Tam Tạng và được ban ca-sa tía. Sau đó, Sư dịch các bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Tứ Thập Hoa Nghiêm, Đại Thừa Bản Tánh Tâm Địa Quán Kinh, Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni Kinh v.v… Sư mất tại Lạc Dương, di thể chôn ở Tây Cương, Long Môn, không rõ thọ được bao nhiêu tuổi.

[3] Lợi Ngôn, không rõ năm sanh, là một vị cao Tăng đời Đường, người xứ Cưu Ty (Kuche) ở Tây Vực. Tên ngài còn được phiên âm là Địa Chiến Thấp La (Chân Nguyệt). Khi sa-môn Pháp Nguyệt từ Đông Ấn Độ sang Cưu Ty, Sư được gặp gỡ, bèn theo ngài Pháp Nguyệt học tập nội ngoại điển, nghe giảng các bộ Đại Thừa Nguyệt Đăng Tam Ma Địa Kinh, Lịch Đế Kỷ, Du Già Chân Ngôn đều nhớ nằm lòng. Năm Khai Nguyên 14 (726), Sư được thọ Cụ Túc, chuyên nghiên cứu học hỏi các kinh Đại Tiểu Thừa, sách tiếng Hán, sách tiếng Phạn, cũng như các phương ngôn ở Tây Vực. Năm Khai Nguyên 18 (730), theo thầy qua phương Đông, đến năm Khai Nguyên 20 (732), thầy trò tới Trường An, Sư làm người phiên dịch cho thầy, thường vào cung, rất được Đường Huyền Tông kính nể. Năm Khai Nguyên 24 (736), Sư trở về Tây Vực. Lúc ấy nước Phùng Thức Nặc đang có quốc biến, đường đi bị nghẽn, Sư bèn sang Vu Điền. Sau khi ngài Pháp Nguyệt thị tịch, Sư bèn trở về chùa cũ. Năm Thiên Bảo 13 (754), Sư lại sang phương Đông, đến tháng Hai năm sau bèn tới ngụ tại các chùa Long Hưng và Báo Ân, giúp ngài Bất Không dịch kinh. Năm Trinh Nguyên thứ 4 (788), Sư chính thức giữ chức Dịch Ngữ trong đạo tràng phiên dịch. Năm sau, lại theo hầu Bát Nhã Tam Tạng, đảm nhiệm việc phiên dịch kinh Na La Diên Lực Kinh. Không rõ Sư mất khi nào. Còn để lại những trước tác như Phạm Ngữ Tạp Danh, Tây Minh Tự Viên Chiếu Thi Tập. Ngoài ra những di cảo của Sư cũng được môn nhân thâu thập thành Phiên Kinh Đại Đức Hàn Lâm Đãi Chiếu Quang Trạch Tự Lợi Ngôn Tập.

[4] Một thước (Xích) đời Châu bằng 23.1cm.

[5] Tào Lỗ Xuyên là một vị cư sĩ sống cùng thời tổ Liên Trì. Khi tác phẩm A Di Đà Kinh Sớ Sao của đại sư Liên Trì được phổ biến trong cõi đời, Tào Lỗ Xuyên đôi ba phen cật vấn, cho là Tổ phế bỏ Tam Tạng kinh điển, coi căn khí của mọi người đều hèn kém như nhau, buộc tất cả mọi người đều phải tu pháp thiển cận, lên án Tổ coi thường kinh Hoa Nghiêm, đề cao kinh Di Đà quá đáng, toan dùng pháp môn Tịnh Độ chèn ép các tông khác, coi thường chư Phật, chỉ đề cao riêng mình Phật Di Đà v.v…

[6] Điện Hàm Nguyên là tiền điện của cung Đại Minh thuộc kinh đô Trường An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) của nhà Đường. Căn cứ trên phế tích và những di vật được khai quật, người ta biết điện này hùng vĩ và tráng lệ hơn điện Thái Hòa thuộc Tử Cấm Thành Bắc Kinh đời Minh rất nhiều. Do được dùng chủ yếu để thiết đại triều, nên trong điện Hàm Nguyên tập trung mọi thứ quý báu, hoa mỹ nhất của đế quốc Đại Đường.

[7] Di Đà Yếu Giải Tiện Mông Sao là tác phẩm giải thích bộ Di Đà Kinh Yếu Giải, do sa-môn Đạt Mặc ở Hồng Loa viết lời sao, tỳ-kheo Đạt Lâm tu đính. Hai vị này cùng sống vào giữa đời Thanh.

