Thư trả lời cư sĩ Quách Giới Mai (hai lá thư)

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

1) Nhận được thư và bộ Vụ Bổn Tùng Đàm[1] biết các hạ có lòng với thế đạo nhân tâm, khôn ngăn mừng rỡ, an ủi. Nói đến những chuyện ngoa truyền trong cõi tục, nói chung là do thiện căn cạn mỏng, ác nghiệp sâu nặng mà ra. Người cõi tục trong làng quê vô tri, chỉ muốn chết đi chẳng chịu tội, có tiền xài, đến nỗi có kẻ tục Tăng không hiểu giáo lý, ngụy tạo kinh Thọ Sanh khớp với điều họ ưa chuộng, thành ra những kẻ vốn sẵn lòng hèn kém tham tiền và chỉ cầu tự lợi, bèn chẳng tiếc nhiều tiền bạc để trả nợ tiền Thọ Sanh! Lại còn gởi kho để mong chết đi được thọ dụng, chẳng biết thọ sanh tùy thuộc nghiệp thiện hay ác, há có thể nhờ tiền để chuộc mạng nơi các quan ở âm tào ư? Lúc còn sống chịu tu thiện thì chết đi sẽ tự được thọ dụng. Nếu chẳng tu thiện, dẫu con cháu vì người [đã mất] ấy đốt y phục, tiền tài, cũng chẳng thọ dụng được, sẽ bị kẻ mạnh bạo có sức mạnh cướp đoạt mất. Đây là nói về người bình thường chẳng biết niệm Phật.

Nếu là người niệm Phật, lúc sống nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, lâm chung sẽ tự được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, sao chẳng cầu sanh Tây Phương, chỉ mong chết đi làm quỷ vậy? Đúng là chẳng biết tự trọng, toan tính làm chuyện thấp kém, muốn vĩnh viễn ở trong biển khổ sanh tử, chẳng muốn thoát lìa, sao mà ngu cùng cực đến như thế?

Lại nữa, hàng nữ nhân thường nghi sanh sản là có tội, hàng Tăng sĩ kém cỏi, vô tri bèn ngụy tạo Huyết Bồn Kinh, Huyết Bồn Sám. Nữ nhân nghe vậy, mừng rỡ quá đỗi, ai nấy đều muốn niệm Huyết Bồn Kinh, lạy Huyết Bồn Sám, phá huyết hồ. Đúng là lấy trò đùa của trẻ con để làm căn cứ diệt tội, thoát khổ, đáng than quá đỗi! Cái tội của nữ nhân là [ở chỗ] phạm lỗi “chẳng hiếu với cha mẹ và bố mẹ chồng, chẳng kính trọng chồng, chẳng đối xử nhân hậu với tôi tớ, chẳng dùng thiện đạo để dạy con, và chẳng tắm rửa đúng lúc”. Nếu do chí thành, cung kính niệm Phật để mong tiêu diệt nghiệp xưa, tẩy lòng, rửa ý, chẳng tạo tội khiên về sau nữa, do Sa Bà dấy động lắm tội khiên bèn quyết chí vãng sanh Tây Phương, đấy mới là chánh lý. Sao chẳng sám hối tội lỗi trong tự tâm mà chuyên dựa vào ngụy kinh để sám diệt tội lỗi vậy?

Đã tin Phật là bậc cứu độ, sao chẳng niệm kinh Đại Thừa do đức Phật đã nói như Kim Cang Kinh, Di Đà Kinh, Tâm Kinh, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Pháp Hoa Kinh, Lăng Nghiêm Kinh v.v… để mong diệt tội tăng phước? Diệm Khẩu[2] là pháp trọng yếu để cứu vớt cô hồn, lại ngược ngạo chẳng tin, xúm nhau phá huyết hồ, phá địa ngục, coi đó là những “Phật sự” không thể không làm! Chính mình chẳng được lợi ích chân thật, đâm ra làm cho kẻ hiểu lý thế gian nhưng không biết Phật pháp tưởng đó chính là Phật pháp. Do đó, nẩy sanh đủ mọi lời lẽ báng pháp bừa bãi, còn tự cho là đúng. Những kẻ mù quáng đâm ra tuân phụng [những ý kiến sai lạc ấy], coi như khuôn thước. Như trong Cổ Văn, qua bài văn “viết sau cuốn Hành Hiếu Truyện của Lưu Vũ Trù” của Lưu Bá Ôn[3], đủ thấy kẻ ngụy tạo Huyết Bồn Kinh tội lớn ngập trời!

