Thư trả lời cư sĩ Lý Huệ Thật

(thư thứ nhất)

Tánh tình ông thường ưa nói những lời vô vị. Nhà ông chẳng dư dật, lại còn có mẹ già, sao lại nói “muốn tìm chỗ thanh tịnh để nhất tâm tu đạo?” Ông làm việc ở Cục Điện Lực, nếu xem kinh tham Thiền thì công việc bận bịu vô cùng, thật khó thể dụng công! Nếu nói niệm Phật, chỉ sợ ông chẳng phát chân tâm. Nếu thật sự phát tâm liễu sanh tử thì tuy đông người cũng chẳng đến nỗi bị trở ngại, bởi lẽ niệm Phật chỉ có một câu, dẫu cho bận bịu cũng chẳng thể phiền rộn được! Nếu tâm ông chẳng chán ghét [pháp Niệm Phật] thì cố nhiên chẳng chướng ngại cho lắm. Nếu ông sanh lòng chán, sẽ trở thành [niệm Phật] một khắc cũng thấy khó thể chịu đựng! Ông chẳng thể bỏ nhà để kiếm chốn yên tịnh niệm Phật, sao lại xin tôi quyết đoán, há chẳng phải là coi như chuyện đùa ư? Nếu ông có thể khuyên cha mẹ già, khuyên vợ con cùng tu Tịnh nghiệp, há chẳng bằng ông ở riêng một chỗ vắng lặng để niệm Phật ư?

Hơn nữa, đối với những chuyện thù tiếp thuộc về phương diện tình cảm giữa con người với nhau, nếu ông lấy cớ tu hành để giảm dần đi, ắt người ta chẳng đến nỗi trách móc. Hoặc khi bất đắc dĩ thì thù tiếp đại khái, chuyện gì bớt được thì bớt, có gì là không được? Sống trong cõi trần học đạo, nếu tu các pháp môn khác thật khó được lợi ích; chứ nếu tu Niệm Phật thì thật là ổn thỏa, thích đáng tột bậc! Nhưng do ông không có chuyện gì cứ bới ra chuyện, vọng tưởng quá nhiều, đừng nói là “chưa có được chỗ yên tịnh sẽ khó được lợi ích”, ngay cả khi đã có được chỗ yên tịnh rồi, vẫn khó được lợi ích! Sao ông khổ sở dùng tinh thần hữu dụng để nói năng, so đo vô ích, tự phiền, rộn người? Hãy nên tận lực ngăn ngừa bệnh này, tùy phận dụng công; đọc kỹ Văn Sao thì sẽ tự có thể trong hết thảy chỗ đều tự tại yên vui vậy! (Mồng Tám tháng Tư)

(thư thứ hai)

Tánh tình của ông chuyên môn tìm tòi, bàn nói những chỗ không quan trọng, khẩn yếu! Ví như kẻ thích đồ cổ, đầy nhà là đồ cổ, cũng có món giá trị thật sự quý báu, nhưng cũng có cái chẳng đáng một hai đồng, nhưng tự mình vẫn tưởng là quý báu không thể tính giá được! Thông thường, hễ có khách đến liền dẫn người ta đi xem, kèo nài người ta thưởng lãm. Do đấy ôm lòng kiêu căng, khoe khoang, cho là “vật quý báu trong thiên hạ đều về tay ta!” Tới khi họa hoạn xảy đến, những thứ vật báu ấy đúng là tăng thêm họa táng thân, trọn chẳng có ích được một đồng. Những gì ông nghiên cứu để thưa hỏi trọn chẳng khác gì chuyện này! Nay may mắn được răn nhắc, liền gấp muốn coi trọng chuyện liễu sanh tử, nhưng cái tâm cứu độ cha mẹ lại chờ cho tới sau khi được vãng sanh đắc [Vô Sanh Pháp] Nhẫn! Sao không nói với cha mẹ, vợ con về nỗi khổ sanh tử luân hồi, mối họa do ăn thịt, sát sanh ngay trong khoảng thời gian này, khiến cho hai cụ già và vợ con đều cùng niệm danh hiệu Phật, cùng sanh về Tây Phương vậy?

Nếu ông có thể chân thật phát tâm chí thành, đối trước đức Phật sám hối thay cho hai cụ, tuy hai cụ không tin tưởng nhưng rồi cũng sẽ tin tưởng. “Lòng Thành đến cùng cực, đá vàng còn phải nứt”, huống hồ hai cụ vốn yêu thương con ư? Nếu có thể vứt sạch tập khí bàn bạc, nghiên cứu mù quáng trước kia, chắc chắn sẽ được lợi ích lớn lao. Nếu không, sẽ trọn chẳng khác gì kẻ ưa chơi đồ cổ, gieo được cái nhân xa đã là chuyện may mắn lắm rồi! Nhưng vẫn mắc tội bàn luận Phật pháp xằng bậy cũng chẳng phải nhỏ đâu! Một pháp Niệm Phật hết thảy mọi người đều nên tu, hết thảy mọi người đều có thể tu được, sao chẳng uyển chuyển khuyên hai cụ [tu pháp ấy] ngay trong lúc này?

