Thư trả lời cư sĩ Thí Nguyên Lượng

(thư thứ nhất)

Trong thư nên viết cả tục danh, chớ nên chỉ dùng pháp danh, ngay cả họ cũng không ghi! May là có Cừu cư sĩ; nếu không, thư trả lời cũng khó đưa tới nơi được vì pháp danh người ta phần nhiều chẳng biết, chắc sẽ đến nỗi bị chậm trễ hay thất lạc. Sáu người ấy đã muốn quy y, đều đặt pháp danh cho mỗi người. Xin hãy giao cho họ. Lại cần phải nói với bọn họ: Đã quy y Tam Bảo ắt phải sốt sắng tu trì Tịnh nghiệp, ai nấy lại còn phải trọn hết bổn phận của chính mình, để người đời đều cùng khâm phục chính mình đã trọn hết đạo “luân thường, hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” thì mới đáng gọi là đệ tử thật sự của đức Phật. Nếu không, dẫu được cái danh quy y xuông, trọn chẳng có thật hạnh tu trì, sẽ trở thành kẻ ham danh ghét thật. Do không có Thật thì danh cũng chẳng thể thật sự đạt được! Hiện tại, thời cuộc nguy hiểm, bất luận già – trẻ – trai – gái đều nên niệm Phật, niệm Quán Thế Âm để dự phòng. Những điều khác đã nói tường tận trong Gia Ngôn Lục v.v… Quang già rồi, tinh thần, mục lực, công phu đều chẳng đủ, chớ thường gởi thư tới ngõ hầu đôi bên chẳng bị quấy nhiễu thì mới nên!

(thư thứ hai)

Ba mươi ba pháp danh được viết trong một tờ giấy khác, gói chung với gói sách đựng tro hương, gởi bằng thư bảo đảm. Hai mươi gói sách còn lại không gởi bằng thư bảo đảm. Bọn họ đều phải nên giữ giới, ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Hãy nên chiếu theo Gia Ngôn Lục mà hành. Chuyện bế quan cũng không cần thiết vì ông có quyến thuộc, công việc, huống chi hiện nay thời cuộc bất định. Nếu như gia cảnh dư dả thì thọ giới ở Hoa Sơn cũng được. Nếu không, chẳng cần phải góp phần vào cuộc náo nhiệt ấy, thọ Phương Tiện Giới[1] cũng được.

Liên Xã là chỗ để đề xướng, chẳng nên thường đến đó niệm. Bình thường cứ niệm ở trong nhà, còn thiếu niên, phụ nữ chỉ nên cho phép đến niệm Phật một lần tại đó sau giờ Ngọ, nghe diễn giảng xong liền ra về. So với việc để họ suốt ngày niệm Phật tại Liên Xã sẽ đỡ phải chuốc lấy bao nhiêu tiếng thị phi. Cách này xét về cả hai mặt đều chẳng trở ngại gì. Nếu để cho họ niệm suốt ngày tại Liên Xã, dẫu không có chuyện gì xấu xa, vẫn khó khỏi bị kẻ xấu mù quáng bịa chuyện thì hai đằng đều phạm tội lỗi! Nữ giới đến niệm Phật chớ để cho họ nói chuyện thị phi trong gia đình. Nếu họ không tuân theo quy củ, liền yêu cầu họ lần sau đừng tới nữa. So ra, làm như thế sẽ có phần tốt hơn!

(thư thứ ba)

Bốn pháp danh được viết trong tờ giấy khác gởi kèm theo, xin hãy chuyển giao. Phàm ai quy y đều nên dạy họ ai nấy phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng Thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Người tại gia thọ Ngũ Giới và thọ Bồ Tát Giới, chứ không thể thọ Tỳ Kheo Giới. Người thọ Tỳ Kheo Giới mới gọi là Viên Cụ (trọn vẹn, đầy đủ), há nên xưng bừa? Người tại gia thọ giới trên giới điệp (tờ phái quy y) chỉ viết quy y ở chùa nào, do vị thầy nào [chứng minh], chẳng cần phải ghi những thứ như pháp phái v.v… Thọ giới ắt phải trì giới, mà không thọ giới vẫn phải trì giới; chứ không phải là chưa thọ giới thì sẽ chẳng trì giới! Vì sát sanh, trộm cắp, tà dâm, đại vọng ngữ (chưa được nói là được, chưa chứng nói đã chứng, gọi là “đại vọng ngữ”. Tội ấy cực nặng) gọi là Tánh Giới, vì do thể tánh [của những điều ấy] mà thành giới vậy. Giới uống rượu gọi là Giá Giới (Giá là ngăn dứt), chỉ người thọ giới mới không được uống. Kẻ chưa thọ giới mà uống sẽ không mắc tội!

(thư thứ tư)

Thư nhận được đầy đủ, chuyện thọ giới ở Hoa Sơn chậm trễ cũng không sao. Trẻ nhỏ lâm chung biết niệm Phật, lại được nhờ sức trợ niệm rốt cuộc được vãng sanh, cũng có thể nói là nhân duyên hội đủ nên mới được lợi ích thật sự. Ông nói đến chuyện chánh phủ sửa đổi [cho phép nhà trường] đọc sách Nho, muốn Hứa Chỉ Tịnh soạn chú thích riêng [cho những kinh điển Nho gia] thì ông Hứa đã già rồi, chẳng thể dụng tâm được! Dẫu có thể làm được thì ai chịu tuân theo? Đừng lo lắng quá về chuyện này. Châu Tử (Châu Hy) chú thích ý nghĩa chữ Minh Đức hoàn toàn mượn những nghĩa lý từ kinh Phật, nhưng không thể làm cho người ta lập tức hiểu rõ được vì ông ta không nói thẳng vào nguyên do của Tánh Đức và Tu Đức. “Thân dân” hay “tân dân” đều được cả. Chữ Thân (親) bao gồm ý nghĩa rất rộng, Tân (新) là chỗ phát hiện của Thân (親). Ông hãy nên dạy trẻ nhỏ niệm Phật trước, biết được chỗ hay của Phật pháp rồi thì chỗ xấu xa của Tống Nho cũng có thể trở thành những điều phụ giúp cho Phật pháp. Nếu không, đôi bên đều chẳng có ích gì! Với hai mươi đồng hương kính, tôi đã bảo gởi mười mấy gói sách, chắc đã nhận được rồi. Hai ba hôm gần đây do phải phơi kinh nên phúc đáp chậm trễ.

