Thư trả lời cư sĩ Lâm Phố

Bệnh di truyền cũng do túc nghiệp cảm thành, hãy nên chí thành khẩn thiết niệm thánh hiệu Phật và Quán Âm sẽ có thể được lành, chẳng còn di truyền nữa. Nói đến cửa ngõ giải thoát thì chỉ có một pháp tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Đây chính là pháp môn cậy vào Phật lực để có thể thực hiện xong chuyện liễu sanh tử ngay trong đời này. Nếu ai chẳng chuyên tu pháp này mà tu các thứ pháp môn khác thì hạng phàm phu sát đất chẳng thể thực hiện được [chuyện liễu sanh tử] trong một hai đời được! Chúng ta từ vô thủy đến nay vẫn luân hồi trong sanh tử đều là vì trong khi luân hồi vẫn chưa gặp được pháp môn Tịnh Độ, hoặc đã gặp nhưng chưa tu mà ra! Nay may mắn gặp gỡ, đừng để luống qua. Nay đặt pháp danh cho ông là Tông Tín. Do ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh là chánh tông của Tịnh Độ; điều cần thiết đầu tiên là lòng tin chân thật. Có lòng tin chân thật, nhất định sẽ có nguyện chân thật, hạnh chân thật. Nếu không, chẳng gọi là “lòng tin chân thật”. Một pháp Niệm Phật còn có thể siêu phàm nhập thánh, huống là chẳng chữa lành được bệnh di truyền ư?

Đã quy y Phật pháp, ắt phải tận lực thực hiện tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” và sáu sự “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia” để mong đất nước bình trị, thiên hạ thái bình. Cổ nhân nói: “Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm”. Trách nhiệm ấy nằm nơi đâu? Nằm ở chỗ “vật [dục] chẳng bị trừ khử”. Nếu chịu trừ khử, ắt sẽ trí tri, ý thành, tâm chánh, thân tu (một người được như thế thì cũng đã có lợi ích lớn lao. Ai nấy đều như thế sẽ thái bình). “Vật” (物) là gì? Chính là những tư dục trong tâm. “Cách” (格) là “cách trừ” (trừ khử), loại bỏ. Trong tâm con người không có tư dục thì tri kiến tự chánh. Ví như kẻ yêu vợ, yêu con, do trong tâm tình thương yêu lấp chặt, trọn chẳng thấy được những điều xấu của vợ con. Nếu không có tình yêu sẽ thấy ngay vợ con đúng hay sai như gương soi bóng, một tí ti cũng chẳng lầm lẫn.

Chớ nên hiểu theo cách họ Châu chú giải: “Thúc đẩy tri thức của ta đến cùng cực là trí tri, thấu hiểu cùng tận lý của mọi sự vật trong thiên hạ là cách vật”. Nếu nói như thế thì ngay cả thánh nhân cũng chẳng làm được! Chuyện chánh tâm thành ý dẫu là thất phu, thất phụ không biết một chữ nào, chỉ cần không có lòng ham muốn thiên vị, riêng tư đều có thể làm được! Tám chuyện “cách, trí, thành, chánh, tu, tề, trị, bình” nếu luận trên mặt gốc chỉ là một chuyện “cách vật” (格物: Trừ khử vật dục). Vật dục đã được trừ khử rồi, sự thấy biết sẽ đạt đến tột cùng (trí tri: 致知), ý thành, tâm chánh, thân tu. Họ Châu biến cội gốc cực thân thiết, cực đơn giản, dễ dàng thành cành nhánh cực xa xôi, cực lợt lạt, cực khó thể cùng tận, chôn vùi gốc đạo trị thiên hạ của thánh nhân, đến nỗi kẻ hậu học học theo thánh nhân mà chẳng hiểu được pháp tắc để thực hiện một cách thân thiết nhất, nên hoàn toàn chú trọng chuyện bên ngoài chứ không tự phản tỉnh bề trong. Đã thế, lại còn đả phá, bài xích sanh tử, luân hồi, nhân quả, báo ứng, cho là không có, đến nỗi hoại loạn Ngũ Luân, Bát Đức, phá xập phên giậu đạo đức. Tội ác khiến cho hết thảy sanh linh lầm than đều phát sanh bởi đây, chẳng đáng buồn ư? Bệnh di truyền ấy rất lớn, rất độc, nếu chẳng phải là bậc đại y vương Đại Giác Thế Tôn sẽ chẳng thể trị được!

