Thư trả lời cư sĩ Thang Cẩm Trung

Ngày Hai Mươi Tám tháng Ba, Quang nhận được thư của ông Vương Hải Tuyền từ bưu cục Nhị Giáp ở Hải Môn gởi đến, cho biết bọn ông X… đã vâng theo lời phủ dụ từ đàn cầu cơ, liên lạc các giới nông, công, thương, giáo dục, quân đội, chánh khách trong bốn huyện Nam Thông, Hải Môn, Khải Đông, Như Cao, thiết lập đạo tràng cầu cho thế giới hòa bình, đã thành lập được mấy chục nơi. Quang bảo ông Vương: “Từ nay trở đi, bất luận người đã quy y hay chưa quy y trong bốn huyện ấy tôi đều chẳng trao đổi thư từ với họ. Dẫu họ có gởi thư bảo đảm tới, tôi cũng để nguyên thư trả lại nhằm khỏi bị bọn X… lôi kéo Quang vào chuyện cầu cơ! Bởi lẽ, các cơ quan Phật giáo trong bốn huyện đều bị bọn chúng hiệu triệu, Quang chẳng lọt bẫy chúng! Người đời sau sẽ chẳng thể đem chuyện cầu cơ hoại loạn Phật pháp bắt tội Quang được!”

Ngoài thư xin quy y ra, các hạ chưa nêu rõ tên huyện. Nếu ghi rõ tên huyện, thư sẽ bị gởi trả lại, quyết chẳng bóc ra. Nay đã bóc ra xem, thấy ông đã lôi kéo được ba người giới thiệu, có thể thấy được lòng Thành; do vậy bèn đặt pháp danh là Huệ Chánh, nhưng vẫn để nguyên thư [của những người giới thiệu] gởi trả lại để lần sau họ khỏi gởi thư tới nữa!

Ông X… vốn là bậc quân tử hậu đức, hồi còn dạy dỗ học sinh trong ngành giáo dục, do dụng tâm quá độ bị bệnh[1], thuốc Tàu lẫn thuốc Tây đều chẳng thể chữa lành, có người bạn khuyên niệm Phật, liền dần dần khỏi bệnh. Năm Dân Quốc 11 (1922), Quang từ Phổ Đà đến chùa Thái Bình ở Thượng Hải, ông ta thường đến thăm. Năm sau, ông ta trở về quê khuyên người khác ăn chay niệm Phật có cảm ứng lớn lao. Mười mấy năm qua vẫn chưa biến đổi. Gần đây mê đắm chuyện cầu cơ, Quang biết được bèn cực lực chỉ rõ điều lợi lẽ tệ của việc cầu cơ, nhưng ông ta đã được [những linh quỷ giáng cơ mạo danh thần tiên] khen ngợi đến nỗi mất trí điên cuồng, chẳng những không nghe lời Quang khuyên mà còn đem thư Quang đốt đi. Cuối thư Quang gởi cho ông ta có câu: “Nếu chẳng coi lời Quang là đúng thì hãy giao cho ngọn lửa”. Ông ta viết thư trả lời Quang: “Tôn dụ[2] đọc xong liền giao cho ngọn lửa”, lại còn gởi mấy bài cơ bút khen ngợi Quang, muốn mê hoặc Quang. Quang bảo: “Bậc thánh nhân đắc đạo, quyết chẳng khen ngợi người khác quá lố như thế! Do một chuyện này, có thể biết đấy là linh quỷ giả mạo!” Sau khi đem nguyên thư gởi trả lại, ông ta lại gởi mấy bài [cơ bút] nữa! Quang nói: “Tuy họ khen ngợi Quang, càng khiến Quang chán ngán. Ai có chí nấy, mỗi người thấy đúng – sai mỗi cách. Từ nay về sau, đừng gởi cho tôi một chữ nào nữa!”

Quang không có sức hoằng pháp, nào dám dùng cách cầu cơ tưởng chừng như là đúng mà [thật ra là] sai để hoại loạn Phật pháp ư? Nói đến cái lợi của cầu cơ thì những hành động tốt lành như cứu trợ tai ương v.v… quyên mộ đều chẳng được mấy. Những lời giáng cơ thì ai cũng chẳng dám trái nghịch, nhưng thật ra quá nửa là do người vịn cơ bút ngụy tạo, chứ chưa chắc đã đều phải là do linh quỷ giả mạo, huống là chân tiên ư? Còn bảo là của Phật, Bồ Tát giáng cơ thì càng chẳng cần phải nói nữa! Điều này tuy có lợi, nhưng quả thật đã dẫn khởi điều tệ. Vì thế, chẳng muốn nhận lấy cái hại của thói tệ ấy, mà ngay cả điều ích lợi của nó cũng chẳng dám nhận! Xin hãy dựa theo pháp môn Tịnh Độ để tự hành, dạy người và đưa thư này cho ba người giới thiệu xem ngõ hầu bọn họ đều biết rõ nguyên do. Đừng gởi thư tới nữa để chẳng đến nỗi lầm lẫn sanh lòng oán cừu!

***

[1] Theo những điều nói ở đây thì ông X… chính là Giang Dịch Viên. Thoạt đầu Giang Dịch Viên nhiệt tình tin tưởng Tịnh Độ, lập Phật Quang Xã ở Vụ Nguyên, đề xướng rất tích cực, viết rất nhiều sách có giá trị. Về sau do mê cầu cơ đến nỗi coi tổ Ấn Quang là người ương bướng, không nghe theo “thánh giáo” của “chư Phật, chư tiên”!

[2] Do ông ta tôn tổ Ấn Quang làm thầy, nên lời lẽ trong thư của Tổ được coi như lời thầy nhắc nhở, dạy dỗ học trò, nên dùng mỹ từ là “tôn dụ” (lời răn dạy, phủ dụ tôn quý).