Thư trả lời cư sĩ Hóa Phàm

Nhận được thư đầy đủ, pháp môn Tịnh Độ là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp. Nếu đời trước không có Tịnh nhân, sẽ rất khó sanh lòng tin. Thiền giả lấy “kiến tánh thành Phật” để tự khoe tài, Giảng giả (người học Giáo) lấy hoằng dương Giáo Quán để tự khoe khoang. Họ chẳng những không chịu đề xướng [pháp môn Tịnh Độ], mà còn cực lực đả phá, bài xích, đa phần là như vậy. Chúng sanh đời Mạt Pháp chẳng gặp được pháp môn Tịnh Độ dẫu có thể minh tâm kiến tánh, thông hiểu Giáo Quán sâu xa, ai có thể chẳng đoạn Phiền Hoặc mà liễu sanh thoát tử được? Quang túc nghiệp sâu nặng, mới sanh được sáu tháng liền bị bệnh mắt, từ đấy suốt một trăm tám mươi ngày chưa từng mở được mắt, trừ lúc ăn ngủ ra, khóc suốt ngày đêm. Đến khi lành bệnh, còn được thấy bầu trời. Vào trường đi học, trúng phải chất độc của Hàn – Âu – Châu – Trình rất sâu, may không có tài như các ông ấy. Nếu không, đã mang quả báo hãm vào đọa địa ngục ngay trong khi còn sống rồi! Về sau biết họ sai trái, do vậy liền xuất gia. Cửa ngõ Tông – Giáo cao vời, không sức nào ngóng dò được, chỉ mong cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương.

Hai mươi năm trước, nhập chúng tại chùa Pháp Vũ núi Phổ Đà, sống nhàn tản. Hai chữ Ấn Quang trọn chẳng dùng trong các giấy tờ viết lách, vì thế được yên vui không phiền nhiễu. Năm Dân Quốc thứ sáu (1917), đã có hai người (tức Từ Úy Như và Châu Mạnh Do) đem những lá thư Quang gởi cho bè bạn in thành mấy ngàn bản tặng cho người khác. Năm sau, Từ Úy Như in Văn Sao. Từ đấy, hằng ngày không được rảnh rỗi. Quang chỉ đem pháp môn Tịnh Độ nói với bọn họ, mặc cho người ta bảo tôi “vô tri vô thức!” Ông đã đọc Văn Sao, An Sĩ Toàn Thư, Liễu Phàm Tứ Huấn v.v… hãy dùng những điều ấy để tự hành, dạy người, chắc chắn thừa thãi có dư. Nếu còn nghiên cứu Tông, Giáo, trộm sợ rằng thấy lời lẽ nhà Thiền huyền diệu, lý bên Giáo sâu xa, lại coi Tịnh Độ như chuyện vặt vãnh, đâm ra chẳng ổn thỏa, thích đáng bằng kẻ chất phác chẳng biết gì cứ nhất tâm niệm Phật! Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ. Từ nay nếu không có chuyện gì hết sức cần thiết, đừng gởi thư tới, bởi không có mục lực để xem và trả lời được!

Nay đặt pháp danh cho ông là Sư Viễn. Viễn chính là đại sư Huệ Viễn ở Lô Sơn vào đời Tống, tức là vị Tổ sáng lập tông Tịnh Độ. Lấy Viễn Công để tôn thờ, học theo, sẽ chẳng đến nỗi bị tri thức các tông trong hiện tại lay động, mê hoặc.

Những kẻ học Phật trong cõi đời đều lấy khai ngộ làm chí hướng, sự nghiệp, chẳng biết “tuy ngộ nhưng chưa chứng thì vẫn chẳng thể liễu thoát được!” Dẫu là bậc đã chứng Sơ, Nhị, Tam Quả, vẫn khó thể trong đời sau chẳng do phước tạo nghiệp, hoặc đến nỗi đọa lạc trong ác đạo. Bậc chứng Tứ Quả mới liễu sanh tử. Đây là nương theo Tiểu Thừa mà nói! Chứ nếu luận theo Viên Giáo trong Đại Thừa mà nói thì Sơ Tín đoạn Kiến Hoặc giống như Sơ Quả trong Tiểu Thừa. Thất Tín đoạn sạch Tư Hoặc, mới liễu sanh tử. Từ Sơ Tín đến Lục Tín vẫn chưa thể liễu sanh tử. Phàm tình chẳng thể suy lường được thần thông, trí huệ của bậc Bồ Tát thuộc địa vị Sơ Tín, huống là các địa vị Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục Tín ư?