Nếu tượng Phật không thích hợp thì đắp lại cũng không ngại gì; những vật được đặt trong lòng tượng Phật hay tượng Bồ Tát cũng là do thói quen thế tục, chẳng có ý nghĩa sâu xa gì. Đặt kinh chú Đại Thừa trong lòng tượng thì có ích, những thứ khác đều là [theo quan niệm] thế tục. Ngay như những vật [dùng để yểm tượng] được nói tới trong Mật Tông vẫn là theo tình cảm thế tục. Chuyện gây tai hại nhất cho người đời sau là dùng vàng, bạc, vật báu để yểm tâm[2] tượng, đến nỗi về sau kẻ vô tri hủy tượng để lấy báu vật. Của báu có được mấy đâu, chỉ bỏ vào cho đủ theo danh mục mà thôi, nhưng cái họa hại người bắt nguồn từ lúc yểm tâm tượng. Đây cũng là điều đáng để răn dè!

Xưa kia, một người ở Sơn Đông ban đêm ăn trộm của báu yểm tâm tượng thần Nhị Lang[3]. Hôm sau, thần đạp đồng, nói: “Vật yểm tâm trong tượng ta đã bị người khác ăn trộm mất!” Hỏi là ai, thần bèn nói: “Kẻ ấy lợi hại lắm! Khắp thân đều là lông, trên đầu mọc ra một cái chân”. [Thần lại] nói: “Người này bọn ta tìm không ra, chỉ đành kiếm bọn già các ngươi!” Gã ăn trộm đó về sau đi tiêu ngoài đồng, thấy một con chó nhỏ chực bên cạnh. Chó đớp vào hậu môn một phát, ruột tuôn ra ngoài. Gã ấy nói: “Khi ta ăn trộm vật yểm trong tượng thần, sợ thần nhận được mặt, bèn mặc ngược áo bông, đầu trùm một cái vớ bằng vải bông”, nên thần mới tưởng “khắp thân là lông, trên đầu có một cái chân”. Bọn dân hèn trong chốn làng quê không lợi gì chẳng cầu. Vì thế, khi đắp tượng đừng yểm tâm! Nếu yểm tâm, sau này [tượng] ắt sẽ bị kẻ ngu phá hủy.

***

[1] Theo Phật Học Thường Kiến Từ Vựng (cư sĩ Trần Nghĩa Hy chủ biên), Phương Tiện Giới gọi đầy đủ là Thập Chủng Phương Tiện Giới hoặc Tam Thế Vô Chướng Ngại Giới, chính là Thập Thiện.

[2] Đây là một niềm tin cho rằng tượng không được yểm tâm (tức là bỏ những thứ quý báu, kinh sách, bùa chú, chỉ ngũ sắc đã tụng chú kết thành gút, những khối hương v.v… vào trong tượng) thì tượng thờ sẽ không linh. Sau khi đã yểm tâm, lại còn phải làm lễ khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng thì tượng ấy mới được thần thánh, trời, Phật ngự vào, mới trở thành thiêng liêng. Nếu không, tượng ấy sẽ chỉ là đất, gỗ, đồng, sắt, xi-măng, không có tác dụng gì!

[3] Thần Nhị Lang còn gọi là Quán Khẩu Nhị Lang là một vị thần nổi tiếng trong Đạo Giáo, được coi là vị thần chuyên ngăn ngừa tai nạn lửa nước, có miếu thờ chính ở gần đập Đô Giang, huyện Quán tỉnh Tứ Xuyên, nên mới gọi là Quán Khẩu Nhị Lang. Có rất nhiều cách giải thích lai lịch vị thần này. Dưới ảnh hưởng của truyện Tây Du Ký, người ta thường nghĩ Nhị Lang Thần chính là Dương Tiễn, tức con trai của em gái Ngọc Hoàng Thượng Đế. Em gái Thượng Đế động lòng trần, trốn xuống trần gian lấy chồng, đẻ ra Dương Tiễn. Sách Phong Thần Diễn Nghĩa cũng giải thích Nhị Lang Thần là Dương Tiễn, nhưng lại bảo Dương Tiễn là sư điệt của Khương Tử Nha! Có thuyết cho rằng Nhị Lang Thần chính là con trai của Lý Băng dưới đời Tần, do có công giúp cha giết giao long, trị thủy ở Quán Khẩu nên được phong thần. Dưới đời Tùy, Nhị Lang Thần được hiểu là Triệu Dục, vốn là quan Thái Thú ở Gia Châu, cũng có công trị thủy. Đến đời Tống, Triệu Dục lại được hiểu là một đạo sĩ ở núi Thanh Thành, do có công trị thủy nên được Tống Chân Tông phong là Thanh Nguyên Diệu Đạo Chân Quân. Ngoài ra vào đời Đường còn có truyền thuyết Nhị Lang Thần chính là con thứ hai của Tỳ Sa Môn thiên vương. Khi An Lộc Sơn làm loạn, Nhị Lang từng suất lãnh thiên binh, thiên tướng cứu giúp hoàng thất nhà Đường!