Thư trả lời cư sĩ Lý Trọng Hòa

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Con gái xuất giá, giảm nhẹ gánh nặng rất nhiều. Xin hãy khuyên nó: “Nên trọn hết đạo làm vợ, hiếu với bố mẹ chồng, kính trọng chồng, hòa thuận với chị em dâu, rộng rãi với tôi tớ, vẫn giữ đạo niệm Phật, chớ lấy chồng rồi bỏ luôn [không niệm]. Lại phải mềm mỏng khuyên chồng niệm Phật và Quán Thế Âm để làm chỗ nương tựa cho tương lai. Làm được như thế thì người tôn kính, thần che chở, chẳng gặp tai chướng, điều phước chuyện lành đều cùng tụ họp. Chẳng những chính ngươi được vẻ vang mà người ta cũng vì ngươi mà kính trọng lây cả cha mẹ sanh ra ngươi; cho là nhà ấy có gia giáo, cho nên cô gái ấy từ nhỏ đã quy y Phật pháp, ăn chay, niệm Phật, nay được tốt lành như thế. Nào phải chỉ cha mẹ được nở mày nở mặt, mà vị thầy [ngươi] quy y cũng được vẻ vang! Nếu chẳng hiền hiếu, ắt ngươi bị người ta ghét; đấy vẫn còn là chuyện nhỏ! Ắt người ta sẽ nói cha mẹ ngươi không có đức hạnh nên mới sanh ra đứa con gái chẳng hiền chẳng hiếu ấy, ắt cha mẹ ngươi thường bị người khác nhục mạ, vị thầy ngươi quy y cũng bị người ta chê trách là chẳng thể giáo hóa ngươi hành hiếu kính”. Mong cho bọn họ hiện tại làm con gái hiền, xuất giá làm vợ hiền của người ta, sau này trở thành hiền mẫu của người khác thì may mắn nào hơn!

Xin hãy sáng suốt suy xét, bảo tường tận cùng bọn họ: Kinh Địa Mẫu[1], kinh Thái Dương, kinh Thái Âm, kinh Táo Vương, kinh Nhãn Quang, kinh Thọ Sanh, kinh Huyết Bồn, kinh Diệu Sa, kinh Phân Châu v.v… đều là ngụy tạo. Hiềm rằng nữ nhân hiểu biết nông cạn nên thường tín phụng, chỉ nên dạy họ niệm Phật. Nếu muốn niệm kinh, hãy nên niệm Tâm Kinh, văn ít, nghĩa lý phong phú, công đức vô lượng vô biên. Những thứ kinh ngụy tạo kia, xét theo lý, tụng chúng còn bị mắc tội; chẳng qua bọn họ dùng tâm chí thành niệm nên cũng chẳng thể nói là hoàn toàn không có công đức, chỉ được công đức do thành tâm nhưng rất nhỏ nhoi; sao bằng niệm Phật, niệm Tâm Kinh thù thắng hơn! Niệm Phật, niệm Tâm Kinh công đức như biển cả. Niệm kinh ngụy tạo chỉ được một giọt, hoặc chưa được một giọt!

***

[1] Kinh Địa Mẫu có tên gọi đầy đủ là Vô Thượng Hư Không Địa Mẫu Huyền Hóa Dưỡng Sanh Bảo Mạng Chân Kinh, có nội dung ca ngợi Mẹ Đất, kêu gọi người đời phải kính trọng Địa Mẫu vì Địa Mẫu sanh thành muôn vật, muôn hình tượng, ngay cả kim thân của chư Phật cũng do Địa Mẫu tạo ra (sic!). Địa Mẫu rất được sùng bái tại Trung Hoa. Hỗn Độn Cổ Phụng Cung (miếu thờ Địa Mẫu ở trấn Ngọc Lý, huyện Hoa Liên, Đài Loan) thậm chí còn coi Địa Mẫu tương ứng với Thượng Đế sáng tạo trong thần thoại phương Tây, và xem những danh hiệu Hồng Mông Lão Tổ, Hỗn Độn Lão Tổ, Vô Cực Chí Tôn, Vô Cực Lão Mẫu đều là những biệt danh của Địa Mẫu Nương Nương.