Đối với người niệm Phật, khi lâm chung mọi người đồng thanh niệm Phật, khiến cho [người ấy] chánh niệm rỡ ràng, liền được theo Phật vãng sanh. Cần gì phải đối trước thần Thổ Địa dâng cơm ba ngày để mong họ đối xử nương tay [với người chết], chẳng trị tội khắc nghiệt? Đúng là trở thành kẻ si vậy! Như người đã được Đại Tổng Thống tuyển dụng, người ta có còn phải hướng về cảnh sát cầu xin rộng lòng hậu đãi hay chăng, há chẳng phải là lời lẽ tức cười đó ư? Chúng sanh nghiệp nặng chướng sâu, phàm là pháp do Phật, Bồ Tát, thiện tri thức đã nói thì phần nhiều chẳng tín phụng, còn những pháp do tà ma ngoại đạo nói thì lại như ruồi bâu theo hơi thối, [xúm xít] như kiến bu, chim đậu ùa nhau hùa theo. Xét đến kết quả, nếu được phước báo nhân thiên nhỏ nhoi đã là muôn vàn may mắn rồi! Phần nhiều coi tà đạo là Phật pháp, chê Phật pháp là tà đạo, dẫu trong đời này chẳng vướng phép nước thì chết đi sẽ vĩnh viễn đọa trong địa ngục, vạn người chẳng sót một ai, chẳng đáng buồn ư? Nguyện các hạ lớn tiếng kêu gào để họ được tỉnh giấc mộng.

2) Giở sách xem qua loa, chưa thể đọc kỹ, [đã thấy] trong ấy cũng có lắm chỗ lầm lẫn, còn những điều khác tôi chưa để ý đến. Nơi trang hai mươi hai, trong dòng ba và dòng bốn ở cuối trang, viết chữ Tình (情) của từ ngữ “tình trạng” thành Hình (形) là đã bỏ gốc chạy theo ngọn vậy! “Tình” là tâm thức, còn “trạng” là hình tướng. Đây có lẽ là vì không nhớ rõ mà ra. Lại nữa, trong trang ấy và trang kế đó, chữ Hồi (迴) trong luân hồi (輪迴) phần nhiều bị viết [sai] thành Huýnh (迥)[4] (ở đây là do người sắp chữ không chú ý, người giảo chánh cũng không duyệt kỹ), nên giảo chánh lại, sửa cho đúng thì in lần sau mới có lợi ích hơn.

Hơn nữa, phàm là trong văn Bạch Thoại, hễ dẫn kinh Phật hay sách Nho, trước hết nên trích nguyên văn, rồi mới dùng từ ngữ Bạch Thoại để diễn giải thì có căn cứ rõ ràng, người đọc dễ lãnh hội. Nếu dùng ngay văn Bạch Thoại để nói tuy vẫn có lợi, nhưng người ta khó lòng chấp nhận. Do vậy, mới nói: “Ngôn nhi vô văn, hành chi bất viễn”[5] (nói năng không có sắc thái văn chương thì không lan truyền được xa). Gần đây, Quang bị đủ mọi chuyện bận bịu, chẳng thể vì các hạ nhọc công dò theo từng hàng mực được[6], nhưng cái tâm giảo chánh cố nhiên là ân cần thiết tha, vì thế trình bày đại lược một hai điều vậy!

***

[1] Vụ Bổn Tùng Đàm là một cuốn sách do ông Quách Giới Mai biên soạn với nội dung khuyến cáo những người làm cha mẹ chú trọng vun bồi đức hạnh, luân thường của chính bản thân rồi áp dụng vào việc giáo dục con cái, cũng như những điều cần tránh để tạo thành những thói xấu cho trẻ.