Lời này Quang chỉ nói với ông, ông đừng nói bừa với kẻ vô tri. Nếu không, sợ rằng mọi người đều tuốt kiếm đứng lên, sẽ không có cách nào cứu được đâu! Đã quy y Phật, ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật, dùng lòng tín nguyện sâu cầu sanh Tây Phương. Dùng điều này để tự hành, lại còn đem dạy người, ngõ hầu chẳng uổng cuộc đời này, chẳng uổng dịp gặp gỡ này!

Nghề nghiệp của Hoa Tôn hơi khó tu trì, nhưng hễ có lòng Thành sẽ tự có cảm ứng. Nay tôi dùng một chuyện để làm chứng. Nơi đường lớn phía trong cửa Phụ Thành, Bắc Kinh có quán bán thức ăn mặn lớn tên là Cửu Như Xuân, buôn bán rất phát đạt. Một đêm, viên quản lý mơ thấy vô số người đến đòi mạng, tâm biết là những con vật bị giết, bèn nói với họ: “Tôi chỉ có một thân, đền mạng cho các vị đông như vậy thì đền tới chừng nào mới xong? Từ nay tôi chẳng theo nghề buôn bán này nữa, sẽ thỉnh bao nhiêu đó vị hòa thượng niệm kinh, niệm Phật siêu độ cho các vị, được chăng?” Đa số trả lời “được”, chỉ có một số ít không bằng lòng, nói: “Ngươi vì mấy đồng hoặc vì mấy cắc bạc mà giết bọn ta khổ sở lắm. Nếu làm vậy thì thuận tiện cho ngươi quá!” Nhóm đa số khuyên nhóm thiểu số: “Nếu hắn chịu làm như vậy, tốt đẹp cho cả đôi bên, nhận lời hắn đi!” Nhóm thiểu số nói: “Hắn có thật sự làm được thì mới tốt”. Viên quản lý nói: “Nhất định thực hiện được. Nếu không, các ông lại đến tìm tôi”. Do vậy, bọn họ liền bỏ đi.

Nhằm đúng lúc ấy là canh năm phải giết [loài vật], phổ ky[1] thức dậy sắp giết; gà, vịt v.v… đều chạy tứ tán ra khỏi chuồng, họ vội mời viên quản lý thức dậy để thưa chuyện. Viên quản lý nói: “Hôm nay chúng ta không mở cửa, không giết những con đã bỏ chạy. Những con ở trong tiệm thì nhốt lại, con nào bỏ chạy rồi cứ để mặc cho nó đi”. Ngày hôm sau, mời các cổ đông (người góp vốn) đến thuật lại giấc mộng hồi đêm, từ bỏ chuyện làm ăn, quyết định không làm nữa! Cổ đông nói: “Ông đã không muốn sát sanh, chúng ta thay đổi chương trình cũng chẳng trở ngại gì, biến thành quán ăn chay”. Bèn đổi thành quán đồ chay, vẫn mang tên là Cửu Như Xuân. Do vậy, người ăn chay rất đông, càng phát đạt hơn.