Người tham Thiền thường vì [người học] Tịnh Tông lẫn Giáo Tông chẳng đáp được cơ phong chuyển ngữ mà cho là đạo Thiền cao siêu huyền diệu, người khác chẳng thể biết được! Thật ra kẻ khởi lên tri kiến như thế cũng chẳng hiểu ý cổ nhân. Nếu là người thật sự biết, ắt sẽ không có thái độ tự khoe tài, tự kiêu căng. Vì sao vậy? Do lời tuyệt diệu cũng là lời cực bình thường, chẳng những hiểu [những câu cơ phong chuyển ngữ ấy] cũng không giúp được gì, ngay cả đại triệt đại ngộ vẫn chẳng giải quyết được gì! Cần phải hoàn toàn chứng đắc mới giải quyết được việc! Trong đời sau, quả thật chẳng thấy được mấy ai chứng đắc!

Vào đầu đời Tống, Ngũ Tổ Giới thiền sư (Ngũ Tổ là tên chùa, Sư Giới thiền sư làm Trụ Trì chùa Ngũ Tổ, nên gọi là Ngũ Tổ Giới) danh lừng lẫy vũ trụ, môn đình cao ngất tựa Long Môn, chết đi [tái sanh] làm Tô Đông Pha (có sự tích chứng minh hẳn hoi). Do huệ lực đời trước, văn tự lẫn kiến địa của Đông Pha đều chẳng tầm thường, nhưng lại chẳng câu nệ tiểu tiết. Lúc ông Tô trấn thủ Hàng Châu vẫn thường kiếm kỹ nữ về vui thú. Đủ biết Sư Giới ngay cả Sơ Quả còn chưa chứng được! Vì sao vậy? Do bậc Sơ Quả đắc Đạo Cộng Giới[1] (tự nhiên là như vậy), tùy ý chẳng phạm giới. Nếu không xuất gia thì cũng lập gia đình. Dẫu đem cái chết uy hiếp để ép buộc vị ấy phạm tà dâm, vị ấy bèn thà chịu chết chứ quyết chẳng chịu phạm! Nếu Thiền giả biết nghĩa này, đâu dám miệt thị Tịnh Độ, đề cao Thiền tông, nhường cho ngu phu ngu phụ nương theo Phật từ lực để vãng sanh, còn chính mình cam phận ở trong luân hồi, chẳng muốn thoát khỏi ư? Quang nói lời này là vì sợ ông chẳng biết nguyên do, bị Thiền giả áp đảo, bèn bỏ Phật lực để cậy vào tự lực, đến nỗi sẽ liễu sanh tử trong năm con Lừa (Cho đến hết đời vị lai cũng không có năm con Lừa).

Lời kệ đính kèm theo Một Lá Thư Trả Lời Khắp đề cao Quang quá lố, khiến Quang hổ thẹn khôn ngằn! Nay gởi cho ông một trang Dược Phương, do giấy trắng chẳng thể phê được, nên nay đem kèm vào đây. Toa thuốc trị bệnh sốt rét, chẳng nệ bệnh đã một hai năm, hoặc mười mấy năm, đều hễ trị liền lành. Toa thuốc cai nghiện á phiện còn có thể trị bệnh khí thống nơi gan và bao tử. Tuy bệnh đã mười mấy năm cũng hễ trị liền lành, chẳng cần phải bỏ thêm thuốc phiện vào[2]!

Loại cao trị bệnh cùi còn có tên là Thương Nhĩ Cao. Nếu dùng nồi lớn để sắc thuốc, thì phải dùng một miếng tre hoặc miếng ván rộng bốn tấc, dày nửa tấc, dài bảy tám thước [để làm đũa khuấy] (ngắn thì người ta phải [ghìm chặt] miếng ván để khuấy mạnh, quá tốn sức. Đũa dài thì chỉ cần khuấy nhẹ, đỡ tốn sức), phía dưới vát xéo góc sao cho đụng đáy nồi; không ngừng khuấy vét đáy nồi để thuốc khỏi bị cháy khét dưới đáy đến nỗi mất dược tánh. Nồi nhỏ thì cũng dùng miếng ván nhỏ để khuấy vét. Đây chính là cách thắng đường. Do cao này phải nấu lâu; nếu không làm như thế nhất định sẽ bị cháy ở dưới đáy; chẳng thể không biết [điều này]! Ở phương Bắc ít bị bệnh này, phương Nam và các nước Tây Dương đều có. Các xứ chữa trị chỉ có thể giảm nhẹ, chứ chẳng thể trừ tận gốc. Thuốc này trừ được tận gốc, nên đặc biệt nói rõ cách nấu cao để mong có lợi, không điều tệ.

***

[1] Đạo Cộng Giới: Giới tương ứng với Đạo, có năng lực tự nhiên giữ giới thanh tịnh không cần phải tác ý chú tâm giữ giới mà không bao giờ phạm giới.

[2] Toa thuốc này vốn để dùng trị nghiện thuốc phiện. Trong cách uống có nói bệnh nhân vừa uống thuốc vừa giảm bớt liều lượng thuốc phiện, nên nếu không nói rõ người dùng toa thuốc ấy để trị bịnh khí thống sẽ tưởng là phải hút thuốc phiện theo phân lượng giảm dần như trong toa thuốc đã chỉ.