[8] Tam Muội Da Giới: Còn gọi là Tam Ma Da Giới, tức giới pháp bí mật trong Mật Tông. Theo giáo nghĩa Mật Tông, giới này lấy Bồ Đề Tâm làm giới thể, lấy pháp giới vô lượng đức viên mãn làm hành tướng cho Bí Mật Chân Ngôn Giới. Giới tướng của giới này là chẳng bỏ chánh pháp, chẳng lìa bỏ tâm Bồ Đề, chẳng keo kiệt hết thảy pháp, chẳng hề không lợi lạc chúng sanh. Đấy chính là bốn điểm trọng yếu của giới này. Ngoài ra, còn có những điều phải tuân thủ riêng khi thọ trì một bộ chú pháp nào đó, chẳng hạn như không được ăn một số thực phẩm nào đó, phải tẩy tịnh trước khi vào đàn tràng theo một nghi thức chuyên biệt v.v… cũng như phát thệ không tự tiện nói cho người khác biết những gì mình đã được học, nhằm tránh tạo khẩu nghiệp báng pháp cho người thiếu căn duyên với Mật pháp khởi lòng nghi rồi hủy báng. Trước khi vào đàn thọ pháp Mật Tông phải thọ giới này. Nói chung, Tam Muội Da Giới vẫn lấy Ngũ Giới làm căn bản, những kẻ tự xưng là Mật Tông bí truyền không vâng giữ Ngũ Giới đều là tà sư hoại loạn Phật pháp!

[9] Chuẩn Đề (Cundī), còn được gọi là Chuẩn Chi, Chuẩn Nê, Chuẩn Đề Quán Âm, Chuẩn Đề Phật Mẫu, Phật Mẫu Chuẩn Đề, dịch nghĩa là thanh tịnh. Đây là một hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, đặc biệt bảo hộ chúng sanh đoản mạng và chiết phục oán quỷ. Thiền Tông đặc biệt tôn sùng vị Bồ Tát này, hầu như các tự viện tùng lâm lớn của Trung Hoa đều thờ ngài. Thai Mật của Nhật Bản xếp ngài vào một trong các vị Phật Mẫu thuộc Phật Bộ, còn Đông Mật Nhật Bản xếp ngài vào một trong số sáu vị Quán Âm thuộc Liên Hoa Bộ (Thiên Thủ Quán Âm, Thánh Quán Âm, Mã Đầu Quán Âm, Thập Nhất Diện Quán Âm, Chuẩn Đề Quán Âm, Như Ý Luân Quán Âm). Đại Sĩ Quán Âm hiện thân này khi nói chú Chuẩn Đề. Ngài thường được tạc tượng có mười tám tay, mỗi tay cầm một món pháp khí, nhằm thể hiện ý nghĩa phân thân hóa độ khắp cả lục đạo ứng với mười tám giới.

[10] Ngược bệnh: Chữ Ngược ở đây không phải là bệnh sốt rét thông thường, mà là bệnh do oán đối quỷ mị dựa vào khiến cho bệnh nhân lên cơn sốt rét mỗi ngày, phải nhờ vào chú lực hoặc kinh lực để giải trừ oán kết thì mới hết bệnh được. Chúng tôi vẫn dùng chữ “bệnh sốt rét” cho dễ hiểu.

[11] Do cuối Tâm Kinh là một bài chú nên nếu hiểu như ông Thôi Đức Chấn “chưa được A Xà Lê truyền dạy sẽ không được niệm; nếu tự tiện niệm sẽ mắc tội vượt pháp” thì những Nho sĩ do không được truyền dạy mà khi bị bệnh Ngược cứ tự tiện niệm Tâm Kinh sẽ mắc tội vượt pháp, phước đức càng bị sút giảm, con quỷ gây bệnh Ngược do đó càng được tăng thêm thế lực.

[12] “Tiếm mạo” là vượt phận và mạo nhận. Ý nói có những người tu Mật Tông biết được một vài nghi quỹ, được truyền thụ một vài Mật Pháp, nhưng chưa đủ tư cách, giới hạnh của một bậc đạo sư, chưa thấu hiểu Mật pháp, nhất là chưa đủ sự hành trì, đã tự tiện lập đàn truyền pháp, thâu nhận đệ tử, tự xưng là A Xà Lê, rồi lập tông, lập phái.

[13] Đây là một thuật ngữ Mật Tông, hành nhân vào đàn, quán tưởng, kết ấn, cúng dường, tụng niệm, hỏa cúng dường (hộ-ma) đều gọi chung là “tác pháp”.