Nếu ông có thể phát tâm lợi người lợi vật chí thành niệm Phật và niệm thánh hiệu Quán Âm để cầu gia bị thì người góp vốn và người quản lý đều bỏ được chuyện giết heo, bởi [cửa tiệm bán] hàng hóa mua về từ kinh đô là chuyện chánh, bán thịt chỉ là chuyện kèm thêm. Ông nói ngồi niệm trên giường sợ [mắc tội] khinh nhờn là vì chẳng biết khi ngủ cũng niệm được, nhưng niệm thầm, đừng niệm ra tiếng. Mẹ ông thương yêu ông, nói ăn chay thân thể gầy yếu; cụ chẳng biết ăn thịt có chất độc, chẳng hợp phép dinh dưỡng, lại còn phải nợ mạng. Hãy nên uyển chuyển khuyên mẹ ông ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Cũng nên bảo vợ con ăn chay. Nếu chẳng thể ăn chay hoàn toàn thì nói chung phải chú trọng kiêng sát sanh trong nhà. Dẫu mua thứ đã làm sẵn cũng không nên ăn nhiều. Ăn nhiều phải trả nhiều, ăn ít trả ít, không ăn không phải trả! Nếu ông có thể khiến cho người góp vốn và viên quản lý trong tiệm cảm động thì sau này những người tiếp tục đề xướng sẽ nhiều. Công đức ấy do ông khởi đầu, lợi ích lớn lắm.

Nên thường đọc Văn Sao hoặc Gia Ngôn Lục (Sách này trích lục những điều thiết yếu từ Văn Sao, trình bày theo lối chia môn, phân loại để người mới học dễ xem đọc). Nay đặt pháp danh cho ông là Tông Nguyện (Tông là chủ, có chủ (tức chủ kiến) thì sẽ chẳng bị những thứ khác xoay chuyển). Niệm Phật có tín – nguyện, quyết định sẽ được vãng sanh Tây Phương khi lâm chung. Không có tín – nguyện thì chỉ được phước báo trời – người mà thôi! Có tín không có nguyện thì chẳng gọi là chân tín. Có nguyện mà không có tín thì chẳng gọi là chân nguyện. Hai pháp tín – nguyện như hai bánh của cái xe, như hai cánh của con chim, thiếu một chẳng thể được! Nay gởi cho hai người bọn ông mỗi người một cuốn Đồng Mông Tu Tri[2]. Cuốn sách này tuy nhỏ nhưng những sự tích cảm ứng về Phật học được in kèm theo sách ấy và năm bài văn do Quang viết đều có quan hệ lớn đối với thế đạo nhân tâm.

Chuyện sữa [bị biến thành chất] độc [khi người mẹ nóng giận] giết chết trẻ thơ các nhà danh y xưa nay chưa hề tìm ra. Biết sữa của người nóng giận bừng bừng sẽ giết trẻ thì sẽ biết ăn thịt gây tổn hại lớn lao cho con người. Nợ mạng, đền mạng là chuyện thuộc về đời sau. Sữa độc giết trẻ một khi được chỉ rõ liền biết những người phụ nữ sanh nhiều mà không nuôi được mấy và con cái lắm bệnh đều do người mẹ ưa nóng giận mà ra! Nóng giận đùng đùng [mà cho con bú] con sẽ chết ngay; nóng giận vừa vừa, tuy con chẳng chết ngay, ắt sẽ thường bị bệnh. Phàm muốn cho con cái khỏe mạnh, không bệnh, hãy nên tập thành tánh nhu hòa thì mới được! Xin hai vị hãy suy xét cặn kẽ!

***

[1] Nguyên văn là “khỏa kế”. Thông thường, những người cùng giúp việc kiếm ăn cho mình được gọi là Khỏa Kế (夥計). Do vậy, những người hầu trong các tiệm ăn cũng được gọi là Khỏa Kế. Ta thường đọc chữ này theo giọng Quảng Đông thành Phổ Ky.

[2] Đồng Mông Tu Tri (trẻ nít nên biết) là một tài liệu do Châu Hy biên soạn vào đời Tống nhằm làm tài liệu dạy dỗ trẻ nhỏ về đức dục, khuôn phép ứng xử. Đến đời Thanh, ông Lý Dục Tú rút gọn thành cuốn Đệ Tử Quy.