[2] Đây là một khoa nghi thí thực cho cô hồn ngạ quỷ dựa theo lời dạy trong kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni Kinh. Theo kinh đó, ngài A Nan nhập định trong rừng, thấy một ngạ quỷ mặt bốc lửa bừng bừng, hình hài khô kháo, đầu tóc rối bù, bụng to như trống, họng bé như kim, nên có tên là Diệm Khẩu. Quỷ cho biết kiếp trước keo kiệt, tham lam không biết chán đủ nên bị đọa vào loài ngạ quỷ. Quỷ cũng báo trước A Nan sau ba ngày nữa sẽ chết, đọa làm ngạ quỷ. A Nan kinh sợ vội chạy đến cầu cứu đức Phật. Nhân đó, Phật dạy cách thí thực, vận tâm từ bi, quán tưởng và chú lực để thí khắp hằng hà sa số ngạ quỷ và chư tiên, công đức vô lượng, tăng trưởng thọ mạng, thoát báo ngạ quỷ. Nguyên tắc chủ yếu là dùng đồ chứa sạch sẽ, đựng nước ăn, chút ít thức ăn dùng tay phải đè lên trên, tụng chú bảy biến, xưng danh hiệu thất Phật (Đa Bảo, Diệu Sắc Thân v.v…) rồi rải khắp bốn phương, khảy ngón tay bảy lần. Đem món ăn ấy đổ xuống chỗ đất sạch để ngạ quỷ hưởng dụng. Về sau, khoa nghi nguyên thủy được biên soạn dựa theo Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Đà La Ni Diệm Khẩu Nghi Quỹ Kinh (do ngài Bất Không dịch) đã chịu ảnh hưởng nhiều của Mật Tông Tây Tạng nên trở thành dần dần quá phức tạp, rườm rà. Vì thế, để thuận tiện cho việc hành trì, cao tăng các đời đều lưu tâm chỉnh lý. Hiện thời, khoa nghi Diệm Khẩu phổ biến nhất là bản Thiên Cơ Diệm Khẩu (tức Tu Tập Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi do ngài Thiên Cơ đời Minh tu chỉnh các khoa nghi Diệm Khẩu sẵn có từ trước). Bản Thiên Cơ lưu hành hiện thời đã được tổ Liên Trì tu chỉnh tạo thành Tu Thiết Du Già Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi (nhưng vẫn quen gọi là Thiên Cơ Diệm Khẩu). Kế đến là bản Hoa Sơn Diệm Khẩu do ngài Đức Cơ núi Bảo Hoa tu chỉnh bản của ngài Liên Trì một lần nữa, đặt tên là Du Già Diệm Khẩu Thí Thực Tập Yếu.

[3] Lưu Bá Ôn (1311-1375), tên thật là Lưu Cơ, tự là Bá Ôn, thụy hiệu Văn Thành, người Nam Điền, huyện Văn Thành, Ôn Châu, là một nhà quân sự và chính trị gia lỗi lạc đồng thời là một thi nhân nổi tiếng cuối đời Nguyên, đầu đời Minh. Ông rất giỏi về binh pháp và sách lược, phù tá Châu Nguyên Chương sáng lập cơ nghiệp nhà Minh. Ông được hậu thế xưng tụng “tài trí vượt hẳn Gia Cát Lượng!” Châu Nguyên Chương từng khen ngợi: “Ông là Tử Phòng (Trương Lương) của ta”. Do ông quá tài giỏi, trong dân gian đã lưu truyền nhiều truyền thuyết tô vẽ Lưu Cơ như một bậc đạo sĩ tu chứng trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý, thấu hiểu huyền cơ, có thể thấy trước vận mạng đất nước vài trăm năm!

[4] Tuy tự dạng khá giống nhau, nhưng hai chữ này ý nghĩa khác nhau rất xa. Hồi (迴) là quay trở về, còn Huýnh (迥) là xa cách. Do đó, viết luân hồi (輪迴) thành luân huýnh (輪迥) vừa sai âm vừa sai nghĩa quá nhiều.

[5] Đây là một câu thành ngữ vốn trích từ một bài hát cổ mang tên Giác Điệu Khúc trong những ca từ do Yến Tạ soạn. Cả câu là “ngôn nhi vô văn, hành chi bất viễn, nghĩa nhi vô lập, cần tắc vô thành” (nói năng không có sắc thái văn chương thì không lan truyền được xa, nghĩa không được lập, dù có siêng năng cũng chẳng thành công). Chúng tôi dịch câu này theo cách giải thích của Hán Điển Thành Ngữ.

[6] Ý nói: Dò theo từng dòng chữ để giảo chánh.