Thư trả lời cư sĩ Hùng Huệ Dực

(năm Dân Quốc 20 -1931)

Sách Lễ Ký chép: “Nghĩ nhân tất ư kỳ luân” (Nếu là con người ắt phải trọn luân thường), huống gì là bậc thánh nhân Trung Quốc tái lai ư? Kiểu ăn nói ấy sau này chớ nên sử dụng nữa! Hễ dùng đến thì đôi bên đều bị lỗi, ông phải cẩn thận!

Cha mẹ ông tuổi đã cao, đúng là lúc nên mềm mỏng khuyên họ ăn chay niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Đã biết đến pháp môn này, nỡ nào để cha mẹ ta chẳng được hưởng lợi ích hay sao? Hãy nên làm cho anh em trai, chị em gái, thê thiếp, con cái, họ hàng, bạn bè và hết thảy những người quen biết cùng tu Tịnh nghiệp. Đem công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ ông, chắc chắn họ có thể cao đăng chín phẩm.

Ông muốn quy y, nhưng ở chỗ ký tên, tuyệt chẳng thấy một chữ nào nhún mình! Chiếu theo lý, quyết chẳng thể chấp nhận, bởi chấp thuận sẽ tạo thành cái tội mạn pháp (khinh thường pháp) cho cả đôi bên. Phải biết: Quy y giống như bái sư trong thế gian. Thế gian bái sư há chỉ nói “cẩn khải” (kính xin) là xong ư? Xưa kia, Thanh Thế Tổ gởi thư cho môn nhân của Ngọc Lâm Quốc Sư là Lữu Khê [Hành] Sâm[1] còn ghi: “Pháp đệ Hành Si (tức pháp danh của Thế Tổ) hòa-nam”. Ông ta là hoàng đế gởi thư cho đồng môn mà còn như thế đấy! Ông muốn quy y mà chỉ nói “cẩn khải” với vị thầy mà ông tính quy y thì thất lễ đến cùng cực! Đi đường hỏi lối còn phải chắp tay, hoặc vái chào, huống chi muốn nhờ vào [chuyện quy y] này để liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, mà chỉ “cẩn khải” rồi thôi, há có được ư? Người thật sự tin tưởng Phật pháp thấy hết thảy các vị Tăng còn kính lễ, huống gì đối với vị thầy quy y ban đầu ư? Nếu đích thân [đến] quy y, phải dập đầu mấy chục lượt, quỳ hơn một tiếng đồng hồ. Dẫu nói dễ dãi, không thăng tòa[2] thì cũng phải dập đầu mười mấy lượt.

Nhưng xem thư ông lời lẽ khá kiền thành, nên bỏ qua, nhưng vẫn phải nói rõ cho ông, chứ không phải mong được ông cung kính, mà là muốn cho ông biết Phật pháp tôn quý, ngõ hầu ông tự được lợi ích thật sự. [Tượng] đức Phật bằng đất nặn, gỗ khắc, nếu cung kính như đức Phật thật thì liền có thể siêu phàm nhập thánh. Nếu coi là đất – gỗ y như cũ thì tội ấy chẳng kham nói được! Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, nên hướng đến sự cung kính mà cầu. Ông có thể hành theo đây thì lợi ích ấy chỉ có đức Phật biết được. Nay đặt cho ông pháp danh là Huệ Dực, nghĩa là vốn sẵn Phật Tánh, nhưng không có Huệ sẽ không sao biết được[3]. Nếu thường dùng trí huệ để giúp sức thì sẽ dần dần đoạn được phiền não, dần dần hiển hiện được Phật Tánh. Nhưng muốn đoạn, muốn hiển, chỉ có một pháp Niệm Phật là thẳng chóng nhất. Nên đọc kỹ Gia Ngôn Lục, Văn Sao v.v… thì sẽ tự biết được cách tu trì.

Phải biết: Muốn học Phật thì trước hết phải bắt đầu từ giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Nếu việc làm, tâm tư trái nghịch với Phật, dẫu suốt ngày niệm Phật, lợi ích rất nhỏ! Như gieo hạt lúa tốt nơi đất cát mặn, khó trúng mùa lớn. Nhưng thường niệm Phật sẽ trọn chẳng có nuối tiếc gì. Cõi đời hiện thời nguy hiểm tột bực, nếu chí tâm thường niệm Phật hiệu và niệm kèm thánh hiệu Quán Âm, thảy đều gặp dữ hóa lành, gặp nạn thành may. Chịu lắng lòng đọc Văn Sao v.v… thì cũng có thể hiểu đạo tu trì một cách đầy đủ vậy!

***

[1] Hành Sâm (1614-1677) là cao tăng thuộc tông Lâm Tế, sống vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh, người huyện Bác La (Quảng Đông), hiệu là Lữu Khê, biệt hiệu là Từ Ông. Mẹ ngài sắp đến ngày sanh, nằm mộng thấy ánh sáng trắng chiếu vào bụng, tỉnh dậy bèn sanh ra ngài. Sư dáng mạo hùng vĩ, tuấn tú. Năm bảy tuổi, bị bệnh, đang nằm dựa vào gối, chợt nghe tiếng trống liền nhận biết túc căn bèn quyết chí xuất gia với ngài Tông Bảo, rồi tham học với ngài Tuyết Kiểu Viên Tín của tông Vân Môn. Sau ngài yết kiến Phổ Tế Năng Nhân Quốc Sư Ngọc Lâm Thông Tú, được thấu hiểu tâm yếu. Ngài Ngọc Lâm thường sai Sư thay mặt mình thuyết pháp, tiếp dẫn hải chúng. Quốc sư còn phó chúc truyền thừa pháp hệ. Năm Thuận Trị mười bảy (1660), ngài Ngọc Lâm vâng thánh chỉ vào kinh, Sư theo hầu, rất được vua Thuận Trị coi trọng, thậm chí xưng tụng Sư là Đại Thông Phật. Vua nhiều lần toan hạ chiếu phong tước hiệu, nhưng Sư đều tìm cách khéo léo từ chối. Sau khi từ núi Ngũ Đài trở về, xin vua cho phép được ẩn cư tại Long Khê Am ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Vua bèn hạ chiếu biến Long Khê thành Viên Chiếu Tự, ân sủng rất hậu. Năm Khang Hy 16 (1677), Sư thị tịch tại chùa Hoa Nghiêm thuộc Ngô Sơn, thọ 64 tuổi. Năm Ung Chánh 11 (1733), hoàng đế lại sắc phong cho Sư thụy hiệu Minh Đạo Chánh Giác Thiền Sư. Những câu nói của sư được thâu thập vào Ngự Tuyển Ngữ Lục quyển thứ 11. Quyển này về sau được lưu hành riêng trong cõi đời với tên gọi Lữu Khê Sâm Thiền Sư Ngữ Lục.

[2] “Thăng tòa” ở đây có nghĩa là vị pháp sư truyền giới lên tòa, trước hết dạy người muốn quy y sám hối, phát nguyện quy y Tam Bảo, đảnh lễ cầu giới, phát nguyện thọ giới.

[3] Dực có nghĩa là giúp đỡ.