Thư trả lời cư sĩ Hoàng Đức Vỹ

Nhận được thư đầy đủ, lời dạy của Đa Đa Bồ Tát có thể nói là chân thật đến cùng cực. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát và Đa Đa Bồ Tát như cùng một đường mà ra; đủ thấy chuyện cầu cơ chẳng đáng để nương tựa! Bồ Tát làm chuyện phi đạo để thông đạt Phật đạo![1] “Trước hết phải dùng dục lôi kéo để sau đấy sẽ thâm nhập Phật trí”[2], qua chuyện này có thể thấy trọn. Đa Đa Bồ Tát đã có đại ân, quả thật chẳng thể quên, nhưng cũng chớ nên đưa tên Ngài vào nghi thức niệm Phật. Trong nghi thức niệm Phật thì ngay cả danh hiệu của Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Di Lặc cũng không đưa vào, huống là các vị khác ư? Nhưng các vị Bồ Tát ấy đều cùng gộp trong danh hiệu Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. Nếu thêm tên Đa Đa Bồ Tát vào, cố nhiên đối với Tịnh Nghiệp Xã của các ông chẳng trở ngại gì, nhưng nơi khác không biết sẽ đâm ra chuốc lấy sự nghi ngờ, dị nghị. Chỉ nên thờ Ngài riêng một chỗ, sáng chiều lễ bái là được rồi!

***

[1] Do túc duyên của những người cầu cơ, hai vị Bồ Tát cùng mượn cơ bút để hướng dẫn họ phát khởi tín tâm, tu tập Tịnh Độ. Khi tín tâm của họ đã vững chắc, cả hai vị đều cùng quyết liệt răn cấm họ không được cầu cơ, không được tin tưởng theo cơ bút nữa.

[2] “Dục” ở đây là những ham muốn, ưa thích, xin đừng hiểu hạn hẹp là “dục vọng xác thịt”. Các ông này ham thích cầu cơ, xướng họa thi văn với tiên, do thiện căn của họ đã chín muồi, Bồ Tát liền vờ xưng là tiên giáng đàn để hướng dẫn họ về Phật đạo. Cũng cùng một mục đích, kinh luận nhà Phật thường nêu lên rất nhiều công đức nhằm phát khởi lòng ham muốn đạt được thiện báo của chúng sanh để họ tu tập theo pháp môn được dạy trong một kinh, chẳng hạn kinh Pháp Hoa nói người trì kinh sẽ có bao nhiêu công đức nơi thân, miệng, ý v.v… khiến cho người nghe hâm mộ, sốt sắng đọc tụng để dần dần sẽ ngộ nhập được Nhất Thừa.