Ông nói ra những lời lẽ ấy, biết ông đọc Văn Sao vẫn theo kiểu cưỡi ngựa vùn vụt xem đèn, trọn chẳng suy xét tường tận những điều đã được nói [trong bộ sách ấy]! Xin hãy nương tựa toàn thân nơi Văn Sao và An Sĩ Toàn Thư. Tuy Thọ Khang Bảo Giám vẫn chưa phải là sách quan hệ khẩn yếu cho chính mình, nhưng hãy nên lấy đó làm của báu gia truyền, lại hãy nên nói với hết thảy những kẻ trẻ tuổi về lẽ lợi – hại, hãy nên khuyên hết thảy những người già nương theo đó mà răn nhắc con cháu. Dùng những điều này để tự hành, lại còn dạy người, nhờ vào công đức ấy ắt sẽ có thể làm cho cha mẹ già và vợ con cùng thoát khỏi biển khổ.

Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Thật, nghĩa là áp dụng trí huệ vào thật sự, thật lý, chẳng còn Đông kéo Tây lôi, cũng như chỉ giải thoát nơi cửa miệng, trọn chẳng có lợi ích thật sự gì! Ông đọc kỹ Văn Sao sẽ chẳng đến nỗi bỏ lơ hai cụ già, chỉ mong vãng sanh Tây Phương đắc Nhẫn rồi mới cứu độ họ. Trong tháng Nhuận, Quang sẽ sang Thượng Hải, sợ là tháng Ba vẫn còn ở Thượng Hải. Chưa đến Phổ Đà thì đừng nên tới Phổ Đà ngay. Nếu cứ muốn tới, nên tới chùa Thái Bình ở bến Trần Gia, Thượng Hải hỏi thăm sẽ biết rõ là Quang còn ở đó hoặc đã qua nơi khác. Quang rất muốn ai cũng niệm Phật vãng sanh Tây Phương cho nên mới dài dòng một phen như thế này!

 (thư thứ ba)

Đầu mùa Đông năm ngoái tôi phải giảo chánh sách, đến ngày Hai Mươi Mốt lại bị bệnh hơn cả tuần, nay đã bình phục. Để thỏa nguyện cho ông bèn soạn một bài tựa. Dùng nguyên tên gọi và đăng ảnh chụp đều là cách để cầu danh chuốc nhục, đấy chính là điều Quang ghét cay ghét đắng. Xin ngàn muôn phần chớ bắt chước kiểu cách hời hợt hoa mỹ trong cõi đời mấy lúc gần đây. Mọi người hãy nên chú trọng thực hiện tiết kiệm, chất phác, chuyên chí tu trì sẽ có lợi ích lớn lao! Năm Dân Quốc thứ chín (1920) có mấy đệ tử ấn hành Văn Sao ở Thượng Hải (tháng Giêng năm Dân Quốc thứ mười in xong, chính là bản Văn Sao gồm hai cuốn), liền thỉnh ý Quang về chuyện đăng ảnh chụp, viết tiểu sử; Quang bảo nếu làm như thế sẽ nhất quyết không chấp nhận cho in Văn Sao, họ bèn thôi.

Ông chẳng biết chuyện ấy, vì thế tôi nói với ông để ông khỏi xoay sở xin ảnh chụp rồi in bừa bãi. Dẫu Quang chẳng thể vãn hồi thói xấu hời hợt, hoa mỹ, xa xỉ, lòe loẹt trong cõi đời gần đây, nhưng quyết chẳng chịu theo sóng đuổi sóng để bắt chước làm như họ! Lời tựa gồm hơn bốn trăm chữ, in thành một trang, ghi tên người làm công đức đằng sau; bài kệ Hồi Hướng chỉ dùng những câu văn trong kinh Hoa Nghiêm: “Nguyện tương dĩ thử thắng công đức, hồi hướng pháp giới chư hữu tình, phổ nguyện trầm nịch chư chúng sanh, tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát” (Nguyện đem công đức tuyệt vời này, hồi hướng hữu tình các pháp giới, nguyện khắp chúng sanh đang đắm chìm, mau sanh cõi Phật Vô Lượng Quang) là được rồi, chứ chẳng cần phải viết gì khác!